Máu Lạnh

Chương 12: Chương 12




Đang nhâm nhi cà phê nhân giờ nghỉ ở quán cà phê Hartman, bà Clare chánh bưu điện phàn nàn âm lượng rađiô mở bé. “Cho nó to lên đi nào,” bà nói.

Rađiô đang mở kênh phát thanh KIUL của Garden City. Bà nghe được mấy lời, “… sau khi nức nở đau đớn thú tội, Hickock nhô ra khỏi phòng thẩm vấn và té xỉu ở hành lang. Các nhân viên K.B.I. giữ lấy hắn khi hắn ngã xuống sàn. Các nhân viên dẫn lời Hickock nói hắn và Smith xâm nhập nhà Clutter mong tìm thấy một két sắt đựng ít nhất mười nghìn đô la. Nhưng không có két nào, cho nên chúng trói gia đình lại và lần lượt bắn từng người một. Smith không nhận cũng không chối là đã tham gia vụ án mạng.

Khi nghe nói Hickock đã ký vào một bản thú tội, Smith nói, “Tôi muốn xem bản của bồ tôi khai,” nhưng đề nghị này đã bị bác. Các cảnh sát từ chối cho hay Hickock hay Smith là người thực sự đã bắn các thành viên gia đình Clutter. Họ nhấn mạnh bản khai này chỉ là của Hickock. Nhân viên K.B.I. đưa hai gã này quay về Kansas, họ rời Las Vegas bằng xe hơi. Dự kiến họ sẽ về đến Garden City vào sẩm tối thứ Tư. Trong khi đó, ông chưởng lý hạt West…”

“Lần lượt từng người,” bà Hartman nói. “Cứ tưởng tượng xem. Tôi không tin là cái đồ lưu manh đó mà lại ngất được.”

Những người khác trong quán - bà Clare, bà Mabel Helm và một chủ trại trẻ tuổi lực lưỡng vừa ghé lại mua một bìa thuốc lá nhai hiệu Con lừa - cứ lầm bà lầm bầm. Bà Helm đắp lên mắt một mảnh khăn ăn. “Tôi chả nghe đâu,” bà nói. “Tôi không được phép nghe, tôi chả nghe đâu.”

“… tin về vụ phá án nhận được rất ít phản ứng ở thị trấn Holcomb, cách nhà Clutter chừng nửa dặm… Nói chung, dân thị trấn ở cái cộng đồng hai trăm bảy chục người này đã tỏ ra nguôi dịu…”

Người chủ trại trẻ huýt gió. “Nguôi dịu! Có biết là đêm qua vợ tôi sau khi nghe tin trên ti vi đã làm sao không? Khóc ầm lên như một đứa bé vậy.”

“Suỵt,” bà Clare nói. “Tôi đây này.”

“… và bà chánh bưu điện ở Holcomb, bà Myrtle Clare nói dân chúng ở đây rất vui là vụ án đã được phá, nhưng một số bà con vẫn cảm thấy rằng còn có những người khác dính líu nữa. Bà nói hiện giờ nhiều người vẫn cứ khóa chặt cửa và súng ống kè kè…”

Bà Hartman cười to. “Ôi Myrt ơi!” bà nói. “Bà nói với ai vậy?”

“Một phòng viên của tờ Điện tín.”

Những ông có quen biết bà Clare, nhiều người trong số đó xưa nay vẫn đối xử với bà như với đàn ông. Người chủ trại phát vào lưng bà một cái mà nói, “Chà Myrt, bà bạn ơi. Không phải bà vẫn nghĩ là một người trong chúng tôi - một ai đó quanh đây - có liên quan đến vụ đó chứ?”

Nhưng dĩ nhiên đó là điều bà Clare nghĩ, và tuy trước nay bà thường không bị đơn độc trong ý kiến của mình song lần này không có ai ủng hộ bà, vì phần lớn dân Holcomb, đã sống suốt bảy tuần giữa những tin đồn vô bổ, trong sự mất lòng tin và nghi ngại lẫn nhau, đã tỏ ra thất vọng khi nghe nói kẻ giết người không phải là dân ở đây. Quả thế, phần lớn không chịu chấp nhận việc hai kẻ lạ mặt, hai đứa ăn cắp ở đâu đâu lại là thủ phạm duy nhất. Như bà Clare nhận xét, “Có thể mấy thằng đó có làm thật. Nhưng còn kẻ khác nữa đấy. Chờ xem. Hôm nào đấy họ sẽ khoắng tới đây, và chừng đó họ sẽ khui ra cái đứa đứng ở đằng sau. Cái đứa nào muốn gạt ông Clutter khỏi đường đi của nó. Cái đứa đầu não ấy.”

Bà Hartman thở dài. Bà hy vọng bà Clare sai. Rồi bà Helm nói, “Tôi chỉ mong họ giam chặt chúng nó lại. Biết chúng nó ở gần đây là tôi cảm thấy chả yên tâm thoải mái tí nào.”

“Ồ thưa bà, tôi nghĩ bà không phải lo lắng đâu,” người chủ trại trẻ tuổi nói. “Bây giờ thì mấy đứa kia chúng nó sợ ta nhiều hơn là ta sợ chúng nó ấy chứ.”

Trên một xa lộ bang Arizona, một đoàn hai xe đang phóng vun vút qua vùng đất ngải đắng - các quả đồi đĩnh phẳng như mặt bàn đầy chim ó, rắn đuôi chuông và những tảng đá đỏ dựng cao chất ngất. Dewey lái xe trước, Perry Smith ngồi cạnh ông, Duntz ở ghế sau. Smith bị còng tay, còng số tám buộc vào thắt lưng an toàn bằng một đoạn xích ngắn - kiểu bố trí này hạn chế cử động của hắn quá đến mức hắn không thể hút thuốc được nếu không có người giúp. Khi hắn muốn hút thuốc, Dewey phải châm cho hắn rồi đặt vào giữa hai môi hắn, một nhiệm vụ mà ông cảm thấy “kinh tởm”, vì nó có vẻ như một hành vi thân thiết - loại hành vi mà ông từng làm khi tán tỉnh vợ ông.

Nói chung, người tù không để ý đến những người canh giữ hắn cũng như ý định thường trực của họ là khiêu khích hắn bằng cách nhắc lại lời thú tội được ghi âm dài cả giờ của Hickock: “Hắn nói hắn đã muốn ngăn anh lại đấy, Perry. Nhưng không được. Nói hắn sợ anh còn bắn cả hắn nữa,” và “Vâng, thưa ông Perry. Tội vạ là ở ông hết. Chính Hickock nói, đến một con rận chó hắn còn không có khả năng làm hại nữa cơ.” Chẳng có cách nào làm cho Smith bị kích động cả - bề ngoài thì vậy. Hắn tiếp tục ngắm cảnh, đọc những bài thơ dở ẹc của Burma-Shave, đếm xác những con chồn hôi bị bắn, vắt lên hàng rào trại chăn nuôi như đồ trang điểm.

Không tính trước tới bất cứ một câu trả lời nào đặc biệt, Dewey nói, “Hickock bảo chúng tôi anh là một kẻ sát nhân bẩm sinh. Bảo là giết người chẳng làm anh thấy băn khoăn gì hết. Bảo là có lần ở Las Vegas ấy, anh đã cho đi đời một người da màu bằng một dây xích xe đạp. Quật đến chết người ta. Cho vui thôi.”

