Mắt Âm Dương I

Chương 12: Chương 12: Cung điện băng(1)




Dương Hoài Ngọc tiếp tục giơ đuốc quan sát những hình khắc trên bức tường băng, ánh mắt đầy kinh ngạc và rúng động.

Nhị Rỗ ngó nghiêng xung quanh, lại vòng ra trước cửa băng cung, thấy ngay tấm bảng trên cửa có khác một dòng chữ Tạng rất lớn, nét bút to bằng cả thân người, Nhị Rỗ nói, dòng chữ đó có nghĩa là “Thần Thú đại điện”.

Vương Uy lấy làm lạ, trong Thần Thú đại điện này thờ cúng thần thú nào nhỉ?

Ba người qua cửa vòm bước vào đại điện, ánh đuốc nhảy múa, hắt bóng người lên những bức tường băng xung quanh, tưởng như khắp nơi đều thấy bóng người cùng ánh lửa, vừa bước vào đại điện, cả ba lập tức sững sờ trước sự hùng vĩ của nó.

Băng qua ba lớp cửa vòm, ba người tiến vào trong đại điện. Tòa đại điện này rất rộng, từ cửa điện vào đến nơi thờ phải hơn một trăm mét, tiếng bước chân lộp cộp trên nền băng cứ văng vẳng trong đại điện, từ nơi sâu thẳm của đại điện chợt nghe có âm thanh ầm ầm vọng lại.

Trong cung điện băng Nhị Rỗ tỏ ra rất kích động, một mình đi trước, đến pho tượng Bồ tát, bỗng gã “ồ” lên một tiếng, Vương Uy và Dương Hoài Ngọc vội lại gần.

Nhị Rỗ chỉ vào bức tượng băng khổng lồ nằm giữa đại điện:

- Hai người hãy nhìn, đây là cái gì?

Vương Uy thoạt nhìn đã giật thót mình, Nhị Rỗ và Dương Hoài Ngọc chưa từng thấy cái này bao giờ, nhưng Vương Uy từng đối diện nó, đã nhìn rõ mồn một gương mặt ấy, liền nói:

- Đây là thứ ẩn náu trong sương mù trên bức tượng ấy, té ra hình dáng nó là thế này.

Đúng như Vương Uy lúc ấy trông thấy, thứ đó có một gương mặt Phật, mũi và miệng giống hệt như Di Lặc cười, mắt trợn tròn như chuông đồng, lông mi đỏ rũ xuống đến quá tầm mắt, tựa như một vầng lửa che phủ đôi mắt.

Nhị Rỗ quan sát kỹ con thú khổng lồ, thấy thân hình nó to lớn kềnh càng, nằm dài trên mặt đất, hệt như một con sư tử đang ngủ. Dáng dấp nó to lớn, những khớp xương vồng lên thành hình vòng cung tràn trề sinh lực, tưởng chừng như hễ chồm lên là có thể vồ người tới nơi, đầy vẻ oai phong hùng dũng.

Dương Hoài Ngọc bước ra đằng sau con thú, Vương Uy đi vòng sang bên cạnh, quan sát kỹ sinh vật mấy lần suýt dồn họ vào chỗ chết, đúng là càng nhìn càng kinh hãi. Con thú này nanh sắc móng nhọn, thể hình cường tráng, chẳng trách gì nó đi lại thoăn thoắt như gió, mắt người không thể nhìn rõ được.

Kỳ lạ nhất là bộ mặt của nó, bộ mặt giống với mặt Di Lạc, rõ ràng được khắc họa dựa theo mặt người. Nếu thoáng nhìn chắc chắn sẽ cho rằng bộ mặt này chỉ là do con người tưởng tượng ra rồi tạc thành, nhưng Vương Uy đã từng trông thấy con thú này bằng xương bằng thịt, gương mặt đó quả thực giống pho tượng băng này như khuôn đúc, là một gương mặt Phật đầy đủ thần thái.

Nhị Rỗ từ phía sau đi vòng ra phía trước, chợt lớn tiếng kêu:

- Chỉ huy đến mà xem, trận pháp đằng sau này rất khác thường.

Nghe Nhị Rỗ nói, Vương Uy vội chạy lại, quả nhiên thấy đằng sau con thú này còn một đám những con thú nhỏ, chỉ lớn bằng sư tử hoặc hổ thông thường, sắp xếp thành trận pháp. Thoáng nhìn có vẻ rất lộn xộn, nhưng nhìn kỹ sẽ thấy, cách sắp xếp những con thú nhỏ này giống hệt như những đường nét trong mấy bức vẽ trên lòng bàn tay pho tượng đất.

Trông thấy vậy, ba người sực hiểu ra, trận thế của những con thú này đã chứng minh các đường nét trên tranh vẽ đúng là khắc họa con thú ẩn náu trong sương mù. Nhưng các bức vẽ cũng như cự thú trận này đều bày ra cũng một trận thế, điều này nhằm mục đích gì? Lẽ nào việc bụng bức tượng đất nổ tung có liên quan đến con thú này sao? Và làm thế nào để thông qua những con thú này, tìm thấy được hai cánh cửa đồng có hai chiếc kích hình dã thú?

Tất cả những điều này vẫn còn là bí ẩn.

Vương Uy cảm thấy đứng dưới đất khó mà trông rõ được thú trận. Anh liền gọi Nhị Rỗ, hai người từ hai bên leo lên mình con thú “đầu lĩnh”. Thân mình nó quá lớn, băng lại rất trơn, hơn nữa tay chân họ cũng không thể bấu víu vào đâu được, nếu bị dính vào băng sẽ bị bóc hẳn một mảng da.

Vương Uy lấy từ trong ba lô ra một sợi dây thừng, đầu dây có buộc móc câu ba cạnh, đồ vật này trong giới lục lâm giang hồ gọi là “bò cạp vượt tường”, là công cụ thiết yếu để bọn trộm cắp trèo tường. Người đứng bên ngoài ném “bọ cạp vượt tường” ra, móc ba cạnh sẽ móc vào khe ngói ở mái hiên, móc này rất chắc, hơn nữa kết cấu rất đặc biệt, hễ móc vào khe ngói nếu không khéo léo thì không thể nào lấy xuống nổi. Móc ba cạnh là lợi khí vượt tường của bọn trộm cắp, nên quan trên cấm người dân sản xuất.

Tổ tiên Vương Uy vốn là thế gia trong giới lục lâm, những thứ này không những anh thấy nhiều mà còn sử dụng thành thạo, hễ vung lên là móc câu móc vào đúng vị trí đã định, không sai một phân. Lực đạo của tuyệt kỹ này chính là lực cổ tay mà anh luyện được khi tập ngón Đoạn Môn chỉ, chỉ cần vung tay lên là phát ra kình lực hùng hậu, anh nhắm đúng vị trí, vùng mạnh, “bò cạp vượt tường” bay vút ra như rắn, vượt qua lưng con dã thú sang bên kia, rơi xuống hơn mười mét, rồi quấn vào chân nó, móc sắt bám vào khe băng.

Nhị Rỗ và Dương Hoài Ngọc tròn mắt, há hốc mồm ra, công phu này của Vương Uy quả là xảo diệu vô cùng, trong khéo còn có cái khéo hơn. Cả hai đều là kẻ sống trên đầu mũi đao mũi kiếm, từng trải không ít sự đời, nhưng công phu xảo diệu thế này quả là chưa thấy bao giờ, khiến họ không khỏi nhìn Vương Uy bằng con mắt khác.

Vương Uy quay sang bảo Nhị Rỗ:

- Đứng sững ra đấy làm gì, mau leo lên.

Hai người nắm lấy sợi dây thừng, hồi hộp leo lên lưng con thú cao hơn chục mét. Vì thân hình con thú rất lớn, họ nằm bò trên tấm lưng nó như trên mặt đất, không sợ bị trượt ngã.

Nhị Rỗ bảo Dương Hoài Ngọc đi sang phía bên cạnh thú trận đằng sau, như vậy có thể dựa vào ánh đuốc bên dưới, để quan sát toàn cục trận thế. Hai người căng mắt nhìn kỹ, lại so sánh với những bức vẽ trong trí nhớ, xác định thú trận này được bài trí sắp xếp giống hệt với những đường nét trong các bức tranh trên bàn tay pho tượng.

Vương Uy leo lên để nhìn cho rõ xem bên trong thú trận còn có gì lạ không, nhưng nhìn mãi nhìn mãi, ngoại trừ kỹ thuật điêu khắc đã đạt đến độ hoàn mỹ, thì không thấy gì khác.

Khỏi cần phải nghi ngờ gì nữa, cung điện băng nằm sâu dưới lòng đất này rõ ràng là do bàn tay con người tạc nên, nhưng quái lạ là, từng đường nét chạm trổ đều không chút tì vết tinh tế đến lạ lùng. Theo ba người thấy, đây gần như là chuyện không thể. Dẫu rằng phải mất rất nhiều sức người, sức của điêu khắc được hoàn mỹ như vậy, nhưng lâu ngày băng tan chảy, chắc chắn các pho tượng sẽ tổn hại lớn. Vậy mà không thể nhận ra một chút tổn hại nào nơi cung điện băng dưới lòng đất này, ngay cả những nét chạm khắc đơn giản cũng được thực hiện rất cẩn thận, không dính chút vụn băng nào, quả là bất thường.

Vừa bước vào cổng vòm, Vương Uy đã chú ý ngay đến điểm này. Tòa cung điện này quá hoàn chỉnh, tinh tế, thoạt nhìn đã biết là do những người thợ giỏi, tay nghề điêu luyện tạo nên. Nhưng những bước tượng băng xuất hiện dưới lòng đất sâu mấy nghìn mét như vậy quả là ngoài sức tượng tượng, khả năng duy nhất đó là hằng ngày đều có người sửa sang tu chỉnh chúng. Những người làm nên cung điện băng này từ bấy đến giờ vẫn chưa chết, họ sống trong thế giới dưới lòng đất, hằng ngày giữ cho tòa cung điện này thật hoàn mỹ, không để xây xước mảy may nào.

Đó là cách giải thích duy nhất đối với việc những bức điêu khắc bằng băng này. Nghĩ đến điểm này, toàn thân Vương Uy toát mồ hôi lạnh, những người thợ từ hơn một nghìn năm trước vẫn sống đến ngày nay, hằng ngày tu sửa cho những bức tượng băng, chuyện này quả là quái gở. Trước đây gặp phải ba tên lính mặc quân phục màu vàng trong hẻm núi lớn, anh đã cảm thấy quải gở lắm rồi, sau đấy lại đụng độ mấy lần, anh vẫn không xác định được đó là người hay ma, thắc mắc này vẫn đeo đẳng trong anh suốt dọc đường. Vậy mà thứ lần này gặp phải lại càng quái lạ hơn, những pho tượng băng này không thể giải thích bằng lý lẽ thông thường được.

