Vào một ngày cuối tháng 11, trời lạnh và u ám. Thời tiết thay đổi từ đêm
qua: gió dữ dội, bầu trời xám xịt, rồi một cơn mưa phùn. Mới vào khoảng
hai giờ chiều mà khắp các ngọn đồi đều bị bao phủ trong ủ dột của một
chiều đông. Sương mù giăng cùng khắp. Và chỉ 4 giờ chiều trời đã tối sầm lại.
Mặc dù các cửa kính đều đóng kín, khí lạnh và hơi ẩm vẫn len vào xe. Nệm ghế bằng da nhờn dính tay. Trên mui xe, những giọt nước mưa theo một kẽ rạn nào đó làm ướt da bọc ghế và để lại những vết xanh như mực. Gió
xoáy càng lúc càng tăng, có lúc gió như muốn lật nghiêng chiếc xe cũ kỹ
khi qua một khúc quanh. Khi lên chỗ cao, trống, gió càng có dịp làm cho
cả thùng xe rung lên, đong đưa giữa bốn cái bánh gỗ cao nghều nghệu… như một tên say rượu.
Trùm kín tai, ngồi khum lưng như muốn gập đôi người lại, bác đánh xe cố sức dùng đôi vai che chở cả thân hình trong mưa gió.
Trong khi ấy, bốn con ngựa chừng như kiệt sức tiến tới một cách chậm
chạp, miễn cưỡng. Chốc chốc, đôi tay lạnh cóng của bác phu xe lại nhịp
roi vun vút lên đầu chúng, song những ngọn roi của bác thật chả thấm
thía chi so với gió mưa. Bánh xe rít lên ken két mỗi khi sụp nhằm một ổ
gà, rồi bùn lẫn với nước mưa bắn lên cửa kính tung tóe. Mưa vẫn ri rỉ,
lai rai, trời tối mịt.
Trên xe, lơ thơ vài hành khách, họ ngồi sát lại nhau như để sưởi nhờ hơi ấm của nhau. Mỗi bận xe sụp nhằm ổ gà, họ lại nhất loạt kêu lên ơi ới.
Một ông lão, từ khi lên xe ở Truno vẫn không ngớt phàn nàn, bỗng không
giận dữ đứng lên; ông mạnh tay quay kính xe xuống khiến mưa bay vào ướt
cả ông lẫn bạn đồng hành. Nghiêng mình ra ngoài cửa, ông mắng bác phu xe là quân ăn cướp, sát nhân; ông bảo rằng nếu bác ta cứ cho xe chạy kiểu
này mọi người sẽ chết trước khi đến Bodmin, rằng mọi người đều sắp ngất
đến nơi, rằng ông thề sẽ không bao giờ đặt chân lên một cái xe ngựa nào
nữa, từ nay.
Những lời nhiếc móc tàn tệ kia được gió mang đi. Vì chờ mãi vẫn không
thấy bác phu xe phản ứng, ông ta đành tặc lưỡi, quay kính xe lên lại.
Mọi người tê cóng vì gió luồn vào. Ông khách khó tính trở lại chỗ ngồi,
đắp hai chân và tiếp tục càu nhàu.
Bên cạnh ông ta là một bà vui tính, người beo béo, mặc một cái áo khoác
xanh dương. Thở dài đánh sượt một cái, bà ta ra vẻ cảm thông với bạn
đồng hành về nỗi bực tức, nháy mắt với các người khác, và sau cùng cất
tiếng nói rằng đêm nay là đêm kinh khủng khó quên nhất đời mình. Ðoạn bà lục trong cái giỏ to kềnh lấy ra một cái bánh ngọt khá lớn, cắn ăn ngon lành.
Mary Yellan ngồi đối diện bà ta. Kẽ nứt trên mui xe thỉnh thoảng lại
giọt tành tạch vài giọt nước lạnh buốt lên vai nàng, và cô gái lặng lẽ
lấy tay chùi vội. Hai tay đỡ lấy cằm, Mary dán mắt ra khung cửa xe đầy
bùn và nước mưa. Cô ao ước một cách vô vọng: một tia nắng xuyên qua bầu
trời nặng nề dù chỉ trong khoảnh khắc, để cô được thấy lại khung trời
xanh của Helford, nơi cô vừa từ giã hôm qua.
Helford cách đây 40 dặm. Nơi đó đã là tổ ấm của nàng suốt 20 năm qua.
