Trong ký ức của tôi, năm đó khí trời Bắc Kinh nóng nực, ít mưa, bụi
tung mù mịt trời đất, trên trời một màu vàng ệch, dưới đất một màu tro
tàn, hiếm khi thấy có hôm nào trời cao trong xanh. Tương truyền cuối đời Minh, Lý Sấm Vương vào Bắc Kinh, đã để lại một câu ngạn ngữ: "Trời vàng thì động đao binh, đất bụi thì người lang sói". Người lang sói ở đây là chỉ những kẻ hung ác mất hết tính người. Ngày nay thời thế thái bình,
không có biến cố, nhưng giữa mùa hè mà lại có bão cát thì cũng chẳng
phải điềm lành gì.
Trên đường từ ga tàu về nhà, thấy trời đất mù mịt, tôi không khỏi có
linh cảm không lành, một nỗi sợ hãi mơ hồ trỗi dậy, cũng không rõ là sợ
điều gì, về đến nhà mới biết lão Nghĩa mù đã cưỡi hạc quy tiên, vừa mới
đi ngày hôm kia, vậy là tôi không gặp được lão lần cuối. Bình thường lão Nghĩa mù cũng không được khỏe, thị lực kém, nhưng có rất nhiều biệt tài mà người khác không có, ví dụ ai mang đến một chiếc nhẫn ngọc, lão
Nghĩa mù cầm lên ngửi trước, lấy tay sờ qua, cùng lắm là liếm thêm một
cái là có thể nói được niên đại của đồ vật đó, còn biết được đó là đồ
chôn dưới mộ hay là vật gia truyền, hầu như chưa đoán sai bao giờ, nếu
không có biệt tài đó, thì lão làm sao dám "đổi diêm thắp đèn", đổi
"trống mềm" ở chợ âm phủ được chứ? Năm đó, chỉ cần nhắc đến tên lão
Nghĩa mù, giới chơi đồ cổ không ai là không phục, lão cũng gom được rất
nhiều đồ quý nhưng tiếc thay đều bị hủy dưới thời cách mạng văn hóa, chỉ còn lại tấm sắt để nướng thịt và tấm chăn lông sói và một mối làm ăn về đá hầm mộ. Lúc lâm chung lão Nghĩa mù dặn rằng, lão để tất cả những thứ đó lại cho tôi.
Mặc dù lão Nghĩa mù đã mất, nhưng danh thì vẫn còn, tự hiệu của lão
vẫn còn, mọi người nể mặt lão Nghĩa mù, cho rằng tôi hẳn là cao đồ của
lão, cứ dăm ba bữa lại có người mang đồ đến nhờ tôi giám định, không làm sao mà thoái thác được, cũng may thường ngày tôi được nghe lão Nghĩa mù nói chuyện, hàng thật cũng được tận mắt thấy nhiều, lúc nào không tránh được đành vừa lừa vừa dọa ứng phó cho qua chuyện, cũng chưa đến nỗi làm tổn hại thanh danh của lão Nghĩa mù, có lúc cao hứng tôi cũng mang vài
"bao diêm" ra ngồi một mình ngoài chợ âm phủ thử vận may xem có thu được thứ gì đáng giá không.
Những năm trước, lão Nghĩa mù chủ yếu buôn bán mấy vụ đá lát đường
hầm mộ quanh khu vực Độc Thạch Khẩu, Xích Thành, Hà Bắc. Riêng cái tên
đã nói lên tất cả, vùng này có một khối đá niên đại đã lâu đời, một khối đá to lớn lừng lững như mọc từ dưới đất lên, cao hơn hai trượng, đi một vòng quanh tảng đá chắc cũng đến trăm bước chân, quanh năm dầm mưa dãi
nắng mà vẫn đứng sừng sững, trên tảng đá mọc bốn cây cổ thụ, cành lá sum suê che lấp được cả con trâu. Có nhiều truyền thuyết về nguồn gốc của
tảng đá đó, nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức. Nơi này nổi
tiếng vì làm nghề điêu khắc đá, có cả đá hầm mộ, cột đá, đá ông trọng
v.v... tất cả đều có ở Độc Thạch Khẩu, có đồ thật cũng có đồ giả cổ.
