Tuệ Luân nói xong cầm lấy lưỡi giới đao treo ở trên tường lật đật đi ngay.
Hư Trúc đến trước giới luật viện khom lưng bẩm:
- Ðệ tử là Hư Trúc đã vi phạm giới luật thanh tu, khẩn cầu chưởng luật Trưởng lão ban hình phạt.
Hư Trúc hô luôn hai lần, trong viện có một nhà sư đứng tuổi bước ra lạnh lùng nói:
- Thủ toà Trưởng lão cùng chưởng luật sư thúc chưa rảnh để nghe ngươi nói. Ngươi hãy quỳ xuống đó mà chờ.
Hư Trúc khép nép vâng lời quỳ ngay xuống. Y quỳ từ giữa trưa cho đến lúc trời tối mà chẳng có một ai thèm hỏi tới. May mà nội công y thâm hậu nên quỳ nửa ngày trời chẳng ăn uống gì vẫn chưa mỏi mệt chút nào.
Bỗng bên tai nghe tiếng chuông chiêu mộ thu không. Giờ cúng Phật buổi tối đã bắt đầu. Hư Trúc miệng nhẩm kinh sám hối.
Bỗng một nhà sư trẻ tuổi đi tới nói:
- Hư Trúc! Mấy bữa nay trong chùa có nhiều việc trọng đại, các vị trưởng lão chưa rỗi để xử việc ngươi. Ta coi bộ ngươi quỳ mọp niệm kinh có vẻ chân thành sám hối. Thôi bây giờ ngươi hãy tạm thời đến vườn rau bón phân. Khi nào các vị trưởng lão rảnh việc sẽ kêu ngươi đến hỏi tình hình, tuỳ theo tội nặng nhẹ để xử phạt.
Hư Trúc kính cẩn đáp:
- Dạ. Ða tạ tấm lòng từ bi của sư huynh.
Rồi chắp tay thi lễ xong mới đứng lên.
Y nghĩ bụng:
- Chưa thấy có lệnh đuổi mình ra khỏi chùa lập tức thì hãy còn hy vọng.
Hư Trúc ra đến vườn rau. Y tìm đến nhà sư coi vườn là Duyên Căn nói:
- Thưa sư huynh! Tiểu tăng là Hư Trúc phạm giới luật bản môn, có lệnh truyền phạt ra đây gánh phân bón rau.
Nguyên Duyên Căn tư chất tầm thường đã chẳng lãnh hội được nghĩa thiền, mà luyện võ công cũng không tiến bộ. Y chỉ thích làm những việc vặt. Khu vườn rau này rộng tới hai trăm mẫu, nhân công có đến bốn chục người. Y cai quản bọn này với tác phong hống hách.
Mỗi khi gặp nhà sư nào do giới luật viện xử phạt vào vườn rau làm công, Duyên Căn lại càng làm oai làm phước.
Y vừa nghe Hư Trúc nói thì trong bụng cả mừng hỏi ngay:
- Ngươi phạm giới luật gì?
Hư Trúc đáp:
- Tiểu tăng phạm rất nhiều giới cấm không thể nói một lời hết được.
Duyên Căn tức giận nói:
- Tại sao một lời lại không nói hết được? Ta khuyên ngươi nên thú thật đi, cho ta biết rõ đầu đuôi. Ðừng nói ngươi chỉ là một chức tiểu hoà thượng cỏn con mà ngay thủ toà viện Ðạt Ma La Hán Ðường, hễ bị phạt đến vườn rau làm công ta cũng hỏi cho biết rõ. Chẳng ai lại dám bướng bỉnh. Ta trông bộ mặt ngươi đỏ lừ, trắng phớ, nhất định là hay ăn vụng thịt rồi. Có phải thế không?
Hư Trúc đáp:
- Chính phải!
Duyên Căn nói:
- Hừ! Ta đoán không sai mà! Không chừng ngươi còn uống rượu nữa. Ðừng có mà cãi bướng! Lừa dối ta không phải chuyện dễ đâu!
Hư Trúc nói:
- Chính phải! Một hôm tiểu tăng uống rượu đến say mèm không còn biết trời biết đất gì nữa.
