Nhạc Chi Dương giật mình, nắm lấy thanh sáo nhảy về phía sau. Dưới ánh trăng rọi chiếu, thứ ấy hóa ra lại chính là một con đại bàng trắng cực kỳ xinh đẹp, lông như sương tuyết, đuôi thưa ức rộng, mày ngài mắt sâu, dáng vẻ buồn bã, cặp mắt lấp lánh như sao trời, trong màn đêm càng đặc biệt ngời sáng dị thường.
Hai chân của đại bàng chống xuống đất, cách Nhạc Chi Dương chưa đến một trượng. Nhạc Chi Dương suy nghĩ thật nhanh, đột nhiên nhớ ra con đại bàng trắng này chính là hung thủ đã giết chết Ma Vân. Gã nổi cơn thịnh nộ, quát khẽ một tiếng, ra vẻ muốn lao đến. Đại bàng trắng rướn thân vỗ cánh, bất chợt bay vút lên trời cao, thoáng cái đã mất hút trong bóng đêm.
Nhạc Chi Dương thở phào một hơi, khôi phục tinh thần, lại thổi tiếp “Dương Duy Điệu”, lần này chân khí càng thêm nóng hổi, tựa như một mồi lửa nóng, đốt cho kinh mạch suýt thì nứt toác. Đang lúc khó chịu, gã lại nghe mấy tiếng lào xào, đưa mắt nhìn sang, đại bàng trắng tự khi nào đã đứng ngay bên cạnh, mắt chim sáng ngời đang lạnh lùng nhìn lại gã.
Nhạc Chi Dương chỉ cảm thấy da đầu như muốn nứt toạc, gã siết chặt thanh sáo theo ý thức, lườm lườm nhìn đại bàng trắng, nghĩ thầm: “Đây là thứ quỷ yêu gì kia, đi không thấy hình đến không thấy dáng, kim châm của Diệp Linh Tô cũng không làm nó bị thương sao? Nửa đêm không chịu ngủ, bay đến đây làm gì?”
Gã thầm hoảng sợ, nhất thời ngừng thổi sáo. Đại bàng nghiêng đầu nhìn gã một lúc, bất chợt lại giang cánh bay vút lên cao, lượn lòng vòng trên không trung phát ra tiếng kêu lảnh lót.
Nhạc Chi Dương nghe tiếng chim kêu, bất chợt nghĩ ra điều gì đó, trong lòng nảy sinh nghi vấn. Để kiểm chứng cho suy nghĩ của mình, gã lại nâng sáo bắt đầu thổi tấu, tiếng sáo véo von vọng lên không trung, chẳng bao lâu sau liền nghe mấy tiếng phành phạch, đại bàng trắng lại nhẹ nhàng đáp xuống ngay trước mặt gã.
Trái tim Nhạc Chi Dương khua khoắn loạn xạ, dường như đã hiểu ra mục đích của đại bàng trắng. Để ấn chứng lần nữa cho chắc, gã liền buông sáo xuống, tiếng sáo vừa ngưng, đại bàng liền nghiêng đầu dời mắt rồi lại phóng mình bay đi. Nhạc Chi Dương nổi sáo lần nữa thì nó lại theo tiếng nhạc sà đến.
Lặp đi lặp lại mấy lần như thế, Nhạc Chi Dương trợn mắt nhìn đại bàng, trong lòng thầm khó hiểu: “Con chim này thích nghe ta thổi sáo à? Ha ha, cổ nhân thổi tiêu dẫn phượng, còn ta thổi sáo dụ đại bàng cũng có kém gì người xưa đâu nào.” Nghĩ đến đây, gã lấy làm đắc ý lắm, giở hết tất cả bản lĩnh thổi sáo một cách hứng chí vui vẻ. Đại bàng nghe một lúc đột nhiên vỗ cánh bay lên, dựa theo nhịp điệu của tiếng sáo mà múa lượn vòng quanh thiếu niên.
Nhạc Chi Dương nhìn đến đơ mắt cứng miệng, tiếng sáo chếnh vần lạc điệu, thổi ra ngắc nga ngắc ngứ. Đại bàng lượn một vòng rồi lại đột ngột đáp xuống, đôi mắt sáng ngời chăm chú nhìn thiếu niên, trông như lộ ra vẻ trách móc. Nhạc Chi Dương càng kinh ngạc hơn, thầm nghĩ: “Con chim này còn có thể phân biệt được nhạc khúc sao?” Nghĩ rồi, gã nổi tính trẻ con, ngừng thổi “Linh Phi Khúc” lại, đổi sang bài “Kiệt Thạch Điệu”, mới thổi chừng một đoạn, đại bàng đã vỗ cánh bay lẩn vào trong rừng tùng sâu hút. Nhạc Chi Dương vội đổi về giai điệu “Linh Phi Khúc”, chớp mắt sau đại bàng lại như một mũi tên từ rừng rậm bay trở ra, vừa bay vừa múa, vui sướng hân hoan.
