- Trời ơi! Nỗi thương tâm của ta không liên can gì đến công tử.
Ðoàn Dự nói:
- Thế ra cô nương không trách tại hạ?
Vương Ngọc Yến nói:
- Dĩ nhiên là không!
Ðoàn Dự nói:
- Có thế tại hạ mới yên tâm.
Chàng đứng lên mà trong dạ ngậm ngùi. Giả tỷ Vương Ngọc Yến vì chàng mà thương tâm, muốn tự tận thì nàng dù có đánh đập, có thoá mạ chàng hay rút kiếm đâm chàng, cầm dao chém chàng, chàng còn thấy dễ chịu hơn. Nhưng nàng chỉ nói vẻn vẹn một câu: \"Nỗi thương tâm của ta không liên can gì đến công tử\". Khiến chàng chán ngán vô cùng.
Bỗng Vương Ngọc Yến lại cúi đầu xuống, dòng châu nhỏ giọt. Nàng mặc áo bào, không thấm nước. Những giọt châu rớt vào rồi lăn tuột xuống nước hồ.
Ðoàn Dự ruột nóng như lửa bỏng, vội nói:
- Cô nương! Nếu cô nương có điều gì khó giải quyết, xin cứ nói ra. Tại hạ gắng hết sức hết lòng nhất định sẽ làm cho cô nương đổi giận làm vui.
Vương Ngọc Yến từ từ ngẩng đầu lên.
Dưới ánh trăng tỏ, cặp mắt nàng như hạt châu lóng lánh như ngọc.
Vẻ mặt buồn rười rượi, nàng nói:
- Ðoàn công tử! Công tử thật đã hết lòng hết dạ với ta... Lòng ta xiết bao cảm kích! Nhưng việc này ngươi muốn trợ lực cho ta cũng không thực hiện được.
Ðoàn Dự đáp:
- Thiệt ra tại hạ chẳng có bản lãnh gì, nhưng tại hạ còn có Tiêu đại ca và Hư Trúc nhị ca, đều là những tay cao thủ vào bậc nhất võ lâm. Hiện giờ, hai người cũng ở đây, và đối với tại hạ như tình cốt nhục. Tại hạ cần đến việc gì thì hai vị đó tất không từ chối. Cô nương có điều chi phiền muộn cứ nói cho tại hạ nghe. Dù là kẻ địch thủ ghê gớm quá không còn cách nào vãn hồi được, nhưng cô nương đã nói ra thì u uất trong lòng cũng nhẹ đi được một vài phần.
Vương Ngọc Yến sắc mặt lợt lạt bỗng nhiên ửng hồng. Nàng quay đi phía khác, không dám nhìn thẳng vào mặt Ðoàn Dự.
Nàng lí nhí trong cổ họng:
- Y... muốn đi làm phò mã nước Tây Hạ. Công Dã nhị ca đến khuyên ta nói là vì... vì việc... phục hưng nước Ðại Yên gì gì đó, nên y không thể nghĩ đến chuyện nữ nhi tư tình được.
Nàng nói dứt lời, bất giác quay lại gục xuống vai Ðoàn Dự khóc thút thít.
Ðoàn Dự cảm thấy mình được ban một ân huệ vô cùng vinh dự, người chàng không nhúc nhích. Nhưng chàng hiểu tâm sự Vương Ngọc Yến thì không khỏi thẫn thờ. Chàng chẳng hiểu mình nên vui mừng hay nên đau đớn. Mối thương tâm của Vương Ngọc Yến là vì Mộ Dung Phục.
Y muốn bỏ nàng để sang làm phò mã, cưới công chúa Tây Hạ rồi tất nhiên không nhìn nhõi gì đến nàng nữa.
