Mê Hành Ký

Chương 19: Chương 19: Sương khói mịt mù




Lúc Hà Y còn sống, thời gian của chàng đầy những khoảnh khắc. Hà Y khuất đi, thời gian biến thành một đường thẳng trơn tuột.

Cuối cùng chàng cũng dần dần tin điều này: Chỉ cần thời gian đủ lâu, một người có thể quen với mọi việc.

Bởi vậy, hai năm nay ngày tháng của chàng trôi đi khá bình yên.

Trừ mùa đông bệnh phong thấp tái phát không thể không nằm liệt giường ra, phần còn lại của năm chàng đều bận rộn không ngơi không nghỉ.

Chuyện cũ gác bỏ, ảo ảnh ngày càng nhạt nhòa. Chàng cảm thấy sự đáng sợ của lý trí, nhưng dưới sự thúc ép của lý trí lại một lần nữa chàng hòa mình vào dòng chảy ào ạt của cuộc đời, cứ lao về phía trước một cách không mục đích. Chàng không nghĩ ngợi nhiều nữa, cũng chẳng muốn hỏi bản thân tại sao.

Từ kể từ khi Hà Y qua đời, chàng càng hiểu rõ ý nghĩa của thế giới này không cách nào truy rõ được. Những thứ bản thân mỗi ngày trải qua hay đối mặt chẳng qua chỉ là một vài mảnh tán loạn, chẳng có gì hơn.

Thế giới của mỗi người đều khác nhau. Hà Y ra đi, đã mang theo thế giới của chàng.

Tới mùa thu, chàng gọi thợ xây, mở cuộc xây dựng rầm rộ, tu sửa tất tần tật phòng ốc trong cốc từ trong ra ngoài hết một lượt, lại xây thêm chín trang viện và bốn dãy hành lang, muốn gọi về mấy vị đệ tử nhiều năm đóng ở bên ngoài để ứng phó với y vụ nặng nề do danh vọng ngày một lớn của Vân Mộng cốc đem lại.

Đối với việc Mộ Dung Vô Phong "bình thường" trở lại, người trong Vân Mộng cốc hết sức kinh ngạc. Chàng rõ ràng rành mạch sắp xếp thời gian nghỉ ngơi của bản thân, đúng giờ uống thuốc, định kỳ tham dự hội chẩn, lên lớp cho đệ tử mới thu nhận, việc phê bệnh án cũng không chậm trễ. Tuy Ngô Du đã mang về cho chàng túy ngư thảo nhưng cũng chỉ là giải dược mạn độc của Đường môn, các chứng bệnh khác vẫn nguyên xi không giảm, đến mùa lại tái phát. Mọi người không sao hiểu được, tại sao dáng hình chàng ngày một hao mòn, nhưng sức lực lại ngày càng dồi dào?

Việc sửa sang xây cất phòng ốc vốn thuộc chức trách của Triệu Khiêm Hòa, lúc trước đều là do ông ta toàn lực đôn đốc. Lần này Mộ Dung Vô Phong lại gạt ông ta sang một bên, hoàn toàn biến ông ta thành một chân sai vặt. Từ việc từng phân từng li bản vẽ phòng ốc, tới phong cách đường lối, san đất, làm móng, việc gì chàng cũng hỏi tới, lại còn hỏi rất kỹ càng.

Triệu Khiêm Hòa do đó cực kỳ đau đầu. Mấy vị tổng quản đều sợ Mộ Dung Vô Phong thật sự "quan tâm" việc gì, bởi vì con mắt chàng cực kỳ bới móc, đã tốt còn muốn tốt hơn, phải giống như đơn thuốc do chính tay chàng kê ra, không có nửa điểm sai lầm. Nếu có chỗ không hài lòng, là sẽ nổi giận, bắt đập đi làm lại, tới mức người đi theo chàng cả ngày nơm nớp hệt như bước trên băng mỏng. Bản vẽ đã vẽ tới bảy lần tám lượt vẫn không thể khiến chàng hài lòng, cuối cùng chàng đem một bản trong số đó về phòng mình, nghiên cứu mấy canh giờ, sau đó sửa tới mức khác hẳn rồi mới giao cho Triệu Khiêm Hòa bảo: "Chính là cái này".

