Marianne thức dậy sáng hôm sau vào cùng giờ như mọi ngày, và với mọi câu thăm hỏi đều trả lời cô đã khá hơn, cố tự chứng minh bằng cách vẫn làm các việc thường ngày. Nhưng một ngày trôi qua ngồi run rẩy bên lò sưởi với quyển sách trên tay mà cô không thể đọc, hoặc nằm trên ghế bành mà mệt mỏi và uể oải, không cho thấy tình trạng được cải thiện nhiều. Cuối cùng, khi đi nghỉ sớm, càng lúc cô càng yếu thêm. Đại tá Brandon chỉ ngạc nhiên về thái độ điềm tĩnh của cô chị; vì Elinor đã túc trực và chăm sóc em gái cả ngày, ngược lại với ý muốn của em, ép buộc dùng thuốc men vào buổi tối, giống như Marianne, với hy vọng là giấc ngủ sẽ giúp hồi phục, và không cảm thấy đáng lo thật sự.
Tuy nhiên, một đêm bứt rứt và nóng sốt làm cả hai thất vọng. Khi Marianne quyết tâm muốn thứ dậy, rồi thú nhận mình không thể ngồi dậy và tự nguyện nằm xuống giường trở lại, Elinor sẵn sàng nghe theo lời khuyên của bà Jennings mà gọi nhà bào chế thuốc° của gia đình Palmer.
Ông này đến, xem xét người bệnh, giúp Elinor phấn khởi mà tin rằng chỉ cần vài ngày để em gái bình phục. Tuy thế, khi cho biết tình trạng của cô em có xu hướng gây sốt và cho phép chữ “nhiễm trùng” thoát ra khỏi môi, ông lập tức khiến cô Palmer hoảng hốt vì nghĩ đến đứa trẻ của cô. Bà Jennings từ đầu đã nghĩ đến bệnh tình của Marianne một cách nghiêm túc hơn Elinor, bây giờ tỏ vẻ rất quan ngại qua báo cáo của ông Harris, đồng ý với nỗi lo sợ và tính thận trọng của Charlotte, nên bà khuyên hai mẹ con ra đi ngay. Dù xem nhẹ các âu lo, anh Palmer thấy không thể cưỡng lại sự lo lắng và nhũng nhiễu của cô vợ. Vì thế, họ quyết định là cô nên ra đi. Trong vòng một giờ sau khi ông Harris đến, cô mang đứa bé và người vú em đi đến nhà một người họ hàng gần của anh Palmer, cách vài dặm phía bên kia thị trấn Bath. Nghe theo lời khẩn khoản của cô vợ, anh chồng hứa sẽ đi sau trong một hoặc hai ngày.
Tuy nhiên, qua lòng tử tế từ thâm tâm khiến Elinor mến bà thật sự, bà Jennings tuyên bố nhất quyết không nhúc nhích ra khỏi Cleveland chừng nào mà Marianne còn yếu, và nỗ lực thế chỗ cho bà mẹ của cô qua sự săn sóc chăm chút của bà. Elinor luôn thấy nơi bà một người trợ giúp cần mẫn năng động, ước muốn chia sẻ mọi nhọc nhằn của cô, và thường giúp cho cô rất nhiều qua kinh nghiệm chăm nom người bệnh của bà.
Marianne đáng thương, dã dượi và suy sụp tinh thần do cơn bệnh và yếu ớt toàn thân, không còn nuôi hy vọng là ngày hôm sau sẽ được khỏe hơn. Chính ý nghĩ về ngày hôm sau sẽ mang đến điều gì càng khiến cơn bệnh trở nặng thêm, vì nếu không do cơn bệnh, ngày này họ đã bắt đầu chuyến đi trở về nhà; và được một gia nhân của bà Jennings hộ tống, hai chị em sẽ gây ngạc nhiên cho bà mẹ vào sáng hôm sau. Những gì cô có thể nói chút ít đều là ta thán sự chậm trễ này; dù cho Elinor cố gắng nâng đỡ tinh thần em gái và thuyết phục để em tin, như lúc ấy cô thực sự tin, rằng chỉ bị chậm trễ trong một thời gian ngắn.
