Luận Anh Hùng

Chương 418: Chương 418: Tính Dục Có Thể Tạm Ái Ân




Nhân sinh thật là tịch mịch.

Một người vẫn luôn không có bạn lữ yêu dấu đồng hành trên con đường nhân sinh dài đằng đẵng này, đó là một chuyện rất bi ai.

Người không có ái tình là người bi thảm, nhân sinh không có ái tình là nhân sinh bi thảm.

Nhất là người ưu tú, có tình hoài.

Luyến ái dễ khiến người ta thương tổn, nhưng cũng không thể vì sợ thương tổn mà không dám đi ái luyến.

Con người không sợ chấp mê, chỉ sợ không có thứ gì để chấp mê; con người cũng không sợ hi sinh, chỉ sợ không có thứ gì đáng để mình hi sinh.

Theo đuổi cũng như vậy.

Ai cũng nói mình không hối hận, nhưng rốt cuộc bao nhiêu người có thể không hổ thẹn? Ai có thể thật sự không quan tâm đến cuộc đời này của mình?

Tịch mịch khó chịu.

Nhất là đối với người có tài hoa và tài năng, tịch mịch là sát thủ âu sầu mất hồn, thường vào lúc ngươi thương tình đến cho một kích trí mạng.

Người có tài năng nhưng không thể thi triển hoài bão, mặc cho năm tháng nhuộm trắng tóc xanh, tự nhiên sẽ sinh ra cảm khái tịch trời mịch đất.

Người nói rằng không có chuyện tài năng nhưng không gặp thời, đó là kinh nghiệm nhân sinh không đủ, nếu không cũng là chưa từng xem qua kết cục không trọn vẹn của những anh kiệt kỳ sĩ, nhân vật bất phàm trong sử sách.

Người có tài hoa càng không chịu nổi tịch mịch.

Người nhìn thấy một đóa hoa liền cảm thấy nó mềm nó đẹp, gặp một bức tường đổ nát liền suy đoán lịch sử trước kia của nó, gặp một cô gái xinh đẹp liền sinh ra một loại cảm giác êm ái ôn nhu, vì một ca khúc, vì một bài từ, vì sông lớn chảy về đông, vì gió sớm trăng tàn mà nghĩ đến sự dằng dặc của trời đất, so với người bình thường càng không dễ chịu đựng sự tịch mịch mãnh liệt đến mức có thể nhấn chìm bản thân.

Người cầm bút, cầm kiếm, thậm chí tay không chỉ dùng đầu và tâm đều như vậy. Mấy chục năm gian khổ đấu tranh, có lẽ cũng chỉ muốn đoạt lại một chút gì từ trên tay thời gian, trong tay cái chết.

Mỹ nhân sợ già, tráng sĩ sợ bệnh.

Ai cũng sợ tịch mịch.

Đặc biệt là y.

Y sợ tịch mịch.

Thích Thiếu Thương không ngã trong chiến đấu, không chết bởi địch thủ, nhưng giống như rất nhiều người hô mưa gọi gió, cuối cùng vẫn thất bại trong tay huynh đệ bán rẻ mình.

Nhưng y vẫn không chết, không bị đánh ngã.

Kẻ địch chỉ khiến y chạy trốn, không thể khiến y khuất phục.

Năm tháng chỉ khiến y trở nên càng tình cảm, không thể khiến y thoái chí nản lòng.

Y không già, nhưng năm tháng lại ăn mòn y.

Y sợ nhìn trăng, bởi vì nỗi nhớ như trăng sáng, đêm đêm giảm ánh soi (1).

Y sợ gió, bởi vì đêm qua gió tây cây biếc rụng, lần bước lên lầu, nẻo chân trời xa ngóng (2).

Y cũng sợ uống rượu, bởi vì trăng sáng chớ một mình tựa gác, rượu ngấm ruột sầu, nỗi nhớ đầm nước mắt (3).