Nhưng hy vọng của nàng tàn ngay sau đó và lòng can đảm - trước nay vẫn
là đức tính của nàng – đã giúp nàng vượt mọi trở ngại trong cơn bệnh kéo dài của mẹ, giờ bỗng tiêu tán bởi trận mưa dai dẳng và cơn lốc dữ dội
này.
Vùng đất xa lạ làm Mary lạc hướng, Mary thấy một thế giới khác xa với
thế giới nàng đã sống lâu nay, dù chỉ cách có một ngày đường. Chao! Biết bao giờ cô gái được thấy lại những đồng cỏ xanh rì ở Helford, những
dòng nước trong vắt lấp lánh dưới nắng sớm, những mái nhà tranh thơ mộng bên dòng suối? Mưa ở Helford thật khác xa đây: mưa rơi tí tách tưới mát cỏ cây rồi trở thành những dòng nước chảy ra sông.
Mưa làm mát đất và đất biết ơn trổ hoa mầu đền bù…
Ðây mưa tạt vùn vụt vào khung kính và như không thể thấm vào đất cằn
cỗi. Chả thấy cây cối gì trừ vài cây khô, giang cành khẳng khiu ra chống đỡ gió mưa một cách tuyệt vọng; chúng đã trải qua nhiều năm tháng chịu
đựng thời tiết quái ác ở đây và kiệt sức rồi. Bão tố và thời gian làm
chúng khô khan. Dù cho mùa xuân có đến, các nụ trên thân cây cũng không
đâm lá vì sợ chết rét. Ðất nghèo nàn, không một cánh đồng, không một rào dậu. Ðó đây toàn đá sỏi, vài bụi gai đen và những cành hoa dại xác xơ.
Mary nghĩ chắc trong vùng này chỉ có mùa đông đen tối, như hôm nay và
mùa hè khô bốc lửa: không tìm thấy một bóng mát khắp thung lũng. Cỏ vừa
lên khỏi mặt đất cằn đã phải ngả mầu vàng úa. Khắp vùng đều u ám như
thời tiết. Ngay trên đường đi và trong làng mạc, những kẻ Mary gặp như
cũng hợp với khung cảnh: buồn bã, khô khan…
Rời Helston, Mary vẫn như còn ở trên miền đất thân yêu, quen thuộc: bao nhiêu kỷ niệm buộc chặt nàng với Helston!
Mỗi tuần, cha nàng đánh xe chở nàng ra chợ và đến khi cha mất, mẹ nàng
đã can đảm thay cha nàng chở nàng suốt hạ qua đông; gà vịt, trứng, bơ
được chất trong thùng xe trong khi Mary ngồi cạnh mẹ nàng ở băng trước,
ôm khư khư một cái giỏ to gần bằng cả người nàng, cằm đặt trên quai giỏ.
Dân làng rất tốt bụng. Gia đình Mary được mọi người quen biết và kính
mến. Sau khi chồng chết, mẹ nàng đã gặp nhiều khó khăn, và ít người có
thể sống như mẹ nàng: một mình với con thơ và một trang trại phải chăm
sóc, mà không hề nghĩ đến chuyện tìm một bạn đường khác để nương tựa.
Một ông chủ trại ở Manaccan, và một ông khác ở Gweek, miền thượng lưu
dòng sông đều muốn cưới bà nhưng họ không dám ngỏ ý. Cả hai người đều
đọc trong mắt bà cái ý chí cương quyết cùng như lòng kiên trung, họ biết rằng bà luôn luôn thuộc vào một người đã khuất và họ biết rút lui trước khi ngỏ ý để khỏi bị bẽ bàng.
Công việc đồng áng khó nhọc vượt quá sức bà. Bà vẫn cố gắng vượt mọi trở ngại, chứng tỏ can đảm có thừa, trong suốt 17 năm ròng góa bụa. Nhưng
sức người có hạn: bà không vượt nổi thử thách sau cùng nên đã ngã quị
xuống luôn.
Mẹ Mary đau liệt giường. Gia súc giảm trong trại, lại gặp lúc thời tiết
xấu, giá gà, trứng thì rẻ mạt, tiển kiếm khó khăn hơn. Trong vùng và
miền lân cận tình trạng cũng tương tự. Trong các nông trại nhiều người
gần chết đói. Bệnh dịch súc vật nổi lên hoành hành các vùng quanh đó.