Ðoàn Dự nghĩ thầm:
- Khi nàng không thành lứa đôi với biểu ca, biết đâu nàng chẳng đoái hoài tưởng nhớ đến mình đôi chút. Mình chẳng dám nghĩ tới chuyện nàng khuất thân cùng sánh duyên loan phượng mà chỉ cầu sao được nàng thỉnh thoảng nhìn đến mình bằng con mắt vui tươi cũng là thoả mãn lắm rồi. Nếu nàng ưa thanh tịnh, mình sẽ theo hầu nàng ở nơi rừng sâu núi thẳm, hoặc ngoài hoang đảo xa khơi không vết chân người. Sớm tối có nhau thì cũng không uổng một đời.
Nghĩ tới đây chàng mừng quá bất giác múa chân, múa tay.
Vương Ngọc Yến run lên, lui lại một bước.
Nàng thấy Ðoàn Dự hớn hở tươi cười thì lòng như se lại nói:
- Ta tưởng công tử là người tốt nên mới nói cho hay. Té ra công tử thấy ta gặp tai hoạ lại lấy làm vui thích mà chê cười.
Ðoàn Dự hốt hoảng nói:
- Không! Không! Cô nương! Trên có hoàng thiên, dưới có hậu thổ chứng kiến cho tấm lòng Ðoàn Dự này. Nếu tại hạ thấy Vương cô nương gặp tai hoạ mà lại lấy làm vui sướng thì xin Thiên Lôi giáng xuống đỉnh đầu hay muôn ngàn mũi tên bắn vào thân thể.
Vương Ngọc Yến vội nói:
- Công tử không phải là người có tâm địa độc ác. Ta bảo thế sao mà công tử không phải phát thệ. Vậy công tử vui sướng chuyện chi?
Nhưng nàng vừa thốt ra mấy câu hỏi này thì trong lòng nàng cũng đã hiểu rồi. Nàng biết Ðoàn Dự vui sướng là vì Mộ Dung Phục đi lấy công chúa Tây Hạ, mà anh chàng này sẽ bỏ được một tên tình địch ghê gớm và có hy vọng lân la tới mình.
Kể ra thì Ðoàn Dự đối xử với Vương Ngọc Yến hết lòng có lý nào nàng không hay? Nhưng từ thuở nhỏ nàng đã để hết tình ý vào biểu ca, còn mối si tình của Ðoàn Dự, thỉnh thoảng có lúc nàng nghĩ tới, nhưng không tài nào xoá nhoà được mối tình đầu.
Vương Ngọc Yến, sau khi hiểu rõ vì sao mà Ðoàn Dự mừng, cuống quít thì vừa kinh hãi vừa hổ thẹn, mặt đỏ bừng lên tức giận nói:
- Tuy công tử không cười ta, nhưng cũng có lòng không tốt... Ta... ta...
Nàng lặp lại mấy tiếng \"ta\" rồi không nói được nữa.
Ðoàn Dự thấy thế trong lòng kinh hãi, lẩm bẩm tự mắng mình:
- Ðoàn Dự hỡi Ðoàn Dự! Sao ngươi lại đột nhiên nảy ra ý nghĩ đê hèn, muốn thừa cơ cháy nhà để hôi đồ? Thật là một kẻ tiểu nhân vô sỉ!
Chàng thấy Vương Ngọc Yến mặt buồn rười rượi thì trong lòng đau xót, mình có phải muôn thác cũng cam lòng.
Lòng hào hiệp khảng khái lại nổi lên, chàng nghĩ thầm:
- Vừa rồi mình có ý niệm được sớm tối ở cùng nàng tại hoang sơn, dã đảo cho vui một đời. Nhưng cái vui của Ðoàn Dự lại không phải là cái vui cho Vương Ngọc Yến, mà còn là cái đau thương cho nàng. Cái vui của ta là phải làm thế nào cho nàng được vui lòng. Có thế mới là yêu nàng một cách chân thành.
Vương Ngọc Yến thấy Ðoàn Dự thộn mặt ra liền khẽ hỏi:
- Hay là ta nói sai? Công tử giận ta phải không?
Ðoàn Dự đáp:
- Không, không bao giờ tại hạ tức giận cô nương cả!
Vương Ngọc Yến lại hỏi:
- Thế sao công tử không nói gì?
