Dịch: Vạn Cổ
***
Khi đêm về, xe cộ thưa thớt. Đường phố quang đãng liền bộc lộ bản chất thật sự của nó, lộ ra từng vết tích đấu đá ẩn nấp mà chẳng ai nhìn thấy lúc ban ngày.
Mặc dù tôi là một tên thám tử nghiệp dư, nhưng vì đạo đức nghề nghiệp, tôi đều cố hết sức trong mỗi kiện ủy thác.
Muốn làm rõ cô bé ấy có nói dối hay không, đơn giản nhất là chỉ việc chọn thời gian thích hợp để ghé thăm đường Vô Đăng một chuyến, đồng thời tìm kiếm công ty Âm Gian Tú Tràng trong thẻ quảng cáo kia.
Mở máy tính dò đường một lát, tôi nhận ra đường Vô Đăng ở Giang Thành quả thật là có tồn tại.
Theo người dân Giang Thành, con đường này còn có một cái tên đặc biệt khác, đó là “Khối đỉnh Ốc vít.”
“Khối đỉnh Ốc vít” thật ra có ý nghĩa là “Thi thể chất thành đỉnh“. Khi chiến tranh kháng Nhật xảy ra, đây chính là lò thảm sát khủng khiếp nhất tại Giang Thành. Người chết xếp chồng lên nhau thành hàng lũy, cao tận nóc nhà. Người dân xung quanh đồn đãi rằng ở đây không thể gắn đèn đường, vì chỉ cần gắn lên là ngày hôm sau bị hư hỏng liền. Có thể là do bị kẻ khác tháo xuống, hoặc là tự dưng hỏng hóc, không rõ lý do.
Lấy bóng đèn xuống kiểm tra thử, người ta thấy sợi vonfram bên trong đã bị đứt, từ đó về sau chẳng ai màng gắn đèn đường cả. Chẳng những thế, khách bộ hành cầm đèn pin đi trong ngõ hẻm cũng không được, đèn pin cũng tắt vô cớ mà thôi. Bên cạnh đó, bất kì dạng xe cộ nào chạy đến cái ngõ hẻm này, dù là xe gắn máy, hay xe đạp điện, đều bị hư động cơ ngay tức khắc.
Mấy hộ gia đình xung quanh đây không dám đi ra đường vào ban đêm. Vì thế, nếu bạn gặp phải một người tại “Khối đỉnh Ốc vít” này vào ban đêm, vậy cũng chưa chắc là “người“.
“Công ty mở tại nơi như thế này, đúng là xứng đáng với cái tên Âm Gian Tú Tràng nha.”
Chính xác mà nói, tôi theo chủ nghĩa vô thần, tôn thờ sự logic. Sau khi nghiên cứu tư liệu cả một buổi chiều, tôi khẳng định đây chỉ là một trò đùa dai kém thông minh.
“Chuyện này là thiệt hay xạo sự, phải chờ đến tối nay rồi.” Mặc thường phục vào, nhét tờ quảng cáo và gậy chích điện mini vào túi quần, tôi bắt xe đến nơi cần đến.
Đường Vô Đăng nằm tại khu phố cổ. Khi tôi đến nơi, trời đã sập tối, mưa lất phất nhè nhẹ.
“Xui dữ vầy nè!” Trời mưa, tôi mà xài gậy chích điện cũng sợ bị giật. Nếu tôi gặp bọn côn đồ cũng hơi khó chơi rồi.
Dạo quanh từng con hẻm lòng vòng, quanh co, hai bên đường là những căn nhà có kiến trúc xưa cũ. Dân bản xứ ở đây đều có thái độ khó chịu đối với một người lạ như tôi. Bước đến hỏi thăm, chỉ cần tôi nhắc đến ba chữ “đường Vô Đăng”, bọn họ đều phất tay rồi bước đi vội vã.
Chẳng được ai chỉ đường, tôi cứ như con ruồi mất đầu, bay tới bay lui đến tận 10 giờ tối hơn mà vẫn chưa tìm được con đường Vô Đăng trong truyền thuyết.
Mưa nặng hạt dần, từng làn sương mù mờ mịt dần xuất hiện. Tôi muốn tìm nơi trú mưa, nhưng chẳng thể tìm thấy một cửa tiệm nào coi được tại con hẻm nhỏ này.
Có vài nơi bày biện nhà giấy, xe ngựa, vòng hoa, áo liệm trước cửa nhà; hiển nhiên, đó là nơi bán vàng mã.
Mưa như trút nước, chẳng còn lựa chọn nào khác, tôi đành nấp vào cửa hàng vàng mã. Ai mà ngờ rằng, vừa qua 11 giờ thì chủ quán tắt hết đèn điện, đưa tôi một cặp đèn cầy trắng và một cây dù đen chuyên dùng để đi viếng mồ, mã, sau đó hối tôi rời đi.
“Mấy người này kỳ cục quá!” Bung dù đen che lên, tôi đứng dưới màn mưa, căng mắt nhìn xung quanh, cả ngõ hẻm chẳng có một tia sáng nào.
