Lục Tiểu Phụng trầm ngâm hỏi :
- Chẳng lẽ vị Đại Kim Bằng Vương đứng ra mời bọn tại hạ cũng là giả mạo?
Hoắc Hưu đáp :
- Lão phu nhờ Tư Không Trích Tinh đi lấy cắp Đan Phụng công chúa vì mục đích điều tra cho rõ chân giả, nhưng đáng tiếc y lại là bằng hữu của công tử.
Lục Tiểu Phụng nói :
- Nhưng về sau tiên sinh cũng kể như đắc thủ rồi. Rút cục Thượng Quan Đan Phụng vẫn lọt vào tay tiên sinh.
Hoắc Hưu hỏi :
- Ai bảo y lọt vào tay lão phu?
Lục Tiểu Phụng chau mày hỏi lại :
- Chẳng lẽ không đúng ư?
Hoắc Hưu đáp :
- Không có đâu.
Lục Tiểu Phụng sửng sốt. Chàng biết Hoắc Hưu không phải là người nói dối.
Hoắc Hưu không nói dối thì tại sao Thượng Quan Đan Phụng lại mất tích?
Lục Tiểu Phụng nghĩ không ra mà cũng chẳng một ai nghĩ ra được.
Hoắc Hưu lại nói :
- Cho đến bây giờ, lão phu vẫn chưa gặp Đan Phụng.
Lục Tiểu Phụng hỏi :
- Cả Thượng Quan Phi Yến tiên sinh cũng chưa gặp ư?
Hoắc Hưu đáp :
- Ngay cái tên này lão phu cũng không nghe ai nói đến.
Lục Tiểu Phụng càng nghĩ càng không hiểu. Vụ này biến hóa bất rất phức tạp lại kỳ bí vô cùng, hoàn toàn ra ngoài sự tiên liệu của chàng.
Chàng nhăn nhó cười nói :
- Chẳng lẽ Diêm Thiết San nghe nói tại hạ biết vụ bí mật kia mà muốn đuổi đi. Có thể lão cho là tại hạ thông suốt rồi đến mưu đoạt chỗ của cải này.
Hoắc Hưu đáp :
- Lúc đó chắc công tử tưởng là vì vụ bí mật bị phanh phui mà lão thẹn quá hóa giận.
Lục Tiểu Phụng thừa nhận lão nói đúng.
Bây giờ chàng đã hiểu rõ vì lẽ gì mà trước khi lâm tử Diêm Thiết San ngó Thượng Quan Đan Phụng lộ vẻ kỳ quái. Nhưng chàng lại tự hỏi :
- Chẳng lẽ Thượng Quan Đan Phụng chính là hung thủ giết người để mưu đoạt tài sản?
Chàng không thể tin được.
Nếu cuộc này chỉ là một chuyện lường gạt thì tại sao nhiều người ngăn trở chàng can thiệp vào? Tại sao Thanh Y lâu lại phái người đến ngăn trở không muốn chàng gặp mặt Đại Kim Bằng Vương?
Hoa Mãn Lâu đột nhiên hỏi :
- Tiên sinh gặp Tiểu vương tử kia lần sau cùng vào hồi nào?
Hoắc Hưu đáp :
- Đã hơn bốn chục nằm rồi.
Hoa Mãn Lâu hỏi :
- Khi đó y bao nhiêu tuổi?
Hoắc Hưu đáp :
- Khi đó ngài mới mười ba tuổi.
Hoa Mãn Lâu nói :
- Ngày ấy Tiểu vương tử mới mười ba tuổi nhưng cách đây hơn bốn chục năm thì bây giờ y cũng đã già rồi.
Hoắc Hưu thở dài sườn suợt đáp :
- Tuế nguyệt vô tình đưa con người vào cảnh già nua.
Hoa Mãn Lâu hỏi :
- Nếu vậy làm sao tiên sinh phân biệt được con người già sáu chục tuổi đúng hay không là Tiểu vương tử mười ba tuổi ngày trước?