Nhạc Chi Dương xem đến say sưa, gần như suýt bật cười thành tiếng. Thế rồi tinh thần trở nên phấn chấn, gã ra sức chăm chú thổi sáo. Hai bên kẻ trên người dưới, trên đối trăng sáng, dưới dõi biển sâu, tiếng sáo khoan thai, dáng múa lả lướt, uyển chuyển rung động, quả là cảnh tượng xưa nay hiếm có.
Thổi xong điệu khúc, Nhạc Chi Dương buông sáo ngừng âm, chú đại bàng trắng cũng mau chóng đáp xuống, hướng đôi mắt chăm chú nhìn sang gã với ánh nhìn ấm áp, không còn vẻ sắc lạnh như trước đây nữa.
Nhớ đến tình huống vừa qua, Nhạc Chi Dương ngơ ngẩn cả đầu óc, cứ ngây ra nhìn chú đại bàng trắng, chỉ ngờ rằng con chim này không phải bằng xương bằng thịt mà do loài sơn tinh hải mị biến hóa thành. Mất một lúc sau, gã mới thờ dài bảo:
– Ưng huynh à ưng huynh, huynh cớ gì lại đi giết Ma Vân chứ? Bằng không, chúng ta đã có thể rời khỏi nơi đây rồi!
Chú đại bàng tròn mắt ngó nghiêng, lặng im không phản ứng. Nhạc Chi Dương tự cảm thấy buồn cười, nhủ bụng: “Ta đúng là ngốc, nói chuyện tào lao với con súc sinh vô tri này làm gì không biết?” Gã toan xoay người bỏ đi, chợt nghe mấy tiếng rúc rích, chân trái của đại bàng chống đất còn chân phải đang lẩy bẩy giơ lên. Nhạc Chi Dương cảm thấy ngồ ngộ, bỗng phát hiện ra có ánh sáng nhấp nháy nơi đó bèn tiến lên xem xét, hóa ra là một cây kim châm đang xuyên qua chân nó, da thịt xung quanh vết thương cũng bị sưng tấy.
Cây châm ấy của Diệp Linh Tô không giết được đại bàng trắng mà lại làm bị thương bàn chân của nó. “Dạ Vũ Thần Châm” xuyên vào da thịt sẽ gập lại, móc vào gân cốt, có nhổ cũng không ra. Dẫu cho đại bàng trắng thông minh đến đâu cũng không thể một mình tự rút châm được. Nó thống trị hòn đảo này, xưng vương xưng bá, cáo-thỏ-dê-nai hễ nghe tiếng gió là bỏ chạy mất, nên hầu như không có bất cứ sinh linh nào giúp nó thoát cơn phiền não này cả. Bấy giờ nó bị tiếng sáo hấp dẫn, từ đó nảy sinh hảo cảm đối với người thổi sáo là Nhạc Chi Dương, vì thế nó chấp nhận từ bỏ vẻ ngạo nghễ vốn có mà chìa chân ra cầu cứu gã.
Nhạc Chi Dương hỏi:
– Ưng huynh, huynh muốn ta giúp huynh nhổ châm ư?
Chim đại bàng đảo lia mắt, phía cổ họng phát ra tiếng kêu rúc rích.
Nhạc Chi Dương quan sát kim châm, lại nhớ đến chuyện cũ từng bị Trương Thiên Ý xuyên châm vào tim, chịu đựng hành hạ khổ sở biết bao, nhất thời gã đồng cảm, gật đầu bảo:
– Được rồi, ưng huynh, ta giúp huynh rút châm, huynh không được làm loạn đấy.
Vóc dáng đại bàng vạm vỡ, đứng trên mặt đất phải cao hơn hai thước, ánh mắt sắc bén chăm chú nhìn Nhạc Chi Dương, ngoài ý mong cầu còn kèm theo sự cảnh giác. Nhạc Chi Dương từng chứng kiến thần oai khi nó quắp chết Ma Vân, nghĩ thầm chú chim này dũng mãnh lợi hại, dù mổ hay quắp cũng đều chí mạng, lỡ trong lúc rút châm nó cảm thấy khó chịu, vậy chẳng phải bản thân sẽ đi đời nhà ma hay sao?