"Có cần nhờ Phương đại sư xem qua không ạ?", Triệu Khiêm Hòa thăm dò, cẩn thận hỏi.

"Cứ làm theo bản vẽ này là được rồi", Mộ Dung Vô Phong nói.

Sau khi Phương Thiên Ninh nhận lấy bản vẽ, không nói câu nào, theo lịch động thổ làm móng. Không lâu sau, sang mùa đông, bệnh cũ của Mộ Dung Vô Phong tái phát phải nằm liệt giường, việc xây dựng không hỏi tới nữa. Phương Thiên Ninh cũng đã nêm qua tính khí của chàng, nghiêm chỉnh làm theo bản vẽ, tuyệt không làm thừa ra nửa viên gạch nào. Đến đầu mùa hè năm sau công trình hoàn thành, chín trang viện do bốn hành lang uốn khúc nối nhau, gác xanh đình đỏ, song buông rèm lụa, tựa núi ngắm sông, quanh co ẩn hiện. Bên cạnh lại có đường đá uốn quanh, theo bậc mà lên sẽ vào vườn cây khóm quế, cực độ yêu kiều u mặc.

Ngày hôm đó, bệnh của Mộ Dung Vô Phong chưa khỏi hẳn nhưng cũng không nỡ phụ ý tốt của Phương Thiên Ninh liền ngồi kiệu, bên cạnh có mấy vị tổng quản tháp tùng đi thăm hết một lượt kiến trúc mới. Dọc đường rõ ràng chàng mệt mỏi ủ rũ thấy rõ, gần như chẳng nói câu nào. Khiến cho đám người đi cạnh tim đập như trống, cho rằng chàng không hài lòng. Sau cùng mới thấy chàng khẽ gật đầu, nói với Phương Thiên Ninh:

"Đúng là không tồi, đa tạ đã phí công tốn sức."

Từ đấy mấy người kia mới vững tâm trở lại. Mộ Dung Vô Phong kiệm lời như vàng, hiếm khi khen ai trước mặt. Hai chữ "không tồi", đã là đánh giá tốt nhất của chàng rồi.

Sau khi tiễn Phương Thiên Ninh, ba vị tổng quản cuối cùng được thở phào một tiếng, Tạ Đình Vân nói: "Đã có hứng thế này sao không làm một chén?".

Triệu Khiêm Hòa cười nói: "Hôm kia tôi câu được hai con cá lô, đang nuôi trong ao. Bây giờ sẽ bảo đầu bếp làm một bàn, thế nào?".

Hai người kia bèn theo Triệu Khiêm Hòa tới một gian sảnh trong nhà ông ta, vừa nhàn đàm, vừa nhâm nhi rượu.

Đang bàn những việc mỗi người phải bận bịu lo toan và dự định năm sau, Quách Tất Viên chợt nói: "Các ông có cảm thấy không...".

Câu này không tiện nói, ông ta cũng không biết phải nói sao.

Hai người đối diện thì vẫn hiểu ý tứ của Quách Tất Viên, tâm tình nặng nề gật đầu.

Triệu Khiêu Hòa buồn rầu thở than nói: "Bắt đầu từ năm trước, cứ chẳng bao lâu cốc chủ lại đưa tiểu thư tới chỗ ông cậu, một lần ở hai tháng. Nhìn là biết, hình như người cố ý xa lánh tiểu thư".

Tạ Đình Viên nâng chén uống cạn, cũng nói: "Phu nhân chết thảm như thế, cốc chủ nhất định đau lòng muốn chết. Cứ theo tính khí trước đây của người há lại dễ dàng bỏ qua cho Đường môn? Cho dù không báo thù, cũng tuyệt đối không có chuyện hòa hảo. Tôi nghĩ, có lẽ là người nghĩ ngày tháng của mình chẳng còn bao nhiêu, trả thù cố nhiên là thoải mái nhưng thủ đoạn của Đường môn đối phó người khác luôn là có thù sẽ báo, đeo bám không thôi, Tiểu thư tuổi hãy còn nhỏ, không ai chèo chống đại cục, chỉ sợ hậu họa vô cùng, bởi thế mới không thể không miễn cưỡng hòa hoãn".

Quách Tất Viên gật đầu tán thánh: "Tính toán này của cốc chủ có thể nói là sâu sắc".