Buôn bán ở lĩnh vực này quả là độc, yêu cầu cũng cầu kỳ, đặc biệt là
những hòn đá có hoa văn động vật, mỗi kiểu hoa văn lại có hàm ý riêng,
ví dụ: hoa văn đầu thuồng luồng có nghĩa là nhìn xa trông rộng; hoa văn
cá mình chim ưng nhả ra mây có thể dùng để trấn hỏa; hoa văn sử tử có ý
nghĩa duy trì hương hỏa; hoa văn con giải trãi[1] có thể phân biệt trung thần hay gian thần, thiện hay ác... Tin vào những phong tục này phần đa là những tay giàu có và quan lại địa phương.
[1] Con giải trãi: là con thú có ngoại hình giống như dê nhưng chỉ có một sừng.
Đầu những năm 90, phong tục này lại rộ lên ở những vùng nông thôn, họ không tiếc tiền của để tu sửa mộ phần cho tổ tiên, bởi họ thấy sử dụng
những hòn đá hàng trăm tuổi trong nghĩa trang gia tộc là một việc rất
đáng hãnh diện. Đá hầm mộ có rất nhiều loại, ví dụ như những viên đá có
hoa văn khắc lồi hoặc lõm, trụ đá trong hầm mộ, đá ông trọng dùng để
trấn mộ tránh tà, tượng người tượng ngựa bằng đá, tất cả những thứ đó
đều gọi là "mộ đạo thạch", mỗi khách một nhu cầu, người nhiều tiền thì
dùng đồ thật, tiền ít thì dùng đổ giả cổ. Thợ đá chủ yếu tới từ Xích
Thành ở Hà Bắc. Lão Nghĩa mù từ bảy tám năm trước đã chuyên buôn bán món này, lão mất đi còn nợ hàng rất nhiều khách. Những người này cũng đến
tìm tôi, tôi đành phải cấu chỗ nọ đập chỗ kia, hàng ngày chăm sóc mấy vị khách hàng này, lại còn phải về vùng nông thôn lấy hàng. Bận tối tăm
mặt mũi, cứ nghĩ đến việc đây là vốn buôn bán mà lão Nghĩa mù để lại cho mình thì dù có khó khăn mấy cũng không thể bỏ được. Đối phó được ngày
nào hay ngày đó, tôi đành phải gửi thư cho Sách Ni Nhi nói với cô ấy tạm thời tôi chưa quay về trên đó được, chờ mùa xuân năm sau xem tình hình
thế nào tôi sẽ lên Đông Bắc tìm mỏ vàng sau.
Sau đó, tôi cũng mấy lần đi Độc Thạch Khẩu, Ký Bắc, dần cũng tìm ra
được bí quyết, chỉ cần làm quen được với dân bản địa ở đó thì việc gì
cũng dễ giải quyết. Từ xưa đến nay, người dân vùng Ký Bắc vốn hiếu
khách, ở vùng đó, khách đến nhà sẽ được chủ nhà dùng bát to mời nước mời cơm, nếu muốn chủ nhà quý mến thì khách phải hiểu phong tục ở đó, uống
trà không được uống hết sạch nước trong bát, ăn cơm không được dừng lại
nửa chừng, nếu không sẽ bị coi là khinh thường chủ nhà, sau khi đã ăn no thì gác đũa lên bát cơm của mình. Nghe nói khi vào mùa lạnh, khách còn
phải nằm ngủ cùng với gia đình nhà chủ mà không được chê bai, khi tạm
biệt sẽ được chủ nhà tặng những sản vật địa phương mang về, thích mang
bao nhiêu cũng được. Toàn bộ người dân trong thôn đều là thợ khắc đá,
đặc biệt là mô phỏng đồ cổ bằng đá y như thật, cũng có cả những phiến đá trộm được từ những ngôi mộ trên núi. Cứ như vậy, tôi bận rộn liên hồi
đến mức không có thời gian để suy nghĩ nhiều. Thời gian đó, tôi lăn lộn
hết ngày này sang ngày khác, nhưng hễ đêm đến tôi lại gặp ác mộng, cứ
nhắm mắt là hình ảnh người đàn ông đầu tóc rũ rượi kéo theo khúc ruột
dài loằng ngoằng bò ra từ quan tài lại hiện ra. Tôi cho rằng chắc tại
mình tưởng tượng quá nhiều, nhưng cũng không tránh khỏi sợ hãi, cho đến
khi tôi tới vùng núi sâu ở Dự Tây gặp một kỳ nhân, người vốn nằm trong
quan tài từ rất lâu rồi.
