Lục Mạch Thần Kiếm

Chương 26: Chương 26: Núi Thiên Thai Hào Kiệt Hội Thánh Tăng






Nhà Thiết Diện phán quan Ðơn Chính ở ngoài cửa Ðông, huyện Thái An, tỉnh Sơn Ðông.

Vào tới địa phận Thái An hỏi thăm những người qua đường ai cũng biết.

Kiều Phong cùng A Châu vào huyện Thái An thì trời đã xế chiều, hỏi biết rõ đường vào Ðơn gia trang rồi lập tức ra cửa Ðông, đi chưa đầy một dặm bỗng thấy khói đen bốc lên nghi ngút, tiếng la inh ỏi xa xa những tiếng người gọi nhau: \"Cháy nhà, cháy nhà! Mau đi cứu hỏa\".

Kiều Phong vẫn không để ý, phóng ngựa chạy nhanh mỗi lúc một gần nơi phát hỏa, chợt thấy tiếng la:

- Nhà Thiết diện phán quan Ðơn lão gia phát hỏa! Ði cứu cho mau!

Kiều Phong cùng A Châu giật mình dừng ngựa lại, đưa mắt nhìn nhau đều tự hỏi:

- Chẳng lẽ mình lại bị....

A Châu tìm lời an ủi:

- Ðơn gia trang đông người. Nhà tuy bị cháy, nhưng chắc không ai việc gì?

Kiều Phong than rằng:

- Biết thế này, thì hôm ở Tự Hiền Trang mình đừng giết Ðơn Bá Sơn và Ðơn Trọng Sơn.

Ông hối hận đã giết chết Nhị Hổ họ Ðơn để gây ra mối thâm cừu. Chuyến này tìm đến Thái An, tuy trong lòng Kiều Phong không có ý giết người nữa, song tưởng đến Ðơn Chánh cùng anh em con cháu ông ta tất chẳng chịu tha mình, ông đã chuẩn bị một cuộc đại chiến.

Dè đâu chưa đến trước Trang viện thì đối phương lại gặp đại nạn. Hai người đến gần Ðơn gia trang hơi lửa bốc nóng như nung như nỗi, than đỏ bốc lên tứ tung, thật là một vụ hỏa hoạn lớn.

Dân làng bốn mặt đổ đến cứu hỏa, người lấy nước kẻ xúc cát tát vào. May mà xung quanh Ðơn gia trang đều đào hào sâu sẵn nước lân cận lại không có nhà ở nào khác, nên lửa không cháy loang vô được.

Phong tục miền Sơn Ðông rất thuần hậu, làng xóm có nạn ai cũng hết sức cứu giúp.

Huống chi họ Ðơn một nhà nghĩa hiệp, đã ra tay cứu tế cho bao nhiêu kẻ bần cùng trong xóm giềng, nên ai nấy hết sức cứu chữa.

Kiều Phong cùng A Châu đến gần chỗ cháy, xuống ngựa rồi lại coi.

Bỗng nghe một gã hán tử than rằng:

- Ðơn lão gia là nạn phúc đức như thế, nhà ông cháy mất đã đành sao đến nỗi toàn gia dư ba mươi người, chẳng thoát được một ai?

Người khác nói:

- Ðây nhất định là bị kẻ thù phóng hỏa rồi ngồi giữ cửa không cho người chạy ra. Trong Ðơn gia, từ đứa trẻ lên ba cũng biết và lý đâu không chạy thoát được?

Gã kia lại tiếp:

- Nghe nói Ðơn đại gia và Ðơn nhị gia đã bị một đứa ác địa tên gọi Kiều Phong chi đó hạ sát ở Hà Nam. Hay là lại chính \"tên hung ác\" đó đến đây phóng hỏa?

A Châu cùng Kiều Phong khi đề cập đến kẻ thù vì không biết danh tính, gọi là \"Tên đại ác\".

Bây giờ, nghe thấy hai gã hán tử trò chuyện cũng gọi mình là \"Tên đại ác\", bất giác đưa mắt nhìn nhau.

Bỗng nghe thấy gã hán tử ít tuổi hơn đáp:

- Nhất định là Kiều Phong rồi!

