Mạn Thiên Hoa Vũ

Chương 40: Chương 40: Đông Ly




Mùa xuân, Hưng Long năm thứ bảy.

Thiên hạ thái bình, dân chúng an cư lạc nghiệp.

Tuy vậy, không thể không kể đến hai việc lớn của "gia đình" tôi vào đầu năm nay.

Đương nhiên cái gọi là "gia đình" chính là cậu em song sinh Đoàn Nhữ Hài và hai anh em Đỗ Chi – Đỗ Quân.

Trước tiên phải nói tới đám cưới của Thái y Bân và Đỗ Chi. Tết còn chưa kịp khăn gói bỏ đi, cả phủ đã gà bay chó sủa vì chuẩn bị cho một cái kết viên mãn cho đôi chim sẻ.

Mẹ tôi đã rời đi ngay từ trong Tết nhưng Trần Thuyên lại gửi tới một nữ quan đứng tuổi trong cung giúp lo liệu chuyện cưới xin nên mọi chuyện cũng đều được sắp xếp ổn thoả.

Bận rộn cả tháng trời, ngày mai đã là Lễ Thân Nghinh (1). Đỗ Chi dù có vô tư đến đâu cũng bắt đầu thấy ruột gan rối bời, suốt buổi chỉ ngồi ngẩn ngơ trên sạp, nhìn chăm chăm vào chiếc váy màu hồng nhạt.

Tôi đến gần, vỗ vai Đỗ Chi một cái: "Đã làm đám cưới một lần rồi, sao giờ lại ngây người ra thế?"

Đúng thế. Đỗ Chi chịu ảnh hưởng của tôi, nhất nhất muốn tổ chức trước một "đám cưới hiện đại".

Cái gọi là đám cưới hiện đại ấy chẳng qua chỉ là để thoả mãn sự ham vui của Đỗ Chi, và cũng để an lòng đôi phu phụ khi có sự tham gia của Trần Thuyên. Anh là hoàng đế, hôn lễ của một vị y quan nhỏ nhoi đương nhiên không thể công khai tới dự mà chỉ ban quà mà thôi.

"Đám cưới hiện đại" của Đỗ Chi diễn ra rất đơn giản, có tôi làm chủ hôn nói gà nói vịt một hồi, còn lại Trần Thuyên, Đỗ Quân, hai vợ chồng Dương Thu Nguyệt ngồi dưới cười nói chúc phúc.

Đỗ Chi nắm lấy tay tôi: "Em không ngờ ngày này tới nhanh đến như vậy."

Tôi mỉm cười, siết chặt tay cô: "Nhất định phải hạnh phúc."

Cô đỏ mặt thẹn thùng: "Chị cũng vậy, Quan gia là người tốt..."

Tôi liền cốc đầu Đỗ Chi một cái, mắng: "Nói linh tinh gì thế hả?"

...

Hôn lễ của em họ Đại Hành khiển (2) Trần Khắc Chung không phải tầm thường, đông vui náo nhiệt hết mức.

Lúc này Phạm Bân và Đỗ Chi đang đứng song song trước ban thờ Tơ Hồng, trên mặt ẩn hiện nụ cười hạnh phúc.

Sau bốn lạy ba vái, cả hai kính cẩn quỳ trước hương án, Đặng Công được coi là đại diện của nhà trai liền bước lên cất giọng:

"Trời đất có âm, có dương; người đời có chồng, có vợ. Hoa đào đua nở, nhị tươi cười đợi gió đong đưa; lá liễu phất phơ, cành rung múa còn chờ tay vin đến. Duyên trời khéo kén, bà mối tốt đưa..."

Văn khấn Tơ Hồng còn rất dài, tôi nghe được một lúc thì bắt đầu thấy buồn ngủ nên vội lùi ra ngoài, đụng phải người quen.

Quân Trì đang đứng riêng một góc, tên hầu Bính ở phía sau ngồi xổm nghịch kiến, thấy tôi liền ngạc nhiên. Tôi vội đến gần, chào hỏi xã giao.