2
Các cụ nói cấm có sai - Gặp quý nhân thì phát tài mà móc phải lưỡi
câu thì xui xẻo. Và tôi đã gặp phải một cái "lưỡi câu" như vậy nên mới
có chuyến hành trình đi Dự Tây. Trong số những người thường xuyên tới
hẻm Giang Phòng tìm tôi, có một người anh họ xa, biệt danh là Điếu bát,
tính theo thứ bậc thì tôi phải gọi anh ta là chú họ, thực tế thì anh ta
chẳng hơn tôi bao nhiêu, tôi cũng không biết thứ bậc này tính ra sao,
nói chung họ hàng xa, xa tới mức bắn tám tầm đại bác cũng không đến, tôi thấy rất thiệt thòi nên chỉ gọi anh ta bằng biệt danh Điếu bát. Vì
nghiện thuốc nặng, cả ngày không thể rời thuốc nên bà con lối xóm đều
gọi anh ta bằng biệt danh ấy. Anh chàng này nghèo nhưng hay kiểu cách,
tim to gan nhỏ, hay gây chuyện nhưng không dám gánh trách nhiệm, cũng
chẳng rõ ngọn cỏ nào trên mộ phần tổ tiên nhà anh ta bị mọc lệch nên vận khí toàn xui xẻo. Năm anh ta mười tuổi, tự nhiên lại muốn tìm hiểu bí
mật của phụ nữ, thế là trong một lần không kìm được sự tò mò, đã trèo
tường nhà xí nữ để nhìn trộm, chưa kịp nhìn thấy gì đã bị cán bộ thôn đi ngang qua bắt gặp, bị hai bà cô trong thôn áp giải lên đồn công an,
chưa đợi người ta tra hỏi tự mình đã khóc lóc khai ra hết tất cả những
việc xấu từng làm từ nhỏ đến giờ, cả việc hai năm trước bố anh ta trót
đi chơi gái cũng khai tuột ra luôn, thời đó đấy là một tội nặng. Bố anh
ta bị phán đi cải tạo lao động ở Tây Bắc, Điếu bát bị nhốt ở đồn công
an, sau đó thì cũng nghỉ học. Anh ta bắt đầu ra ngoài xã hội từ đó, giờ
thì 'cao không tới thấp không thông', vẫn lởn vởn khắp nơi, không có
nghề ngỗng gì đàng hoàng, dựa vào cái miệng khéo ăn khéo nói, cũng lượm
được vài món hàng ở chợ âm phủ, thấy người khác kiếm tiền thì mắt sáng
lên, cũng về quê thu mua đồ cổ, tìm được món nào thì lại lo kiếm khách
hàng để bán. Anh ta thường nói với tôi, giá mà vận may tốt, thu được món đồ có giá trị, ví như đi trên đường bỗng nhặt được con chó bằng vàng
ròng chẳng hạn, thì cả đời này không phải lo lắng về tiền nong nữa.