Hai người nhìn hồi lâu, không thấy trong thú trận có gì khác, bèn tuột xuống theo sợi dây thừng. Nhị Rỗ nghiêng người, dùng chân gỡ sợi dây thừng đang quấn vào chân con thú ra, Vương Uy soi đuốc cho gã, Nhị Rỗ vừa gỡ vừa chăm chú quan sát.

Vừa gỡ được sợi dây thừng ra, bỗng Nhị Rỗ mở to mắt, nhìn chằm chằm vào lưng con thú, Vương Uy cũng nhận ra sự khác thường của Nhị Rỗ, liền cúi xuống nhìn, phát hiện ra dưới lưng con thú có một khối đen đen.

Vật ấy nằm sâu dưới lớp băng, vì lớp băng quá dày nên không biết vật đó nằm sâu bao nhiêu, cũng không thấy rõ được hình dạng. Vương Uy bỗng thấy tình cảnh này hệt như lúc họ phát hiện cỗ quan tài trong suốt trong rừng ở Xương Đô, chẳng nhẽ bên trong có người chết?

Nhị Rỗ nói:

- Thưa chỉ huy, có thể đây là một manh mối, chúng ta tìm cách lấy ra xem, nói không chừng lại là một xác chết từ nghìn năm nay đấy?

Vương Uy gật đầu. Nhưng nói thì dễ, muốn phá lớp băng dày mấy mét thế này thì chẳng phải chuyện đơn giản, dùng báng súng đập thì chỉ vỡ ra một ít vụn băng, không có tác dụng gì.

Nhị Rỗ xoắn chòm râu dê, đảo mắt, liền nghĩ ra một kế. Gã bàn kế hoạch với Vương Uy, Vương Uy luôn miệng khen hay, hai người vội trượt ngay xuống đất.

Dương Hoài Ngọc thấy hai người thì thầm trên kia hồi lâu, liền hỏi họ có chuyện gì?

Nhị Rỗ cười hăng hắc:

- Haha… không nói cho cô tây rởm biết đâu.

Thấy Dương Hoài Ngọc giận tím mặt, Vương Uy lườm Nhị Rỗ, nghĩ bụng bây giờ là lúc nào rồi mà còn bụng dạ gây rối. Vương Uy thuật lại với Dương Hoài Ngọc tình hình phía trên, cũng tiết lộ cho cô cách phá hủy con thú bằng băng này, Dương Hoài Ngọc vỗ tay tán đồng.

Ba người ngồi xuống xúm quanh một chân con thú, dùng báng súng gõ mạnh vào một góc trên mặt đất. Mấy người cùng ra sức, cuối cùng đập vỡ được một lỗ to bằng nắm tay. Mặt đất vốn là một khối băng lớn hoàn chỉnh, hiện giờ đã đập vỡ được một lỗ nhỏ, càng đập càng dễ, ba người lại tiếp tục đập, chẳng mấy chốc dưới chân con thú đã xuất hiện một cái hốc rộng đến mấy mét vuông.

Cái chân khổng lồ của con thú thụt xuống hố, mặt đất liền vang lên tiếng lách cách, ba người đang ra sức đập, chợt Nhị Rỗ ngoảnh lại nhìn, vội kêu lên kinh hãi, thì ra con thú bằng băng kia đã lung lay sắp đổ.

Vương Uy và Dương Hoài Ngọc lập tức lăn ngay sang một bên, Nhị Rỗ nhanh chân hơn, đã chạy tuốt ra đến cửa điện, Vương Uy và Dương Hoài Ngọc tức tốc vùng dậy, không dám ngoảnh nhìn, cứ thế cắm đầu chạy ra ngoài theo Nhị Rỗ.

Bấy giờ, trong đại điện vang lên tiếng nổ đinh tai nhức óc, cả tòa cung điện bắt đầu rung lên, khối băng trên đỉnh trần ầm ầm rơi xuống, khiến ba người hốt hoảng chạy khỏi cung điện.

Nhị Rỗ vừa chạy vừa ngoảnh lại nhìn, thấy tảng băng to như tảng đá lớn rơi xuống, đập vào nền đất cứng làm lủng một hố sâu, vụn băng bắn tung tóe, vô cùng kinh hãi. Nhị Rỗ chạy cuối cùng, trước mặt sau lưng đều nghe thấy tiếng gió phần phật do những tảng băng rơi xuống tạo nên, gã kinh hãi cắm đầu chạy, gai ốc nổi cùng mình.

Ba người ra khỏi cung điện băng, thì mọi chấn động trong đại điện cũng ngừng lại, chỉ còn tiếng những tảng băng nhỏ rơi lách cách. Những bức tường băng ở đây đều kiên cố vô cùng, hơn nữa kết cấu của tòa cung điện băng rất lạ, nó có một mái nhà hình chóp đứng, sức nặng của lớp băng dày trên mái có thể thông qua mặt băng phân tán đều cho mấy bức tường băng. Cho nên toàn bộ tòa cung điện lúc gặp phải lực xung kích có thể phân tán đến những bề mặt khác nhau rồi truyền đến tường băng, nhờ vậy, cả cung điện luôn luôn vững như bàn thạch.

Lúc Vương Uy leo lên lưng con dã thú, anh đã đứng trên cao quan sát kỹ toàn bộ mái vòm cung điện. Bấy giờ anh rất lấy làm lạ, không hiểu sao tòa cung điện băng này lại xây mái vòm như thế này, nhưng hiện giờ anh đã hiểu nguyên do. Tòa cung điện này nằm dưới lòng đất cả nghìn mét, nếu không có kết cấu chống chấn động như thế này, hẳn quá nửa cung điện đã bị nát vụn vì địa hình biến đổi rồi.

Ba người đoán chừng những khối băng trên mái cung điện đã rơi xuống gần hết, bèn quay lại vào bên trong. Lúc này, cả cung điện băng hoàn mỹ đã bị con thú băng kia đổ xuống đè cho gãy vỡ ngổn ngang cả lên, chỗ nào cũng thấy mảnh băng và vụn băng, thú trận bằng băng phía sau con thú “đầu lĩnh” càng thảm hại hơn. Vì con thú đổ kềnh về phía sau, vừa khéo ngã đổ lên thú trận, con thú băng kềnh càng nhường ấy đổ xuống, đè nát toàn bộ thú trận, không còn nổi một pho tượng nào nguyên vẹn.

Nhị Rỗ tiếc rẻ lắc đầu, nói:

- Đẹp thế mà bị vỡ. Tiếc rằng không phải vàng ngọc gì, nếu không mang ra ngoài cũng kiếm được bộn tiền.

Vương Uy bước vào cung điện, lập tức đưa mắt quét qua mọi chỗ, xác định trên vòm cung điện không còn băng rơi xuống nữa, xung quanh cũng đã an toàn, mới gọi Nhị Rỗ và Dương Hoài Ngọc lại.

Hai người kia hiểu ý, cùng đến trước đống băng vỡ của con thú. Nửa thân con thú khổng lồ nằm đè lên thú trận, đầu, cổ, toàn thân đều vỡ thành mấy mảnh. Cả thú trận vỡ nát ùn lại như một gò băng vụn cao ngất, ba người hối hả leo lên, bắt đầu bới tìm vật đen đen kia quanh mấy đoạn thân thể của con thú “đầu lĩnh”.

Trong đống băng đổ nát, ngoài vô số mảnh băng vụn, vẫn còn những tảng băng to như bức tường nằm chềnh ềnh giữa đống băng vỡ, khiến công tác dọn dẹp phát hiện trở nên rất phiền phức, bởi không có cách nào chuyện dịch nổi những tảng băng. Vì thế thoạt đầu họ chỉ dọn những vụn băng nhỏ xung quanh, nhưng sau một hồi thu dọn, đào bới hết cả, vẫn không thu lượm được gì.

Nhị Rỗ nghỉ tay một lúc, nói:

- Chăc chắn cái đó bị vùi xuống dưới mất rồi, chúng ta phải đập vỡ những tảng băng lớn mới được.

Vương Uy gật đầu, quan sát kỹ những tảng băng lớn nằm chềnh ềnh trên đống đổ nát một hồi, quyết định ra tay với khối băng vỡ khá lớn trên thân con thú “đầu lĩnh”. Khối băng này kích thước chừng bảy, tám mét, dày chừng bốn mét, hơn nữa còn là một bộ phận trên cơ thể của con thú, rất kiên cố, dao kiếm khó làm gì nổi. Nhị Rỗ leo lên quan sát hồi lâu, lắc đầu vẻ bất lực:

- Bên trong khối băng mờ đục, hơn nữa những khoảng rỗng phân bố không đều, không nhìn rõ được trong đó có gì.

Vương Uy suy nghĩ hồi lâu, rồi đập mạnh vào đám băng vụn phía dưới khối băng, anh ngờ rằng vật đen đen kia bị đè dưới những khối băng lớn này. Đống băng vỡ lớn như vậy, lại chồng chất bấy nhiêu tảng băng dày, đúng là khó giải quyết.

Ba người đứng quanh tảng băng lớn, mỗi người một cách, nhưng đập mãi mà nó vẫn không hề suy chuyển. Trước những khối băng kiên cố lạ thường như vậy, ho không có bất kỳ dụng cụ nào khả dĩ, cũng chẳng có nhân lực dồi dào, muốn đập vỡ khối băng này chẳng khác gì châu chấu đá xe.

Nhị Rỗ xua tay, nói với Vương Uy:

- Chúng ta đi vòng quanh đây xem, nói không chừng lại phát hiện thứ gì khác, chứ vật đen đen kia sợ rằng không moi ra nổi đâu.

Vương Uy không nói gì, chỉ dùng báng súng tiểu liên của Nhị Rỗ, thọc vào kẽ khối băng, định bẩy nó ra một chút, rồi soi đuốc nhìn xem thứ bị chôn chặt bên dưới. Vương Uy vận sức mấy lần, tuy khối băng vẫn đè lên lớp băng vụn, nhưng nó không hề lỏng ra như anh mong đợi chút nào. Trái lại, những mảnh băng vụn mắc kẹt vào báng súng bỗng nhiên vang lên âm thanh răng rắc. Ngay lúc ấy, Vương Uy chợt nghe thấy tiếng va chạm mạnh, lòng anh bỗng trầm xuống.

Âm thanh ấy tuyệt nhiên không phải tiếng bẩy băng, băng và báng súng chèn vào nhau sẽ phát ra âm thanh giòn tan, nhưng tiếng va chạm này, hình như lại là tiếng do rất nhiều thứ cùng phát ra.