Duyên Căn cười nói:
- Ha ha! Ngươi thật là lớn mật! Cơm no rượu say rồi tất còn nảy lòng chim dạ thú. Thế là tám chữ sắc tức thị không, không tức thị sắc, ngươi bỏ sau gáy rồi. Chắc đầu óc ngươi còn nghĩ tới nữ sắc phải không, mà không phải một lần, có thể đến bảy tám lần mới đúng.
Hắn nói bằng giọng rất sắc bén.
Hư Trúc thở dài đáp:
- Tiểu tăng không dám nói dối sư huynh. Chẳng những nghĩ tới mà thôi, lại còn phạm vào sắc giới nữa.
Duyên Căn rất lấy làm đắc ý, tự cho mình có con mắt tinh đời, lớn tiếng mắng để ra oai:
- Tên tiểu hoà thượng kia! Mi thật là lớn mật! Dám làm bại hoại đến danh dự của chùa Thiếu Lâm ta. Trừ sắc giới, ngươi còn phạm tội gì nữa không? Hay còn đi ăn cắp tiền bạc của người để tiêu xài, hoặc đánh nhau cãi nhau với ai nữa?
Hư Trúc cúi đầu đáp:
- Tiểu tăng đã giết người, mà không phải chỉ giết có một người.
Duyên Căn cả kinh sắc mặt tái mét, lùi lại ba bước.
Trước nay y chỉ quen khinh khi người hiền lành mà rất sợ hãi kẻ hung ác, nên vừa nghe Hư Trúc nói đến giết người mà lại giết nhiều người nữa là khác, thì sợ run lên bần bật, chỉ lo Hư Trúc nổi cơn điên mà động thủ thì chắc mình không địch nổi. Y liền cố trấn tĩnh, đổi giọng niềm nở nói:
- Võ công là điều thứ nhất được thiên hạ ưa chuộng. Ðã luyện võ thì khó lòng giữ khỏi lỡ tay giết người. Chắc bản lãnh của sư đệ đã rất mực cao cường.
Hư Trúc đáp:
- Nói ra càng thêm hổ thẹn. Nhưng võ công của tiểu đệ học được của bản môn đã hoàn toàn tiêu tan hết. Hiện giờ trong mình tiểu đệ không còn lại một chút gì gọi là công phu của phái Thiếu Lâm nữa.
Duyên Căn cả mừng nói:
- Thế thì càng hay! Thế thì càng hay!
Y nghe Hư Trúc nói mất hết công phu bản môn thì cho là vì Hư Trúc phạm tội nhiều nên các vị trưởng lão tước bỏ võ công, hắn đã toan trở mặt.
Nhưng sau Duyên Căn lại nghĩ thầm:
- Tuy võ công gã bị tước bỏ, nhưng nếu gã còn sót lại chút ít, thì mình cũng khó lòng đối phó.
Duyên Căn nghĩ vậy liền nói:
- Sư đệ! Ngươi đã đến vườn rau làm công để sám hối, thế là hay lắm. Nhưng chúng ta đây có lệ: Hễ ai phạm giới luật tức là bàn tay bị dính máu tanh hôi rồi. Vậy lúc làm công chân tay phải đeo xiềng đeo khoá. Ðó là quy củ của tổ tôn truyền lại. Chẳng hiểu sư đệ có chịu không? Nếu không chịu thì ta sẽ lên viện giới luật bẩm lại để tuỳ Thủ toà trưởng lão định đoạt.
Hư Trúc nói:
- Luật lệ đã như vậy, dĩ nhiên tiểu tăng phải tuân theo.
Duyên Căn mừng thầm trong bụng, sai lấy xiềng khoá ra đeo vào chân tay Hư Trúc.
Nên biết rằng: Từ mấy trăm năm nay, chùa Thiếu Lâm đã truyền dạy võ công thì khó lòng tránh khỏi có những nhà sư làm điều càn rỡ. Phần nhiều nhà sư phạm pháp lại võ công cực cao, khó lòng chế phục, nên Sám hối đường trong viện giới luật cùng trong các khu vườn rau đều chuẩn bị xiềng xích đúc bằng sắt thép.
Duyên Căn thấy Hư Trúc đeo xiềng xích rồi hắn rất yên lòng, lại trở giọng lớn tiếng mắng nhiếc:
- Tặc hoà thượng kia: Mi tuổi còn nhỏ mà đã lớn mật làm càn, vi phạm hết các giới luật. Bữa nay không dùng trọng phạt thì sao hả được lòng căm tức của ta?
