Martin Eden

Chương 23: Chương 23




Điều Ruth không tin ở khả năng viết văn của Martin, cũng không khiến dưới con mắt gã, nàng có gì thay đổi hoặc giảm giá. Trong thời gian nghỉ ngơi để lấy lại sức, gã đã mất nhiều thì giờ tự phân tích mình và nhờ thế mà hiểu nhiều về mình hơn. Gã khám phá ra rằng gã yêu cái đẹp hơn danh vọng và lòng hám danh của gã chẳng qua phần lớn là vì Ruth. Chính vì lý do này mà lòng hám danh của gã mạnh mẽ. Gã muốn trở thành vĩ đại trước con mắt của người đời, "phải thành công" như gã thường nói, để cho người đàn bà mà gã yêu sẽ kiêu hãnh vì gã và thấy ở gã một con người xứng đáng.

Còn riêng gã, gã yêu cái đẹp một cách say mê và niềm vui được phục vụ cái đẹp đối với gã đã là đồng lương xứng đáng rồi. Và gã còn yêu Ruth hơn cái đẹp nữa. Gã cho rằng tình yêu là cái đẹp đẽ nhất trên đời. Chính tình yêu đã tạo nên một cuộc cách mạng trong con người gã, biến gã từ một gã thủy thủ ngu dốt thành một sinh viên, một nghệ sĩ, và vì thế đối với gã, cái đẹp đẽ nhất là tình yêu. Gã đã thấy trí óc gã vượt xa trí óc Ruth cũng như nó đã vượt xa trí óc của các anh em nàng, vượt xa trí óc cha nàng. Mặc dù nàng có cái thuận lợi được học tập ở trường đại học, mặc dù nàng có mảnh bằng tú tài văn chương, năng lực tri thức của gã đã vượt năng lực tri thức của nàng, chỉ trong vòng trên dưới một năm, tự học, tự vũ trang kiến thức ình, gã đã nắm được thấu đáo sự việc trên đời, nắm được nghệ thuật, được cuộc sống mà nàng không bao giờ có thể hy vọng đạt được.

Tất cả những điều đó gã đều đã nhận thấy nhưng nó không hề ảnh hưởng đến tình yêu của gã đối với nàng, cũng không hề ảnh hưởng đến tình yêu của nàng đối với gã. Tình yêu quá đẹp đẽ, quá cao quý và gã là một người yêu quá trung thành không thể làm ô bẩn tình yêu bằng những lời bình phẩm. Tình yêu có can dự gì đến những quan điểm bất đồng của Ruth về nghệ thuật, về cách xử thế, về cuộc cách mạng Pháp, hoặc về quyền bình đẳng trong việc bỏ phiếu? Những cái đó là những hoạt động tinh thần, nhưng tình yêu thì vượt lên trên lý trí, nó có tính chất siêu lý tính. Gã không thể tầm thường hóa tình yêu được. Gã tôn thờ nó, tình yêu nằm trên những đỉnh núi cao, quá xa thung lũng của lý trí. Tình yêu là một điều kiện thiêng liêng của tồn tại, là đỉnh cao nhất của cuộc sống, nó rất hiếm. Nhờ trường phái của những nhà triết học khoa học mà gã yêu thích, gã đã biết được ý nghĩa sinh vật học của tình yêu, nhưng qua một quá trình suy nghĩ tinh tế, với cùng một phương pháp suy luận khoa học ấy, gã đã đi tới kết luận con người chỉ có thể hoàn thiện được tới đỉnh cao nhất của nó trong tình yêu, không được nghi ngờ tình yêu, phải thừa nhận nó như một phần thưởng cao quý nhất của cuộc sống. Vì thế, gã cho rằng con người đang yêu đương hạnh phúc hơn hết mọi sinh vật ở đời, và gã thích thú khi nghĩ tới "người tình say đắm" vượt lên trên mọi sự vật trên trái đất, vượt lên trên của cải, trên sự suy xét, trên dư luận, trên mọi sự khen chê, vượt lên trên chính cuộc sống và chết đi trên một chiếc hòm.

