Cáp Hùng khách điếm. Giờ Tuất.
Bà chủ A Cát đang ngồi sau quầy hàng, vừa uống trà sữa nóng,
vừa gẩy bàn tính.
Cứ vào mùa đông tuyết rơi nhiều, doanh thu của khách điếm rất
hạn chế, nhưng hôm nay trời lại nắng to, thoáng cái đã có không ít người vào
khách điếm. A Cát vừa sai người giúp việc đi đun thêm cho đủ nước nóng, cỏ cho
ngựa cũng phải chuẩn bị đầy đủ. Những sư phó trong bếp đang xào xào nấu nấu,
khách sảnh thơm nức mùi thịt dê nướng.
A Cát là một phụ nữ hai mươi lăm tuổi, mặc áo dài không cổ,
bên ngoài khoác thêm áo khoác da mèo rừng. Tuy không phải là trang quốc sắc
thiên hương nhưng trong chu vi mấy chục dặm, cô ta cũng là nhân vật nổi tiếng.
Rõ ràng là “khắc thỉ[1]” của một gia đình nghèo kiết nhưng nhờ vào khuôn mặt
sáng sủa mà được gả vào nhà A Nhĩ Man có khách điếm lớn nhất trong trấn nhỏ
này, từ đó không phải lo việc cơm áo nữa, từ một đứa con gái gia đình nông dân
biến thành bà chủ lớn của một vùng.
[1] Tiếng Hán chính là “khuê nữ”.
Áo quần của nàng đều dùng chỉ vàng thêu hoa, trên tay cũng
phải đeo năm sáu cái nhẫn, hồng ngọc trên đó là mua từ đội lạc đà của thương
nhân Ba Tư, A Cát miệng lưỡi nhanh nhẹn, lại thêm lúc mặc cả đôi mắt cứ lúng liếng
đánh qua đánh lại, thiếu điều câu mất hồn phách của mấy thương nhân Ba Tư đó.
Cuối cùng, sau khi làm xong giao kèo, đến cả tay Ba Tư không biết làm ăn nhất
cũng cảm thấy giá đó rẻ tới không tưởng tượng nổi.
Nàng quả thực rất thích miếng hồng ngọc có màu hoa hồng đó,
kể cả lúc đang gẩy bàn tính, thỉnh thoảng vẫn đưa mắt liếc ngón giữa thon dài của
mình, một chút sắc màu hồng nhạt trên chiếc nhẫn đó cũng đủ để khiến nàng cảm
thấy thoải mái. Nàng đã qua thời thiếu nữ, đã sinh cho A Nhĩ Man hai đứa con
trai, nhưng thân hình nàng càng nhìn càng thấy vẫn thon thả yểu điệu như một
thiếu nữ. Đây chính là điều nàng tự hào nhất về bản thân. Cho nên mỗi lần nàng
ngồi quầy, lơ đãng nhìn khách khứa trong khách sảnh thì đều có thể bắt gặp cái
nhìn của mấy nam nhân to gan lớn mật. Sau đó nàng bèn tới mời rượu, nói vài
câu, thế là mấy nam nhân vốn chỉ dự định ở lại đây một ngày ấy liền đổi ý ở
thêm mấy ngày nữa.
Đương nhiên, tất cả chỉ vì bạc mà thôi. Con gái nhà nghèo, từ
nhỏ đã biết không có bạc là chuyện đáng sợ đến mức nào.
Tuy hôm nay là ngày nắng ráo hiếm hoi, nàng vẫn biết tuyết
ngoài cửa rất dày, thời tiết lại lạnh giá khác thường, so với lúc tuyết rơi còn
lạnh hơn vài phần. Trong khách sảnh, lửa trong lò sưởi cháy bừng bừng mà vẫn
không sao xua được cái lạnh thấu xương. Nàng không muốn cho thêm than củi vào,
mùa đông than củi rất đắt, trong vòng mấy chục dặm quanh đây cũng chi có khách
điếm này của nàng là có đủ than củi để đốt lò sưởi không ngừng suốt cả mùa
đông. Phần lớn những nơi khác là đốt phân dê, phân lạc đà, khói đã nhiều mà lại
còn có mùi lạ.
Nàng tính toán xong sổ sách liền ngẩng đầu lên, thấy trước
quầy đã có một cô gái nhỏ nhắn đứng đấy từ lúc nào. Cô gái này nhìn bề ngoài
thì hoàn toàn giống một thiếu nữ, nhưng tóc lại để búi cao, bên trên còn cài một
chiếc trâm màu ngọc bích, đây rõ ràng là phục trang của một cô gái đã có chồng.
Có vẻ như cô gái vừa từ xa tới, trên lưng còn đeo một bọc đồ lớn rất không
tương xứng với thân hình nhỏ nhắn. Cô gái đang đứng nhìn A Cát, trên mặt đã ướt
đẫm mồ hôi.
Cô gái không có dung nhan tuyệt thế nhưng vẫn đủ khiến người
khác nhìn vào liền cảm thấy rất dễ chịu, rất ưa nhìn. Đôi mắt cực kỳ sinh động,
lúc cười thì long lanh như nước hồ thu, rất động lòng người.