Hắn nói rồi bẻ một cành cây vụt tới tấp xuống đầu Hư Trúc.
Hư Trúc thu chân khí lại không dám vận nội lực chống đối, để mặc cho Duyên Căn muốn đánh thế nào thì đánh.
Trong khoảnh khắc, đầu mặt Hư Trúc đầm đìa máu tươi, nhưng y chỉ niệm Phật, không lộ vẻ gì oán hận.
Duyên Căn thấy Hư Trúc không né tránh, cũng không chống đối thì nghĩ thầm:
- Gã tiểu hoà thượng này quả nhiên mất hết võ công, ta tha hồ mà dày xéo hành hạ gã.
Hắn nghĩ tới Hư Trúc ăn thịt cá phè phỡn, uống rượu say tuý luý rồi giở thói dâm dật mà chính mình hắn đã ngoài bốn mươi tuổi chưa được nếm mùi vị khoái lạc, thì trong lòng ghen ghét lại sôi lên sùng sục. Hắn càng đánh mạnh tay hơn, gãy luôn ba cây rồi mới dừng tay.
Hắn lại hùng hổ nói:
- Mỗi ngày mi phải xúc ba trăm thùng phân bón rau. Nếu mi thiếu một thùng thì ta sẽ dùng đến côn sắt đánh cho mi gãy gối tối mặt.
Hư Trúc được Duyên Căn đánh mắng lại thấy yên lòng tự nhủ:
- Mình đã phạm bao nhiêu giới luật dĩ nhiên phải chịu trọng phạt. Hình phạt càng nặng bao nhiêu, tội nghiệt của mình càng nhẹ đi chừng ấy.
Y kính cẩn đáp ngay bằng một tiếng vâng rồi ra chái hiên lấy thùng gánh phân bón tưới rau cỏ. Nhưng ngoài việc gánh ba trăm thùng nước phân rồi còn phải bón, tưới mất khá nhiều thời giờ, đâu có thể làm xong trong chốc lát được.
Hư Trúc chẳng chút than phiền, lặng lẽ làm việc một cách rất thấu đáo. Suốt đêm y làm việc luôn chân luôn tay không nghỉ chút nào mà đến sáng vẫn chưa xong.
Nhờ được sinh lực đầy rẫy, Hư Trúc không thấy mỏi mệt. Y gánh đầy đủ ba trăm thùng nước phân tưới rau rồi mới vào nhà chứa củi nằm lăn ra ngủ vùi.
Hư Trúc vừa chợp mắt được một lúc thì Duyên Căn đã đến khua náo cho y tỉnh dậy. Hắn còn nặng lời quở trách:
- Tặc hoà thượng kia! Trời đã ban ngày ban mặt mà còn chui rúc vào đây mà ngủ vùi. Dậy mau đi đốn củi!
Hư Trúc chỉ dạ một tiếng chứ không giải thích chi hết, rồi vào rừng đốn củi.
Sáu bảy ngày liền, Hư Trúc ban ngày đi đốn củi, tối về lại gánh phân tưới rau trăm bề cực khổ, mà khắp mình mẩy bị đánh thương tích đầy người, trông thật thảm hại.
Sáng sớm ngày thứ tám, Hư Trúc đang bón rau thì Duyên Căn đến nơi ôn tồn nói:
- Sư huynh vất vả quá nhỉ?
Rồi hắn lấy chìa khoá mở xiềng xích cho Hư Trúc.
Hư Trúc nói:
- Tiểu đệ chưa mệt lắm, còn ba mươi gánh nữa mới đủ, để làm xong hãy đi ngủ cũng chưa muộn.
Duyên Căn nói:
- Sư huynh nghỉ đi thôi! Chỗ còn thiếu đó để tiểu tăng làm nốt cho. Mời sư huynh vào nhà ăn cơm. Mấy bữa nay tiểu tăng đắc tội với sư huynh. Mong rằng sư huynh dung thứ cho.
Hư Trúc thấy Duyên Căn thốt nhiên thay đổi thái độ thì trong lòng rất lấy làm kỳ. Y ngửng đầu nhìn lên thì thấy mặt mũi hắn tím bầm sưng húp, rõ ràng vừa bị một trận đòn thảm khốc.
Hư Trúc càng lấy làm kỳ hơn nữa khi Duyên Căn nhăn nhó nói:
- Tiểu tăng có mắt mà không biết núi Thái Sơn, nên đắc tội với sư huynh. Nếu sư huynh không lượng thứ cho thì tiểu tăng... phải đại hoạ đến nơi rồi.