Hầu hết những điều đó Martin đã suy luận ra, còn một vài điều nữa gã suy luận sau này. Trong khoảng thời gian đó gã làm việc, không một phút nghỉ ngơi trừ những lúc đến thăm Ruth, gã sống như một người Sparta 1 . Gã trả hai đô la rưỡi tiền thuê nhà của mụ chủ nhà người Bồ Đào Nha Maria Silva, một mụ gái góa chua ngoa lắm điều. Mụ phải làm việc quần quật, vì thế tính tình càng thêm cáu bẳn, bằng cách này hay cách khác, mụ phải xoay xở nuôi một đàn con, thỉnh thoảng để nhấn chìm cái buồn, cái mệt, mụ lại nốc một bình rượu nhạt phèo, chua loét, mua mười lăm xu ở cửa hàng vừa bán thực phẩm vừa là quán rượu ở góc phố. Từ chỗ ghét mụ, ghét cái miệng lưỡi thô tục của mụ lúc ban đầu, dần dần Martin thán phục mụ, khi quan sát cuộc vật lộn dũng cảm của mụ. Trong căn nhà nhỏ bé cả thảy chỉ có bốn buồng - trừ buồng của Martin ra chỉ còn lại có ba. Một trong những cái buồng đó, buồng tiếp khách, trông vui mắt vì một tấm thảm dệt màu, nhưng lại ảm đạm vì một mảnh giấy báo tang và tấm ảnh của một đứa con đã chết trong lũ con lúc nhúc của mụ, buồng này chỉ để tiếp khách thôi. Màn cửa lúc nào cũng buông; và lũ con chân dẫm đất tuyệt đối không được bước vào khu vực thiêng liêng này, trừ những dịp long trọng. Mụ nấu ăn, và cả nhà đều ăn ở bếp, ở đó mụ vừa giặt, vừa hồ vừa là quần áo suốt cả tuần lễ trừ ngày chủ nhật. Tiền thu nhập của mụ phần lớn nhờ ở công việc giặt quần áo cho những nhà hàng xóm khấm khá hơn. Chỉ còn lại một buồng ngủ, nhỏ như buồng của Martin, mụ và bảy đứa con nhỏ sống chen chúc và ngủ ở đó. Làm thế nào mà thực hiện được cái việc đi ngủ ấy, đối với Martin thật mãi mãi là một điều kỳ lạ, bên này bức vách mỏng, đêm đêm gã nghe rõ từng chi tiết, những tiếng cãi nhau, những tiếng nô đùa, những chuyện trò to nhỏ, những tiếng líu ríu ngái ngủ như tiếng một bầy chim. Một nguồn thu nhập khác nữa của mụ Maria là hai con bò cái, mỗi ngày mụ vắt sữa hai lần vào buổi tối và buổi sáng. Hai con bò này lén lút ăn cỏ ở những chỗ vắng người hoặc ở bờ đường cái quan, lúc nào cũng có một đứa con của mụ quần áo rách rưới đi chăn, nhiệm vụ chính của chúng là để ý không cho lão gác khu nhốt súc vật lạc nhìn thấy.