Y càng sợ nghe tiếng đàn, bởi vì cẩm sắt vì sao ngũ thập huyền, mỗi dây mỗi trụ nhớ hoa niên… kết quả vẫn là tình này sớm tạo niềm nhung nhớ (4).

Vì sợ tịch mịch kéo đến, cho nên y khiến cho mình rất bận, khiến cho mình rất sạch sẽ, cũng khiến cho mình rất khẩn trương.

Một người rất bận sẽ không có thời gian để tịch mịch.

Thế nhưng không phải.

Cho dù bận rộn thế nào, một khi vừa nghỉ ngơi, y sẽ phát hiện bận rộn cũng là một loại tịch mịch, ít nhất cũng là trốn tránh tịch mịch, cho nên bận rộn chỉ là ánh chiếu của tịch mịch, bóng dáng của tịch mịch, hóa thân của tịch mịch.

Sạch sẽ cũng vậy.

Có một ngày, y phát hiện trên quần áo sạch sẽ của mình phát ra từng trận mùi hương (y có biện pháp khiến cho một bộ y phục mặc rất nhiều ngày mà có thể không bẩn không nhăn, nhưng lại không thể khiến áo quần không tịch mịch), đó lại là một loại mùi vị tịch liêu mê người và thương người.

Y sợ loại mùi vị này.

Theo lý, một người khẩn trương cũng sẽ không cảm thấy tịch mịch, bởi vì không kịp tịch mịch.

Thế nhưng điều này cũng trái với ý nguyện.

Cho dù lúc y đang luyện võ, cũng sẽ vì một chiêu “Chỉ Tiện Uyên Ương” mà ngây người hồi lâu, cũng sẽ vì tay phải dùng kiếm, tay trái không còn mà ngẩn ra cả buổi, thậm chí vì một đôi giày hai dấu chân của mình mà sững sốt một trận.

Cho dù động tác đang kịch liệt, cấp tốc, tịch mịch vẫn đè nén trong lòng không thể giải trừ, quấy rầy không dứt.

Y cuối cùng đã nhận rõ điểm này, hiểu được điểm này.

Y biết đây không phải là kẻ địch bình thường, nhưng y lại không thể trốn tránh.

Ngay cả đám người Thái Kinh, Phó Tông Thư, Lương Sư Thành truy kích vẫn có thể trốn, có thể tránh, nhưng tịch mịch lại càng trốn càng cô tịch, càng tránh càng thờ ơ.

Y luôn luôn chỉ cô độc, nhưng không thờ ơ.

Cho nên y quyết định phải đối diện với nó.

Bởi vì y phải đối diện với nàng.

Nàng chính là Bạch Mẫu Đơn, Lý Sư Sư của Túy Hạnh lâu, hẻm Tiểu Điềm Thủy.

Trong thời gian này, y đến tìm Lý Sư Sư không chỉ một lần, mà là rất nhiều lần.

Có lúc y dịch dung đi đến, tương đối dễ dàng, đã thuận tiện cho mình, cũng thuận tiện cho Lý Sư Sư.

Có lúc y giả trang làm lái buôn, tiểu thương, thậm chí là công tử vương hầu, trực tiếp đi lên Túy Hạnh lâu.

Có lúc y dùng diện mạo vốn có đến tìm Lý Sư Sư, càng nhiều lúc y dùng khinh công cao diệu đêm khuya viếng thăm hương khuê của nàng.

Có điều, cho dù y dùng loại thân phận nào đến thăm, trước tiên nhất định phải được Lý Sư Sư cho phép, mới có thể tiến vào trong khuê các của nàng.

Y và Lý Sư Sư đàm thơ.

Sư Sư hỏi y giang hồ.

Y và Lý Sư Sư bàn việc nước.

Sư Sư và y luận mệnh và vận.

Y và Lý Sư Sư nhìn hoa ngắm trăng, thậm chí là nhìn cơn gió vốn không nhìn thấy.