Ngày hôm sau không cho thấy bệnh nhân có tiến triển tốt, chắc chắn cô không khá hơn nhưng không có vẻ tồi tệ hơn. Đoàn người bây giờ ít đi thêm; vì anh Palmer được Đại tá Brandon thuyết phục cuối cùng cũng giữ lời hứa với cô vợ, tuy anh không muốn đi một phần vì lý do nhân đạo và tốt bụng, một phần không muốn lộ vẻ sợ vợ. Trong khi anh đang sửa soạn, Đại tá Brandon, qua nỗ lực lớn hơn, cũng tỏ ý muốn ra đi. Tuy nhiên, ở đây lòng tốt của bà Jennings chen vào và được đánh giá cao nhất; vì bà nghĩ ông Đại tá ra đi trong khi người yêu của ông đang bối rối vì bệnh tình của em gái sẽ khiến cho cả hai hụt hẫng, nên bà nói ngay với ông rằng cần thiết ông phải ở lại Cleveland, rằng bà cần ông chơi bài vào buổi tối trong khi cô Daswood đang chăm sóc em gái trên lầu, vân vân. Bà khẩn thiết đến nỗi ông bằng lòng đáp ứng ý nguyện đầu tiên của con tim ông, và sau đấy không muốn ra vẻ lưỡng lự; đặc biệt khi anh Palmer nồng nhiệt ủng hộ bà Jennings, vì anh cảm thấy nhẹ nhõm để lại một người có năng lực như thế để giúp đỡ hoặc cố vấn cho cô Daswood trong bất kỳ tình huống khẩn cấp nào.
Dĩ nhiên là Marianne không hề biết gì về các sắp xếp này. Cô không biết mình là nguyên do xua đuổi các chủ nhân của Cleveland đi xa, khoảng bảy ngày từ khi họ đến đây. Cô không ngạc nhiên khi không hề thấy cái gì thuộc về cô Palmer; và vì việc này không gây quan ngại cho cô, cô không bao giờ nhắc đến tên gia chủ.
Hai ngày sau khi anh Palmer đi, tình trạng của Marianne hầu như không đổi. Ông Harris đến chăm nom cô mỗi ngày, vẫn cam đảm nói về một sự hồi phục nhanh chóng, và cô Daswood cũng lạc quan tương tự; nhưng các người khác không phấn khởi như thế. Lúc đầu, bà Jennings đã xác định Marianne khó lòng vượt qua. Đại tá Brandon luôn lắng nghe và không thể chống lại ảnh hưởng của các linh tính của bà. Ông cố gắng lý luận từ tâm lý sợ hãi mà nhà bào chế thuốc dường như cho là vô lý; nhưng nhiều giờ mỗi ngày trôi qua ông được để hoàn toàn một mình khiến ông dễ chấp nhận tư tưởng u uẩn, và ông không thể loại ra khỏi đầu óc ý nghĩ là mình sẽ không còn thấy mặt cô nữa.
-o0o-
Tuy nhiên, vào buổi sáng ngày thứ ba, các tiên đoán bi quan chứng tỏ là không đúng, vì khi ông Harris đến, ông cho biết bệnh nhân đã khá lên đáng kể. Mạch của cô đã mạnh hơn nhiều; mọi triệu chứng đều tốt hơn kỳ thăm bệnh trước. Elinor rất phấn khởi sau khi hy vọng của cô được xác nhận, vui mừng mà nghĩ lại rằng trong các lá thư gửi bà mẹ, cô đều trình bày phán đoán của mình thay vì là của ông bạn cô, để làm nhẹ nhàng việc họ trở về nhà muộn, và giờ đây cô gần như xác định được thời gian Marianne đủ sức để lên đường.
Nhưng ngày này kết thúc không được hứa hẹn như lúc khởi đầu. Vào buổi tối, Marianne lại trở bệnh thêm, lại nặng nhọc, bứt rứt và khó chịu hơn cả khi trước. Tuy thế, cô chị vẫn lạc quan, cho là em gái chỉ bị mệt mỏi vì phải ngồi dậy khi gia nhân dọn giường, cẩn thận cho em cô dùng thuốc trợ tim, hài lòng nhìn thấy em chìm vào giấc ngủ mà cô nghĩ sẽ cho kết quả tốt. Cô em ngủ được khá nhiều, tuy không ngon giấc như Elinor mong ước. Bổn chồn muốn được tự nhìn thấy kết quả giấc ngủ của em gái, Elinor ngồi luôn bên cạnh. Bà Jennings đi ngủ sớm hơn lệ thường, không biết gì đến diễn tiến của bệnh nhân; cô người hầu, là một trong những người chăm sóc chính, giải trí trong phòng quản gia, chỉ còn Elinor đơn độc cùng Marianne.
