Mùa đông Giang nam
đến muộn hơn so với phương Bắc, thế nhưng cái lạnh nơi đây lại khiến cho rất nhiều người phương Bắc khó mà chịu đựng nổi. Đó là cái lạnh lẽo ẩm
ướt quấn riết vào da thịt, luồn lách qua từng lỗ chân lông, thấu đến
xương tủy.
Phương Bắc giờ này có lẽ đang tuyết đổ. Vì suốt mấy
ngày nay, khắp trời sương phủ âm u, khiến thành Cô Tô dù giữa trưa vẫn
chìm trong u ám.
Một con thuyền mui đen lượn qua một khúc quanh,
phá vỡ làn băng mỏng chưa kịp tan ở ven bờ, tiến vào khúc sông Sơn Đường cổ kính. Vào năm Bảo Lịch nguyên niên đời Đường, thi nhân Bạch Cư Dị đã đến đây nhậm chức thứ sử Tô Châu. Ông cho khơi một con sông đào nối
liền Hổ Khâu với Xương Môn, bên bờ sông đắp đê Bạch Công, sau trở thành
con phố Thất Lý Sơn Đường xa gần nức tiếng.
“Đường Khai Sơn đã
thông, ngược xuôi trên bến dưới sông rộn ràng”(*). Ngày nay, Thất Lý Sơn Đường đã không còn nhộn nhịp như trong thơ xưa nữa. Nhà cửa hai bên
sông đào cũ kỹ sạt lở, cảnh tượng đa phần nhuốm vẻ tiêu điều.
(*) Hai câu trong bài thơ “Đường chùa Hổ Khâu” (Hộ Khâu tự lộ) của Bạch Cư
Dị, nguyên văn là: “Tự Khai Sơn tự lộ, thủy lục vãng lai tấn”. Chùa Khai Sơn còn có tên là chùa Thọ Phật, nằm ở trấn Phượng Sơn huyện Liễu Thành thành phố Liễu Châu, Tô Châu.
Con thuyền rẽ đôi làn nước biếc
xanh như mực, băng qua dưới cầu Sơn Đường. Tấm rèm vải trên mui thuyền
khẽ vén sang một bên, để lộ một đôi mắt long lanh trong suốt, hai hàng
mi dài khẽ lay động, ánh mắt tuyệt đẹp nhìn lướt qua cây cầu một lượt,
dường như đang tìm kiếm thứ gì.
Tấm rèm lại nhanh chóng buông xuống. Từ trong khoang vọng ra giọng Ngô(*) êm ái của một cô gái trẻ:
- Không có!
- Ừ! – Tiếng đáp trầm trầm trong cổ họng.
(*) Giọng Ngô tức phương ngôn vùng Tô Châu, một trong những phương ngôn chủ yếu
của Trung Quốc, với đặc trưng nổi bật là êm ái, dịu dàng, mềm mại.
Con thuyền lướt đi khá nhanh. Mặc dù chỉ có một gã trai trẻ chèo thuyền,
nhưng nhìn vào cơ thể vạm vỡ và cánh tay cơ bắp nổi cuồn cuộn, có thể
thấy việc chèo chống con thuyền với anh ta là hết sức nhẹ nhàng, chẳng
thấm tháp vào đâu. Thuyền lướt đi rất vững, cách lèo lái cũng hết sức
thành thạo, liên tục luồn lách qua những kẽ hở hẹp ở một bên sông, khéo
léo len qua các chướng ngại vật với một khoảng cách vô cùng sít sao.
Từ trong mui thuyền vọng ra một tiếng “hứ” dài lanh lảnh. Có người nhận ra anh chàng chèo thuyền đang kheo tài.
Con thuyền lập tức chậm lại chút ít, và trở ra giữa dòng. Từ trong mui thuyền lại vọng ra tiếng phì cười khe khẽ của cô gái trẻ.
Thuyền lại tiếp tục đi qua dưới cầu Thông Quý, cầu Tinh Kiều, cầu Thái Vân.
Mỗi lần thuyền đi ngang qua một cây cầu, đôi mắt long lanh kia lại xuất
hiện sau tấm rèm, liếc quanh một lượt. Nhưng khi trở vào, câu trả lời
vẫn chỉ là: “Không có”.