Nhưng giờ người dân ở nông thôn cũng không còn đơn thuần như trước, họ
đã biết tìm mua những đồ giả cổ vật về để trong nhà, có người đến hỏi
thì nói là đào được dưới đất lên, ông chú họ tôi cũng bị lừa nhiều lần
nên giờ đã biết sợ, không dám một mình đi tới những nơi xa, hơn nữa nếu
không biết nhìn mặt hàng thì có đi cũng bằng không.
Mùa hè năm đó, trời khô như rang, khắp nơi nóng như trong lò hấp bánh bao. Thời tiết nóng bức vậy mà Điếu bát cứ khăng khăng mời tôi ăn thịt
nướng. Từ ngày lão Nghĩa mù qua đời, tôi chưa dùng tấm sắt nướng thịt
lần nào, là vì chưa thu được món nào cho có giá trị, nhưng nói không lại được với Điếu bát. Hôm đó, hai chúng tôi vẫn ngồi trong ngôi nhà ẩm
thấp của lão Nghĩa mù, vẫn đốt lò bằng củi thông và quả thông, còn uống
vài cút rượu trắng nữa, trời nóng, mồ hôi nhễ nhại, tôi đoán chắc Điếu
bát có chuyện gì đó muốn nói, đang đoán xem anh ta sẽ bắt đầu từ đâu thì Điếu bát đã thở dài thườn thượt: "Hây... Cậu nói xem, anh là người hiếu thắng như thế, ngày xưa bao nhiêu hoài bão là thế, nhưng không thể
thắng được số phận, đúng là số anh xui xẻo, có chí khí mấy thì cũng bằng không. Năm đó, chỉ một lần trèo tường nhà xí nữ, chẳng nhìn được cái
quái gì đã bị lôi vào đồn công an, tiền đồ cũng tiêu tan, còn liên lụy
đến cả ông già. Cậu nói xem, thằng nhóc con mười lăm, mười sáu tuổi, có
đứa nào không làm cái trò đó đâu, thế mà mỗi anh cậu gặp xui xẻo."
Tôi nói lại: "Tới đồn công an chưa đợi người ta tra hỏi anh đã khai tuốt hết cả rồi, giờ còn trách ai được nữa?"
Điếu bát thở dài: "Đúng là thiệt vì mình còn trẻ người non dạ, chưa
hiểu chuyện đời, cứ nghĩ đã bị bắt vào đồn chưa cần nói gì thì họ đã cho mình một phát súng vào mông rồi, hảo hán nào mà chịu cho nổi? Anh cậu
thì lại nghĩ, sỹ phu có thể chết nhưng không thể bị làm nhục, phải thật
thà khai báo mới bảo vệ được cái mông, may ra họ khoan hồng mà không xử
nặng cho mình, thế nên mới khai ra tuốt, ai dè cái trò bắn vào mông chỉ
là đồn đại, hây... chuyện này..."
Tôi nói: "Đừng nhắc lại mấy chuyện mất mặt ấy nữa, gần đây công việc làm ăn của anh thế nào rồi?"
Điếu bát lần này đến tìm tôi cũng là để nói chuyện này, anh ta đã gom góp hết vốn liếng gia tài định cùng tôi về vùng quê nào đó kiếm vài thứ có giá trị. Vì không tìm thấy món nào hay ở mấy vùng gần gần xung
quanh, muốn làm giàu thì phải mạo hiểm, đi xa một chút để thử vận may.
Nếu may mắn, thì một ăn mười. Anh ta nói với tôi: "Chúng ta là chú cháu, lại là anh em, anh cậu từng này tuổi đầu rồi chưa cầu xin ai bao giờ,
cậu không giúp người khác thì cũng phải giúp anh". Hỏi anh ta định đi
đâu, hóa ra đã có chủ ý trước, Điếu bát mở một tờ giấy ra chỉ cho tôi
xem.