Cô em càng lúc càng trở nên bị chộn rộn. Chị cô vẫn liên tục quan sát mọi diễn tiến, nghe những tiếng than van đứt đoạn từ đôi môi em gái, vừa định đánh thức em từ giấc ngủ mộng mị, thì bất ngờ Marianne choàng tỉnh bởi một tiếng động trong ngôi nhà, ngồi bật dậy, với tiếng kêu điên cuồng trong cơn sốt:
- Mẹ có đến không?
Elinor che giấu nỗi kinh hoàng, giúp em gái nằm xuống:
- Chưa, nhưng chị mong mẹ sẽ đến đây sớm. Đường dài từ Barton đến đây, em biết mà.
Marianne thốt lên với cùng giọng gấp gáp:
- Nhưng mẹ không nên đi vòng qua London. Em không còn gặp được mẹ nữa nếu mẹ đi London.
Elinor hốt hoảng nhận ra em cô không còn tỉnh táo, và bắt mạch em khi cố gắng an ủi. Mạch yếu và nhanh hơn bao giờ; trong khi Marinne vẫn nói điên dại về bà mẹ, cô chị thêm hoảng hốt, quyết định mời gấp ông Harris và gửi tin nhắn đến bà mẹ ở Barton. Ngay lập tức cô muốn hỏi ý kiến Đại tá Brandon về cách thức tốt nhất cho việc thứ hai, và sau khi gọi cô hầu đến thế chỗ của cô kế bên em gái, cô vội đi đến phòng gia đình, vì biết ông thường ngồi ở đây đến khuya.
Không có thời gian để chần chừ. Các lo sợ và khó khăn của cô lập tức ở trước mặt ông. Các lo sợ của cô, ông không đủ can đảm, đủ tự tin để trấn an; ông im lặng lắng nghe trong chán nản. Nhưng các khó khăn của cô lập tức được hóa giải, vì qua lòng sốt sắng phù hợp với tình huống và hành động đã dự trù trong đầu, ông tình nguyện làm người đi đưa tin cho bà Daswood. Elinor thấy không dễ dàng từ chối. Cô cảm ơn ông ngắn gọn nhưng nồng nhiệt, và trong khi ông phái gia nhân của mình đi gọi gấp ông Harris và đặt thuê ngựa trạm°°, cô viết ít dòng cho bà mẹ.
Ý tưởng yên tâm có một người bạn như Đại tá Brandon vào lúc như thế – có người đồng hành như thế cho bà mẹ, được cảm nhận trân trọng làm sao! – người đồng hành với óc suy xét giúp hướng dẫn, sự hiện diện để đỡ đần, và tình bằng hữu có thể an ủi cho cô! Nếu có cái gì có thể giúp giảm sốc cho cô khi nhờ đi gọi bà mẹ đến như thế, đấy chính là sự hiện diện của ông, cử chỉ của ông, tinh thần hỗ trợ của ông.
Trong lúc ấy, bất luận ông có thể nghĩ gì, ông hành động bằng cả rắn rỏi của một đầu óc tập trung, thu xếp mọi việc thật chóng vánh, tính toán chính xác thời gian cô có thể chờ ông trở về. Không một khoảnh khắc nào bị trễ nải. Các con ngựa đã đến sớm hơn dự đoán, và Đại tá Brandon chỉ nắm chặt tay cô với đôi mắt trang nghiêm, thêm ít lời nói quá nhỏ khiến cô nghe không rõ, rồi vội vã đi đến cỗ xe. Lúc này là mười hai giờ khuya, và cô trở lại phòng em gái để đợi nhà bào chế thuốc đến, và túc trực bên em gái suốt đêm.
Đây là đêm mà cả hai chị em đều khổ sở ngang nhau. Từng giờ trôi qua trong cơn đau nhức mất ngủ và mê sảng về phía Marianne, trong nỗi lo lắng tàn ác nhất cho Elinor, trước khi ông Harris xuất hiện. Nỗi lo lắng của cô, một khi đã dấy lên, càng nặng nề thêm do tư tưởng yên ổn lúc trước, công thêm cô hầu ngồi cùng, vì Elinor không cho phép gọi bà Jennings, tất cả chỉ tra tấn cô thêm qua những ẩn ý mà bà chủ luôn nghĩ đến.
