Lão Nghĩa mù quen một vị đạo sỹ hay ngồi xem bói ở ngoài thành Thiên
Tân Vệ[1]. Vị đạo sỹ đó họ Thôi, nên mọi người gọi ông ta là Thôi lão
đạo. Trước giải phóng tự xưng mình là "Thiết chủy bá vương hoạt Tử
Nha[2]", người địa phương đều biết "Thôi lão đạo xem bói - mười quẻ thì
chín quẻ trượt", ông ta sử dụng toàn những chiêu lừa người trên giang
hồ, thường là chỉ lừa được người nơi khác đến, nhiều khi xem bói chẳng
kiếm được tiền phải nuôi miệng bằng việc kể chuyện, ông ta kể hay nhất
là truyện "Tinh trung Nhạc Phi", nhưng trình độ thì chưa bằng những nghệ nhân kể truyện ở các quán trà, chỉ là thuận miệng bịa truyện, bịa đến
đâu biết đến đó.
[1] Thiên Tân Vệ: Tức thành phố Thiên Tân ngày nay. Là một trong bốn
thành phố trực thuộc Trung ương của Trung Quốc, gồm: Bắc Kinh, Thiên
Tân, Thượng Hải, Trùng Khánh.
[2] "Thiết chủy bá vương hoạt Tử Nha": Tử Nha tái thế.
Lớp người trước nếu nhắc tới Thôi lão đạo thường nói ông ta là người
uyên thâm không thể đoán biết được, là người có bản lĩnh. Những câu
chuyện ly kỳ về Thôi lão đạo có kể từ mồng một Tết tới đêm ba mươi Tết
cũng không hết.
Dân quốc năm thứ nhất, Thôi lão đạo vẫn ngồi xem bói ở cửa Nam, nhưng thời thế không tốt, tiền kiếm được không đủ nuôi thân, ăn bữa sáng phải lo bữa tối. Nếu ông ta dùng bản lĩnh thực sự của mình thì cũng kiếm
được tiền đấy, nhưng lại không dám dùng, phúc mỏng mệnh mỏng sợ không
trụ nổi, tốt nhất là không dùng, dùng đến chắc chắn xui xẻo.
Bữa đó, lão có một mối làm ăn có thể kiếm ra tiền. Gia đình họ Đỗ có
ba người con trai đều là thư sinh, gia đình tầm tầm bậc trung, cả ba anh em đều bị thọt chân phải. Anh cả lúc đi chân phải cứ vẽ vòng tròn, anh
hai thọt còn nặng hơn, phải nhón gót chân lên mới đi được, cậu út thì
chân phải bị lết. Cả ba anh em đã hơn hai mươi tuổi đầu mà vẫn chưa lấy
được vợ. Thời đó, ngoài hai mươi mà chưa lấy vợ đã được coi là muộn rồi. Luận về điều kiện gia cảnh thì họ cũng không tồi, hiềm nỗi vì bị tật
nên lỡ mất chuyện tình duyên, đã thế yêu cầu của ba anh em lại rất cao,
họ đã cùng thề rằng, không xinh không lấy, nếu xinh mà không phải con
gái nhà đài các, gia đình không giàu có thì cũng không lấy.
Với điều kiện như vậy mà đòi lấy con nhà giàu xinh đẹp như Tây Thi,
đúng là cao không tới thấp không thông, cứ lần lữa mãi như vậy cho đến
gần đây ba anh em ưng ý ba cô con gái nhà họ Cao giàu có, ba cô vừa đến
tuổi cập kê, xinh đẹp giỏi giang, điều quan trọng là nhà họ giàu, càng
nghĩ càng thấy hợp, ba anh em quyết chí làm rể nhà họ Cao, vội tới tìm
Thôi lão đạo nhờ sang nhà họ Cao nói giúp. Theo phong tục, chuyện cưới
hỏi phải thông qua bà mối, nhưng ba anh em nhà họ Đỗ bị tật quá nặng,
chẳng bà mối nào dám nhận lời, ai gặp cũng khuyên họ đừng nằm mơ giữa
ban ngày nữa, ba anh em liền tính kế "Chúng ta phải đến tìm Thôi lão đạo ở cổng Nam, đạo trưởng ra tay thì không có chuyện gì không làm được."
Thôi lão đạo được mệnh danh là Thiết chủy bá vương, xem bói rất
chuẩn. Thực tình chuyện tốt chẳng lần nào ông nói đúng, chuyện xấu thì
nói đâu trúng đó, gọi là "Hắc Chủy bá vương" tức bá vương miệng thối thì đúng hơn, ông ta còn một biệt danh nữa là "Tử Nha tái thế", Tử Nha là
ai? Chính là Khương Tử Nha, người giúp Võ Vương diệt Trụ, chém Phong
Thần lập nên nước Chu. Thử nghĩ xem, bản lĩnh như Khương Tử Nha mà tới
nhà họ Cao để bàn chuyện hôn nhân thì chỉ là chuyện nhỏ, vì ba anh em
nhà họ Đỗ trả thù lao tương đối nhiều, Thôi lão đạo thấy tiền thì sáng
mắt, vỗ ngực hứa rằng: "Ba vị cứ yên tâm, bần đạo chờ uống rượu mừng của ba vị."
Bình thường Thôi lão đạo cũng kiếm tiền bằng việc lừa gạt người khác, chỉ được cái nói giỏi, làm cái nghề này mà da mặt mỏng không biết nói
năng, không lấn áp được người khác thì không xong. Ông ta đeo râu giả,
mặc áo đạo tràng, động tác cử chỉ đâu ra đó, những trò lừa gạt trên
giang hồ thì đều biết cả, nói về chuyện hôn nhân cũng có bài có bản,
cũng lắc đầu bấm đốt ngón tay, miệng niệm thần chú: "Kê hầu bất đáo đầu, bạch mã phạm thanh ngưu, thiên long xung địa thố, hổ xà như đao tỏa,
dương thử nhất đán hưu..."
Những lời này của Thôi lão đạo chỉ thích hợp để lừa gạt lớp phu khuân vác hoặc những người làm ăn buôn bán nhỏ, bởi nói uyên thâm quá họ sẽ
không hiểu. Ông chủ họ Cao là người rất mê tín, nghe Thôi lão đạo đọc
một hồi thì tin ngay, cho rằng ba anh em nhà họ Đỗ tuổi trẻ tài cao,
tuổi tác đều hợp với con gái nhà mình, chắc chắn sau này sẽ phú quý phát tài.
Nhưng để cho chắc chắn ông chủ họ Cao vẫn yêu cầu gặp mặt ba chàng
thanh niên, dù sao chỉ nói không thôi thì cũng khó mà tin được. Thôi lão đạo đã sắp xếp từ trước, địa điểm gặp nhau là một quán trà, lão và ba
anh em nhà họ Đỗ đến trước ngồi đợi, khi Cao tài chủ tới, họ cùng đứng
dậy chào rồi ngồi xuống luôn, hai bên nói chuyện giới thiệu tình hình
gia đình, cả buổi nói chuyện chỉ ngồi im một chỗ không đứng dậy đi lại.
Cao tài chủ thấy ba chàng trai nói năng đàng hoàng, mặt mũi khôi ngô,
rất chững chạc không suồng sã cợt nhả, trong lòng mừng thầm, còn chuẩn
bị lễ lớn để cảm ơn Thôi lão đạo.