Vương Uy thấy hai người kia vẫn đang mải miết đập khối băng, vẻ như không hề nghe thấy âm thanh ấy, thật vô cùng quái đản. Vương Uy không làm kinh động bọn họ, tiếp tục cúi xuống đập băng, nhưng tai thì dỏng lên nghe ngóng động tĩnh xung quanh.

Một lúc sau âm thanh ấy lại vang lên, hơn nữa không phải một tiếng mà là một chuỗi, nghe như tiếng chân cả đoàn người đi trên băng vậy, rất có tiết tấu, âm thanh lại không gần không xa, hình như ngay ở bên ngoài cung điện vậy.

Lần này Vương Uy đã hoàn toàn xác định được, đúng là có âm thanh lạ. Anh ngước nhìn Nhị Rỗ và Dương Hoài Ngọc, thấy hai người kia cũng đang sững sờ nhìn mình, liền hiểu ra ngay, mọi người đều nghe thấy âm thanh ấy.

Ba người vội vàng súng, chạy ra ngoài cung điện. Lúc chui vào bụng bức tượng đất họ đã trông thấy rất rõ, cách duy nhất để vào đây chỉ có thể là bay từ trên không vào, pho tượng đất này có hai tay, không biết trên lòng bàn tay kia có chim sắt hay không nữa. Nhưng lúc tiến vào họ thấy trên mặt đất có một lớp bụi phủ dày, những xác chết cứng đơ nằm kia hình như cũng không có ai đụng vào, hẳn đã lâu lắm rồi không có người vào đây. Cho nên rất ít khả năng lúc họ bay vào bụng pho tượng, cũng có người cùng bay vào theo.

Phạm vi chiếu sáng của ba bó đuốc khá rộng, ba người chạy ra khỏi cung điện, chỉ thấy bên ngoài băng hoa đầy cây, những đóa hoa lung linh tinh xảo, cùng con đường nhỏ thăm thẳm không một bóng người. Bóng tối đè nặng, xung quanh lặng lẽ đến rợn người, chỉ cần có động tĩnh, âm thanh sẽ được phóng đại lên nhiều lần.

Ba người chia nhau đi quanh một vòng, trong phạm vi mấy trăm mét có hơn một chục tòa cung điện nguy nga như vậy, cùng những con thú bằng băng giống hệt nhau nằm ở đủ mọi góc trong thế giới dưới lòng đất này. Bên ngoài băng cung còn có tường băng bao bọc, tất cả trông như một khuôn viên lớn, cây băng chạm hoa, đường mòn quanh co, gần như một hoa viên hoàn mỹ, nhìn khung cảnh bên ngoài cung điện tự cảnh chùa chiền Tây Tạng vậy.

Nhưng người đi trong đó lại có cảm giác rất ngột ngạt, mọi thứ trong khuôn viên được chạm khắc vô cùng tinh xảo bị bóng tối nặng nề bao phủ, tạo cảm giác không thoải mái, tưởng như sắp có vật gì từ trong bóng tối chồm ra.

Ba người đi một vòng, xem xét hết các ngóc ngách trong khuôn viên nhưng chẳng hề thấy dấu vết người sống. Họ lại quay về Thần Thú đại điện, việc cần kíp nhất trước mắt là phải đào bằng được vật đen đen trong lớp băng lên đã.

Vừa bước vào cửa điện, họ đã thấy có gì khác thường. Trong cung điện văng vẳng tiếng vọng, Nhị Rỗ đ, vội kêu lên:

- Có băng rơi xuống.

Vừa dứt lời, cả tòa cung điện chợt rung chuyển, băng từ trên vòm điện rơi xuống tới tấp như mưa tên. Ba người hoảng hốt, vừa rồi có băng từ trên vòm cao rơi xuống còn có chỗ ẩn nấp, nhưng lúc này băng rơi xuống rào rào, mặt đất bị băng chọc thủng lỗ chỗ.

Ba người lấy tay che đầu, chạy tán loạn, chốc chốc lại có mấy tảng băng rơi trúng đầu nhưng nhờ đã dùng tay che nên không đập trúng chỗ hiểm. Dù vậy, cả ba vẫn vô cùng thảm hại, cuống quýt hết chạy rồi nhảy tránh, ẩn náu khắp nơi.

Trong cung điện, khắp chốn đều nghe thấy tiếng băng đổ ầm ầm, nghe thấy bức tường mình đang ẩn thân cũng lách tách nứt ra, Vương Uy phát hoảng, vội cắm đầu bỏ chạy. Chưa chạy ra đến cửa điện, anh đã nghe phía sau ầm một tiếng, cả bức tường băng đổ sập xuống. Bức tường mặt bên chống đỡ mái điện đã sập, mái vòm tức thì đổ xuống theo, đầu óc Vương Uy trống rỗng, lúc này anh chỉ biết lao như tên bắn về phía trước, dù có phải hứng lấy phân thối nước tiểu thì cũng phải lao.

Vương Uy đâu có ngờ cả tòa cung điện kiên cố như vậy bất ngờ đổ sụp, thấy không có cách nào tránh được băng khối và băng vụn đổ xuống, anh đành nấp vào góc tường. Trong lúc hoảng loạn, mấy ngọn đuốc cũng tắt ngấm, không biết Nhị Rỗ và Dương Hoài Ngọc chạy đâu nữa, họ cũng náu mình như anh hay là chạy ra ngoài? Anh vừa do dự vừa hoảng loạn, vội chạy xộc ra cửa điện, gọi to tên hai người, những mảnh băng tảng trên đầu chợt ngừng hẳn không rơi xuống nữa. Anh thở phào nhẹ nhõm, ngoảnh đầu nhìn, chỉ thấy toàn bộ khuôn viên tối om, đâu thể trông thấy gì?

Anh sốt ruột, vội quay đầu lại, liền trông thấy một người đang chạy về phía này. Người ấy len lỏi giữa đống băng vỡ rơi rào rào tựa như châu chấu nhanh như điện, Vương Uy nhìn thấy rõ mồn một, đầu óc đang trống rỗng còn chưa kịp trấn tĩnh lại, cả người đã đờ ra. Chỉ thấy gương mặt kẻ kia tái nhợt, không có vẻ gì là người sống, đầu đội mũ cắm lông công, mặc áo khoác ngắn màu đỏ, ăn vận theo lối quan binh cuối triều nhà Thanh.

Theo cảnh tượng đó, Vương Uy chợt rùng mình, nhưng chẳng đợi anh rùng mình cho hết, một luồng gió bỗng ập tới trước mặt, chưa kịp trở tay thì người đã bị xô văng đi hơn chục mét, nếu không phải anh đang nín một hớp khí trong ngực, có lẽ sương xườn cũng gãy mất mấy cái rồi. Anh ngã lăn ra đất, mắt tối sầm lại, toàn thân cứng đơ, không còn đủ sức để nhúc nhích.

Ngay lúc ấy, tòa Thần Thú đại điện khổng lồ bỗng ầm một tiếng đổ sập xuống, làm rung chuyển cả hang núi.

Nhị Rỗ và Dương Hoài Ngọc vội chạy tới đỡ Vương Uy dậy, Vương Uy vẫn chưa hoàn hồn, tay chân cứng đơ, hai người kia cố mãi vẫn không đỡ được anh lên. Vừa gắng gượng đứng dậy, chân đã chuội đi, không giữ nổi mình.

Nhị Rỗ hoảng hốt bảo Dương Hoài Ngọc:

- Hỏng rồi, e rằng xương cốt trên mình chỉ huy đã gãy hết, ở đây thứ nhất không có trạm cứu thương, thứ hai là chỉ anh Uy mới biết bó xương, có khi anh ấy thành ra tàn phế mất.

Dương Hoài Ngọc nói:

- Trước hết đừng động vào, tay chân anh ấy bị gãy, chưa bó vào được, giờ chúng ta càng đụng vào càng hỏng việc thôi.

Nhị Rỗ gật đầu lia lịa, hai người bèn để Vương Uy nằm ngay ngắn trên mặt đất rồi sờ nắn chân anh, xác định xem bị gãy chỗ nào.

Vương Uy không nói nên lời, chỉ biết giương mắt nhìn hai người sờ sẫm mình như thầy bói xem voi. Thật ra anh chỉ là bị nén khí trong ngực, không xuôi đi được, nên cả người nghẹn tắc, đành giương mắt ra đó.

Nhị Rỗ sờ nắn một lúc không thấy có chỗ nào bất thường, nhất thời cũng lúng túng chẳng biết Vương Uy bị thương ra sao. Trong lúc bối rối, gã liền cuống quýt cầu trời khấn Phật, từ Quan Thế m Bồ tát, Địa Tạng Vương Bồ tát, Khách Ba Bồ tát đủ cả. Vương Uy chỉ biết mở trừng mắt ra nhìn, tay chân mỗi lúc một cứng hơn.

Dương Hoài Ngọc thấy Vương Uy có vẻ khác thường, liền vỗ mạnh vào ngực anh một cái, vuốt xuôi khí nghẹn trong ngực. Vừa mở miệng, anh lập tức chửi toáng lên:

- Mẹ kiếp, định nắn đến chết ống đấy à!

Nhị Rỗ chỉ cười hề hề, vỗ ngực cho Vương Uy, khí nghẹn dần dà xuôi xuống, tay chân anh cũng bắt đầu cử động được.

Nghe Nhị Rỗ kể lại toàn bộ sự việc, Vương Uy mới biết hai người đã chạy ra khỏi cung điện từ lâu. Ra đến bên ngoài, họ nhìn lại không thấy Vương Uy đâu, liền thắp đuốc định chạy vào tìm. Vừa thắp đuốc lên thì thấy Vương Uy từ trong đại điện cuống cuồng chạy ra, vừa chạy vừa nhìn về phía sau. Họ đứng gần cửa cung điện, ngọn đuốc vừa sáng lên đã làm cho Vương Uy . Bấy giờ cái xác mặc quần áo lính nhà Thanh lại chạy bổ về phía anh, khiến đầu óc anh càng thêm bối rối, không còn nghe thấy tiếng Nhị Rỗ và Dương Hoài Ngọc gọi nữa.

Hai người chứng kiến tất cả từ lúc cái xác lướt qua rồi Vương Uy đụng phải nó văng bắn ra, cú va chạm này mạnh chừng nào, Nhị Rỗ và Dương Hoài Ngọc đều thấy rõ. Thấy Vương Uy lăn đi hơn chục mét, họ sợ hết hồn, vội chạy lại xem. Hai người đoán chừng bị va chạm mạnh như thế, chắc chắn Vương Uy không sống nổi, nào ngờ được Dương Hoài Ngọc vỗ cho một cái, Vương Uy đã bình thường trở lại.

