Mật Thám Phong Vân

Chương 281: Q.2 - Chương 281: Truyền kỳ




Đông cung, hậu hoa viên.

Chính giữa hoa viên có một võ đài nhỏ hình vuông. Trên võ đài, một thanh niên tướng mạo cao ráo đang múa may gì đó. Đầu gã buộc ô ti, trường bào hoa văn đặc sắc.

Đứng quanh võ đài còn không ít cung nữ thị vệ, tất cả đều dụng tâm quan sát, vài cung nữ còn lộ vẻ thầm thương trộm nhớ. Chỉ là nhân vật chính đánh quyền không khác gì tập dưỡng sinh, không có bao nhiêu uy hiếp, thật không biết có gì đáng thu hút.

Đứng cạnh còn có một lão hòa thượng mặc tăng bào màu trắng. Gương mặt lão ta gầy gò, hốc mắt hỏm sâu, xương má nhô cao, nổi bật nhất là hai hàng lông mày. Không biết là nối hay cố ý nuôi mà dài như vậy, rủ hẳn xuống hai bên, đã vậy cũng trắng nốt. Xem ra lão sư phụ chuộng style trắng "tinh khiết".

Quan trọng nhất, biết đi tu không được nuôi tóc, sư phụ đây liền chuyển sang nuôi lông mày, quả nhiên cao tăng đắc đạo.

"Phù"

Thanh niên kia dừng chiêu thu công, ngay lập tức liền có cung nữ chạy lên đưa khăn ấm, nhẹ nhàng lau lau trán, lại có cung nữ khác đi ra sau lưng, bóp vai xoa tay cho hắn. Diễm ngộ như vậy thiên hạ cũng chỉ vài người.

Lão hòa thượng nọ dường như đã quen với cảnh này, chỉ nhếch mép cười nhẹ.

Người thanh niên cất lời :

- Sư phụ, bộ quyền pháp của ngươi, so với Thái Tổ Trường quyền này thì thế nào?

- Haha, Điện hạ hỏi như vậy, chẳng phải làm khó lão nạp.

- Không hề gì. Ngươi là sư phụ của bổn Thái tử, không tính khi quân. - Thanh niên phẩy tay.

Hắn chính là đương kim Thái tử, Triệu Hoàn. Không trách các thiếu nữ ở đây sùng bái như vậy.

Trong số các con trai của Triệu Cát, Trang Văn Thái tử Triệu Hoàn là người cuồng võ đạo nhất. Triệu Hoàn rất hâm mộ tổ tiên của mình, đặc biệt Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận. Triệu Khuông Dận năm xưa có một cây Bàn Long côn nổi danh, côn pháp không kém bất kỳ ai. Thậm chí làm Hoàng đế vẫn không quên nghiên cứu võ công, chính là người cho ra lò 32 chiêu Thái Tổ Trường quyền. Chỉ tiếc, Triệu thị đến đời Triệu Cát Triệu Hoàn đều thui chột cả.

Thái Tổ Trường Quyền phổ cập khắp Đại Tống. Truyền lưu trong dân gian cũng chỉ vài ba chiêu kém uy lực, cường thân kiện thể còn được, đem đi đánh nhau lại vô dụng.

Lăng Phong cũng luyện Trường quyền, chẳng qua bộ của hắn có đến ... 36 chiêu, hơn "version" Thái Tổ những 4 chiêu.

Hắn từng hỏi Lăng Hổ điều này, Lăng Hổ nói bản gốc Trường quyền là của Đại Lâm tự, phải 36 chiêu mới đúng. Người cổ khoái xài số 9, 36 là số "Thiên Cương", bội số của 9, xem ra hợp tình hợp lý.

Nói vậy Triệu Khuông Dận chẳng qua chỉ là người sửa lại, chỉ là sửa thế nào mất toi 4 chiêu, từ 36 còn mỗi 32, mất luôn số thiêng.