Sư Sư và y đùa mèo đùa chó, thậm chí đùa thềm cao gương soi một ngày nào đó sẽ chiếu rọi sớm như tơ xanh chiều như sương (5).

Sư Sư rất thích y tới, cũng chờ y tới.

Trước hoa dưới trăng, hai người đàm luận vui vẻ, cười nói tâm tình, vẫn luôn dùng lễ đối đãi, không đến mức loạn.

Không đến mức loạn có phải là chuyện tốt hay không?

Vì sao không thể loạn?

Không loạn chính là bình tĩnh.

Bình an là phúc.

Bình tĩnh và ổn định là song sinh, thế nhưng sinh mệnh của anh hùng phải ở trong bầu trời hỗn loạn bất an, mới có thể phát ra ánh sáng rực rỡ.

Kiêu hùng càng như vậy.

Thích Thiếu Thương rốt cuộc là anh hùng hay kiêu hùng?

Có điều, ít nhất y tuyệt đối không phải là một người bình thường.

Người bất phàm, cho dù muốn bình phàm trải qua cả đời, cũng nhất định giống như chiếc kim trong túi, sớm muộn gì cũng sẽ đâm rách túi, lộ ra tài hoa, chỉ cần hắn đủ may mắn.

Thế nhưng, có thể vượt trội xuất sắc, thể hiện tài hoa, rốt cuộc là may mắn hay bất hạnh?

Loạn.

Thích Thiếu Thương thích loạn.

Bởi vì loạn mới có thể bức ra tài năng ứng biến, thủ đoạn khắc phục nguy cơ của y.

Y không phải là Gia Cát tiên sinh.

Gia Cát Tiểu Hoa chỉ cầu ổn định.

Bởi vì thời cuộc trước tiên phải ổn định mới có thể cải cách tiến bộ hữu hiệu, nếu như tám phương mưa gió, bốn bề khốn đốn, dân tâm không yên ổn, lòng người không an định, làm thế nào khiến người ta an cư lạc nghiệp, phồn vinh ổn định?

Y là một người lấy đại cục làm trọng.

Vương Tiểu Thạch càng không phải.

Hắn gặp sao hay vậy, tự mình thấy vui.

Hắn là nước chảy bèo trôi, nhưng tuyệt đối không chìm đắm trong trụy lạc. Hắn tự mình thấy vui, nhưng biết cách khiến mọi người cùng nhau vui vẻ.

Lúc hắn đắc thế thì làm việc mưu lợi cho mọi người, lúc thất ý cũng làm việc vì lý tưởng của mình. Đối với hắn, lên núi là vui, bởi vì có thể lên cao nhìn xa; xuống núi cũng là vui, bởi vì có thể dựa cây xem mây.

Hắn không quan tâm, không cố chấp.

Cuộc đời của hắn không ngừng phát ra ánh sáng và hơi nóng.

Hắn tiến là vui, lùi cũng là vui.

Tiến và lùi đều là đi qua trong sinh mệnh.

Phát xong rồi, thả hết rồi, liền đi.

Thích Thiếu Thương lại không phải.

Hôm nay của y là sống vì ngày mai.

Quá khứ của y rất huy hoàng.

Y có mong đợi với tương lai.

Thanh danh của y như mặt trời ban trưa, nhưng thời gian còn lại chẳng có bao nhiêu.

Cho nên hôm nay của y rất quan trọng. Hôm nay chảy một giọt mồ hôi, chính là một đóa hoa nở vào ngày mai.

Vì vậy mỗi ngày y đều phấn đấu bền bỉ.

Càng quan trọng hơn là mỗi ngày phải sống được vui vẻ hợp ý.

Làm thế nào mới sống được vui vẻ?

Đáp án chỉ có hai chữ, đó là vui đùa.

Nghiêm túc làm việc, tận tình vui đùa.

Như vậy mới không uổng đời này, cũng là quy tắc sống của Thích Thiếu Thương.