Chần chừ giây lát, Nhạc Chi Dương cuối cùng cũng quyết định cúi xuống, giơ hai ngón tay ra nhón lấy đuôi kim châm, chỉ thấy chú chim run lên cầm cập, trái tim của gã cũng không khỏi quýnh quắng, lập tức né tránh ánh mắt của đại bàng, lẩm bẩm nói:
– Ưng huynh đừng sợ, ưng huynh đừng sợ…
Nói đến lần thứ ba, gã bật ngờ dồn khí vào đầu ngón tay, vận sức nhổ, kim châm theo đó trồi lên cuốn theo một bún máu bầm.
Đại bàng trắng ré lên một tiếng, chiếc mỏ bén ngót của nó nhanh như chớp mổ mạnh lên mu bàn tay Nhạc Chi Dương. Nhạc Chi Dương thét to, tung người nhảy dựng lên, chợt thấy bóng trắng lay động, đại bàng bay vút lên không trung, nháy mắt đã không còn thấy đâu nữa.
Nhạc Chi Dương xem xét mu bàn tay, chỉ thấy vết thương khá sâu, máu tuôn ròng ròng, trong lòng vừa giận vừa kinh ngạc, hối hận vì lẽ ra không nên làm chuyện rảnh rỗi này. Súc sinh chung quy vẫn là súc sinh, đều là loài không biết trọng ơn nghĩa, tính hoang dã khó thuần phục, hở tí là làm người khác bị thương.
Đang lúc rầu rĩ, chợt nghe có người cười bảo:
– Nhóc con giỏi lắm, đã biết lợi hại hay chưa?
Nhạc Chi Dương quay đầu nhìn lại, Tịch Ứng Chân đang chắp tay sau lưng bước ra từ sau một khối đá, gã bấy giờ mới vỡ lẽ, tình hình nãy giờ nhất định đã bị ông trông thấy hết, mặt mũi gã tức thì nóng ran, xấu hổ vô cùng.
Lão đạo liếc nhìn gã, cười rằng:
– Nhóc con, ngươi có biết lai lịch của con chim này không?
Nhạc Chi Dương lắc đầu, Tịch Ứng Chân vuốt râu, lại hỏi tiếp:
– Ngươi có từng nghe về Hải Đông Thanh chưa?
Nhạc Chi Dương sửng người, buột miệng hô: “Hải Thanh nã nga!” (*)
(ND chú: xem lại đầu chương 2)
Tịch Ứng Chân cười:
– Không sai, chính là “Hải Thanh nã nga”.
“Hải Thanh nã nga” là một khúc nhạc, Hải Thanh trong tựa đề chính là Hải Đông Thanh. Hải Đông Thanh được tộc Nữ Chân tôn xưng là “Vạn ưng chi thần”, sinh ra ở vùng biển Đông Bắc, bay vừa cao vừa nhanh, hệt như chớp giật sao rơi, có thể hạ gục được cả thiên nga bay tận chín tầng trời.
Xưa, các bộ tộc phương Bắc xem Hải Đông Thanh là thần vật, sau khi thuần hóa được nó rồi, có thể trên hạ chim muông, dưới đuổi bách thú, bay xa ngàn dặm, không gì không làm được. Khúc “Hải Thanh nã nga” này Nhạc Chi Dương đã thổi qua không biết bao nhiêu lần, nhưng để gặp một con Hải Đông Thanh thật sự thì đây là lần đầu tiên trông thấy. Nghĩ đến sự lợi hại của nó, trống ngực gã thình thịch đập mạnh.
Tịch Ứng Chân dõi nhìn về phía xa, chầm chậm nói:
– Năm ấy ta ngao du đến Liêu Đông, những con Hải Đông Thanh gặp qua đều có dáng vóc gầy nhỏ, còn chú chim to như thế này thì suốt bảy mươi năm cuộc đời ta mới lần đầu tiên thấy được, nghĩ là do trên đảo hội tụ phong thủy, trời tạo đất gầy, nên mới cho ra một giống đặc dị như vậy.
Nhạc Chi Dương ngó mu bàn tay, hậm hực lẩm bẩm:
– Cái gì mà giống đặc dị chứ? Chỉ là một con chim gớm ghiếc.
Tịch Ứng Chân ha hả cười:
– Thằng nhóc nhà ngươi cũng bạo gan lắm, Hải Đông Thanh có thể lấy nhỏ chống lớn, ngay cả những loài chim to khủng còn phải nể nó ba phần, ngươi lại dám đến gần nó như vậy, bị thương ở tay là còn may mắn đấy. Nhỡ nó mà mổ lên mặt ngươi thì cả tròng mắt cũng không còn!
Nhạc Chi Dương cười khổ:
– Là ta bị mụ mị thôi, để đạo trưởng cười chê rồi.