Nói tới nói lui, Thái Tổ cũng chỉ đi "đạo võ" của người khác, chỉ là không ai dám nói ra. Có kẻ gan lớn cố giải thich chệch đi, đại khái nếu Thái Tổ đích thân đặt tên, lúc đó ông ta còn chưa chết, không thể dùng miếu hiệu "Thái Tổ" của mình, vì vậy không thể là tác giả. Lâu dần "*** trâu hóa bùn", người ta dần chấp nhận Thái Tổ Trường quyền là sản phẩm của Triệu Khuông Dận.

Lão hòa thượng kia nghĩ ngợi một lát, vuốt vuốt lông mày đáp :

- Bạch Mi quyền là tâm huyết cả đời của lão nạp. Uy lực có thể nói ngang bằng Thái Tổ Trường quyền, chiêu số lại đơn giản dễ nhớ. Nếu Điện hạ muốn luyện, lão nạp ... sẵn sàng truyền thụ.

- Hay lắm, ta muốn học ngay bây giờ. - Triệu Hoàn cười lớn.

Lão hòa thượng âm thầm cười khổ, lão chỉ nói có lệ mà thôi, không nghĩ đối phương gật luôn. Trường quyền học mãi không xong, còn ham Bạch Mi quyền?

Chỉ là, Bạch Mi quyền?

Năm xưa ở bìa rừng Chung Nam, Lăng Phong cứu Liễu Thanh Nghi, lão hòa thượng này âm thầm giao đấu với Trưởng lão Ma Môn, chỉ tiếc Phong ca bận bịu gái gú, không hề biết sự tồn tại của lão.

Bạch Mi lão nhân, trong võ lâm có thể coi nhân vật số một số hai, ngang hàng Toàn Chân giáo Vương Viễn Tri. Chỉ là xét về đồ đệ kém xa Vương Viễn Tri. Được cái lại là Thái tử, coi như cứu vãn mặt mũi cho lão sư.

Lão Bạch Mi cũng chính là một trong hai Đại Cung phụng cho Tống đình. Đây là một chức quan đặc biệt, có quan hàm nhị phẩm hẳn hoi, nhưng không phải thượng triều báo cáo gì, chỉ cần âm thầm bảo vệ an nguy cho Hoàng thất.

Đại Tống giai đoạn này trọng văn khinh võ, con cháu Hoàng gia hầu như không mấy người luyện võ, rất dễ bị "tổn thương". Mặc dù đã là Hoàng tử, nói vậy chả mấy ai dám chạm vào. Chẳng qua nhất vạn không sợ chỉ sợ vạn nhất. Ví như Hoàng tử ra đường chẳng may vấp phải hòn đá, tổn hại long thể, nói vậy nguyên khí quốc gia sẽ bị giảm sút nghiêm trọng. Vì vậy phải cần Cung phụng đi theo bảo kê.

Chức cung phụng này, ban đầu do thái giám tiếp quản. Đến đời Triệu Hoàn làm Thái tử, không hiểu sao lão Bạch Mi lại xuất hiện.

Tự cổ chí kim võ lâm và triều đình luôn đối lập. Cao thủ võ lâm, càng có tên tuổi càng khó phục vụ cho triều đình. Bản lĩnh càng cao, dã tâm càng sâu, tiền thuê cũng tốn kém. Thuê lão ta làm "vệ sĩ" cho Hoàng tử, chẳng may lão ám sát luôn Hoàng tử thì xong, chả ai ngăn kịp. Nói ngược lại, đã là cao thủ thường thích tự do tung hoành, cúi mình phục vụ triều đình ra giang hồ rất dễ bị ăn chửi, chả hay ho gì cho cam.

Thật không biết lão Bạch Mi vì điều gì mà động tâm?

Chỉ nghe lão hỏi Triệu Hoàn :

- Bức Bát Mỹ đồ, Điện hạ đã tìm được chưa?