Nói tới đây gã hạ thấy giọng tiếp:

- Chắc hắn đưa rất nhiều hạ thủ vào trang giết sạch sành sanh cả nhà họ Ðơn. Trời ơi! Trời không có mắt!

Gã lớn tuổi hơn nói:

- Thằng cha Kiều Phong gây nên bao nhiêu tội ác ngập đầu. Rồi đây nhất định hắn bị thảm họa gấp trăm lần Ðơn lão gia.

A Châu nghe gã thóa mạ Kiều Phong tức mình đưa tay ra vỗ vào mông ngựa.

Con ngựa giật mình phóng ra đá trúng vào lưng gã kia.

Gã la lên một tiếng: \"úi chao!\" rồi hạ người xuống.

A Châu hỏi:

- Cái miệng mi dơ bẩn nói gì lắm thế?

Gã kia bị ngựa đá một phát, nghĩ ngay đến bọn thủ hạ \"Tên đại ác\" Kiều Phong rất đông sợ tái mặt không dám ho he gì nữa, vội vàng lủi chạy.

Kiều Phong tủm tỉm cười, nhưng trong cái cười đó chứa mấy phần đau khổ.

Ông cùng A Châu đi ra chỗ khác, cũng nghe thấy mọi người bàn tán xôn xao về việc ấy cả.

Họ đều hiểu: Hơn ba chục người già, trẻ, lớn, bé, đàn ông, đàn bà, trong nhà Ðơn gia không một ai chạy thoát.

Kiều Phong ngửi thấy mùi thịt cháy khét lẹt xông lên thì biết là họ nói không sai, toàn gia Ðơn Chính đều bị thui trong lò lửa này.

A Châu khẽ nói:

- Tên đại ác đó thâm độc vô cùng! Y đã sát hại hai cha con Ðơn Chính thì thôi, sao còn giết cả già trẻ lớn bé và đốt cả nhà?

Kiều Phong đằng hắng một tiếng rồi đáp:

- Cái đó kêu bằng \"Nhổ cỏ nhổ hết gốc\". Thế này thì có khác gì chính Kiều Phong gây ra?

A Châu giật mình hỏi lại:

- Sao vậy?

Kiều Phong đáp:

- À, hôm ở trong rừng hạnh, Ðơn Chính nói mấy câu hẳn ngươi còn nhớ? Lão biểu: \"Trong nhà tôi cất mấy bức thư của Trương lãnh đại cất đem ra so sự tích thì quả nhiên đúng...\"

A Châu thở dài nói:

- Phải rồi! Tên đại ác tính rằng chỉ giết Ðơn Chính vẫn còn sợ đại gia đến Ðơn gia trang lục soát tìm ra mấy bức thư kia và sẽ biết họ tên y, nên y dùng mớ lửa đốt nhà cháy thành bình địa thì thơ cũng chẳng còn.

Người cứu hỏa đến mỗi lúc một nhiều.

Nhưng thế lửa đang thịnh, từng thùng nước một tưới vào nước đã biến thành khói trắng bốc cháy chẳng thấm thía gì, nên không dập được lửa.

Những luồng hơi nước bốc ra kinh khủng, khiến mọi người không chịu được phải dãn ra, ai nấy vừa thở dài vừa mắng chửi Kiều Phong.

Ðám người quê mùa nầy thốt ra chẳng thiếu gì câu tục tỉu khó nghe.

A Châu sợ Kiều Phong nghe những lời nhục mạ cực kỳ vô cớ điên tiết lên lại ra tay chém giết, gây nên thảm trạng cho dân làng này.

Nàng đưa mắt nhìn trộm Kiều Phong thì thấy nét mặt ông lộ ra một vẻ kỳ lạ, vừa như đau lòng, vừa như hối hận, và nhiều nhất là thương cho lũ quê mùa ngu ngốc, không nỡ sát hại.

Kiều Phong thở dài sườn sượt nói:

- Ði lên núi Thiên Thai!