Tư tưởng của Marianne thỉnh thoảng vẫn rời rạc xoay quanh bà mẹ, và mỗi khi em gái nhắc đến tên bà lại khiến con tim tội nghiệp của Elinor nhói đau. Cô chị tự trách mình đã nhiều ngày xem thường cơn bệnh của em gái, bây giờ khốn khổ chờ đợi phương án cứu chữa cấp thời, tưởng tượng rằng mọi phương án đã bị trì trệ quá lâu, nghĩ đến cảnh bà mẹ đau khổ đến quá muộn không thể thấy mặt con gái yêu, hoặc không thể thấy lý lẽ của cô.
Đến lúc cô định cho người đi gọi ông Harris lần nữa, hoặc nếu ông ấy không thể đến, cho gọi người khác, thì ông đến – nhưng phải đợi đến năm giờ sáng. Tuy nhiên, ý kiến của ông không bù đắp cho sự chậm trễ, vì mặc dù công nhận người bệnh có thay đổi bất ngờ và theo chiều hướng xấu, ông vẫn cho là không có gì nguy hiểm, vẫn nói đến hiệu lực mà phương án chữa trị mới sẽ đem lại, qua phong thái tự tin phần nào có ảnh hưởng đến Elinor. Ông hứa sẽ trở lại trong vòng ba hoặc bốn tiếng đồng hồ, rồi ra về với cả người bệnh và người chăm sóc được trấn tĩnh hơn là trước khi ông đến.
Sáng hôm sau, bà Jennings nghe nói về những gì xảy ra trong đêm với quan ngại cùng cực, và với những lời trách móc đã không gọi cho bà. Các lo lắng của bà lúc trước, giờ được củng cố qua lý lẽ vững chắc hơn, khiến bà không hồ nghi về kết cục; và mặc dù cố an ủi Elinor, và bà tin cô em bị nguy hiểm, bà không thể an ủi trong hy vọng. Con tim của cô đau khổ thật sự. Tình trạng suy sụp nhanh chóng, cái chết của một thiếu nữ còn trẻ như thế, một cô gái xinh đẹp như Marianne, hẳn phải giáng mạnh vào tâm tư của một người dù quan tâm ít hơn.
Đối với bà Jennings còn hơn thế. Cô đã là bạn đồng hành của bà trong ba tháng, hiện vẫn còn dưới sự giám hộ của bà, và cô đã bị thương tổn tâm tư nặng nề, đau buồn qua thời gian dài. Đang hiện diện trước mặt bà còn có nỗi đau khổ của chị cô, người mà bà mến đặc biệt; – và về bà mẹ của hai cô, khi bà Jennings xét Marianne có ý nghĩa như thế nào đối với bà bạn cũng như Charlotte có ý nghĩa như thế nào đối với bà, sự cảm thông của bà đối với các khổ sở của cô em là rất chân thật.
Ông Harris đến đúng giờ lần kế tiếp; – nhưng ông đến để bị thất vọng về phương án chữa trị vừa rồi. Thuốc men của ông đã không công hiệu; – cơn sốt vẫn không giảm; và Marianne chỉ im lặng hơn – không còn là chính cô – vẫn trong trạng thái ngơ ngẩn nặng nề. Elinor đã nắm bắt được tất cả, và hơn cả tất cả, nỗi e sợ của ông trong phút chốt, và đề nghị mời người khác. Nhưng ông xét thấy không cần thiết; ông vẫn còn có cách khác để thử phương án mới nào đấy, mà ông tự tin ngang bằng với phương án trước là sẽ thành công. Chuyến viếng thăm của ông kết thúc với những lời trấn an chỉ đi vào tai cô, nhưng không thể đi vào tim của cô Daswood. Cô điềm tĩnh, ngoại trừ khi cô nghĩ về bà mẹ; nhưng cô gần như vô vọng.
Cô tiếp tục trong trạng thái như thế cho đến trưa, không mấy xê dịch khỏi giường của em gái. Các ý nghĩ của cô lan man từ một hình ảnh của đau thương, một người bạn khổ sở đến một hình ảnh khác. Tinh thần của cô bị suy sụp tột độ qua lời trò chuyện của bà Jennings, vì bà không đắn đo mà cho rằng cơn bệnh nguy hiểm này là kết quả của nỗi tuyệt vọng Marianne đã gánh chịu nhiều tuần trước. Elinor cảm thấy mọi sự hợp lý trong ý nghĩ của bà, và điều này mang lại thêm khổ sở cho các suy tưởng của cô.
