Bà Daswood không thể tránh khỏi xúc động khi nghe xác nhận cho người mà bà đã một thời quý mến. Bà hài lòng vì một vài tội lỗi anh bị gán đã được minh oan; bà tiếc cho anh, mong anh được hạnh phúc. Nhưng không thể lấy lại cảm xúc của quá khứ. Không gì có thể khôi phục anh với niềm tin yêu trọn vẹn – một tư cách không tỳ vết đối với Marianne. Không gì có thể xóa đi ý nghĩ về những đau khổ mà Marianne đã trải qua do thói hèn hạ của anh, hoặc xóa đi tội lỗi của anh đối với Eliza. Vì thế, không gì có thể thay thế anh trong lòng quý trọng trước đây của bà, hoặc phương hại đến các lợi điểm của Đại tá Brandon.
Nếu bà Daswood, cũng như con gái bà, được nghe câu chuyện của Willoughby từ chính lời lẽ anh – nếu bà có chứng kiến anh khổ sở, chịu ảnh hưởng của nét mặt và cử chỉ của anh – có lẽ bà sẽ cảm thương anh nhiều hơn. Nhưng Elinor không có khả năng và cũng không muốn giải thích chi ly để khơi dậy các cảm xúc như thế nơi người khác, như đã khơi dậy trong cô. Suy nghĩ đã khiến phán xét của cô được bình thản và ý kiến của cô về Willoughby được tỉnh táo. Vì thế, cô chỉ mong thuật lại sự thật đơn giản và trình bày các sự kiện đích thực là do cá tính của anh, mà không tô điểm để dẫn trí tưởng tượng đi quá xa.
Vào buổi tối, khi ba người ngồi gần nhau, Marianne chủ động bắt đầu nói về anh lần nữa; nhưng vẫn còn cố gắng và suy ngẫm dao động xao xuyến mà cô đã trải qua trong thời khắc trước đấy. Cô đỏ ửng mặt khi nói qua giọng đều đều, rõ ràng:
- Con mong mẹ và chị yên tâm là giờ con đã thấy tất cả – như mẹ và chị muốn con thấy.
Bà Daswood hẳn đã ngắt lời cô lập tức với cung cách hiền hòa hầu xoa dịu, nếu Elinor không ra dấu cho bà giữ im lặng, vì cô muốn nghe ý kiến trung thực của em gái.
Marianne chậm rãi tiếp:
- Con cảm thấy nhẹ nhõm rất nhiều – những gì chị Elinor kể với con sáng này – bây giờ con nghe đích xác điều mình đã muốn nghe.
Trong một khoảnh khắc tiếng cô chìm đi, nhưng cô lấy lại tự chủ, và với vẻ điềm tĩnh hơn cô thêm:
- Bây giờ con hoàn toàn mãn nguyện; con không mong có thay đổi. Nếu lúc trước con biết được mọi chuyện này – và sớm muộn gì con cũng biết – con hẳn không bao giờ được hạnh phúc với anh ấy. Khi ấy, con hẳn đã mất tin yêu, mất tôn kính. Không gì có thể xóa đi tư tưởng này.
Bà mẹ thốt lên:
- Mẹ biết – mẹ biết rõ. Làm thế nào được hạnh phúc với một con người phóng đãng! Với người đã làm tổn thương sự an bình của người thân nhất trong số bạn bè chúng ta, và là người tốt nhất? Không – Marianne của mẹ không có con tim sinh ra để được hạnh phúc với một người như thế! Ý thức của con – ý thức nhạy cảm của con – hẳn sẽ cảm thấy được mọi điều mà ý thức của chồng con đáng lẽ phải cảm thấy.
Marianne thở dài, lặp lại:
- Con không mong có thay đổi.
Elinor nói:
- Em đã phán xét vụ việc đúng như là một tinh thần minh mẫn và óc hiểu biết chín chắn phải phán xét. Cũng như chị, không phải trong chuyện này mà còn trong nhiều hoàn cảnh khác, chị tin là em đã nhận ra đủ lý do để xác minh rằng cuộc hôn nhân của em hẳn sẽ làm em sa vào nhiều rối rắm và thất vọng chắc chắn, mà em không thể vực dậy nhờ tình thương yêu của anh ấy, vốn bây giờ kém chắc chắn hơn nhiều.