Vương Uy vừa ngồi dậy liền đi tìm cái xác tên lính nhà Thanh, Nhị Rỗ và Dương Hoài Ngọc cũng đi theo. Cái xác nằm ngay bên đống băng vỡ vụn, Vương Uy soi đuốc, trông thấy một khối băng lớn, bao bọc lấy một người bên trong. Người ấy nằm ngửa mặt lên trời, mắt trợn ngược, mặt tái nhợt, vận trang phục tướng quân nhà Thanh, đầu đội mũ đính lông công, mặc áo bào đỏ có tán đinh đồng, dưới ánh đuốc, cái xác trong khối băng trông càng tím tái lạ thường, vô cùng đáng sợ.

Khối băng không dày, hơn nữa từ trong cung điện bắn ra, nên đã bị va đập làm rạn nứt nhiều chỗ, Nhị Rỗ và Vương Uy mỗi người một khẩu súng, dùng báng súng đập mạnh, khối băng vỡ ra làm đôi, cái xác từ trong đó lăn ra.

Vương Uy nói:

- Không phải, tôi thấy cái xác từ trong cung điện băng chạy ra kia mà, tại sao vẫn còn nằm trong băng thế này?

Nhị Rỗ tiếp lời:

- Lúc ấy chỉ huy luống cuống không nhìn rõ, chứ tôi với cô Ngọc đây rõ mồn một, cả tảng băng lớn từ trong đó văng ra. Có thể vì đụng vào bức tường băng cho nên cái xác mới bật ra ngoài. Bức tường băng bề thế như thế, vừa đụng vào đã làm nó bắn tung lên.

Vương Uy hơi nghi ngờ, bèn vắt óc nhớ lại sự việc vừa rồi. Đuốc vừa sáng lên, anh liền trông thấy một người lính nhà Thanh chạy tới trước mặt, rồi đầu óc anh chợt thấy mơ hồ hẳn đi. Hắn lao đến rất nhanh, chỉ một loáng đã đụng vào anh, không thể nào nhìn kỹ được. Nghĩ lại mới hiểu, bức tường băng khí thế bằng cả vạn quân nện xu

ống, khối băng lại có thể không bắn ra nhanh được ư?

Nhị Rỗ ẩy ẩy cái xác, nói:

- Đúng rồi, đây là cái thứ chúng ta trông thấy lúc ở trên lưng con thú “đầu lĩnh” đấy, nó nằm khoanh tròn lù lù trong lớp băng bằng một đống mà.

Vương Uy thấy Nhị Rỗ lật cái xác lên, bỗng tròng mắt anh chuyển động, anh thấy hai cái tay của xác chết đều cuộn lại, đút vào trong tay áo, quả là một tư thế kỳ lạ.

Anh bảo Nhị Rỗ đừng động rồi ngồi xuống nắm lấy hai tay xác chết, vận sức tách nó ra, nhưng cố mấy lần vẫn không thể tách nổi.

Nhị Rỗ ngồi bên cạnh nói:

- Thưa chỉ huy, chỉ huy không biết đấy thôi, người chết rồi cơ thịt sẽ cứng lại, các khớp xương cố định, không dễ gì tách ra nổi đâu.

Vương Uy gật đầu, nhất thời anh quên mất chuyện đó. Không thể tách rời hai tay xác chết, vậy phải làm thế nào? Anh nghĩ ngợi, rồi xắn tay áo xác chết lên, Nhị Rỗ soi đuốc lại gần hơn, ba người vừa thấy đôi tay xác chết bên dưới lớp áo, đều giật bắn mình.

Bàn tay xác chết nắm một vật hình dạng tựa như chuông Kim Cương trong Phật giáo Tây Tạng, nhưng cũng có nhiều điểm khác biệt. Chuông Kim Cương nói chung đều dài chừng mười lăm phân, được người tu hành sử dụng như pháp khí, chuôi cầm giống như chiếc Kim Cương chử[1] bằng đồng, trên bầu có bầu chuông. Còn cái chuông Kim Cương này dài đến ba mươi phân, chuôi cầm bằng đồng dài chừng mười lăm phân, trên tay cầm một cái chử bằng đồng, phần cuối chử là một chiếc đầu lâu trông thật dễ sợ. Mắt, mũi, miệng, hình dáng chiếc đầu lâu này giống hệt hình chạm khắc trên cái kích Vương Uy đeo trên lưng, không giống đầu lâu người cho lắm. Cái xác này một tay nắm vào chiếc đầu lâu trên chử, một tay nắm lấy bầu chuông bằng đồng trên đỉnh, giấu cả chiếc chuông Kim Cương to vậy vào ống tay áo. Cho đến khi chết hắn vẫn không buông cái chuông Kim Cương này, chứng tở rất xem trọng nó, ắt hẳn đây là một báu vật.

[1] Một loại pháp khí dùng trong Phật giáo.

Nhị Rỗ cũng ngồi xuống, vạch hai tay cái xác ra, đáng tiếc cái xác này nằm trong băng quá lâu ngày, toàn thân đã cứng đanh lại như thép, làm thế nào cũng không tách ra được. Nhị Rỗ cố tách đến mỏi nhừ cả tay mà không nổi, bèn bực mình, vái cái xác hai vái, lẩm bẩm khấn:

- Ông ơi, hai chúng tôi cũng xuất thân lính tráng, nói thật, chức còn to hơn ông, tuy chúng ta không cùng triều đại, nhưng tốt xấu gì quan nhỏ thấy quan lớn thì phải có quà ra mắt. Anh em chúng tôi biết ông nghèo, cũng không lấy gì nhiều đâu, chỉ cần cái chuông Kim Cương của ông thôi, ông thấy có đượcNhị Rỗ tuy miệng nói linh tinh nhưng tay chân lại rất nhanh nhẹn tháo vát, cứ thế giơ báng súng gõ vào từng đốt ngón tay cái xác, gõ một hồi, cái chuông Kim Cương cũng dần dần rời ra. Thấy có hiệu quả, Nhị Rỗ càng hăng hái đập mạnh. Gã để một tay cái xác lên mặt đất, lại giơ cao báng súng, đập liền hai ba cái, các đốt ngón tay của cái xác vỡ vụn ra.

Nhị Rỗ tiếp tục làm như thế, chẳng mấy chốc đã tách được hai tay cái xác ra, chiếc chuông Kim Cương cũng theo thế mà lăn xuống. Gã bỏ mặc cái xác đấy, cầm ngay lấy cái chuông, thấy rất nặng, không như những vật dụng bằng đồng khác.

Vương Uy soi bó đuốc lại gần, Nhị Rỗ lật đi lật lại xem xét chuông Kim Cương. Cái chử rất bình thường, trừ chiếc đầu lâu ra thì không thấy có gì khác lạ, nhưng bầu chuông trên đỉnh thì khá đặc biệt, nó là hình trụ tròn, trên rộng dưới hẹp. Giữa bầu chuông có tám lỗ vuông, hễ lắc chuông, tám cái lỗ sẽ phát ra tiếng leng keng.

Nhị Rỗ lắc mấy cái, thấy tiếng chuông ngân dài không dứt, khi vang thì như Trường Giang cuộn sóng, khi khẽ lại như ve sầu đêm hè, ran ran trong tai. Kỳ lạ nhất là, tiếng chuông có thể tác động đến tinh thần của con người. Nhị Rỗ vừa lắc mấy cái, ba người đều cảm thấy đầu óc chao đảo, ngực như bị nén chặt, khó thở, có cảm giác ruột gan rối bời.

Vương Uy vội bảo Nhị Rỗ ngừng tay:

- Cẩn thận đấy, pháp khí này lạ lắm.

Anh đưa bó đuốc cho Nhị Rỗ rồi cầm lấy cái chuông, giơ bầu chuông lên soi dưới ánh lửa, quan sát tỉ mỉ, bỗng trợn tròn mắt lên.

Nhị Rỗ nhìn bầu chuông, lại nhìn Vương Uy, thấy anh biến sắc, gã liền hỏi:

- Chỉ huy thấy gì rồi?

- Những nét chạm khắc trên bầu chuông hình như có vấn đề.

Nhị Rỗ nghe nói liền ghé sát lại, Dương Hoài Ngọc cũng đến gần xem.

Chiếc chuông Kim Cương trải bấy nhiêu năm tháng, bề mặt đã xỉn màu, càng nhìn càng cảm thấy toát lên một cảm giác ngột ngạt áp bức rất xưa cũ. Trên bầu chuông đầy những đường khắc chìm, nhưng hình vẽ do các đường này tạo nên rất rời rạc tản mác, hễ chỗ nào hơi có hình dáng một chút, thì lại bị tám lỗ vuông kia làm gián đoạn.

Nhị Rỗ lẩm bẩm:

- Cái thứ này, giống như một bức vẽ dỡ dang vậy.

Vương Uy gật đầu vẻ tán đồng, chỉ vào một góc trên bầu chuông, nói:

- Nhìn chỗ này này, trông như một mặt tường của cung điện ấy nhỉ, cái bóng trên này chắc là bóng cây.

Nhị Rỗ nhìn theo tay chỉ của Vương Uy, liền nhận ra ngay, lại xoay cái chuông Kim Cương thêm hai vòng nữa để mọi người thấy được toàn bộ những nét chạm khắc trên đó, nhưng xoay đi xoay lại một hồi, gần như các nét chạm khắc tại mỗi góc đều bị khuyết, mà cho dù sắp thành hình thì lại vừa khéo bị một lỗ vuông làm cho gián đoạn, chỗ nào cũng thế.

Vương Uy nhìn đi nhìn lại, bỗng nổi nóng:

- Mẹ kiếp, thứ ma quái gì thế này, rõ ràng là người thiết kế chả ra gì, nét chạm khắc đến chỗ quan trọng nhất thì lại là cái lỗ vuông, không có cách nào nhìn ra hình thù gì.

Nhị Rỗ cũng lắc đầu, những nét chạm khắc này không thể so được với những bức vẽ trên bàn tay bức tượng đất. Đường nét trên những bức vẽ lớn kia tuy đơn giản, nhưng không bị thiếu nét, chỉ cần có nhãn lực tốt, ngộ tính cao là có thể nhận ra đầu mối. Còn mỗi đường nét trên cái chuông Kim Cương kì dị này đều được khắc rất sâu, mô tả rất sinh động, nhưng chỉ là một bức vẽ dở dang, càng nhìn càng khó hiểu.