Qua cầu Thái Vân, con thuyền lại nhanh
chóng ngoặt vào một nhánh sông nhỏ. Nhánh sông rất hẹp, không rộng hơn
con thuyền là mấy, cũng chẳng biết chảy về hướng nào. Nhà cửa hai bên bờ sông trông khá khang trang phần lớn đều có hai tầng. Nhưng một điểm
khác biệt duy nhất là cánh cửa sổ của những ngôi nhà này không có chấn
song hoa, mà làm bằng gỗ đặc nguyên tấm. Điểm này hoàn toàn khác biệt
với đặc trưng kiến trúc của vùng Giang Nam, dường như có đôi chút tương
tự với phong cách kiến trúc Tây Nam.
Nhánh sông rất ngắn, mới chỉ đi được chừng sáu bảy chiều dài con thuyền đã chấm dứt. Nó giống như
một ngõ sông, lại là ngõ cụt. Tại điểm kết thúc, có một ụ đỗ thuyền nhỏ
ghép bằng đá. Phía trên ụ đá là một cánh cổng đơn sơn đen. Cánh cổng
không có khóa, cũng không có tay nắm, bởi vì nó là cổng sau của khu nhà, bên trong có then gỗ cài ngang, bình thường chỉ có người bên trong mới
có thể đóng mở.
Nếu xét từ góc độ phong thủy, một ngôi nhà đẹp
xung quanh nhất thiết phải có nước, vì khí gặp nước sẽ dừng, gặp gió sẽ
tán. Một ngôi nhà không bị gió thổi thẳng vào, lại có nước bao quanh,
mới có thể giữ được phú quý không bị thất tán. Thế nhưng không phải tất
cả mọi dòng nước đều là cát lợi. Nhìn chung, đẹp nhất là phía trước nhà
có dòng nước hình tròn hoặc hình bán nguyệt bao quanh; thứ hai là dòng
nước quanh co như sóng; thứ nữa là chảy thẳng.
Nếu dòng nước ở
bên cạnh ngôi nhà, lại chảy thẳng đi sẽ không cát lợi, khí phú quý sẽ bị dòng nước cuốn trôi mất. Còn dòng nước đâm thẳng vào cổng sau như thế
này chắc chắn là hung tướng. Thứ nhất là phú quý không tụ; thứ hai là vì trong Ngũ hành Thủy thuộc âm, nếu đâm thẳng vào cổng sau của dương
trạch, sẽ mang tới rất nhiều hung hiểm. Khu nhà trước mặt có bố cục kỳ
quặc như vậy, chỉ có hai khả năng: thứ nhất, bên trong trạch viện còn có cục tướng hung hiểm hơn nữa; thứ hai, đây là một ngôi nhà ma, chứ không phải nơi dành cho con người ở.
Tấm rèm trên mui thuyền đen trũi
được vén hẳn lên, từ bên trong bước ra hai người đàn ông lớn tuổi. Người già hơn là Lỗ Thịnh Nghĩa, vẻ mặt hơi nhợt nhạt xen lẫn sắc vàng như
sáp, là khí của người mới bị thương chưa hồi phục. Người ít tuổi hơn
chính là Lỗ Ân, vừa nhìn thấy cánh cổng, đôi mắt ông ta lập tức sáng
quắc lên, trong ánh mắt trào dâng một tia phấn khích xen lẫn hiếu chiến
không thể kìm nén.
Con thuyền dừng lại một cách vừa vặn ngay cạnh ụ đá, khoảng cách giữa mui thuyền và mép ụ đá chỉ chừng một bàn tay,
dải nước ở giữa chúng vẫn lặng phắc không chút sóng gợn.
Lỗ Ân
nhẹ nhàng dấn lên, muốn bước qua ụ đá xem thử, nhưng lập tức bị Lỗ Thịnh Nghĩa kéo lại. Lỗ Thịnh Nghĩa ngồi thụp xuống bên mép thuyền, quan sát ụ đá thật kỹ lưỡng, không bỏ sót một viên đá, một khe hở.
- Đá bố
trí theo hình mai rùa lục giác, vết rạn mai rùa kéo dài đến tận mép mà
không có cột chắn lại. Đây là ụ đá rời! – Lỗ Thịnh Nghĩa khẽ giảng giải – Khảm diện(*) này tuy không có nút(**), nhưng nếu như ụ đá lở ra, sạt
xuống sông, dưới dòng nước kia không biết chừng còn thứ quái quỷ gì khác đang đợi sẵn.