“Chẳng lẽ đây là đường Vô Đăng ư?” Tôi bỗng rùng mình một cách vô thức. Một mình đi bộ hơn 20 phút, vòng tới vòng lui, dường như tôi lạc đường luôn rồi. Vừa định lấy điện thoại ra gọi điện báo hỗ trợ, tôi liền nhìn thấy một bà cụ đang vẫy tay gọi tôi đến.
“Trời tối, mưa to. Tại sao bà ta ở đây một mình? Người thân của bà ta đâu rồi?”
Nước mưa thấm ướt cả quần áo của bà cụ. Trông bà rất lẻ loi, cô độc, tình cảnh thảm thương hơn tôi vô cùng.
Bà ta vẫy tay trong lo lắng, tôi vội chạy đến, đưa dù che cho bà, “Cụ ơi, bà...”
Một ánh chớp lóe lên, tôi cúi đầu nhìn xuống, liền trông thấy gương mặt của bà lão. Gương mặt của bà trắng bệch, nếp nhăn chằn chịt khắp mọi nơi, che lấp cả khuôn mặt già lão.
“Bà bị mất đồ, cháu giúp bà tìm đi.”
Giọng bà lão run run, tựa như sắp gần đất xa trời. Đây giống như sự nhờ vả cuối cùng trước khi từ trần vậy.
Tôi bắt buộc chính mình phải tỉnh táo: “Bà đừng gấp, bà bị mất cái gì?”
Ánh mắt vẩn đục của bà cụ nhìn tôi, bà nói: “Bà lạc mất cháu nhỏ rồi, trong con hẻm này nè.”
Bà lão chỉ về hướng con hẻm tối tăm, rồi khập khiễng lê từng bước đi vào.
“Cháu nhỏ? Là người sống ư?” Chẳng hiểu vì sao, tôi nhớ lại mấy tin đồn liên quan đến đường Vô Đăng trên internet, rồi liếc nhìn bóng lưng của bà cụ, tự dưng sởn cả gai ốc.
“Không được rồi, mấy chuyện quỷ quái, thần phật đều là tự mình dọa mình nha. Tình trạng của mình hiện tại chính là phản ứng tự nhiên của con người khi gặp hoàn cảnh đặc biệt có thể dẫn đến hiện tượng khó xác định mà thôi.” Khi cơ thể đối mặt với nguy hiểm, tự thân sẽ sẽ sản sinh ra cơ chế tự bảo vệ, được gọi là sự sợ hãi và bản năng trốn tránh.
“Từ phản ứng của dân địa phương kết hợp với lời đồn trên mạng internet, cộng thêm bà cụ trước mắt này, tất cả hành vi, cử chỉ của họ đều bộc lộ một nét quái lạ. Cứ như là, bọn họ đang cố sức để xây dựng một bầu không khí kinh dị vậy.” Tôi hoàn toàn không tin chuyện ma quỷ, vẫn nghĩ đó là một trò đùa dai. Hiện nay, do có nhiều chương trình giải trí muốn tăng lượt views mà không từ thủ đoạn mà dùng đến hàng loại tiết mục có khẩu vị mặn mà. Thậm chí tôi đang nghĩ có hàng chục cái camera đang giấu đâu đó, quay lại tất cả quá trình hành động của tôi đây này!
Nghĩ thế, tôi bớt sợ một chút, bèn cầm dù cao lên, đi với bà lão vào con hẻm nhỏ.
Đi một hồi, tôi cảm giác mình còn gì để mất đâu khi đã lạc mất phương hướng từ lâu. Bỗng nhiên, bà cụ đứng lại.
“Cháu cầu cháu thỉnh của bà, lần sau đừng có chạy lung tung nữa nha...”
“Bà tìm ra cháu của mình rồi à?” Tôi hơi ngạc nhiên, theo ánh nhìn của bà lão, hai mắt của tôi trợn trừng lên.
Đó là con búp bê rách nát, ướt đẫm nằm tại bậc thềm lạnh lẽo.
Bà cụ đến ôm con búp bê một cách trìu mến, chẳng màng để ý bùn đất ướt đẫm xung quanh. Bà ấy cẩn thận từng li từng tí, hệt như đang ôm một đứa bé thật sự.
“Bà ta là một kẻ điên ư?” Tôi lại đi cùng với một bà già điên trong đêm mưa tận một tiếng đồng hồ.
“Ngoan ngoan, bé búp bê vải, đừng có giận bà. Bé đừng giận, bà bồi thường cho nè. Lúc nãy, bà không nên nổi nóng rồi ném cháu xuống đất, làm dơ áo bông mới, rồi mặt mày lắm lem bùn đất nữa. Chắc là cháu đau lắm hả? Bà thật lòng xin lỗi! Để bà phủi sạch đồ dơ cho cháu, rồi rửa mặt sạch sẽ cho. Cháu đau chỗ nào, để bà xoa. Từ nay về sau, chúng ta sẽ không xa rời.”