Tịch Ứng Chân liếc nhìn gã, cười khẽ:
– Ta không có ý châm chọc ngươi đâu, thằng nhóc nhà ngươi tâm tính từ bi, thương cả loài chim thú, giỏi lắm, giỏi lắm, lão đạo không nhìn lầm ngươi.
Nhạc Chi Dương nhún nhún vai, nhếch miệng bảo:
– Tiếc là có lòng tốt lại không được đền đáp.
Tịch Ứng Chân lắc đầu:
– Làm việc thiện chỉ cầu tâm an, còn như muốn được hồi đáp, ngược lại còn khiến bản thân bị hạ thấp.
Nhạc Chi Dương cười bảo:
– Đạo trưởng nói chí phải, tiểu tử xin nhận dạy dỗ.
Nói đến đây, gã chợt thắc mắc:
– Tịch đạo trưởng, ông không nghỉ ngơi mà ra đây làm gì?
– Nghe thấy tiếng sáo nên ra đây thôi. – Tịch Ứng Chân ngồi trên một mô đá, tay vân vê bộ râu, hướng mắt nhìn ra biển, thần thái trên gương mặt biến ảo như đang suy nghĩ điều gì đó, qua một lúc sau mới từ tốn nói: – Nhạc Chi Dương, ngươi có muốn học “Dịch Tinh Kiếm” của ta không?
Nhạc Chi Dương sửng sờ:
– Đạo trưởng sao lại nói lời này, chẳng phải ông không thể thu ta làm đồ đệ hay sao?
Tịch Ứng Chân lắc đầu:
– Ta không nói sẽ thu ngươi làm đệ tử, ta chỉ hỏi ngươi có muốn học kiếm pháp không mà thôi?
Nhạc Chi Dương càng thêm mập mờ khó hiểu, ấp úng nói:
– Việc ấy có gì khác nhau chứ?
Tịch Ứng Chân trừng mắt nhìn gã:
– Thằng nhóc nhà ngươi bình thường lanh lẹ bao nhiêu, tại sao lúc khẩn cấp lại hóa ra lập cà lập cập như đàn bà vậy? Việc khẩn có thể tự quyết, nay đại địch trước mắt, ta lại chẳng còn sống bao lâu nữa, võ công của ngươi thì quá yếu nhược làm sao đối phó nổi với mấy kẻ ác độc kia?
Nhạc Chi Dương bấy giờ mới sáng tỏ trong lòng, thì ra đang lúc nguy cấp, Tịch Ứng Chân đã phá bỏ quy định môn phái, quyết ý truyền thụ “Dịch Tinh Kiếm” cho gã để ngày sau có thể so tài cùng Xung đại sư. Nghĩ đến đây, cõi lòng gã nóng hôi hổi, nước mắt suýt nữa chực tuôn trào.
Tịch Ứng Chân giả vờ không thấy, ông đứng dậy bảo:
– “Dịch Tinh Kiếm” và “Phi Ảnh Thần Kiếm” của Đông Đảo vốn tương tự nhau, đều bắt nguồn từ “Quy Tàng Kiếm” của đại kiếm khách đời trước là Công Dương Vũ. Đường kiếm pháp này chứa đựng tiên thiên dịch lý, học vấn bên trong vô cùng uyên thâm, về sau tuy không ít người tập luyện nhưng những kẻ có thể tuần tự đi từ thấp lên cao thì chẳng được mấy ai. Sau khi Công Dương tiên sinh qua đời, những người được chân truyền chỉ còn lại đại hiệp Vân Thù, “Tây Côn Luân” Lương Tiêu, “Kính Thiên” Hoa Kính Viên và hai vị tổ sư Bách Ách, Liễu Tình của bổn phái. Vân đại hiệp năm xưa chống lại quân Nguyên, sợ rằng “Quy Tàng Kiếm” không dễ tu luyện, vì muốn để cho nhiều người tập nó nên ông đã chắt lọc tinh hoa, đơn giản lược bớt nguyên bản, sáng tạo ra “Phi Ảnh Thần Kiếm”. Đường kiếm này luyện đến chỗ tuyệt đỉnh có thể phi ảnh loạn thần, hư nhược mộng ảo, đích xác là lợi hại chí cực. “Phi Ảnh Thần Kiếm” so với “Quy Tàng Kiếm” thì dễ hơn, tuy nhiên khi luyện đến một cấp độ nhất định sẽ chạm phải trở ngại trùng trùng, nếu như muốn đột phá qua cảnh giới này, cần phải nghiên cứu dịch lý từ bản công phu gốc.