"Không biết anh là phía nhà trai hay nhà gái?" Tôi kiếm chuyện làm quà.

Quân Trì cười: "Có lẽ là nhà trai. Khi xưa ta mắc bệnh lạ, may mắn được anh Bân cứu chữa."

Tôi thầm nghĩ, vậy cũng có thể coi là "bạn trong giang hồ" rồi. Lần này gặp anh ta vào lúc trời còn sáng, tôi phải tranh thủ đánh giá một chút mới được.

Xem ra Quân Trì này không phải là kẻ nghèo khó. Quan sát kỹ một chút có thể thấy trang phục mà anh ta đang mặc có chất liệu vải tương đối giống với Đỗ Quân mỗi khi lên triều.

Khi nói chuyện không thay đổi tư thế, luôn duy trì dáng đứng thẳng tắp. Cử chỉ nhã nhặn, giọng nói bình ổn, thấy người quen cũng không hề tỏ ra thất thố. Có thể nói Quân Trì đã được dạy dỗ rất nghiêm.

"Chà, thái y Bân quả là người tốt." Tôi gật gù.

Quân Trì lại hỏi: "Tiểu thư là bên nhà gái sao? Khi nãy không thấy cô trong đoàn rước dâu."

Tôi ừ một tiếng rồi nói tiếp: "Tôi cũng được coi là chị em thân thiết của Đỗ Chi."

"Vậy chắc hẳn tiểu thư cũng là người kinh thành rồi?" Bỗng nhiên tôi như thấy trong mắt Quân Trì loé lên một thứ ánh sáng kì dị.

Tôi lắc đầu giải thích rồi hỏi: "Vậy anh Quân Trì ở đâu?"

"Ta là người Gia Lâm."

Tôi: "... Ồ vậy hả?"

Ngoài mặt bình thản nhưng thực tế tôi chịu chết, không biết Gia Lâm là nơi nào. Chắc chắn không phải là huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội rồi. Khi còn sống ở thế kỷ hai mốt với hệ thống tỉnh thành – đường phố được phân chia rõ ràng mà tôi còn không thông thuộc nữa là thời phong kiến này.

Phía gian trong đã thấy mọi người ồn ào chuyện trò, có lẽ lễ tế Tơ Hồng cũng đã kết thúc.

Lúc này một tên gia nhân từ ngoài chạy vào hô lên: "Hành Khiển Trần Khắc Chung đến."

Nghe vậy tôi lập tức gạt Quân Trì sang một bên để có thể ngắm nghía nhân vật lịch sử một cách toàn vẹn. Đúng là càng ở thế giới này lâu thì càng gặp được nhiều người nổi tiếng.

Trần Khắc Chung hiện tại đã ở tuổi ngoại ngũ tuần nhưng nét mặt hồng hào, tinh thần quắc thước. Từng bước đi trầm ổn, vốn chỉ là lướt qua nhưng Trần Khắc Chung vẫn kịp dành cho tôi một cái nhìn rất sắc.

Tôi rùng mình, cả người như bị châm chích, vội lùi lại một bước. Khi định thần lại thì Trần Khắc Chung đã đi vào gian trong, khuất sau đám người đến dự lễ cưới.

Quân Trì quay sang hỏi: "Tiểu thư có quen biết với Hành Khiển sao?"

Tôi nhíu mày, cái cảm giác kỳ lạ khi nãy vẫn còn nguyên. Ánh mắt của Trần Khắc Chung khiến tôi cảm thấy nổi da gà, như thể tất cả các loại còi báo động đang vang lên cảnh báo nguy hiểm.

"Niệm Tâm?" Quân Trì gọi tên tôi.

"À?" Tôi giật mình. "Không... tôi chỉ tò mò một nhân vật cộm cán của triều đình sẽ trông như thế nào thôi."