Triệu Khiêm Hòa nói: "Hôm qua gặp Sái đại phu, có hỏi ông ta về bệnh tình của cốc chủ. Ông ta nói cốc chủ tâm mạch vốn yếu lại thêm bị nạn ở Đường môn, bây giờ khắp người mang bệnh, cứ gặp ngày trời lạnh ẩm là bệnh cũ tái phát, đau tận xương tủy, không sao ngủ được. Đến cả việc tới phòng bệnh khám chữa cũng phải uống thuốc trước, khiến người tê đi mới có thể tập trung tinh thần. Mà dù đã khốn khổ như thế nhưng cũng không thể duy trì được lâu", ông ta than dài một tiếng, tiếp tục nói, "Cốc chủ từ nhỏ chuyên tâm học y, gần như say mê. Bây giờ tất cả các ca phải chữa lâu người đều không cầm nổi dao... đành ngồi một bên chỉ điểm... tuy người không nói gì những hẳn cũng chịu đả kích không nhỏ, Đúng là lo nhiều người ốm, mệt quá hóa bệnh. Nếu phu nhân vẫn còn, thường hay căn dặn người chú ý giữ gìn thì còn có thể sổng yên ổn qua ngày. Giờ cốc chủ làm việc quá độ, tâm ý nguội lạnh, cứ tiếp tục thế này, dù có là người sắt cũng chẳng chịu được bao lâu...".

Tạ Đình Vân tròng mắt đã ươn ướt, không nhịn được nói "Ý ông là…"

Triệu Khiẻm Hòa không trả lời, chỉ lặng lẽ gật đầu.

Quách Tất Viên nói: "Lần xây dựng nhà cửa này, bảy chỗ đều men triền núi mà lên, xuôi dòng nước mà xuống, cốc chủ không để làm đường phẳng, nhất loạt dùng bậc thang. Hoàn toàn không tính toán cho xe lăn của mình thuận tiện đi lại... rõ ràng là không tin bản thân còn có thể sống ở đây bao lâu nữa. Ngoài ra, bảy đại phu được gọi về đều là những đệ tử đắc lực nhất trước đây, ở bên ngoài đã lâu, kinh nghiệm phong phú. Tôi nghĩ... có lẽ cốc chủ đang an bài hậu sự, lo sau khi người khuất đi, trong cốc không đủ đại phu để ứng phó với y vụ khó khăn".

Triệu Khiêm Hòa gật đầu, tay cầm một hạt đậu phộng bỏ vào miệng, nhất thời tâm tư rối loạn, quên luôn cả nhai mà nuốt thẳng xuống.

Tạ Đình Vân cười khổ: "Tôi vẫn còn một tin xấu nữa".

Triệu Khiêm Hòa ngẩng đầu: "Tin xấu gì?".

Tạ Đình Vân nói: "Cốc chủ vừa thông báo với tôi, muốn tôi chuẩn bị cho tốt, người muốn một ngày gần đây sẽ khởi hành đi Thọ Ninh”.

Triệu Khiêm Hòa cuống lên: "Thế sao được? Thọ Ninh xa như thế, thân thể của cốc chủ ngồi thuyền ngồi xe đều không tiện, sao có thể chịu được vất vả thế? Lại nói, Thọ Ninh... là nơi thế nào? Ở đây cốc chủ chẳng có ai thân thích…"

Quách Tất Viên nói: "Việc này nhắc lại thì dài. Tôi cũng biết được một chút. Các vị còn nhớ không, cốc chủ và phu nhân từng có một đứa con...".

Việc nãy ai cũng biết, Mộ Dung Vô Phong còn suýt nữa mất mạng vì việc này, Triệu Khiêm Hòa gật đầu giục: "Mau mau nói xem, giờ này rồi ông còn mào đầu mào đuôi gì nữa...".

"Đầu năm nay tôi có đi Hàng Châu bán một vụ làm ăn, cốc chủ từng bảo tôi thuận đường đi Thọ Ninh một chuyến, hỏi thăm về một vị sư thái pháp hiệu là 'Thủy Nguyệt'. Người nói phu nhân thân thế đáng thương, thuở nhỏ may được vị sư thái này nuôi dưỡng. Sau này phu nhân đem đứa con đã chết chôn trong am ni cô đó. Người sai tôi tới bái phòng Thủy Nguyệt, thuận tiện đem di cốt của đứa trẻ về an táng trong cốc."