Ðoàn Dự đáp:
- Tại hạ đang suy nghĩ một điều.
Trong lòng chàng đang suy tính:
- So mình với Mộ Dung Phục thì văn tài, võ nghệ mình đều kém y, nhân phẩm phong độ cũng không bằng, thanh danh oai vọng lại càng không thể bì với y được. Mình đã thua kém cả mọi mặt, huống chi hai người còn là chỗ thân cận từ thuở nhỏ, mối chung tình ràng buộc đã lâu. Mình chỉ có một điều cần cho nàng biết là tấm lòng chân thật của mình đối với nàng, còn hơn Mộ Dung Phục xa. Mấy chục năm sau này, Vương cô nương ăn ở với Mộ Dung công tử, có con có cháu rồi mà trong lòng nàng thỉnh thoảng còn nhớ tới trên đời không còn người thứ hai nào hết lòng với nàng bằng ta là đủ.
Ðoàn Dự quyết định chủ ý xong, liền nói:
- Vương cô nương! Cô nương bất tất phải phiền lòng. Tại hạ sẽ tìm cách khuyến cáo Mộ Dung công tử đừng đi làm phò mã nước tại hạ mà gấp thành hôn sự với cô nương!
Vương Ngọc Yến giật mình kinh hãi:
- Không được! Biểu ca ta sẽ căm hận công tử đến chết, chứ y nhất định không nghe lời ngăn cản của công tử đâu.
Ðoàn Dự nói:
- Tại hạ sẽ lấy đại nghĩa mà nói. Con người ở đời, mối quan hệ thứ nhất giữa vợ chồng là phải tâm đầu ý hợp. Y chưa quen biết công chúa nước Tây Hạ, người nàng xấu hay đẹp tính tình nàng thiện hay ác y cũng chẳng hiểu ra sao. Vừa ngó thấy mặt đã nên đạo vợ chồng thì không thể nào thương yêu nhau được. Tại hạ lại nhắc cho y hay Vương cô nương nhân phẩm khác thường, trên đời có một, ôn nhu yểu điệu, dưới thể không hai. Huống chi cô nương một lòng thiết tha với y, lẽ nào y lại là bạc hãnh lang quân để người thế gian thoá mạ, để anh hùng hảo hán chê cười.
Vương Ngọc Yến nghe Ðoàn Dự nói một hồi, trong lòng cực kỳ xúc động.
Nàng ngậm ngùi nói:
- Ðoàn công tử! Công tử như vậy là có ý quá khen ta để ta được vui lòng.
Ðoàn Dự vội nói:
- Không phải đâu là không phải đâu!
Chàng nói câu này là học câu khẩu đầu của Bao Bất Ðồng.
Rồi chàng không nhịn được bật cười nói tiếp:
- Tại hạ một lòng thành thực giải lời gan ruột.
Vương Ngọc Yến cũng bị câu \"Không phải đâu là không phải đâu\" làm cho phải bật cười, nàng nói:
- Công tử học người hay chẳng học lại đi học cái giọng lè nhè của Bao tam ca.
Ðoàn Dự thấy Vương Ngọc Yến bật cười thì trong lòng khoan khoái vô cùng!
Chàng nói:
- Tại hạ có nhiều phương pháp khuyên can, khiến cho Mộ Dung công tử chẳng những phế bỏ ý nghĩ sang Tây Hạ làm phò mã mà còn gấp rút tính sự thành hôn với cô nương!
Vương Ngọc Yến nói:
- Công tử hành động như thế để làm gì? Nó có ích gì cho công tử đâu?
Ðoàn Dự đáp:
- Tại hạ được thấy cô nương nói cười vui vẻ là tại hạ lấy làm mãn nguyện lắm rồi.
Vương Ngọc Yến run lên. Câu nói của Ðoàn Dự tuy hời hợt như vậy mà thực ra nó đã biểu lộ một mối tình khôn tả với mình. Nhưng nàng không tài nào quên được Mộ Dung Phục.