Trong căn buồng nhỏ của mình, Martin sống, ngủ, học tập, viết lách và lo lấy mọi việc. Trước cửa sổ độc nhất trông ra cái cổng nhà, đằng trước kê một cái bàn nhà bếp vừa dùng làm bàn viết, giá sách, chỗ để máy chữ. Chiếc giường kê sát bức tường sau chiếm mất hai phần ba căn buồng rồi. Bên cạnh bàn có một cái tủ gương lòe loẹt, người làm ra nó cốt chỉ kiếm lời chứ không cốt để dùng, gỗ mặt tủ mỏng, cứ mỗi ngày bong ra một ít. Chiếc tủ gương ấy được kê ở một góc. Đối diện với nó ở góc bên kia cạnh bàn là bếp - một cái bếp dầu để trên một hòm gỗ trước kia để đóng hàng tơ lụa, trong có đựng bát đĩa, dụng cụ nấu nướng trên tường có giá để thức ăn, và ở trên sàn có sẵn một xô nước. Martin phải lấy nước từ bể nước trong bếp vì trong phòng gã không có vòi. Vào những hôm có đun bếp, khói xông lên mù mịt, thì những mảnh gỗ trên mặt của chiếc tủ gương lại bong ra một cách ghê gớm. Chiếc xe đạp của gã được treo vào một cái móc trên trần ngay ở đầu giường. Lúc đầu, gã vẫn để ở dưới đất, nhưng lũ con mụ Silva quấy phá, tháo cả ốc chọc thủng cả lốp làm gã phát điên lên. Sau gã đem nó ra để ở chỗ cổng nhỏ đằng trước, nhưng một đêm gió đông nam kéo tới, mưa ướt hết xe. Thế rồi gã đành phải cất nó vào phòng và treo lên cao. Một cái tủ nhỏ để quần áo và sách vở, những cuốn sách gã mua tích lũy ngày càng chồng chất, trên bàn, dưới bàn, không còn chỗ để nữa. Cùng với việc đọc, gã đã tạo ình thói quen ghi chép, gã ghi nhiều đến nỗi, nếu không móc những tờ giấy ghi ấy vào những dãy phơi quần áo chăng dằng dịt khắp phòng thì có lẽ gã không còn chỗ nào để mà thở trong căn phòng chật hẹp này nữa. Ngay thế nữa, phòng vẫn bừa bộn chật chội quá đến nỗi đi lại ở trong đó là cả một chuyện khó khăn. Không thể nào mở được cửa ra vào nếu như không đóng cửa tủ, và ngược lại. Không thể nào đi từ chỗ này đến chỗ kia bằng một con đường thẳng. Từ cửa đến đầu giường cũng phải đi vòng đi vèo, lúc tối chẳng va vào cái nọ cũng đụng vào cái kia. Tránh được những cái cửa luôn luôn mâu thuẫn với nhau, thì phải tạt ngang sang phải để tránh cái bếp, rồi lại phải tạt ngay sang trái để tránh chân giường, nhưng nếu lại tạt mạnh quá thì lại va phải góc bàn. Vặn mình, đảo người một cách đột ngột đi hết con đường vòng là tới một cái ngách, một bên là giường, một bên là bàn. Nếu cái ghế độc nhất của căn phòng mà cứ để nguyên ở chỗ thường lệ của nó trước bàn thì lại không thể nào đi qua được cái ngách đó. Khi không dùng đến ghế, gã đem đặt nó ở đầu giường, tuy nhiên, đôi khi gã cũng dùng nó ngồi để khi nấu ăn, gã đọc sách chờ nước sôi - gã còn đủ khéo léo thu xếp đọc được một vài đoạn trong khi đợi miếng thịt bò rán chín. Hơn nữa, chỗ dành để làm bếp quá nhỏ, cứ ngồi nguyên một chỗ, gã cũng có thể với lấy được mọi thứ cần dùng. Thực ra, cứ ngồi mà làm lại tiện, đứng dậy chỉ tổ vướng.

Vốn đã có một cái dạ dày rất khỏe, ăn gì cũng tiêu, gã lại biết làm nhiều món ăn vừa bổ vừa rẻ tiền. Súp đậu hòa lan là món thường xuyên của gã, cũng như món khoai tây với đậu biển, những củ thật to, nâu xám, gã nấu theo kiểu Mexico. Mỗi ngày ít nhất cũng có trên bàn ăn của gã một lần thứ gạo thổi theo một lối đặc biệt mà các bà nội trợ Mỹ không bao giờ thổi và cũng không thể nào học được cách thổi như thế. Quả khô rẻ hơn quả tươi, lúc nào gã cũng có sẵn một hộp vì gã thường dùng nó thay bơ để ăn với bánh mì. Thỉnh thoảng, gã lại tô điểm thêm cho bàn ăn của mình một món bít tết hay một ít xương nấu súp. Cà phê không kem và sữa, mỗi ngày gã uống hai lần, thay bữa trà buổi tối, nhưng cả cà phê lẫn trà gã pha rất ngon.