"Ồ!"

"Nhưng tôi tới đó hỏi thăm mới biết một dọc đấy người ta theo đạo, chỉ có đạo quán, trước giờ chưa từng có am ni cô, cũng không có vị Thủy Nguyệt đấy. Lúc ấy tôi nghe mà cực kỳ kinh ngạc, còn cho rằng cốc chủ nhớ nhầm tên, lại đến mấy trấn lân cận tìm, vẫn cứ công cốc. Sau khi về, cốc chủ nói người tuyệt đối không nhớ nhầm, còn bảo nếu đã như thế, người nhất định phải tự mình đi một chuyến, làm rõ đến cùng... Lúc ấy người còn đang nằm bệnh đã có ý nghĩ này. Giờ thời tiết ấm dần, chắc muốn khởi hành rồi."

Triệu Khiêm Hòa và Tạ Đình Vân bốn mắt nhìn nhau.

Qua một lúc, Tạ Đình Vân nói: "Vừa rồi tôi ra sức khuyên cốc chủ nhưng người chẳng chịu nghe, muốn tôi lập tức chuẩn bị ngựa xe, không ngồi thuyền được thì đi đường bộ. Còn nói... còn nói người muốn tiện đường thăm một vị cố nhân".

"Cố nhân?"

"Người hỏi tôi có biết Khoái Đao đường của họ Vương ở Thanh Châu ở đâu không."

"Ông muốn nói tới Khoái Đao Vương Thông?"

"Ừm. Con trai duy nhất của Vương Thông, Vương Nhất Vĩ, là sư huynh của phu nhân. Cốc chủ đi xa chuyến này, muốn tưởng niệm hết thảy, không sao ngăn nổi. Chắc hẳn là muốn hỏi thăm chuyện cũ của phu nhân, tìm lại một vài di vật mà thôi…"

Những người còn lại không khỏi cảm thương.

Chuyến đi đó hoàn toàn không thu được gì, hoặc có thể nói những thứ mong muốn đều không đạt được.

Câu đố về thân thế của Hà Y cuối cùng vẫn chìm trong mê hoặc.

Nơi đó là một vùng núi non giáp biển, có nhưng tập tục kỳ dị, tất thảy đều xa lạ, tiếng của người bản địa chàng hoàn toàn không hiểu.

Chàng không có cách nào liên hệ mảnh đất này với Hà Y. Hà Y dịu dàng mà thần bí, trong trí tưởng tượng của chàng, nàng luôn luôn sống ở vùng quê sông nước, bốn phía giậu che, hồ sen khắp chốn. Hà Y rất ít khi nhắc tới thời thơ ấu của bản thân, trước nay chàng cũng không hỏi tình nguyện cứ để nàng tồn tại như thế trong tưởng tượng của mình.

Chàng có ý muốn tìm vị Thủy Nguyệt sư thái mà nàng từng nhắc tới, nhưng cái tên này đối với người bản địa thì lại hoàn toàn xa lạ. Kể cả như thế, chàng vẫn không nản lòng, tìm hỏi mấy vị lão tiên sinh am tường chuyện đất này mới biết dọc này đúng là chưa từng có am ni cô, cũng chẳng có cái người "Thủy Nguyệt" đó, lại chẳng có ai mang họ "Sở".

Khẩu âm của Hà Y vốn là khẩu âm phương bắc, là bởi nàng học võ ở Kinh Đông. Thỉnh thoảng lẫn vài tiếng đất Ngô êm ái là do vị sư phụ dạy nàng tạp kỹ hồi còn lang bạt. Sau khi quen chàng, chẳng bao lâu sau nàng liền học giọng đất Thục giống hệt với chàng, từ đó không sửa nữa. Chàng quen thuộc với giọng nàng như quen với giọng bản thân vậy.

Ở Thọ Ninh trọn hai tháng trời, chàng phái người chạy khắp tứ phương thăm hỏi, tới mấy huyện thành gần đó cũng không bỏ qua nhưng vẫn không tìm ra nửa phần tung tích của Hà Y.

Chàng bắt đầu sa vào khốn cảnh, điên cuồng muốn biết tại sao nàng phải che giấu thân thế mình.