Nàng thở dài nói:
- Công tử chưa hiểu tâm sự của biểu ca ta. Y lấy việc phục hưng nước Ðại Yên là việc trọng đại nhất trong đời y. Y từng nói: tấm thân nam tử phải lấy việc mở mang cơ nghiệp làm trọng. Nếu còn để tâm đến chuyện nữ nhi thường tình, anh hùng khí đoản thì không phải là anh hùng nữa. Y còn bảo: dù công chúa Tây Hạ có xấu như Chung Vô Diệm cũng được hay là nàng là con người kiêu hãnh, lăng loàn, y cũng chẳng để tâm. Y chỉ cốt sao là có phương tiện giúp y khôi phục lại nước Ðại Yên là đủ.
Ðoàn Dự trầm ngâm rồi đáp:
- Có thế thật! Họ Mộ Dung vẫn chuyên tâm trí vào việc lên ngôi hoàng đế. Nếu Tây Hạ khởi binh giúp y phục quốc thì việc này... thật khó mà thành tựu.
Chàng thấy Vương Ngọc Yến nước mắt chảy quanh liền ưỡn ngực ra nói:
- Cô nương cứ yên tâm. Ðể tại hạ sang tranh đoạt ngôi phò mã nước Tây Hạ, hất Mộ Dung công tử ra ngoài, tất y phải thành hôn với cô nương!
- Tại hạ nhất định sang cướp giựt ngôi phò mã nước Tây Hạ.
Vương Ngọc Yến khi ở núi Thiếu Thất đã được mục kích Ðoàn Dự thi triển Lục mạch thần kiếm để đả bại Mộ Dung Phục thì nghĩ ngay võ công chàng quả cao hơn biểu ca mình. Nếu chàng quyết ý đi làm phò mã thì biểu ca mình khó mà tranh giành được. Nàng nghĩ vậy, hạ thấp giọng xuống nói:
- Ðoàn công tử thật hết lòng vì ta. Nhưng làm như vậy thì biểu ca ta căm hận công tử chết đó.
Ðoàn Dự đáp:
- Ðiều dó phỏng có quan hệ gì. Vả lại đằng nào y cũng căm hận tại hạ rồi!
Vương Ngọc Yến lại nói:
- Công tử vừa bảo chưa hiểu công chúa đẹp hay xấu, tử tế hay lăng loàn, thế mà vì ta công tử lại đi thành thân cùng nàng, chẳng hoá ra... ta khuất tất công tử nhiều quá ư?
Ðoàn Dự không ngần ngừ gì đáp ngay:
- Miễn sao được việc cho cô nương, còn đối với tại hạ, khuất tất hay không khuất tất phỏng có chi đáng kể?
Nhưng câu nói vừa thốt ra lời chàng lại nghĩ:
- Mình làm việc cho nàng mà lại kể công thì đâu phải hành vi của người quân tử.
Nghĩ vậy chàng liền nói tiếp:
- Không phải tại hạ vì cô nương mà chịu khuất tất đâu. Tại hạ đã vâng mệnh gia gia phải tìm cách lấy cho bằng được công chúa nước Tây Hạ, đạo làm con phải tận hiếu với song thân. Việc này không can dự gì đến cô nương.
Vương Ngọc Yến là người thông tuệ phi thường có lý đâu nàng lại không hiểu mối thâm tình của Ðoàn Dự? Nàng nghĩ tới tấm si tình của chàng đối với mình, nên cam tâm đi lấy một cô gái mà chàng chưa biết. Chàng làm việc này thiệt phản bội tâm ý, song ngoài miệng lại không chịu nhận, thiệt là người quân tử.
Nàng cảm động vô cùng, bất thần đưa tay ra nắm lấy tay Ðoàn Dự nói:
- Ðoàn công tử! Kiếp này... ta không thể báo đáp cho công tử được, xin chờ kiếp sau.
Rồi nàng nghẹn ngào không nói thêm được nữa.