Ông đề cập đến núi Thiên Thai thật là việc bất đắc dĩ. Nhà sư Trí Quang trên núi Thiên Thai trước kia có tham dự vào cuộc sát hại người thân ông, song gần hai chục năm nay, nhà sư đại phát từ bi, lặn đến những nơi xa tít tìm vỏ cây chế thuốc chữa bệnh ngã nước cho bá tính, một Giải Triết, Mãn, Lưỡng Quảng cứu sống được rất nhiều người. Vì thế mà chính nhà sư nhiễm nhiều khí độc, mắc phải bịnh nầy, khi khỏi bệnh thì mất hết võ công. Hành động cứu nhân độ thế này, khách giang hồ không ai kính trọng. Nói đến Trí Quang đại sư ai cũng tán tụng. Ông là \"Phật sống\" của trăm họ. Giả tỷ còn chỗ nào dò hỏi được thì Kiều Phong quyết không đến phiền nhiễu nhà sư Trí Quang.

Kiều Phong cùng A Châu ra khỏi huyện Thái An trông về hướng Nam mà đi.

Chuyến này Kiều Phong không muốn đi gấp rút quá nữa vì ông tính rằng , đi thong thả may ra còn giữ được tính mạng cho Trí Quang đại sư. Nếu cũng đi thục thân suốt ngày đêm như mấy lần trước thì khi tới Thiên Thai chắc chỉ còn thấy thi thể nhà sư mà thôi, không chừng nhà ở hay chùa chiền cũng bị thiêu rụi. Hơn nữa nhà sư hành cước vô định, nay đây mai đó, chắc gì người hiện ở chùa trên núi Thiên Thai.

Núi Thiên Thai ở về phía Ðông, tỉnh Triết Giang, Kiều Phong cùng A Châu từ Thái An ra đi, nhật trình thong thả tựa hồ đi du sơn du thủy. Hai người vừa đi vừa nói những vụ kỳ quái trên chốn giang hồ.

Dường như trong mình không có chuyện gì gấp rút, thật là những ngày khuây khỏa nhàn hạ.

Một hôm đến Trấn Giang, hai người lên chùa Kim Sơn xem phong cảnh.

Kiều Phong nhìn nước sông cuồn cuộn chảy xuôi về phía Ðông sực nhớ ra một điều, nói:

- Gã \"Thủ lãnh đại ca\" cùng \"Tên đại ác\" không chừng là một người.

A Châu vỗ tay đáp:

- Có lẽ đúng, sao trước nay mình không nghĩ ra điều đó?

Kiều Phong nói:

- Nhưng là hai cũng nên, có điều nếu là hai người, nhất định họ có liên quan mật thiết với nhau. Không thì việc gì \"Tên đại ca\" phải trăm phương nghìn kế che dấu địa vã \"Thủ lĩnh đại ca\" ?

A Châu nói:

- Kiều đại gia! Tôi còn nghĩ đến một điều: hôm ở rừng hạnh lúc Ðơn Chính thuật lại chuyện xưa e rằng...

Nói tới đây giọng nàng bất giác run lên.

Kiều Phong nói tiếp:

- E rằng \"Tên đại ác\" có mặt tại đó phải không?

A Châu vẫn run run đáp:

- Ðúng rồi! Thiến diện phán quan Ðơn Chính chỉ vì câu nói trong nhà lão còn cất mấy bức thư của \"Thủ lĩnh đại ca\" mà hôm nay toàn nhà lão bị đốt tiêu! Chao ôi!... Tôi tưởng đến việc này mà kinh hồn!

Người nàng run lên phải tựa vào Kiều Phong.

Kiều Phong nói:

- Tôi còn thấy một điều rất quái lạ!

A Châu hỏi:

- Ðiều gì?

Kiều Phong bâng khuâng nhìn chiếc thuyền buồm trên sông đăng:

- Tên đại ác đó vừa thông minh vừa có mưu hơn tôi nhiều, võ công y cũng vị tất đã kém tôi. Nếu y muốn giết tôi, thực tế như trở bàn tay. Sao y còn sợ tôi biết tên họ cừu nhân như vậy?

A Châu thấy ông nói đúng liền níu tay ông đáp:

- Kiều đại gia! Tôi tưởng rằng tên đại ác sau khi giết xong tổng đại gia, y không khỏi hổ thẹn trong lòng nên không gia hại đại gia, cũng không muốn đại gia báo thù, để khỏi mất mạng vào tay đại gia.

Kiều Phong gật đầu nói:

- Chắc thế.

