Tiểu Tạ
Nhà quan bộ lang họ Khương ở phía Nam sông Vị, có nhiều ma quỷ thường hiện hình nhát người. Vì thế ông phải dọn nhà đi, chỉ để lại người đầy tớ trông coi. Người ấy bị ma làm chết, thay người khác cũng bị chết nốt, cho nên nhà đành phải bỏ hoang.
Trong làng có một người học trò, tên là Đào Vọng Tam, tính tình phóng khoáng, ưa gần con hát, son cứ rượu ngà ngà là bỏ về. Bạn bè bảo đào hát chạy theo kéo lại, chàng cười mà không cưỡng, song dù có ở lại cả đêm chàng cũng không mảy may đụng chạm đến gái. Chàng thường ngủ nhà quan Bộ lang, có cô hầu gái đến gạ gẫm hiến thân, nhưng chàng cương quyết cự tuyệt không làm điều dâm loạn. Ông Bô lang thấy thế càng quý trọng.
Nhà Đào vốn nghèo, vợ lại chết, mấy gian nhà tranh ẩm thấp nóng nực không thể chịu nổi. Vì thế chàng nói với quan Bộ lang cho ở nhờ ngôi nhà hoang. Ông Bộ lang từ chối, nói thực là nhà có ma không ở được. Đào liền làm bài văn: Lại luận về không có ma đưa cho ông bộ lang còn nói thêm: “Ma làm được gì mà sợ”. Bộ lang thấy chàng cứ cậy cục mãi như thế cũng đành phải bằng lòng.
Chàng dọn đến căn chính sảnh, mới chập tối vừa để quyển sách ở giữa bàn, trở về nhà cũ lấy đồ vặt khác thì quyển sách đã biến đâu mất. Chàng lấy làm lạ, nằm ngửa trên giường, lặng lẽ chờ xem có sự gì xảy ra. Chỉ một lát đã nghe thấy tiếng giày dép loẹt quẹt, hé mắt nhìn thấy hai cô gái từ trong buồng đi ra, đem theo quyển sách vừa mất lúc nãy để lên bàn. Một cô ước chừng hai mươi tuổi, một cô khoảng mười bảy đến mười tám tuổi đều xinh đẹp cả, cứ đứng quanh quẩn bên giường trông nhau mà cười. Chàng nín lặng không động cựa. Cô lớn gác một chân lên bụng chàng, cô nhỏ bưng miệng cười khúc khít. Đào thấy rạo rực không cầm lòng đặng, nhưng lập tức suy nghĩ đứng đắn trở lại, cuối cùng không đoái tưởng đến. Cô gái sáp gần lại, tay trái vuốt râu, tay phải khẽ vỗ lên trán, lên má chàng bem bép. Cô nhỏ tuổi càng cưòi tợn. Đào không chịu được, bật dậy quát:
- Lũ quỷ, sao dám hỗn xược như thế?
Hai cô gái hoảng sợ, ù té chạy biến mất. Đào ngại bị quấy nhiễu suốt đêm, đã muốn quay về nhà cũ song lại xấu hổ vì đã nói cứng, cho nên đành phải khêu đèn ngồi đọc sách. Trong các mảng tối, bóng ma vẫn chập chờn song chàng cứ làm ngơ , không dòm tới.
Gần nửa đêm chàng cứ để đèn đi nằm. Vừa mới nhắm mắt đã thấy có vật gì nho nhỏ ngoáy vào lỗ mũi làm chàng hăt hơi ầm lên. Trong bóng tối có tiếng cười khe khẽ. Đào vẫn chẳng nói chẳng rằng, giả bộ ngủ say xem chúng còn giở trò gì khác nữa.
Một lúc đã thấy cô nhỏ lấy tự quấn ngay vào bắp vế, lò dò tới gần, Đào nhổm dậy quát ầm lên, họ lại chui lũi trốn mất biệt, vừa chợp mắt, lỗ tai lại bị ngoáy, cứ thế suốt đêm không sao ngủ được. Đến khi có gà gáy sáng, Đào mới được yên mà ngủ một giấc.