Quân Trì cũng không tỏ thái độ gì, chỉ yên lặng. Một lát sau thằng Bính đứng lên, ghé tai Quân Trì thì thầm gì đó.

Anh ta liền quay qua tôi: "Ta có việc gấp phải đi ngay, mong sớm ngày được gặp lại tiểu thư."

Tôi gật gật, Quân Trì vội vã rời đi.

Sau đó vài tháng lại có tin vui. Em trai Đoàn Nhữ Hài của tôi được bổ nhiệm làm quan trong triều, nắm giữ chức vụ Ngự sử trung tán.

Tuy tôi biết rằng sớm muộn gì Đoàn Nhữ Hài cũng sẽ làm quan to, nhưng phải là sau sự kiện Trần Thuyên say rượu suýt bị Thượng hoàng phế ngôi.

Theo tôi hay thì suốt thời gian qua không hề có sự vụ nào nghiêm trọng liên quan tới Trần Thuyên, trừ việc anh bị ám sát và tôi thì vạ lây.

Tên nhóc Đoàn Nhữ Hài nhận lệnh bổ nhiệm mà cứ như không, vẫn ung dung đọc sách sớm tối.

Tôi nghe Đỗ Quân giải thích, cái chức vụ Ngự sử trung tán của cậu ta không hề tầm thường.

Nơi Đoàn Nhữ Hài sắp vào làm việc có tên Ngự sử đài – là một cơ quan với đặc quyền giám sát, giữ gìn kỷ cương phép nước. Nhiệm vụ chính của Ngự sử đài là can gián hoàng đế, đàn hặc quan lại.

Nghe qua mới thấy, những người được lựa chọn làm việc tại Ngự sử đài phải là người cương trực, thẳng thắn, không sợ cường quyền, dám vạch ra cái sai của kẻ khác. Đúng là một chức vụ dễ chuốc thù oán.

Đứng đầu Ngự sử đài thời Trần là chức vụ Ngự sử đại phu, tức "chủ quan" của đài. Ngay phía dưới chính là Ngự sử trung tán, cũng được coi như phó chức của Ngự sử đại phu.

Trong đài lại có ba viện:

"Đài viện": Đàn hặc bá quan, kiểm soát ngục tụng.

"Điện viện": Kiểm soát nghi thức

"Sát viện": Kiểm soát các quận huyện trên cả nước.

Đoàn Nhữ Hài nắm giữ chức vụ Ngự sử trung tán, không thuộc một viện cụ thể nào. Công việc của cậu ta đại khái là ở bên cạnh hoàng đế, đưa lời khuyên, can ngăn những quyết định sai lầm của vua.

Đoàn Nhữ Hài chưa đầy hai mươi tuổi, hơn nữa lại không hề qua thi cử, đột ngột được vua ban cho chức này thật đúng là "tuổi trẻ nắm trọng quyền".

Bởi vậy sau khi Đoàn Nhữ Hài nhậm chức đã bị nhiều kẻ ganh ghét mà làm thơ chế giễu:

"Phong hiến luận đàm truyền cổ ngữ,

Khẩu tồn nhũ xú Đoàn trung tán."

Có nghĩa là:

"Ngự sử Đài luận đàm câu cổ ngữ,

Miệng hôi mùi sữa Trung tán Đoàn."

Đã vài lần tôi cố gắng hỏi dò Đoàn Nhữ Hài, xem xem rốt cuộc vì sao mà cậu ta đã làm gì mà lại có thể nhận được chức cao như thế. Thực hư câu chuyện Trần Thuyên say rượu suýt bị phế truất rốt cuộc là như thế nào?

Có lẽ vì tôi không dám nói quá cụ thể nên tên nhóc Đoàn Nhữ Hài cũng luôn bày ra bộ dạng kín như bưng, không chịu tiết lộ bất cứ điều gì.

Thậm chí có lần cậu ta còn dám liếc mắt nhìn tôi khinh bỉ mà nói: "Đó là bởi vì tôi học thức uyên thâm, là người tài hiếm có nên quan gia mới trọng dụng mà thôi."