Vì vậy y không sợ loạn, bởi vì loạn mới có thể bức ra tài hoa, tài năng và tài tình của y.

Lúc này trong lòng y có điểm loạn.

Trên thực tế, trong khoảng thời gian này, trong lòng y đều rất loạn.

Bởi vì y phát hiện, nữ nhân xuất sắc Lý Sư Sư hình dáng rất mê người, kiến thức rất uyên bác, tài hoa rất ưu mỹ này, trên sinh hoạt cá nhân lại có một chút dâm loạn.

Nàng rất có thể là loại như nữ nhân đó, tính dục có thể tạm ái ân.

Sự phát hiện này khiến Thích Thiếu Thương thật sự phiền muộn.

Y không tức giận, cũng không cuồng nộ, mà là phiền muộn.

Loại phiền và muộn mang theo một chút thương tiếc, có phần đau lòng, nhưng cực kỳ bực bội.Chú thích:

(1) Nguyên văn “tư quân như minh nguyệt, dạ dạ giảm thanh huy”.

Đây là một câu mô phỏng lại bài thơ “Thất Tư” của Từ Quản thời Ngụy Tấn. Nguyên văn là “Tự quân chi xuất hĩ, minh kính ám bất trị. Tư quân như lưu thủy, hà hữu cùng dĩ thời”, nói đến người phụ nữ nhớ nhung trượng phu đi xa chưa về. Còn có rất nhiều câu khác được mô phỏng theo hình thức trên, chẳng hạn như:

Tư quân như thanh phong, hiểu dạ thường bồi hồi. (nỗi nhớ như gió mát, sáng tối thường bồi hồi)

Tư quân như mạn thảo, liên duyên bất khả cùng. (nỗi nhớ như cỏ dại, liên miên không điểm dừng)

(2) Trích từ bài thơ “Điệp Luyến Hoa” của Án Thù.

Hạm cúc sầu yên lan khấp lộ,

La mạc khinh hàn,

Yến tử song phi khứ.

Minh nguyệt bất am ly hận khổ,

Tà quang đáo hiểu xuyên chu hộ.

Tạc dạ thu phong điêu bích thụ,

Độc thướng cao lâu,

Vọng tận thiên nhai lộ.

Dục ký thái tiên kiêm xích tố,

Sơn trường thuỷ khoát tri hà xứ?

Dịch nghĩa:

Cúc trong dậu, sương phủ, vẻ như buồn, cây lan móc đọng ở lá, như khóc

Trong màn là hơi lạnh

Cặp chim én bay đi mất

Trăng sáng không hiểu nỗi khổ chia ly

Thâu đêm ánh sáng chiếu xiên vào cửa son

Đêm qua gió tây thổi làm rụng cây biếc

Một mình bước lên lầu

Nhìn đến khuất mắt con đường xa tít chân trời

Muốn gửi tờ thư, giấy lụa đi

Nhưng núi dài biển rộng, nào biết nơi đâu?

Dịch thơ: (Nguyễn Xuân Tảo)

Lan khóc sương, cúc buồn khói đọng,

Lạnh thấm màn là,

Cặp én bay đi thẳng.

Dì nguyệt hiểu gì người chiếc bóng,

Thâu canh ánh sáng xiên song trống.

Đêm qua gió tây, cây biếc rụng,

Lần bước lên lầu,

Nẻo chân trời xa ngóng.

Tấc lụa, tờ hoa mong đến chóng,

Nào biết nơi đâu, núi sông rộng.

(3) Trích từ bài thơ “Tô Mạc Già” của Phạm Trọng Yêm.

Bích vân thiên,

Hoàng diệp địa.

Thu sắc liên ba,

Ba thượng hàn yên thuý.

Sơn ám tà dương thiên tiếp thuỷ.

Phương thảo vô tình,

Cánh tại tà dương ngoại.

Ảm hương hồn,

Truy lữ tứ,

Dạ dạ trừ phi hảo mộng lưu nhân thuỵ.