“Nếu em cưới anh ấy, hẳn em sẽ luôn luôn nghèo khó. Chính anh ấy đã thú nhận là anh tiêu pha rộng rãi, và tư cách của anh cho thấy anh khó thể hiểu ý nghĩa của chữ tiết chế. Những đòi hỏi vật chất của anh và sự thiếu kinh nghiệm của anh, với một lợi tức nhỏ – rất nhỏ – hẳn sẽ mang đến khổ sở không thể kém đau buồn cho em, vì trước đấy đã không biết và không nghĩ ra.”
“Chị biết, khi nhận ra tình hình, ý thức về danh dự và lương thiện của em hẳn sẽ bắt buộc em phải thu vén kinh tế trong mọi chuyện có thể được. Có lẽ em chỉ chắt bóp để hạn chế tiện nghi của em, như thế em lại khổ sở, nhưng xa hơn thế… và làm thế nào chỉ một mình em xoay sở tận lực lại có thể ngăn chặn nguy cơ phá sản vốn đã manh nha trước hôn nhân? Xa hơn thế, dù cho em cố gắng ngay cả một cách hợp lý để hạn chế chuyện ăn chơi của anh ấy, liệu có e rằng, thay vì anh kiềm chế tư tưởng ích kỷ để đồng tình với em, em có thể đánh mất tình cảm trong tim anh ấy và khiến cho anh ấy hối tiếc vì đã cưới em mà anh sa vào các khốn khó ấy?”
Đôi môi của Marianne run rẩy, và cô lặp lại chữ “ích kỷ” trong giọng nói có ẩn ý “chị thật sự nghĩ anh ấy ích kỷ hay sao?”
Elinor đáp:
- Mọi hành vi của anh ấy từ đầu đến cuối vụ việc đều dựa trên ích kỷ. Chính ích kỷ đã khiến anh ấy lúc đầu đùa cợt với tình cảm của em; rồi sau đấy khi anh có hẹn ước kia, đã khiến anh lần lữa thú thật với em, cuối cùng khiến anh rời xa Barton. Trong mỗi tình huống, nguyên tắc chỉ đạo của anh ấy đều là vui thú cho riêng anh, hoặc thoải mái cho riêng anh.
- Đúng thật. Hạnh phúc của em không bao giờ là mục tiêu của anh ấy.
Elinor tiếp:
- Giờ đây, anh ấy đang hối tiếc về những gì mình đã làm. Và tại sao anh hối tiếc? Bởi vì anh thấy việc mình làm đã không đáp ứng điều anh mong muốn. Anh không được hạnh phúc. Tình cảnh của anh ấy bây giờ không phải là đáng hổ thẹn – anh không khổ sở gì do nghèo khó; chỉ có điều anh nghĩ anh đã cưới một phụ nữ không được hiền dịu như em. Nhưng liệu từ đây có thể suy ra rằng nếu cưới em, anh ấy sẽ được hạnh phúc hay sao? Những khó khăn sẽ theo chiều hướng khác. Lúc đó, anh sẽ khổ sở vì cảnh khốn cùng mà bây giờ anh thấy không là gì cả vì đã thoát ra. Anh sẽ có một người vợ mà anh không thể phiền hà gì về tính khí, nhưng anh sẽ luôn luôn bức xúc – luôn luôn nghèo khó. Rồi có lẽ chẳng bao lâu anh sẽ thấy là những tiện nghi của một bất động sản rộng rãi và thu nhập cao còn quan trọng hơn nhiều – dù đối với hạnh phúc lứa đôi – so với tính khí của người vợ.
Marianne nói:
- Em không còn hồ nghi gì về điều này, không có gì phải tiếc nuối – không có gì ngoại trừ thói ngông cuồng của em.
Bà Daswood nói:
- Con của mẹ, đúng ra phải nói là do tính thiếu cẩn trọng của mẹ con. Già này phải chịu trách nhiệm.
Marianne không để cho bà tiếp tục.
Elinor hài lòng thấy mỗi người đã nhận ra sai lầm của mình, và cô muốn tránh việc mổ xẻ quá khứ vốn có thể khiến em cô xuống tinh thần, vì thế cô lập tức nói tiếp để trở lại chủ đề đầu tiên:
- Chị có thể nghĩ ra một nhận xét từ toàn bộ vụ việc – đấy là, mọi khó khăn của Willoughby phát sinh từ tội lỗi đầu tiên vi phạm đạo đức, trong cách anh cư xử với Eliza Williams. Cái tội này là nguồn gốc của mọi tội lỗi nhỏ hơn sau này, và của mọi bất mãn trong anh hiện giờ.