– Về sau Lương Tiêu định cư nơi hải ngoại, Hoa Kính Viên biệt tăm biệt tích, tổ sư Liễu Tình của bổn phái tuy là phận nữ lưu nhưng tư chất sáng dạ hơn cả nam tử. Năm ấy bà đem tinh tượng dung nhập vào kiếm pháp, truyền đến tay gia sư, ông lại đem dịch đạo tích hợp vào bên trong, đồng thời giảm dư thừa lọc tinh hoa, dung luyện biến hóa, từ “Quy Tàng Kiếm” phát minh ra một đường kiếm pháp mới, có tên “Dịch Tinh Kiếm”. “Dịch Tinh Kiếm” chủ yếu dựa vào tinh tượng, đối với người mới bắt đầu học dễ hơn rất nhiều so với thuật số, cho nên ta mới dám truyền thụ cho ngươi, chứ nếu đổi lại là “Quy Tàng Kiếm”, chỉ riêng giảng giải thuật lý âm dương cũng phải tốn ngót tháng trời.
Nhạc Chi Dương nghe đến quéo cả lưỡi, liên tục vâng dạ. Tịch Ứng Chân nhìn dáng vẻ của gã, bật cười:
– Ngươi cũng đừng có cao hứng sớm, “Quy Tàng Kiếm” đương nhiên là hao sức phí thời gian, nhưng “Dịch Tinh Kiếm” cũng không phải chỉ trong dăm ba ngày thì có thể học thạo. Ta chỉ có thể dốc hết lòng truyền thụ, còn học được nhiều hay ít thì phải xem tạo hóa của ngươi.
Nói rồi, ông chìa tay phải ra bảo:
– Mượn sáo của ngươi một lát!
Nhạc Chi Dương đưa thanh sáo cho ông, Tịch Ứng Chân đón lấy lặng lẽ quan sát một lúc, chỉ thấy chất ngọc bích lung linh dưới ánh trăng hệt như một dòng nước thu trong vắt đang dịu dàng tuôn chảy trong tay ông lão.
Tịch Ứng Chân cầm sáo trên tay như thể hóa thành một người khác, gột bỏ sự già nua, thấn thái phơi phới, sừng sững hiên ngang như tùng như bách. Ông ngẩng đầu nhìn trời cao, chỉ thấy sông ngân trong trẻo, sao rạng lấp lánh, dày đặc như cát sông Hoàng Hà, mịt mờ không thể nào đo đếm.
Tịch Ứng Chân nổi hứng bật ra một tràng cười khẽ, hét vang:
– Xem cho rõ, đây là “Thiên Trùng Thức”!
Ông tung người xuất kiếm, thanh sáo lập lòe sắc xanh, tản mác như bầy đom đóm chao lượn, miệng ông tiếp tục nhẩm niệm: – “Thiên hà ỷ trường kiếm, trùng tiêu hữu phi tinh, thất tinh tòng trung xuất, ngũ đế sái lưu linh, hoán nhiên trịch điện quang, bôn tẩu như lôi đình, tả kiếm vãn nguyệt hoa, hữu thủ tiếp nhật cảnh, quang minh diệu thập phương, quỷ mị tẫn độn hình…”
Ông vừa ngâm nga vừa múa kiếm, đâm chém dọc ngang, lên cao xuống thấp, đến đi như gió, mỗi một kiếm đều tiềm ẩn nội lực. Cơn gió luồn qua thanh sáo phát ra những tiếng ngân rung lạ kỳ. Ông lão vì để cho Nhạc Chi Dương nhìn rõ nên lúc ban đầu tốc độ khá khoan thai, dần dần kiếm múa càng lúc càng hăng, người và ảnh hòa lẫn khó phân định, giữa màn đêm mông lung, phảng phất như đang có hai Tịch Ứng Chân đang cùng nhau múa kiếm, sáo ngọc lượn lờ ở giữa như một tia chớp lóng lánh màu xanh biếc.
Nhạc Chi Dương được mắt thấy tai nghe, từng chữ một rót vào lỗ tai như mở mang khai sáng, người và kiếm bay lượn làm gã cảm thấy choáng váng. Gã mở to mắt cố sức theo kịp thân hình của Tịch Ứng Chân, thế nhưng càng xem càng mơ hồ, thình lình trong dạ ngầy ngật phát nôn. Đang khó chịu, gã chợt nghe thấy một tiết hú dài, Tịch Ứng Chân thu hồi quang ảnh, đứng im thin thít, hai mắt nhìn chăm chú lên trời sao, dáng vẻ tựa như chưa từng cử động.
Nhạc Chi Dương ngây ra một thoáng, chợt vỗ tay la rần:
– Kiếm pháp hay tuyệt, lợi hại , lợi hại!
Tịch Ứng Chân liếc nhìn gã, bỗng hỏi lại:
– Hay chỗ nào?