Hư Trúc chẳng hiểu ý tứ Duyên Căn ra sao, vẫn nói bằng một giọng rất cung kính lễ phép:
- Tiểu tăng mình làm mình chịu. Sư huynh trách phạt như thế là đáng lắm, thực tình tiểu tăng không dám oán hận sư huynh chút nào.
Duyên Căn biến sắc giơ tay lên, tự tát bốp bốp vào mặt mình bốn cái thật mạnh rồi nói:
- Sư huynh! Tiểu tăng khẩn cầu sư huynh mở lượng từ bi! Sư huynh là đại nhân, đừng để tâm chắp nhặt đến lỗi lầm của kẻ tiểu nhân. Tiểu tăng... Tiểu tăng...
Hắn nói chưa dứt lời lại giơ tay lên tự tát vào mặt luôn mấy cái nữa.
- Nếu sư huynh không lượng thứ cho thì đôi tròng mắt... của tiểu tăng không thể giữ được nữa!
Hư Trúc ngơ ngác hỏi:
- Tiểu tăng thật tình không hiểu một tí gì cả.
Duyên Căn nói:
- Nếu được sư huynh nhiêu dung cho, tiểu tăng khỏi bị móc mắt, thì kiếp sau xin làm thân trâu ngựa để báo đền ân đức cao cả của sư huynh.
Hư Trúc hỏi:
- Sư huynh nói gì kỳ vậy? Tiểu tăng có bảo móc mắt sư huynh bao giờ đâu?
Duyên Căn mặt tái mét nói:
- Nếu sư huynh kiên quyết chẳng chịu dung tha, thì tiểu tăng thành người có mắt không tròng. Tiểu tăng đành tự xử lý vậy.
Hắn nói xong đưa hai ngón tay lên để toan móc tròng ra.
Hư Trúc vội nắm tay Duyên Căn lại hỏi:
- Ai bức bách sư huynh phải móc mắt?
Duyên Căn trán toát mồ hôi ấp úng đáp:
- Tiểu tăng... Tiểu tăng không dám nói. Nếu tiểu tăng nói ra thì... sẽ bị giết chết.
Hư Trúc tự hỏi:
- Tại chùa Thiếu Lâm này ai là người có uy quyền lớn đến thế?
Nghĩ vậy Hư Trúc liền hỏi:
- Có phải phương trượng không?
Duyên Căn nói:
- Không phải.
Hư Trúc lại hỏi:
- Thế thì chắc là một trong ba vị thủ toà Ðạt Ma Viện, La Hán Ðường, Giới Luật Viện phải không?
Duyên Căn đáp:
- Không phải hết! Sư huynh ơi! Tiểu tăng không dám nói đâu, chỉ khẩn cầu sư huynh tha thứ cho mà thôi. Những vị ấy biểu rằng: Nếu muốn giữ được đôi tròng mắt thì chỉ còn có chính miệng sư huynh tuyên bố dung tha cho tiểu tăng là được.
Hắn nói xong liếc mắt nhìn trộm sang mé bên, vẻ mặt cực kỳ sợ hãi.
Hư Trúc nhìn theo mắt Duyên Căn về phía hành lang thì thấy có bốn nhà sư ngồi đó đều mặc áo tăng bào sắc tro, đầu đội tăng bào màu xám, quay mặt vào trong nên không trông rõ tướng diện.
Hư Trúc tự hỏi:
- Chẳng lẽ lại là bốn vị sư huynh kia? Chắc họ được lệnh trên phái đến trừng phạt Duyên Căn vì tội chuyên quyền làm oai, làm phách đã đánh đập những nhà sư phạm giới?
Hư Trúc nghĩ vậy liền nói:
- Tiểu tăng không oán trách sư huynh tức là lượng thứ rồi còn gì?
Duyên Căn mừng rỡ khôn xiết liền quỳ ngay xuống vườn rau dập đầu lạy tạ. Trán hắn dính cả nước phân vào mà hắn cũng không quan tâm.
Hư Trúc lại nói:
- Xin sư huynh đứng dậy mau đi! Chớ nên dùng đại lễ.
Duyên Căn lóp ngóp đứng lên, kính cẩn mời Hư Trúc vào phòng ăn, rồi tự tay mình bưng cơm rót nước hầu hạ.