Dewey ngạc nhiên thấy người tù thở hổn hển. Hắn vặn vẹo trên ghế cho đến khi nhìn thấy chiếc xe thứ hai qua khung kính sau xe, nhìn thấy bên trong nó: “Cái thằng mất dạy!” Quay lại, hắn nhìn đăm đăm vào vạt đường xa lộ tối xuyên qua sa mạc. “Tôi cứ nghĩ đấy là mánh của các ông cơ. Tôi đã không tin các ông. Rằng thằng Dick đã phun ra. Thằng mất dạy! Ồ, đúng là một thằng vô liêm sỉ. Sẽ chẳng làm hại đến cả một con rận chó. Chỉ chẹt chết chó thôi.” Hắn nhổ. “Tôi chưa giết một thằng mọi nào bao giờ.” Duntz tán thành với hắn; đã nghiên cứu hồ sơ về những vụ giết người chưa được phá ở Las Vegas, ông biết Smith vô tội trong cái vụ đặc biệt này. “Tôi chưa giết thằng mọi nào bao giờ. Nhưng nó nghĩ ra như thế. Tôi vẫn biết giả sử chúng tôi bị bắt, giả sử Dick phun ra, bao nhiêu ruột gan cho rơi xuống sàn nhà hát thì tôi biết là thế nào nó cũng sẽ nói đến chuyện thằng mọi.” Hắn lại nhổ. “Vậy là thằng Dick sợ tôi hả? Buồn cười thật đấy. Buồn cười quá. Điều nó không biết là tôi suýt nữa đã bắn nó rồi!”

Dewey châm hai điếu thuốc, một cho mình, một cho người tù. “Nói về chuyện đó cho chúng tôi nghe đi, Perry.” Smith nhắm mắt lại hút, và giải thích. “Tôi đang nghĩ đây. Tôi muốn nhớ lại xem đúng ra thì nó vốn dĩ thế nào.” Hắn dừng một lát. “Ừ, tất cả bắt đầu từ một bức thư tôi nhận được khi ở ngoài kia, tại Buhl, Idaho. Tháng Chín hay tháng Mười gì đó. Thư của Dick, nó nói đang có một món hời. Vào cầu lắm. Tôi không trả lời, nhưng nó lại viết nữa, giục tôi về Kansas đi cùng với nó. Nó không nói loại cầu gì. Chỉ nói là ‘một món hời ăn chắc’. Giờ chuyện đã đến thế này thì tôi nói quách, tôi có một lý do khác nữa để muốn trở lại Kansas cùng thời gian đó. Một chuyện cá nhân từ lâu một mình tôi biết - chẳng dính dáng gì đến cái khác. Nếu không như thế thì tôi đã không trở lại đấy. Nhưng tôi đã trở lại. Và Dick đã gặp tôi tại trạm xe buýt ở Kansas City. Chúng tôi lái xe tới trại bố mẹ nó ở. Nhưng họ không muốn cho tôi ở đó. Tôi rất nhạy, tôi thường biết được người ta cảm thấy thế nào.”

“Giống ông,” ý hắn muốn chỉ Dewey, nhưng không nhìn vào ông. “Ông ghét phải đưa tôi thuốc lá. Đó là việc của ông. Tôi không trách ông. Tôi cũng không trách gì mẹ của Dick. Sự thật thì bà ta là người đáng mến lắm. Nhưng bà ta biết tôi là cái gì - một thằng mới ở khám ra - nên bà ta không muốn tôi ở trong nhà bà ta. Lạy Chúa, được ra ngoài khách sạn thì sướng quá. Dick đưa tôi đến một khách sạn Olathe. Chúng tôi mua ít bia đem lên buồng, và lúc đó Dick mới nói phứt ra cái nó nghĩ trong đầu. Nó nói sau khi tôi rời Lansing, nó đã ở chung xà lim với một người từng làm việc cho một nhà trồng lúa mì giàu có ở tận miền Tây Kansas, ông Clutter. Dick vẽ sơ đồ nhà Clutter cho tôi xem. Nó biết hết cái gì ở đâu - cửa, sảnh, phòng ngủ. Nó bảo một trong các phòng tầng trệt được dùng làm văn phòng và trong văn phòng có một cái két - cái két ẩn trong tường. Nó bảo ông Clutter cần két vì ông ấy luôn luôn giữ những khoản tiền mặt lớn. Không bao giờ dưới nghìn đô la. Kế hoạch là ăn cắp cái két, và nếu như chúng tôi bị phát hiện, chà, bất cứ ai phát hiện ra chúng tôi thì đều phải cho đi cả. Dick phải nói đến hàng triệu lần: ‘Không để sót nhân chứng’.”

Dewey nói, “Hắn nghĩ có thể có bao nhiêu nhân chứng? Tôi muốn nói hắn tính tìm thấy bao nhiêu người ở trong nhà Clutter?”

“Đó là điều lúc đó tôi muốn biết. Nhưng nó không nắm chắc. Ít nhất bốn người. Có thể sáu. Và có thể gia đình lại mời khách nữa. Nó nghĩ chúng tôi nên chuẩn bị đối phó với mười hai người.”

Dewey ừ hữ, Duntz huýt sáo và Smith mỉm cười nhợt nhạt nói thêm. “Tôi cũng nghĩ thế. Hình như thế thì hơi khó chơi. Mười hai người. Nhưng Dick bảo đây là một cú ăn chắc. Nó nói, “Chúng ta sẽ vào đó và hất tung tóe tóc lên tường một phen!” Với tâm trạng tôi lúc đó, tôi cứ để cho mình buông theo. Nhưng tôi cũng - thật thà mà nói - tin cậy Dick; nó làm tôi phục nó về đầu óc rất thực tế, kiểu đàn ông cứng rắn và tôi thì cũng cần tiền như nó. Tôi muốn có tiền rồi đi Mexico. Nhưng tôi hy vọng có thể làm mà không phải dùng đến bạo lực. Tôi thấy nếu như chúng tôi đeo mặt nạ vào thì chắc là được. Chúng tôi cãi nhau về chuyện này. Trên đường tới đó, tới Holcomb, tôi đã muốn đứng lại mua ít bít tất dài bằng lụa đen để chụp lên mặt. Nhưng Dick cảm thấy đeo mặt nạ vẫn cứ có thể bị nhận ra. Vì mắt nó kém. Rốt cuộc thì chúng tôi cũng vào thương xá Emporia...”

Duntz nói, “Perry, từ từ. Anh nhảy bỏ quãng rồi. Hãy lùi lại Olathe. Các anh rời đó đi lúc nào?”

“Một giờ. Một rưỡi. Chúng tôi rời đi đúng ngay sau bữa trưa và lái tới thương xá Emporia. Chúng tôi mua ở đấy ít găng tay cao su và một cuộn thừng. Dao và súng, đạn - Dick đã đem tất cả từ nhà nó theo. Nhưng nó lại không muốn đi tìm bít tất dài đen. Thành ra gần như tranh cãi. Ở đâu đó cạnh thương xá Emporia, chúng tôi đi qua một bệnh viện Cơ đốc giáo, tôi thuyết phục nó đỗ lại vào trong đó thử mua của các bà nữ tu vài đôi bít tất dài đen. Tôi biết đám nữ tu sĩ đi thứ đó. Nhưng nó chỉ vào cho có thôi. Nó đi ra rồi bảo họ không bán. Tôi chắc chắc nó không hỏi và nó cũng thú thật là không hỏi; nó bảo cái ý đó thối lắm - các nữ tu sĩ có thể bảo nó điên. Thế là chúng tôi không dừng lại nữa cho tới Quẹo Lớn. Chúng tôi mua băng dính ở đó. Ăn tối ở đó, một bữa tú ụ. Khiến tôi buồn ngủ. Khi tôi thức dậy thì vừa tới Garden City. Trông y như một thị trấn chết cứng rồi ấy. Chúng tôi mua xăng ở một trạm xăng…”

Dewey hỏi liệu hắn có nhớ là trạm nào không.