Trong xã hội cũ, chuyện hôn nhân nói là phiền phức thì rất phiền
phức, nói đơn giản thì cũng thật đơn giản. Qua lời giới thiệu của Thôi
lão đạo, hôn sự nhanh chóng được định đoạt, chọn ngày lành tháng tốt
thành hôn, cô dâu trước khi về nhà chồng đều không biết mặt chồng, đợi
khi biết thì sự đã rồi, gạo đã nấu thành cơm, hối hận cũng không kịp.
Nhưng cũng may là sau khi bái đường thành thân thì mấy ngày sau là ngày
chúc thọ Cao tài chủ, các chàng rể mới phải về bái kiến nhạc phụ nhạc
mẫu. Phải làm sao đây? Thôi lão đạo đảo mắt vài lần đưa ra kế sách.
Đến ngày chúc thọ, ba anh em cưỡi ngựa đến nhà họ Cao. Cao tài chủ
dẫn theo bạn bè họ hàng thân thích ra tận ngoài cửa để đón rể hiền. Ba
anh em thấy nhạc phụ đích thân ra đón vội vàng xuống ngựa nhưng không ai dám đi trước, sợ chỉ cần bước một bước thôi là lộ tẩy, liền làm theo
lời dặn của Thôi lão đạo, anh cả chắp tay cúi chào nhạc phụ nói: "Nhạc
phụ lão thái sơn xin nhận của tiểu tế một lạy, hôm nay là ngày thọ của
cha, tiểu tế bất tài, xin được vẽ ra đây một vầng trăng tròn chúc thọ
cha, đây gọi là Mãn song nguyệt", nói rồi nhấc chân phải lên vừa đi vừa
vẽ vòng tròn vào tới tận phòng khách.
Anh thứ hai lên tiếng: "Tiểu tế xin kính chào nhạc phụ lão Thái Sơn,
đại ca con đã vẽ hình trăng tròn để chúc thọ, tiểu tế cũng xin thể hiện
chút tài mọn, từ nhỏ con đã luyện công phu, đây gọi là Chim Yến chao mặt nước" nói rồi nhấc chân phải lên cà nhắc đi vào trong, để lại trên mặt
đất những dấu chấm tròn.
Đến lượt cậu út: "Nhạc phụ đại nhân, hôm nay con đến chúc thọ cha,
cha thấy đấy, các anh con đều vui quá mà hóa ra hồ đồ, những trò nhỏ
nhặt đó làm sao mà dám trình lên trước mặt cha được, để con xóa mấy bức
tranh vớ vẩn kia đi nhé..." Nói rồi lết chân đi vào bên trong.
Ba anh em đúng là "Gấu trời qua sông", lại qua được một cửa ải. Cho
đến lúc các cô gái về nhà thăm cha mẹ kể lại sự tình thì không thể giấu
giếm được nữa. Cao tài chủ chửi đến tám đời tổ tông nhà Thôi lão đạo.
Thời đó, con gái đã gả chồng thì như bát nước đã đổ đi, không thể lấy
lại được, nhưng không thể nuốt trôi cơn giận này, đường đường ba cô con
gái xinh đẹp là vậy, đúng là quá hời cho ba thằng thọt, phải tìm người
đánh gãy chân Thôi lão đạo mới được. Thôi lão đạo không ngờ Cao tài chủ
lại để bụng như vậy, ngặt nỗi nhà người ta giàu có cũng không thể dây
vào, nghe phong phanh được thông tin liền bỏ chạy cả đêm, trong thời
gian ngắn không dám về nhà. Tiền tiêu cũng đã gần hết, không tránh khỏi
nảy ý đồ đào trộm mộ, vừa hay lão ta cũng có quen vài người anh em ở bên ngoài, hỏi đường đi qua Hoàng Hà tìm lại mấy người anh em đó, hợp lại
thành một nhóm đi đào trộm mộ, làm giàu một chuyến.
2
Người đầu tiên mà Thôi lão đạo nghĩ tới là người em kết nghĩa "Đả
thần tiên Dương Phương", vì người này thân thủ nhanh nhẹn như linh miêu, nên còn biệt danh "Trại ky miêu". Kỹ thuật đổ đấu đều do các sư phụ
trong Quan Nội truyền lại, những trò như lên trời xuống đất kiểu gì cũng biết, lớp người trước trong giang hồ nhắc tới cậu ta thì không ai không biết tên.
Có một giai thoại rằng, trước khi sinh Dương Phương thì bố anh ta nằm mơ thấy mình đi vào một ngôi điện nguy nga lộng lẫy với những chiếc cột lớn chạm hình rồng vàng bao quanh. Một vị trưởng lão râu tóc bạc phơ
đang ngồi chính giữa điện, trong góc tường có một con mèo đang nằm cuộn
tròn. Con mèo đó không có gì phải chê ngoại trừ không có mắt, nó là một
con mèo mù. Ông cụ chỉ vào con mèo nói với bố Dương Phương: "Đây là con
của ngươi." Bố Dương Phương lắc đầu: "Tôi không cần con như thế này".
Ông cụ nghe vậy liền lấy hai con mắt vàng trên con rồng cuốn quanh chiếc cột lắp vào cho con mèo. Bố Dương Phương giật mình tỉnh dậy, ngày hôm
sau vợ ông ta sinh hạ một cậu con trai có đôi mắt long lanh sáng rực.
Thực ra, Dương Phương là một cậu bé mồ côi, được sư phụ nhặt về nuôi, bản thân cậu ta cũng chẳng biết bố mẹ mình là ai, câu chuyện trên cũng
không có căn cứ gì nên không thể tin được. Nhưng đã có câu chuyện như
vậy lưu truyền trong dân gian cũng chứng tỏ rằng đôi mắt của cậu ta
không phải là vừa, trời càng tối đôi mắt càng sáng, thị lực càng phi
thường. Sư phụ cậu ta có mệnh danh là "Bàn tính vàng", thường xuất hiện ở lưu vực sông Hoàng Hà, sau đó không rõ đi đâu, chắc là đã chết, để lại
cho Dương Phương một chiếc roi bảy khúc "Đả thi tiên", tức là roi đánh
xác chết. Đó không phải loại roi mềm giang hồ hay sử dụng, mà là chiếc
roi bảy khúc được làm từ gang thép, giống như binh khí mà các tướng sĩ
hay dùng, rất nặng và không có lưỡi dao, chủ yếu dùng lực để đả thương.
Tương truyền, năm xưa Ngũ Tử Tư đào mộ Sở vương đã đánh vào thi thể ba
trăm roi, chắc hẳn các cương thi đều sợ bị roi đánh. Loại roi mạ vàng mà dân đổ dấu dùng gọi là "Đả thi tiên", roi nhưng có khúc, giữa các khúc
có mắt nối ba cạnh, là loại vũ khí hai trong một, có màu đồng, rất nặng, dài hai thước năm thốn sáu phân, tổng cộng có bảy khúc, bốn sáo lõm,
khắc chìm câu chú trừ yêu trấn ma, tay cầm của roi có vỏ bọc như vảy
rồng, ngoài tác dụng trấn tử thi trừ tà, còn có thể dò đất tìm mộ. Do
nhắc trực tiếp từ "tử thi" là phạm húy điều cấm kỵ nên gọi nó là "Đả
thần tiên."