Cả ngày không nghe thấy chuyện gì lạ, nhưng không mặt trời vừa lặn, ma lại hiện hình. Đào bèn nấu cơm về đêm để thức luôn tới sáng. Cô lớn xếp chân bằng tròn tót lên ghế nhìn chàng đọc, rồi đột nhiên thò tay bịt lấy sách. Đào tức quá nắm lấy thì ma đã vụt biến mất. Chỉ có một lát lại bò ra, lại cầm lấy sách. Đào phải lấy tay chặn quyển sách mới đọc nổi. Còn cô bé thì lùi tới sau lưng Đào, lấy hai tay bịt mắt chàng rồi chạy vụt ra xa đứng nhăn nhở cười. Đào tức quá trỏ vào mặt mà mắng rằng:
- Đồ quỷ con! Ta mà bắt được ta giết chết cả đôi.
Nhưng hai cô gái vẫn cứ nhơn nhơn không sợ. Nhân vậy Đào mới đùa rằng:
- Thôi, cái trò lăn lóc chiếu giường đây không có màng đâu, các cô ghẹo tôi chỉ vô ích.
Hai cô mủm mỉm cười, quay mình vào bếp, kẻ chẻ củi kẻ vo gạo giúp Đào nấu cơm. Đào ngó vào khen:
- Hai cô cứ làm như thế chẳng hơn là trêu cợt tôi ư?
Lát sau cơm chín, lại tranh nhau lấy thìa đũa, bát đĩa bày đặt lên bàn. Đào nói:
- Cám ơn hai cô đã phục dịch, lấy gì để đền đáp công đức sau đây?
Cô gái lại cười nói dọa:
- Cơm có thuốc độc đấy, cẩn thận kẻo chết!
Đào đối lại:
- Xưa nay tôi với các cô có hiềm oán gì nhau, đâu nỡ hại nhau đến thế!
Đào vừa ăn hết bát cơm này đã có đầy bát khác, hai cô cứ giành nhau qua lại đơm tiếp cho chàng. Đào cũng lấy việc đó làm vui, quen đi thành thường lệ. Ngày lại ngày dần dần quen thân, cùng ngồi nói chuyện phiếm. Đào hỏi đến họ tên. Cô lớn thổ lộ:
- Em họ Kiều tên Thu Dung. Con bé kia họ Nguyễn tên Tiểu Tạ.
Lại tỉ tê hỏi từ đâu đến nương tựa chốn này. Tiểu Tạ cười ranh mãnh:
- Anh chàng ngốc ơi! Đến thân thể còn chẳng dám lộ cho người ta thấy, ai mượn anh hỏi đến nhà cửa, gia thế, ý chừng muốn cưới xin hay sao?
Đào giữ nét mặt nghiêm trang, đáp lại:
- Đối diện với người đẹp, bảo tôi làm sao vô tình cho được.Song vì âm khí nặng nề, người trần gian động vào tất chết. Vậy thì nếu ở chung với nhau không vui thì nên mỗi người một nẻo. Nếu ở chung với nahu mà vui thì ai yên phận nấy. Nếu như tôi không được yêu thương thì đâu dám xúc phạm đến hai cô? Ví bằng tôi được yêu thương thì can chi hai cô đi giết anh chàng cuồng si?
Hai cô nhìn nhau có vẻ cảm động. Từ đó trở đi không nỡ đùa nghịch quá quắt nữa. Song thỉnh thoảng vẫn thọc tay vào bụng Đào tụt quần chàng xuống đất, chàng cũng bỏ qua, không lấy làm điều.