Hư Trúc không thể từ chối được, vì xem chừng nếu mình không để hắn phục thị thì dường như hắn bị đại hoạ, nên đành để mặc hắn muốn làm sao thì làm.
Duyên Căn khẽ hỏi nhỏ vào tai:
- Sư huynh có xơi rượu không? Hay có muốn dùng thịt chó thì tiểu tăng cũng tìm cho được!
Hư Trúc cả kinh nói:
- A di đà Phật! Tội nghiệt, tội nghiệt! Sao lại làm thế được?
Duyên Căn lé mắt nói:
- Bao nhiêu tội nghiệt để tiểu tăng lãnh chịu cả cho. Tiểu tăng đi kiếm về để sư huynh dùng nhé?
Hư Trúc khoát tay lia lịa nói:
- Ðừng, đừng! Những việc phạm giới này sư huynh chớ nên đề cập đến nữa!
Duyên Căn nói:
- Nếu sư huynh thấy ở trong chùa bị kỷ luật bó buộc, không được tự do vui sướng thì cứ việc tự tiện xuống núi. Nếu trong Giới Luật Viện có ai hỏi tới, tiểu tăng sẽ nói là phái sư huynh đi tìm vật dụng. Tiểu tăng xin hết sức che lấp, quyết không để xảy ra chuyện gì đáng lo ngại.
Hư Trúc nghe Duyên Căn nói mỗi lúc một nói nhảm thêm thì lắc đầu bảo:
- Tiểu tăng thành tâm sám hối những tội lỗi đã phạm cho nghiêm giới luật. Xin sư huynh đừng nhắc đến chuyện vi phạm thanh quy nữa.
Duyên Căn tuy ngoài miệng vâng dạ nhưng trong bụng vẫn mắng thầm:
- Mi là một gã thày tu phá giới, đam mê tửu sắc mà còn khéo giả vờ.
Tuy hắn nghĩ vậy, nhưng thấy Hư Trúc gạt đi không dám nói nữa.
Hắn hầu hạ Hư Trúc dùng cơm chay rồi lại mời y về thiền phòng của mình để nghỉ ngơi.
Từ hôm ấy Duyên Căn hết sức chiều chuộng Hư Trúc, không bắt y gánh phân bón rau nữa.
Ba ngày trôi qua. Hôm ấy vào khoảng giờ ngọ, Duyên Căn pha ấm trà Long tỉnh hai tay đưa cho Hư Trúc nói:
- Mời sư huynh dùng trà.
Hư Trúc nói:
- Tiểu tăng là kẻ can phạm chờ ngày định tội, mà sư huynh quá hậu đãi như vậy, khiến tiểu tăng thực áy náy.
Rồi đứng lên hai tay đỡ lấy chén trà.
Bất thình lình, chuông khánh đổ hồi vang lên không ngớt. Ðó là tiếng hiệu triệu họp toàn thể chư tăng trong chùa.
Ngoại trừ hàng năm gặp ngày Phật đản, hoặc ngày sinh nhật Ðạt Ma tổ sư, còn trong chùa trước nay rất ít khi triệu tập toàn thể chư tăng.
Duyên Căn nói:
- Phương trượng đã sai nổi hiệu chuông tụ tập chúng tăng. Vậy chúng ta phải đến điện Ðại Hùng xem sao?
Hư Trúc nói:
- Phải đó.
Thế rồi hai người cùng mười mấy nhà sư trong khu vườn rau lật đật chạy đến Ðại hùng Bảo điện.
Trong điện đã thấy hơn hai trăm nhà sư tụ tập, ngoài ra còn vô số tăng chúng đang lục tục kéo đến.
Chỉ trong khoảnh khắc hơn năm trăm vị sư đã đến đông đủ và chia thứ bậc vào ngồi. Tuy số người rất đông đảo mà im lặng như tờ.
Hư Trúc đứng vào hàng các nhà sư có chữ Hư. Y ngửng đầu nhìn lên thì thấy những bậc cao tăng tiền bối vẻ mặt cực kỳ nghiêm trọng, đã chột dạ nghĩ thầm:
- Phải chăng vì mình phạm tội quá nặng nên Phương trượng triệu tập toàn thể tăng chúng để trừng phạt một cách đặc biệt đặng răn kẻ khác cho nghiêm luật lệnh? Không chừng trước tình hình nghiêm trọng này, mình sẽ bị đuổi ra khỏi môn trường thì biết làm thế nào?