“Chắc là một trạm Philips 66.”

“Lúc đó mấy giờ?”

“Khoảng nửa đêm, Dick bảo còn cách Holcomb hơn bảy dặm. Suốt đoạn đường còn lại, nó cứ nói một mình, nói chắc là ở đây, chắc là ở kia - theo những chỉ dẫn mà nó còn nhớ được. Tôi khó nhận ra khi chúng tôi đi ngang qua Holcomb, nó chỉ là một khu định cư bé tí thôi mà. Chúng tôi băng qua một đường xe lửa. Thình lình Dick nói, “Đây rồi, nhất định là đây rồi.” Đó là lối vào một con đường riêng, cây trồng hai bên. Chúng tôi giảm tốc độ và tắt hết đèn xe. Không cần đèn. Vì có trăng, trên trời chẳng có một thứ gì hết - không một sợi mây, chẳng gì cả. Chỉ trăng tròn vành vạnh. Y như giữa ban ngày, và khi chúng tôi bắt đầu đi vào con đường thì Dick nói, ‘Nhìn xem cái dinh cơ bề thế kìa! Các nhà kho! Ngôi nhà! Đừng bảo tớ là thằng cha đó không có gì chất ở trong nhà đấy nhá.’ Nhưng tôi không thích cái phi vụ này, cái không khí này, kiểu như là nó quá nguy nga vậy. Chúng tôi đỗ xe ở dưới một bóng cây. Trong khi chúng tôi đang ngồi ở đó thì một ánh đèn pin bật lên - không phải ở trong tòa nhà chính mà là một cái nhà có lẽ ở cách đó một trăm mét về tay trái. Dick nói đó là nhà của người làm thuê, nó biết nhờ các sơ đồ. Nhưng nó nói cái nhà chết tiệt này lại gần nhà Clutter hơn nó tưởng. Rồi ánh sáng ấy tắt. Ông Dewey ạ, nhân chứng mà ông nhắc đến. Có phải cái người ông muốn nói đấy không - người làm thuê ấy?”

“Không. Ông ta không nghe thấy gì hết. Nhưng vợ ông ấy đang phải trông trẻ ốm. Bà ấy bảo nhà kia cứ lịch kịch cả đêm.”

“Trẻ ốm. À, tôi nghĩ ra rồi. Trong khi chúng tôi còn ngồi ở đó, nó lại xảy ra lần nữa - một ánh đèn lóe lên rồi tắt. Và cái đó làm tôi thật khó chịu. Tôi bảo Dick đừng tính cả tôi nữa. Nếu nó quyết cứ làm tới thì nó làm lấy một mình. Nó mở máy xe, chúng tôi đang rời đi thì tôi nghĩ, lạy Chúa, tôi luôn luôn tin ở linh cảm của mình; nó cứu mạng tôi nhiều lần rồi. Nhưng đi ra được nửa đường Dick dừng xe lại. Nó đang đau như hoạn. Tôi có thể thấy nó đang nghĩ gì, Đây, mình đã dựng nên cú vào cầu lớn đến thế này, đây ta đã đi ngần ấy bước này, thế mà thằng ma cô này lại cáy muốn chuồn. Nó nói, “Mày nghĩ tao không có gan làm chuyện đó một mình. Nhưng thề có Chúa, tao sẽ cho mày xem thằng nào gan thằng nào không.” Có một ít rượu mạnh ở trong xe. Chúng tôi mỗi đứa uống một ngụm và tôi bảo nó, “O.K, Dick. Tớ đi với cậu.” Thế là quay lại. Đỗ xe ở chỗ lúc nãy. Dưới bóng một cái cây. Dick đi găng tay vào, tôi thì đã đi xong rồi. Nó mang con dao và cái đèn pin. Tôi cầm khẩu súng. Ngôi nhà nom có vẻ ghê gớm trong ánh trăng. Nom trống không, tôi nhớ mình đã hy vọng đừng có ai ở trong đó cả…”

Dewey hỏi, “Nhưng anh có thấy một con chó?”

“Không.”

“Gia đình ấy có một chó già sợ súng. Chúng tôi không hiểu tại sao nó lại không sủa. Trừ phi nó trông thấy một khẩu súng mà chạy biệt.”

“À, tôi không thấy một cái gì hay ai sất. Cho nên tôi mới không tin như thế. Về một người chứng kiến.”

“Không phải chứng kiến. Nhân chứng. Một người mà lời khai gộp được anh và Hickock vào với vụ án này.”

“Ô, u hu. U hu. Hắn ta. Thế mà Dick cứ bảo rằng nó quá sợ rồi đấy. Ha ha!”

Duntz không bị đánh lạc hướng, anh nhắc lại, “Hickock có con dao. Anh thì súng. Các anh vào nhà bằng cách nào?”

“Cửa không khóa. Một cái cửa bên. Nó dẫn chúng tôi vào văn phòng ông Clutter. Chúng tôi chờ trong bóng tối. Nghe ngóng. Nhưng chỉ có tiếng gió. Có cơn gió nhẹ thổi bên ngoài. Nó làm cây cối lay động, ta nghe được tiếng lá xào xạc. Cửa sổ duy nhất được che bằng cửa chớp đóng mở bằng dây kéo, nhưng ánh trăng lọt vào. Tôi hạ chớp cửa xuống, và Dick bật đèn pin lên. Chúng tôi thấy cái bàn giấy. Cái két được cho là ở trong tường ngay đằng sau bàn giấy, nhưng chúng tôi tìm không thấy. Tường thì lát ván gỗ, có những bản đồ đóng khung và sách, trên một cái giá tôi để ý thấy một cái ống nhòm rất oách. Tôi quyết định sẽ lấy nó khi chúng tôi rời khỏi đấy.”

“Có lấy không?” Dewey hỏi vì không ai báo mất ống nhòm.

Smith gật đầu. “Chúng tôi đã bán nó ở Mexico.”

“Rồi. Nói tiếp đi.”

“À, khi chúng tôi tìm không ra cái két, Dick bèn tắt đèn pin và chúng tôi đi trong tối ra khỏi văn phòng qua một phòng khách nhỏ, một phòng khách to. Dick nói thầm bảo tôi không đi khẽ hơn được à. Nhưng nó đi cũng ầm như thế. Mỗi bước đi là một bước lo. Chúng tôi đến một gian sảnh và một cái cửa rồi, nhớ lại bản sơ đồ, Dick nói đấy là phòng ngủ. Nó bấm đèn và mở cửa. Một người đàn ông nói, ‘Cưng hả?’ Ông ta đang ngái ngủ, và ông ta chớp mắt nói, ‘Em đấy phải không cưng?’ Dick hỏi, ‘Ông là ông Clutter?’ Giờ thì ông ta tỉnh hẳn rồi, bèn ngồi dậy nói. ‘Ai đấy? Anh muốn gì?’ Dick bảo, rất lịch sự, tựa như chúng tôi là hai anh đi rao hàng tận nhà. ‘Chúng tôi muốn nói chuyện với ông. Trong phòng làm việc của ông, xin mời.’ Và ông Clutter, chân không, mặc mỗi bộ pijama liền đi với chúng tôi sang phòng làm việc, chúng tôi bật đèn ở đó lên.