Hoắc Hưu trầm ngâm đáp :
- Trong vụ này cũng có điều thần bí không ai hiểu được.
Hoa Mãn Lâu không hỏi nữa vì gã công nhận mỗi người đều có quyền giữ kín điều thần bí của mình.
Nhưng lại nghe Hoắc Hưu nói :
- Lão phu đã tín nhiệm các vị, vui lòng nói điểm thần bí đó ra cho các vị hay.
Hoa Mãn Lâu trầm lặng tỏ vẻ rất cảm kích vì được con người như Hoắc Hưu tín nhiệm không phải là chuyện dễ.
Hoắc Hưu nói tiếp :
- Mỗi đời đế vương ở Kim Bằng vương triều ngày trước ngay lúc sinh ra đã có dị tướng. Bàn chân mỗi vị đều có sáu ngón.
Lục Tiểu Phụng chợt tỉnh ngộ nói :
- Tiên sinh nhân điểm này mới phát giác ra bốn lão già ngoài kia đều giả mạo.
Hoắc Hưu gật đầu đáp :
- Điểm bí mật này dù có người biết đến cũng chẳng dễ gì mà ngụy trang được. Lão phu cho tới ngày nay vẫn chưa phát hiện ra người thứ hai nào bàn chân sáu ngón.
Lục Tiểu Phụng nói :
- Tại hạ cũng chưa thấy một ngươi nào như vậy.
Hoắc Hưu cười nói :
- Cả hạng người bốn hàng lông mày cũng ít lắm.
Lục Tiểu Phụng cũng cười ồ.
Hoắc Hưu lại nói :
- Bây giờ công tử chỉ có cách bảo họ trụt giầy ra coi bàn chân xem mấy ngón là phân biệt được Đại Kim Bằng Vương chân hay giả.
Lục Tiểu Phụng đáp :
- Cái đó kể ra cũng không khó.
Hoắc Hưu mỉm cười nói :
- Trụt giầy đàn ông so với thoát xiêm y phụ nữ quả có phần dễ hơn.
Lục Tiểu Phụng thở dài nói :
- Tiên sinh quả không phải là quân tử, hoàn toàn không phải.
Hoắc Hưu lại thở dài đáp :
- Muốn làm quân tử còn dễ, muốn làm tiểu nhân như lão phu mới là chuyện khó.
Lục Tiểu Phụng đã hiểu ý lão. Bất luận là ai có nhiều của cải như vậy muốn giữ cho kỹ đều phải lấy lòng dạ kẻ tiểu nhân để đề phòng người khác.
Hoắc Hưu lại nói :
- Nếu lần này mà Đại Kim Bằng Vương đúng là Tiểu vương tử ngày trước thì lão phu cũng bỏ được gánh nặng trên vai xuống. Không thì...
Lục Tiểu Phụng ngắt lời :
- Không thì tại hạ cũng mời lão tới đây để làm bạn với bốn lão kia.
* * * * *
Khi bọn họ ra khỏi hang núi thần bí, trời đã lờ mờ sáng.
Ngọn gió xuân lành lạnh mà mới mẻ. Núi hoa bao phủ một làn xanh biếc, những hạt sương mát trên ngọn cỏ dưới ánh dương quang đứng xa trông như những hạt trân châu bóng bẩy.
Phong cảnh này thật là huyền diệu!
Lục Tiểu Phụng hít mạnh một hơi chân khí nhăn nhó cười nói :
- Tại hạ tiên cảm không sai lầm. Quả nhiên bữa nay gặp việc kỳ quái.
Vụ này phát triển và biến hóa thật không ai tưởng tượng ra được.
Hoa Mãn Lâu đột nhiên hỏi :
- Công tử tính trên đời này quả có người hai bàn chân đều sáu ngón thật không?
Lục Tiểu Phụng đáp :
- Tại hạ không biết vì chưa gặp ai như vậy.