Một hôm chàng đang chép sách dang dở thì có việc phải đi ra ngoài, đến lúc trở vào đã thấy Tiểu Tạ lúi cúi trên bàn cầm bút chép tiếp. Thấy Đào về, cô ta buông bút, cười bẽn lẽn. Đào lại gần xem, tuy chữ còn chưa đẹp nhưng hàng lối ngay ngắn, liền tấm tắc khen:
- Cô viết khá đấy! Nếu cô thích tôi sẽ dạy cho.
Nói rồi ôm Tiểu Tạ vào lòng, cầm lấy tay mà dạy viết chữ. Thu Dung bất ngờ từ ngoài vào, hơi biến sắc mặt vẻ như ghen tức. Tiểu Tạ cười nói:
- Thuở bé em thường được cha dạy viết, nay bỏ lâu ngày cầm bút nó cứ mơ mơ màng màng thế nào ấy?
Thu Dugn vẫn không nói gì. Đào biết ý nhưng giả tảng như không biết, cũng ôm Thu Dung trao cho cây bút mà bảo:
- Để tôi xem cô có viết được không nào?
Đoạn cầm lấy tay Thu Dung đưa đẩy được mấy chữ rồi đứng dậy bảo:
- Nét bút cô Thu khá lắm đấy!
Thu Dung lúc này mới nở nang mày mặt. Đào liền rọc hai tờ giấy làm tờ phóng, giao cho hai cô cùng tập viết, còn chàng châm một ngọn đèn khác ngồi đọc. Chàng lấy làm mừng vì ai có việc nấy không còn quẫy nhiễu nhau nữa. Khi viết xong, hai cô kính cẩn mang đến bàn nhờ Đào chỉ bảo. Trước đây Thu Dung chưa được đi học, chữ viết còn nguệch ngoạc chưa ra chữ, không được đánh giá không bằng Tiểu Tạ thì có ý thẹn, Đào phải an ủi khích lệ mãi, Thư mới lấy lại được vẻ thường.
Từ đó, hai cô gái coi Đào làm thầy, khi ngồi thì gãi lưng, khi nằm thì xoa bóp cẳng, chẳng những không dám khinh nhờn mà còn tranh nhau chiều chuộng. Được mấy tháng chữ viết của Tiểu Tạ ngay ngắn đẹp đẽ, Đào buột miệng khen. Thế là Thu Dung xấu hổ tủi thân quá, nước mắt ròng ròng. Chàng phải đủ lời khuyên giải mới nguôi.
Sau đó, Đào dem sách ra dạy học, cả hai đều thông minh lạ thường, chi bảo một lượt là nhớ, không bao giờ hỏi lại lần thứ hai. Thế là thầy trò thi nhau đọc sách, thường suốt cả đêm. Tiểu Tạ còn dẫn cậu em trai là Tam Lang đến xin học. Cậu ta tuổi chừng mười lăm đến mười sáu, khá điển trai, mang cái móc vàng đến làm lễ nhập môn. Đào xếp cho Tam Lang học cùng lớp với Thu Dung. Thế là từ đó tiếng đọc sáchrâm ran cả cửa. Đào trở thành thầy đồ một lớp học toàn ma. Ông Bộ lang nghe tin đó mà mừng, thỉnh thoảng lại cấp cho gạo củi.
Được vải tháng Thu Dung và Tam Lang đã biết làm thơ, thi thoảng lại xướng họa với nhau. Tiểu Tạ ngầm dặn Đào đừng có dạy cho Thu Dung, chàng gật đầu. Thu Dung bảo đừng dạy cho Tiểu Tạ, Đào cũng ừ.
Đến một hôm Đào phải lên trường thi, hai cô gái khóc tiễn biệt. Tam Lang can thầy:
- Thầy nên cáo ốm đừng đi. Nếu không, chuyến này có thể gặp điều chẳng lành.
Đào không nghe, cho rằng cáo ốm trốn thi là một điều nhục.