- Ta đã hỏi qua. Chỉ tiếc, nó đã bị phụ hoàng tặng cho Tấn Vương, không còn cất giữ ở Long Đồ Các nữa. Chờ Tấn Vương hồi kinh, có thể hỏi hắn.

- Đáng tiếc ...

Triệu Hoàn không giấu nồi hiếu kỳ hỏi :

- Sư phụ, ngài tu hành, làm sao lại quan tâm mấy thứ đó như vậy?

Bạch Mi cười ha hả :

- Haha. Bát Mỹ đồ kia, kỳ thực chính là một tấm bản đồ kinh mạch.

- Bản đồ kinh mạch? Sư phụ chẳng phải bát mạch đều đã thông rồi sao?

- Lão nạp ... đương nhiên không cần, nhưng Điện hạ lại cần.

- Sư phụ dạy luôn cho ta không phải nhanh sao, còn cần nó làm gì?

Lão Bạch Mi ho khan, vội lấp liếm :

- Bát Mạch đồ chứa đựng tinh hoa, dùng lời khó lòng diễn đạt lại được.

Kỳ thực, lão ta còn chưa thấy Bát Mạch đồ kia bao giờ, làm sao biết nó tinh hoa chỗ nào?

Chẳng qua, người giỏi chưa chắc dạy được trò giỏi. Lão Bạch Mi tuy võ công cao cường, nhưng không có bằng cấp "sư phạm" nào. Trong đầu lão giờ này toàn là kiến thức "cao học", mấy thứ cơ bản như kinh mạch huyệt vị, lão ta hiểu nhưng không biết phải dạy Triệu Hoàn ra sao, chi bằng tìm một quyển bí kíp vứt cho hắn là nhanh nhất.

Triệu Hoàn lại thắc mắc :

- Lần trước sư phụ tìm Võ Lâm Mật Tịch gì đó, chỉ tiếc đúng lúc sứ đoàn đem đi mất. Hai thứ đó đều là đồ vật của cựu triều, sư phụ sao lại quan tâm đến vậy?

- Lão nạp chỉ hứng thú với võ học mà thôi, cũng không quan tâm thuộc triều đại nào.

Lão Bạch Mi vờ vuốt lông mày, trong lòng thầm hô đáng tiếc.

Lão vào cung cũng vì mấy thứ này, nhưng thứ quan trọng nhất vẫn chưa tìm ra, vì vậy mới không lộ liễu "động thủ".

Lão nghe nói gần đây Dương Thanh Phong để một đám nam nữ đệ tử xuống núi, cài cắm hẳn vào cung, xem ra có cùng "mục đích".

Bát Mạch Đồ, Võ Lâm Mật Tịch, nội dung là gì lão Bạch Mi không thèm để mắt đến. Cái lão quan tâm là tác giả của chúng, Minh Thái Tổ Chu Xán. Kho tàng của Chu Xán, có rất nhiều thứ đang nằm đâu đó trong cung.

Lại nói đến Chu Xán.

Hoàng đế xuất thân nông dân, suốt ngàn năm chỉ có hai người, Hán Cao Tổ Lưu Bang và Minh Thái Tổ Chu Xán. Đáng ra còn một người nữa, Chu Nguyên Chương. Chỉ là, triều Minh của Chu Nguyên Chương đã bị Chu Xán lập trước mất, xem ra thế giới này sẽ không có Chu Nguyên Chương nào nữa.

Có câu "con vua lại làm vua", ý tứ không chỉ ở chỗ vua cha chết thì vua con lên thay. Mà kể cả triều đại sụp đổ, kẻ muốn dựng cơ đồ cũng phải có tí "thân phận" mới được.

Địa vị tầm thường, không cách nào hiệu triệu thiên hạ. Lên ngôi xong, Hoàng đế nào cũng phải tìm cách "tô hồng bôi đen", che giấu xuất thân. Ví như Lưu Bang, nào "Thái hậu thụ thai với rồng sinh ra Cao Tổ", "Cao Tổ chém bạch xà dựng cờ đại nghiệp" gì đó, bởi ông ta e sợ thiên hạ không phục.