Tôi nhìn vào tờ giấy, đọc to nội dung: "Mao Chủ tịch đã từng giúp ông nội tôi..." không hiểu gì cả, tôi hỏi lại: "Thế là sao, anh định đưa
tôi đến đài tưởng niệm Mao Chủ tịch à?"
Điếu bát nghe xong cũng thấy khó hiểu, nhìn kỹ lại hóa ra là tôi cầm
ngược, vì anh ta tiện tay vẽ lên tờ báo cũ, lật mặt bên kia là một sơ đồ vẽ loằng ngoằng xiêu vẹo, có hình một ngọn núi, anh ta giải thích đó là Thông Thiên Lĩnh, núi Phục Ngưu ở Dự Tây, trước đây từng có người mua
được một chiếc cốc ngọc từ một người dân ở khe Hoàng Tuyền, Thông Thiên
Lĩnh. Một chiếc cốc bằng ngọc trong suốt, trên miệng cốc nẹp viền vàng.
Thời cổ, chỉ có hoàng đế hoặc các chư hầu mới dùng loại cốc như vậy,
điều đó chứng tỏ ở Thông Thiên Lĩnh hẳn có mộ cổ. Trước giải phóng, có
người dân đã từng đào được tượng đá, vòng ngọc khi đang cày ruộng, nghe
nói trong núi còn có xác chết biết bay.
3
Thông Thiên Lĩnh dường như tách biệt với thế giới bên ngoài, thời xưa không những có người rừng xuất hiện mà tương truyền còn có cương thi
biết bay. Nhưng đó đều là lời của những người trộm mộ trước giải phóng
kể lại, mấy trăm năm trở lại đây không ai nhìn thấy hiện tượng này cả.
Những chuyện truyền miệng ở chợ âm phủ đều là thông tin không chính
ngạch, khó mà tin được, thế mà Điếu bát lại tin. Anh ta còn vẽ lại một
sơ đồ theo lời kể của mọi người, đến gạ gẫm tôi đi cùng anh ta một
chuyến, thực ra tấm bản đồ của anh ta chẳng có chút giá trị nào.
Nếu đi làm mấy cái trò đào mồ quật mà trộm đồ thì tôi không muốn đi
cùng anh ta, có điều tới Thông Thiên Lĩnh xem có kiếm được món đồ cổ
không thì cũng được. Tôi nghe nói nơi giáp ranh giữa tỉnh Hà Nam và Sơn
Tây là núi Phục Ngưu, đó là ở vùng nếp gấp nối liền các mạch núi dôi ra
của Thái Hành Tần Lĩnh, thế núi to lớn hơn hẳn những ngọn núi bình
thường, Thông Thiên Lĩnh chính là một ngọn núi nằm trên dãy núi này. Từ
xưa đến nay, tình trạng thổ phỉ hoành hành ở Dự Tây rất nghiêm trọng,
đây là nơi thường xuất hiện bọn "thảng tướng", người Dự Tây gọi thổ phỉ
là "thảng tướng". Từ cuối triều Thanh đến thời kỳ Dân quốc, tình hình
hỗn loạn, thêm vào đó là nạn hạn hán quanh năm, đây chính là thời điểm
thích hợp cho bọn thổ phỉ cướp bóc lộng hành. Lúc đó, quân số của bọn
thổ phỉ không dưới trăm ngàn tên. Thủ lĩnh quân phiệt Tôn Điện Anh cũng
từng xuất thân từ thổ phỉ, hắn trở nên nổi tiếng vì đào trộm Đông Lăng
của các hoàng đế Mãn Thanh để cướp bảo vật. Trong những truyền thuyết mê tín xưa, trên trời có chín tầng trời gọi là huyền thiên, dưới đất có
chín tầng suối gọi là hoàng tuyền, chỉ cần nghe tên khe hoàng tuyền là
đã thấy ẩn chứa một mối nguy hiểm rồi, nó với Thông Thiên Lĩnh tạo thành hai thế đối ngược nhau, một cao một sâu, vậy cũng đủ thấy sự khác biệt
giữa núi và vực. Tuy nói bây giờ khác với ngày xưa, sau giải phóng, thổ
phỉ ở Dự Tây đã bị tiêu diệt sào huyệt, hiện đã không còn nạn thổ phỉ
nữa, nhưng Thông Thiên Lĩnh vốn cách biệt với bên ngoài, ít dấu tích con người, khó mà dám chắc không gặp gì bất trắc, để Điếu bát đi một mình
tôi cũng không yên tâm, hơn nữa lòng hiếu kỳ lại trỗi dậy, tôi liền đồng ý đi theo anh ta.