Dương Hoài Ngọc nãy giờ vẫn chăm chú quan sát, thấy Nhị Rỗ cứ xoay đi xoay lại cái chuông, nhìn kỹ từng đường từng nét, cứ như thế mấy lần, cô bỗng sực hiểu ra:

- Tôi nhớ ra rồi, tôi đã từng thấy những đường nét chạm khắc trên chuông này.

Câu nói của cô khiến Vương Uy và Nhị Rỗ giật nảy mình, đồng thanh:

- Cái gì cơ?

Dương Hoài Ngọc nhìn hai người nói:

- Anh Uy còn nhớ lúc ở trong rừng Xương Đô bác Tôn nói gì không? Bức bích họa mà bác ấy thấy trong địa lao phủ bối lặc ấy, về sau bị cha tôi đem đi, nhưng cha tôi cho phép bác ấy sao lại một bản, hồi xưa tôi đã thấy bản sao ấy rồi.

Nghe đến đây, Vương Uy cũng đoán ra ngay, chắc chắn những đường nét chạm khắc trên bầu chuông Kim Cương này giống hệt bức bích họa ở địa lao phủ bối lặc kia, như vậy những giả thuyết về vương triều Lạp Cách Nhật lại càng có cơ sở rồi.

Dương Hoài Ngọc chỉ một góc trên chiếc chuông Kim Cương, nói:

- Bức tường mà các anh nghi hoặc nãy giờ rất giống với bức tường trong vương cung của vương triều Lạp Cách Nhật trên bức bích họa trong phủ bối lặc, có điều góc độ hơi khác mà thôi. Bóng đen in trên tường, đúng là cái cây to từ trong điện vươn ra.

Nhị Rỗ nói:

- Mẹ kiếp, tôi thấy thứ này quái gở lắm, chỉ huy nói xem, trên chuông Kim Cương của Tây Tạng thường chỉ khắc hình Bồ tát, được xem như thần khí của kẻ tu hành, nhưng cái này lại khắc hình vương cung, thật không ra sao.

Đối với vấn đề này, Vương Uy cũng rất nghi hoặc, trên những pháp khí thông thường chỉ chạm khắc hình quỷ thần để xua đuổi tà ma, nhưng cái chuông Kim Cương này hình như lại có tác dụng khác. Anh quan sát đi quan sát lại nhưng vẫn không hiểu tại sao, về phần Dương Hoài Ngọc cũng chỉ nhận ra được một góc của bầu chuông, còn những chỗ khác, cô đều mù tịt cả.

Trong lúc mọi người đang bối rối, chợt Nhị Rỗ lại phát hiện ra vấn đề. Ở một góc khác của bầu chuông có mười mấy chấm nhỏ, chỉ chiếm một diện tích bằng móng tay, hơn nữa bên trên còn phủ một lớp gỉ đồng đen, Nhị Rỗ cứ mân mê bầu chuông mãi, đột nhiên làm tróc lớp gỉ đồng, nên những chấm nhỏ khắc chìm vào trong mới lộ ra.

Nhị Rỗ có trí nhớ tốt, hơn nữa trước đây đã nghiên cứu kỹ tranh vẽ trên lòng bàn tay pho tượng đất, nhớ rất rõ hình dạng những bức vẽ đó. Thấy những chấm này, gã sực nghĩ ra, mười mấy chấm nhỏ này cũng giống như cách sắp xếp những sinh vật trên bức tranh nơi lòng bàn tay pho tượng.

Tuy hơn chục chấm nhỏ này chỉ bằng một góc trong thế trận của lũ sinh vật đó, nhưng cách sắp xếp này lại rất đặc biệt, không khác gì cách sắp xếp trên bức tranh nơi tay pho tượng đất. Nhị Rỗ chăm chú quan sát bầu chuông, nhưng những phần có dấu chấm khác đều bị những lỗ vuông làm cho gián đoạn, không có thêm bất cứ đầu mối nào nữa.

Vương Uy và Dương Hoài Ngọc cũng dán mắt vào bầu chuông, mọi hành động của Nhị Rỗ, họ đều mau chóng hiểu ra ngay. Từ khi trông thấy thú trận trong Thần Thú đại điện, họ đã không để ý tới sự thần bí của những đường nét trong trên những tranh vẽ kia nữa, mà xác định rằng đầu mối nằm trên mình những con thú quái dị kia.

Nhưng sự thật hình như không phải thế, những chấm nhỏ thần bí trên chuông Kim Cương lại tái hiện, càng làm tăng thêm nghi hoặc trong lòng họ, trận thế kỳ lạ này rốt cuộc có ý nghĩa gì? Vấn đề có lẽ không nằm ở những con thú kia, mà ở thế trận này, bọn chúng trước sau đều giữ nguyên tư thế kỳ lạ ấy, ắt hẳn phải có lý do gì khác. Hơn nữa, những bức tranh trên bàn tay tượng, Thần Thú đại điện, những nét chạm khắc trên bầu chuông Kim Cương còn có cả hình vương cung Lạp Cách Nhật, điều này có liên quan gì đến vương triều Lạp Cách Nhật chăng?

Những bí mật này có lẽ đều nằm ở tám lỗ vuông trên bầu chuông Kim Cương. Nhị Rỗ thò ngón tay vào lỗ vuông trên bầu chuông Kim Cương sờ sờ, chợt hiểu ra:

- Trong những lỗ vuông này có rãnh ngầm, chắc là để những lá đồng bịt kín các lỗ vuông khớp vào, những nét chạm khắc này quả nhiên là một thể hoàn chỉnh.

Vương Uy cũng cho ngón tay vào, quả nhiên sờ thấy vách trong của bầu chuông có một đường rãnh chìm, khe rãnh rất hẹp, xem ra những lá đồng bịt kín các lỗ vuông kia cũng rất mỏng.

Nhị Rỗ kiểm tra từ đầu xuống chân cái xác lính nhà Thanh, không thấy có một lá đồng nào, gã vẫn chưa tin, lại tìm từ dưới lên trên một lần nữa, cởi hết quần áo, vẫn không thấy gì.

Vương Uy nói:

- Cái chuông Kim Cương quái gở như thế, những lá đồng bịt kín lỗ vuông kia lại mới là quan trọng, xem ra chưa hẳn đã dễ tìm đâu, phải mất công một chút.

Nhị Rỗ hoang mang gật đầu, Vương Uy nói nghe rất có lý, nhưng lúc này không tìm ra đầu mối, thì dù có nói lý đến đâu cũng bằng không.

Đúng lúc ấy, bên ngoài đống đổ nát của cung điện băng lại vang lên một loạt tiếng chân người. Lần này không chỉ có vài tiếng chân lẻ tẻ đơn điệu mà rầm rập hết trận này tới trận khác, nghe như một đại đội đang hành quân vậy, hơn nữa bước đi còn rất có trật tự, chỉ nghe cũng có thể biết đó là quân chính quy.

Ba người nhìn nhau, lần này thì thật rồi, tiếng chân này từ trong khuôn viên băng vọng ra, hơn nữa còn vang hơn lần trước, nghe thật hơn nhiều.

Cả ba gần như đồng thời chạy xộc ra khuôn viên băng, ba ngọn đuốc len lỏi giữa đám cây cối bằng băng, hắt ánh vàng lên lớp băng long lanh trông vô cùng đẹp mắt.

Tiếng bước chân nghe như gần ngay trước mắt, nhưng khi ba người xộc vào hoa viên bằng băng, lại không thấy dấu vết gì của sinh vật cả, ánh đuốc xé toang một mảng tối, chỉ thấy những cây băng đan chéo, ngoài ra đâu còn gì khác?

Những hàng cây bằng băng chia cắt ba người, chỉ thấy ba ngọn đuốc chập chờn giữa bóng tối mênh mông. Có điều tiếng bước chân bí ẩn kia vẫn vang lên, nghe như ở ngay bên tai nhưng mọi nơi mà ánh đuốc chiếu đến, lại chỉ có những tảng băng im lìm.

Nhị Rỗ và Vương Uy đứng cách nhau vài gốc cây lớn, khoảng cách giữa đôi bên chừng hơn chục mét. Cả hai đứng dưới gốc cây băng, lắng tai nghe ngóng động tĩnh, thấy bước chân hình như vang lên ở ngay dưới gốc cây, nhưng Nhị Rỗ soi đuốc xuống nhìn lại chỉ thấy mặt băng dày cộp và gốc cây băng cắm sâu xuống mặt băng, chẳng hề có gì khác.

Nhị Rỗ vốn là kẻ táo bạo, mười mấy năm đánh trận giết không biết bao nhiêu người mà kể, đừng nói gì đến quỷ, ngay cả thần tiên gã cũng chẳng coi vào đâu, vậy mà bây giờ cũng thấy nơm nớp. Nghe tiếng bước chân rầm rập cứ dội vào tai, Nhị Rỗ vã cả mồ hôi trán, những giọt mồ hôi to như hạt đậu, vừa nhỏ xuống đất đã đóng thành băng, lòng gã càng thêm kinh hãi. Vương Uy cũng căng thẳng chẳng kém, bên trái anh là Nhị Rỗ, bên phải là Dương Hoài Ngọc, ba người đứng cách nhau không xa lắm, tiếng bước chân hình như ở ngay trước mặt, nhưng anh tìm mãi cũng không thấy được là do thứ gì phát ra.

Vương Uy soi đuốc vào mấy cái cây quanh đấy, nhưng không thấy bất cứ thứ gì. Anh chợt nhớ lại dạo ở Xuyên Trung, từng nghe được chuyện “ma hành quân” lưu truyền trong dân chúng. Hồi ấy đơn vị anh đóng quân ở một làng, đó là giai đoạn hỗn quan hỗn quân, quân phiệt đấu đá lẫn nhau, rất nhiều thanh niên trai tráng trong làng đều bị bắt vào lính, không quá ba tháng đã trở thành bia đỡ đạn.

Trước đấy ít lâu, một trận đánh ác liệt vừa diễn ra ở thung lũng đối diện với làng, nửa thung lũng bị đạn pháo tàn phá. Trận ấy là quân chủ lực của Lưu Tương đánh nhau với quân tinh nhuệ của Dương Sâm, quân số cả hai bên đều rất đông, nói ra cũng thật kỳ lạ, trong trận đó, cả hai bên gần như đều bị tiêu diệt hoàn quân, chẳng còn mấy người sống sót.

Hồi ấy Vương Uy chỉ là một đại đội phó trong một đơn vị tinh nhuệ dưới cờ của Lưu Văn Huy mà thôi, cả đơn vị anh được cử đến chiến trường để điều tra nguyên nhân toàn quân bị tiêu diệt, nhưng điều tra mãi mà vẫn không tìm ra nguyên nhân.