Người ta không biết đó là thứ dịch gì và cung cách chạy chữa thế nào, vì thế dịch càng dữ dội. Nó tàn phá tất cả những gì nó gặp như một cơn
lạnh trễ tràng đến sát mùa và khi nó biến mất đã để lại sau lưng sự chết
chóc kinh hồn.
Ðó là một thời gian đầy lo lắng cho mẹ con nàng. Họ buồn rầu nhìn gà vịt mình gia công chăm nuôi nhuốm bệnh và lần lượt chết. Ðến con bò con
cũng ngã xuống giữa đồng. Nhưng điều làm cho họ đau đớn nhất là cái chết của con ngựa cái, nó đã làm lụng với họ suốt hai chục năm ròng. Chính
trên lưng rộng và rắn chắc đó, Mary đã tập cưỡi ngựa lần đầu…
Một buổi sáng, con ngựa nằm xuống vĩnh viễn, đầu vẫn còn gối lên chân cô chủ trẻ. Một nấm mộ được đào ngay dưới gốc cây táo. Sau khi chôn con
vật trung thành, mẹ con nàng đau xót thấm thía: từ nay họ làm sao ra chợ mỗi tuần?
Mẹ nàng bảo con gái bằng giọng buồn rầu:
- Hình như có cái gì trong mẹ đã ra đi, đã bị chôn cùng con Nell đáng
thương rồi, Mary ạ! Mẹ chán nản, không thiết gì nữa cả, mẹ mỏi mệt vô
cùng…
Mary nhìn kỹ mẹ: nàng hoảng hốt thấy mẹ như già thêm 10 tuổi trong
khoảnh khắc, mặt tái xanh, quầng mắt thêm sâu, bà lảo đảo phải tựa vào
con cho khỏi ngã trong đoạn đường từ gốc táo vô nhà. Nghe con gái định
mời bác sĩ, người mẹ tỉnh táo trả lời:
- Trễ lắm rồi, Mary ạ! Đã 17 năm rồi…
Lần thứ nhất bà khóc thổn thức. Lần thứ nhất bà khóc trước mặt con gái. Mary chưa hề thấy mẹ khóc bao giờ.
Khi Mary ngồi cạnh viên bác sĩ - người đã đỡ nàng trong khi mẹ nàng sinh – ông ta lắc đầu, cất giọng rầu rĩ bảo nàng:
- Ta cho con biết nguyên do: mẹ con đã phung phí sức khỏe từ khi cha con nhắm mắt. Giờ đây bà khó lòng mà gượng nổi. Ta lo quá, Mary ơi!
Chiếc xe chở cả hai người trở về trên con đường ngoằn ngoèo. Một bà láng giềng chờ tận cửa, vẻ nóng nảy của bà làm cho Mary và bác sĩ cảm thấy
điềm xấu đang chờ họ.
- Mẹ cháu yếu quá. Bà vừa ra khỏi cửa thì run lên, mắt lạc đi, ngã gục xuống. Chúng tôi đã vực bà lên giường, nhưng…
Bác sĩ xua những kẻ tò mò vây quanh cửa, bước vào nhà. Sau khi khám kỹ bệnh nhân, ông nói với Mary:
- Mẹ con bị sung huyết, nhưng bà còn thở đều. Ta rất sợ cơn sung huyết bất ngờ đáng sợ này.
Rồi ông thấp giọng xuống, như cốt nói với chính mình:
- Sao mãi đến bây giờ nó mới phát ra, sau bao nhiêu năm khó nhọc? Chỉ có Trời và có lẽ - cả bà ấy, biết rõ mà thôi! (Ông cao giọng lên:) Mary!
con phải tỏ ra xứng đáng với mẹ con. Chỉ có con có thể giúp mẹ con vượt
qua cơn thử thách đáng lo này. Chỉ có con thôi!
Suốt sáu tháng liền, Mary tận lực săn sóc mẹ. Mẹ nàng trải qua cơn bệnh
đầu tiên – mà cũng là cuối cùng - của đời bà. Mặc dù được con gái và bác sĩ tận tình chăm sóc, cơn bệnh không lui. Hình như bà không thiết sống
nữa. Bà mong một sự giải thoát và mong nó đến mau hơn.