Bà lão ôm “em bé”, hát một bài đồng dao nào đó, rồi bước đi về phía xa. Tôi chỉ có thể cười khổ, lại đồng cảm một chút với bà cụ này. Chắc cụ đã hơn 70, thế mà hiện tại chỉ còn mỗi một con búp bê cũ nát để bầu bạn.
Nghĩ thế, tôi chạy theo, nhẹ nhàng đưa chiếc dù đen cho bà: “Mưa lớn quá. Bà lấy dù rồi về nhà nhanh đi.”
Bà cụ nhận lấy cây dù, đứng yên, có chút ngạc nhiên.
“Cụ đi đường cẩn thận nha, hẹn gặp lại cụ sau.” Nước mưa thấm quần áo ướt sũng, tôi liền núp dưới bậc thềm, nơi con búp bê vải nằm ban nãy, để trú mua. Đây là một căn nhà nhỏ 3 tầng với mái hiên tránh mưa cũ kỹ.
“Vì 70 đồng tiền, tôi cũng quá liều mạng đi!” Chẳng có bất cứ manh mối nào dính đến vụ ủy thác, tôi bèn ngồi xổm trên mặt đất, mồi lửa hút điếu thuốc theo thói quen. Nhưng ngay khi ánh lửa sáng lên, tôi liền thấy biển số nhà phía trước căn nhà nhỏ này: “Đường Vô Đăng - số 44”
Ngay lúc ánh lửa vụt tắt, tôi móc tấm thẻ nhỏ ra, kề sát mặt, xác nhận lại lần nữa: “Sao trùng hợp dữ vậy?”
Đúng là “núi cùng nước tận ngờ hết lối, bóng liễu hoa tươi một thôn làng” * mà. Đây chính là nơi mà tôi muốn tìm.
(Chú thích: bản gốc là “Sơn cùng thuỷ tận nghi vô lộ, liễu ám hoa minh hựu nhất thôn” - ý nói trong hoàn cảnh khốn khó, tìm được lối thoát)
“Địa chỉ trong tờ quảng cáo đúng là có thật, chuyện này càng lúc càng thú vị nha.” Tôi dùng tay nhấn vào công tắc của gậy chích điện mini, vừa định tiến qua mái hiên vào nhà bèn cảm giác có ai đó tóm lấy áo mình.
“Ai vậy?”
Xoay người, tôi móc gậy chích điện ra, từng tia lửa điện xẹt tí tách rõ rệt giữa đêm đen.
“Bà cụ à?” Chẳng biết bà cụ ôm búp bê vải đứng sau lưng tôi từ lúc nào nữa. Tôi từng đạt thành tích A+ trong khóa rèn luyện thực chiến tại trường huấn luyện cảnh sát, ngờ đâu hoàn toàn không phát hiện ra hành động của bà ta.
“Thằng nhóc này, trời tối, đừng có đi lung tung.” Bà lão dùng cơ thể mình để ngăn chặn ánh mắt của con búp bê vải, lại dường như vô tình làm rơi một cái khăn tay từ trong tay áo ra.
“Con chuột nhỏ, trên chân đèn, trộm dầu ăn, trèo xuống không được. Meo meo meo, mèo đến rồi, lộc cộc lăn xuống...”
Vừa hát đồng dao, vừa dỗ con búp bên hình người trong lòng, bà lão biến mất trong màn mưa.
Tôi nhặt lên chiếc khăn mà bà lão làm rơi. Nó trắng tinh, tựa như dải lụa trắng để treo cổ. Đưa tới trước mắt, tôi liền thấy có một bài thơ ngắn cổ điển trên đó:
“Trong nhà, sao khó ném tranh
Nhà nhà mọi sự, chỉ canh hỏi trời
Có chi chết chóc gọi mời
Ma đâu chẳng thấy, hỏi đời mênh mông”
Đọc hai lần, mồ hôi lạnh thấm ướt cả người tôi. Đây là một bài thơ ghép vần, nếu dùng chữ ở mỗi đầu câu thơ ghép lại, đáp án chính là: “trong nhà có ma!”
“Cuối cùng thì bà cụ có phải người điên hay không?” Kết hợp với mấy lời mà bà lão đã nói trước khi đi, ý tứ của cụ ấy đã rõ ràng. Tuy không rành mạch cho lắm, nhưng không hề phi logic giữa hành động và ẩn ý của bà ta.
“Chẳng lẽ thế giới này có ma quỷ thật sao?” Nhìn hành lang đen ngòm phía sau mái hiên, tôi do dự một chút, rồi vẫn đi vào trong.
Đối với một người thám tử, chuyện hấp dẫn nhất đối với hắn chắc chắn không phải là kết quả của vụ án, mà là quá trình phá giải những câu hỏi chưa có lời giải đáp kia.
Hai mắt của tôi dần quen thuộc với bóng tối. Tay sờ vách tường loang lổ, tôi bước dọc theo cầu thang, đi xuống tầng hầm.
“Số 44, đường Vô Đăng, tầng hầm số 4, phòng số 444...”