Gã cần phải tiết kiệm. Trong thời gian nghỉ ngơi gã đã tiêu mất gần hết số tiền dành dụm được ở xưởng giặt. Và việc bán những tác phẩm hãy còn xa xôi lắm, còn mất nhiều tuần lễ nữa mới hy vọng nhận được số tiền nhuận bút đầu tiên của những bài lặt vặt. Chỉ trừ những khi gặp Ruth, hoặc thỉnh thoảng đến thăm chị Gertrude, còn gã sống như một người ẩn dật, mỗi ngày gã làm việc ít nhất bằng ba ngày của một người bình thường. Gã chỉ ngủ vẻn vẹn năm tiếng đồng hồ. Chỉ một cơ thể bằng sắt mới có thể chịu đựng nổi không bị gục ngã như gã, ngày này qua ngày khác, cứ làm việc cật lực liên tiếp mười chín tiếng đồng hồ liền. Gã không bỏ phí một phút nào. Gã dán lên mặt gương những mảnh giấy ghi đầy đủ những định nghĩa và cách phát âm, khi cạo râu, khi mặc quần áo, khi chải đầu gã đều đọc hết lại một lượt. Gã cũng dán những mảnh giấy như thế lên tường, trên cái bếp và cũng lại đọc suốt lượt khi làm bếp hay khi rửa bát đĩa. Những mảnh giấy mới luôn luôn thay thế cho những mảnh giấy cũ. Cứ mỗi khi đọc gặp chữ lạ hay chưa thực sự rõ, gã lập tức ghi ngay lại, và sau khi thu thập được khá nhiều, gã đem đánh máy rồi dán lên tường hoặc lên giường. Gã đặt chúng cả vào túi, khi đi ở phố, khi đứng chờ ở cửa hàng thịt hoặc hàng thực phẩm, gã cũng đem nó ra ôn lại.

Gã còn đi xa hơn nữa trong việc học tập. Đọc tác phẩm của những người đã nổi tiếng, gã ghi tất cả những thành công của họ, nghiên cứu những kỹ thuật nhờ nó mà họ đã đạt được kết quả, lối trần thuật, cách diễn đạt, bút pháp, những quan điểm, cách đối tỉ, những cách nói dí dỏm. Gã ghi tất cả lại vào những mảnh giấy để nghiên cứu. Gã không bắt chước đâu, gã đi tìm những nguyên tắc. Gã ghi chép tất cả những lối hành văn hay và tìm hiểu văn phong cho đến khi từ lối viết văn của nhiều tác giả, gã có thể rút ra một nguyên tắc chung, và sau khi đã trang bị như vậy, gã tự tạo lấy một văn phong riêng, mới, độc đáo ình; đánh giá, phê bình, tán thưởng văn phong của người khác một cách đúng đắn. Gã cũng ghi chép cả những câu văn mạnh mẽ, những câu sống động, những câu rát bỏng như chất cường toan, những câu bốc lên như lửa, hay những câu sáng ngời, êm ái, dịu ngọt giữa cái sa mạc khô cằn của một thứ ngôn ngữ tầm thường. Gã luôn luôn đi tìm nguyên tắc ẩn ở bên trong, ở đằng sau những câu văn đó. Gã muốn biết người ta đã viết nó như thế nào để rồi chính mình sẽ viết. Gã không chỉ hài lòng với bộ mặt xinh tươi của cái đẹp. Gã đem cái đẹp ra mổ xẻ trong căn phòng thí nghiệm chật chội nhỏ bé của mình, nơi mà mùi bếp núc hòa lẫn với tiếng nô đùa ầm ĩ bên ngoài của bầy con mụ Silva, và sau khi đã mổ xẻ, đã phân tích được cái đẹp, gã đi gần tới chỗ tự mình sáng tạo nên cái đẹp.