Bà bảo con, giọng âu yếm:
- Mẹ không muốn con sống khó khăn, cực nhọc như mẹ đã sống. Hại cả thể
xác lẫn tinh thần. Khi mẹ chết rồi không còn gì giữ con lại Helford. Hãy đến sống với dì Patience ở Bodmin.
Mary quả quyết rằng mẹ nàng không thể chết được, rằng nàng cần có mẹ
cũng như mẹ cần nàng. Bà sẽ vượt qua… Nhưng vô ích. Bà đã nhất định như
thế và không hề đổi ý. Mary nói với mẹ:
- Con không bao giờ rời nông trại. Con sinh tại đây cũng như cha con.
Dòng họ Yellan của chúng ta phải ở đây! Sự nghèo khổ vất vả không làm
con sợ. Cũng như sự suy sụp của nông trại… mẹ đã ra công trong 17 năm
trời, tại sao con lại bỏ nó khi mẹ không còn sống nữa? Con mạnh khỏe,
con có thể làm việc như một người đàn ông, mẹ thấy mà!
- Ðời sống này không thích hợp với một thiếu nữ như con. Mẹ nàng nói như một lệnh - Nếu mẹ đã chịu đựng lâu nay đó là vì hai người thân yêu của
mẹ: con và cha con. Khi một người đàn bà làm việc cho ai, họ thỏa mãn và yên lòng, có can đảm. Nhưng nếu làm cho chính họ lại là một việc khác.
Lòng mình khó thỏa mãn con nên nghe lời mẹ!
- Con làm gì ở thành phố? Con chỉ quen và chỉ ưa sống như thế này, cạnh
dòng sông, không ưa thay đổi. Con sẽ sung sướng ở đây với vài con gà còn lại, với con ngựa già, với cỏ trong vườn và chiếc thuyền trên sông. Ðến Bodmin với dì con, con sẽ làm gì? sẽ ra sao?
- Một cô gái không thể sống đơn chiếc một mình. Con sẽ trở thành quái dị hay hư hỏng. Hãy nghe mẹ! Sự cô đơn là một cái gì đáng sợ nhất. Rồi con sẽ thấy. Dưới mồ mẹ không sao yên lòng Cũng như cha con, nếu không được biết con sống an toàn cạnh người thân. Dì Patience rất tốt, dì vui
tính, hay cười đùa và có tấm lòng vàng. Con quên dì rồi ư? Dì không sinh nở, dì sẽ thương con như mẹ vậy. Con còn nhớ không: lúc dì đến đây,
cách 12 năm trước…
Không, Mary không quên dì Patience, tuy lúc đó nàng còn bé. Dì mặc cái
váy lụa, áo xanh và đội mũ kết nơ nhung. Mái tóc dì gợn sóng, mắt xanh
biêng biếc. Phải, Mary còn nhớ kỹ: từ nụ cười, khóe mắt cho đến cái cách dì nhón gót, tay xăn váy đi trong bùn ngoài sân. Nom dì xinh như một…
cô tiên! Trong lúc Mary thả trí nhờ về dĩ vãng, mẹ nàng nói tiếp:
- Mẹ không rõ chú ấy thế nào, vì mẹ chưa gặp chú. Nhưng khi dì thành hôn với chú cách nay 10 năm, dì viết cho mẹ một lá thư kể nhiều chuyện
ngông cuồng, mẹ rất ngạc nhiên. Vì theo mẹ, chuyện này có thể hiểu được
nều dì con là một cô gái còn trẻ dại cỡ 18, đôi mươi… nhưng dì con lúc
đó đã ngoài 30 tuổi…
- Dì và chú ấy sẽ thấy con quê mùa quá – Mary chậm rãi nói – con không
thể có đôi bàn tay đẹp như các cô gái nhà giàu thành phố và… và rồi con
cũng không biết nói chuyện gì với hai người…
- Dì chú sẽ thương con vì con là cháu họ, chứ không phải vì sự sang
trọng hay dáng bộ bề ngoài. Mary con! hãy hứa với mẹ: sau khi mẹ nhắm
mắt rồi con sẽ nghe lời mẹ biên thư ngay cho dì và nói rõ ước muốn cuối
cùng duy nhất của mẹ là thấy con sống cạnh dì.