Hoa Mãn Lâu nói :
- Nếu trên đời không có hạng người như vậy thì chúng ta vĩnh viễn không bao giờ tìm được Đại Kim Bằng Vương. Lời Hoắc Hưu nói nếu không phải là chuyện thật biến thành chuyện thật liệu được chăng?
Lục Tiểu Phụng trầm ngâm, bỗng cười đáp :
- Tại hạ chỉ biết trên đời chẳng có việc gì là không có thì những người kỳ dị cũng có được.
Hoa Mãn Lâu cười nói :
- Đúng thế! Đã có người bốn hàng lông mày thì làm sao lại chẳng có người bàn chân sáu ngón? Đáng tiếc bốn hàng lông mày của công tử chỉ còn lại hai hàng.
Lục Tiểu Phụng sờ lên môi đáp :
- Lần này thì huynh đài trật rồi, vì huynh đài quên một điều.
Hoa Mãn Lâu hỏi :
- Điều gì?
Lục Tiểu Phụng đáp :
- Hàm râu người ta cạo đi nhưng rồi lại mọc dài ra.
Chàng vừa dứt lời bỗng thấy một cô gái như quỷ mỵ từ trong rừng giàn dụa sương mù hiện ra.
Sắc mặt thị lợt lạt tiều tụy vì nhọc mệt, nhưng mỹ lệ phi thường.
Lục Tiểu Phụng nhận ra thị là liền hỏi :
- Diệp Tú Châu cô nương đấy ư?
Diệp Tú Châu gật đầu.
Lục Tiểu Phụng hỏi :
- Phải chăng Diệp cô nương ở đây chờ ai?
Diệp Tú Châu lắc đầu :
- Tiện thiếp ở đây từ tối hôm qua cho tới bây giờ.
Lục Tiểu Phụng hỏi :
- Để làm gì?
Diệp Tú Châu mặt buồn rười rượi đáp :
- Bọn tiện thiếp ở đây mai táng gia sư cùng tiểu sư muội. Đại sư thư mệt quá rồi, tiện thiếp... cũng không ngủ được.
Thị là một người thành thực nhất trong đám Nga Mi tứ tú. Vừa thấy nam nhân, thị cơ hồ nói không ra lời.
Lục Tiểu Phụng thở dài. Lòng chàng cảm thấy hối hận với cô gái này mà không biết nói sao.
Diệp Tú Châu ngập ngừng :
- Bọn tiện thiếp không rượt theo Tây Môn Xuy Tuyết. Nên bây giờ... cũng không hiểu Tam sư muội còn sống hay chết...
Lục Tiểu Phụng đáp :
- Tại hạ sẽ kiếm y về cho các cô.
Diệp Tú Châu cúi đầu xuống hồi lâu mới nói :
- Tiện thiếp còn một điều muốn nói cho công tử hay...
Lục Tiểu Phụng chờ thị nói ra.
Diệp Tú Châu ấp úng :
- Nguyên câu này... Tam sư muội đã muốn cáo tố các vị... nhưng y lại chưa nói ra. Đó là... đó là...
Thanh âm cô đột nhiên nghẹn ngào. Cô từ từ đưa tay áo lên lau ngấn lệ, nói tiếp :
- Lần này gia sư đến Quan Trung thì lão nhân gia được tin biết là Thanh Y Đệ Nhất Lâu ở trên núi phía sau “Châu quang bảo khí các”.
Lục Tiểu Phụng không nhịn được lên tiếng :
- Bất luận là ai lượm được tin này chưa chắc đã hoàn toàn chính xác.
Diệp Tú Châu đột nhiên ngửng mặt lên nói :
- Nhưng Tam sư muội đã vì câu này mà bị người ám toán. Hiển nhiên có kẻ không muốn y nói câu này ra. Tiện thiếp nhận thấy câu này rất hệ trọng mới cho công tử biết.
Mắt thị lộ vẻ bi phẫn, thanh âm cũng lớn hơn.