Nàng đã là một đứa trẻ bị bỏ rơi... còn chuyện gì có thể tồi tệ hơn thế nữa?

Chuyến đi dài đã vắt kiệt tinh lực của chàng, khó khăn lắm mới tới được Thọ Ninh, lại bởi thủy thổ không hợp, nôn mửa không thôi. Thời gian còn lại, chàng chỉ có thể nằm thoi thóp trên giường. Lúc cơn bệnh nặng nhất, chàng đã nghĩ tới cái chết, dự định chôn bản thân trên một ngọn núi sát biển ở đất này.

Hà Y bảo, nơi đây là quê hương của nàng, tuy cố hương không có dấu tích của nàng, chàng vẫn tin lời nàng, tin rằng vùng đất này đối với cuộc đời nàng nhất định có ý nghĩa nào đó... Chàng tình nguyện chết ở nơi đây, để linh hồn tiếp tục kiếm tìm, cho tới khi có được đáp án.

Nhưng khi đêm khuya tĩnh lặng, chàng lại bắt đầu cười nhạo bản thân. Một đời này của chàng dường như rất có hứng thú với "câu đố". Chàng lúc nào cũng đang tìm tòi gốc rễ của vấn đề, lúc nào cũng truy cầu đáp án. Sau đó, những câu đố ấy biến mất, thay vào đó là một câu đố khác, càng mê hoặc hơn. Đến mức, cuối cùng chàng lâm vào quẫn bách, không rõ rốt cuộc là mình đang giải đố hay là câu đố đang giải chàng, hay là vì giải đố mà bản thân không ngừng ra những câu đố mới?

Treo giải thưởng kia, chàng trao câu đố cho Hà Y, lại nhờ đó mà quen biết nàng, rồi từ đây chàng lại nhận được câu đố mới. Chàng không ngừng bị vây hãm trong khổ não. Thật ứng với một câu Hà Y từng nói: "Có đôi khi đáp án làm người ta hồ đồ hơn cả câu hỏi".

"Vì sao?", chàng hỏi.

“Bởi vì chàng là một con mọt sách." Nàng cười nhẹ.

Mỗi khi Hà Y nói ra những câu như thế thì thường làm cho chàng hoài nghi năng lực trí tuệ của bản thân, có nhiều khi chàng nghĩ mãi không hiểu sự tình thì nàng lại sớm đã hiểu rõ.

Bệnh thế có chuyển biến tốt, chàng liền không do dự lên phương bắc, đi suốt tháng trời chạy tới Thanh Châu.

Những bí ẩn kia càng lúc càng quan trọng, gần như đã thành dũng khí để chàng tiếp tục sống.

Chàng tìm đến ngõ Lạc Đà, nơi đặt tổng đường của Khoái Đao đường. Vương Thông đã mất từ lâu, Vương Nhất Vĩ kế thừa phụ thân, nắm giữ cơ nghiệp lớn.

Hắn là vị sư huynh không thích lộ diện trên giang hồ nhất trong mấy vị sư huynh của Hà Y, võ công nghe nói cũng là tệ nhất. Như bây giờ tuổi ngoài ba mươi, cưới vợ sinh con, thân thể đã có chút đẫy đà nhưng vẫn mang dáng vẻ cười nói thân thiện, nho nhã lễ phép, lúc gặp được Mộ Dung Vô Phong thì có chút kinh ngạc nhưng lập tức hiểu mục đích của chàng.

Đương nhiên hắn đã nghe được tin Hà Y qua đời, lúc hai người gặp mặt đều thấy thương cảm, hắn không nói gì, chỉ vỗ vỗ vai Mộ Dung Vô Phong.

…Chàng vốn không có phụ mẫu huynh đệ, vào thời khắc Vương Nhất Vĩ vỗ vai chàng, chàng chợt cảm thấy nếu bản thân có huynh đệ thì cũng không phải chuyện gì không tốt.

Câu chuyện tiếp theo thì lại khiến chàng chán nản.

Thì ra thời gian Vương Nhất Vĩ ở trong nhà Trần Thanh Đình tuyệt không dài. Hắn là con một, mà phụ thân thì hay bệnh, hắn chỉ đành thường xuyên về nhà chăm sóc. Thường thường thì cứ về là hai năm, quay lại được nửa năm, ở không bao lâu thì lại đi.