Tôi nghĩ lên kế hoạch thì cũng không thể lường trước được mọi sự, cứ
đi rồi tính tiếp, nên cũng không chuẩn bị gì nhiều. Sáng ngày hôm sau,
chúng tôi lên đường, nhằm hướng Dự Tây thẳng tiến, manh mối chỉ dựa vào
một lời đồn từ mấy chục năm trước. Thông Thiên Lĩnh núi non hùng vĩ,
phía bắc giáp Thái Hành, phía tây nối với Tân Lĩnh, núi non trùng trùng
điệp điệp, là một dãy núi quá to lớn, không biết sẽ phải tìm ra khe núi ở đó như thế nào đây?
Không ngờ, trên bản đồ cũng có một vùng gọi là khe Hoàng Tuyền ở
Thông Thiên Lĩnh, tuy nằm giữa các ngọn núi nhưng vẫn có lối vào. Dọc
đường, chúng tôi đi nhờ một chiếc xe tải nhỏ chở hàng, lái xe là một
quân nhân xuất ngũ, cũng là người trong thành phố như chúng tôi, anh ta
họ Bì, người béo tròn, tôi nghe những người bạn của anh ta gọi anh ta là Mặt dày, chắc là biệt danh. Anh ta vỗ ngực khẳng định sẽ đưa chúng tôi
tới thẳng Thông Thiên Lĩnh, xuống xe đi bộ một đoạn là đến khe Hoàng
Tuyền, nhưng sẽ thu tiền xe, Điếu bát cò kè gẫy lưỡi nhưng anh ta nhất
định một đồng cũng không chịu bớt, anh ta nói vì đường núi khó đi, phải
qua nhiều đèo dốc nguy hiểm, Điếu bát không còn cách nào khác đành chấp
nhận trả tiền.
Mặt dày chắc chắn: "Các anh đừng sợ thiệt, tìm chỗ không có người tự
cười sung sướng đi, tôi sẽ đưa các anh đi đường Ô Thử động, đó là con
đường tắt, đảm bảo tới nơi trước khi trời tối". Anh ta lái xe về phía
những ngọn núi, chúng tôi nhìn thấy phong cảnh hai bên đường đều là
những sườn núi, do bị sói mòn nên hình thành những đụn đất tròn, trông
như những nấm mồ kích thước to nhỏ khác nhau.
Nghe nói thời xưa ở vùng Thông Thiên Lĩnh hay xuất hiện một loài động vật có hình thù kỳ quái, con quái vật này có khuôn mặt giống người, môi dài, khắp người đầy lông lá, đi bằng hai chân, nhìn thấy người ta cười
cũng cười theo. Theo cách miêu tả này thì nó tựa như vượn người hoặc gấu chó, nhưng đã tuyệt chủng từ lâu. Hơn hai ngàn năm trước, vùng Thông
Thiên Lĩnh khí hậu ôn hòa, ẩm thấp, cây cối xanh tươi, nhưng về sau do
đất đai bị nước sói mòn, đến mèo rừng chó hoang cũng hiếm gặp, chỉ còn
lại rừng sâu núi thẳm. Dọc đường toàn đèo núi và những đồi trọc nhấp
nhô, núi tiếp núi tít tắp đến tận chân trời.