Nguyên là chàng hay làm thơ đả kích việc thời sự, động chạm đến bậc quyền qúy trong huyện. Họ vẫn ngày đêm tính chuyện hãm hại nhân dịp liền hối lộ các quan học chính để vu cáo chàng hạnh kiểm không tốt, bắt bỏ ngục. Tiền lưng hết sạch, chàng xin ăn các bạn bè, tự nhủ phen này thôi thế là hết đường sống. Bỗng có một bóng người lọt vào buồng giam, nhìn ra thì đúng là Thu Dung. Nàng đem cơm gạo cung đốn cho chàng. Hai người nhìn nhau tấm tức khóc ròng. Nàng bảo:
- Tam lang đã lo chàng gặp chuyện chẳng lành, nay quả không sai. Tam Lang cùng đi với em, nay nó đội đơn đến pháp ty kêu oan rồi.
Nàng chỉ nói qua loa dăm câu ba điều rồi quay ra, không ai trông thấy cả. Hôm sau, quan hình bộ đi xe ra ngoài, Tam Lang đón đường kêu oan, quan thu lấy đơn. Thu Dung lại vào ngục báo cho chàng, quay ra để thăm dò tin tức, nhưng ba ngày sau không trở lại nữa. Đào lòng buồn bụng đói, một ngày đằng đẳng như thể năm trường. Bỗng Tiểu Tạ đến, mặt buồn rười rượi, tưởng không còn gượng được nữa. Nàng báo tin dữ:
- Thu Dung hôm ở đây trở về, qua miếu Thành Hoàng bị viên phán quan mặt đen bắt, cưỡng bức làm vợ bé, Thu Dung không chịu nay cũng bị nhốt ngục tối. Em lặn lội suốt trăm dặm đường, mỏi mệt tưởng chết. Đến cửa Bắc lại bị gai già đâm giữa gan bàn chân, đau thấu xương, e rằng không thể đến đây lần nữa.
Nói rồi chìa chân cho Đào coi, máu me bê bết. Nàng đưa cho Đào ba lạng vàng rồi khập khiễng biến mất.
Quan hình bộ xét đến việc Tam Lang khiếu nại, cho rằng Tam Lang chẳng có họ hàng thân thích gì với bị can, vô cớ kêu oan hộ thế là trái lý, liền bắt nọc ra đánh đòn. Tam Lang ngã xuống đất biến mất. Quan lấy làm kỳ dị, xem đến đơn khiếu oan thấy lời lẽ bi thiết, liền sai giải Đào ra công đường xét hỏi Tam Lang là người thế nào. Đào giả như không biết. Quan hình bộ biết là oan, thả cho chàng ra.
Đào trở về nhà, suốt đêm chẳng thấy một ai. Mãi lúc tàn canh mới thấy Tiểu Tạ tới, rầu rĩ báo:
- Tam Lang ở công đường ra, bị thần coi giữ công đường bắt giải xuống âm ty. Diêm Vương thấy Tam Lang là người nghĩa khí, cho thác sinh vào nhà giàu sang trên dương thế. Còn Thu Dung vẫn bị giam cầm, em đầu đơn kêu tới thành hoàng thì bị ngăn trở không vào được, nay làm thế nào đây?
Đào nổi giận:
- Thằng quỷ đen, sao dám bạo ngược thế? Ngày mai ta sẽ đập nát tượng nó ra, gí nát nó thành bùn đất, lại vạch mặt Thành Hoàng mà hỏi tội: sao dám để cho bọn thuộc hạ tay chân hoành hành? Hắn ta cứ trong cơn mê mộng bí tỉ như vậy hay sao?
Hai người cùng bưồn bực ngồi suông với nhau, bất giác canh tư sắp tàn, bỗng Thu Dung vụt đến. Hai người vừa mừng vừa sợ, vội hỏi han tình hình. Thu Dung khóc sướt mướt:
- Vì chàng mà em phải chịu muôn vàng cay đắng. Lão Phán quan hằng ngày đem hết gậy lại đao ra bức em, đêm nay bỗng nhiên thả em về, còn bảo: “Ta chỉ vì yêu thương nàng mà xử xự như thế này chứ không vì cớ gì khác. Nếu nàng không thuận thì ta cũng chẳng ép buộc. Xin phiền nói với quan hình bộ họ Đào chớ có khiển trách ta đó!”.