Lục Tiểu Phụng nhăn nhó cười nói :
- Tại hạ biết cô có lòng tốt. Nếu tại hạ điều tra được vụ này nhất định sẽ cho cô hay.
Diệp Tú Châu cúi đầu xuống trầm lặng hồi lâu mới khẽ cất tiếng hỏi :
- Bây giờ hai vị định đi đâu?
Lục Tiểu Phụng đáp :
- Tại hạ đi coi người bàn chân mọc sáu ngón.
Diệp Tú Châu lại ngửng đầu lên kinh hãi ngó chàng một lúc rồi đột nhiên trở gót đi rất mau.
Hoa Mãn Lâu thở dài nói :
- Tiểu đệ chắc y tưởng công tử là người điên.
Lục Tiểu Phụng cũng thở dài nhăn nhó cười đáp :
- Chính tại hạ cũng thấy mình có chút điên khùng.
Dãy hành lang âm u lại vắng vẻ. Hai người vừa đến tận đầu liền có kẻ chạy vào thông báo Đại Kim Bằng Vương.
Hoa Mãn Lâu không nhịn được khẽ hỏi :
- Công tử có chắc phần nào sẽ trụt được giày của lão không?
Lục Tiểu Phụng đáp :
- Không chắc phần nào.
Hoa Mãn Lâu hỏi :
- Nhưng công tử đã nghĩ ra biện pháp gì chưa?
Lục Tiểu Phụng đáp :
- Nhiều biện pháp lắm, nhưng không biết nên dùng thứ nào.
Hoa Mãn Lâu giục :
- Công tử thử nói cho tiểu đệ nghe.
Lục Tiểu Phụng đáp :
- Tại hạ giả vờ đánh rớt bình nước cho bắn vào chân lão rồi cố ý khen đôi giày đẹp, xin lão tụt ra cho coi.
Hoa Mãn Lâu chau mày
- Công tử có cho biện pháp này là ngu xuẩn không?
Lục Tiểu Phụng nhăn nhó cười đáp :
- Dĩ nhiên tại hạ biết lắm, nhưng nhân chuyện ngu xuẩn này biết đâu tại hạ không nghĩ ra được cách không ngu xuẩn.
Chàng không nói nữa vì lúc này cửa đã mở ra.
Đại Kim Bằng Vương ngồi trên cổ ghế rộng rãi mà thoải mái, vẻ mặt ra chiều cao hứng và nóng nảy. Lão không chờ hai người vào tới nơi đã cất tiếng hỏi :
- Hai vị đã kiếm thấy ba tên phản thần chưa?
Lục Tiểu Phụng đáp :
- Chỉ kiếm thấy hai tên.
Đại Kim Bằng Vương mắt sáng lên hỏi :
- Chúng ở đâu?
Lục Tiểu Phụng đáp :
- Họ chết rồi.
Đại Kim Bằng Vương động dung hỏi :
- Làm sao họ chết?
Lục Tiểu Phụng đáp :
- Con người ai mà không chết?
Chàng đáp câu này tỏ ra bụng còn mãi nghĩ đâu đâu, vì chàng không ngó thấy chân Đại Kim Bằng Vương...
Trên đầu gối Đại Kim Bằng Vương phủ một tấm đệm thêu rồng vàng tựa hồ lão sợ lạnh.
Hoa Mãn Lâu thuật vắn tắt lại những sự đã trải qua rồi nói :
- Bọn tại hạ không tìm thấy Hoắc Hưu vì hắn vốn là người rất khó kiếm.
Đây là lần đầu tiên gã nói dối và gã phát giác ra nói dối không phải là chuyện khó khăn.
Lúc gã nói dối câu này trong lòng cảm thấy không có lỗi gì với ai.
Đại Kim Bằng Vương thở dài sườn sượt nói :
- Ta muốn gặp hắn một lần thử xem chúng còn mặt mũi nào nhìn thấy ta không?
Hoa Mãn Lâu nói :
- Tại hạ cũng thấy mặt một người.
Đại Kim Bằng Vương hỏi :
- Ai?