- Con xin hứa. Con xin vâng lời mẹ! Xin mẹ yên lòng. Con sẽ làm tất cả những gì mẹ muốn…
Mary nói, lòng tràn thống khổ vì nghĩ đến tương lai mờ mịt khác xa đời
sống đơn giản, quen thuộc hiện nay bên mẹ thân yêu. Chao! rồi Mary sẽ từ biệt miền đất quê hương quen thuộc? Nàng sẽ dựa vào đâu để vượt qua
những ngày sắp đến, không hứa hẹn và chỉ thấy cô đơn?
Mẹ nàng mỗi ngày một suy yếu thêm. Sự sống chậm rãi nhưng chắc chắn rời
khỏi bà. Mùa gặt đến rồi mùa hái quả đến… cho đến đầu thu. Khi sương mù
bao phủ bầu trời vào mỗi sáng, lúc cái rét bắt đầu làm đất khô cằn, dòng sông chảy mạnh cuồn cuộn ra bể cả; tiếng sóng bể vỗ mạnh trên bờ bể
Helford cũng là lúc bà kiệt quệ và tinh thần giao động. Bà nhắc đến tên
người quá cố, nói đến chuyện quá khứ và những kẻ Mary chưa hề biết đến.
Trong ba hôm liền, mẹ nàng như sống trong một thế giới riêng tư, nhỏ bé
và đến ngày thứ tư, bà ngừng thở.
Mary đau lòng nhìn những vật quen thuộc lần lượt qua tay kẻ khác. Ðàn gia súc đem bán ở chợ Helston. Các láng giềng mua bàn ghế, tủ giường.
Một người ở Coverack mua ngôi nhà. Miệng ngậm ống điếu, ông ta nhanh
nhẹn đi lui, đi tới giữa sân, tay chỉ những nơi cần thay đổi, sửa chữa,
những cây cối mà ông định chặt bỏ cho quang đãng. Mary tức tối nhìn ông
ta qua khung cửa sổ trong khi tay nàng dồn một số đồ đạc cần dùng còn
lại vào cái rương của cha mình. Thật vậy, người này làm cho mình có cảm
tưởng mình là một kẻ lạ xâm nhập vào nhà này mặc dù nó vẫn còn là nhà
nàng. Nàng đọc trong mắt ông ta sự hối hả, thúc giục nàng rời khỏi nhà
càng sớm càng tốt. Vì thế, Mary chỉ nong nả mong cho sớm xong công việc
để rời Helford mà không hẹn ngày trở lại.
Mary ngừng tay làm việc, giở thư dì đọc lại. Nét chữ nguệch ngoạc, dì
cho cháu biết là rất buồn về sự không may của nàng; dì không hay biết gì về cơn bệnh của mẹ nàng vì lần cuối gặp nhau cách đây đã nhiều năm. “Hiện nay dì chú có vài thay đổi, không còn ở Bodmin mà ở cách đấy 12
dặm, trên đường đi Launceston. Vùng này hoang vu lắm. Nếu cháu muốn đến, dì rất vui có bạn trong mùa đông. Dì hỏi ý kiến chú rồi: không có gì
cản trở, nếu cháu đừng ồn ào, bép xép. Chú sẵn sàng giúp cháu nếu cháu
cần. Nhưng Mary ạ! Rồi cháu sẽ hiểu, chú không thể nuôi không cháu, ông
muốn cháu giúp một tay trong việc trông nom lữ quán của ông” .
Mary uể oải gấp lá thư lại, cho vào rương. Quả là một lá thư không mấy
niềm nở đối với hình ảnh của dì Patience vui tính ngày xưa, mà nàng còn
nhớ. Một cánh thư lạnh nhạt làm cho khoảng cách giữa đôi bên như được
khơi rộng thêm ra. Không một lời an ủi, khuyến khích… Toàn thể như biểu
lộ (tuy không ra lời) cho một cô cháu bất hạnh hiểu rằng đừng trông cậy
nơi dì một nương tựa, dù cho chỉ là một nương tựa tinh thần.
Trời ơi! di Patience, nàng tiên của Mary thuở nhỏ! Dì nay đã trở thành
một bà chủ lữ quán ở một chốn hoang vu. Tội nghiệp mẹ nàng không hay
biết điều này. Dù sao, Mary đã hứa với mẹ rồi và không thể sai lời. Vả
chăng, nhà đã bán, làm sao nàng ở lại Helford? Dù sự đón tiếp có ra sao
nàng cũng nhớ rằng dì là em ruột của mẹ nàng.