Dương Phương nhận được chân truyền, dựa vào khả năng thông thạo đường đi lối lại, vác thêm roi đồng trên vai, chuyên đi khắp nơi hành nghề
đào trộm mộ, gặp phải nhà giàu nào mà tâm địa không tốt liền trèo tường
cướp của chia cho người nghèo. Từ khi hành nghề, anh ta chưa một lần
thất bại. Dân quốc năm thứ nhất, thiên tai nhân họa liên miên, thiên hạ
đại loạn cũng là lúc thổ phỉ xuất hiện khắp nơi, người Dự Tây gọi thổ
phỉ là thảng tướng. Thời đó, có một tên thảng tướng tên Đồ Hắc Hổ thủ
lĩnh quân phiệt, trong tay nắm binh quyền, hùng cứ một phương. Những năm đó, quân phiệt phát tài và mở rộng quân lực nhờ việc đào trộm mộ là
chuyện bình thường. Đồ Hắc Hổ cũng thường làm ba cái chuyện thất đức
này, không chỉ làm giàu từ người chết, hắn còn đoạt cả mạng người sống
để làm giàu. Mới đây không lâu, hắn đánh nhau với một đội quân phiệt
khác tại vùng lân cận phủ Khai Phong, Hà Nam. Cuộc chiến kéo dài dai
dẳng mà Đồ Hắc Hổ lại muốn đánh nhanh thắng nhanh, liền đào mương dẫn
nước từ Hoàng Hà vào gây đại lụt làm chết không ít người dân vô tội.
Lúc đó, Dương Phương cũng đi ngang qua, nghe nói Khai Phong phủ ở Hà
Nam là cố đô của sáu triều vua, phong cách của nhà Tống vẫn còn lưu lại
đến nay, nên thuận đường đi qua thưởng ngoạn. Từ xa đã nghe thấy tiếng
nước chảy ầm ầm, đi nửa ngày đường mới tới cửa sông Hoàng Hà, chỉ thấy
nước chảy cuồn cuộn, sôi sục đổ ra biển đông, cảm thấy dòng sông thật
mạnh mẽ, hùng vĩ. Nhưng khi qua sông tới bờ bên kia, anh thấy từng đoàn
người dân đang đi tị nạn, dọc đường thường xuyên bắt gặp cảnh bắt cóc
buôn bán phụ nữ trẻ em, đó đều là những hậu quả do nạn lụt sông Hoàng Hà để lại, người chết đói đầy đường. Sau mỗi trận thiên tai, không khí
tang tóc bao trùm khắp vùng vì người chết quá nhiều, những người chết
không có người nhà tới nhận đều bị chó hoang chim rừng rỉa thịt trơ cả
xương. Tìm người hỏi mới biết là do quân phiệt Đồ Hắc Hổ mở cửa sông mới gây ra cơ sự.
Dương Phương nghe tiếng ác của Đồ Hắc Hổ thì biết ngay đây là một tên thổ phỉ tâm địa độc ác, giết người không ghê tay, lợi dụng thời thế
loạn lạc để tác oai tác quái, gây họa không ít. Tên này hai mắt trắng
dã, theo thuật xem tướng, đây là tướng mạo của kẻ gian xảo, để lâu ắt
gây đại họa về sau.
Trưa hôm đó, Dương Phương tự tin bước vào Khai Phong phủ, cổ nhân nói rất đúng "Sóng sông Hoàng Hà không có gió cũng cao ba thước, cát thành
Khai Phong không có gió cũng cao ba thước", sau trận đại hồng thủy thì
trời nổi gió, gió rít như tiếng quỷ gào, trong thành ngoài thành bụi bay mù mịt, Dương Phương than thầm: "Đúng là ngoài cửa sông gió to thật!
Gió cứ như muốn cuốn bay cả người thế này, tựa hồ thổi con người ta tới
tận cung điện của Vương Mẫu nương nương vậy."
3
Vừa đi vừa nghĩ cho tới tận cổng thành Khai Phong, người dân ở đây đã quá quen thuộc với những trận bão cát như vậy, trên phố người đi lại
vẫn tấp nập, bỗng ở đâu xuất hiện nhiều quân lính, diện mạo hung tợn
đang xua đuổi người dân dẹp sang hai bên đường, Dương Phong nghe thấy
tiếng vó ngựa, chen lấn trong đám đông để nhìn cho rõ, hóa ra là đội kỵ
binh của quân phiệt đi ngang qua thành.
Đội quân kỵ binh này được trang bị kỹ lưỡng, người như rồng ngựa như
hổ, đi lại như gió, chính giữa là một người đàn ông to lớn như cái cột
sắt, khoảng chừng trên dưới bốn mươi tuổi, khuôn mặt vuông đen xì, diện
mạo hung dữ, râu ria rậm rạp, đằng đằng sát khí, mình mặc quân phục,
lưng đeo quân đao, còn có súng ngắn, chân đi hài, cưỡi trên con tuấn mã
dũng mãnh lao vút ra phía cổng thành.
Dương Phương đứng trong đám đông nên trông thấy rất rõ ràng, không
cần hỏi cũng biết viên tướng quân mặt sắt đen xì cưỡi ngựa đó chính là
thủ lĩnh quân phiệt Đồ Hắc Hổ. Trông bộ dạng người đó ngồi vững vàng
trên lưng ngựa cho thấy võ công của hắn ta cũng không phải hạng xoàng.
Dương Phương thân thủ cũng rất giỏi, những người bản lĩnh lớn thường
hơi kiêu ngạo, anh ta nhìn thấy Đồ Hắc Hổ đi ngang qua quả đúng là cơ
hội đưa đến tận cửa, không nhịn được, giơ tay định với lấy chiếc roi sau lưng, nghĩ: "Tên này cũng không phải tay vừa, nếu đánh chính diện chưa
chắc đã có lợi cho mình, nhưng ta đã có sự chuẩn bị trước, chỉ cần bay
lên khỏi đám người này rồi xuất chiêu thì đảm bảo chiếc roi của ta sẽ
đánh trúng đầu Đồ Hắc Hổ, cho dù công phu của hắn có giỏi đến mấy thì
cũng vỡ sọ, đảm bảo là đi gặp Diêm Vương. Hôm nay ta thay trời hành đạo, diệt trừ quân gian ác này, sau đó nhân lúc hỗn loạn trốn ra khỏi thành, ai làm gì được ta."
Dương Phương nhất thời hăng khí, muốn nhân cơ hội thành Khai Phong
đang nổi bão cát thì rút roi tấn công Đồ Hắc Hổ, không ngờ, chưa kịp rút roi thì như có bàn tay của ai đó ngăn lại, cũng chưa rõ là ai, quay lại nhìn thì thấy có một đạo sỹ mặc bộ quần áo đã cũ, lưng đeo một chiếc hồ lô, chẳng phải ai khác, chính là người anh kết nghĩa - Thôi lão đạo.
Dương Phương ngạc nhiên hỏi: "Đạo trưởng, sao lại là huynh?"
Thôi lão đạo nói nhỏ bên tai Dương Phương: "Huynh đệ, từ khi đệ vào
thành là ta đã trông thấy rồi, giữa đường không tiện nói chuyện, tìm chỗ nào đó rồi nói sau."