Trần Thanh Đình dù sao cũng là đại sư một đời, rất trân trọng thanh danh của mình trên giang hồ. Tuy về tiền bạc phải ỷ lại vào đám đệ tử con em nhà phú gia nhưng việc dạy võ công thì không hàm hồ chút nào. Người bái ông ta làm sư phụ không ít, bị ông ta tức giận đuổi đi cũng lắm. Vương Nhất Vĩ lấy cớ phụ thân bệnh trốn được không ít trách phạt của sư phụ. Lúc phụ thân hắn còn sống từng vung vàng như đất, giao thiệp rộng khắp. Cho nên Vương Nhất Vĩ đi đến đâu cũng được hoan nghênh, còn đến lúc phải thật sự động thủ thì tự khắc có một đám thuộc hạ trung thành liều chết nhảy ra che chắn.

"Hồi tôi ở chỗ sư phụ thì thường lười biếng. Lúc nhập môn đã có sẵn chủ ý, chỉ học vài chiêu hình thức, lúc cần đến giở ra cho giống thật, không đến nỗi làm mất mặt Khoái Đao đường quá là được rồi", hắn thẳng thắn nói "Tôi trên giang hổ tuy thường hay phải đấu đá với người khác nhưng thông thường đều là nói chuyện không xong thì mới đánh nhau. Tôi thì thường giải quyết xong vấn đề ngay lúc nói chuyện cho nên không phải động đao kiếm... Mấy vị sư huynh hiếu dũng thích đánh nhau, tuổi tác tương đương tôi, bây giờ người chết, kẻ bị thương, chỉ có mình tôi lành lặn nguyên xi. Có thể thấy lười biếng cũng có chỗ tốt của lười biếng", hắn cười nhạt, chẳng xấu hổ chút nào. Chén rượu đưa tới bên miệng ngừng lại trước mũi một chút rồi mới uống.

"Tôi chẳng thấy sống như thế có gì không đúng", Mộ Dung Vô Phong cười khổ. Trong mấy người tử thương kia, chỉ sợ cũng tính Hà Y vào đó chăng?

"Tôi đã là kẻ lười biếng như thế có thể tưởng tượng ra bọn sư huynh sư đệ coi thường tôi đến mức nào. Hà Y thì lại chẳng để ý, cũng chưa từng lấy tôi ra làm trò cười. Nó là một cô bé thần bí, hình như lúc nào cũng đầy bụng tâm sự. Mỗi ngày từ sớm đã dậy luyện công, ngày thường thì ở trong bếp chạy việc vặt cho đầu bếp. Chẳng nói nhiều với ai bao giờ, cứ trầm mặc im hơi lặng tiếng như thế sáu bảy năm. Nói thật, trên giang hồ đồn Mộ Dung huynh tính tình trầm mặc, lúc ấy tôi còn nghĩ, hai người đều không thích nói chuyện cùng với nhau thì sẽ như thế nào. Xem ra hai người sống rất tốt."

Nghe câu này chàng ngẩn người ra, cảm thấy có chút bực. Lúc bọn họ ở cùng nhau, hai người đều nói rất nhiều. So ra Hà Y còn nói nhiều hơn. Hứng chí lên nàng còn hoa chân múa tay, vừa nói vừa tả, ríu rít mãi không nói xong.

Chàng quả thật không ngờ được trước đây nàng cũng là người ít nói.

... Xem ra, Vương Nhất Vĩ cũng không hiểu Hà Y lắm.

Chàng không khỏi than thầm trong lòng.

Chàng kỳ vọng Vương Nhất Vĩ có thể kể một chút chuyện cũ của Hà Y, nhưng rồi phát hiện dù có dốc cạn túi, những điều hắn biết chẳng qua cũng chỉ có vài mẩu chuyện lặt vặt thôi. Hà Y chỉ là một người bạn nhỏ thuở thiếu thời của hắn, có một đoạn hồi ức ấm áp, thế thôi. Hắn chưa từng chú tâm quan sát nàng, đương nhiên cũng chẳng có gì tâm đắc mà kể. Nếu như không phải chàng đột nhiên hỏi tới, có lẽ hắn cũng sẽ không nghĩ tới nàng. Xét cho cùng, mỗi người đều có cuộc sống của mình.