Rồi ông trông nàng tủm tỉm cười, nói tiếp:

- Y đã không muốn giết tôi thì tự nhiên y cũng không gia hại, việc gì mà sợ?

Ngừng một lúc, Kiều Phong lại thở dài nói:

- Kiều mỗ mang tiếng là bậc anh hùng thật uổng quá, để cho kẻ khác coi mình như đồ chơi mà không làm gì được.

Kiều Phong cùng A Châu qua sông Trường Giang đi nữa.

Một hôm lại qua sông Tiền Ðường vào thành huyện Thiên Thai.

Hai người ngủ một đêm trong quán trọ.

Sáng hôm sau dậy sớm, Kiều Phong toan hỏi người cùng trọ với mình đường lối lên núi Thiên Thai thì chủ quán hấp tấp chạy vào nói:

- Kiều đại gia! Có một nhà sư ở chùa Chỉ Quán trên núi Thiên Thai xin vào bái kiến.

Kiều Phong giật mình vì tự lúc vào quán trọ mình tự xưng là họ Quan, liền hỏi lại:

- Sao chủ quán lại kêu ta bằng Kiều đại gia?

Chủ quán đáp:

- Nhà sư chùa Chỉ Quán tả tướng mạo Kiều đại gia cho tôi hay, tôi không thể lầm được.

Kiều Phong cùng A Châu đưa mắt nhìn nhau, trong lòng rất là hồi hộp, vì hai người đã hóa trang khác hẳn với lúc còn ở huyện Thái An tỉnh Sơn Ðông. Thế mà vừa đến Thiên Thai đã bị người ta nhận ra tông tích mình ngay.

Kiều Phong nói:

- Vậy xin mời nhà sư vào đây!

Chủ quán trở gót đi ra.

Lát sau, y dẫn một nhà sư béo lùn, cỡ ngoài ba mươi tuổi vào phòng.

Nhà sư chắp tay để trước ngực nhìn Kiều Phong thi lễ nói:

- Gia sư, Trí Quang hòa thượng, sai biểu tiểu tăng là Khổ Trà đến đây mời Kiều đại gia cùng Nguyễn cô nương lên tệ tự vãn cảnh.

Kiều Phong thấy nhà sư biết cả A Châu họ Nguyễn càng lấy làm kỳ dị. Ông hỏi:

- Tại sao sư phụ lại biết họ chúng tôi?

Khổ Trà hòa thượng đáp:

- Gia sư dặn rằng đến quán trọ Khuynh Cái trong nội thành huyện Thiên Thai để đón tiếp vị anh hùng họ Kiều cùng cô nương họ Nguyễn lên núi. Các hạ là Kiều đại gia rồi còn Nguyễn cô nương không biết ở đâu?

Nguyên A Châu đã hóa trang thành một chàng trai đứng tuổi, nên Khổ Trà nhận không ra, tưởng Nguyễn cô nương không ở đấy.

Kiều Phong lại hỏi:

- Chúng tôi vừa đến đây tối hôm qua sao ông ta đã biết sớm thế. Phải chăng người là bậc tiên tri?

Khổ Trà chưa kịp trả lời thì chủ quán đã nói ngay:

- Trí Quang đại sư trên chùa Chỉ Quán là một vị cao tăng đại đạo giỏi phép thần thông. Người chỉ bấm độn là biết Kiều đại gia đã ở đây. Ðừng nói sự việc đã xảy ra ngày một ngày hai mà cả những chục năm trăm năm về sau đại sư cũng tính ra được.

Kiều Phong biết Trí Quang hòa thượng tiếng tăm lừng lẫy nên làng dân ngu coi nhà sư như thần thánh nên không muốn nói nhiều đáp ngay:

- Nguyễn cô nương sẽ đến sau. Bây giờ hòa thượng hãy cùng hai chúng tôi về chùa Chỉ Quán trước.

Khổ Trà nói:

- Xin vâng.

Kiều Phong bảo chủ quán thanh toán tiền ăn tiền trọ thì chủ quán nói:

- Các hạ đã là tăng khách thánh tăng chùa Trí Quang thì dù đồng tiền cơm tiền trọ phòng đáng là bao, mà dù nhiều đến đâu chăng tôi cũng không dám nhận.