(*) Khảm, hay khảm tử, là một loại thuật ngữ mà
các môn phái trong giang hồ dùng để gọi các bố cục Kỳ môn Độn giáp, cơ
quan cạm bẫy. Khảm diện tức là hình thức bên ngoài của khảm, cũng là
toàn bộ phạm vi tồn tại của một khảm.
(**) Nguyên văn là khấu hay khấu tử, nghĩa là nút, nút thắt, tức là một hoặc một nhóm bố trí đặt
trong khảm, dùng để ngăn chặn hoặc giết chết những ai lọt vào trong
khảm.
- Vậy lên bằng cách nào đây? – Lỗ Ân nhìn bề mặt khá hẹp
của ụ đá, băn khoăn hỏi. Kỳ thực, với một ụ đá hẹp như thế này, ông hoàn toàn có thể tung mình nhảy qua. Nhưng khi tiếp đất, cần phải lập tức
đứng thật vững trên bậc tam cấp bằng đá ngay phía trước cổng, không được lao người theo quán tính mà va vào cánh cổng bí hiểm kia. Ông cảm thấy
mình khó mà làm được như vậy. Hơn nữa bậc đá kia liệu có ẩn chứa điều gì bất thường, cũng rất khó đoán.
Quả đúng là “chưa bước qua ngưỡng cửa, đã tiến thoái lưỡng nan”!
- Liễu Nhi, con ra đây thử xem! – Lỗ Thịnh Nghĩa không để tâm đến thái độ của Lỗ Ân, ông đã bắt đầu thực hiện kế hoạch của mình.
- Dạ, thưa cha, con tới đây!
Đáp lại tiếng gọi của Lỗ Thịnh Nghĩa là một giọng Ngô lảnh lót ngọt êm như
nước. Từ trong mui thuyền phủ vải đen, nhẹ nhàng bước ra một cô gái trẻ. Đó chính là chủ nhân của đôi mắt tuyệt đẹp trong khoang thuyền, là cô
gái nãy giờ vẫn vén rèm quan sát mỗi khi thuyền sắp qua cầu. Cô gái có
thân hình mảnh mai thanh thoát, mình mặc áo ngắn và quần bông mỏng hơi
rộng bằng vải lam in hoa trắng li ti, dưới chân mang đôi giày mềm màu
lam đế vải. Cách ăn bận của cô có phần giống như một thôn nữ hái chè
miền quê, cũng giống kiểu con gái nhà đò lênh đênh sông nước. Đó chính
là người mà Lỗ Thịnh Nghĩa vừa gọi là Liễu Nhi – Lỗ Thiên Liễu.
- Chú Ân, nhờ chú đẩy cháu một cái nào! – Nói đoạn, Lỗ Thiên Liễu bèn kéo đuôi bím tóc ngậm vào trong miệng, hai tay dang rộng, đứng vững trước
mũi thuyền.
Lỗ Ân đặt hai tay vào eo lưng thon thả của Lỗ Thiên
Liễu, nhấc bổng cô lên rồi đẩy nhẹ, Lỗ Thiên Liễu lập tức bay lên như
một chiếc gối thêu nhồi bằng rơm lúa mạch đã phơi thật kỹ dưới nắng hè,
nhẹ nhàng không một tiếng động.
Lỗ Thiên Liễu có thể khống chế cơ thể rơi thẳng đứng lên bậc đá, song cô không biết bậc đá được bố trí ra sao. Người trong giới khảm tử(*) đều hiểu rõ, những thứ không biết
chính là những thứ nguy hiểm. Bởi vậy, cô chỉ dám hạ chân xuống phần ụ
đá phía trước bậc đá.
(*) Giới khảm tử, hay khảm tử hàng, chỉ
những người, những môn phái chuyên nghiên cứu thiết kế, bố trí sắp đặt
cơ quan cạm bẫy hoặc cách phá giải khảm diện của người khác.
Bố
cục khảm diện của ụ đá rời có lẽ là “đá rời tan, ụ đá chìm”. Nếu như
biết được nguyên tắc hoạt động của khảm diện, sẽ có thể ứng phó được dễ
dàng. Loại khảm diện này không có nút, không có tổng huyền(*) và khớp
nút(**), nó chỉ có hai phần là điểm thực(***) và chỗ khuyết(****). Người hiểu rõ bố cục sẽ giẫm chân lên điểm thực, khi đó ụ đá này sẽ không
khác gì so với những ụ đỗ thuyền thông thường.