Hư Trúc còn đang khiếp sợ, bỗng ba hồi chuông bất chợt nổi lên.
Chư tăng đồng thanh tuyên Phật hiệu:
- A di đà Phật! A di đà Phật!
Phương trượng chùa Thiếu Lâm là Huyền Từ đại sư cùng ba vị cao tăng đứng hàng chữ Huyền và bảy nhà sư khác nữa từ hậu điện thong thả đi ra.
Chư tăng trong điện nhất tề khom lưng thi lễ.
Chúng tăng ngửng đầu nhìn lên thì thấy bảy nhà sư này đều đã lớn tuổi, sắc phục không giống bản tự. Ðúng là bảy nhà sư ở chùa khác mới đến.
Nhà sư ngồi đầu khách vị tuổi độ bảy mươi, thân hình bé nhỏ và thấp lùn, hai mắt loang loáng. Lúc lão đưa mắt nhìn xung quanh dáng điệu rất oai nghiêm.
Huyền Từ quay mặt về phía tăng chúng bản tự dõng dạc giới thiệu:
- Vị này là Thần Quang Thượng Nhân, phương trượng chùa Thanh Lương trên núi Ngũ Ðài. Quần tăng bản tự làm lễ ra mắt đi.
Nên biết rằng Thần Quang Thượng Nhân là một tay oai danh lừng lẫy trong võ lâm. Lão cùng Huyền Từ đại sư là hai vị La Hán Háng Long, Phục Hổ. Về võ công người ta đồn Thần Quang Thượng Nhân có phần trội hơn Huyền Từ đại sư.
Chúng tăng đều lẩm bẩm:
- Nghe đồn Thần Quang Thượng Nhân tự coi mình là một nhân vật cao cả. Lão là một nhà sư lại dính vào những việc võ lâm trần tục, thế là đi vào đường lối Hạ thừa. Trước nay lão không muốn kết giao với chùa Thiếu Lâm, hôm nay lão thân hành tới đây tất có việc gì quan trọng lắm.
Mọi người đều khom lưng quay về Thần Quang Thượng Nhân thi lễ.
Huyền Từ lại giơ tay về phía sáu nhà sư trong hàng tân khách nói:
- Sáu vị đây là cao tăng chùa Thanh Lương, hoặc là bạn thâm giao với Thần Quang Thượng Nhân cũng đều là những nhân vật có đạo đức lớn nơi cửa Phật. Bữa nay bảy vị đồng thời giáng lâm thật là vẻ vang cho bản tự. Vì thế mà có cuộc triệu tập đông đủ chư tăng bản tự tới đây làm lễ ra mắt. Bần tăng mong được Thần Quang Thượng Nhân khai đàn thuyết pháp để biểu dương ý nghĩa nhà Phật và để toàn thể tăng chúng bản tự cùng được thụ giáo cho thêm phần đạo đức.
Thần Quang Thượng Nhân nói:
- Bần tăng chả dám nào!
Thân hình lão bé nhỏ, thấp lùn, không ngờ thanh âm lại oang oang vang dội, chẳng khác tiếng sư tử gầm thét, khiến cho chúng tăng không khỏi kinh hãi. Nhưng Thượng Nhân tuy lớn tiếng mà không kéo gân cổ cũng không vận nội lực để cố ý uy hiếp nhân tâm mà chỉ dùng tiếng nói tự nhiên. Thật là một thứ thanh âm trời cho có một.
Thượng Nhân lại nói tiếp:
- Thiếu Lâm bảo tự là chốn trang nghiêm, tiểu tăng đem lòng sùng kính đã lâu. Sáu mươi năm về trước, tiểu tăng đã đến đây cầu giới, song bị cự tuyệt ngay từ ngoài cửa Sơn môn. Sáu mươi năm sau trở lại, cảnh cũ vẫn còn như xưa mà nhân sự không giống trước nữa. Thật là đáng buồn!
Chúng tăng nghe lão nói xong trong tâm đều chấn động vì giọng lưỡi lão đầy vẻ hằn học tức giận.
Ai nấy đều tự hỏi:
- Chẳng lẽ lão đến đây để tầm cừu?