Tuy nhiên, khoảng giữa trưa cô bắt đầu – nhưng với dè dặt, kinh hãi về nỗi thất vọng đã khiến cô im lặng một thời gian, ngay cả đối với bà – cô tưởng tượng, hy vọng nhận ra được chút ít hồi phục trong nhịp mạch của em gái. Cô đợi chờ, ngắm nhìn, rồi lại bắt mạch cho em gái. Cuối cùng, qua dao động khó che giấu dưới bề ngoài điềm tĩnh, cô nói lên hy vọng của mình. Bà Jennings cũng xem xét, và dù bị bắt buộc phải công nhận có hồi phục tạm thời, vẫn cố gắng bảo cô cháu trẻ không nên buông thả trong ý nghĩ rằng sự hồi phục sẽ tiếp tục. Ngẫm nghĩ về mọi sai khiến của bà để ngờ vực, Elinor cũng tự nhủ không nên hy vọng. Nhưng đã quá muộn. Hy vọng đã len vào đầu óc cô; và cảm nhận mọi run rẩy lo lắng, cô cúi xuống em gái để quan sát – cô không biết mình phải quan sát gì.
Thêm nửa giờ trôi qua, và triệu chứng tích cực bây giờ khiến cô vui mừng. Các người khác đến để xác nhận. Các dấu hiệu của sự hồi phục qua nhịp thở, sắc da và đôi môi của em gái, đều làm Elinor vui. Rồi Marianne dán mắt lên cô chăm chăm, tỉnh táo dù còn mệt mỏi. Lo lắng và hy vọng bây giờ trĩu nặng ngang nhau, không để cho cô yên phút giây nào cho đến khi ông Harris trở lại lúc bốn giờ. Các trấn an của ông, các chúc mừng của ông về sự hồi phục của cô em vượt quá mức hy vọng của ông, tất cả đều tạo cho cô tin tưởng, yên tâm, và những giọt nước mắt vì vui mừng.
Theo mọi phương diện, Marianne đều khá lên hẳn, và ông cho biết cô đã hoàn toàn qua khỏi cơn hiểm nghèo. Có lẽ đủ mãn nguyện dù các tiên liệu của bà trong cơ hốt hoảng vừa rồi chỉ đúng một phần, bây giờ bà Jennings cho phép mình tin tưởng nơi phán đoán của ông; và qua niềm vui không giả tạo rồi đi đến nỗi vui mừng dứt khoát, bà nhìn nhận người bệnh có khả năng hồi phục hoàn toàn.
Elinor không thể lấy làm vui mừng. Niềm vui của cô thuộc loại khác, dẫn đến một điều gì đấy chứ không phải sướng thỏa. Marianne đã được khôi phục để trở lại với sự sống, sức khỏe, bè bạn, và với bà mẹ hay nuông chiều, đấy là ý tưởng lấp đầy tim cô bằng những xúc động qua an ủi thấm thía, và lan rộng trong cảm nghĩ tri ân nồng hậu; nhưng không dẫn đến biểu lộ vui sướng bên ngoài, không có ngôn từ, không có nụ cười. Tất cả trong tâm tư của Elinor chỉ là mãn nguyệ – mãn nguyện một cách âm thầm và mạnh mẽ.
Cô tiếp tục ở bên cạnh em gái với ít gián đoạn trong cả buổi xế chiều, trấn an mọi sợ hãi của em gái, thỏa mãn mọi câu hỏi của em về tinh thần yếu đuối của cô, giúp đỡ em mọi việc, quan sát mọi ánh mắt và mọi nhịp thở của em. Trong vài khoảnh khắc, khả năng về cơn tái phát dĩ nhiên xảy ra để nhắc nhở cô về lo lắng là như thế nào; nhưng qua những quan sát thường xuyên và cẩn thận, cô thấy mọi triệu chứng của sự hồi phục đều tiến triển. Vào lúc sáu giờ, cô thấy Marianne chìm vào giấc ngủ tĩnh lặng, êm đềm, và theo mọi dấu hiệu, thoải mái, nên cô dập tắt mọi nghi ngờ.