Marianne đồng tình sâu sắc với lời nhận xét; còn bà mẹ được gợi ý từ đấy để kể ra những thương đau và phẩm giá của Đại tá Brandon, qua sự nồng nàn theo cách tình bằng hữu và ý đồ có thể hợp nhất với nhau để cất tiếng thuyết phục. Tuy nhiên, cô con gái nhỏ của bà không ra vẻ đã nghe hết lời bà nói.
-o0o-
Hai hoặc ba ngày sau, Elinor thấy sức khỏe của Marianne không tiếp tục hồi phục như trước, nhưng vẫn giữ ý chí cứng cỏi, gắng gượng biểu lộ vui vẻ và thoải mái; nên chị cô có thể an tâm là thời gian sẽ giúp sức khỏe em gái khá thêm.
Margaret trở về. Cuối cùng, cả gia đình được đoàn tụ, một lần nữa ổn định êm đềm trong ngôi nhà nghỉ mát. Nếu họ không theo đuổi những học tập với hăng hái như lúc mới đến Barton, ít nhất họ trù định cho tương lai.
Elinor nôn nóng muốn được biết tin mừng của Edward. Từ khi rời London cô đã không nghe tin tức gì về anh, không nghe gì mới về những dự định của anh, không có gì chắc chắn ngay cả về nơi anh cư ngụ hiện giờ. Vài lá thư đã được trao đổi giữa cô và ông anh về bệnh tình của Marianne; và trong lá thư đầu tiên của John có câu này: “Anh chị không được biết gì về Edward bất hạnh, và không thể hỏi han về chuyện bị ngăn cấm như thế, nhưng đoán anh ấy vẫn còn ở Oxford”. Đây là tất cả tin tức về Edward mà cô nhận được qua thư từ, vì các lá thư sau không nhắc nay cả đến tên anh. Tuy thế, cô không chịu số phận phải mù mịt lâu về tin tức của Edward.
-o0o-
Một buổi sáng, ông quản gia được phái đi Exetor lo công chuyện. Khi trở về, những dọ hỏi của bà chủ về các sự việc trong chuyến đi đã được thoải mãn do ông tự ý nói ra khi túc trực bên bàn ăn:
- Thưa bà, tôi nghĩ bà biết là ông Ferrars đã kết hôn.
Marianne giật thót mình, chăm chăm nhìn Elinor, nhận thấy người chị tái mặt, rồi cô ngả người ra ghế trong cơn kích động. Khi đáp lại lời ông quản gia, theo trực giác bà mẹ cũng dõi mắt nhìn theo cùng hướng, bị sốc khi nhận ra qua nét mặt của Elinor là cô thật sự đau buồn, và trong khoảnh khắc kế tiếp bà cũng khổ sở tương tự vì tình trạng của Marianne, không biết phải chăm sóc cô con gái nào.
Ông quản gia chỉ thấy là Marianne ngã bệnh, có đủ ý thức để gọi một cô hầu đến để cùng bà Daswood trợ giúp dìu cô đi qua phòng khác. Lúc này Marianne đã định thần, mẹ cô để cho Margaret và cô hầu chăm sóc, rồi trở lại với Elinor. Cô con gái lớn, tuy vẫn còn bấn loạn nhiều, đã có thể phục hồi khả năng tư tưởng và ngôn từ để chuẩn bị hỏi han Thomas – bây giờ là nguồn thông tin cho cô. Lập tức bà Daswood tự đảm nhận công việc khó khăn, và Elinor có được thông tin mà không phải khó nhọc hỏi han.
- Thomas, ai nói với anh là ông Ferrars đã kết hôn?
- Thưa bà, chính mắt tôi thấy ông Ferrars sáng nay ở Exeter, và vợ của ông ấy nữa, đấy là cô Steele lúc trước. Cỗ xe của hai người đang dừng trước cửa khách sạn New London Inn, vì tôi đến đấy để trao một lá thư của Sally cho anh cô ấy, là người đưa thư ở đây. Tôi tình cờ nhìn lên khi cỗ xe chạy ngang, và tôi thấy bà chính là cô em Steele lúc trước; nên tôi giở mũ chào. Bà ấy nhận ra tôi và kêu tôi đến, rồi hỏi thăm về bà và các cô, đặc biệt là cô Marianne, yêu cầu tôi chuyển lời thăm hỏi của bà ấy và ông Ferrars, nói rất tiếc họ không có thời giờ đến thăm gia đình bà vì phải đi gấp; nhưng khi trở về chắc chắn họ sẽ đến thăm gia đình.