Hoa Mãn Lâu đáp :
- Chu Đình.
Đại Kim Bằng Vương chau mày nói :
- Ta đang muốn hỏi các vị về Chu Đình và đã phái người đi mời hai lần vẫn không thấy y tới.
Hoa Mãn Lâu trầm ngâm một lúc rồi cười nói :
- Chắc vì y vốn là người đại lãn.
Lục Tiểu Phụng đột nhiên trầm trồ :
- Chà! Tấm đệm này thêu rồng hay quá, trông như thật!
Chàng nói câu này đã ngớ ngẩn, tiếp theo chàng lại làm một việc ngớ ngẩn.
Lục Tiểu Phụng vén tấm đệm lên rồi thộn mặt ra nhìn như người ngớ ngẩn thật.
Phần dưới hai ống quần Đại Kim Bằng Vương lòng thòng vì chân lão đã đứt từ đầu gối.
Lão hỏi :
- Phải chăng công tử lấy làm kỳ tại sao không thấy chân ta?
Lục Tiểu Phụng cười gượng lẩm nhẩm gật đầu.
Đại Kim Bằng Vương cười nói :
- Chân ta phải cái tật hễ uống rượu vào là đau đớn muốn chết. Con người nhiều tuổi đâm ra nhiều tật quái gở.
Đây là lão nói thật. Lần trước Lục Tiểu Phụng đến cũng đã biết rồi.
Đại Kim Bằng Vương nhăn nhó cười đáp :
- Vì thế mà các hạ phải uống lén.
Đại Kim Bằng Vương đáp :
- Ta tưởng uống chút ít cũng chẳng hề gì, ngờ đâu ba chung rượu vào bụng rồi, hai chân sưng vù lên lại mưng mủ nữa. Vì thế... ta đành liều kêu Liễu Dư Hận chặt cả hai chân.
Đột nhiên lão cười rộ nói tiếp :
- Bây giờ tuy ta cụt giò nhưng tha hồ uống rượu. Đêm nay ta định kiếm các vị uống một bữa để coi tửu lượng của lão già này còn có thể theo kịp bọn thiếu niên các vị nữa không?
Lục Tiểu Phụng trông lão cười gượng.
Đại Kim Bằng Vương ngạo nghễ cười nói :
- Giả tỷ các vị đến đây mấy bữa trước, ta quyết đưa hai cái chân chặt ra rồi cho các vị coi. Các vị mới biết dù ta đã già nua mà hào khí chẳng kém những bậc tráng sĩ chặt tay khi bị rắn cắn.
Lục Tiểu Phụng không nhịn được hỏi :
- Hiện giờ hai cái chân đó đâu rồi?
Đại Kim Bằng Vương đáp :
- Ta đã đốt hết.
Lục Tiểu Phụng ngạc nhiên hỏi :
- Đốt ư? Tại sao lại đốt đi?
Đại Kim Bằng Vương đáp :
- Hai cái chân kia kìm hãm ra mười năm không được uống rượu thì con tiếc cái gì mà không đốt? Chẳng lẽ đặt nó lên bàn thờ dùng hương hoa mỹ tửu để cúng tế chăng?
Lục Tiểu Phụng không biết nói sao, chỉ giương cặp mắt trân trân nhìn lão. Lúc này vẻ mặt lão đã kiêu ngạo lại ra chiều đắc ý khiến chàng càng nhìn càng thộn mặt ra.
Trên dãy hành lang hai người từ từ đi ra.
Hoa Mãn Lâu đột nhiên cười nói :
- Thế là bây giờ công tử được coi như đã giải quyết xong một vấn đề rắc rối.
Lục Tiểu Phụng “Ủa” lên một tiếng ra chiều kinh ngạc.
Hoa Mãn Lâu nói :
- Công tử không phải nghĩ cách trụt giầy của Đại Kim Bằng Vương, bởi chân lão không mang giầy được nữa.
Lục Tiểu Phụng bực mình hỏi :
- Huynh đài biến thành con người hoạt kê từ hồi nào?