Cho đến lúc đó, ông vẫn chưa nhìn được rõ chúng tôi lắm. Tôi nghĩ khi nhìn thấy thì ắt là ông choáng lắm. Dick nói, ‘Bây giờ, thưa ngài, chúng tôi chỉ muốn ngài chỉ cho chúng tôi cái két ngài giữ ở đâu.’ Nhưng ông Clutter nói, ‘Két nào?’ Ông ta nói không có két nào sất. Ông ta có cái kiểu bộ mặt như thế. Tôi biết ngay bất cứ cái gì ông ta nói đều là sự thật mười mươi cả. Nhưng Dick quát ông ta, ‘Đừng nói dối, đồ chó đẻ! Tôi biết tỏng là ông có một cái két.’ Cảm tưởng của tôi là chưa ai nói với ông Clutter như thế bao giờ. Nhưng ông nhìn thẳng vào mặt Dick và bảo nó, rất nhẹ nhàng - nói, chà, ông ta rất tiếc nhưng thật tình là ông không có két nào cả. Dick đập đập con dao vào ngực ông ta nói. ‘Chỉ cho bọn tôi chỗ cái két không thì sẽ bị rầu hơn đấy.’ Nhưng ông Clutter... ồ, ông có thể thấy ông ta sợ như thế nào, nhưng giọng ông vẫn nhỏ nhẹ ôn tồn, ông vẫn cứ chối là không có két.

Vào trong đấy được đâu chừng một lát thì tôi thấy cái điện thoại. Cái ở trong văn phòng. Tôi giật đứt dây đi. Và tôi hỏi ông Clutter có còn cái điện thoại nào trong nhà không. Ông ta bảo có một cái ở trong bếp. Thế là tôi cầm đèn pin vào trong bếp - từ văn phòng đến đó cũng xa đấy. Khi tìm thấy điện thoại, tôi nhấc ống nghe ra và cắt dây bằng một cái kìm. Rồi quay lại, tôi nghe thấy một tiếng động. Một tiếng kẹt ở trên đầu. Tôi dừng lại ở chân cầu thang lên tầng hai. Tối om, mà tôi lại không dám dùng đèn pin. Nhưng tôi biết là có người ở đó. Trên cầu thang, bóng hiện lên nền cửa sổ. Một hình người. Rồi nó đi khuất.”

Dewey nghĩ đó chắc là Nancy. Trên cơ sở chiếc đồng hồ vàng nhét vào trong mũi giày để trong tủ con của cô, ông vẫn lập luận rằng Nancy đã thức giấc, nghe thấy có người ở trong nhà, nghĩ có thể là kẻ trộm, bèn giấu chiếc đồng hồ, món tài sản quý giá nhất của cô đi.

“Tôi đoán có thể đây là một người nào đó có súng. Nhưng Dick chẳng thiết nghe tôi. Nó đang bận đóng vai thằng lưu manh dữ dằn. Đẩy ông ta đi khắp. Bây giờ nó đã điệu ông ta về phòng ngủ. Nó đếm tiền trong ví ông ta. Có khoảng ba chục đô la. Nó vất cái ví lên giường rồi bảo ông Clutter, ‘Ông phải có nhiều tiền hơn thế này ở trong nhà chứ. Giàu như ông cơ mà. Sống trong dinh cơ rộng như thế này cơ mà.’ Ông Clutter nói đó là tất cả tiền mặt ông có, giải thích rằng ông luôn luôn chỉ dùng séc thanh toán các món. Ông bảo sẽ viết một khoản tiền vào séc cho chúng tôi. Dick nổi cáu lên ngay - ‘Ông nghĩ chúng tôi là những thằng ngu hay sao hả?’ - và tôi nghĩ chắc Dick sẵn sàng đập ông ta rồi nên tôi bèn nói, ‘Dick, nghe tớ. Có ai đó thức ở trên gác đấy.’ Ông Clutter bảo chúng tôi người ở trên gác chỉ có vợ ông ta, cậu con trai và cô con gái. Dick muốn biết liệu vợ ông ta có tiền không và ông ta nói nếu có thì cũng ít lắm, vài đô la, rồi ông ta đề nghị chúng tôi - đúng là kiểu như suy sụp - xin đừng làm phiền bà ta vì bà ta là người tàn phế bị ốm nặng lâu nay rồi. Nhưng Dick cứ đòi lên gác. Nó bắt ông Clutter dẫn đi.

Đến chân cầu thang ông Clutter bật đèn thắp sáng gian sảnh bên trên và trong khi chúng tôi lên gác ông ta nói, ‘Tôi không hiểu tại sao các anh lại muốn làm như thế. Tôi chưa bao giờ làm hại gì các anh. Tôi chưa bao giờ biết các anh.’ Dick bèn bảo ông, ‘Câm! Khi chúng tao cần mày nói, chúng tao sẽ bảo.’ Không có ai ở trong gian sảnh trên gác, tất cả các cửa đều đóng. Ông Clutter chỉ hai phòng mà ông nghĩ là con trai với con gái ông ngủ rồi mở cửa buồng vợ ra. Ông bật đèn bên cạnh giường lên và bảo bà, ‘Không sao cả, cưng. Đừng sợ. Những người này, họ muốn ít tiền.’ Bà vợ là một phụ nữ yếu ớt, mảnh khảnh mặc bộ váy ngủ dài màu trắng. Ngay khi mở mắt, bà liền khóc. Bà ta bảo chồng. ‘Anh, em chẳng có tiền đâu.’ Ông ta nắm bàn tay vợ, khe khẽ vỗ. ‘Thôi nào, đừng khóc, cưng. Chẳng có gì phải sợ mà. Anh đã đưa những người này tất cả số tiền anh có. Nhưng họ muốn nhiều hơn thế. Họ tin là chúng ta có cái két sắt ở trong nhà. Anh bảo họ là không có.’ Dick giơ tay lên, tựa như sắp đánh ngang miệng ông ta. Nó nói, ‘Tao chẳng bảo là câm à?’ Bà Clutter nói, ‘Nhưng chồng tôi nói với các ông sự thật của Chúa đấy. Không có cái két nào đâu.’ Và Dick trả lời, ‘Tao biết chắc chắn chúng mày có cái két. Tao sẽ tìm ra nó trước khi đi khỏi đây. Đừng có lo là tao sẽ không tìm thấy.’ Rồi nó hỏi bà ta giữ ví tiền ở đâu. Cái ví tiền ở trong ngăn kéo bàn giấy. Dick lật ngược cái ví ra. Chỉ tìm thấy ít tiền lẻ và một hai đô la. Tôi ra hiệu bảo nó đi vào hành lang. Tôi muốn thảo luận về tình hình này. Cho nên chúng tôi ra ngoài và tôi nói...”

Duntz ngắt lời hắn để hỏi ông bà Clutter liệu có nghe được chúng không.

“Không. Chúng tôi ở ngay bên ngoài cửa cho nên vẫn trông chừng được họ. Nhưng chúng tôi nói thầm. Tôi bảo Dick, ‘Họ nói thật đấy. Người nói dối là thằng Floyd Wells bạn cậu. Không có cái két nào đâu. Thôi, phới mẹ nó khỏi đây cho rồi.’ Nhưng Dick xấu hổ quá không dám đối mặt với sự thật này. Nó bảo không thể tin được họ chừng nào chưa lục khám cả nhà. Nó bảo việc cần làm bây giờ là trói họ lại rồi bỏ thì giờ đi tìm. Không cãi nhau được với nó đâu, nó đang hăng lắm. Cái vinh quang được định đoạt số phận mọi người, chính cái đó đã kích động nó. Ừ, có một cái buồng tắm ở gần cửa buồng bà Clutter. Ý chúng tôi lúc đó là khóa nhốt họ lại ở trong đó rồi đánh thức bọn con dậy cho vào đó, xong thì đưa lần lượt từng người ra trói ở những nơi khác nhau trong nhà. Và khi ấy, Dick nói, khi nào tìm ra cái két rồi thì chúng ta sẽ cắt cổ họ. Không bắn được đâu, nó nói - bắn thì ầm lắm.”