Nhạc Chi Dương sửng người, đáp:
– Hay ở chỗ xuất kiếm cực nhanh, còn hơn cả sấm giăng chớp giật.
– Sai rồi. – Tịch Ứng Chân lắc đầu: – Nếu so về nhanh, làm sao bì được với “Phi Ảnh Thần Kiếm”.
– Thế thì, thế thì… – Nhạc Chi Dương cúi đầu ngẫm nghĩ, đột nhiên vỗ tay cười: – Đúng rồi, không phải là xuất kiếm nhanh mà là bộ pháp nhanh.
Tịch Ứng Chân lộ vẻ ngạc nhiên, gật gù bảo:
– Thằng nhóc khá lắm, chẳng ngờ có thể nhìn ra! Không sai, kiếm chiêu của “Dịch Tinh Kiếm” phần nhiều được rút tỉa từ “Quy Tàng Kiếm”, chỉ trừ mỗi chiêu “Tử Vi Đấu Bộ” này là sáng tạo độc quyền của bổn phái, bên trong ngầm dung hợp sao Diêu Quang của chòm Bắc Đẩu, có thể giết người trong mười bước chân, không lưu lại dấu vết. Tóm lại, kiếm khách khi xuất kiếm, không quan trọng ít hay nhiều, chỉ cần thân pháp ngươi đủ nhanh, bộ pháp ngươi đủ chuẩn, vòng đến điểm yếu hại của kẻ thù, chỉ một kiếm xuất ra thôi đã có thể phân thắng bại.
Nhạc Chi Dương nghe nửa hiểu nửa không, liên tục gật đầu. Tịch Ứng Chân cười bảo:
– Ngươi đừng lo, ăn cơm phải ăn từng miếng, kiếm pháp cũng phải luyện từng chiêu, muốn gấp cũng không được. Ngươi qua đây, ta sẽ từ từ dạy ngươi.
Nhạc Chi Dương vâng dạ bước đến bên cạnh, Tịch Ứng Chân miệng nói tay thị phạm, giảng giải những điểm chính yếu trong Dịch Tinh Kiếm, môn kiếm pháp này có liên quan đến tinh tượng, trước khi học cần phải thông hiểu thiên văn. Lúc này sao giăng đầy trời, cứ nhìn lên đó mà giảng dạy chính là một cơ hội tuyệt hảo. Tịch Ứng Chân trỏ tay chỉ về phía những vì sao, trình bày về đạo trời, sao mọc chi chít xa gần ẩn hàm biết bao điều ảo diệu, gom tụ vào bộ pháp, tạo ra hiệu quả diệu kỳ.
“Dịch Tinh Kiếm” chia làm chín đại định thức, Tịch Ứng Chân trước tiên dạy từ “Thiên Trùng Thức”, giảng qua một giờ Nhạc Chi Dương đã bắt đầu lĩnh ngộ dần, bước chân ứng theo tinh đẩu, tùy cơ múa sáo, thân hòa cùng kiếm hết sức tương hợp.
Võ công của Thái Hạo Cốc rất xem trọng ngộ tính, ngộ tính không đạt thì có luyện cả đời cũng vô vọng, ngộ tính mà đủ thì học hỏi rất nhanh. Hiềm nỗi, học thì dễ mà thành thạo lại rất khó, thành thử học đến canh năm, Nhạc Chi Dương chỉ mới luyện được phân nửa “Thiên Trùng Thức”, vừa thi triển giở tay nhấc chân được một tí đã cảm thấy trầy trật không ổn.
Bên dạy bên học, chẳng mấy chốc sao trăng đều lặn cả, phương đông dần hửng sáng, hai người thân thể rã rời bèn trở về hang động. Diệp Linh Tô lúc này đang ngồi dựa vách, vì sợ rằng kẻ thù tìm đến nên tay vẫn lăm lăm trường kiếm, không dám ngủ quên, cô vừa nghe thấy tiếng động lập tức mở bừng mắt, đến khi trông thấy hai người rồi mới nhắm mắt lại tiếp tục thở đều.
Tịch Ứng Chân xếp bằng ngồi thiền, Nhạc Chi Dương thì cứ để nguyên quần áo vậy lăn ra ngủ. Vừa thiêm thiếp một lúc, gã chợt nghe tiếng Diệp Linh Tô vang lên lanh lảnh làm cho choàng tỉnh. Gã mơ mơ màng màng bật dậy, cứ ngỡ Xung đại sư tập kích, tay chộp nhanh lấy thanh sáo xông ra ngoài động, giụi mắt nhìn kỹ lại chỉ thấy mặt trời đã lên cao ba sào, ánh nắng chói chang, Diệp Linh Tô đang nhìn xuống một con thỏ dưới mặt đất với vẻ ngơ ngác.