Chỉ lơ đãng có một chút mà đã để cho đội quân của Đồ Hắc Hổ đi qua
mất, Dương Phương đành phải theo Thôi lão đạo rời khỏi cổng thành, tìm
một quán nhỏ yên tĩnh, hai người ngồi lại bàn về sự việc vừa rồi.
Thôi lão đạo cũng là người trong giang hồ, trước đây bày quán xem bói tại cổng Nam, cũng biết kể chuyện, tự xưng là Thiết chủy bá vương, thực tình chẳng có bản lĩnh gì, chỉ có một bụng đầy mưu mô quỷ kế, nhưng kết giao rất rộng, lần này lão cũng tìm tới xem cho vận hạn Đồ Hắc Hổ để
kiếm ít tiền, vừa hay trong đám đông phát hiện ra Dương Phương đang
chuẩn bị ra tay liền tiến tới ngăn lại, kéo vào quán nói chuyện: "Huynh
đệ, Đồ Hắc Hổ là Thống đốc quân sự của một tỉnh, cậu xem bên cạnh hắn có bao nhiêu vệ sỹ tiền hô hậu ủng, người ta súng nhanh ngựa nhanh, cậu
một thân một mình làm sao mà tiếp cận được? Hãy nghe ta một lần, Đồ Hắc
Hổ đã làm nhiều chuyện ác khiến trời tức giận, người dân oán hận, hôm
nay không cần cậu phải ra tay, sớm muộn gì hắn cũng bị ông trời trừng
phạt."
Dương Phương nói: "Huynh trưởng nói có lý, có điều Đồ Hắc Hổ làm quá
nhiều chuyện ác, tôi mà không cho hắn một roi vào đầu thì hắn không biết ở gầm trời này còn có ai."
Thôi lão đạo nói: "Huynh đệ, cậu họ Dương, tức là dê, hắn là Hổ, xung khắc. Đối đầu trực diện khó mà phân biệt thắng bại, hơn nữa tôi thấy Đồ Hắc Hổ cao to lực lưỡng, diện mạo thập toàn, nếu không phải là mạng lớn thì làm sao có thể làm thống lĩnh quân phiệt được? Khí sắc của người
này còn nhuận lắm, vận may cũng chưa cạn, chúng ta chưa thể đụng vào hắn được. Trước mắt ta có một kế, hai chúng ta sao không tới núi Mang ở Lạc Dương một chuyến, tới mộ tổ của Đồ Hắc Hổ phá hỏng phong thủy mang lại
may mắn cho hắn."
Dương Phương nghe thấy thì giơ ngón tay cái lên khen: "Đúng là cái
đầu của huynh trưởng không phải chỉ để làm cảnh, kế này của huynh rất
đúng ý tôi."
Thôi lão đạo cười ha hả nói: "Huynh đệ, trong bụng ta toàn là của quý thôi, một bồ thao lược trị quốc an bang đấy, không thua kém gì Khương
Tử Nha thời Tây Chu đâu, ta tạm thời xem bói ở cổng Nam chẳng qua là vì
chưa gặp thời vận, chứ đối phó với Đồ Hắc Hổ thì sức ta có thừa."
Dương Phương nói: "Tiểu đệ hiểu rồi, đạo trưởng hẳn có kế hoạch từ
lâu, nếu không làm sao biết được mộ tổ của Đồ Hắc Hổ ở đâu chứ?"
Quả nhiên, Thôi lão đạo nghe tin thủ lĩnh quân phiệt Đồ Hắc Hổ làm
nhiều chuyện bất nghĩa, nhưng dưới trướng có đám quân như hổ báo, có
súng có pháo, chỉ dựa vào một mình lão đạo xem bói thì không thể làm gì
tên thủ lĩnh quân phiệt nắm binh quyền trong tay, đành phải dò hỏi thông tin trong giới ngầm, biết được mộ tổ của hắn ở núi Mang, Lạc Dương. Tổ
tiên Đồ Hắc Hổ là một vị tướng quân thời nhà Thanh, thời đó người dân
rất mê tín, cho rằng ngôi mộ đó phong thủy rất tốt, thế núi như rồng nằm hổ phục, tất phù hộ cho con cháu làm quan làm tướng, Thôi lão đạo tính
toán tìm cách đào ngôi mộ này, cũng coi như thay trời hành đạo, còn nhân cơ hội đó kiếm một chút tiền, cho dù là vấn đề phong thủy không thể tin hết được nhưng khi nghe tin mộ tổ bị đào trộm thì Đồ Hắc Hổ cũng sẽ
phẫn nộ, đứng ngồi không yên, thế lực của hắn vì thế mà giảm sút.
Thôi lão đạo nói với Dương Phương: "Chuyện đào mộ tổ nhà Đồ Hắc Hổ
nói là chuyện lớn thì không lớn, nhưng nói là chuyện nhỏ thì cũng không
nhỏ, anh em ta phải tìm thêm trợ thủ nữa mới được."
Dương Phương nói cậu ta có hai huynh đệ tốt cũng đang ở gần đây, một
người là Thảo thái tuế Mạnh Bôn, người còn lại là Thần đạo khoái thủ
Phùng Điện Thần.
Thảo thái tuế Mạnh Bôn từng luyện khí công, có thể dùng đầu đánh vỡ
cối xay đá, giờ sống qua ngày bằng chức tiểu đội trưởng trong quân
phiệt.
Khoái thủ Phùng là tên trộm nổi tiếng ở thành Lạc Dương, giang hồ gọi việc đào hang động là "Mở vườn đào", Khoái thủ Phùng làm chuyện này là
hợp nhất rồi, đào đất phá gạch không để lại dấu vết gì, tay nghề rất
xuất sắc, hơn nữa còn nhanh đến thần kỳ. Anh ta là người nhanh nhẹn thạo việc, thông thạo cách bố trí của các cạm bẫy, cũng hiểu về cách dùng
mìn.
Thôi lão đạo nghe vậy, hai mắt lim dim, vuốt râu nói: "Có thêm hai
người này giúp thì chuyến đi này mười phần chắc chín rồi, chuyện này cần phải làm sớm, không nên để muộn, ăn xong chúng ta lên đường tới thành
Lạc Dương ngay."
Nói ngắn gọn, hai người tiến về phía Lạc Dương, rời khỏi nơi loạn
lạc, làng xóm hai bên đông dần, đường cũng dễ đi hơn. Thời cổ, Lạc Dương nằm phía nam con sông, cực dương của Lạc Thủy vì vậy mới có tên Lạc
Dương, nơi đây là kinh đô của chín triều đại, là điểm giao giữa mười
tỉnh, là một cửa ngõ giao thông rất lớn, nhưng vì đang gặp lúc chiến
tranh, nên công việc kinh doanh làm ăn trong thành không tránh khỏi bị
gián đoạn.
Việc đầu tiên là phải tìm hai người kia, như vậy bốn người gồm Thiết
chủy bá vương Thôi lão đạo, Đả thần tiên Dương Phương, Khoái thủ thần
đạo Phùng Điện Thần và Thảo thái tuế Mạnh Bôn cùng khấu đầu kết nghĩa
huynh đệ. Tối đến kéo nhau vào quán Thịnh Nguyên, chọn một phòng riêng
phía trong yên tĩnh. Dương Phương kiếm được mấy đồng bạc Tây nên mời anh em ăn cơm, cho nhà hàng tự quyết, cứ món ngon mà chọn.