Kiều Phong nói:

- Vậy là chúng tôi quấy quả chủ quán nhiều quá!

Ông nghĩ thầm:

- Trí Quang đại sư có đức độ với nhân dân thế. Dù người là kẻ thù giết gia nương ta cũng đành gác bỏ, quyết không rửa hờn nữa. Ta chỉ mong người mách bảo danh tính \"Tên đại ác\" là đã thỏa mãn lắm rồi.

Kiều Phong cùng A Châu theo Khổ Trà ra khỏi huyện thành, để về neo núi Thiên Thai.

Phong cảnh núi Thiên Thai thực là thanh nhã, có điều đường lối khuất khúc rất khó nhớ.

Ngày xưa Lưu Nguyễn lạc đường vào Thiên Thai gặp tiên nữ, đủ biết nơi đây thủy tú sơn kỳ, nhưng đường lối rất khó khăn.

Kiều Phong thấy Khổ Trà chân bước mau lẹ. Ðừng nói ông chưa biết rõ nhà sư có hiểu võ công hay không, giả tỷ ông biết chắc nhà sư không có chút võ nghệ nào, cũng không dám chểnh mảng việc đề phòng vì lòng người thâm hiểm khôn lường.

Ông nghĩ thầm trong bụng. Ðối phương đã biết rõ lai lịch mình, lẽ nào không phòng bị nghiêm ngặt?

Trí Quang hòa thượng tuy là một cao tăng đạo đức, nhưng còn những người xung quanh vị tất đã cùng một tâm địa như đại sư?

Kiều Phong nghĩ như vậy, lại thấy đường núi mỗi lúc một hiểm trở thêm, ông chú ý nhìn xung quanh, lắng tai nghe bốn mặt để phòng hờ bọn địch đến tập kích.

Dọc đường không xảy ra chuyện gì, Kiều Phong và A Châu bình yên vào đến chùa Chỉ Quán.

Chùa Chỉ Quán rất nổi tiếng trên đám giang hồ, ngờ đâu chỉ là một ngôi chùa nhỏ tầm thường.

Giả tỷ Kiều Phong cùng A Châu tự mình tìm đến tất không tin ngôi chùa lừng danh chỉ sơ sài có thế.

Khổ Trà về đến cổng chùa chẳng cần thông báo hoặc theo qui củ đón khách chi hết, đẩy cổng đi vào, lên tiếng gọi to:

- Sư phụ ơi! Kiều đại gia đã đến đó!

Rồi thấy tiếng nhà sư Trí Quang ở trong chùa vọng ra:

- Ði pha trà mau để mừng tân khách từ phương xa đến!

Vừa nói vừa bước ra chắp tay thi lễ.

Trước khi Kiều Phong chưa thấy mặt Trí Quang đại sư, ông hồi hộp trong lòng lo lắng rằng nhà sư bị \"Tên đại ác\" hạ sát khi mình đến nơi. Bây giờ ông thấy mặt nhà sư rồi mới yên dạ.

Ông cùng A Châu trút bỏ những chất hóa trang trên mặt ra chân tướng vào bái kiến nhà sư.

Kiều Phong xá dài, thái độ cực cung kính.

Trí Quang nói:

- Vạn Phúc! Vạn Phúc! Kiều thí chủ! Thí chủ vốn họ Tiêu người đã biết chưa?

Kiều Phong nghe nói bắn lên. Tuy ông đã biết mình giòng dõi Khất Ðan, nhưng phụ thân mình họ thì chưa rõ. Bây giờ nghe Trí Quang bảo mình họ Tiêu mới là lần đầu, ông không khỏi ớn đến tủy xương sống. Biết được chân tướng mình đã bắt đầu bộc lộ, ông khom lưng nói:

- Kẻ tiểu tử bất hiếu này đến đây chính là để cầu đại sư giáo cho biết gốc gác.

Trí Quang gật đầu nói:

- Mời hai vị ngồi xuống đây.

Ba người vừa ngồi xuống ghế thì Khổ Trà bưng trà lên.

Khi thấy hai vị khách tướng mạo biến đổi đột ngột, nhất là A Châu lại ra cô gái, thì kinh dị vô cùng.

Nhưng trước mặt sư phụ nên không dám vặn hỏi.

