Không khí giữa đôi bên dần bất thường. Vi An cũng từng bị bố mình đối xử tàn nhẫn, thiếu thốn tình thương nên chắc hẳn em ấy thấy bất bình thay tôi. Hứa Thành Quân lên tiếng nhắc nhở em gái:
- Vi An, em không được nói chuyện với người lớn bằng ngữ điệu đó. Ngôn Tình Hài
- Ngữ điệu như nào mà không được ạ? Em vẫn rất lễ phép, vẫn dạ thưa, chủ vị đầy đủ, không hề nói trống không hay hỗn láo, xấc xược mà.
- Em ra ngoài trước đi.
- Em không đi. Chị dâu em bị thương, em phải ở đây chăm sóc chị ấy, bảo vệ chị ấy để bất cứ ai có ý đồ xấu đều không thể thực hiện.
- Vi An.
Vi An bướng bỉnh bỏ lơ lời Quân, em ấy ngồi xuống bên cạnh nắm lấy tay tôi. Mẹ tôi lên tiếng:
- Cháu đừng hiểu lầm, gia đình bác rất lo lắng cho Khiết Đan nên đến đây thăm con bé chứ không hề có ý gì khác.
- Vậy sao lúc chị ấy được đưa đến bệnh viện, người nhà bác không ai có mặt?
Quân trả lời:
- Là anh bảo họ không cần đến.
- Tại sao?
- Em hỏi nhiều quá rồi, theo anh ra ngoài.
- Không.
Hứa Thành Quân trực tiếp kéo Vi An đứng dậy, nhưng em ấy nằng nặc không chịu đi cứ bám riết lấy tôi.
- Em không đi, anh bỏ em ra.
- Anh nói phải nghe.
- Không.
- Vi An.
- Anh đừng gọi tên em.
- Cái con bé này. Ra ngoài anh có chuyện cần nói với em.
Chứng kiến hai anh em họ đôi co, cộng thêm việc tôi muốn nghe bố mẹ sẽ định nói gì với mình sau vụ việc sáng nay nên cất tiếng:
- Vi An, em theo anh trai em ra ngoài trước đi. Chị và gia đình chị cần nói chuyện riêng với nhau.
Tôi đã nói vậy rồi Vi An cũng chẳng thể ngoan cố đòi ở lại, nhưng trước khi em ấy đi đã nói với bố mẹ tôi rằng:
- Chị Khiết Đan đã gả cho anh trai cháu, bất luận cuộc hôn nhân này có ra sao thì chị ấy vẫn là người nhà họ Hứa. Mà đã là người nhà họ Hứa thì không ai được phép làm tổn hại chị kể cả đó có là ai đi nữa. Nếu chị ấy có gây ra lỗi lầm cũng không đến lượt người khác dạy dỗ. Phiền hai bác nhớ giúp cho.
Tôi rất vui bởi tình cảm Vi An dành cho mình nhưng lời nhắc nhở cùng ám chỉ đó của em ấy không khiến bố bỏ đi ý định "dạy dỗ", ngược lại còn đang châm ngòi làm nó bừng cháy dữ dội.
Khi trong phòng chỉ toàn là người nhà với nhau, nụ cười sượng trân vừa rồi của bố lập tức biến mất. Mặt ông biến sắc, hằm hằm như muốn ăn tươi nuốt sống tôi, xông tới bóp cằm tôi:
- Mày kiếm được chỗ dựa là tính lên mặt với tao ngay à? Bố mẹ mày bị một con ranh chặt chém mà vẻ mặt mày tỉnh bơ, lẳng lặng ngồi xem như con ngẫn ngờ vừa câm vừa điếc thế à?
Mẹ gạt phăng tay ông ra:
- Ông thôi ngay kiểu động tay động chân với con đi. Ông khiến con bé ra nông nỗi này còn chưa chịu hối cải.
- Có đánh chết con mất dạy như nó tôi vẫn thấy mình làm đúng. Bà thấy rồi đấy, hết lần này đến lần khác nó gây họa cho gia đình này, nếu không phải sáng nay tôi bắt được nó ăn cắp thì đã không đánh nó để rồi Hứa Thành Quân bắt gặp sau đó thái độ với tôi, con em gái nó cũng mất nết không kém, nói chuyện với người lớn không ra thể thống gì.
- Ông làm việc thiện thì đã không sợ người ta bắt được chuyện xấu của ông, ông đã sai còn đổ lỗi cho Khiết Đan.