Đúng là khiến tôi buồn nôn. Những lời này mà tên nhóc con nhà cậu cũng dám thở ra, thử để người khác nghe được xem có bị lôi ra chém đầu vì nói năng bừa bãi hay không?

Vì Ngự sử trung tán được coi là một chức vụ cao cấp, và nhờ vào lòng yêu mến kẻ có tài của Anh Hoàng nên chúng tôi, à nhầm, Đoàn Nhữ Hài được cấp cho một biệt phủ nho nhỏ.

Tuy phủ riêng của Trung tán không quá rộng lớn, hoành tráng nhưng cũng gọi là có nơi đi chốn về, hai chị em tôi không cần ăn nhờ ở đậu hai anh em họ Đỗ thêm nữa.

Biết tin này Đỗ Chi buồn thê thảm, cô còn khóc lóc đòi tôi ở lại cho bằng được. Cũng phải, đến khi tôi và em trai chuyển đi thì tại phủ họ Đỗ này sẽ trống vắng thêm mấy phần. Anh trai Đỗ Quân, phu quân Phạm Bân ngày ngày phải tiến cung phụng lệnh làm việc; hai vợ chồng Dương Thu Nguyệt đã dắt díu nhau về quê sau khi dự lễ cưới, đến nay hai chị em tôi cũng không ở đây nữa...

Nhắc mới nhớ, trước khi Dương Thu Nguyệt rời đi có để lại cho tôi một ít thuốc bổ, truyền lại lời dặn dò của ông bố Dương Gia rằng cứ bảy ngày phải có ba lần sắc thuốc mà uống, không được lơ là. Đống thuốc bổ ấy là Dương Gia đích thân bốc theo thể trạng và sức khoẻ của tôi, đặc biệt do tôi đã từng trúng phải độc Chúc Đương Phong... tuy rằng đã giải được rồi nhưng vẫn phải chăm sóc sức khoẻ kỹ lưỡng.

Cái mạng này của tôi là nhờ Dương Gia giúp lấy lại, tôi đương nhiên phải răm rắp nghe theo.

Chờ suốt mấy tháng, cuối cùng cũng đến ngày biệt phủ của Trung tán Nhữ Hài hoàn tất công việc sửa sang, sẵn sàng đón hai chị em tôi về ở.

Ngoài thằng Dần xin phép được theo hầu hai chị em tôi, Đoàn Nhữ Hài còn phải vay mượn Đỗ Quân một khoản để mua thêm vài gia nhân hầu hạ, thậm chí cậu ta còn vung tiền mua khế ước của một nữ quan già đã xuất cung để quán xuyến việc nhà.

Đối với việc này, Đoàn Nhữ Hài tuyên bố với tôi rằng đã gửi thư cho mẹ thông báo, mẹ sắp xếp xử lý xong việc buôn bán thì cũng phải cuối năm mới có thể trở về sống cùng chúng tôi.

"Trong nhà không thể không có người lớn, còn chị thì..." Cậu ta kéo dài giọng, muốn trêu chọc tôi.

Tôi tỏ vẻ cảm động vì được quan tâm, cúi đầu chắp tay: "Trung tán Hài nói phải! Dân nữ ngu ngốc không biết quản lý việc nhà, trăm sự nhờ Trung tán xử lý."

Em trai liền bật cười tức giận: "Chị... hay lắm!"

Vậy là phủ Trung tán hiện tại đang tạm có:

Chủ nhân: Ngự sử trung tán Đoàn Nhữ Hài

Một con sâu gạo đáng yêu: Chính là tôi đây.

Quản gia kiêm cựu nữ quan họ Dư tên Nương.

Thằng nhóc Dần và khoảng mười gia nhân: Năm nam, năm nữ được phân công cho tất cả các phòng. Do ít người nên có kẻ phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, cũng khá vất vả.