Những năm đầu của nhà nước Dân quốc vật giá rất thấp, mấy đồng bạc là có thể gọi một bàn ăn thịnh soạn rồi. Không lâu sau, phục vụ đã mang đồ ăn lên, nhà hàng Thịnh Nguyên vốn nổi tiếng gần xa ở Lạc Dương. Mới đầu là bốn món trộn mặn, bốn món trộn chay gồm: gà hầm rượu Đỗ Khang, thịt
bò hầm, trứng luộc chiên, chân giò hầm ngũ vị, Khương hương thúy liên,
canh rau chân vịt, nộm sứa, bánh đỗ xanh; tiếp theo là bốn món lớn, tám
món vừa: súp thập cẩm, gà hầm nguyên con, cá sốt cay, cơm rang bát bảo,
thịt kho tộ, món thịt nấu kiểu Lạc Dương, mực xào, món tràng hầm, gà xé
phay, canh thịt viên, khoai lang mật ong, nước sơn trà; bốn món sau cùng gồm: thịt kho tàu thái lát to, rau cải xào nấm hương tươi, thịt viên
nấu kiểu Lạc Dương, canh trứng. Bát bát đĩa đĩa, món kho món xào món
canh, thức ăn đưa lên ào ào như nước, hai mươi tư món ăn, có nóng có
lạnh, có chay có thịt, có ngọt có mặn, có chua có cay.
Thực đơn Thủy Tịch[3] giờ đã khác xưa, cứ xem thực đơn của quán, một
thương hiệu nổi tiếng từ xưa thì thấy đã khác nhiều so với trước đây.
Câu chuyện xảy ra từ thời Dân quốc, nên chẳng có bào ngư tôm hùm gì hết, cũng chỉ là gà vịt thịt cá mà thôi. Những năm đó, ăn những món này được coi là đã quá sang rồi.
[3] Thủy Tịch: bắt nguồn từ Lạc Dương, liên quan rất lớn tới đặc thù
khí hậu và địa lý ở Lạc Dương. Lạc Dương bốn bên đều có núi, là một vùng bình địa, khí hậu khô lạnh nên thói quen ẩm thực có nhiều món canh và
cay để chống lại thời tiết khô lạnh. Lạc Dương là vùng sản xuất miến nổi tiếng, ngoài ra còn có khoai môn, củ cải, cải thảo v.v... mỗi bữa ăn
đều có nhiều món canh hoặc món nước, lâu dần hình thành phong cách ẩm
thực riêng của vùng Lạc Dương, gọi là Lạc Dương Thủy tịch.
Mấy anh em họ chưa bàn chuyện lớn vội mà hàn huyên giao lưu tình cảm
trước. Rượu được ba tuần, ăn uống no say, Thôi lão đạo bỏ đũa xuống, cầm chém rượu lên, đầu lắc lư than rằng: "Muốn biết thiên hạ hưng thịnh thế nào chỉ cần xem Lạc Dương thành. Hây... thành Lạc Dương là kinh đô của
mười ba triều đại, là thành phố trọng yếu của tám triều đại, có chín
mươi lăm đời Hoàng đế dựng nước tại đây. Từ cổ chí kim, đây là nơi mà
các nhà quân sự đều muốn chiếm đóng, bần đạo đã bấm đốt tay bói một quẻ
rồi, thời Đông Hán loạn Đổng Trác, Lạc Dương thành bị hủy hoại chỉ còn
là một đống đổ nát..."
Thảo thái tuế Mạnh Bôn cắt ngang: "Thôi ông anh đừng dài dòng nữa,
ông anh tìm bọn tôi đến, bày mâm cao cỗ đầy như vậy chắc chắn là có
việc, ông anh cứ nói đi, chúng ta không phải là người ngoài. Huynh đệ
kết nghĩa gặp nhau không cần bàn chuyện cổ kim, không cần phải vòng vo.
Cuối cùng là có việc gì? 'Mở vườn đào' hay 'vượt núi cao'?"
Thôi lão đạo cười nói: "Được rồi, mỗi cậu là hiểu lòng anh, ở thành
Lạc Dương này bắc có núi Mang, nam có Long Môn, chính là thế rồng nằm hổ phục, địa thế rất đẹp. Trong núi Mang có mộ cổ, trong Long Môn có hang
đá. Chúng ta đến đây thì có thể làm được gì khác nữa chứ?"
Khoái thủ Phùng mừng rỡ ra mặt: "Đạo trưởng, đi 'mở vườn đào' đổ đấu hả?"
Thôi lão đạo cố tình ra vẻ huyền bí, chỉ vào Dương Phương nói: "Để Dương lão đệ kể lại sự tình với các đệ."
Dương Phương đứng dậy xem xét bên ngoài không có ai mới quay lại,
đóng cửa cẩn thận, kể lại toàn bộ sự việc cho Mạnh Bôn và Phùng Điện
Thần nghe: "Thủ lĩnh quân phiệt Đồ Hắc Hổ là một tên làm nhiều chuyện ác tày trời, dẫn nước sông Hoàng Hà làm người dân chết lụt, nhưng thế lực
của hắn lại quá mạnh, trong tay có nhiều binh lính, muốn lấy đầu hắn
không phải dễ, tôi và đạo trưởng nghĩ ra cách đào trộm mộ tổ của hắn,
trong mộ chắc có nhiều châu báu, anh em ta mỗi người một phần, phần còn
lại chia cho dân nghèo, nếu không có châu báu thì coi như chúng ta đã
dạy cho Đồ Hắc Hổ một bài học, thay trời hành đạo, hạ thấp uy danh của
hắn trong giới lục lâm."
Mạnh Bôn và Khoái thủ Phùng hết mực đồng tình: "Lạc Dương cũng là địa bàn của Đồ Hắc Hổ, tên này giết người như giết kiến, dân chúng hận hắn
đến tận xương tủy, nếu là thay trời hành đạo thì phải tính phần của
chúng tôi nữa, cứ vậy mà xử con bà nó đi. Chúng ta sẽ đi đào mộ tổ nhà
hắn, trong mộ không có vàng bạc châu báu cũng không sao, dù sao chúng ta cũng chán ngấy nơi này rồi. Từ giờ, chúng ta thành một hội với nhau,
cùng làm ăn, đợi ít năm khi có thể ăn no uống say, cùng chia vàng bạc
của cải, có chết cũng thỏa lòng."
Thôi lão đạo nói: "Có câu nói này của các huynh đệ thì ta yên tâm
rồi, lão đạo ta đã tìm hiểu chắc chắn, mộ tổ Đồ Hắc Hổ kiểu gì cũng có
món hay."
4
Mạnh Bôn và Khoái thủ Phùng nghe vậy, sướng quá cứ đưa tay gãi má
liên hồi: "Ông anh mau kể đi, ngôi mộ đó có món gì đáng tiền vậy?"
Thôi lão đạo nói, ông tổ nhà họ Đồ vốn là một võ quan theo Tăng Cách
Lâm Thấm tiêu diệt Niệm Quân, người này có một biệt danh "Tứ bảo tướng
quân"[4] gồm bảo khôi, bảo kiếm, bảo giáp, bảo mã. Nghe nói ông ta bị
đột tử tại gia, thi thể đặt tại nhà, nửa năm sau đó mới đem tới chôn tại núi Mang, tứ bảo kia có tùy táng cùng hay không không ai biết, nói
chung ngựa chết thì không đáng giá, nhưng nghe nói khi nhập quan thi thể của ông ta được ăn mặc trang điểm đầy đủ như lúc còn sống, bộ áp giáo
đó, chiếc mũ đó, thanh bảo kiếm đó cùng với ngọc ngà châu báu do triều
đình ban tặng đều được cho hết vào bên trong cỗ quan tài.