Perry nhăn mặt, xoa xoa đầu gối bằng hai bàn tay bị còng. “Cho tôi nghỉ một tí. Vì sự việc đến đây trở nên hơi rắc rối chút. Tôi nhớ. Phải, phải. Tôi lấy một cái ghế tựa ra khỏi gian sảnh đem nhét vào trong buồng tắm. Để cho bà Clutter có thể ngồi được. Vì thấy bà ta là người tàn phế mà. Khi chúng tôi nhốt họ lại, bà Clutter khóc bảo chúng tôi. ‘Xin đừng làm cho ai bị làm sao cả. Xin đừng làm gì bọn trẻ.’ Chồng bà quàng tay vào bà, nói đại khái như là, ‘Em ơi, những anh bạn này không làm ai bị làm sao cả đâu. Họ chỉ cần lấy tiền thôi mà.’

Chúng tôi vào phòng thằng con trai. Nó đã dậy. Nằm đờ như sợ quá không động đậy nổi. Dick bảo nó dậy nhưng nó không dậy, hoặc là dậy không đủ nhanh, thế là Dick đấm nó một cái, lôi nó ra khỏi giường, tôi liền nói, ‘Dick, không cần phải đánh nó.’ Rồi tôi bảo thằng nhỏ - nó mặc có mỗi cái áo ba lỗ - mặc quần vào. Nó mặc một quần jeans màu xanh vào, và chúng tôi vừa nhốt nó vào buồng tắm thì đứa con gái ló ra - đi ra khỏi buồng nó. Nó đã mặc quần áo đâu ra đó, như đã dậy được một lúc rồi. Nó mang tất đi dép, mặc kimono, lại còn đeo băng đô trên tóc. Nó cố mỉm cười. Nói, ‘Trời đất, cái gì thế này? Đùa gì thế?’ Tuy nhiên tôi cho rằng nó chẳng nghĩ đây là đùa đâu. Đâu có nghĩ thế được sau khi Dick đã mở cửa buồng tắm xô nó vào...”

Dewey hình dung ra gia đình Clutter lúc đó: cả nhà bị nhốt giữ, dễ bảo và sợ hãi nhưng chưa hề có linh cảm gì về số phận của mình. Herb không thể ngờ, vì nếu ngờ thì ông đã chống lại. Ông hiền nhưng khỏe và không hèn. Người bạn Alvin Dewey của ông tin chắc chắn rằng ông sẽ chiến đấu đến chết để bảo vệ mạng sống của Bonnie và hai đứa con mình.

“Dick đứng canh ở ngoài buồng tắm trong khi tôi lục lọi. Tôi lần mò trong phòng của đứa con gái, tìm thấy một ví tiền - giống như cái ví của búp bê. Bên trong có một đồng đô la bạc. Không biết sao nó lại rơi ra và lăn qua sàn. Lăn xuống gầm một cái ghế. Tôi phải bò bằng đầu gối. Và chính lúc đó tôi đã không còn bình tĩnh nữa. Như là nhìn thấy mình trong một bộ phim ngu xuẩn nào. Tôi thấy tởm. Thằng Dick toàn nói chuyện cái két sắt của một nhà giàu sụ trong khi tôi đây hiện đang bò ẹp bụng để lấy cắp một đồng đô la của một đứa nhãi. Một đô la. Mà tôi đang bò sát bụng xuống để lấy cho được.”

Perry ôm hai đầu gối, hỏi xin aspirin, cảm ơn Duntz đã cho hắn một viên, nhai viên thuốc và lại bắt đầu nói. “Nhưng tại mình thôi. Lực mình thế nào thì mình được thế ấy. Tôi cũng lần cả buồng thằng con trai. Không một xen. Nhưng có một cái rađiô xách tay ở đó, tôi quyết định lấy nó. Rồi tôi nhớ đến cái ống nhòm đã nhìn thấy trong phòng làm việc của ông Clutter. Tôi xuống gác để lấy. Tôi mang ống nhòm và cái rađiô ra ngoài xe. Trời lạnh, khí lạnh cùng với gió rất dễ chịu. Trăng sáng đến mức có thể nhìn xa tới hàng dặm được. Và tôi nghĩ: Tại sao mình lại không phới đi nhỉ? Đi bộ lên xa lộ, nhờ một chuyến xe. Tôi thề có Giê-su là không còn muốn quay về cái nhà đó nữa. Thế nhưng - giải thích làm sao được nhỉ? Cứ như tôi không dính gì đến cái chuyện này. Như là tôi đang đọc một quyển sách vậy. Tôi phải biết cái gì sắp xảy tới. Cái kết thúc. Cho nên tôi quay lên gác. Và bây giờ, ừm, đấy là lúc chúng tôi trói họ lại. Ông Clutter trước, chúng tôi gọi ông ấy ra ngoài buồng tắm và tôi trói tay ông lại. Rồi tôi áp giải ông đi xuống dưới tầng hầm...”

Dewey nói, “Một mình và không vũ khí?”

“Tôi có con dao.”

Dewey nói, “Nhưng Dick ở lại trên gác để canh à?”

“Để giữ cho họ yên. Muốn gì tôi cũng chẳng cần giúp. Tôi cả đời làm việc với dây thừng rồi.”

Dewey nói, “Anh có dùng đèn pin không hay là bật đèn ở tầng hầm lên?”

“Bật đèn. Tầng hầm chia ra làm hai phần. Một phần hình như là phòng chơi. Tôi mang ông ấy sang phần kia, phòng sưởi. Tôi thấy có cái thùng các tông to dựa vào tường. Thùng đựng đệm giường. Ừm, tôi thấy không cần phải bảo ông ấy nằm trên sàn nhà lạnh làm gì cho nên tôi kéo cái thùng đựng đệm lại, trải ra cho phẳng và bảo ông ấy nằm lên.”

Người lái xe, qua kính chiếu hậu, liếc đồng nghiệp, bắt được mắt ông và mắt Duntz liền khẽ gật, tựa như góp chuyện. Từ trước tới nay Dewey vẫn lập luận rằng cái thùng đựng đệm được đặt trên sàn để cho ông Clutter thoải mái dễ chịu, và, để ý tới những cái lặt vặt tương tự, các mẩu vụn vặt của những gì cho thấy có một tình thương nực cười và bất thường, Dewey đã suy đoán rằng ít nhất trong những tên sát nhân đã có một đứa không phải là hoàn toàn táng tận lương tâm.

“Tôi trói chân ông ấy rồi buộc vào với tay. Tôi hỏi thít quá không, ông ấy bảo không, nhưng nói xin chúng tôi để bà vợ yên. Không cần phải trói bà ấy - bà ấy chẳng còn kêu la hay cố chạy ra khỏi nhà đâu. Ông ấy nói bà ấy ốm đã hàng năm nay, vừa mới khá lên được tí chút, nhưng một cái vụ như thế này sẽ làm cho bà ấy ốm lại mất. Tôi biết đây chẳng phải chuyện đáng buồn cười gì nhưng tôi không thể nhịn được. Ông ta nói ‘ốm lại’, thế cơ chứ.