Chu Xán lại khác biệt, ông ta cũng xuất thân bần hàn, từng phải ăn xin qua ngày, về sau làm hẳn sơn tặc. Nhưng lên ngôi lại không thèm sửa sang gì, cứ để nguyên như thế, lý lịch trích ngang "bá đạo nhất" trong các Hoàng đế. Dòng đầu ăn xin, dòng thứ hai ăn cướp, dòng thứ ba Hoàng đế.

Không chỉ có thế, Chu Xán cũng là Hoàng đế có võ công vào hàng đệ nhất. Xưa nay cũng chỉ có hai người như vậy. Người còn lại là Hoàng Đế Hiên Viên.

Hiên Viên tận thời Thái Cổ, chuyện của ông ta đến 9 phần là thêu dệt, mang sắc thái quá thần thoại. Chu Xán thì khác, sử sách ghi chép vẫn còn nguyên ở đó. Tuy mặt nào Chu Xán cũng bị chê bai, chỉ riêng võ công là được công nhận. Nghe đâu trước khi lên ngôi, Chu Xán từng đại chiến quần hùng, xưng hẳn Võ lâm Minh chủ.

Có một thứ "bất thành văn" được người đời nghiệm ra. Đó là cao thủ võ lâm, rất khó làm được Hoàng đế. Có lẽ vì võ lâm và thiên hạ là hai thế giới khác biệt.

Mặc dù có câu "kẻ mạnh làm vua", nhưng chữ mạnh ở đây không phải hoàn toàn nghĩa đen.

Giống như Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ, dũng mãnh vô song, võ công cái thế. Nhưng chính vì quá vô đối, rút cục chỉ phù hợp đi solo, thích hợp làm tướng hơn làm vua. Mặc dù Hạng Vũ được người đời tôn làm anh hùng, rút cục lại là kẻ chiến bại.

Ngược lại, Lưu Bang "tiểu nhân vô lại", tài năng chẳng có mặt nào nổi bật, bù lại ông ta hiểu được "đạo làm vua", làm nên đại nghiệp. Người đời mắng Lưu Bang, không mấy ai hiểu vì sao ông ta lại làm vua được. Kỳ thực, chính vì không hiểu, bọn họ mới không thể làm vua.

Cũng giống như Tôn Ngộ Không, 72 phép thần thông, một mình đại náo thiên cung, cũng chỉ làm đến Hoa Quả sơn Đại Vương là hết, kết cục vẫn phải theo thờ một Tam Tạng "vô dụng".

Lăng Phong lông bang lang bang, ương ương dở dở, tuy khó làm anh hùng cái thế gì đó, nhưng không biết chừng như vậy mới có tương lai.

Tổng kết ngàn năm, mới chỉ có Chu Xán, đi con đường của một "cường giả" đích thực mà thành Hoàng đế.

Đáng nói hơn, cả Hiên Viên lẫn Chu Xán đều biến mất một cách bí ẩn. Có kẻ nói Chu Xán giống Hiên Viên, học được tiên thuật phi thăng. Có kẻ thêu dệt Chu Xán thành Ma Vương chuyển thế, dẫn dắt 108 Đại Ma đầu gì đó.

Một người mang trong nhiều truyền kỳ như vậy, đương nhiên thành trở thành "idol", "fan cuồng" rất đông. Đừng nói mấy bức Bát Mỹ Đồ nọ kia, chỉ sợ lúc còn sống Chu Xán mặc quần lót kiểu gì cũng có người muốn biết. Nói không xa, ngay cả lão Cố già như vậy vẫn còn sùng bái. Cứ rảnh rỗi lại đem "buổi chiều năm đó ta cùng Thái Tổ abcxyz" ra kể, khiến Lăng Phong nghe lỗ tai suýt mọc kén.

Có điều, nghiêm túc mà nói, quần lót của Chu Xán, liệu có khác người không?

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.