Tịch Ứng Chân cũng bước ra ngoài động, hỏi:
– Xảy ra chuyện gì?
Diệp Linh Tô chỉ xuống con thỏ, nhíu mày bảo:
– Ta vừa ra khỏi động thì thấy con thỏ này.
Nhạc Chi Dương quàu quạu gắt:
– Chỉ là con thỏ, có gì ghê gớm chứ? La to như vậy ta còn tưởng là cô gặp phải ma!
– Ngươi mới gặp ma á! – Diệp Linh Tô lườm gã: – Con thỏ này vì sao mà chết? Và vì sao lại nằm ở nơi đây?
Nhạc Chi Dương suy nghĩ rồi bật cười:
– Chắc là Xung đại sư mang đến tặng, bên trong tẩm sẵn thuốc mê, ăn thịt thỏ xong rồi lập tức lăn quay ra xỉu.
Diệp Linh Tô nghe xong cảm thấy cũng có lý.
Tịch Ứng Chân xách chú thỏ lên, quan sát một lúc rồi cười bảo:
– Cổ của con thú này bị gãy rồi, nhưng không phải là thủ pháp do con người làm.
Nhạc Chi Dương tiếp lấy chú thỏ, chỉ thấy trên da nó có vết tích cào xước, gã lập tức nhớ ra gì đó, vỗ tay bảo:
– Ta biết rồi…
Còn chưa dứt câu, gió trên đầu chợt nổi lên, gã vội vã nhảy sang một bên, chỉ thấy một con chim biển từ trên cao rớt xuống, ngã đánh bộp ngay trước mặt mình.
Nhạc Chi Dương đưa mắt nhìn lên, một chiếc bóng trắng nhanh như tên bắn bay sượt qua tầm mắt. Diệp Linh Tô quát lên một tiếng, huơ tay toan phát châm. Nhạc Chi Dương vội vã cản cô lại, đại bàng trắng trong tích tắc ấy, đã chui tọt vào trong khu rừng rậm mất hút.
Diệp Linh Tô giằng lại kim châm, hai mắt tóe lửa trừng trừng nhìn Nhạc Chi Dương. Nhạc Chi Dương vội giải bày:
– Diệp cô nương đừng giận, con Hải Đông Thanh này từng chịu ơn nghĩa của ta cho nên mới đi bắt chim thú đến để báo đáp.
– Ơn nghĩa? – Diệp Linh Tô tỏ vẻ ngờ vực: – Nó chịu ơn nghĩa gì của ngươi?
Nhạc Chi Dương vắn tắt thuật lại một lượt câu chuyện, Diệp Linh Tô mím môi, im lặng nghe xong, bất chợt cô nghiến răng bảo:
– Được lắm, ta dùng châm bắn nó, ngươi lại đi giúp nó nhổ châm. Ta làm người xấu, ngươi làm người tốt, ngươi thì làm ơn với nó, vậy việc ta làm với nó gọi là gì? Ma Vân, Ma Vân đúng là chết oan rồi…
Nói đến đây, hai mắt cô ửng đỏ, quay ngoắt đầu, bỏ đi như một làn khói.
Nhạc Chi Dương bị quở mắng một tràng, chỉ cảm thấy chẳng hiểu đầu cua tai nheo gì cả, gã nhìn theo bóng lưng thiếu nữ rồi lại quay sang nhìn Tịch Ứng Chân, ngượng nghịu nói:
– Hầy, cô bé ấy nói mê nói sảng gì không biết!
Tịch Ứng Chân cười khổ:
– Thằng ngốc, nó làm Hải Đông Thanh bị thương, còn ngươi lại đi cứu Hải Đông Thanh, như vậy chẳng phải là đối nghịch với nó sao?
Nhạc Chi Dương bực bội nói:
– Vậy thì sao chứ? Chẳng phải chỉ là một con chim thôi ư? Chim chóc chứ có phải kẻ thù đâu, cứu hay không cứu thì có quan hệ gì!
– Ngươi chả hiểu gì cả! – Tịch Ứng Chân lắc đầu quầy quậy: – Con gái bụng dạ tinh tế nhạy cảm, nhất là đối với ý trung nhân của mình, đương nhiên là muốn anh ta lúc nào cũng phải đồng ý đồng lòng với mình trong mọi hoàn cảnh. Ngươi và nó lập trường đối lập, nó hiển nhiên là không vui rồi.
Nói xong, ông cười tủm tỉm nhặt lại chú thỏ, bước tha thẩn trở vào trong động.