[4] Bảo khôi, bảo kiếm, bảo giáp, bảo mã: mũ giáp quý, áp giáp quý, kiếm quý, ngựa quý.
Bốn người bàn tính tới tận nửa đêm, chọn ngày không bằng gặp ngày,
tối đó tất cả quay về chuẩn bị, sáng sớm ngày hôm sau thì ra khỏi thành
tiến thẳng về phía núi Mang.
Núi Mang nằm phía chính Bắc thành Lạc Dương, phía nam thành là dãy
núi Long Môn, có một khe nước chảy qua chính giữa, thành cổ Lạc Dương
nằm phía nam hướng về Long Môn, phía bắc dựa vào núi Mang, trước vọng
sau dựa. Thế nào được gọi là vị thế phong thủy đẹp? Đây chính là thế đẹp của đẹp. Từ cổ chí kim, những hoàng đế chọn nơi đây lập lăng tẩm nhiều
không đếm xuể, khắp nơi trên núi đều là mộ, nhưng dân trộm mộ tới viếng
thăm cũng rất nhiều, đa số những ngôi mộ đều đã bị đào trộm nhiều lần,
đồ trong mộ chẳng còn gì để lấy nữa, may mắn gặp được ngôi mộ nhỏ ít bị
đào trộm có khi còn bòn được vài món gì đó.
Ngôi mộ của Tứ bảo tướng quân mà mọi người định đào trộm nằm ở phía
tây núi Mang, cùng mạch núi Tần Lĩnh, toàn là các đồi núi đất đỏ nhấp
nhô trùng điệp, phía sâu bên dưới chính là mộ tổ nhà Đồ Hắc Hổ, sau khi
đã có thế lực, Đồ Hắc Hổ đã cho trùng tu lại nơi này, phía trước còn
dựng tổ miếu. Hắn ta câu kết với nước ngoài, đào mộ cổ, trộm quốc bảo
đổi lấy súng ống đạn dược, vũ trang cho quân đội của mình để mở rộng địa bàn, hắn cũng sợ mộ tổ của mình bị người ta đổ đấu nên dù mộ của vị
tướng quân này không to lắm nhưng ít người biết đến, để phòng quân thổ
phỉ và bọn trộm thì hắn đã cắm chốt quân lính xung quanh để bảo vệ, hàng ngày đều có lính đi tuần, phía sau tổ miếu là mộ phần, xung quanh được
xây thành dày bảo vệ, giữa các mạch gạch đổ thép nung chảy vào để lấp
đầy nên có dùng khoan cũng không khoan được, nếu có người muốn đêm đến
tới đào thì cũng làm kinh động tới quân lính.
Những việc trên Thôi lão đạo đã dò hỏi rõ ràng. Bốn người họ đi vòng
tránh doanh trại quân đội, nấp sau một khe núi chờ trời tối hẳn thì mới
dễ ra tay. Hôm đó trời nhiều mây, đêm tối mịt mùng. Theo cách nói mê tín của người xưa, để thi thể không bị ánh trăng chiếu vào, trời tối gió
cao chính là thời cơ tốt để đào mộ. Bốn người mang lương khô ra ăn, thay trang phục dạ hành, che mặt, tìm đường vào tổ miếu nhà họ Đồ. Cách bố
trí ở đây cũng tương tự như phong cách xây tổ miếu của địa phương, ở
giữa là chính điện to bằng khoảng ba gian nhà dân, hai bên là phối điện.
Khoái thủ Phùng thấy hai người kia đã thành công liền thắp đèn lên,
đẩy cửa tổ miếu bước vào trong, theo ánh đèn quan sát thấy chính giữa
gian điện treo mấy bức tranh đã bạc màu, trong đó có một bức vẽ hình một võ tướng mặc áo giáp đội mũ giáp ngồi trên lưng ngựa đang dương cung,
phía trước có một số bài vị, trên bàn còn bày đồ cúng như hoa quả, gà
luộc, thủ lợn v.v... Thế lực của tên thủ lĩnh quân phiệt Đồ Hắc Hổ đang
lúc phất lên, tổ miếu mới được tu sửa không lâu, thường xuyên có người
quét dọn, đồ cúng thường xuyên được thay mới.
Thảo đầu thái tuế Mạnh Bôn cầm một miếng gà cho vào mồm ăn rồi kéo
vạt áo lên để lau mỡ trên tay, chỉ vào bức tranh vẽ hình viên tướng quân nói: "Con mẹ mày! Tranh vẽ cũng uy phong nhỉ, đợi lát nữa ông nội xem
bộ dạng của mày trong quan tài như thế nào."
Thôi lão đạo đứng một bên cười nhạt, trong lòng nghĩ: "Đồ Hắc Hổ cũng từng đem quân đi đào trộm mộ nhà người để phát tài, hắn mà nhìn thấy
cảnh này không biết sẽ phản ứng ra sao."
Dương Phương thân thủ nhanh nhẹn, xem xét trong điện một hồi lâu,
nhảy một cái lên trên bàn thờ, động tác nhẹ như mèo, không một tiếng
động.
Bọn Thôi lão đạo đều tấm tắc khen thầm trong bụng, thấy Dương Phương
dỡ bức tranh Tứ bảo tướng quân xuống cuộn lại treo sau lưng, thấy lạ
liền hỏi: "Huynh đệ lấy bức tranh này làm gì?"
Dương Phương nói: "Đợi một ngày tôi sẽ mang bức tranh này vào tận phủ Đồ Hắc Hổ cho hắn lĩnh giáo tài nghệ của tôi."
Mạnh Bôn và Khoái thủ Phùng đều nói: "Dương lục ca võ nghệ cao cường lại dũng cảm, Đồ Hắc Hổ chắc sẽ tức mà chết mất thôi."
Thôi lão đạo nói: "Các huynh đệ đừng làm việc bằng cảm tính. Trước
mặt phải đào phần nấm mộ đã, tránh đêm dài lắm mộng, lão đạo ta vừa mới
bấm một quẻ, tối nay phạm vào Thái Tuế, là sát tinh đấy."
Thôi lão đạo xem bói, mười lần có chín lần không chuẩn, thi thoảng
đúng được một lần cũng chỉ là đoán mò, đó là điều mà ai cũng biết nên
nhiều cũng chẳng cho là thật, hỏi lại: "Sát tinh chiếu mệnh thì sao?"