Hai người đã mấy phen qua cơn hoạn nạn, khi cõng trên lưng, khi nâng đỡ nhau. Da thịt tiếp xúc nhau không phải một lần. Nhưng trước kia đều là những trường hợp bất đắc dĩ, chỉ có lần này mới là chân tâm. Vương Ngọc Yến vì cảm động quá mà tự thò tay ra nắm lấy tay chàng.
Ðoàn Dự cảm thấy bàn tay mềm mại nắm lấy tay mình thì chàng tưởng chừng như trời sắp đổ xụp xuống.
Chàng sung sướng quá, miệng lẩm bẩm:
- Nàng đối đãi với mình thế này thì đừng nói mình phải lấy một công chúa nước Tây Hạ, dù có phải lấy công chúa nhà Ðại Tống, công chúa nước Liêu, công chúa nước thổ Phồn hay công chúa nước Cao Ly mình cũng chịu được hết.
Chàng bị trọng thương chưa khỏi, vì vui mừng quá độ mà nhiệt huyết bốc lên rần rần, tinh thần không chống nổi. Ðột nhiên chàng tưởng chừng như trời đất quay cuồng, đầu nhức mắt hoa. Người chàng lảo đảo rồi \"ùm\" một tiếng, chàng ngã xuống hồ.
Vương Ngọc Yến cả kinh la gọi:
- Ðoàn công tử! Ðoàn công tử!
Rồi đưa tay ra kéo chàng lên. May mà hồ nước nông cạn, Ðoàn Dự chỉ bị ướt. Nước lạnh thấm vào, đầu óc chàng tỉnh táo lại. Người chàng bùn lầy lem luốc bò lên.
Tiếng la hoảng của Vương Ngọc Yến vừa rồi đã làm cho nhiều người trong miếu tỉnh giấc.
Bọn Tiêu Phong, Hư Trúc, Ba Thiên Thạch, Chu Ðan Thần hốt hoảng chạy ra, thấy Ðoàn Dự vẻ mặt hoang mang mà Vương Ngọc Yến bẽn lẽn đứng lên, đều cho là hai người ra bên hồ tình tự lúc đêm khuya, bất giác nghĩ thầm trong bụng, không tiện hỏi nhiều.
Ðoàn Dự muốn tìm lời giải thích mà không biết nói sao.
Hôm sau nhằm ngày mười hai tháng tám, còn ba ngày nữa là đến tiết Trung thu. Ba Thiên Thạch sáng sớm vào thành Linh Châu để thăm dò tin tức.
Khoảng giờ Tỵ, y lật đật chạy về miếu nói với Ðoàn Dự:
- Công tử! Tiểu nhân đã đưa thơ của Vương gia về việc cầu thân với công chúa Tây Hạ vào tới bộ Lễ. Thượng thư bộ Lễ xem thơ tỏ vẻ rất lịch sự.
Y nói:
- Công tử đến cầu thân, thật là một vinh dự lớn cho nước Tây Hạ.
Y tin rằng công tử sẽ được nhu nguyện.
Một lúc sau, ngoài cửa miếu có tiếng người ngựa nhộn nhịp và tiếng âm nhạc nổi lên.
Ba Thiên Thạch cùng Chu Ðan Thần chạy ra nghênh tiếp. Nguyên đây là Ðào thị Lang bộ Lễ nước Tây Hạ thống lĩnh nhân viên đến đón Ðoàn Dự vào nhà quân dịch để khoản đãi.
Tiêu Phong làm Nam Viện đại vương nước Liêu, một nước lớn phồn thịnh hơn nước Ðại Lý. Giả tỷ nước Tây Hạ biết ông tới đây thì cuộc nghinh tiếp còn long trọng hơn, nhưng ông căn dặn mọi người đừng tiết lộ hành tung của ông.
Tiêu Phong cùng Hư Trúc và một nhóm người đều tự nhận là bọn tuỳ tùng của Ðoàn Dự, kéo nhau vào nhà Tân quán.