Đào nghe cũng hả dạ đôi chút. Nhân lúc cao hứng muốn chung giường, liền gạ:
- Hôm nay xin vì các em mà chết cũng cam.
Hai cô tỏ bộ không thuận, van nỉ:
- Bấy nay được chàng dạy bảo cũng hiểu ra đôi điều nghĩa lý, nay nỡ nào vì yêu kính chàng mà lại hại chàng ư?
Hai nàng quyết định giữ gìn không cho chàng ngủ chung, song vẫn nghiêng đầu bá cổ thân thiết như vợ chồng. Mà hai cô đối với nhau không còn ghen tức gì nhau nữa.
Một vị đạo sĩ gặp Đào ở đường, nhìn chàng bảo ngay là có tà khí. Đào thấy lời nói lạ, liền đem hết chuyện nói lại. Đạo sĩ khuyên :
- Ma ấy tốt lắm, chớ nên bỏ đó.
Nói xong, ông vẽ hai lá bùa trao cho Đào, dặn:
- Anh mang về đưa cho hai cô ma, mỗi cô một lá để tuỳ theo phúc mệnh, ai may thì được, hễ nghe ngoài cửa có tiếng khóc thương con gái chết thì nuốt ngay lá bùa, ai chạy ra trước thì được sống lại.
Đào vái tạ nhận bùa đem về đưa hai cô, không quên nhắc lại lời dặn của đạo sĩ. Hơn một tháng sau, quả nghe có tiếng khóc hờ con gái chết. Hai cô tranh nhau chạy ra,. Tiểu Tạ vội quá quên nuốt lá bùa. Thấy có xe chạy qua, Thu Dung chạy vụt tới, chui luôn vào áo quan và biến mất. Tiểu Tạ không chui được tứcc tưởi khóc quay về.
Đào ra xem thì thấy đám tang con gái phú ông họ Hác. Mọi người đều thấy thấp thoáng bóng một cô gái chui vào áo quan, còn đang nửa ngờ nửa sợ, bỗng nghe trong áo quan có tiếng động liền dừng lại, mở ra xem, thì cô gái họ Hác đã sống lại. Nhà tang liền xin gởi tạm nàng ở ngoài nhà học của Đào và cử người trông coi.
Bỗng nàng mở mắt hỏi ngay đến Đào. Họ Hác gặn hỏi, cô ta đáp:
- Tôi không phải là con gái họ Hác đâu.
Rồi cô kể rõ sự tình. Họ Hác chưa tin lắm, muốn khiêng về. Cô gái không chịu, chạy luôn vào buồng học của Đào, nằm đó không ra nữa. Họ Hác nhận Đào làm con rể rồi đi.
Đào lại gần coi xem, thấy diện mạo cô gái mới sốg dậy tuy khác Thu Dung song về kiều diễm thì không kém. Chàng mừng quá, thực là vượt sức mong muốn mới hỉ hả ngồi cùng nhau nhắc lại chuyện cũ. Bỗng nghe có tiếng ma khóc hu hu, thì ra Tiểu Tạ đang tủi thân ngồi khóc nức nở trong bóng tối, làm cho cả hai người đều thương cảm. Họ cầm đèn tới soi, tìm lời an ủi, cố làm dịu nỗi đau thương song nàng vẫn cứ tấm tức không thôi, áo xiêm đẫm lệ, mãi gần sáng mới biến đi.
Sáng ngày, họ Hác sai con hầu mang rương hòm sang ở luôn nhà Đào để hầu hạ, cư xử như bố vợ đối với con rể vậy. Đêm đến Đào vào buồng vợ thì Tiểu Tạ khóc lóc thê thảm, cứ thế sáu bảy ngày, hai vợ chồng cảm động quá không thể nào làm lễ hợp cẩn được. Đào buồn lo nẫu ruột song đành bó tay không có cách nào giúp Tiểu Tạ được. Thu Dung chợt nghĩ ra:
- Đạo sĩ là người tiên. Hay ta đi cầu cứu một lần nữa, may ra người thương mà giúp cho.