Sau đó, tôi đưa thằng con trai xuống. Thoạt đầu tôi để nó ở cùng với bố. Trói tay nó vào cái ống dẫn hơi nước nóng trên đầu. Rồi tôi thấy như thế không được chắc lắm. Biết đâu nó gỡ ra được và cởi trói cho ông già, hoặc ngược lại. Cho nên tôi cắt dây hạ nó xuống, đưa nó sang phòng chơi, có một cái đi văng nom chắc chắn. Tôi trói chân nó vào chân đi văng, trói tay nó lại rồi vòng thừng lên làm một cái nút thòng lọng quanh gáy nó, để nếu nó giằng thì nó sẽ bị thắt lại. Một lần, trong khi tôi đang trói, tôi để con dao lên cái - ừm, một cái tủ bằng gỗ sồi mới đánh véc ni xong; cả gian hầm sặc mùi véc ni - thì nó bảo tôi đừng để dao ở đó. Cái tủ là món quà cưới nó tự làm lấy cho một người nào đó. Một người chị, tôi nhớ là nó nói thế. Ngay lúc tôi đi ra, nó bị ho nên tôi nhét luôn một cái gối xuống dưới đầu nó. Rồi tôi tắt đèn...”

Dewey nói, “Anh không dán băng miệng ư?”

“Không. Dán sau, sau khi tôi đã trói cả hai người đàn bà ở trong buồng ngủ của họ. Bà Clutter vẫn cứ khóc, đồng thời lại hỏi tôi về Dick. Bà ấy không tin nó, nhưng lại nói cảm thấy tôi là một thanh niên tử tế. ‘Tôi tin chắc anh là người tử tế,’ bà ấy nói. Tôi nghĩ điều bà ấy thật sự lo trong đầu là con gái bà ấy. Bản thân tôi cũng lo chuyện đó. Tôi ngờ Dick đang mưu một cái gì, một cái gì mà tôi không ủng hộ được. Khi tôi trói bà Clutter xong, khá là chắc chắn, tôi thấy nó đã đưa đứa con gái về buồng ngủ con bé. Con bé nằm trên giường, còn nó thì ngồi ở bên giường nói chuyện. Tôi ngăn ngay; tôi bảo nó đi tìm cái két trong khi tôi trói đứa con gái. Khi nó đi rồi, tôi trói hai chân con bé lại và quặt hai tay ra đằng sau. Rồi tôi kéo chăn lên, đắp chăn kín cả người con bé chỉ chừa cái đầu ra thôi. Có một cái ghế nhỏ gần giường, tôi nghĩ hay mình nghỉ một chút đã; hai cẳng chân tôi như có lửa đốt, nãy giờ toàn leo gác rồi quỳ gối nhiều mà. Tôi hỏi Nancy có bạn trai chưa. Nó nói rồi. Nó cố tỏ thái độ tự nhiên và thân mật. Tôi quả thực mến nó. Nó thật sự là hay. Một con bé rất xinh, lại không hư đốn hay gì gì. Nó nói nhiều về bản thân, về nhà trường, về chuyện nó sắp sửa vào đại học để học âm nhạc và nghệ thuật. Nói đến ngựa. Nói là sau khiêu vũ thì cái nó thích nhất là phi ngựa, thế là tôi kể mẹ tôi từng là một nhà vô địch trị ngựa bất kham.

Và chúng tôi nói về Dick; tôi tò mò muốn xem thằng cha này đã nói gì với nó. Hình như con bé hỏi tại sao thằng này lại làm như vậy. Ăn cướp của người ta. Và, hừ, giỏi, thằng ấy còn quẳng ra cho con bé một câu chuyện lâm ly ướt át - rằng nó bị nuôi trong viện mồ côi, rằng chẳng có ai yêu thương nó, họ hàng duy nhất là bà chị sống với nhiều người mà chẳng cưới chẳng lấy ai. Trong suốt thời gian nói chuyện, chúng tôi nghe thấy tiếng dò dẫm mê mụ tìm cái két - khắp quanh quẩn bên dưới. Xem sau các bức tranh. Gõ tường. Cạch cạch cạch. Chẳng khác gì một con chim gõ kiến ngu ngốc nào. Khi Dick quay lại, tôi hỏi nó như một thằng rồ thật - là nó có tìm thấy không. Dĩ nhiên không, nhưng nó nói đã đi ngang qua một cái ví nữa ở trong bếp. Với bảy đô la.”

Duntz nói, “Đến lúc đấy các anh đã ở trong ngôi nhà bao lâu rồi?”

“Có lẽ một giờ.”

Duntz nói, “Và khi nào thì anh dán băng miệng?”

“Ngay khi đó. Bắt đầu từ bà Clutter. Tôi nhờ Dick giúp - vì tôi không muốn để nó ở lại một mình với cô gái. Tôi cắt băng dính ra thành nhiều mảnh dài, và Dick quấn chung quanh đầu bà Clutter như là quấn cái xác ướp ấy. Nó hỏi bà ấy, ‘Sao bà cứ khóc hoài vậy? Có ai làm gì bà đâu.’ Rồi nó tắt đèn giường và nói, ‘Chúc ngủ ngon, bà Clutter. Ngủ đi.’ Rồi nó bảo tôi, trong khi chúng tôi đi theo gian sảnh đến buồng Nancy. ‘Tớ sắp xơi con bé này.’ Tôi liền nói, ‘Ờ. Thế thì cậu phải giết tớ trước.’ Nó nhìn vẻ như không tin là đã nghe thấy đúng như thế. Nó nói, ‘Cậu ngại cái gì? Mẹ kiếp, cậu cũng có thể xơi nó kia mà.’ Đó là một thứ tôi khinh bỉ. Bất cứ ai không kiềm chế được ham muốn xác thịt của mình. Lạy Chúa, tôi ghét mấy cái trò đó. Tôi bảo nó thẳng thừng, ‘Để cho nó yên. Không thì cậu phải đánh nhau với một cái cưa điện đấy.’ Nó cáu thật, nhưng nó hiểu ra là không phải lúc thả dàn làm cái việc kia được. Cho nên nó nói, ‘OK, bồ. Nếu cậu thấy nên như thế.’ Kết quả là chúng tôi đã không dán băng miệng cô gái. Chúng tôi tắt đèn gian sảnh và đi xuống tầng hầm.”

Perry ngập ngừng. Hắn có một câu muốn hỏi nhưng lại nói ra thành một lời xác nhận: “Tôi đánh cuộc là nó không bao giờ nói một tí gì về việc muốn hiếp cô gái.”

Dewey thừa nhận, nhưng ông nói thêm rằng ngoài một lời khai rõ là đã bị cắt bỏ đi phần nào có liên quan đến hạnh kiểm của bản thân hắn, còn thì câu chuyện Hickock kể cũng hỗ trợ câu chuyện của Smith. Chi tiết có khác, lời thoại không giống nhau, nhưng thực chất thì - ít nhất cho đến giờ - hai lời thuật ăn khớp với nhau.

“Có thể. Nhưng tôi biết nó không nói tới cô gái. Tôi cược cái sơ mi đây.”

Duntz nói, “Perry, tôi đang để ý tới vấn đề ánh đèn. Theo cách tôi tính thì khi các anh tắt đèn trên gác đi, dưới nhà hoàn toàn tối chứ.”