- Chuyện sai lầm duy nhất mà tôi làm đó chính là đẻ ra đứa con gái ăn hại này đấy.
Bố chỉ tay vào mặt tôi, tàn nhẫn nói những câu cực vô tình:
- Sao mày không chết quách đi hả Khiết Đan? Người chết là mày thì gia đình này đâu có gặp nhiều chuyện không hay như thế. Thứ đen đủi như mày sống trên đời chẳng được tích sự đếch gì. Mỗi lần nhìn thấy bản mặt mày chỉ làm tao thêm ghét mày hơn, thương cho số mệnh bạc bẽo của Linh Đan. Hôm ấy con bé mặc xác mày thì nó đã không phải chết, mày chỉ toàn hại chị mày, em trai mày.
Từng lời bố nói cứ như mũi dao sắc nhọn đâm thẳng vào trái tim tôi, hết nhát này đến nhát khác, dày vò đau đớn. Nước mắt sớm đã ngưng đọng ở khóe mắt, giờ phút này không cầm lòng nổi mà tuôn rơi. Suốt từ lúc tỉnh lại đến giờ tôi chỉ giữ vẻ mặt trầm lặng, vốn đã chẳng thiết tha gì nữa giờ lại phải nghe những lời tàn nhẫn này càng khiến bản thân buông xuôi, mất hết ý chí ít ỏi còn sót lại.
Cổ họng tôi nghẹn đắng hỏi bố:
- Bố mong người chết ngày đó là con, vẫn luôn cho rằng chị chết là tại con?
- Lỗi của mày rành rành ra đó, mày còn hỏi gì nữa?
- Những năm qua bố có từng thương con, lo lắng cho con không, dù chỉ là khoảnh khắc ngắn ngủi, bố có từng không?
- Mày ngoan ngoãn nghe lời được như chị mày tao đã không ghét.
- Nếu đổi lại con chết, bố có đau lòng như với chị Linh Đan không?
- Mày vĩnh viễn cũng không so bì được với Linh Đan, cái gì cũng thua kém con bé nên đừng hỏi những câu dư thừa với tao.
- Vậy ạ? Con hiểu rồi.
Hóa ra sự tồn tại của tôi lại làm người khác ghét cay ghét đắng vậy đó. Tôi lau đi nước mắt, nở một nụ cười nhạt chua chát, thê lương.
Mẹ và em trai cùng lên tiếng khuyên ông đừng nói nữa nhưng không tác dụng. Ở trước mặt anh em Vi An, bố vờ nhận ra lỗi sai muốn xin lỗi nhưng thật ra là đến để tiếp tục mắng chửi, cảnh cáo tôi:
- Tốt nhất có mặt thằng Quân mày đừng ngỗ ngược với tao, cố mà đóng tròn vai đứa con gái ngoan. Mày mà ăn nói linh tinh, kể xấu bố mẹ mày với nó, với em gái nó để anh em nó lên mặt ăn nói hỗn láo với tao như vừa rồi thì mày cứ liệu mà hứng chịu hậu quả.
Tôi đã mệt vì phải nghe những lời đau lòng, tôi bảo:
- Nếu bố đến đây chỉ để nhắc nhở chuyện này, vậy thì bố mẹ về được rồi ạ. Con mệt rồi, muốn đi ngủ.
- Mày đuổi tao?
Thế Khải cất lời ngăn không khí bí bách tiếp diễn:
- Bố mẹ, anh Quân sẽ quay lại giờ đó, chúng ta về đi để chị được nghỉ ngơi.
Mẹ dứt khoát kéo bố về, trước khi đi ông còn nói "mày cứ liệu hồn", mẹ thì dặn tôi cố gắng dưỡng thương cho tốt, em trai cũng bảo:
- Chị nhớ nghỉ cho khỏe đừng nghĩ gì cả, em và mẹ đều thương chị.
Tôi không trả lời, im lặng quay đi, nhắm nghiền hai mắt, khi căn phòng trở lại yên tĩnh liền bật khóc nức nở.
Suy cho cùng bản thân tôi chưa từng được yêu thương trọn vẹn. Tôi luôn cố gắng để trở nên tốt hơn, có vị trí trong lòng bố mẹ nhưng tôi càng cố gắng thì nhận về càng nhiều thất vọng. Tôi không biết phải trải qua bao nhiêu đổ vỡ, bao nhiêu tổn thương thì mới tìm được chút yên bình, hạnh phúc mà mình ao ước, phải đến bao giờ mới có thể gặp được một người thấu hiểu, che chở cho tôi.