Trí Quang nói tiếp:

- Trên vách núi đá ngoài ải Nhạn môn quan, lệnh tôn có gởi tự tích, tự xưng họ Tiêu tên gọi Viễn Sơn. Trong bài di văn, người là\"Phong Nhi\". Chúng tôi vẫn để nguyên tên Phong, vì gửi Kiều Hòe nuôi dưỡng nên đổi họ Kiều của y.

Kiều Phong nước mắt trào ra như mưa, đứng dậy nói:

- Hôm nay tại hạ mới biết được danh tính phụ thân. Xin đại sư nhận một lạy của tại hạ để tỏ lòng kính tạ ơn đức đại sư.

Nói xong phục lạy xuống.

Trí Quang chắp tay đáp lễ nói:

- Bần tăng đâu dám nhận hai chữ \"ơn đức\"?

Kiều Phong ngoảnh mặt bảo A Châu:

- Từ đây sắp tới, tôi là Tiêu Phong chứ không phải Kiều Phong nữa.

A Châu nói:

- Vâng, Tiêu gia gia!

Quốc Tính nước Liêu là Gia Luật, trải bao nhiêu triều đại quốc vương nước Liêu đều lấy hoàng hậu nước Tiêu.

Vì thế Tiêu gia, truyền đời làm hậu tộc và có quyền thế lớn tại Liêu quốc.

Gặp trường hợp Liêu chúa còn nhỏ tuổi thì Thi Tiêu thái hậu đứng ra chấp chánh và quyền thế Tiêu gia càng lớn.

Kiều Phong thốt nhiên biết mình thuộc giòng vọng tộc nước Khất Ðan, trong lòng sinh ra bao nỗi cảm xúc.

Trí Quang hỏi:

- Tiêu đại hiệp! Tự tích ghi trên vách đá ngoài ải Nhạn môn quan chắc đại hiệp đã được xem rồi chứ?

Tiêu Phong lắc đầu đáp:

- Chưa, tại hạ ra ngoài ải thì những tự tích trên vách đá đã bị người nào san phẳng mất rồi, tuyệt không còn dấu vết nữa.

Trí Quang khẽ thở dài nói:

- Sự tình đã trải bấy lâu, chữ trên vách đá cũng bị đục hết thì còn nói chi đến chuyện mười mấy mạng người sống sót sao được?

Nhà sư lấy trong tay áo ra một tấm giấy vàng nói tiếp:

- Tiêu thí chủ! Ðây là bức di văn trên vách đá.

Tiêu Phong toàn thân run bắn lên, đón lấy tờ giấy mở ra coi thì chỉ thấy những chữ khoét rỗng và ngoằn ngòe như hình những cái nong nóc mà ông chẳng hiểu gì, biết đây là lối chữ Khất Ðan. Thì không hiểu nghĩa nhưng cũng nhìn ra nét bút cứng rắn khác nào bị chém búa khác. Ông nhớ lại ngày nọ đã nghe nhà sư Trí Quang bắt chính tay phụ thân ông khắc vào đá lúc sắp chết, bất giác hai hàng mi lệ tuôn rơi, nhỏ giọt xuống tờ giấy. Ông nói:

- Tại hạ xin đại sư giảng nghĩa cho.

Trí Quang đại sư nói:

- Hồi ấy chúng tôi phóng lấy đem về Nhạn môn quan nhờ người biết chữ Khất Ðan giải thích. Hỏi luôn mấy người đều nói ý trong văn giống nhau, chắc là không sai rồi Tiêu thí chủ!

Hàng đầu ý: \"Phong Nhi vừa đầy tuổi tôi, ta cùng hiền thê sang bên bà cùng dự yến. Giữa đường gặp lũ đại đạo Nam Triều...\"

Tiêu Phong nghe tới đó, trong lòng chua xót, thì nhà sư Trí Quang đọc tiếp:

... Việc xảy ra bất ngờ. Ái thê bị cường hào giết chết, ta cũng không muốn sống trên thế gian làm chi nữa.