“Tối. Và chúng tôi không bật lại đèn nữa. Trừ đèn pin. Dick cầm theo cái đèn pin khi chúng tôi đi dán băng miệng miệng ông Clutter và thằng con trai. Ngay trước chúng tôi khi dán ông ấy, ông ấy hỏi tôi - và đấy là những lời ông ấy nói cuối cùng - muốn biết vợ ông ra sao, bà ấy có ổn không, tôi nói bà ấy ổn, bà ấy sắp ngủ, tôi bảo ông ấy sắp sáng rồi, sẽ có người tìm thấy họ thế là rồi tất cả vụ này, tôi và Dick và tất cả, đều sẽ cứ như là họ nằm mơ thấy mà thôi. Tôi không trêu ông ấy. Tôi không muốn hại ông ấy. Tôi nghĩ ông ấy là người rất hiền lành tử tế. Nói năng nhẹ nhàng. Tôi nghĩ như thế cho tới lúc tôi cắt cổ ông ấy.”

“Khoan. Tôi đang nói sai thứ tự.” Perry cau mày. Hắn xoa xoa chân, còng kêu lách cách. “Sau đó, xem nào, sau khi dán băng miệng họ rồi, tôi và Dick đi lại một góc nhà. Nói về chuyện ấy. Bây giờ nhớ lại thì giữa hai chúng tôi có những cảm giác khó chịu. Ngay lúc đó cái làm tôi muốn lộn mửa lên là chuyện tôi đã từng hâm mộ nó, tin hết lời cái thằng khoác lác ấy. Tôi nói, ‘Này Dick. Có day dứt không?’ Nó không trả lời tôi. Tôi nói, ‘Để họ sống đi, thế thì sẽ chẳng ai kết tội nặng cho chúng mình. Quá lắm là mười năm.’ Nó vẫn không nói năng gì. Nó đang cầm con dao. Tôi đòi, nó cho tôi, và tôi nói, ‘Được lắm, Dick. Nào đi.’ Nhưng tôi không có ý ấy. Tôi muốn chọc nó, làm cho nó cãi với tôi, làm cho nó phải nhận nó là một thằng nói khoác và một thằng hèn. Đó, có chuyện giữa tôi và Dick như vậy đó. Tôi quỳ xuống cạnh ông Clutter, và cái đau khi quỳ khiến tôi nghĩ đến đồng đô la khốn khiếp kia. Đồng đô la bạc. Nhục. Tởm. Mà họ lại bảo tôi đừng có bao giờ quay lại Kansas. Nhưng tôi không nhận ra việc mình làm cho tới khi nghe thấy tiếng kêu. Như ai đó chết đuối. Đang kêu thét dưới nước vậy. Tôi đưa dao cho Dick. Tôi nói, ‘Kết liễu lão đi. Cậu sẽ cảm thấy khá hơn.’ Dick cố - hay làm bộ thế. Nhưng ông ấy khỏe bằng mười người - đã giật ra được một nửa rồi, tay đã tuột trói. Dick hoảng. Dick muốn ù té chạy ra ngoài. Nhưng tôi không cho nó đi. Ông ấy đằng nào cũng chết, tôi biết thế, nhưng tôi không thể để ông ấy như thế này. Tôi bảo Dick cầm đèn pin, chiếu cho tôi. Rồi tôi nhắm. Gian phòng nổ vang lên. Xanh lè cả. Lòe lửa thế này. Giê-su ơi, tôi không bao giờ hiểu được tại sao trong vòng hai mươi dặm mà họ không nghe được cơ chứ.”

Tai Dewey đúng lúc này kêu lên o o - tiếng o o gần như che lấp đi tiếng nói nhè nhẹ thì thào của Smith. Nhưng tiếng nói cứ đâm sâu mãi, làm bật tóe ra một loạt nổ vang như loạt súng những âm thanh và hình ảnh: Hickock lùng nhặt vỏ đạn; hối hả, hối hả và đầu của Kenyon ở trong một vòng tròn sáng, tiếng van xin thì thầm, nghèn nghẹn, rồi khi một viên đạn nữa được dùng, Hickock lại lập cập bò theo tìm vỏ đạn; phòng của Nancy, Nancy nghe tiếng ủng trên những bậc thang bằng gỗ cứng, tiếng bậc thang cót két khi chúng leo lên chỗ cô, đôi mắt của Nancy, Nancy nhìn cái ánh đèn pin chiếu tìm mục tiêu (“Cô nói, ‘Ôi, không! Ôi, xin đừng! Không! Không! Không! Không! Đừng! Ôi, xin đừng! Làm ơn!’ Tôi đưa súng cho Dick. Tôi bảo nó tôi đã làm hết sức rồi. Nó nhắm, cô bé quay mặt vào tường”); gian sảnh tối, bọn giết người vội vàng đi đến cái cửa cuối cùng.

Có lẽ Bonnie đã nghe thấy tất cả rồi, bà đang mong chúng đến mau mau.

“Vỏ đạn cuối cùng khó tìm thấy như ma. Dick rúc vào gầm giường để lấy nó. Rồi chúng tôi đóng cửa buồng bà Clutter lại và đi xuống phòng làm việc. Chúng tôi chờ ở đó, như khi chúng tôi mới đến. Nhìn qua cửa chớp xem người làm thuê có thăm dò gì quanh đấy không, hoặc liệu có ai nghe thấy tiếng súng không. Nhưng vẫn như cũ - không một tiếng động. Chỉ có gió - và Dick thì hổn ha hổn hển như có cả một đàn sói đuổi sau nó. Ngay ở đó, trong vài tích tắc trước khi chúng tôi chạy ra xe phóng đi, chính lúc đó tôi đã quyết định tốt hơn cả là bắn Dick. Nó cứ nói đi nói lại mãi, nói như đánh trống vào tai tôi: Không để lại nhân chứng. Và tôi nghĩ, Nó chính là nhân chứng đây. Tôi không hiểu cái gì đã ngăn tôi. Chúa biết lẽ ra tôi đã làm thế. Bắn chết nó. Lên xe và cứ thế đi cho tới khi mất tăm ở Mexico.”

Im lặng. Suốt hơn mười dặm đường, ba người đi không nói một lời.

Buồn và mệt mỏi ghê gớm là cốt lõi sự lặng thinh của Dewey. Biết “chính xác cái gì xảy ra đêm hôm đó trong ngôi nhà ấy” là tham vọng của ông. Bây giờ ông đã nghe kể những hai lần, hai lần kể đều giống nhau, điều không thống nhất quan trọng duy nhất là Hickock gán tất cả bốn lần giết cho mình Perry, trong khi Smith khẳng định Hickock đã giết hai người đàn bà. Nhưng những lời thú tội, tuy đã trả lời được câu hỏi về chuyện tại sao và như thế nào rồi, vẫn không thỏa mãn được cảm quan của ông về một ý đồ có ý nghĩa. Vụ án là một sự cố tâm lý, gần như một hành vi bâng quơ vô cảm; cũng bằng như các nạn nhân đã bị sét đánh chết. Trừ một điều: họ đã phải trải qua nỗi kinh hoàng kéo dài, họ đã đau khổ. Và Dewey không thể nào tha thứ được cho những đau khổ như thế của họ. Tuy vậy ông lại có thể nhìn vào cái con người ngồi cạnh mình đây mà không giận dữ - đúng hơn với một chút thiện cảm nào đấy - vì cuộc đời của Perry Smith cũng chẳng phải là cái giường trải đầy hoa hồng mà là sự đáng thương, một sự tiến lên cô độc và xấu xí, hết ảo ảnh này sang ảo ảnh khác. Nhưng cảm tình của Dewey không đủ sâu sắc để chấp nhận tha thứ hay tình thương. Ông hy vọng thấy Perry và Dick bị treo cổ - hai đứa treo lưng áp vào lưng.

Duntz hỏi Smith, “Cộng hết lại, các anh lấy được bao nhiêu tiền ở nhà Clutter?”

“Khoảng bốn năm chục đô la.”