(*) Tổng huyền, tức bộ phận dùng để khống chế nhiều tầng nút lẫy, cũng chính là cơ quan dùng để khống chế toàn bộ khảm diện.
(**) Nguyên văn là “khấu tử tiết”, còn gọi là huyền tử tiết, là điểm tiếp nối quan trọng để nút lẫy ( khấu tử) hoạt động.
(***) Điểm thực là những chỗ nhìn bề ngoài không có gì khác biệt so với những bộ
phận khác của khảm diện, nhưng khi bước vào điểm thực tế, sẽ không khởi
động nút lẫy. Chỉ có người thiết kế cạm bẩy mới biết được vị trí cụ thể
của điểm thực.
(****) Tức chỗ bị khuyết, còn gọi là chỗ không (
chỗ trống), đó là khoảng trống để nút lẫy chuyển động ra vào, là khe hở ở ria mép của nút lẫy.
Lỗ Thiên Liễu không biết điểm thực ở đâu,
cô đành phải tìm chỗ khuyết. Trong cơ quan cạm bẫy có hai loại chỗ
khuyết, một loại là do người bố trí cạm bẫy cố ý để lại đoạn lui, loại
còn lại là chỗ khiếm khuyết vốn có của bản thân cạm bẫy.
Lỗ Thiên Liễu chỉ có thể tìm được loại thứ hai. Vào khoảnh khắc bàn chân sắp
tiếp đất, cô đột nhiên đề khí thót bụng, chùng gối, hai tay đang nắm
chặt lập tức xòe rộng và ấn xuống, giữ cho cơ thể thật cân bằng. Điểm
tiếp đất của cô là ở mé trong của ụ đá, gần sát bậc thềm. Hai bàn chân
đều giẫm lên điểm giao cắt giữa đường vân rùa và viền ngoài của ụ đá.
Hai chân vừa chạm mặt đá, toàn bộ lòng bàn chân lập tức vận lực thu vào
bên trong, bám giữ thật chặt ở hai mặt đá ở hai bên khe hở. Hai cẳng
chân cũng vận lực kéo sát vào với nhau, để giữ chặt lấy những tảng đá ở
giữa hai chân.
Để ụ đá rời tan rã và chìm xuống, trước tiên sẽ là bề mặt đá bị ngoại lực tác động lên, ấn những viên đá nổi chìm xuống,
sau đó đẩy bề mép và những viên đá nổi ở bên ngoài từng lớp từng lớp rã
ra. Khối đá ở giữa không còn được những viên đá nổi ở vòng ngoài cản
lại, sẽ chìm xuống. Do loại đá vân rùa lục lăng có nhiều mặt tiếp xúc,
nên lực ma sát tương đối lớn. Hơn nữa, số lượng các khối đá dùng để bài
trí càng nhìu, thì lực ma sát khi xếp chồng lên nhau sẽ càng lớn.
Lỗ Thiên Liễu đã lợi dụng nguyên lý này, có điều mặc dù cô đã lựa chọn vị
trí chính giữa, song lại hơi lệch vào phía trong một chút. Vì cô đã suy
tính thấu đáo hơn, do bậc thềm đá ở bên trong là cố định không thể xê
dịch, nên đoạn viền mép sát với thềm đá của ụ rời cũng có thể coi là một đường viền “thực”.
Mặc dù tảng đá ở dưới cô đã lún xuống một
chút, nhưng nhờ lực kéo, ép của hai bàn chân và hai cẳng chân, nên đã
tăng cường được lực ma sát giữa các phiến đá. Lại thêm Lỗ Thiên Liễu
thân hình mảnh mai nhẹ nhõm, hiện đang đề khí ép hình, nên lực đạo khi
cô hạ xuống ụ đá đã cân bằng với lực ma sát giữa các lớp đá bên ngoài.
Lỗ Thiên Liễu đứng trên bề mặt của ụ đá rời, thân hình dập dềnh theo nhịp sóng, trông tựa như một đóa sen đung đưa trước gió.