Nhạc Chi Dương đứng đực ra đấy, ngơ ngẩn mất một lúc, những lời của Tịch Ứng Chân cứ vang vọng trong đầu của gã, gã nghĩ thầm: “Ông già này nói năng bổ bả thật, ý trung nhân sao có thể tùy tiện nói ra thế được? Diệp cô nương với ta chỉ là bè bạn đồng cảm âm luật, ngoài ra không hề có tư tình gì khác.” Nhưng dẫu cho gã có suy nghĩ như vậy cũng không thể nào thuyết phục được bản thân mình, lại nhớ đến lúc Diệp Linh Tô bỏ đi, mắt hoen mi đỏ, dáng vẻ chực khóc đến nơi, trong lòng gã cứ bồn chồn rấm rức, lại nghĩ: “Thân thế của cô ấy thê thảm như vậy, khó trách được hay nghĩ nhiều buồn nhiều, mình cần phải tìm ra cách nào đó để khuyên nhủ cho cô ấy mới được.”
Nghĩ như vậy, gã liền sải bước đi về phía Diệp Linh Tô biến mất khi nãy. Đi một lúc mà chẳng thấy động tĩnh gì, gã đang định tìm một lối đi khác thì bất chợt nghe thấy tiếng la hét ở phía trước vọng đến. Gã bèn xô cỏ dạt cây bước lên xem xét, chỉ thấy Diệp Linh Tô tay cầm kiếm Thanh Li, đang chật vật giao tranh cùng Minh Đấu. Trúc Nhân Phong đứng ở kế bên, giọng điệu quái gở bảo:
– Người đẹp à, đừng ngoan cố chống cự nữa, nhỡ làm nàng bị thương, trong lòng ta sẽ đau xót lắm. Hay nàng hãy ngoan ngoãn buông bỏ bảo kiếm, theo ca ca ta đi hưởng phúc, không phải ta khoác lác nhưng chỉ cần nàng làm nữ nhân của ta rồi, nàng sẽ được sướng khoái lâng lâng, có chết cũng chẳng muốn rời xa ta nữa đâu…
Nhạc Chi Dương hốt hoảng, chẳng thèm suy nghĩ nhiều, xông ra quát lớn:
– Các ngươi rành rành là hai gã đàn ông, lại đi hiếp đáp một người phụ nữ, bộ không biết ngượng hay sao?
Trúc Nhân Phong thấy gã như gặp lại kẻ thù, hai mắt đỏ bừng, cười the thé nói:
– Hay lắm, lại một tên đến nạp mạng.
Diệp Linh Tô vung tay lên, bắn ra mấy đóm sáng lấp lánh, Minh Đấu vội vã né tránh. Diệp Linh Tô thừa cơ lùi đến bên Nhạc Chi Dương, chắn kiếm ngang mình, hỏi nhỏ:
– Ngươi đến đây làm gì?
Nhạc Chi Dương nhủ bụng: “Ta mà không đến là cô tiêu rồi.” Ngoài miệng thì bảo:
– Ta tình cờ đi ngang thôi.
Nói rồi gã hướng về Minh Đấu, quát:
– Xung đại sư đâu?
Minh Đấu hừ một tiếng, lạnh lùng không đáp. Trúc Nhân Phong cười bảo:
– Tên hòa thượng ấy cẩn thận dè dặt, muốn đợi đến bốn ngày sau. Con bà nó, lão tử làm gì có thời gian rảnh như vậy, chỉ cần tóm được hai tên nhãi con các ngươi, lão mũi trâu Tịch Ứng Chân không muốn nghe lời cũng khó!
Hắn tuy nói chuyện với Nhạc Chi Dương nhưng ánh mắt luôn nhìn chòng chọc vào Diệp Linh Tô, trên mặt lộ rõ vẻ thèm thuồng.
Diệp Linh Tô hận hắn vô lễ, chẳng nói chẳng rằng, huơ mũi kiếm đâm thẳng về phía ngực Trúc Nhân Phong. Kiếm đi được nửa đường, Minh Đấu bỗng tung người xông đến, vỗ một chưởng về phía thiếu nữ. Diệp Linh Tô xoay ngang kiếm hạ xuống đỡ đòn, cổ tay Minh Đấu liền lật lại, hai ngón trỏ và giữa xuất ra như chớp, “Chát” một tiếng, va trúng vào sống gươm Thanh Li.
Cái búng tay này mang theo “Tích Thủy Kình”, có ý nghĩa “nước rỏ mòn đá”, kình lực ban đầu tuy không mạnh nhưng hậu kình thì liên miên không dứt, theo thân kiếm rung chấn hướng lên trên, khiến cho nửa người Diệp Linh Tô phát tê dại, thanh nhuyễn kiếm suýt nữa thì tuột khỏi tay.