- Nhưng bà ấy có nói bà đã kết hôn không, Thomas?
- Thưa bà, có. Bà ấy mỉm cười, nói làm thế nào bà đã đổi họ khi đang ở đây. Bà ấy luôn luông là một phụ nữ trẻ rất hòa nhã và cởi mở, cư xử rất lịch sự. Cho nên, tôi đã tự tiện chúc bà ấy được hạnh phúc.
- Ông Ferrars có đi cùng xe với cô ấy không?
- Thưa bà, có. Tôi chỉ thoáng thấy ông ngả lưng trong xe, nhưng ông không nhìn lên – ông ấy vẫn luôn kín tiếng.
Tâm tư Elinor có thể dễ dàng lý giải tại sao anh không lộ mặt ra, và bà mẹ có lẽ tìm được cùng lời giải thích.
- Có ai khác trong xe không?
- Thưa bà, không, chỉ có hai người.
- Ông có biết họ từ đâu đến không?
- Hai người từ thành phố dến, vì cô Lucy, tức bà Ferrars, nói thế.
- Có phải họ đi về miền đông không?
- Vâng, thưa bà, nhưng sẽ không đi lâu. Hai người sẽ sớm trở về, và lúc ấy chắc chắn sẽ đến đây thăm.
Bà Daswood bây giờ nhìn qua con gái, nhưng Elinor đã đoán biết được những gì về họ. Cô đã nhận ra tất cả tư cách của Lucy trong tin nhắn, và tin chắc Edward sẽ chẳng bao giờ đến gần gia đình mình. Cô thì thầm nhận xét với bà mẹ là hẳn họ đang đi đến nhà ông Pratt, gần Plymouth.
Thông tin của Thomas dường như đã cạn. Elinor tỏ vẻ như thể cô mong được nghe thêm.
- Trước khi ông đi về, ông có nhìn họ ra đi không?
- Thưa bà, không – họ vừa dẫn mấy con ngựa ra, nhưng tôi không thể nán lại thêm; tôi sợ đi về muộn.
- Bà Ferrars trông được khỏe không?
- Vâng, thưa bà, bà ấy nói rất khỏe; tôi thấy bà luôn luôn là một phụ nữ trẻ xinh xắn, và bà ấy xem chừng rất mãn nguyện.
Bà Daswood không thể nghĩ ra câu hỏi gì khác. Cả Thomas và tấm khăn trải bàn, bây giờ vô dụng như nhau, được cho ra khỏi phòng. Marianne đã nhờ người nói hộ rằng cô không ăn gì thêm. Cà bà Daswood và Elinor đều không thể ăn tiếp; còn Margaret có thể nghĩ mình rất may mắn vì với cả hai cô chị bị khó ở như thế, với nhiều lý do như thế khiến họ không để ý gì đến ăn uống, cô bé chưa bao giờ bị bắt buộc phải bỏ ăn.
Khi gia nhân dọn ra thức ăn tráng miệng và rượu vang, bà Daswood và Elinor yêu cầu được để tự lo, nên trong hồi lâu cả hai cùng chìm vào suy nghĩ trầm lặng của riêng họ. Bà Daswood sợ bị sơ suất trong mọi lời lẽ, không dám liều nói ra lời an ủi. Bây giờ bà thấy trước đây mình đã lầm khi dựa vào lời giãi bày của Elinor về tình cảnh của cô; và kết luận đúng lý là mọi điều đã được làm dịu vào lúc ấy, để giúp bà không bị buồn thêm, không bị đau khổ như bà đã đau khổ vì Marianne. Bà thấy mình đã bị cô con gái đánh lừa qua cử chỉ chăm chút chu đáo, có ý tứ của cô.
Từ đấy, bà nghĩ mối gắn bó, mà có lúc bà hiểu rõ, thật ra không sâu đậm hơn mức độ bà muốn tin, hoặc không hơn mức độ bây giờ cô biểu lộ ra. Bà e rằng qua cách mình tin tưởng trước kia, bà đã trở nên không công minh, thờ ơ – không phải – gần như nghiệt ngã với Elinor. Bà cũng nghĩ ra rằng, bởi vì nỗi khổ của Marianne được biểu lộ nhiều hơn, gần gũi với bà hơn, nên cô em đã chiếm lĩnh tình thương của bà, khiến bà quên rằng qua Elinor bà cũng có một cô con gái đau khổ tương tự, chắc chắn ít tự dằn vặt hơn, và ngoan cường hơn.