Nguyên ta thụ nghiệp một vị ân sư người Hán bên Nam, ta đã tuyên thệ trước mặt sư phụ không ra tay hạ sát một người Hán nào. Dè đâu bữa nay lúc lâm sự lại giết mất hơn mười người. Vừa xấu hổ, vừa đau xót trong lòng, ta chết xuống diêm đài không còn mặt mũi nào mà trông thấy ân sư ở dưới suối vàng.

Tiêu Viễn Sơn tuyệt bút.

Tiêu Phong nghe nhà sư Trí Quang đọc xong, cung kính đón tờ di văn rồi nói:

- Ðây là di ngôn của tiên phụ Tiêu mỗ. Xin đại sư ban cho có để làm di tích.

Trí Quang đáp:

- Ðương nhiên bần tăng phụng tặng cho các hạ.

Tiêu Phong đầu óc rối bời, tưởng tượng lúc phụ thân mình vì đau khổ mà nhảy xuống vực thẳm tự tận, không nghĩ vì tình thương mẫu thân mình thảm tử mà còn vì hổ thẹn với sư môn đã hủy bỏ lời thề hạ sát bấy nhiêu người Hán.

Trí Quang nói:

- Ban đầu chúng tôi chỉ cho là lệnh tôn thống lãnh với võ sĩ Khất Ðan sang chùa Thiếu Lâm để cướp kinh sách. Từ lúc đọc di văn trên vách núi mới biết mình hiểu lầm, hành động hấp tấp. Lúc sắp tự tận nhảy xuống vực sâu lệnh tôn quyết không có lý nào còn lừa dối ai. Hơn nữa nếu người sang chùa Thiếu Lâm để cướp kinh sách, lẽ đâu còn dẫn dắt phu nhân chẳng biết một chút võ công nào, lại bồng bế một cậu nhỏ một cậu nhỏ mới đầy năm? Sau chúng tôi tra xét cái tin đến cướp kinh chùa Thiếu Lâm tự đâu mà ra, thì đó chỉ là do cửa miệng một kẻ càn rở. Kẻ đó có ý muốn đùa giỡn thủ lãnh đại ca, để đại ca phải một phen xông pha ngàn dặm làm trò cười chơi.

Tiêu Phong nói:

- Trời ơi! Lại có kẻ đùa cợt đến thế ư? Rồi sau đối phó với y ra sao?

Trí Quang đáp:

- Thủ lĩnh đại ca tra xét ra chân tướng gã thì căm giận đến cực điểm. Nhưng gã đã trốn biệt tích từ bao giờ rồi. Ðến nay đã quá ba mươi năm, chắc gã cũng chẳng còn sống trên trời này nữa.

Tiêu Phong nói:

- Tại hạ xin đa tạ đại sư đã cho biết rõ nhân quả vụ nầy khiến Tiêu mỗ được hiểu rõ lai lịch, Tiêu mỗ chỉ xin hỏi đại sư một điều nữa mà thôi.

Trí Quang hỏi:

- Tiêu thí chủ còn muốn hỏi điều chi?

Tiêu Phong hỏi:

- Vị thủ lãnh đại ca đó là ai?

Trí Quang đáp:

- Lão tăng nghe nói Tiêu thí chủ muốn điều tra vụ này đã đánh chết ba người là Ðàm Công, Ðàm Bà, Triệu Tiền Tôn, lại phóng lửa thiêu rụi Ðơn gia trang, nên đoán biết thí chủ sớm muộn thế nào cũng đến đây. Thí chủ hãy chờ một chút, lão tăng sẽ cho thí chủ coi việc nầy.

Nhà sư nói xong đi vào hậu đường.

Hồi lâu, Khổ Trà ra nhà khách nói:

- Sư phụ tiểu tăng mời hai vị vào thiền phòng nói chuyện.

Tiêu Phong cùng A Châu đi theo Khổ Trà, xuyên qua lối nhỏ hẹp trồng toàn trúc rậm rạp tới trước một căn nhà nhỏ, Khổ Trà đẩy cửa nói:

- Xin mời hai vị vào!

Tiêu Phong vào trong nhà đã thấy Trí Quang ngồi xếp bằng trên đoàn.

Nhà sư nhìn Tiêu Phong vừa cười vừa thò ngón tay viết xuống đất.

Căn nhà nhỏ này lâu ngày không ai quét tước, bụi cát ngập mắt cá.