Bây giờ, cô cần phải đứng vững, sau đó khom lưng xuống, hoặc ngồi xổm xuống để quan sát xem bậc đá có nút lẫy gì không. Hai chân cô đang vận lực để kéo chặt vào trong, nên không thể ngồi xuống, chỉ có thể khom lưng cúi
người. Thế nhưng động tác này cũng không dễ thực hiện, vì lúc này từ
phần hông trở xuống đều đang phải vận lực giữ đá, nên lực đạo dùng để
cúi người hoàn toàn dựa vào sức của thắt lưng và cơ bụng.
Lỗ
Thiên Liễu dang rộng hai cánh tay, bắt đầu nâng cao mộng, hạ thấp lưng,
cơ thể từ từ cúi gập xuống. Không biết vì động tác này quá tốn sức hay
tại cô quá căng thẳng, mà trên chóp mũi và khóe miệng đã lấm tấm chút mồ hôi. Lưng còn chưa gập xuống, tản đá nổi dưới chân đã dịch chuyển ra
phía ngoài một đoạn và chìm xuống thêm một chút.
- Vận khí vững, không được thả lỏng! – Lỗ Thịnh Nghĩa khẽ nhắc nhở.
Thực ra chưa đợi ông nhắc nhở, Lỗ Thiên Liễu cũng đã cảm thấy những tảng đá
dưới chân mình đang lỏng ra. Cô liền mở miệng, hít vội lấy một hơi, nhả
đuôi bím tóc đang ngậm trong miệng ra. Bím tóc rơi xuống quét ngang qua
bậc đá thứ hai. Chỉ nghe “bụp” một tiếng, mặt bậc đá xoay đánh vèo từ
trong ra ngoài, vụt một cái đã dựng lên thẳng đứng.
Mép của bậc
đá sượt qua sát chóp mũi của Lỗ Thiên Liễu, lực đạo cực mạnh, đẩy ra một luồng gió xộc thẳng vào mũi miệng, khiến cô muốn sặc.
Sức bật
của bậc đá quả thực rất mạnh, vì dụng ý của nó là nhằm hất tung người
giẩm lên trên bậc xuống sông. Cũng may Lỗ Thiên Liễu còn chưa khom hẳn
lưng xuống, nếu không, cả tấm đá đập thẳng vào đầu, hậu quả chắc chắn vô cùng thê thảm. Dù vậy, Lỗ Thiên Liễu cũng bị một phen hết vía, nửa thân trên bật thẳng dậy theo phản xạ, hai chân duỗi căng vận lực, cơ thể lại trở về tư thế đứng thẳng. Đây là phản xạ mang tính tiềm thức, các bộ
phận trên cơ thể vận lực hỗn loạn, phương hướng vận lực cũng đột ngột
thay đổi.
Hai hàng đá rời viền ở mép ngoài ụ đá và viên đá nổi ở
ngoài cũng lập tức tuột ra, chìm nghỉm xuống nước. Toàn bộ các phiến đá
xếp thành ụ đỗ thuyền lần lượt xô ra nhau chay ra phía bên ngoài.
Nước sông lập tức tràn lên, đã gần chạm tới đế giày của Lỗ Thiên Liễu.
- Sắp vỡ rồi! – Vọng đến một giọng oang oang như lệnh vỡ, đó là giọng của gã trai lực lưỡng chèo thuyền khi nãy. Mặc dù chỉ vài tiếng ngắn ngủi,
nhưng đầy vẻ quan tâm lo lắng.
Lỗ Thiên Liễu nhanh chóng xoay cơ
thể sang bên cạnh một góc chín mươi độ, hai tay dang rộng, phương hướng
vận lực của hai chân lúc này đã biến thành chân trước chân sau. Tư thế
này tạo nên một lực đạo lớn hơn nhiều so với kiểu vận lực từ hai bên
trái phải. Đồng thời, cô khẽ đặt ngón giữa và ngón trỏ tay trái vịn nhẹ
lên mép bậc đá đang dựng đứng để mượn lực.
Ụ đá rời đã ổn định
trở lại, những viên đá dưới chân Lỗ Thiên Liễu cũng đã thu về được một
chút, phần nước sông vừa dềnh lên lại từ từ rút xuống. Cô quay đầu lại,
nở một nụ cười tinh nghịch, dẩu môi làm mặt hề với kẻ đứng trên thuyền,
nhưng không nói lời nào, khuôn mặt đỏ bừng lên vì nín thở. Cô sợ nếu mở
miệng, khí sẽ lập tức tán thoát mà không vận được.