Ngôi làng mà họ đóng quân không còn tráng đinh, chỉ có ông già và bà lão. Lúc đó đang độ gió thu thổi rát, người già trong làng đều phải chuẩn bị củi cho mùa đông, ra khỏi làng phải băng qua mấy ngọn núi, qua cả thung lũng nơi diễn ra trận đánh. Nghe nói có mấy ông già kết bạn với nhau, lúc gùi củi đi ngang qua thung lũng ấy, còn nghe thấy tiếng súng nổ đì đùng cùng tiếng lính chạy rầm rập bên trong, hệt như đang đánh nhau.

Khi mấy ông già về ngang qua đó thì trời đã tối, thình lình nghe thấy tiếng súng và tiếng quân lính chạy, họ sợ đến nỗi ngồi phệt xuống đất, vỡ cả mật.

Hôm sau, đại đội của Vương Uy vào thung lũng, gặp ngay mấy ông già sợ quá đâm ra ngớ ngẩn kia, có một ông lão vẫn còn chút tỉnh táo, bèn kể lại mọi chuyện, khiến đám lính kỳ cựu dạn dày lửa đạn nghe mà toát mồ hôi lạnh. Ông ta kể rằng hiện tượng đó gọi là “ma hành quân”, thung lũng đó thời xưa gọi là thung lũng ma. Nghe người xưa kể lại, vào thời Tam Quốc, nước Ngụy đánh nhau với nước Thục, năm vạn người ngựa quân Thục bị quân Ngụy bao vây tiêu diệt trong thung lũng, không ai sống sót, từ đấy về sau hễ đêm đêm đi qua thung lũng này luôn nghe thấy tiếng người ngựa chạy rầm rập.

Chuyện hai cánh quân đánh nhau đến nỗi chết sạch không còn một mống vốn rất quái gở, quá nửa là có liên quan đến chuyện “ma hành quân” trong thung lũng này. Đám binh lính năm xưa vùi xác trong thung lũng, chết rồi vẫn ở lại đấy, đêm đêm kêu gào chém giết. Trước đây có người nghe thấy “ma hành quân”, phần lớn là nghe thấy tiếng người gào thét bằng giọng Ba Thục cùng tiếng gươm đao chan chát, ngựa hí vang trời, nhưng sau trận đánh lần ấy tiếng súng đã át cả tiếng gươm đao, quả nhiên thung lũng lại có thêm ma mới.

Đại đội trưởng của Vương Uy là người thô lỗ, đời nào chịu tin những chuyện quỷ thần của ông lão, ngay đêm hôm ấy lệnh cho lính hạ trại nơi đầu núi, đồng thời giữ mấy ông già lại trong doanh trại. Anh ta huênh hoang rằng, nếu không nghe thấy tiếng “ma hành quân” sẽ bắn họ tại trận.

Trời tối dần, mãi đến khi mây đen che kín cả mặt trăng, trong thung lũng không còn bất cứ động tĩnh gì. Đại đội trưởng cũng ngáp ngắn ngáp dài đi ngủ, trên đầu núi chỉ còn mấy tên lính gác. Đến nửa đêm, nghe mấy tên lính gác đánh thức, mọi người mới vùng dậy, đầu óc ong cả lên. Chỉ nghe trong thung lũng ầm ầm vẳng ra tiếng súng vang trời dậy đất cùng tiếng kếu gào chém giết, hệt như đang ở giữa chiến trường vậy.

Đại đội trưởng của Vương Uy mồ hôi đẫm trán, nhưng anh ta vốn là người cứng rắn, trước tình cảnh kinh khủng này mà vẫn vững vàng, còn hô hào cả đám binh lính đang run đến nỗi không đi nổi kia xông vào thung lũng. Quả nhiên bên trong đó rất khác thường, quá nửa đêm mà sương mù nổi lên dày đặc, họ dò dẫm tìm kiếm trong sương mù hồi lâu, nhưng chẳng tìm thấy một bóng ma nào, chỉ có tiếng súng vẫn nổ y như thật.

Lúc bấy giờ Vương Uy được gọi lên ban chỉ huy đơn vị, cùng lữ đoàn trưởng phân tích địa hình xung quanh, chuẩn bị chặn đánh quân chi viện của Dương Sâm, nên không tham dự chuyến đi trinh sát lần ấy. Đầu đuôi sự việc sau đấy anh chỉ được nghe kẻ lại.

Chưa đến ba ngày sau, đại đội trưởng ốm liệt giường, một người vạm vỡ, cao hơn một mét tám mươi lúc này gầy xọp đi, chỉ dám trốn trong buồng tối, không thể trông thấy ánh sáng. Chưa đầy một tháng sau, viên đại đội trưởng và mấy ông già kia đều chết.

Chuyện này vô cùng quái gở, quân lính Tứ Xuyên thời ấy không ai không biết, đến nỗi mấy lần cấp trên ra lệnh không được lan truyền chuyện này trong quân, kẻ nào vi phạm sẽ bị xử bắn.

Vương Uy nhớ lại, cảm thấy tình cảnh lần này chẳng khác gì chuyện “ma hành quân” mà đại đội anh gặp phải năm xưa, bất giác trán đổ mồ hôi lạnh. Lúc viên đại đội trưởng chết Vương Uy cũng đến thăm, thấy toàn thân anh ta chỉ còn da bọc xương, sắc mặt nhợt nhạt, đôi mắt đầy tia máu, mí mắt xanh lè, hết sức kỳ dị.

Tiếng chân xung quanh càng lúc càng dồn dập, khiến người ta nghe trống ngực đập thình thịch, mặt tái dại, chân run bắn lên. Vương Uy nhìn sang Nhị Rỗ, thấy mặt gã cũng đầy vẻ kinh hoàng, cặp mắt trợn trừng nhìn chằm chằm vào mặt băng, ánh đuốc soi vào càng khiến gương mặt Nhị Rỗ thêm méo mó.

Tiếng chân dồn dập lắng dần, hình như đoàn người ngựa đã đi xa, âm thanh rầm rập xung quanh bỗng biến mất, chỉ còn lại một bầu không khí vắng lặng như tờ. Không hiểu tại sao tâm trạng của cả ba người lại càng thêm ngột ngạt, bóng tối âm u này càng trở nên đáng sợ hơn. Họ cứ cảm thấy trong bóng tối dường như có thứ gì đó sắp xông ra, nhưng khi họ tiến tới thì lại không có gì cả.

Ba người tiếp tục tiến sâu vào khuôn viên băng, càng đi càng xa, càng đi càng sâu. Trong bóng tôi mênh mông vang vọng tiếng bước chân đơn điệu của họ. Mỗi khi đặt chân xuống hay nhấc bước lên, họ đều hết sức cẩn thận, cẩn một cách đầy trực giác, như thể đặt chân xuống sẽ giẫm lên cái gì đó vậy, nhưng sự thật chỉ có mặt băng trơn trượt.

Trong lúc ba người tưởng như sắp rơi vào tuyệt vọng trước bầu không khí ngột ngạt này, bỗng trong bóng tối vang lên một tiếng kêu, họ chưa kịp phản ứng thì đã nghe thấy tiếng mặt băng nứt vỡ.

Vương Uy nhìn về phía âm thanh phát ra, bất ngờ hít một hơi khí lạnh thật sâu. Cách mấy mét trước mặt họ, những vệt băng nứt cuồn cuộn lan ra, trông hệt như những mũi tên nhắm thẳng tới họ.

Vương Uy thầm than không hay, rồi lùi về phía sau thân cây băng. Anh lùi lại hơn chục mét, xuyên qua mấy gốc cây băng lớn, mới khỏi bị mặt băng nứt đuổi kị Nhị Rỗ và Dương Hoài Ngọc cũng bị những vệt băng nứt dồn ép, phải chạy về phía Dương Uy.

Các vệt nứt trên mặt băng cứ lan ra, vệt này tiếp vệt khác khiến mặt băng chấn động, rồi chỉ một lúc đống băng đã vỡ ùn lên, những vệt nứt nhiều không đếm xuể.

Tiếng băng nứt vang lên khắp nơi trong bóng tối, nghe thật chói tai, họ chỉ có thể trông thấy những mảnh băng vỡ đùn lên, nhưng bên dưới lớp băng là thứ gì thì chịu. Thứ đó chuyển động rất nhanh, lướt qua đến đâu là mặt băng nứt ra những vệt như đường cày đến đó.

Nhị Rỗ và Dương Hoài Ngọc chạy đến trước mặt Vương Uy, Nhị Rỗ thở hổn hển hỏi:

- Chỉ huy ơi, bên dưới lớp băng lạ lắm, bắn nhé?

Vương Uy lắc đầu:

- Cứ xem đã, hình như nó không định tấn công chúng ta đâu, hẵng đợi đấy.

Nhị Rỗ gật đầu, giương mắt nhìn những vết nứt đang lan ra trên mặt băng, cơ hồ đã giăng kín tất cả những chỗ họ có thể nhìn đến. Bấy giờ, chợt có một bóng đen từ dưới lớp băng vỡ vọt ra, Nhị Rỗ trố mắt, khom người đưa ngọn đuốc ra xa, thấy vật kia lao khỏi đống băng vỡ, là một con rắn toàn thân đen trũi.

Vương Uy vô cùng ngạc nhiên, nói với Nhị Rỗ và Dương Hoài Ngọc:

- Tại sao lại là rắn? Nơi này lạnh như vậy, rắn phải trốn đi ngủ đông cả rồi mới phải, hơn nữa có bao giờ nghe nói trong núi Đường Cổ Lạp có rắn đâu?

Nhị Rỗ cũng lẩm bẩm:

- Gà trống đẻ trứng, người sống giả làm người chết, mẹ kiếp, chuyện này đúng là quái gở, ai đời lại có rắn hành quân giữa vùng băng tuyết bao giờ!

Trong lúc nói chuyện, rắn đen từ dưới lớp băng vỡ đã ùn ùn vọt lên, tất cả đều đen trùi trũi, có con dài đến mấy mét, con ngắn cũng phải trên dưới một mét, mắt đỏ rực, nhìn thật dễ sợ.

Lũ rắn đen trườn lên tụ tập lại một chỗ, chỉ một lúc sau trên mặt băng đã có một bầy rắn đông nghìn nghịt tụ lại, không biết bắt đầu từ đâu, chấm dứt ở đâu nữa. E rằng đây là lần đầu tiên trong đời ba người được thấy nhiều rắn đến thế.