Thôi lão đạo nói: "Quẻ ta vừa bấm nói canh ba tối nay là phạm sát,
không tốt, việc này không thể lề mề, để lỡ nhiều thời gian chắc chắn có
chuyện, huynh đệ lại đây mà xem...", nói rồi lão chỉ trỏ, khuơ tay múa
chân giải thích: "Phía sau tổ miếu có mấy cái mộ, sau chính điện là mộ
của Tứ bảo tướng quân, năm xưa chỉ là ngôi mộ rất bình thường, nếu không đã bị trộm từ lâu, thủ lĩnh quân phiệt Đồ Hắc Hổ trước đây là một tên
thổ phỉ, chẳng thèm quan tâm tới mộ tổ, mấy năm nay làm trong quân đội
có thế lực mới bắt đầu trùng tu mộ tổ, xem xét từ ngôi miếu này cho thấy tên này rất mê tín, rất coi trọng mộ tổ, sợ khi đào sẽ động đến phong
thủy nên không dám đào quan tài lên để trùng tu lại huyệt đạo mà chỉ
dùng những hòn đá to bao quanh bên ngoài. Đào được những hòn đá này ra
cũng là một vấn đề. Đồ Hắc Hổ cũng từng đưa quân đi đào mộ nhưng chẳng
biết gì, cách này của hắn chỉ lòe được những thằng ngốc thôi, không thể
phòng dân đổ đấu chuyên nghiệp được, chúng ta sẽ đào ngay một đường hầm
giữa chính điện này thông thẳng vào bên trong, lôi quan tài trong đó ra, với tay nghề của Khoái thủ Phùng thì không cần phải ra khỏi điện, chắc
chắn sẽ xong trước lúc nửa đêm."
Vừa dứt lời, hội Dương Phương đồng thanh khen hay. Trước thời Thanh,
cách đặt quan tài của quan văn quan võ đều khác nhau, quan văn đầu hướng về phía tây chân về phía đông, quan võ đầu về phía bắc chân phía nam,
từ độ cao của ngôi mộ cho thấy hố huyệt không sâu. Sau khi ngắm chuẩn
phương hướng, bốn người bắt đầu động thổ, cạy lớp gạch sàn giữa chính
điện lên, tài nghệ đào đất của Khoái thủ Phùng thì không ai bằng, chưa
đến hai tuần thuốc đã đào đến bên trong mộ, ba người còn lại đào rộng
đường hầm và kiên cố lối đi, một lát sau, Khoái thủ Phùng đã chạm được
đến phần đế quan tài, chính là phía chân của người chết.
Giờ tới lượt Thảo đầu thái tuế Mạnh Bôn vào đẽo đáy quan tài. Từ thời Minh đến thời Dân quốc, đáy quan tài thường là đúc thành hình đài sen
mây quấn quanh, chỉ cần đẽo được đáy quan tài ra là có thể chui vào lấy
trộm đồ, cũng có thể lôi được cả thi thể người chết ra bên ngoài, đây là thủ pháp mà chỉ dân đổ đấu chuyên nghiệp mới có thể làm được, người
ngoài nghề không cách nào đào chuẩn được như vậy, chỉ có thể đào mộ lên, nhìn thấy phần nào của quan tài thì đẽo phần đó, trình độ "mở vườn đào" cao thấp như thế nào chính là dựa vào đây mà phân biệt.
Thảo đầu thái tuế đào bật đáy quan tài ra, không thấy mùi hôi thối
bốc lên, chỉ thấy mùi mốc vì không khí không được lưu thông, bốn người
cảm thấy rất lạ, thế là sao?
Từ lúc Thiết mạo tử vương Tăng Cách Lâm Thấm thống lĩnh quân tiêu
diệt Niệm Quân, cách đây cũng đến năm sáu mươi năm, với những tay đào mộ lão luyện thì ngôi mộ mấy chục năm không phải là lâu, nhưng nói ngắn
cũng không phải ngắn, mấy chục năm trời, mấy đời người cũng qua rồi, một cỗ quan tài chôn trong mộ không thể không có mùi xác chết.
Thảo đầu thái tuế Mạnh Bôn sốt ruột, nói không cần quan tâm nhiều như vậy, xem viên tướng quân đó có những bảo bối gì, liền nằm bò ra bên
ngoài huyệt động, thò tay qua chỗ vừa đẽo thủng của quan tài định dùng
dây thừng để lôi thi thể ra ngoài, nhưng khi thò tay vào thì thấy có gì
đó không ổn, kêu lên một tiếng.
Ba người nghe thấy, biết là có chuyện liền hỏi Mạnh Bôn: "Cậu sờ thấy gì thế?"
5
Mạnh Bôn lùi lại, vẻ mặt ngạc nhiên: "Tôi sờ thấy vật gì đó lạnh lạnh, rất cứng, không biết là thứ gì."
Khoái thủ Phùng thấy Mạnh Bôn không thắp đèn, bên trong tối om không
nhìn thấy gì, cũng chẳng biết trong quan tài có gì, liền cầm chiếc đèn
bão đi vào bên trong xem xét tỉ mỉ, một lúc sau quay ra, nét mặt cổ
quái, lắc đầu nói: "Cả đời này tôi chưa từng gặp thứ nào như thế, đừng
nói là nhìn thấy, đến nghe cũng chưa nghe thấy bao giờ."
Dương Phương và Thôi lão đạo càng nghe càng thấy kỳ lạ liền hỏi:
"Trong quan tài có gì thế? Không phải là hài cốt của vị tướng quân kia
à?"
Khoái thủ Phùng nói: "Gặp ma rồi, trong quan tài không phải thi thể mà lại là một cái quan tài bằng đồng khác."
Thôi lão đạo ra vẻ trấn an mọi người: "Ngoại quan nội quách không có gì là lạ."
Khoái thủ Phùng nói: "Từ khi tôi vào nghề tới giờ, không biết đã đào
bao nhiêu mộ, vào bao nhiêu động rồi, chỉ cần ngửi một cái là biết ngay
đó là cổ vật phải trên một nghìn năm tuổi."
Thảo đầu thái tuế Mạnh Bôn xòe năm ngón tay ra đếm: "Tứ bảo tướng
quân là tằng tổ của Đồ Hắc Hổ, mất khoảng thời gian là Đồng Trị năm thứ
hai cho đến năm thứ tư, tính... tính... tính thế nào cũng không thể hàng nghìn năm được."
Thôi lão đạo nói: "Vẫn có trường hợp dùng quan tài cổ để an táng,
chúng ta đừng đoán mò nữa, tốt nhất là lôi cái quan tài bằng đồng đó ra
đây xem thế nào, đã gần canh ba rồi, không thể chậm trễ được."
Bốn người lại đào rộng đường hầm, Thảo đầu thái tuế Mạnh Bôn là người khỏe nhất, liền tiến lại chiếc vòng mặt thú phía bên dưới quan tài nhấc lên, những người còn lại buộc dây thừng và kéo ở đầu kia, từ từ lôi
chiếc quan tài bằng đồng ra ngoài, ai cũng thở phì phò.
Bốn người thở hổn hển, cầm đèm tiến lại gần quan sát, bên trên có
nhiều văn tự cổ, nhưng vì bị ô-xy hóa nặng nên không nhìn rõ nữa.
Dương Phương thấy cỗ quan tài này hình dạng kỳ quái, hoen rỉ nặng,
giống như vớt từ dưới nước lên, trong lòng càng thấy lạ hơn, hỏi Thôi
lão đạo xem có cao kiến gì không.
Thôi lão đạo nói: "Ta cũng nghĩ không ra, quan tài bằng đồng hàng
nghìn năm... tại sao lại được chôn trong nhà mộ tổ nhà Đồ Hắc Hổ?"
Mạnh Bôn nhìn thấy trên quan tài có một chiếc dây xích, nghĩ rằng để
phòng dân trộm mộ, cho là bên trong có nhiều báu vật liền ra sức tháo
chiếc dây.