Huyền Từ vốn là người rất bình tĩnh, đáp bằng một giọng ôn hoà:
- Té ra sư huynh ngày trước đã từng đến chùa Thiếu Lâm để xuất gia đầu Phật. Tất cả chùa chiền khắp thiên hạ đều là một nhà. Nay sư huynh từ chùa Thanh Lương dời gót tới đây, đã là Phật môn đệ tử ai không sùng kính? Ngày trước chùa Thiếu Lâm chưa dám tiếp nạp thành đắc tội với sư huynh. Vậy tiểu tăng xin nghiêng mình tạ lỗi, song cũng vì thế mà sư huynh đi lập một cơ sở khác đặng đem hoằng pháp phổ độ chúng sinh, làm nên công nghiệp rất lớn cho nhà Phật. Câu chuyện ngày trước chẳng qua chỉ là một trường nhân duyên trong cõi u minh xếp đặt.
Huyền Từ nói xong hay tay chắp để trước ngực cung kính thi lễ.
Thần Quang Thượng Nhân đáp lễ rồi nói:
- Sở dĩ ngày trước tiểu tăng đến bảo tự để cầu giới cố nhiên là ngưỡng mộ bảo tự đã đứng đầu võ lâm trong mấy trăm năm. Thiên hạ còn đồn chùa Thiếu Lâm rất nghiêm minh mà xử sự rất công bằng ngay thẳng...
Lão nói tới đây đột nhiên đảo mắt phóng tia sáng ra bốn mặt rồi ngửng đầu nhìn lên pho tượng Phật tổ kim thân trên Ðại hùng bảo điện, lạnh lùng tiếp:
- Ngờ đâu việc đời thường chỉ có hư danh ít khi thấy thực sự. Nếu tiểu tăng biết thế này thì năm ấy cũng chẳng đến chùa Thiếu Lâm làm chi cho mất công.
Thần Quang Thượng Nhân vừa dứt lời thì hết thảy hơn năm trăm nhà sư chùa Thiếu Lâm đều biến sắc, nhưng tại đây giới luật rất nghiêm, tuy ai nấy đều căm phẫn mà tuyệt chẳng ai dám lên tiếng.
Huyền Từ phương trượng bình tĩnh nói:
- A di đà Phật! Sao sư huynh lại nói vậy? Nếu tệ tự từ trên xuống dưới có ai làm việc sai quấy thì xin sư huynh cứ nói rõ. Kẻ có tội phải chịu trừng phạt mà phạm lỗi lầm thì phải sửa đổi. Lời sư huynh nói ra để mạt sát danh dự chùa Thiếu Lâm như vậy há chẳng thấy quá ru?
Thần Quang Thượng Nhân hỏi lại:
- Xin hỏi sư huynh: Cửa Phật phải chăng là chốn quan nha hay là ổ giặc cướp?
Huyền Từ lạnh lùng nói:
- Tiểu tăng chưa thể hiểu được lời nói của sư huynh có ngụ ý gì. Xin sư huynh chỉ thị cho.
Thần Quang đáp:
- Chốn quan nha bắt người giam cầm, còn ổ đạo tặc thì bắt người để lấy tiền chuộc, đó là những việc tầm thường. Chùa Thiếu Lâm đã chẳng phải chốn quan nha, lại không là ổ giặc cướp mà sao tự ý bắt giam người ngoài không thả cho về. Tiểu tăng xin hỏi lại sư huynh: Chùa Thiếu Lâm làm những việc cường hung như vây có xứng đáng với bốn chữ Phật môn thiện địa không?
Huyền Từ đưa mắt nhìn nhà sư thứ tư ngồi phía dưới Thần Quang nghĩ thầm:
- Nhà sư này rậm râu sâu mắt, môi thâm da thiết bì, ta dã ngờ hắn không phải là một nhà sư ở Trung Nguyên, té ra quả nhiên y là một vị hòa thượng nước Thiên Trúc. Ðương nhiên y vì muốn đòi Ba La Tinh mà đến đây. Nhưng không hiểu tại sao y kéo cả Thần Quang chùa Thanh Lương này cùng đến làm chi?
Huyền Từ nghĩ vậy rồi hỏi:
- Thưa sư huynh! Tiểu tăng có điều chưa hiểu kính xin sư huynh chỉ giáo: Giả tỷ có người ngoài đến chùa Thanh Lương trên Ngũ đài sơn xem trộm kiếm kinh về Phục Ma Kiếm trong Phục Hổ quyền phái cùng những môn ảo diệu bí mật về Tâm, ý, Khí, Hỗn nguyên công, Phổ lan trượng pháp của quý tự thì sư huynh xử trí ra sao?