Suốt những năm qua tôi đã sống rất cô độc, tôi nén hết tất cả những nỗi đau, bực dọc của bản thân vào tim, nhiều khi muốn gục ngã giữa cuộc đời nhưng lại chẳng thể. Đâu ai biết cái cảm giác phải giấu giếm bản thân, phải sống như cái bóng của người khác khó chịu đến nhường nào. Rõ ràng Việt Nam là quê hương của tôi nhưng sao nơi đây đâu đâu cũng đều đem thương tích đến cho tôi?
Tôi từng đọc ở đâu đó câu nói thế này: “Trong cuộc đời mỗi người có hai nơi bình yên nhất, một là gia đình, hai là bên cạnh người thương mình. Gia đình sẽ không bao giờ bỏ rơi mình, còn người thật sự thương mình sẽ không bao giờ buông tay.” Nhìn lại bản thân tôi, xung quanh chẳng có ai cả, gia đình như chẳng hề công nhận sự tồn tại của tôi, áp lực, đau khổ, một phần cũng bắt nguồn từ gia đình. Còn người thương tôi, đến giờ và... có lẽ cả cuộc đời này chắc sẽ không xuất hiện. Cảm giác cô độc trong chính ngôi nhà mình ở với những người thân xung quanh thật đáng sợ và bi thương. Người duy nhất tôi có thể dựa dẫm vào những lúc mệt mỏi chỉ có thể là chính bản thân mình.
Nhiều lúc tôi hay tự hỏi kiếp trước mình đã gây ra lỗi lầm gì để kiếp này phải gánh chịu một cuộc sống không bình thường thế này. Tôi chưa từng muốn bản thân trở nên mạnh mẽ, kiên cường, chỉ hy vọng mình trở thành một cô gái cho dù trải qua bao nhiêu bất công và đau khổ vẫn sẽ sống thoải mái vui tươi, nội tâm tràn ngập bình yên. Thế nhưng dòng đời đưa đẩy buộc tôi phải ngày ngày mạnh mẽ hơn đá, ép tôi đến tận cùng của nỗi đau. Tôi luôn sẵn lòng đối đãi với thế giới bằng tất cả sự dịu dàng, vậy mà thế giới đỗi đãi với tôi lại là một cuộc đời đầy rẫy mỏi mệt.
Sự xuất hiện và tồn tại của tôi phải chăng làm con người ta chán ghét, ngột ngạt đến thế? Tiếp tục sống trên cõi đời này có còn ý nghĩa không khi chính bộ ruột còn muốn tôi biến mất.
Ngày trước tôi thường không đồng tình với việc ai đó buông bỏ sự sống trước những khó khăn, gian khổ của cuộc đời nhưng hôm nay tôi mới hiểu, khi họ lựa chọn đến việc rời xa trần thế hẳn lý trí đã chẳng thể níu giữ nổi linh hồn và thể xác này nữa. Đôi khi ra đi lại là sự lựa chọn và giải thoát tốt nhất.
Tôi... cũng nên đi rồi, chấm dứt một đời đầy thăng trầm biến cố.
Nhìn con dao gọt hoa quả trên bàn, tôi bước xuống giường từng bước tiến lại gần nó, trong đầu không ngừng có ý nghĩ tự tử thôi thúc.
Tôi mở điện thoại, gửi cho tin nhắn Julie: "Cảm ơn vì đời này có một người bạn tốt là cậu yêu thương mình. Mình không thể đợi được gặp lại cậu nữa. Hạnh phúc nhé, tạm biệt cậu!"
Tôi cầm theo cây son trong túi xách để ở bàn và bộ đồ sáng nay mình mặc cùng với con dao đi vào phòng vệ sinh, khóa trái chốt cửa. Nhìn gương mặt xanh xao tiều tụy trong gương mà không khỏi cảm thán. Những vết bầm đỏ trên mặt, cởi áo xoay lưng lại, tấm lưng trắng mịn trước nay đã hằn đầy vết sưng phồng.
Tôi thay bộ quần áo bệnh nhân, mặc lại đồ của mình, chải chuốt đầu tóc, tô chút son môi, mỉm cười nhìn mình lần cuối, trước lúc chết cũng muốn mình được xinh đẹp.
Tôi viết lên gương từng dòng son đỏ: “Một kiếp đau khổ, không mong tái sinh, không cầu luân hồi, vĩnh viễn biến mất, hòa cùng nước biển." Sau đó cứa một nhát dao thật sâu lên cổ tay trái, từ từ nhắm mắt, chờ đợi cái chết.