Đoàn Nhữ Hài tốt bụng dặn dò Quản gia chọn riêng một cô bé con ngoan ngoãn theo hầu tôi. Dư Nương nói cô bé năm nay mười lăm tuổi, không biết là người từ nơi nào đến, tứ cố vô thân. Khi Đoàn Nhữ Hài gặp phải là lúc cô bé đang lang thang trên đường lớn ăn xin, cậu ta thấy vô cùng thương cảm nên mới "nhặt" về.

Đám người hầu trong phủ hiện đang được đặt tên theo Mười hai con Giáp giống như Dần, cô bé kia được gọi là Tuất.

Tôi vội kêu lên: "Một thiếu nữ xinh xắn như thế này mà tên là Tuất thì sao được!"

Cô bé đang quỳ dưới đất, nghe tôi nói vậy liền cúi gằm mặt.

Dư Nương cười cười: "Cũng không có gì khó khăn, nếu cô Niệm Tâm không thích thì hãy đặt cho nó một cái tên khác. Cậu Hài đã dặn dò chuyện này thì để cô quản lý ạ."

Tôi sửng sốt: "Như vậy cũng được sao?" Rồi quay sang cô bé: "Em đứng lên đi, đừng quỳ nữa ta tổn thọ mất. Tên cũ của em là gì? Đặt tên mới là chuyện hệ trọng, ta không muốn làm bừa đâu."

Cô bé kia còn không chịu đứng dậy, bật khóc: "Bẩm cô, con không còn nhớ tên cha mẹ đặt hồi nhỏ là gì nữa... Con lang thang đây đó suốt mười năm, người ta chỉ gọi con là con này, con kia... Giờ đây con đã được đi theo hầu hạ cô, được cô đặt tên cho chính là may mắn của con ạ... Nếu quá phiền phức, cô cứ gọi con là Tuất như mọi người là được ạ! Em không hề có điều gì bất mãn cả!"

Tôi ngạc nhiên nhìn lên Dư Nương đang đứng cạnh, bà mỉm cười gật đầu. Cô bé này đúng là rất thông minh. Tuy đang khóc lóc nhưng nói năng lại rất rõ ràng, chỉ vài câu mà đã giải thích được hết những khúc mắc trong lòng tôi.

Từ cửa sổ thổi vào một cơn gió mát, tôi vô thức liếc nhìn, thấy chậu cúc đang đặt cạnh đó. Lúc sáng cũng chính là do cô bé kia bê vào. Tôi còn để ý rằng em ấy chăm sóc hoa rất tỉ mỉ, dường như sợ rằng nếu mình không cẩn thận sẽ làm cho những cánh hoa cúc phải chịu đau đớn.

"Ta không thích cái tên Tuất chút nào. Vậy... từ giờ gọi em là Đông Ly nhé!" Tôi mỉm cười nhẹ nhàng.

Đông Ly nghĩa là "giậu hoa bên đông", vốn là trong ý thơ của Nguyễn Tái tặng tôi khi xưa.

"Biến giới phồn hoa toàn truỵ địa

Hậu điêu nhan sắc thuộc đông ly."

Nghĩa là:

"Vườn thu tàn tạ ngàn hoa rụng

Riêng cúc đông ly vẫn được màu."

"Đông Ly" là ý thơ của Đào Tiềm, biệt hiệu Ngũ liễu tiên sinh, là một trong những nhà thơ lớn của Trung Quốc. Ông tính tình cao thượng, không chịu gò bó nên từ quan về ở ẩn, lấy chén rượu câu thơ làm niềm vui.

Trong bài "Ẩm tửu kỳ 5" của Đào Tiềm có câu:

"Thái cúc đông ly hạ,

Du nhiên kiến Nam sơn."

Dịch thơ:

"Dưới giậu đông hái cúc,

Xa thấy núi Nam Sơn."