Minh nguyệt lâu cao hưu độc ỷ.

Tửu nhập sầu trường,

Hoá tác tương tư lệ.

Dịch nghĩa:

Trời đầy mây biếc,

Đất phủ lá vàng.

Cảnh sắc mùa thu lẫn với nước hồ,

Trên sóng là khói lạnh màu biếc.

Trời chiều phủ bóng núi non, trời xanh nối tiếp với mặt nước.

Cỏ thơm không hiểu nỗi lòng người,

Lại mọc tới tận nơi cuối chân trời.

Nỗi nhớ nhà rầu rĩ,

Tìm theo nỗi lòng đất khách,

Hằng đêm chỉ khi mộng đẹp (về quê) mới có thể ngủ được.

Trăng sáng, lầu cao, người vẫn lẻ bóng tựa trông.

Rượu vào trong dạ sầu,

Hoá thành giọt lệ nhớ nhung.

Dịch thơ: (Nguyễn Xuân Tảo)

Biếc mây trời,

Vàng lá đất.

Sóng lẫn sắc thu,

Khói sóng xanh lặng ngắt.

Nước liền trời núi chiều nắng hắt,

Đám cỏ trêu ngươi,

Mơn mởn trong nắng nhạt.

Não hồn quê,

Buồn đất khách.

Ví được hằng đêm,

Mộng đẹp ru ngon giấc.

Trăng sáng chớ một mình tựa gác,

Rượu ngấm ruột sầu,

Nỗi nhớ đầm nước mắt.

(4) Trích từ bài thơ “Cẩm Sắt” của Lý Thương Ẩn.

Cẩm sắt vô đoan ngũ thập huyền,

Nhất huyền nhất trụ tứ hoa niên.

Trang sinh hiểu mộng mê hồ điệp,

Vọng đế xuân tâm thác đỗ quyên.

Thương hải nguyệt minh châu hữu lệ,

Lam Điền nhật noãn ngọc sinh yên.

Thử tình khả đãi thành truy ức,

Chỉ thị đương thời dĩ võng nhiên.

Dịch nghĩa:

Đàn gấm chẳng vì cớ chi mà có năm mươi dây

Mỗi dây mỗi trụ đều gợi nhớ đến thời tuổi trẻ

Trang Chu buổi sáng nằm mộng thành bươm bướm

Lòng xuân của vua Thục đế gửi vào chim Đỗ Quyên

Trăng chiếu sáng trên mặt biển xanh, châu rơi lệ

Ánh nắng ấm áp chiếu vào hạt ngọc Lam Điền sinh ra khói

Tình này đã sớm trở thành nỗi nhớ nhung về dĩ vãng

Cho đến bây giờ chỉ còn lại nỗi đau thương.

Dịch thơ: (Huỳnh Minh Đức)

Cẩm sắt vì sao ngũ thập huyền

Mỗi dây mỗi trụ, nhớ hoa niên

Trang Chu tỉnh mộng, mơ hồ điệp

Vọng đế lòng xuân, gởi Đỗ quyên

Trăng sáng biển xanh, châu đổ lệ

Khói vương nắng ấm, ngọc Lam điền

Tình này sớm tạo niềm nhung nhớ

Là buổi đầu tiên, chút nỗi niềm

(5) Trích từ bài thơ “Tương Tiến Tửu” của Lý Bạch.

Quân bất kiến:

Hoàng Hà chi thuỷ thiên thượng lai,

Bôn lưu đáo hải bất phục hồi!

Hựu bất kiến:

Cao đường minh kính bi bạch phát,

Triêu như thanh ty mộ thành tuyết.

Nhân sinh đắc ý tu tận hoan,

Mạc sử kim tôn không đối nguyệt!

Thiên sinh ngã tài tất hữu dụng,

Thiên kim tán tận hoàn phục lai.

Phanh dương tể ngưu thả vi lạc,

Hội tu nhất ẩm tam bách bôi.