Hai người tiếp tục chuyện trò, đề tài bắt đầu lan man, khiến người ta khó chịu.

Không biết vì lý do gì, từ nhỏ chàng đã ghét chuyện trò, bất kể là với học trò hay là với thủ hạ, chàng đều trưng bộ mặt "không có chuyện thì chớ làm phiền ta". Ngồi nói chuyện hơn hai canh giờ, chàng hoàn toàn không biết rốt cuộc Vương Nhất Vĩ đã nói những gì, đề tài thay đổi vùn vụt... từ rượu tới kiếm, từ hoa tới nữ nhân... trên trời dưới đất không gì là không nhắc tới. Đến sau chót cuối cùng chàng cũng xem như hiểu được vị sư huynh năm xưa của thê tử mình muốn gì, đại khái là bây giờ hắn đã có gia đình có miệng ăn phải nuôi, thê thiếp lại cùng lúc mang thai, cửa hiệu của gia tộc càng lúc càng lớn, gần đây lại còn khai trương thêm hai tiêu cục, cho nên có chút túng thiếu vân vân... Hắn ngại ngùng nhìn Mộ Dung Vô Phong, thấy chàng thần thái bình thường mới ấp a ấp úng hỏi xem liệu chàng có thể cho hắn vay một vạn lượng để làm tiền vốn xoay vòng một thời gian không, sau một năm nhất định sẽ hoàn trả.

Chàng khẽ cười, nhận lời hắn, trong lòng lại biết thừa người này sẽ nhanh chóng tiêu sạch khoản tiền ấy, cho dù có thêm ba năm nữa cũng chẳng thu về được... Người làm ăn gặp người làm ăn, mở miệng là biết nhau. Người này nói ra thì hùng tâm tráng chí nhưng là thùng rỗng kêu to, chẳng phải kẻ biết làm ăn.

... Bất kể có là như thế, Hà Y nhất định sẽ vui khi mình làm vậy. Chàng tự an ủi bản thân.

Sau cùng, cáo từ lên đường, chàng hỏi trong tay Vương Nhất Vĩ liệu có còn chút di vật của Hà Y không, quả không ngoài dự liệu, Vương Nhất Vĩ tay trắng chìa ra, nói: "Không có. Chỗ sư phụ có khi còn một ít. Từ khi con gái duy nhất của sư phụ lấy chồng tít tận Giang Nam, người lại bệnh mà qua đời, tòa nhà đó hiện giờ đã trống không, chỉ còn một lão bộc trông giữ, không biết bây giờ có còn sống hay không. Ài bọn đệ tử tôi cũng chẳng ra gì, sau khi thành gia lập nghiệp thì ai bận việc nấy, cuối năm ngày lễ cũng chưa từng về lại chỗ sư phụ bái tế...".

Chàng lại có chút hy vọng, vội vàng hỏi địa chỉ của Trần Thanh Đình.

Vì giữ lễ, chàng cứ sức cùng lực kiệt gắng gượng đợi tới khi gã nói xong câu chuyện. Triệu Khiêm Hòa vội vàng nói với Vương Nhất Vĩ "Cốc chủ đang trong cơn bệnh, không thể ngồi lâu", hắn mới ngậm miệng lại, tự mình tiễn Mộ Dung Vô Phong về khách điếm.

Sáng sớm ngày hôm sau, chàng lại khởi hành đi Tề Châu.

Tòa trang viện kia nằm trên một triền núi hoang vắng nọ. Từ ngoài nhìn vào, hẳn mây chục năm trước nó từng là một tòa đình viện nguy nga hoành tráng, chỉ là lâu rồi không tu sửa, đã cũ kỹ xuống cấp thấy rõ. Ở đây quả nhiên có một lão bộc tóc trắng như mây trông coi, có lẽ bởi cũng từng luyện võ công nên thân thể còn tương đối tráng kiện, chỉ tiếc là giọng đậm chất địa phương, lời ông ta nói chàng như hiểu như không.