Ðời sống ngày xưa đã trở thành quá khứ: nông trại thân yêu, dòng sông
trong trẻo ở Helford. Tương lai không có gì hứa hẹn, nhưng nàng vẫn bước đến theo đúng ước vọng của mẹ mình.
*
Mary lên xe ở Helston, đi về miền Bắc, ngang qua Truno ở suối Fal.
Tại Truno, nhà cửa đông đúc với những nóc chuông giáo đường, đường lát
đá phẳng và rộng; trời còn trong xanh tựa như ở miền Nam. Dân cư đứng ở
ngưỡng cửa mỉm cười vẫy tay khi thấy xe chạy qua. Nhưng khi Truno mất
dạng sau thung lũng, trời tối sầm và đất hai bên đường trở thành khô
cằn, quang cảnh tịch mịch. Chỉ thấy toàn đất bỏ hoang. Làng mạc thưa
thớt và ở khung cửa không còn thấy những khuôn mặt tươi cười. Không cây cối, không rào dậu. Gió thổi mạnh và mưa to.
Xe đến Bodmin trong tình trạng này. Tại đây trời cũng u ám, bẩn thỉu như những chỗ họ vừa đi qua. Lần lượt, hành khách thu xếp hành lý và xuống
xe, trừ có mình Mary ngồi yên chỗ. Bác phu xe nhìn vào trong, nước mưa
chảy dài trên mặt:
- Cô đến Launceston phải không? Ðêm nay mà qua đồng hoang nguy hiểm lắm. Tốt hơn cô nên ngủ lại đây rồi sáng mai đón xe đi tiếp…
- Có người đợi tôi, bác ạ. Ðường xa không làm tôi sợ đâu. Vả, tôi không đến Launceston. Bác cho tôi xuống Lữ quán Giao Mai…
- Cái gì? Lữ quán Giao Mai? Cô không lầm chứ? Cô đến đó làm gì? Ðó không phải là chỗ của một thiếu nữ như cô…
Bác phu xe nhìn chầm chập vào Mary, gặng hỏi. Rồi chợt, bác ta như hối đã lỡ lời, im lặng đột ngột. Mary trả lời:
- Tôi đã nghe nói đến sự hoang vu của vùng này, nhưng tôi cũng chưa bao
giờ ở chỗ đông người. Chỗ cũ của tôi cũng vắng lắm. Tôi không…
- Có lẽ cô mới đến nên không hiểu. Không phải tôi muốn nói đến đồng
hoang và ao bùn, dù rằng những thứ ấy cũng làm cho nhiều cô, nhiều bà
phải sợ…
Quay lại, bác phu gọi một chị đàn bà đang đốt đèn trước khách sạn Royal và nói:
- Này, bà đến nói chuyện với cô gái này một tí đi! Cô ta đòi tôi chở đến Lữ quán Giao Mai đấy!
Người đàn bà xuống thềm, bước lại nhìn vào xe:
- Ðó là một vùng vắng vẻ lắm. Nếu cô muốn tìm việc làm, cô sẽ không thể
tìm ra. Ở đó, người ta không ưa kẻ lạ mặt. Tốt hơn cô nên ở lại đây. Tôi có thể giúp cô.
Mary mỉm cười:
- Xin bà đừng lo, tôi đến gặp họ hàng. Chú tôi là chủ Lữ quán …
Trong ánh sáng lờ mờ, Mary thấy hai người nhìn nàng bằng con mắt sợ hãi. Mary ngừng bặt lại, ao ước bà ta nói vài lời để nàng yên lòng, nhưng
không, bà ta rời khỏi khung cửa xe, giọng khác đi:
- Xin lỗi cô. Việc này không liên can đến tôi. Chào cô!
Bác phu xe huýt sáo lên xe để che giấu bối rối. Không kịp suy nghĩ gì, Mary nghiêng mình ra cửa xe, nài nỉ:
- Xin bác làm ơn cho cháu biết sự thật. Cháu cảm ơn bác lắm. Hình như mọi người đều ghét chú cháu, phải không? Tại sao vậy?
Bác phu xe không che giấu được bối rối, trả lời nhát gừng:
- Lữ quán Giao Mai có tiếng… dữ. Người ta hay kể chuyện ly kỳ… nhưng cô
biết đấy: thiên hạ vốn hay lắm điều. Tôi… tôi không muốn dính dáng gì…
Có thể không có chi đáng ngại. Cô lạ gì miệng lưỡi thế gian?
