Phòng học của tôi cách phòng học của
Kì Ngôn không xa, thế nhưng chúng tôi rất ít chạm mặt nhau. Ở nhà Kì Ngôn rất
ngoan ngoãn, tôn trọng tất cả mọi người trong gia đình, biểu hiện tương đối lễ
phép. Còn ở trường, bởi vì “bài phát biểu” lần đầu tiên đó mà mọi người phát
hiện ra rằng Kì Ngôn chẳng phải là một học sinh ngoan ngoãn hay là tấm gương
tốt gì cả. Trong đợt kiểm tra chất lượng lần thứ nhất, Kì Ngôn chỉ đứng thứ 20
của lớp. Điều này khiến cho tất cả mọi người đều kinh ngạc. Nhưng tôi thì chẳng
ngạc nhiên chút nào. Bởi vì xét cho cùng người đỗ đầu chính là Kì Nặc, còn Kì
Ngôn thì đã cả năm nay không đi học, làm sao có thể giành được thành tích tốt
như vậy?
Nhưng chính bởi vì như vậy nên những
cô gái thích Kì Ngôn ngày càng nhiều. Những năm gần đây, những tên con trai chỉ
chết vì đọc sách không mấy được con gái ưa chuộng. Con gái bây giờ chỉ thích
những anh chàng hài hước và láu lỉnh thôi. Vào học mới có hơn ba tháng mà thư
tình Kì Ngôn nhận được đã chất đầy thùng rác trong nhà. Tôi và Hạ Đóa Tuyết
ngày nào đi học về cũng đều đi ngang qua phòng học của Kì Ngôn, nhìn thấy đám
con gái tụ tập đông nghẹt trước cửa lớp để ngắm Kì Ngôn.
Hạ Đóa Tuyết thăm dò được một vài
thông tin về Kì Ngôn, nói rằng anh ấy lúc nào cũng đi một mình, không kết giao
với bạn bè và đã tham gia vào đội bóng rổ của trường, ném bóng cực đỉnh.
Kể lể một tràng giang đại hải xong,
Hạ Đóa Tuyết liền kết luận bằng một câu xanh rờn: -Cậu ấy thật là bí ẩn!
Triển Khải Dương tức tối quay sang
nói với tôi: -Tiểu Mạt, cậu đừng có si tình như Hạ Đóa Tuyết! Những đứa con gái
si tình là những đứa con gái đần độn nhất!”
Triển Khải Dương cũng không kém cạnh:
-Tôi bảo cậu đần độn đấy!
Tôi yên lặng nhìn họ cãi vã, cười
đùa. Ánh nắng mùa thu vàng rực rỡ. Hai người ấy như hai con chim non được nhuộm
vàng bởi ánh mặt trời, đơn thuần tới mức có thể tự do tự tại bay qua bay lại
trong không trung. Tuổi thanh xuân của chúng tôi rốt cuộc còn bao nhiêu thời
gian để có thể vô tư vui cười như thế này? Những nụ cười hồn nhiên và vô tư của
tôi đã bị chôn vùi sâu dưới lòng đất vào cái ngày mà mẹ ra đi mãi mãi. Vì thế
tôi vô cùng cảm kích bởi họ đã cho tôi được nhìn thấy những nụ cười hồn nhiên
đến thế.
Tôi thường nhớ đến Kì Nặc, người đã
khiến cho tôi có thể nói trở lại. Hình ảnh anh ấy dựa vào cửa và ngủ say sưa đã
in sâu vào trong tâm trí của tôi giờ, tôi không biết được anh ấy ở đâu? Ở bên
cạnh tôi chỉ có môt Kì Ngôn thay thế cho Kì Nặc. Nhưng những điều này hoàn toàn
nằm ngoài dự tính của tôi.
Tôi và Kì Ngôn cũng an toàn vượt qua
được mấy tháng. Trong mấy tháng này, tôi đã trở lại lớp dạy thư pháp của thầy
Triển Hồng Quang. Không biết có phải ban đầu là do thầy có mắt nhìn xa không mà
thầy lại bắt tôi luyện thư pháp bằng cả hai tay ngay từ khi tôi mới năm tuổi,
mới bắt đầu đến đây học thư pháp. Nghỉ học đã nửa năm nay, tôi chưa từng trở
lại đây. Thầy từng mấy lần đến nhà thăm tôi nhưng nhìn thấy tôi không nói không
rằng, thầy đành thở dài ra về.
Phòng dạy học của thầy Triển là một
căn nhà cũ kĩ, được thầy đặt tên là “An Ỷ Cư”. Thầy đã phấn đấu suốt cả cuộc
đời vì sự nghiệp thư pháp. Sau khi về hưu lại tiếp tục mở lớp giảng dạy thư
pháp, bồi dưỡng những đứa trẻ có tố chất.
Tôi thường ngồi trong phòng luyện
chữ, lần nào Kì Ngôn cũng chạy đến giúp tôi mài mực. Chủ nhật, ánh sáng mặt
trời rất hiền hòa, dáng vẻ lúc yên lặng của Kì Ngôn giống hệt như Kì Nặc. Thế
nhưng anh ấy rất ghét tôi yên lặng nhìn mình, thế nên liền nói: -La Tiểu Mạt,
ánh mắt khi em yên lặng nhìn anh tràn đầy sự nhớ nhung, anh không thích đâu!
Tôi cúi đầu, vừa luyện chữ vừa nói:
-Từ trước đến giờ em đâu có để ý đến việc anh có thích hay không?
Thế là Kì Ngôn thường tức giận, bỏ
lại nghiên mực rồi đi một mạch ra ngoài vườn, hí hoáy sửa chữa cái xe đạp của
mình. Kể từ sau khi tôi ép Kì Ngôn phải “bỏ cờ bạc”, anh ấy chuyển sang thích
tìm hiểu về xe đạp. Kì Ngôn thường xuyên dắt xe đạp về nhà trong tình trạng
quần áo lấm lem bùn đất. Nhưng cũng có lúc Kì Ngôn đứng dựa lưng vào tường,
khuôn mặt trầm ngâm. Đứng từ trong phòng khách cũng có thể nhìn thấy chiếc áo
sơ mi trắng phau và mái móc sạch sẽ, mềm mại của anh.
Tôi cũng đã từng nghĩ, liệu chàng
trai cùng tôi lớn lên này sẽ ở chung với tôi được bao lâu? Còn Kì Nặc trong
trái tim tôi, hiện giờ anh ấy đang làm gì nhỉ? Tôi sợ sẽ gặp lại anh ấy lần
nữa, tôi cũng sợ mình sẽ hỏi vì sao anh nỡ rời bỏ tôi? Tôi rất sợ cái đáp án mà
anh sẽ đưa ra!
Một đứa trẻ 12 tuổi, không có đủ dũng
khi để chịu đựng, cũng không có cả quyết tâm để đi tìm cái đáp án ấy.
Hạ Đóa Tuyết…tôi biết rõ giấu diếm cô
ấy chuyện này không phải là điều nên làm, thế nhưng tôi lại không biết phải mở
miệng ra sao. Tôi đã từng ngăn không cho cô ấy đến nhà tìm tôi, tôi sợ sẽ bị lộ
bí mật. Tôi muốn để thêm một thời gian nữa, đợi đến khi tâm trạng của tôi ổn
định lại, tôi sẽ nói cho cô ấy biết mọi chuyện.