Cả thơ của Đào Tiềm hay Nguyễn Tái đều khiến người ta liên tưởng tới một tâm hồn phóng khoáng, không màng danh lợi. Tôi không tự khen mình có mắt nhìn người, nhưng chẳng biết vì sao tôi lại có một ấn tượng rất tốt với Đông Ly, rất giống với lần đầu gặp Đỗ Chi. Bởi vậy tôi dành tặng cô bé cái tên "Đông Ly" như một sự kỳ vọng.

Một ngày hạ mát mẻ, tôi sai mấy tên gia nhân đóng một cái chõng tre ngoài sân, dưới tán cây lớn để khi rảnh rỗi có thể nằm hóng gió.

Đông Ly từ đâu chạy tới, trên tay là một tấm thiếp. Cô nói người đưa tin vẫn đang đứng chờ ngoài cổng phủ, nếu có thể thì mong tôi trả lời ngay để có thể tiện đường mang về cho chủ nhân. Tôi ngạc nhiên, vội mở tấm thiếp.

Thời gian qua được Đoàn Nhữ Hài tận tâm chỉ dạy, tôi cũng gọi là biết vài con chữ, có thể đọc hiểu được đôi chút.

Thì ra là thiếp mời từ phủ Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật! Đại khái Chiêu Văn Vương nói thời gian vừa rồi bận rộn, giờ mới rảnh rỗi mời tôi ghé phủ cùng đàm đạo về âm nhạc.

Tôi nhảy dựng lên vì sợ hãi. Trước Tết đồng ý với lời hẹn của ông cũng chỉ vì Trần Thuyên ngồi đó, tôi không tiện khước từ. Cứ nghĩ là rồi thể nào Chiêu Văn Vương cũng sẽ quên đi đứa dân đen này, ai ngờ được ông còn gửi cả thiếp mời đến phủ. Không biết nên từ chối hay nhận lời đây?

Tôi vội nghĩ thật nhanh. Nhìn xa hơn một chút, Đoàn Nhữ Hài mới nhậm chức, nếu tôi muốn làm một con sâu gạo lười biếng thì cũng không thể không góp sức cùng em trai.

Chiêu Văn Vương là người có địa vị, có sức ảnh hưởng lớn, nếu tôi tạo dựng được mối quan hệ với ông chắc chắn cũng sẽ có lợi cho Đoàn Nhữ Hài phần nào. Bởi vậy, tôi nói Đông Ly truyền lời của mình cho người đi tin, rằng ba ngày sau tôi sẽ ghé phủ.

Sáng hôm ấy tôi tự tay búi tóc gọn gàng, chọn một bộ trang phục nhã nhặn. Đông Ly còn giúp tôi trang điểm nhẹ. Quay qua quay lại trước gương, có thể nói ngoài lễ cưới của Đỗ Chi và Phạm Bân ra thì đây là lần đầu tiên tôi ăn diện như vậy.

Dù sao thì với thân phận là chị gái của Ngự sử trung tán, tôi không thể làm em trai mình mất mặt được.

Tên gác cổng nhìn qua nhìn lại tấm thiếp mời tới ba bốn bận, rồi lại dò xét chúng tôi mãi cũng không chịu mở cửa. Thì ra muốn ra vào phủ Vương khó khăn tới như vậy.

Tôi còn chưa nói gì đã thấy Đông Ly phía sau lên tiếng: "Cô Niệm Tâm nhà tôi là khách mời của đức Chiêu Văn, anh còn cản trở làm lỡ giờ hẹn của đức ông thì tôi không chịu trách nhiệm đâu đấy!"

Chà, tôi thầm tỏ ra kinh ngạc trong lòng, cô bé Đông Ly này đúng là không phải dạng vừa. Thậm chí có thể nói là rất đanh đá nữa.

Gác cổng nghe vậy, không dám chậm trễ liền trả lại tôi thiếp mời, đồng thời tự mình dẫn tôi đi vào phòng khách.

Phủ vương đúng là phủ vương, tôi đoán chừng phải rộng gấp bảy, tám lần phủ của hai anh em Đỗ Quân Đỗ Chi chứ đừng nói đến phủ Ngự sử trung tán.