- Nhưng thưa bác, đó là những chuyện gì? Bác muốn nói là ở đó người ta
khuyến khích rượu chè? Hay chú cháu tiếp những khách không đứng đắn?
Bác phu xe lắc đầu quầy quậy:
- Tôi đã bảo tôi không muốn xen vô chuyện người khác. Vả lại, tôi cũng
không biết chi hết. Nhưng một điều tôi biết chắc là những người tự trọng không bao giờ chịu ghé vào Lữ quán Giao Mai. Hồi trước, chúng tôi có
thói quen dừng ngựa lại cho ăn uống và chúng tôi cũng tạt vào quán giải
khát qua loa. Bây giờ ngang đó là quất ngựa chạy gấp…
- Tại sao vậy, hở bác? Bác cho cháu biết đi mà. Cháu mang ơn bác… Mary cố nài nỉ.
Bác phu xe do dự giây lát rồi sau cùng buông xõng hai tiếng:
- Họ sợ!
Rồi lắc đầu, ông ta không nói gì thêm. Và như cảm thấy mình đã tỏ ra cục súc với một cô gái, ông ta thò đầu vào khung cửa:
- Cô muốn dùng một chút gì chăng? Một tách trà nóng…? Chúng ta còn phải đi xa và ở vùng đất hoang, gió lạnh ghê hồn.
Mary lắc đầu. Nàng còn thiết chi ăn với uống? Chắc chắn vào đó mọi tia
nhìn sẽ đổ dồn về nàng và họ sẽ xì xào không ngớt. Hơn thế nữa, Mary
đang phân vân: như có một tiếng nói vô hình cảnh cáo nàng: “Chớ đến Lữ
quán Giao Mai! Hãy bỏ cuộc hành trình này. Hãy ở lại Bodmin, nếu
không…sẽ hối cho mà xem!” Mary e rằng vào đến khách sạn Hoàng Gia nàng
sẽ nghe theo lời cảnh cáo. Mary nhớ lời hứa với mẹ và muốn giữ được lời
hứa đó.
- Nếu cô không ăn uống chi thì ta phải đi ngay. Cô là hành khách độc
nhất chiều nay. Cô lấy thêm tấm chăn đắp chân lại cho đỡ rét. Khỏi
Bodmin, tôi sẽ cho ngựa chạy nhanh vì đêm nay không thích hợp cho những
chuyến đi như thế này. Nếu không vì cô, tôi có thể ngủ yên giấc trên
giường, nhưng biết làm sao…
Bác đóng sập cửa lại và ngồi vào chỗ, chiếc xe cọc cạch lăn bánh…
Hai bên đường là nhà cửa. Bên trong người ta an toàn và ấm cúng với ánh
sáng tỏa ra từ các cửa sổ. Những bộ hành trễ nải cúi đầu bước vội giữa
mưa gió để kịp về nhà.
Qua khe cửa Mary nhìn thấy ánh sáng le lói, ánh sáng đối với nàng thật
như bạn quí lúc này. Nàng lại liên tưởng đến người đàn bà vui tính trên
xe lúc nãy. Chắc bà ta đang ăn tối, lũ trẻ kháu khỉnh quây quần xung
quanh. Chao! Trông bà ta phúc hậu làm sao, hai má đỏ như hai quả táo
chín và đôi tay gân guốc vì làm việc! Giọng nói của bà ta làm người nghe yên tâm… Mary lại tưởng tượng thêm: nàng theo người đàn bà ấy, ở nhờ
nhà bà ta. Nàng sẽ tìm được nơi bà ta sự tin cẩn, một nụ cười, một bàn
tay thân yên, một cái giường an toàn. Nàng sẽ giúp việc cho bà ta, yêu
mến bà và lũ con bà… Nàng sẽ…
Xe đang lên đèo. Qua cửa kính, nàng thấy ánh sáng của thành phố Bodmin
khuất nhanh sau vó ngựa. Nàng chỉ còn một mình với gió và mưa. Bóng tối
vây quanh. Còn những 12 dặm nữa mới đến nơi. Phải chăng nàng là một con
tàu rời bến, mất hết an toàn của đất liền? Dù thật thế đi chăng, không
con tàu nào có một số phận như nàng hiện tại!