Thần Quang cười ha hả quay lại nhìn nhà sư môi thâm mắt trắng da thiết bì nói:
- Huyền Từ đại sư chưa bị đánh đã cung xưng, tự mình thú nhận là có ra lệnh bắt giam Ba La Tinh sư huynh ở tại chùa Thiếu Lâm rồi.
Nguyên nhà sư môi thâm da thiết bì kia chính là Triết La Tinh, sư huynh của Ba La Tinh. Ngày nọ y cưỡi rắn đến Trung Nguyên rồi gặp Du Thản Chi cùng Cưu Ma Trí và bị một phen nhục nhã cắm đầu quay về Thiên Trúc.
Dọc đường hắn gặp một vị lão tăng ở Trung Nguyên tay cầm thuyền trượng chăm chú nhìn hắn. Triết La Tinh đang lúc căm tức đầy ruột, liền quát bảo vị lão tăng nhường lối. Hắn thốt ra những lời rất vô lễ.
Vị lão tăng kia là người tính nóng như lửa, tức thì quay lại mắng trả.
Hai bên trước còn đấu khẩu sau đấu võ. Cuộc đấu kéo dài đến một giờ không phân cao thấp. Công lực hai người đều có chỗ sở trường riêng mà đánh nhau bằng binh khí cũng chống chọi nhau chẳng ai hơn ai.
Trận đấu kéo dài đến lúc hoàng hôn thì vị lão tăng quát bảo dừng tay rồi nói:
- Phiên tăng kia! Võ công của ngươi rất cao, đáng tiếc là ngươi nóng tính không trấn tĩnh được.
Triết La Tinh nói:
- Ngươi với ta kẻ bảy lạng người nửa cân chẳng ai hơn ai!
Hắn học mót được mấy câu hoa ngữ thành ra nói sai. Ðáng lý phải nói kẻ tám lạng người nửa cân thì hắn lại nói kẻ bảy lạng người nửa cân.
Vị lão tăng rất lấy làm kỳ hỏi:
- Sao ngươi lại bảo kẻ bảy lạng người nửa cân?
Triết La Tinh đỏ mặt lên nói:
- Ồ! Ta nói lầm kẻ chín lạng người nửa cân
Vị lão tăng liền cười ha hả nói:
- Ta dạy cho ngươi hay: Tám lạng mới là nửa cân. Có một câu nói thông thường của người Trung Nguyên chúng ta mà ngươi còn chưa rành. Về học thêm mấy năm nữa rồi sẽ đến nói chuyện bằng Hoa ngữ với ta cũng chưa muộn.
Nguyên Triết La Tinh và Ba La Tinh cố ý đến Trung Nguyên để lấy lại bản kinh của nước Thiên Trúc, nên ráng học tiếng Trung Hoa, nhất là những câu tục ngữ. Nhưng hắn chỉ nhớ thấp thỏm không rành mạch nên mới có sự lầm lẫn như thế.
Hai nhà sư vốn không thù oán, đánh nhau nửa ngày rồi sinh ra mến tài nhau giới thiệu tên họ.
Vị lão tăng đó pháp danh là Thần Âm và là sư đệ Thần Quang phương trượng chùa Thanh Lương.
Thần Âm lại hỏi Triết La Tinh qua Trung Hoa có việc gì? Thì Triết La Tinh nói là: Sư đệ hắn là Ba La Tinh qua Trung thổ đến chùa Thiếu Lâm để đưa thơ rồi không hiểu vì lẽ gì lại bị chùa Thiếu Lâm bắt giữ, không thả cho về.
Nguyên Thần Âm là người hiếu sự, lại thấy uy danh chùa Thiếu Lâm đồn đại xa gần thì trong lòng không phục. Hắn còn có ý khoe khoang ông bạn mới kết giao liền nói:
- Sư huynh ta là Thần Quang bản lãnh phi thường, thiên hạ vô địch, chẳng coi chùa Thiếu Lâm vào đâu. Vậy ta đưa ông bạn đến yết kiến sư huynh ta. Chắc chắn y sẽ có cách cứu được sư đệ cho ông bạn.