Những người
trên thuyền đều biết cô đang làm mặt hề với ai. Gã trai chèo thuyền cúi
gầm mặt xuống không dám nhìn thẳng vào mắt Lỗ Thiên Liễu.
Mặt bậc đá đang dựng đứng lúc này lại dần dần hạ xuống, Lỗ Thiên Liễu buộc phải thu các ngón tay về, nếu không sẽ bị kẹp chặt vào khe đá.
- Đón lấy!
Lỗ Ân nói, nhưng chưa hành động ngay. Ông đợi Lỗ Thiên Liễu ngoảnh đầu
nhìn sang phía mình, mới tung chân đá thay gỗ dùng làm ghế ngồi ở mui
thuyền bay về phía cô.
Lỗ Thiên Liễu lập tức hiểu ý, đưa tay phải đón lấy thanh gỗ, vặn cổ tay một cái, xoay thanh gỗ qua, nhanh chóng
cắm ngay vào khoảng trống của khe bậc thềm còn chưa kịp khép hẳn. Bậc đá bị chặn lại, kêu lên hai tiếng răng rắc, cho thấy cơ quan đã dừng. Lỗ
Thiên Liễu ấn tay vào thanh gỗ, cảm thấy đã đủ chắc chắn, liền chống
mạnh tay một cái, thân hình đã nhẹ nhàng đậu lên thanh gỗ.
Bậc
thứ nhất và bậc thứ hai của tam cấp đều là điểm thực, không có cạm bẩy.
Còn bề mặt của bậc thứ hai thực chất là một tấm sắt màu xanh xám, hình
dạng và màu sắc gần như giống hệt với hai bậc đá còn lại. Nếu không tiến sát lại gần quan sát kỹ, sẽ không thể nhận ra được sự khác biệt.
Khảm diện ụ đá rời đã được xử lý xong. Lỗ Ân ngoảnh đầu ra hiệu cho gã trai
chèo thuyền. Anh ta liền nhấn thật sâu mái chèo xuống nước, vận lực đẩy
ngang một nhát thật mạnh. Con thuyền lập tức vụt xoay ngang, mũi và đuôi thuyền tì vào hai móng nhà ở hai bên, chắn ngang con kênh.
Thuyền đã dừng lại, Lỗ Thịnh Nghĩa và Lỗ Ân, người xách hòm gỗ, người đeo giỏ, tung mình nhảy lên bậc đá. Tấm rèm trên mui thuyền lại lay động, từ bên trong lom khom chui ra một người đàn ông khoảng sáu chục tuổi, dưới cằm để một chòm râu sơn dương ngắn, đó chính là ông Lục Tiên Đức. Từ nãy
đến giờ Lỗ Thiên Liễu đã phải trải qua một phen kinh tâm động phách, mà
ông ta không hề ló đầu ra lấy một thoáng, quả thực là một người điềm
tĩnh đáng nể.
Ông Lục cầm tay nải của Lỗ Thiên Liễu quẳng lên bờ, Lỗ Thiên Liễu lập tức tiếp lấy. Sau đó, ông cũng xách chiếc hòm mây nhỏ rồi nhảy lên. Vừa đặt chân lên thềm ông đã hít liền hai hơi thật sâu,
bộ dạng trông giống như người bị hen suyễn.
Gã trai chèo thuyền
cầm lấy cây sào xuyên qua lỗ xỏ thừng trên đầu thuyền, cắm sâu xuống
lòng sông, khiến con thuyền càng được cố định chắc chắn hơn. Sau đó, anh ta mới nhảy lên bậc đá. Lúc nhảy lên, bên tay trái xách theo một chiếc
sọt dài, tay phải cầm một thanh phác đao hai lưỡi với phần chuôi mài từ
sắt sống, hình dáng giống hệt mái chèo.
Nhìn vào động tác tung
mình nhảy lên bờ của gã trai chèo thuyền, có thể thấy thân thủ khá giống Lỗ Ân. Đúng vậy, công phu của họ có cùng một nguồn gốc, vì anh ta chính là đệ tử của Lỗ Ân, Quan Ngũ Lang.