Lão bộc nói thật ra là nô bộc đời trước của Trần gia, vốn trước đây không ở chỗ này nhiều cho nên ấn tượng về Hà Y không sâu. Sau khi ông ta tới một năm thì Hà Y rời đi. Còn nhớ lúc ấy chủ nhân vừa mới mất, một bản kiếm phổ quý giá cũng theo đó thất tung. Vì tìm kiếm nó, giữa các đệ tử đã nảy sinh tranh chấp lớn. Sau cùng không biết vì sao, tất cả đều nhất trí cho rằng Hà Y đã trộm nó đi Hà Y trong cơn tức giận bèn đi khỏi Trần gia, bao lâu cũng không hề quay lại. Sau này các đệ tử trên giang hồ ngẫu nhiên bắt gặp từng không ít lần làm khổ nàng.

Qua mấy năm, cuối cùng Hà Y cũng quay lại một lần, mua về rất nhiều hương nến, tiền giấy để bái tế sư phụ. Nàng chỉ ở lại một ngày rồi đi. Hồi đó nơi đây đã là một tòa nhà trống.

Chàng nói cho lão bộc Hà Y đã qua đời, lão bộc bùi ngùi thở dài, nói rằng đệ tử của chủ nhân lưu lạc giang hồ đều sống không thuận lợi, giữa đường đứt bóng cũng có hơn bốn người rồi.

Sau cùng, chàng hỏi lão bộc: "Chỗ lão nhân gia đây có còn chút di vật gì của Hà Y chăng?".

Lão nhân giương đôi mắt mờ đục, ngẫm nghĩ một lúc rồi đột nhiên hỏi: "Công tử quý tính là gì?".

"Họ Mộ Dung."

"Công tử biết Mộ Dung Đinh Nhất không?"

Chàng sững người nhìn ông ta, tròng mắt đã ươn uớt, giọng nói cũng có chút nghẹn ngào: "Biết... Nó là con gái tôi."

Lão nhân gật đầu, mờ mịt nhìn về phía trước: "Hà Y chôn nó trong khu mộ của chủ nhân, công tử muốn tới thăm không?... Công tử nhắc tới di vật, đây là di vật duy nhất cô ấy lưu lại đây".

Khu mộ nằm sau núi. Nhìn chữ trên bia đá mới biết thì ra tên của sư phụ Hà Y vốn là "Trần Định Huy", tự là "Dật Chương", "Thanh Đình" chỉ là biệt hiệu người trong võ lâm đặt cho ông ta thôi. Bên phải mộ phần của Trần Thanh Đình có một nấm mộ nhỏ thâm thấp, một tấm gỗ nhỏ, bên trên khắc bốn chữ "Mộ Dung Đinh Nhất", chữ viết như giun đất, to nhỏ không đều, rõ ràng là bút tích của Hà Y.

Mộ Dung Vô Phong ngồi bên mộ con gái hồi lâu dằn vặt.

Trước giờ Hà Y không nhắc tới chuyện cũ của mình, càng không đề cập tới sư phụ. Trừ ba chữ "Trần Thanh Đình", chàng chẳng biết gì về người này. Nhưng nàng lại đem con gái chôn cạnh mộ ông ta, có thể thấy sư phụ nàng trước đây nhất định rất thương yêu bảo vệ nàng. Vào lúc nàng cô độc tuyệt vọng, ông ta là người đầu tiên nàng nhớ tới.

Có điều, tại sao nàng lại nói nàng chôn con gái ở Thọ Ninh?

Chàng dò hỏi lão nhân liệu có thể để chàng đem di cốt của Đinh Nhất về quê hương an táng không, lão nhân cười nói: "Nó là con gái công tử, đương nhiên là có thể".

Trong ngôi mộ đó, chàng đào được một chiếc hộp gấm chứa thi hài. Ngoài nó ra, còn có một chiếc hộp sơn đen tuyền có khóa.

Đem theo hộp gấm, chàng một mình ở lại căn phòng Hà Y từng sống trọn một đêm.

Việc xưa như nước hồ dâng lên trong lòng, chàng một lần nữa nhâm nhi những thống khổ, cay đắng, ngọt ngào trong đó.

Đêm đó, chàng buông lỏng bản thân, chìm vào vô cùng vô tận hồi ức và ảo giác.

Chỉ có hồi ức mới có thể giúp chàng cảm thấy sự tồn tại của thế giới.

Chỉ có ảo giác mới có thể đưa chàng quay về thế giới.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.