Thời gian kéo dài đến lúc có thể ngóng đợi Đại tá Brandon trở về. Cô tin là lúc mười giờ, hoặc ít nhất không muộn hơn nhiều, mẹ cô sẽ được giải thoát khỏi nỗi bồn chồn kinh khủng mà bà mang theo trên đường đi đến hai cô con gái. Ông Đại tá cũng thế! Có lẽ là một đối tượng đáng thương không kém mấy! Ôi! Thời gian trôi qua chậm làm sao khiến họ vẫn chưa được biết kết quả!
Lúc bảy giờ, rời khỏi Marianne vẫn còn đang ngủ êm đền, cô xuống dùng trà với bà Jennings trong phòng gia đình. Lúc điểm tâm cô đã vì những dòng lệ, bữa ăn chiều cô đã vì cơn bệnh nguy kịch, mà không thiết tha gì cả. Vì thế, với cảm nghĩ ổn cô cố mang đến, tuần trà bánh bây giờ được đón nhận một cách đặc biệt. Khi xong xuôi, bà Jennings thuyết phục cô đi nghỉ trước khi mẹ cô đến, và cho phép bà thế chỗ cô bên Marianne; nhưng Elinor không có cảm giác mệt mỏi, không thể ngủ vào lúc này trong khi nghĩ đến mẹ, không muốn rời xa em một thời khắc không cần thiết nào. Thế là bà Jennings đưa cô lên các bậc cầu thang dẫn vào phòng bệnh, để biết chắc mọi việc đều tiếp tục ổn thỏa, rồi để cô ở lại cùng người bệnh và cùng các suy tưởng của cô, và trở về phòng của bà để viết thư rồi đi ngủ.
Đêm trôi qua trong lạnh lẽo và giông bão. Gió hú chung quanh ngôi nhà và mưa dập trên các cánh cửa; nhưng Elinor ở bên trong hoàn toàn hạnh phúc, không để ý gì. Marianne ngủ say sưa qua mỗi luồng gió thổi; và hai người đang đi trên đường, họ có sẵn phần thưởng quý giá đang chờ đợi, để đền bù cho các khó nhọc hiện giờ.
Đồng hồ điểm tám giờ. Nếu là mười, Elinor hẳn đã tin rằng vào lúc này cô nghe tiếng cỗ xe chạy đến ngôi nhà; và cô tin tưởng mãnh liệt đến nỗi cô nghe thật sự, mặc dù hầu như không thể nào hai người đã đến, đến nỗi cô đi qua căn buồng thay quần áo kế bên, mở cánh cửa sổ để được thỏa mãn với sự thật. Cô thấy ngay là tai mình đã không lừa dối. Những ngọn đèn của một cỗ xe lập tức hiện ra trong tầm nhìn của cô. Qua ánh sáng chập chờn, cô nghĩ mình có thể nhận ra đấy là một cỗ xe tứ mã; và điều này giải thích giờ đến sớm, tuy cho thấy bà mẹ đáng thương đã lo lắng quá đáng mà thuê loại xe đắt tiền.
Chưa bao giờ trong đời, Elinor cảm thấy khó khăn giữ bình tĩnh đến thế, trong giây phút này. Ý tưởng về bà mẹ đang cảm nhận ra sao khi cỗ xe dừng trước cửa, – hoặc nỗi hồ nghi của bà – hoặc tâm trạng kinh hãi của bà – có lẽ ý tưởng tuyệt vọng của bà! – và chính cô sẽ nói những gì! – khó mà giữ điềm tĩnh qua những cảm nghĩ hỗn độn như thế. Mọi việc còn lại phải làm là cần gấp rút; và vì thế chỉ đợi người hầu của bà Jennings thế chỗ bên em gái, cô vội vã đi xuống các bậc thang lầu.
Khi cô đi dọc hành lang bên trong, tiếng lao xao nơi tiền sảnh cho cô biết rằng hai người đã bước vào nhà. Cô vội chạy đến phòng gia đình – cô bước vào, – và thấy chỉ có Willoughby.
Chú thích:
° Nhà bào chế thuốc (Anh ngữ: Apothecary): vào thời kỳ này, là những người bào chế dược phẩm nhưng cũng được mời khám bệnh trước khi cho toa.
°° Ngựa trạm: loại ngựa để cưỡi hoặc kéo xe, được tổ chức cho thuê để có thể thay đổi ở từng trạm dọc đường đi.