Đám rắn từ từ tập kết xong, trong lớp băng vụn vẫn còn lẻ tẻ rắn đen bò lên, tập trung lại. Đám rắn phát ra những tiếng rào rào, tiếp theo chúng tức tốc bò vào sâu trong rừng băng, tiếng bò của bầy rắn nghe hệt như tiếng cả đám người nện gót chân. Thì ra cái gọi là “ma hành quân” chính là do lũ rắn đen này phát ra khi di động dưới lớp băng.

Lũ rắn bò rất lộn xộn, những con rắn khác nhau bò với tốc độ khác nhau, chúng kết thành từng nhóm vài ba con trườn lên lớp băng, trông rối rắm vô cùng.

Nhị Rỗ hỏi:

- Thưa chỉ huy, phải làm thế nào bây giờ?

Vương Uy tỏ ra bình tĩnh khác thường:

- Chúng ta đi theo xem, giữa vùng băng tuyết thế này tự nhiên có một lũ rắn xuất hiện, nhất định là chuyện không đơn giản.

Ba người bám theo lũ rắn không gần không xa, cách chúng chừng mươi mét. Lũ rắn không tỏ ra thù địch đối với họ, ai biết phận nấy, chúng trườn rào rào trên mặt băng, tốc độ rất nhanh, vì mặt băng trơn, ba người vừa phải giữ thăng bằng lại phải theo kịp tốc độ bầy rắn, nên đi rất vất vả.

Nhị Rỗ đi ngang hàng với Vương Uy, vừa thở vừa nói:

- Mẹ kiếp, lũ rắn này đang đùa với chúng ta đấy à? Tại sao chúng đi mỗi lúc một nhanh thế?

Vương Uy sững người, hỏi:

- Sao cơ?

Nhị Rỗ vừa chạy vừa không quên xoắn chòm râu dê, ánh mắt đầy vẻ thẫn thờ, khiến Vương Uy càng thêm nghi ngờ:

- Mẹ kiếp, anh làm bộ làm tịch gì thế?

Nhị Rỗ nói với Vương Uy:

- Không ổn rồi, tôi thấy sự bố trí của lũ rắn giống hết như trận thế trong bức tranh trên bàn tay bức tượng, chuyện này quả là kỳ lạ.

Nghe Nhị Rỗ nói, trong đầu Vương Uy bỗng hiện lên những nét khắc trên bầu chuông Kim Cương, phải chăng bí mật bên trong chuyện này đều đúng như suy đoán? Anh căng mắt quan sát một lúc, nhưng chỉ thấy lũ rắn bò lộn xộn, chẳng hề thấy trận thế trong tranh vẽ mà Nhị Rỗ nói đâu cả.

Nhị Rỗ nhận ra vẻ nghi ngờ của Vương Uy, liền giải thích:

- Chỉ huy, không phải nhìn như thế, chỉ huy nhìn mười hai con rắn gần chỉ huy nhất kia kìa, nhìn cách chúng sắp xếp mà xem.

Vương Uy nhìn theo tay Nhị Rỗ chỉ, quả nhiên nhận ra mấu chốt trong đó. Hơn nữa, cả đàn rắn lớn là do nhiều đàn rắn nhỏ như thế hợp lại thành, bố cục di chuyển của các đàn rắn nhỏ đều giống hệt cách sắp xếp những đường nét trong bức vẽ trên bàn tay tượng đất.Vương Uy vừa hiểu ra, lòng lại nảy mối nghi ngờ. Lũ rắn kỳ lạ này từ dưới lớp băng chui lên, có rất nhiều điểm đáng ngờ, đầu tiên là chúng có thể hành động thoăn thoắt như bay trong vùng băng tuyết bên dưới lòng đất này, hơn nữa, đội hình di động của chúng lại kỳ quặc như vậy, nếu nói là bẩm sinh chúng đã như thế thì dù có đánh Vương Uy cũng không tin, nhất định có vấn đề gì ở đây rồi.

Ba người đi theo lũ rắn chừng một dặm, bỗng trước mắt họ xuất hiện một cung điện băng to lớn, bức hoành phi trước điện để trắng, không có một dòng chữ nào. Lũ rắn ào ào chui vào cung điện, tuy cổng cung điện rộng lớn nhưng cũng không đủ chỗ cho từng ấy rắn len vào, nhất thời, lũ rắn chen chúc lẫn nhau, xếp chồng lên cao đến hơn một mét, không ít con bị đè ở dưới.

Tất nhiên ba người không thể chen chúc vào cùng lũ rắn, họ vẫn giữ khoảng cách mười mấy mét quan sát chúng bò vào cung điện. Lúc bầy rắn đen chuyển động, miệng chúng há ra rồi khép lại, lưỡi thè ra rụt vào, đôi mắt đỏ rực đầy tà khí, bộ mặt hung dữ vô cùng, ai trông thấy cũng không rét mà run.

Ba người đều trưởng thành trong cảnh chém giết, nên tuy đã sợ khiếp vía, nhưng vẫn có thể gắng trấn tĩnh, chăm chú quan sát lũ rắn hoạt động, chờ thời cơ tiến vào cung điện.

Họ đứng chờ ở cửa nửa tiếng đồng hồ đám rắn kia mới tản đi hết. Nhị Rỗ sốt ruột, liền rảo bước đi theo chúng, vào đến trước cửa cung. Không ngờ mặt băng trước cửa điện chợt nứt ra một đường, Nhị Rỗ ngớ ra, chỉ thấy mặt băng vỡ làm đôi theo đường nứt kia, từ trong đó một con rắn đen to bằng cổ tay vọt ra.

Đôi mắt đỏ rực của con rắn nhìn chằm chặp vào Nhị Rỗ, rồi thình lình bổ tới như một mũi tên, làm Nhị Rỗ giật bắn mình, lần tay toan rút súng. Đáng tiếc, một tay gã đang cầm đuốc, một tay cầm chuông Kim Cương, trong lúc luống cuống, gã rút súng hơi chậm, con rắn đã lao thẳng đến trước mặt, bốn mắt trừng trừng nhìn nhau.

Nhị Rỗ đứng sững tại chỗ, Vương Uy và Dương Hoài Ngọc nhất loạt giương súng lên, nhắm thẳng vào đầu con rắn đen, chỉ cần nó đến gần thêm một bước, hai phát đạn sẽ đồng thời bay ra.

Đôi mắt ti hí đỏ ngầu của con rắn nhìn Nhị Rỗ, cái đầu dựng thẳng lắc lư giữa không trung, Nhị Rỗ vốn nhạy bén vô cùng, trong đời lại từng kinh qua không biết bao nhiêu sóng gió, vậy mà đứng trước mặt con rắn, cũng chỉ biết đờ người ra. Con rắn đen thè lè cái lưỡi dài, thậm chí Nhị Rỗ còn ngửi thấy cả mùi tanh từ miệng nó. Gã không khỏi cau mày, mồ hôi ướt đẫm hai bàn tay đang cầm đuốc và chuông Kim Cương, nhỏ tong tỏng xuống đất.

Rắn đen và Nhị Rỗ nhìn nhau một hồi, bỗng nó từ từ rụt đầu lại, hờ hững nhìn Nhị Rỗ, vẻ không còn hứng thú, đoạn quay đầu chui vào cửa điện. Thần kinh của Vương Uy và Dương Hoài Ngọc đang căng như dây đàn, bấy giờ mới được thả lỏng, Nhị Rỗ quay lại cười nói hai người:

- Mẹ kiếp, cái đồ rắn đen mà cũng định diễu võ dương oai trước mặt ông, cuối cùng lại bị khí thế của ông áp đảo.

Nhị Rỗ chưa dứt lời thì con rắn đen đã nhanh như chớp vọt tới, bấy giờ Nhị Rỗ còn chưa kịp ngoảnh lại, chỉ vừa trông thấy Vương Uy và Dương Hoài Ngọc biến sắc mặt, gã hiểu ngay chuyện gì xảy ra, vội vứt đuốc, hấp tấp lùi lại, nhưng phản ứng của người đâu nhanh bằng rắn, gã vừa lùi lại được hai bước thì thấy thắt lưng căng cứng, đã bị đuôi rắn quấn chặt. Con rắn đen dài chừng bốn năm mét, thân to bằng cánh tay người, quất đuôi vù vù như gió. Nhị Rỗ bị rắn quấn ngang người, không sao chịu nổi, đã bắt đầu đỏ bừng mặt lên, thở dốc.

Vương Uy và Dương Hoài Ngọc chạy tới, hai khẩu súng nhắm thẳng vào đầu rắn. Nhưng đầu con rắn đen sát với đầu Nhị Rỗ, khoảng cách gần như thế không thể nổ súng, lỡ run tay một cái thì Nhị Rỗ sẽ bị bắn vỡ đầu.

Hai người căng thẳng thở gấp, con rắn đen đang thè lưỡi trước mặt Nhị Rỗ, bỗng quay ngoắt lại hướng về phía Vương Uy và Dương Hoài Ngọc, há to miệng, thè lè cái lưỡi dài, thấy rõ hai chiếc răng nanh độc nhọn hoắt cong cong bên trong.

Vương Uy vội lôi Dương Hoài Ngọc lùi lại, bấy giờ con rắn đen mới quay về với Nhị Rỗ. Thấy con rắn đang chậm chạp uốn éo trên người Nhị Rỗ, toàn thân Nhị Rỗ căng lên, lòng Vương Uy cũng thắt lại. Con rắn đen càng lúc càng siết chặt Nhị Rỗ, chẳng bao lâu nữa xương sườn của Nhị Rỗ sẽ bị siết gãy, cắm vào nội tạng, cuối cùng chết vì thủng nội tạng.

Hai mắt Nhị Rỗ đã trợn trắng, sắc mặt từ đỏ chuyển sang tím, xem ra không chống đỡ được bao lâu nữa. Lúc này lòng Vương Uy như lửa đốt, anh không kịp nghĩ ngợi gì nhiều, liền vứt khẩu súng lục xuống đất, dồn sức vào đầu ngón tay, đầu ngón tay phải giơ lên, từ từ đến gần con rắn.

Dường như con rắn cũng cảm thấy sự nguy hiểm khi Vương Uy đến gần, toàn thân nó càng uốn éo dữ dội hơn trên người Nhị Rỗ, ngóc đầu thẳng đứng, đôi mắt đỏ phẫn nộ nhìn Vương Uy, Vương Uy đột ngột lao tới, tay phải vung ra, điểm vào chỗ bảy tấc trên mình con rắn.