Mọi người vừa thu xếp xong, bỗng nghe ngoài sân có tiếng ồm ồm lên nói:
- Các ngươi là cái thá gì mà dám đến dòm ngó công chúa Tây Hạ? Ngôi phò mã Tây Hạ dĩ nhiên là Tiểu Vương tử chúng ta nắm chắc rồi. Ta khuyên bọn ngươi nên cúp đuôi đi là hơn.
Bọn Ba Thiên Thạch nghe thấy, nổi giận bừng bừng tự hỏi:
- Bọn này là ai mà ăn nói vô lễ thế?
Lúc mở cửa quán dịch ra coi thì thấy một toán bảy, tám Ðại Hán cao lớn đứng ở trong sân đang la ó om sòm.
Ba Thiên Thạch cùng Chu Ðan Thần đều là quần thần nước Ðại Lý, hành động cực kỳ tinh tế.
Chu Ðan Thần thêm mấy phân nho nhã, Ba Thiên Thạch thêm mấy phần uy võ.
Hai người đều không lên tiếng chỉ đứng tựa cửa nhìn ra.
Mấy tên Ðại Hán mỗi lúc một lớn tiếng thoá mạ, thường thường lại pha lẫn những tiếng Phiên thoại nghe không hiểu. Miệng chúng lặp đi lặp lại câu: Tiểu Vương tử chúng ta thế này, thế nọ. Dường như bọn này là thuộc hạ của Vương tử nước Thổ Phồn.
Ba Thiên Thạch đang nghĩ cách để dẹp bọn Ðại Hán này thì đột nhiên cánh cửa bên tả nổi lên một tiếng\"binh\". Hai người ở bên trong nhảy xổ ra. Một người mặc áo vàng một người mặc áo đen vung tay đấm đá. Chỉ trong chớp mắt ba gã Ðại Hán nằm thẳng cẳng dưới đất kêu oai oái không ngớt. Mấy gã nữa bị hai người này quyền đánh, chân đá hất ra ngoài cửa.
Hán tử áo đen nói:
- Thú quá! Thú quá!
Hán tử áo vàng lại nói:
- Không phải đâu là không phải đâu! Ðã lấy gì làm thú?
Nguyên hai người này chính là Phong Ba Ác và Bao Bất Ðồng.
Vương Ngọc Yến ngồi trong phòng nghe thanh âm hai gã Bao, Phong, nàng chưa quyết định được chủ ý thế nào, nên hội diện cùng họ hay không?
Nàng còn đang ngần ngại thì mấy tên võ sĩ Thổ Phồn trốn ra ngoài cửa được cả tiếng la hét:
- Gã Mộ Dung kia! Ta khuyên ngươi sớm về Cô Tô đi là hơn. Ngươi định lấy công chúa Tây Hạ làm vợ gây căm hận với Tiểu Vương tử bọn ta thì Vương tử sẽ dùng chiến thuật \"gậy ngươi đập lưng ngươi\", tức là lấy luôn biểu muội làm vợ lẽ cho ngươi coi.
Phong Ba Ác nghe bọn chúng thoá mạ mỗi lúc một thô tục thêm, liền nhảy xổ ra vung chưởng đánh luôn.
Tiếp theo là những tiếng la ó.
Mấy tên võ sĩ Thổ Phồn chạy trốn mỗi lúc một xa, tiếng thoá mạ cũng dần dần không nghe thấy nữa.
Bao Bất Ðồng nhìn Ba Thiên Thạch, Chu Ðan Thần chắp tay hỏi:
- Ba huynh! Chu huynh! Các vị đến Tây Hạ để xem cuộc náo nhiệt hay còn có mưu đồ chuyện gì khác?
Ba Thiên Thạch đáp:
- Hai vị Bao, Phong đến đây với mục đích ấy.
Bao Bất Ðồng biến sắc hỏi:
- Ðoàn công tử nước Ðại Lý cũng đến đây cầu thân hay sao?