Đầu tiên A Cát nói bô lô ba la một tràng, nhưng thấy cô gái
kia không có phản ứng gì bèn vội vàng đổi sang dùng thứ tiếng Hán cứng ngắc của
mình chào hỏi.
“Quý khách muốn dùng cơm? Hay là muốn thuê phòng? Chỗ chúng
tôi đây rượu ngon, thức ăn ngon, bao nước nóng, bao ăn cho ngựa, có phòng hạng
sang, người phục vụ cũng nhiều.”
Cô gái cười nói: “Chúng tôi muốn ăn đã, rồi sẽ nghỉ ngơi.
Xin hỏi, liệu có thể cho tôi mượn ghế của cô một lát không?”.
A Cát vừa nghe thấy nàng nói “chúng tôi” liền biết ngay
khách hàng không chỉ có một người, càng vui vẻ nói: “Đương nhiên, đương
nhiên!”.
Cái ghế nàng ngồi là một cái ghế mềm có tay vịn, lại có một
lớp đệm lông sói cực dày, tấm đệm lưng là đồ thêu tay, cực kỳ tinh xảo. A Cát
phải ngồi cả ngày sau quầy, ghế của nàng đương nhiên thoải mái hơn nhiều so với
những chiếc ghế gỗ cứng ngắc trong khách sảnh. Nhìn mặt cô gái còn đầy bụi đường,
A Cát liền giúp nàng đưa chiếc ghế tới bên một chiếc bàn gần lối lên cầu thang.
Nơi đó khá xa cửa, là nơi yên tĩnh nhất trong khách sảnh.
Cô gái nói lời cảm ơn rồi mở bọc đồ, đầu tiên lấy một tấm đệm
da thú trải lên nền đất, rồi lại lấy một tấm khác trải lên nền ghế. Tấm đệm này
là da báo thượng hạng. A Cát đương nhiên có biết về hàng da thuộc, nhận ra được
tấm da đó cực kỳ quý giá. Làm xong những việc ấy, cô gái còn đặt một cái gối
ngay ngắn vuông vắn lên chiếc đệm trải trên đất rồi quay đầu lại nhìn A Cát
đang kinh ngạc, cười một cái nhưng không nói gì.
A Cát đương nhiên hiểu, cái ghế này nhất định là để cho một
người rất kỹ tính ngồi, trong lòng không khỏi thêm mừng rỡ. Trong mắt nàng, người
kỹ tính thì với cái gì cũng kỹ tính, cho nên người kỹ tính chính là những người
tiêu nhiều tiền nhất.
Xong việc cô gái liền ra ngoài cửa, ôm một người cao gầy,
toàn thân bọc trong một lớp áo màu xám vào phòng. A Cát nhìn ra, bên trong lớp
áo xám kia có lót một lớp áo lông chồn đáng giá ngàn vàng.
Sở dĩ loại áo lông chồn này quý giá là bởi nó vừa nhẹ vừa mềm,
lại giữ ấm cực tốt. Mặc một cái áo lông chồn như thế trong thời tiết lạnh giá
thế này thì chẳng cần phải khác thêm áo sống gì khác nữa.
Người kia mặt mũi xanh xao, nhưng hai gò má lại hơi đỏ, mái
tóc để xõa, không những cả người yếu ớt không có sức lực mà còn không ngừng ho
khan.
A Cát vốn cho rằng người cô gái kia đang ôm là một cô gái
khác nhưng nhìn kỹ mới thấy người đó rõ ràng là một nam nhân. Sau đó nàng nghe
thấy cô gái kia nhỏ nhẹ nói với người đang dựa trong lòng mình: “Chàng có thể
ngồi một lúc không? Chúng ta ở lại đây kiếm chút gì bỏ vào bụng mới được”.
Người kia gật đầu.
Thế là cô gái đặt người này lên ghế. Nam nhân đó vịn chặt
vào hai bên tay vịn, tựa như muốn giảm gánh nặng cơ thể mình cho cô gái, rồi mới
từ từ hạ người xuống ghế, bộ dạng rất chật vật, lại tựa như động tới vết
thương, đôi môi lập tức trở nên tái nhợt.
Cô gái kia không đành lòng, tiện tay đưa tấm đệm mềm mình
mang theo kê vào lưng cho nam nhân.
“Như thế này có dễ chịu hơn không?”, nàng nhẹ nhàng hỏi.
Nam nhân kia nhẹ giọng nói: “Không sao đâu”, nói xong liền tựa
mình xuống lưng ghế.
A Cát phát hiện phần thân dưới ẩn trong chiếc quần xám của
nam nhân gần như trống không, thương thế rất nặng, kể từ lúc nam nhân đó ngồi
xuống, tay phải luôn gắng sức tựa lên tay ghế, dường như muốn nhờ thế để giảm
áp lực của trọng lượng cơ thể lên vết thương.
Nhưng phải nói, nam nhân này không nghi ngờ gì nữa, chính là
hán nhân anh tuấn nhất mà nàng từng gặp.