Chiêu Văn Vương cũng là một người biết hưởng thụ. Con đường đi đến gian phòng khách được lát sỏi, hai bên đường đầy những hoa thơm cỏ lạ, thậm chí còn nghe tiếng chim hót véo von. Non xanh nước biếc, không thiếu cảnh đẹp.

Gác cổng dặn tôi và Đông Ly đứng chờ một lát, hắn chạy vào bẩm báo với Chiêu Văn Vương trước. Tôi áng chừng phải chờ tới gần mười lăm phút thì hắn mới đi ra.

Gác cổng cúi mình kính cẩn nói: "Ông nhà con mời cô Niệm Tâm vào ạ."

Hắn nói xong mới ưỡn thẳng người dậy, cả gương mặt u ám như mất sổ gạo, khác hẳn vẻ ngoài cao ngạo khi chặn tôi ở ngoài cổng.

Gian phòng khách của phủ vương không quá lớn nhưng sáng sủa, tôi không dám liếc ngang liếc dọc, một đường đi thẳng vào.

Hoá ra trong phòng không chỉ có mỗi Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật.

Ngoài Chiêu Văn Vương ngồi trên sập cao, tay tựa vào chồng gối thì phía bên phải có hai người con trai cũng đang ngồi.

Ơ kìa, đó chẳng phải là Quân Trì sao?

Người ngồi gần với Vương hơn cả có vẻ ngoài từa tựa với ông, trông tuổi tác có lẽ cũng ngoài ba mươi. Nếu tôi đoán không nhầm thì đây chắc hẳn là con trai của Chiêu Văn Vương rồi.

Tôi đứng ở giữa phòng, nhún gối chào hỏi: "Niệm Tâm kính chào Chiêu Văn Vương ạ."

Lời vừa thoát ra khỏi miệng đã thấy không hợp lý.

Đông Ly đứng sát phía sau tôi thì thầm một cách gấp rút: "Bái kiến, bái kiến!"

Tôi vội sửa lại: "Niệm Tâm bái kiến Chiêu Văn Vương."

Trần Nhật Duật ngồi phía trước phất tay, mỉm cười: "Tiểu thư Niệm Tâm nhận lời ghé thăm phủ ta thế này quả là quý hoá."

Miệng cười nhưng trong ánh mắt nặng trĩu, Trần Nhật Duật không hề vui vẻ chút nào như lời ông nói. Lồng ngực phập phồng, nếu không phải ông mắc bệnh về phổi thì có lẽ đang... tức giận?

Không khí trong gian phòng này kỳ lạ quá!

Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật đưa tay về phía bên trái ông, giọng đều đều: "Đây là con trai trưởng của ta, Thánh Nô."

Ồ, chẳng trách. Quận vương Thánh Nô gật đầu với tôi nói ngắn gọn: "Tiểu thư Niệm Tâm."

Tôi nhún người: "Bái kiến quận vương."

Chiêu Văn Vương còn muốn giới thiệu người còn lại – tức Quân Trì – thì anh ta đã vội nói: "Bẩm Vương, trước đây Quân Trì đã có duyên gặp gỡ tiểu thư Niệm Tâm vài lần."

Đoạn, hướng về tôi mỉm cười chào hỏi. Tôi liền gật đầu: "Dạ bẩm, đúng là như vậy."

Chiêu Văn Vương cười ha hả: "Quân Trì là một người bạn thân thiết với gia đình ta, không ngờ cũng có quen biết với tiểu thư Niệm Tâm."

Lần này có thể thấy nếp nhăn trên mắt Trần Nhật Duật, ông đang cảm thấy thật sự vui vẻ. Nhưng những lời tiếp theo đây lại khiến tôi sửng sốt.

Trần Nhật Duật hắng giọng: "Mong tiểu thư thứ lỗi, hiện trong nhà đang có chút chuyện nên không tiện giữ tiểu thư lại. Ngày khác chúng ta cùng đàm đạo âm nhạc được không?"