Con rắn này rất có linh tính, thấy ngón tay Vương Uy điểm ra, nó liền quay ngoắt đầu đi, tránh ngón tay anh, rồi phè lưỡi về phía Vương Uy. Vương Uy đánh hụt, không kịp phòng bị, đành lùi lại thủ thế, nào dè nửa thân trên của con rắn lao đến tập kích Vương Uy trong khi phần đuôi vẫn quấn lấy Nhị Rỗ khiến xương cốt gã kêu lên răng rắc. Nhị Rỗ vốn gầy gò, trên người không có mấy thịt, chịu không nổi cú siết của con rắn, cũng không sao vận được khí lên, bắt đầu váng đầu hoa mắt, chuông Kim Cương tuột tay rơi xuống đất, người cũng hôn mê bất tỉnh.

Chuông Kim Cương rơi xuống đất đánh keng, tiếng chuông ngân dài, lao xao như gió mùa thu đùa tán lá, lại vang vọng như Trường giang cuộn sóng ào ào. Vương Uy thấy trong lòng nhộn nhạo, vội nhặt khẩu súng trên mặt đất lên. Không ngờ con rắn đen vừa nghe thấy tiếng chuông Kim Cương, liền rụng rời tuột xuống khỏi người Nhị Rỗ, thoăn thoắt trườn trên mặt băng, hối hả lẩn ngay vào điện mất dạng.

Vương Uy và Dương Hoài Ngọc chứng kiến một loạt hành động của nó, cảm thấy vô cùng khó hiểu. Con rắn đen vừa buông trói, Nhị Rỗ liền ngã nhào xuống mặt băng, Vương Uy và Dương Hoài Ngọc phải chạy tới đỡ dậy.

Hai người bấm huyệt, xoa ngực cho Nhị Rỗ một hồi, sắc mặt Nhị Rỗ mới dần dần khôi phục, gã thở hắt ra tỉnh lại. Vừa mở mắt, toàn thân Nhị Rỗ đã run lên cầm cập.

Vương Uy đẩy Nhị Rỗ một cái, nói:

- Ông Triệu, khí thế của ông đâu cả rồi? Khí thế run lẩy bẩy vì sợ thế này mà cũng dám ăn cơm nhà binh cơ đấy?

Nhị Rỗ nhìn quanh, không thấy con rắn đen đâu nữa, mới thở phào nhẹ nhõm, cười cười:

- Ông đây có bộ râu tổ truyền, có thể đoán phong thủy xem địa nhãn, cưỡi gió đạp sóng, đạp bằng chông gai, xông pha chiến trường, thắng bại không biết bao nhiêu trận, dù sao cũng đường đường một đấng trượng phu. Nó chẳng qua chỉ là một con rắn nhãi, nếu chẳng phải ông sơ ý, bị con rắn nhãi thừa cơ giở trò, thì làm sao đến nông nỗi ấy?

Vương Uy xoa ngực cho Nhị Rỗ thở đều, đỡ Nhị Rỗ dậy, nói:

- Anh Nhị đúng là anh hùng khí khái, mau vào ngay trong cung điện băng, giết hết lũ rắn kia để cho cánh này hả giận.

Nhị Rỗ cười khì khì, làm bộ định rút súng xông vào. Vương Uy vội xua tay nói:

- Thôi thôi, đừng ra vẻ nữa.

Vương Uy nhặt cái chuông Kim Cương lên, quan sát kỹ một lượt, rồi nói:

- Cái chuông này quả không phải thứ bình thường, đúng là thần khí…

Nhị Rỗ sững sờ nhìn Vương Uy, rồi lại nhìn sang Dương Hoài Ngọc, ánh mắt đầy nghi hoặc. Gã nói với Vương Uy:

- Chỉ huy giải thích rõ hơn đi, nói thế tôi chẳng hiểu gì cả.

Vương Uy bèn kể lại quá trình Nhị Rỗ bị rắn quấn ngạt thở, chuông Kim Cương tuột tay rơi xuống phát ra tiếng, rắn đen nghe thấy tiếng chuông như bị trúng tà, cuống quýt chạy vào trong đại điện…

Nhị Rỗ cầm lấy chuông Kim Cương từ tay Vương Uy, hí hoáy một lúc rồi tự nhủ:

- Đúng là báu vật, chúng ta phải nghĩ cách thoát ra, cái này chắc sẽ bán được khối tiền ấy, nửa cuộc đời còn lại của chúng ta không phải lo lắng nữa rồi, khỏi cần đi lính kiếm cơm.

Vương Uy hiểu cuộc sinh tử này đã không còn đường lùi nữa, nếu muốn sống sót thoát khỏi đây, họ phải xông lên, đập tan bí mật của thế giới dưới lòng đất, nếu không chỉ có thể bỏ mạng tại nơi tối tăm không thấy ánh mặt trời này mà thôi.

Anh nói với Nhị Rỗ và Dương Hoài Ngọc:

- Bấy nhiêu rắn đen chui vào trong cung điện băng này, chắc chắn nơi đây có ẩn giấu huyền cơ, mọi người phải cẩn thận, đi gần bên nhau, không được phân tán. Nhị Rỗ liệu mà giữ lấy chuông Kim Cương cho cẩn thận, sinh mệnh ba chúng ta e rằng phải phụ thuộc cả vào nó đấy.

Nhị Rỗ gật đầu lia lịa, nhưng vẻ mặt lại đầy lo lắng, rõ ràng vẫn còn kinh hoàng về chuyện rắn quấn vừa rồi, Nhị Rỗ chưa được chứng kiến con rắn đen sợ chuông Kim Cương ra sao, nên trong lòng vẫn thấp thỏm không yên.

Vương Uy đưa mắt ra hiệu cho hai người, rồi xăm xăm bước vào điện trước, Nhị Rỗ và Dương Hoài Ngọc bám sát theo sau, một người cầm súng tiểu liên cỡ nhỏ, một người cầm chuông Kim Cương, lòng bàn tay đều đẫm mồ hôi.

Ba bó đuốc sáng đồng thời xông vào. Cung điện băng trống không, trong vòng mười mấy mét vuông, không thấy bóng dáng con rắn nào cả, chỉ cảm thấy bóng tối mênh mông cùng bao điều rùng rợn rập rình bên ngoài phạm vi ánh đuốc.

Ba người đi sâu vào hơn một trăm mét mới nhìn thấy chính giữa cung điện đầy những tháp băng san sát chen nhau. Những tháp băng này chỉ cách nhau chừng hơn chục mét, trong phạm vi ánh đuốc có thể rọi đến, có tới ba tòa tháp. Nhị Rỗ đi ra phía ngoài chừng hơn chục mét lại thấy thêm một số tháp nữa.

Những tháp băng này chiếm khoảng hơn chục mét vuông diện tích, cao mấy chục mét trở lên, đứng trên mặt băng không thể trông thấy đỉnh tháp. Diện tích băng cung này lớn hơn Thần Thú đại điện nhiều, thật không đếm nổi có bao nhiêu tháp băng nữa. Nhị Rỗ đi sang ngang hơn hai trăm mét nhưng vẫn không thấy đâu là tận cùng.

Vương Uy chăm chú quan sát tòa tháp băng nằm chính giữa cung điện, phát hiện tháp băng này khác hẳn với những tháp băng còn lại trong khuôn viên băng. Gần như tất cả những gì có trong khuôn viên băng đều được chạm trổ vô cùng hoàn mỹ, không mảy may khiếm khuyết, không một nét sai sót, giữa các rãnh khắc không có lấy một mảnh băng vụn. Nhưng những cái tháp này hình như không phải do bàn tay con người tạo nên. Xem ra chúng giống như những nhũ băng từ dưới đất nhô lên, trên thân nhũ băng đâu đâu cũng mang dấu ấn hình thành tự nhiên, không có vết dao khắc, cũng không có dấu vết chạm trổ, nhưng hình dáng cái nào cái nấy trông hệt những tòa băng tháp đủ hình đủ vẻ, không chệch đi đâu được.

Bên dưới tháp băng có bảy tầng, mỗi tầng đều có mái hiên, có cửa sổ, cách bố trí sắp đặt từng tầng cũng khác nhau, cấu tạo mỗi tòa tháp đều tinh xảo tuyệt vời.

Nhị Rỗ dạo quanh một vòng rồi quay lại, hỏi:

- Chỉ huy này, sao không thấy rắn nhỉ? Hay là chúng chui xuống dưới lớp băng rồi?

Vương Uy cũng không có cách nào trả lời được, anh dùng báng súng gõ vào mái hiên một tòa tháp, lập tức trong cung điện vang lên những tiếng vọng lanh canh, nhưng bên trong tháp không có động tĩnh gì.

Nhị Rỗ và Dương Hoài Ngọc cũng bắt chước theo, gõ vào những cái tháp bên cạnh khắp một lượt, trong cung điện lao xao tiếng vọng nhưng những ngọn tháp vẫn im lìm như cũ, không hề thấy cảnh tượng lũ rắn nhào nhào lên như họ mong đợi.

Cả ba đều lấy làm lạ theo họ suy đoán thì những tòa tháp kia là chỗ ẩn náu của lũ rắn, hóa ra lại không phải.

Vương Uy bảo Nhị Rỗ và Dương Hoài Ngọc từ hai bên vòng sang, còn mình thì đi thẳng vào rừng tháp, chừng uống cạn chén trà, ba người đã lùng sục khắp lượt cung điện. Tòa cung điện này dài rộng có đến mấy trăm mét, vách băng tường băng vây quanh đều sừng sững nguy nga, cao không thấy đỉnh, người đứng bên trong có cảm giác rất nhỏ bé, tưởng như bất cứ lúc nào cũng có thể bị cung điện khổng lồ này nuốt chửng.

Ba người càng tìm càng thấy lạ, nền băng, tường băng, tháp băng trong cung điện đều không thấy bóng dáng lũ rắn đen đâu cả. Hơn nữa, những công trình bằng băng ở đây không hề có dấu vết hư hại, lũ rắn không thể lẩn trốn nhanh đến thế được, vậy tại sao cả đàn rắn đông như vậy lại không cánh mà bay?

Cả ba đi vào đến giữa rừng tháp, nhất thời lại quay sang nhìn nhau. Hàng nghìn hàng vạn con rắn chỉ trong nháy mắt đã biến mất không tăm tích. Vương Uy càng nghĩ càng lấy làm lạ, bèn leo lên tháp băng, trèo tít lên tận đỉnh tháp, đoạn giương đuốc xuống nhìn chung quanh. Đứng trên đỉnh tháp cao hơn hai chục mét có thể trông rõ những ngọn tháp băng gần đó cùng mặt đất bên dưới, xung quanh chỉ có sự yên tĩnh đầy trống trãi, rừng tháp dưới ánh đuốc lung linh dập dờn, ánh vàng ánh đỏ đan xen vào nhau lấp loáng, đâu thấy bóng đen nào.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.