Đào nghe lời, tìm đến nơi đạo sĩ ở, quỳ rạp xuống đất giải bày sự tình. Đạo sĩ cứ khăng khăng xin chịu, không còn phép thuật nào nữa. Đào vẫn kêu cầu thảm thiết không thôi. Cuối cùng đạo sĩ mới cười bảo:
- Anh chàng si tình này khéo làm rầy người ta quá! Thôi cũng vì anh còn duyên số với cô ta, ta xin dốc bằng hết mọi sức lực.
Rồi đạo sĩ theo chàng về nhà, đòi ở một gian riêng tĩnh mịch đóng chặt cửa ngồi trong đó, dặn không được ai gọi hỏi gì, cứ thế hơn mười ngày không ăn uống. Lên dòm thì thấy ông ngồi thiêm thiếp như ngủ vậy. Một hôm trời vừa sáng, có một thiếu nữ vém rèm bước vào nhà Đào, mắt sáng long lanh, răng trắng muốt, vẻ kiều diễm rực rỡ. Nàng cười bảo chàng:
- Tôi phải lặn lội lần dò suốt đêm, mệt tưởng chết. Bị các người đeo đẳng rầy rà mãi, bôn ba hơn một trăm dặm đường mới tìm được ngôi nhà tốt. Đạo sĩ đi đón và cũng cùng đến đây. Chờ gặp được người giao lại là xong.
Mới sẩm tối Tiểu Tạ tới, thiếu nữ đứng vội dậy đón, ôm chầm lấy. Hai người hòa vào làm một thân thể, ngã quay xuống đất cứng đờ. Đạo sĩ từ trong buồng đi ra, chắp tay chào rồi đi luôn. Đào vái tạ đưa tiễn thì cô gái đã tỉnh. Chàng vội ôm đặt lên giường, hơi thở cô gái đã điều hòa, nhưng còn ôm cẳng kêu đau, vài hôm sau mới dậy đi được.
Sau đó Đào thi đỗ tiến sĩ, có người bạn đỗ cùng khoa là Thái Tử Kính, nhân có việc đi qua, ghé vào nhà Đào vài ngày. Tiểu Tạ từ bên hàng xóm về, Thái trông thấy vội đuổi theo sát gót. Tiểu Tạ tìm cách lánh đi, trong lòng thầm trách con người không đứng đắn. Thái quay vào, nói với bạn:
- Có một việc kỳ quái hết sức, bác có cho phép tôi nói không?
Đào gặng hỏi. Thái nói:
- Ba năm trước đây, em tôi chết yểu, qua hai đêm thì thi thể biến đâu mất. Đến nay tôi vẫn còn băng khoăn không biết vì sao? Vừa rồi tôi thoáng thấy bác gái sao giống em tôi làm vậy?
Đào cười:
- Vợ tôi là kẻ quê mùa, sao giống được cô nương nhà ta. Song đã là bạn đồng khoa, nghĩa tình chí thiết, có ngại gì không để nhà tôi ra chào.
Đào vào nhà trong, bảo Tiểu Tạ mặc bộ đồ liệm táng ngày trước để ra chào khách. Thái vừa trông thấy thất kinh:
- Thực là em tôi đây rồi!
Rồi ông ta khóc rưng rức. Đào thuật lại đầu đuôi câu chuyện cho bạn nghe. Ông mừng rỡ:
- Thế là em gái tôi chưa chết. Tôi phải về ngay để báo tin vui cho song thân.
Mấy ngày sau cả nhà họ Thái kéo sang. Sau thường thường lui tới như nhà họ Hác vậy.
NGUYỄN VĂN HUYỀN dịch