Ba Thiên Thạch đáp:
- Chính thế! Công tử bọn tại hạ là thế tử con Hoàng thái đệ Trấn Nam vương nước Ðại Lý. Ngày sau công tử lên ngôi Ðại Bảo làm vua nước Ðại Lý. Thế thì chuyện thành hôn của công tử với công chúa nước Tây Hạ là môn đăng hộ đối. Còn Mộ Dung công tử tuy nhân phẩm không hèn, nhưng chỉ là một gã bạch đinh thì xứng đáng thế nào được?
Bao Bất Ðồng biến sắc nói:
- Không phải đâu là không phải đâu! Ngươi chỉ biết có một điều mà không biết hai. Công tử ta là rồng là phượng trong loài người. Anh chàng ngốc họ Ðoàn ví với công tử ta thế nào được?
Phong Ba Ác xồng xộc bước qua cửa tiến vào nói:
- Tam ca! Tranh hơi với hắn làm gì cho mệt! Hôm đó vào điện Kim Loan thi triển bản lãnh sẽ biết!
Bao Bất Ðồng nói:
- Không phải đâu là không phải đâu! Cuộc tỷ thí giữa Kim Loan điện là mấy vị công tử so tài cao thấp. Còn việc tranh hơi mới là việc của chúng ta.
Ba Thiên Thạch cười nói:
- Nếu nói về việc tranh nhau miệng tiếng, thì Bao huynh là đệ nhất. Tự cổ chí kim không ai bì kịp. Tiểu đệ đành chịu thua rồi.
Ðoạn giơ tay lên cùng Chu Ðan Thần đi vào phòng nói:
- Chu hiền đệ! Nghe Bao Bất Ðồng nói thì dường như công tử còn phải tham dự một cuộc tỷ thí gì đó trước Kim Loan điện. Thế mà công tử bị trọng thương chưa khỏi, võ công công tử chỉ trông vào môn Lục mạch thần kiếm thì lại lúc nghiệm lúc không. Nếu lúc tỷ thí mà phép Lục mạch thần kiếm của công tử thi triển không linh nghiệm thì chẳng những mất ngôi phò mã mà nguy đến tính mạng nữa.
Chu Ðan Thần cũng đành chịu bó tay, không có mưu chước gì khác.
Hai người liền đi tìm Tiêu Phong và Hư Trúc để thương nghị.
Tiêu Phong hỏi:
- Không hiểu lề luật việc tỷ thí giữa điện Kim Loan thế nào? Ðòn đả độc đấu hay là cho cả thuộc hạ xuất trận? Nếu người ngoài cũng được tham dự cuộc đấu thì chẳng có gì đáng lo hết.
Ba Thiên Thạch nói:
- Chu hiền đệ! Chúng ta ra hỏi dò Ðào thị Lang cho biết rõ lệ luật cuộc tỷ thí đặng chuẩn bị kế hoạch.
Hai người đi rồi, Tiêu Phong, Hư Trúc cùng Ðoàn Dự ba người ngồi quây quần uống rượu, chén chú chén anh thật là khoan khoái.
Tiêu Phong hỏi Ðoàn Dự về chuyện tập Lục mạch thần kiếm, ông muốn truyền cách vận khí cho chàng để lúc nào muốn vận kiếm khí là vận dụng được ngay.
- Ban nãy ta cùng Vương cô nương chưa nói hết câu chuyện thì mình vô ý té nhào xuống hồ. Chẳng biết nàng còn muốn nói gì với mình nữa không? Hiện giờ nàng còn chờ ngoài kia hay đi đâu rồi? Trời ơi! Nếu để nàng chờ đợi bấy lâu không nhẫn nại được về phòng ngủ rồi, há chẳng lầm lỡ đại sự của mình ư?
Ðoàn Dự nghĩ vậy thì trong lòng nóng nảy vô cùng. Chàng đứng phắt dậy, rón rén ra khỏi cửa phòng. Chàng đi qua sân toan rút then cài cổng thì đột nhiên phía sau có tiếng người khẽ bảo:
- Ðoàn công tử! Công tử lại đây ta có lời muốn nói.
Ðoàn Dự trong lúc bất ngờ không khỏi giật nẩy người lên.