Thôi lão đạo bỗng nhiên thất sắc, kêu lên: "Khoan đã, cỗ quan tài này không thể mở được, chúng ta bị lừa rồi..."
Dương Phương phản ứng rất nhanh, cũng hiểu ra vấn đề nhưng đã muộn.
Cỗ quan tài bằng đồng này niên đại đã lâu, qua nhiều năm bị ô-xy hóa
nặng, nắp đồng chỉ cạy một cái là đã bật ra, bên trong bốc ra một mùi ẩm mốc của thời gian, ánh sáng chiếc đèn bão bỗng mờ đi.
Bốn người cùng thất kinh, vội lùa ra phía sau né tránh luồng khí đó,
Dương Phương vì có thị lực hơn người, trong bóng tối vẫn nhìn thấy một
cánh tay mọc đầy lông lá đang thò ra từ bên trong quan tài, móng tay dài uốn cả lại cào lên thành chiếc quan tài bằng đồng phát ra tiếng kêu ken két vang lên trong đêm thanh vắng khiến người ta sởn cả tóc gáy.
6
Mạnh Bôn cũng nhanh tay nhanh mắt nhìn thấy cương thi thò tay ra
ngoài liền giơ rìu lên chém vào cánh tay đó, nhưng như chém vào đồng vào sắt, lực phản hồi khiến cả người anh ta rung lên bần bật, chân răng ê
lên từng đợt, lòng thầm kinh hãi, cả nhóm đồng thanh kêu lên: "Là cương
thi núi Mang."
Dương Phương, Thôi lão đạo, Khoái thủ Phùng cùng lúc nghĩ tới vấn đề
này. Con người có ba hồn bảy vía, hồn thiện còn vía ác, ma quỷ quấy rối
là do âm hồn không tiêu tán được, người chết rồi thì hồn tiêu tan đi như ngọn đèn bị tắt, nhiều khi hồn thì tan rời nhưng vía thì chưa tan, vía
chính là phần âm khí của cơ thể, nếu hồn đã tan mà vía chưa tan, khi gặp dương khí thì sẽ trở thành cương thi. Thời Tống, có một nhóm đào trộm
mộ trên núi Mang gặp phải xác chết cứng như thép, không rõ chết từ thời
nào, lúc đó khá nhiều người đã bị vồ chết. Cương thi sợ nhất ban ngày,
trời vừa sáng là đã không thể cử động bởi âm vía không tiêu tan được vì
vậy cương thi chỉ có thể xuất hiện vào ban đêm, ngoài ra cương thi còn
sợ cả tiếng lừa kêu, nhưng đó chỉ là lời đồn không có căn cứ. Khi cương
thi đuổi theo người đào mộ cuối cùng thì va vào một cái cây, móng tay
cắm vào thân cây không rút ra được, khi gà gáy trời sáng bị người dân
nhìn thấy báo lên quan phủ, quan phủ phái người tới xem xét, chỉ thấy
quần áo trên người cương thi bị cháy như tro, móng tay và tóc tự dài ra, thi thể cứng như sắt thép, đao kiếm không đâm thủng được, châm lửa đốt
cũng không cháy, quan phủ chỉ còn cách nhốt nó vào một chiếc quan tài
bằng đồng chôn trong núi phía nam thành Lạc Dương. Quan tài bằng đồng bị ngâm trong nước lâu năm, những người kiếm cơm bằng nghề đổ đấu thường
xuyên gặp phải những biến cố về xác chết, vì nguyên nhân đất và nước
khiến cho thi thể bị biến đổi thành nhiều kiểu quái dị không thể nào kể
hết, nhưng kiểu có thể nhảy lên để vồ lấy người hoặc di chuyển đi lại
thì chưa từng gặp bao giờ, những chuyện như vậy hiếm như lông phụng vảy
lân vậy, nên sự việc cương thi trên núi Mang thì hầu như ai cũng biết
nhưng hoàn toàn không nghĩ đến chuyện nó lại xuất hiện trong mộ tổ của
Đồ Hắc Hổ.
Thực ra, hội Dương Phương đã lờ mờ hiểu được vấn đề, nhưng sự cố xảy
ra quá đột ngột, mọi người vừa mới nhận ra tức thì. Bọn họ đã tính toán
kỹ lưỡng như vậy, cuối cùng lại bị Đồ Hắc Hổ lừa cho một vố, thủ lĩnh
quân phiệt là một tên thổ phỉ, hắn đã từng đào bới quá nhiều mộ cổ, chắc chắn có người quân sư cho hắn, hắn đã di dời mộ tổ từ lâu, hắn cũng
đoán trước sẽ có cao thủ tới trộm mộ tổ nhà hắn nên đã đem cỗ quan tài
bằng đồng trên núi Long Môn tới đây, còn xây dựng từ đường tổ miếu, mỗi
ngày cho quân lính tuần tra, những bọn trộm mộ thông thường không dám
bén mảng tới, những người có bản lĩnh đào trộm mộ bảo vật đạt tới trình
độ chỉ làm trong một đêm thì có quá nhiều, nhưng ai tới thì người đó xui xẻo chạm mặt với "cương thi núi Mang", lại chết thêm vài mạng người
nữa, rồi sẽ không ai dám tơ tưởng đến đào trộm mộ tổ nhà hắn nữa.
Nếu trong mộ còn có thuốc nổ, thì việc này đối với Khoái thủ Phùng
Điện Thần chỉ là việc nhỏ, nhưng không ai nghĩ tới chuyện Đồ Hắc Hổ lại
chôn một cương thi nghìn năm trong mộ tổ nhà hắn. Nhóm Dương Phương biết mình đã thua một vố, Thôi lão đạo chửi thầm trong bụng vì mình quá sơ
ý, nếu đây đúng là mộ tổ nhà họ Đồ thì sao có thể xây tổ miếu được, đêm
đến lại không có ai canh trông, đây chẳng phải là cố tình để cho trộm mò đến sao?
Nghĩ tới đó, bốn người nhanh chóng đè nắp quan tài lại, nhưng cương
thi sức mạnh phi phàm, cuốn theo một trận gió âm từ trong quan tài bật
mạnh ra ngoài.
Thôi lão đạo và Khoái thủ Phùng thấy không ổn liền vội tránh sang hai bên. Mạnh Bôn khỏe như vậy cũng bị đánh bật ra ngã xuống đất đau quá
không thở nổi, chiếc nắp quan tài rơi xuống đè trúng người hộc máu tươi, chỉ thấy nằm đơ dưới đất không thể động đậy.
Dương Phương thấy tình hình không ổn cũng vội nhảy lên bám lấy thanh
xà ngang trên điện thờ, may không bị nắp quan tài va phải, nhìn thấy
cương thi đang từ trong quan tài bò ra, đầu tóc xõa ra rũ rượi, móng tay dài như vuốt, thân thể trần truồng, khắp người mọc lông trắng toát,
khắp nơi trong tổ miếu ngột ngạt mùi xác chết, âm khí nồng nặc, hai
chiếc đèn bão bị rơi trên sàn nhà đang le lói chực tắt. Khi cương thi
đứng dậy thì nó đã chụp lấy Khoái thủ Phùng Điện Thần, bộ vuốt dài của
nó đâm thủng ngực anh ta rồi móc ra quả tim đỏ rực, nóng hổi vẫn đang
còn đập.