Nhà sư viết lên cát bụi:

- Chúng sinh đều một cuộc, vạn vật thế bình quân, thánh hiền hay súc loại, thẩy tới chỗ đồng nhân.

Khất Ðan với Hán nhân, bất luận giả hay chân, ân oán cùng vinh nhục, không hơn đống bụi trần.

Viết xong nhà sư tủm tỉm cười rồi nhắm mắt lại.

Tiêu Phong coi tám câu kệ trên mặt đất, ngơ ngẩn xuất thần hỏi bụng: Theo lý thuyết nhà Phật thì chẳng những người nhân kẻ ác không phân biệt mà cả súc sinh, ma đói hay hoàng đế cũng thế thôi. Ta là người Khất Ðan, phỏng có chi là đáng kể. Nhưng ta phải vào đệ tử nhà Phật đâu đã giải thoát được đến mức này?

Nghĩ vậy, ông hỏi lại:

- Thủ lãnh đại ca là ai? Xin đại sư chỉ thị cho.

Trí Quang chỉ mỉm cười không đáp.

Tiêu Phong nhìn kỹ lại, bất giác cả kinh. Nét mặt nhà sư vẫn tươi cười, song tựa hồ da thịt cứng đơ không mấp máy, Tiêu Phong gọi luôn hai câu:

- Trí Quang đại sư! Trí Quang đại sư!

Thấy nhà sư vẫn trơ trơ không nhúc nhích, Tiêu Phong liền để tay lên mũi xem không thấy thở nữa, ra nhà sư đã viên tịch rồi.

Tiêu Phong xiết nỗi thê lương không nói được gì được nữa.

Ông sụp lạy rồi quay ra vẫy A Châu nói:

- Chúng ta đi thôi .

Hai người lủi thủi đi ra khỏi chùa Chỉ Quán cúi đầu lặng lẽ đi về huyện Thiên Thai.

Ði được hơn mười dặm, Tiêu Phong hỏi:

- A Châu! Tôi không muốn có ý gia hại Trí Quang đại sư. Sao người lại khổ thân như vậy?

A Châu đáp:

- Vị cao tăng này đã rõ trần lụy nên ông coi chết như không.

Tiêu Phong hỏi:

- Cô thử đoán xem tại sao nhà sư lại biết ta đến chùa Chỉ Quán?

A Châu đáp:

- Tôi tưởng lại \"tên đại ác\" gây ra vụ này.

Tiêu Phong nói:

- Tôi cũng đoán thế. Chắc \"tên đại ác\" đó đến bảo Trí Quang đại sư là tôi sắp báo thù. Trí Quang đại sư tự liệu không thể thoát độc thủ của tôi nên người tự tận.

Hai người nhìn nhau không nói gì nữa.

Hồi lâu A Châu thốt nhiên nói:

- Tiêu đại gia! Tôi có mấy điều nói ra xin đại gia đừng trách.

Tiêu Phong nói:

- Sao cô còn đón trước rào sau? Dĩ nhiên tôi không trách cô.

A Châu nói:

- Tôi xem mấy câu kệ của nhà sư Trí Quang nói rất có lý \"... Ðan với Hán Nhân, bất luận giả hay chân. Ân oán cùng vinh không hơn đống bụi trần\". Thực ra đại gia là người Hán hay là người Khất Ðan cũng vậy, có gì mà phân biệt? Ðường sinh nhai bằng kiếm trên chốn giang hồ, đại gia hẳn cũng ngán ngẩm lắm rồi? Bằng ra ngoài ải Nhạn Môn Quan làm nghề săn bắn, không lý gì chuyện ân oán vinh nhục trong võ lâm ở Trung Nguyên nữa.

Tiêu Phong thở dài nói:

- Quả tôi chán ghét cuộc sinh sống bằng đao kiếm lắm. Thú săn chồn đuổi thỏ trên bãi hoang ngoài ải đúng là bình thản nhiền. A Châu! Nếu tôi về bên kia quan ải cô còn nhìn đến nữa không?

A Châu má ửng đỏ khẽ đáp:

- Tôi chẳng đã nói đi làm nghề săn bắn đấy ư? Ðại gia chồn thỏ tôi cũng đi thả dê.

Nói tới đó nàng cúi đầu xuống.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.