Bản chất gã vốn là người chỉ có thể làm một việc gì khi đã hiểu rõ tính chất của việc đó. Gã không thể làm việc mù quáng, trong bóng tối, không biết mình đang sáng tạo ra cái gì, chỉ tin ở sự may rủi, ở ngôi sao định mệnh sẽ đem lại kết quả tốt đẹp ình. Gã không đợi ở may rủi, gã muốn biết tại sao và thế nào. Thiên tài của gã là một thiên tài sáng tạo có ý thức, trước khi gã viết một truyện ngắn hoặc một vài bài thơ thì nó đã sống trong óc gã, gã đã nhìn thấy rõ mục đích và trong ý thức, gã đã có đầy đủ phương tiện để đạt tới mục đích đó. Nếu không thì mọi cố gắng của gã nhất định dẫn tới thất bại mà thôi. Mặt khác,gã đánh giá cao những từ và câu đến dễ dàng, nhẹ nhàng trong óc gã, và sau này, những từ và thành ngữ đó trải qua mọi thử thách về cái đẹp và sức mạnh phát triển thành những ý nghĩa rộng kỳ lạ không truyền đạt nổi. Trước những từ và câu như thế, gã cúi mình thán phục, biết rằng nó vượt lên mọi sáng tạo có ý thức của bất cứ ai. Và bất kể gã đã mổ xẻ cái đẹp cặn kẽ đến thế nào để tìm những nguyên tắc ẩn trong cái đẹp để với tới được cái đẹp cuối cùng, gã vẫn cảm thấy cái bí mật nằm sâu kín bên trong cái đẹp mà gã không thể thâm nhập vào được, và xưa nay không ai đã thâm nhập vào được. Nhờ Spencer của gã, gã biết rất rõ rằng con người không bao giờ có thể đạt được tri thức tuyệt đối của bất cứ một vấn đề gì, rằng cái bí mật của cái đẹp thật không kém gì bí mật của cuộc sống - không, còn hơn thế nữa - những đường gân thớ thịt của cái đẹp và của cuộc sống bện chặt lại với nhau, chính gã cũng chỉ là một mảnh nhỏ của cùng một cơ cấu không thể giải thích được ấy do ánh mặt trời, các vầng sao xa mờ, và sự kỳ ảo dệt thành.

Sự thực là, đầu óc gã chứa đầy những tư tưởng đó khi gã viết tập tiểu luận nhan đề "Vầng sao xa mờ," trong đó đối tượng gã tấn công không phải là những nguyên tắc của phê bình mà là những nhà phê bình nổi tiếng nhất. Bài tiểu luận đó, viết rất tài, sâu sắc, có ý nghĩa triết học, lại đượm vẻ hài hước một cách nhẹ nhàng. Cho nên, cứ đến các tạp chí là nó bị trả về ngay không biết bao nhiêu lần. Nhưng giờ đây gã không bận tâm vì chuyện bản thảo bị trả lại, nên gã vẫn bình tĩnh tiếp tục con đường của mình. Gã đã tạo ình thói quen suy nghĩ thật kỹ càng chín chắn về một vấn đề gì, rồi sau đó lao ngay vào máy chữ đánh.

Những cái đó không được in đối với gã bây giờ chỉ là một vấn đề nhỏ. Đem những điều đó mà viết ra là đỉnh cao nhất của một quá trình suy nghĩ lâu dài, là tập hợp tất cả những mảnh tài liệu chứa nặng trong đầu óc gã. Viết được một bài như vậy tức là một sự cố gắng có ý thức giải phóng đầu óc mình khiến nó có thể tiếp thu được những tài liệu và những vấn đề mới. Cái đó cũng có một điểm nào đó giống như thói quen thông thường của những người đàn ông đàn bà bị giằn vặt bởi những nỗi đau khổ thực sự hoặc chỉ là tưởng tượng, thỉnh thoảng lại muốn phá tan sự câm lặng chịu đựng từ bao lâu của mình và "nói thốc ra" cho đến lời cuối cùng.

Chú thích:

1. Một dân tộc thời cổ Hy Lạp. Cuộc sống của họ rất khắc khổ và kỷ luật.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.