Thánh Nô kêu lên: "Thưa cha..." Nhưng ánh mắt u tối của Chiêu Văn Vương đã khiến vị Quận vương này phải im lặng.

Tôi vội xua tay: "Không sao không sao, tôi không vấn đề gì. Được đến phủ Vương một lần là tôi đã hạnh phúc cả đời rồi!"

Chiêu Văn Vương bật cười, mà cả Quận vương Thánh Nô và Quân Trì cũng không nhịn được mà cười rộ lên.

"Đã nghe không ít chuyện về tiểu thư Niệm Tâm, nay con được diện kiến rồi mới thấy đúng là thú vị thật." Câu này của Thánh Nô là nói với Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật.

Ồ, anh nghe gì về tôi? Kể nghe thử?

Đương nhiên mấy câu này tôi chỉ giữ cho riêng mình, không dám lên tiếng.

"Vậy... Niệm Tâm xin phép." Tôi lại nhún gối lần nữa.

Chiêu Văn Vương gật đầu, ra lệnh cho một gia nhân tiễn tôi và Đông Ly rời khỏi gian phòng khách.

"Bẩm cô... thật kỳ lạ." Đông Ly đi phía sau tôi, nhỏ giọng nói. "Nếu đã có việc thì sao phải tốn công gửi thiếp mời đến như vậy!"

Tôi đáp: "Có lẽ là vấn đề xảy ra đột ngột, Chiêu Văn Vương không kịp sắp xếp."

Thậm chí "việc nhà" mà Trần Nhật Duật nhắc tới cũng tương đối nghiêm trọng, khiến ông quên mất rằng hôm nay là ngày có khách tới thăm phủ. Và đến mức chỉ có một số người được biết chuyện, đó là lý do vì sao tên gác cổng vẫn vô tư mà dẫn chúng tôi đi vào như thường.

Tôi bảo Đông Ly nhanh chân hơn một chút, một gia tộc lớn luôn có những bí mật vô cùng đáng sợ, tôi không mong muốn mình sẽ bị cuốn vào chúng.

"Cô Niệm Tâm, bẩm cô..."

Đương lúc chúng tôi đang vội vã, chân sắp bước tới bậc cửa thì phía đằng sau truyền đến tiếng gọi hớt hải. Một tên gia nhân đuổi theo trối chết, thấy tôi dừng lại mới thở phào nhẹ nhõm.

"Có chuyện gì thế?" Tôi ân cần hỏi.

"Dạ bẩm cô, đức ông cho mời cô quay lại một lát ạ!"

- --

(1) Lễ Thân Nghinh: Một trong sáu lễ khi cưới hỏi, tương đương với rước dâu.

Lễ Tơ Hồng: Còn được gọi là Lễ khấn Nguyệt Lão, là một thủ tục trong lễ cưới thời xưa ở Việt Nam.

(2) Đại hành khiển/ Nhập nội Đại hành khiển: Chức quan hầu cận cho vua, tiếp nhận tấu sớ từ quan lại các địa phương rồi mới dâng lên cho vua. Ngoài ra, "phàm có tuyên sắc chỉ thì Viện Hàn lâm đưa trước bản thảo cho Hành khiển để học trước, đến khi tuyên đọc thì giảng cả âm lẫn nghĩa cho cho dân hiểu".

Theo chế độ cũ thì người nắm chức vụ này phải là nội nhân (tức hoạn quan), từ năm 1267 mới bỏ quy định ấy. (Giải thích cho hai chữ "Nhập nội").

Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, năm 1299 Trần Khắc Chung đang nắm chức vụ Đại An phủ Kinh sư. Tuy nhiên trong truyện thì Đại An phủ đang là Trần Thì Kiến còn đến năm 1303 Trần Khắc Chung mới được bổ nhiệm làm Đại Hành khiển. Để khớp với nội dung của truyện thì mình xin phép để Trần Khắc Chung làm Đại Hành khiển luôn từ thời điểm này.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.