Nhưng vụ này thực ra không phải hoạt kê.
Bây giờ Hoắc Hưu chẳng còn cách gì để nhận xét vị Đại Kim Bằng Vương này là chân hay giả?
Nếu bảo là chuyện ngẫu nhiên trùng hợp lão khó mà tin được. Trong thiên hạ làm gì có chuyện trùng hợp như vậy?
Còn bảo là không phải chuyện trùng hợp ngẫu nhiên thì sao Đại Kim Bằng Vương lại biết chuyện thần bí mau lẹ đến thế? Lục Tiểu Phụng và Hoa Mãn Lâu dời khỏi tòa tiểu lâu của Hoắc Hưu liền đi thẳng về đây. Trừ phi Đại Kim Bằng Vương có thiên lý nhãn, thuận phong nhĩ, không thì chẳng tài nào lão biết trước là hai người sắp đến coi chân.
Lục Tiểu Phụng thở dài nói :
- Nếu tại hạ uống rượu mà bị sưng chân thì không chừng cũng phải chặt đi.
Hoa Mãn Lâu thở dài nói :
- Trên đời những người liều mạng để uống rượu cũng không phải ít.
Lục Tiểu Phụng đột nhiên cất tiếng giục :
- Gian nhà này chắc vì huynh đài mà để lại. Sao huynh đài không ngủ đi? Đừng quên tối hôm nay người ta lại tìm đến đấu tửu.
Hoa Mãn Lâu hỏi :
- Còn công tử thì sao?
Lục Tiểu Phụng đáp :
- Tại hạ muốn đi kiếm một người.
Hoa Mãn Lâu hỏi :
- Kiếm ai?
Lục Tiểu Phụng đáp :
- Dĩ nhiên là đi kiếm một nữ nhân.
Hoa Mãn Lâu sáng mắt lên nói :
- Phải đó! Công tử nên đi kiếm ngay cô gái bàn chân mọc sáu ngón.
Lục Tiểu Phụng “Ồ” một tiếng.
Hoa Mãn Lâu nói :
- Công tử đừng quên những con cháu hệ thống đích truyền của Đại Kim Bằng vương triều đều có sáu ngón chân. Thượng Quan Đan Phụng là con ruột của Đại Kim Bằng Vương, nhất định bàn chân y cũng sáu ngón. Công tử...
Gã không nói nữa vì đột nhiên phát giác Lục Tiểu Phụng đi rồi.
Trời đã huỳnh hôn. Trong vườn hoa nở rất đẹp. Mùi thơm ngào ngạt hòa lẫn vào trong làn gió, nhưng chẳng thấy bóng người nào.
Thượng Quan Tuyết Nhi cũng không thấy ở vườn hoa.
Lục Tiểu Phụng không phải đến đây để kiếm Thượng Quan Đan Phụng vì chàng đã biết Thượng Quan Đan Phụng không ở trong vườn này.
Đại Kim Bằng Vương chẳng hỏi han gì đến hành tung của con gái. Đây cũng là một chuyện rất kỳ quái.
Hiện giờ Lục Tiểu Phụng không rảnh để nghĩ tới vụ này, chàng chỉ mong được gặp Thượng Quan Tuyết Nhi cho lẹ để hỏi thị một điều rất trọng yếu.
Khi chàng không muốn tìm thị thì thị cứ phất phơ trước mặt hoài. Bây giờ muốn kiếm thì lại chẳng thấy bóng con tiểu yêu đâu nữa.
Lục Tiểu Phụng buông tiếng thở dài, đi xuyên qua lối nhỏ giữa những luống hoa.
Đột nhiên chàng phát giác một khuôn cửa ở góc vườn.
Cánh cửa chỉ khép hờ. Phía sau là một tòa viện nhỏ. Trong viện có một giếng nước.
Lục Tiểu Phụng đẩy cửa tiến vào chàng kiếm thấy Thượng Quan Tuyết Nhi ở đây.