Sầm phu tử,

Đan Khâu sinh.

Tương tiến tửu,

Bôi mạc đình!

Dữ quân ca nhất khúc,

Thỉnh quân vị ngã khuynh nhĩ thính:

“Chung cổ soạn ngọc bất túc quý,

Đãn nguyện trường tuý bất nguyện tỉnh!

Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch,

Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh.

Trần vương tích thời yến Bình Lạc,

Đẩu tửu thập thiên tứ hoan hước“.

Chủ nhân hà vi ngôn thiểu tiền,

Kính tu cô thủ đối quân chước.

Ngũ hoa mã,

Thiên kim cừu,

Hô nhi tương xuất hoán mỹ tửu,

Dữ nhĩ đồng tiêu vạn cổ sầu.

Dịch nghĩa:

Anh không thấy:

Nước sông Hoàng Hà chảy từ trên trời xuống

Chảy ra đến biển không quay trở lại nữa

Anh không thấy:

Ở tấm gương sáng treo trên nhà cao, bi thương soi tóc bạc

Sáng còn xanh mượt chiều tối đã thành trắng như tuyết

Đời con người khi nào đắc ý nên tận tình vui sướng

Đừng để chén rượu vàng cạn queo nhìn vầng trăng

Trời sinh ra ta có tài thì ắt sẽ được dùng

Ngàn vàng tiêu sạch hết rồi sẽ trở lại

Mổ dê giết trâu cứ vui cái đã

Uống một lần ba trăm ly rồi hãy tính

Này ông bạn họ Sầm

Này ông bạn Đan Khâu

Sắp rót thêm rượu rồi đây

Các bạn chớ có ngừng

Tôi xin ca một khúc cho các anh

Xin các anh vì tôi lắng tai nghe

Chuông trống cỗ bàn không đáng quý trọng

Chỉ xin được say hoài không muốn tỉnh

Xưa nay các bậc thánh hiền đều im lặng

Chỉ có kẻ uống rượu mới để lại tiếng tăm

Trần vương hồi xưa mở yến hội ở Bình Lạc

Mười ngàn đấu rượu tha hồ mà hoan lạc vui cười

Tại sao chủ nhân lại nói ít tiền

Hãy mau mau mua rượu mời các anh uống

Này ngựa hoa năm sắc

Này áo cừu giá ngàn vàng

Kêu đứa nhỏ ra đem đổi lấy rượu

Cùng bạn tiêu mối sầu vạn cổ

Dịch thơ: (Hoàng Tạo, Tương Như)

Há chẳng thấy:

Nước sông Hoàng từ trời tuôn xuống

Chảy nhanh ra biển, chẳng quay về,

Lại chẳng thấy:

Thềm cao gương soi rầu tóc bạc

Sớm như tơ xanh, chiều tựa tuyết?

Đời người đắc ý hãy vui tràn,

Chớ để bình vàng suông bóng nguyệt!

Trời sinh thân ta, hẳn có dùng,

Nghìn vàng tiêu hết rồi lại đến.

Mổ dê, giết trâu, cứ vui đi,

Uống liền một mạch ba trăm chén!

Bác Sầm ơi,

Bác Đan ơi!

Sắp mời rượu,

Chớ có thôi!

Vì nhau tôi xin hát,

Hãy vì tôi hai bác nghe cùng:

“Này cỗ ngọc, nhạc rung, chẳng chuộng,

Muốn say hoài, chẳng muốn tỉnh chi!

Thánh hiền tên tuổi bặt đi,

Chỉ phường thánh rượu tiếng ghi muôn đời!

Xưa Trần Vương yến nơi Bình Lạc,

Rượu tiền muôn đùa cợt tha hồ”

Chủ nhân kêu thiếu tiền ru?

Để cùng dốc chén, ta mua đi nào!

Đây ngựa gấm,

Đây áo cừu,

Này con, đổi rượu hết,

Cùng nhau ta giết cái sầu nghìn thu!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.