Trong các con vật ở Garden City có hai con mèo đực màu xám luôn bên nhau - những con mèo hoang bẩn thỉu, gầy gò với những thói quen kỳ quặc và thông minh. Lễ hội chính trong ngày của chúng được tiến hành vào lúc tranh tối tranh sáng. Trước tiên chúng chạy suốt dọc Phố Chính, dừng lại xem xét những tấm lưới mắt cáo che động cơ của các xe hơi đang đỗ, đặc biệt là những xe dừng ở trước hai khách sạn Windsor và Warren, vì các xe này thường là của những khách du lịch phương xa, thường mang lại món mà các con vật xương xẩu và theo nề nếp này vẫn săn lùng: chim chóc bị giết hại - lũ quạ, chích chòe và chim sẻ đủ điên rồ để bay vào luồng xe đang đi tới. Dùng móng của mình như dụng cụ giải phẫu, lũ mèo moi ra từ các tấm lưới mắt cáo từng mảnh vụn có lông đó. Đi hết Phố Chính, thể nào chúng cũng rẽ ở góc giữa Phố Chính và Phố Grant, đoạn nhẩn nha xuống tới Quảng trường Tòa án, một vùng đất săn mồi khác nữa của chúng - và là một vùng đất săn mồi nhiều hứa hẹn vào cái buổi chiều thứ Tư ngày mồng 6 tháng Giêng này, vì ở đây chen chúc bên nhau những chiếc xe của hạt Finney đưa đến thị trấn một phần cái đám đông đang đầy chật tại quảng trường.

Đám đông bắt đầu hình thành vào lúc bốn giờ, lúc mà ông chưởng lý hạt cho hay là có thể giải Smith và Hickock đến. Từ lúc công bố lời thú tội của Hickock vào tối Chủ nhật, nhà báo đủ loại đã tụ tập ở Garden City: đại diện của các hãng tin lớn, nhiếp ảnh viên, nhà quay phim thời sự và truyền hình, phóng viên ở Missouri, Nebraska, Oklahoma, Texas và dĩ nhiên tất cả các tờ báo chính của bang Kansas - xấp xỉ hai mươi hăm lăm người. Nhiều người đã phải chờ ba ngày ở đây chẳng có gì để mà làm, trừ phỏng vấn người trợ lý của trạm xăng, James Spor, anh này, sau khi xem ảnh hai sát nhân bị buộc tội đăng trên báo, đã nhận ra chúng là những người anh đã bán cho ba đô la sáu xu xăng vào cái đêm xảy ra tấn thảm kịch ở Holcomb.

Những khán giả chuyên nghiệp này đang xăn tay sửa soạn tường thuật chính cái việc Hickock và Smith trở lại đây, và Đại úy Gerald Murray của Đội Tuần tra Xa lộ, đã dành cho họ khoảng không gian rộng rãi ở trên hè đường đối diện các bậc tam cấp của tòa án - những bậc mà hai gã tù phải leo lên trên con đường tới nhà tù hạt, một cơ quan chiếm hết tầng trên cùng của tòa kiến trúc năm tầng bằng đá vôi. Một phóng viên, Richard Parr của tờ Ngôi sao thuộc Kansas City, đã có một tờ Mặt trời của Las Vegas ra ngày thứ Hai. Đầu đề bài báo làm dậy lên những tràng cười phá: E ĐÁM ĐÔNG MUỐN HÀNH HÌNH KIỂU LYNCH ĐANG CHỜ NGHI PHẠM SÁT NHN QUAY VỀ. Đại úy Murray nhận xét, “Xem ra không có vẻ là một cuộc hành hình kiểu lynch cho lắm đâu.”

Đúng vậy, đám đông trên quảng trường cũng có thể là đang chờ đón một cuộc duyệt binh hay dự một cuộc mít tinh chính trị. Học sinh cấp III, trong đó có những bạn cùng lớp của Nancy và Kenyon Clutter, đều giọng hát những bài ca cổ vũ, thổi bong bóng kẹo cao su, nốc xúc xích luộc và xô đa chai. Các bà mẹ dỗ trẻ còn ẵm ngửa. Các ông hiên ngang đi tới đi lui với trẻ con vắt vẻo trên vai. Hướng đạo sinh có mặt - cả một đội. Và các thành viên trung niên của câu lạc bộ chơi bài bridge phụ nữ kéo đến hàng đoàn. Ông J. P. (Jap) Adams, phụ trách Văn phòng Ủy ban Cựu chiến binh Địa phương xuất hiện, đóng một bộ bằng hàng tuýt may rất kỳ cục đến nỗi mỗi người bạn phải gọi to lên, “Ê, Jap! Sao lại mặc quần áo các bà thế?” - là vì, trong lúc vội ra hiện trường, ông Adams đã vô tình mặc phải áo của cô thư ký. Một phóng viên đài phát thanh lưu động phỏng vấn vặt những người thị trấn khác, hỏi theo ý họ thì án xử thích hợp đối với “những kẻ gây ra cái vụ đê hèn đó” nên là thế nào, và trong khi phần lớn những người được hỏi nói ồ nói à thì một học sinh đáp, “Tôi nghĩ chúng nên bị nhốt hết đời trong cùng một xà lim với nhau. Không cho ai thăm nuôi gì hết. Cứ ngồi đấy nhìn nhau cho tới ngày chúng chết.” Và một người nhỏ nhắn, cứng rắn, dáng đi khệnh khạng thì nói, “Tôi tin ở án tử hình. Cái đó giống như trong Kinh Thánh đã nói đấy - mắt trả mắt. Và dù có vậy thì chúng ta vẫn còn thiếu một cặp không cách nào trả được!”

Chừng nào còn mặt trời, ngày còn khô và nóng, thời tiết tháng Mười giữa lúc đương tháng Giêng. Nhưng khi mặt trời lặn, khi những bóng cây khổng lồ của quảng trường đã gặp và hòa lẫn vào nhau thì cái lạnh cũng như bóng tối làm cho đám đông tê cứng lại. Tê cứng và tỉa bớt họ đi; vào khoảng sáu giờ còn lại chưa tới ba trăm người. Các nhà báo giậm giậm chân, vỗ vỗ những cái tai lạnh cứng bằng những bàn tay không đi găng buốt dại. Thình lình, ở phía Nam quảng trường một tiếng rì rầm nổi lên. Xe đã tới.

Tuy không có nhà báo nào dự đoán xảy ra bạo lực, nhiều người cũng đã báo trước sẽ có những lời hò hét chửi rủa. Nhưng khi đám đông nhìn thấy mặt những kẻ giết người, với cảnh sát tuần tra xa lộ mặc áo lam đi kèm bên, thì chợt lặng ngắt hết, tựa như kinh ngạc thấy chúng lại mang hình dáng con người. Những người bị còng tay, mặt trắng nhợt, mắt nhấp nháy mù mờ, loang loáng lên trong ánh flash máy ảnh và ánh đèn pha. Các nhà quay phim đuổi theo hai người tù và cảnh sát vào trong tòa án rồi lên ba tầng bậc thang, chụp ảnh cánh cửa nhà tù hạt đóng lại đánh sầm.

Không ai nấn ná lại, cả nhà báo lẫn người thị trấn. Những gian phòng ấm cúng, những bữa tối nóng sốt vẫy gọi họ, và trong khi họ hấp tấp ra đi, nhường quảng trường giá lạnh lại cho hai con mèo xám thì cái mùa thu kỳ lạ cũng ra đi nốt; đợt tuyết đầu mùa trong năm bắt đầu rơi.

Chú thích

* * *

[10] Có nghĩa là vui.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.