Xe tối om, chỉ một tia sáng mong manh vàng vọt từ một chiếc đèn nhỏ xíu
treo cạnh cửa. Gió luồn vào kẽ nứt trên xe làm ngọn lửa chao qua đảo lại và có thể làm cháy nệm xe. Thấy thế, nàng phải tắt đèn đi.
Ngồi co ro trong một góc, mặc cho xe lắc lư tiến tới trong bóng tối, hết nghiêng bên phải lại nghiêng bên trái: lần thứ nhất trong đời, Mary cảm thấy tính chất ma quái của sự cô đơn. Cái xe đã đưa nàng đi trọn ngày,
giờ đây cũng như đe doạ nàng. Gió hú trên nóc xe và mưa tuôn như thác
đổ. Gió mưa càng hung hãn khi xe càng lên dốc, trống vắng bốn bề. Hai
bên đường đồng hoang trải dài vô tận. Không làng mạc, không cây cối,
không cả một chòi tranh. Hàng dặm tiếp, chỉ thấy đồng hoang lạnh lẽo,
đất đai cằn cỗi, không vết dấu loài người.
Mary nghĩ rằng không ai có thể sống trong vùng này mà vẫn giữ được nhân
tính bình thường. Trẻ con sinh ở đây hẳn cũng khẳng khiu, khô khan, cằn
cỗi như những cành hoa dại uốn mình dưới sức mạnh bạo cuồng của gió, gió liên hồi từ bốn phía xô vào. Ðầu óc nó chắc cũng chức đầy tư tưởng ma
quái nếu cứ sống mãi trong đồng hoang đầy sỏi đá?
Dường như đoạn đường dài ngăn cách Bodmin với Launceston chỉ có một ngôi nhà độc nhất, không có cả một cái chòi cho bọn chăn cừu. Chỉ một chấm
đen hiện ra giữa đồng vắng: Lữ quán Giao Mai!
Nàng như không ý thức được thời gian lẫn không gian. Có thể đoạn đường
dài hàng trăm dặm? Có thể lúc này là giữa khuya? Nàng chỉ còn bám víu
vào cái xe và người phu xe. Nàng còn được che chở…
Tiếng hò hét của bác ta thoảng đến tai nàng, nhờ gió. Càng lúc ngựa càng chạy nhanh hơn. Kéo cửa kính xuống, Mary nhìn ra ngoài, gió và mưa thi
nhau ập vào mặt nàng làm Mary choáng váng. Lau mặt và vén tóc cố nhìn,
Mary trông thấy xe chạy như lướt trên đồi. Trước mặt nàng, trên cao, về
phía trái một ngôi nhà sừng sững giữa đồng không. Qua bóng đêm, nàng
thấy ống khói thật cao. Không còn gì khác. Ðúng là lữ quán Giao Mai,
sừng sững và ngạo nghễ giữa bốn bề quạnh hiu, mưa gió.
Mary mặc áo tơi vào. Ðàn ngựa dừng lại thình lình, hơi thở chúng làm thành những làn khói trắng dưới mưa đêm.
Bác phu xuống xe, mở cửa kéo cái rương của nàng ra. Ông ta có dáng vội vã chưa từng thấy. Ông ta lấm lét nhìn về phía lữ quán:
- Ðến nơi rồi. Cô chỉ băng qua sân là tới nhà. Hãy kéo chuông… họ sẽ mở cho. Tôi phải đi ngay cho kịp...
Trong một nhoáng, bác ta lên xe và quất ngựa một cách nóng nảy. Chiếc xe lại lăn bánh, chỉ chớp mắt, xe đổ dốc rồi mất hút trong bóng tối phủ
dầy.
Mary đứng lặng, cái rương để dưới chân. Nàng nghe tiếng ổ khóa lách cách trong ngôi nhà kỳ bí vang lên rồi cửa hé mở và một bóng người cao lớn
bước ra, trên tay có chiếc đèn lồng:
- Ai đó? muốn gì đấy?
Mary bước đến, giương mắt nhìn người đàn ông nhưng ánh sáng làm nàng
chói mắt, chả thấy được gì. Ông ta chao qua, chao lại chiếc đèn trước
mắt nàng, đoạn phá lên cười:
- Ồ! Cô đấy à? Cô đã đến đấy ư? Cô cháu quí của vợ tôi? Chú cô đây: Joss Merlyn đây! Mừng cô mới đến…
Ông lại cười ha hả trong lúc Mary sửng sốt, bàng hoàng…