Tuy thân thể yếu ớt nhường ấy nhưng thái độ bên ngoài vẫn cực
kỳ điềm đạm. Lúc nhìn người khác, đôi mắt chàng lạnh lẽo, nghiễm nhiên tự có một
loại ngạo khí lầm lẫm. Người này rõ ràng đến ngồi cũng khó khăn, nhưng khi ngồi
lưng vẫn thẳng tắp. Chàng ngắm nhìn cô gái đem một tấm chăn lông đắp lên chân
chàng, bao lấy thân dưới chàng, rồi lại lấy một tấm khăn trắng trải lên bàn. Cô
gái ấy tất bật trước sau, nhưng nam nhân thì không sao nhúc nhích nổi, chỉ đành
dùng ánh mắt dịu dàng ấm áp nhìn nàng.
“Ta không sao, nàng đừng lo lắng nữa”, cuối cùng chàng cất
giọng dịu dàng nói.
Giọng chàng trầm thấp, rất ôn tồn dễ nghe.
Cô gái cười, ngừng tay, ngồi xuống bên chàng. Vừa đặt mông
xuống đã lại đứng bật dậy, nói với A Cát: “Bà chủ, liệu có thể đem thêm một chậu
sưởi tới không, chỗ này lạnh quá,… chàng… chàng đang bệnh, chỉ sợ… chỉ sợ không
chịu nổi”.
A Cát nói: “Tôi sẽ bảo tiểu nhị đem tới. Hai vị muốn ăn
gì?”.
Cô gái cười ngọt ngào nói: “Chúng tôi là người ngoài tới,
chưa từng nếm qua đồ ăn nơi này. Thật ra… thật ra đúng là không biết nên gọi
món gì”.
“Có Khách Ngõa Phù, Nghệ Khắc Man, Thác Khách Tây, Cát Cách
Đức, Ba Lao, Mạt Nhĩ Mộc Đinh, Nạp Nhân, Bì Đặc Nhĩ Man Đạt, Sa Mộc Bồ, Mễ Trường
Tử, Diện Phế Tử, Du Đáp Tử, La Điều Tử. Còn có trà sữa, trà đun, rượu Cao
Xương…”, đầu lưỡi A Cát cứ như có thoa dầu, vừa mở miệng là tuôn ra một tràng
tên món ăn, hai người kia ngồi bên bàn trố mắt nhìn nhau.
Đôi mắt tròn to của cô gái khẽ chuyển động: “Món ăn nổi tiếng
nhất ở đây là món nào?”.
“Mã lạp trường[2].”
[2] Lạp xưởng
“Cái gì trường?”
“Lấy ruột của ngựa, lừa ba, bốn tuổi, nhồi đầy thịt và gia vị,
tưới nước ngũ vị vào, cứ ba thước một khúc, nướng lên. Mùi vị cực kỳ ngon.”
Cô gái cười: “Vậy thì cho một đĩa lạp xưởng đó đi. Món Khách
Ngõa Phù này là thứ gì?”.
“Thịt dê xiên nướng.”
“Cho một đĩa.”
“Ba Lao?”
“Thịt dê trộn cơm.”
“Mễ Trường Tử, Diện Phế Tử?”
“Các món làm từ phổi dê, dạ dày dê.”
“Nạp Nhân.”
“Mì thịt dê.”
“Vậy cho thêm một bát Nạp Nhân đi!”, tuy không biết các món
ăn đó mùi vị, hình dáng trông thế nào nhưng cô gái vẫn dứt khoát gọi ba món đó.
“Vị công tử này muốn gọi gì?”, A Cát lại hỏi.
“Xin lỗi, tôi không ăn thịt dê”, nam nhân kia lãnh đạm nói.
“Lạp xường ngựa thì sao?”
“Tôi cũng không ăn thịt ngựa.”
A Cát tuyệt vọng nhìn chàng.
“Không có món nào không dùng hai loại thịt ấy sao?”, cô gái
nhẹ giọng hỏi.
“Trà.”
“Chàng không thể chỉ uống trà không”, cô gái than một tiếng,
quay về phía A Cát hỏi: “Xin hỏi, thông thường trong mì thịt dê còn cho thêm gì
nữa?”.
“Trứng gà, rau, hạt tiêu, tỏi, giấm, nước thịt, mỡ dê, tương
ớt.”
Cô gái lập tức nói: “Liệu có thể làm cho chàng một bát mì trứng
với nước dùng thôi không? Chỉ cho thêm rau và giấm, những thứ khác không cần”.
“Tương ớt cũng không cho?”
“Không cho. Xin lỗi, chàng quả thật không ăn được rất nhiều
thứ, làm phiền cô rồi. Cô cứ tính tiền như một bát Nạp Nhân bình thường là được.”
Cô gái áy náy xin lỗi.
“Không sao cả. Vị này có thể ăn chút hoa quả tươi chăng? Chỗ
chúng tôi có táo, nho, dưa vàng. Có muốn gọi một đĩa không?”
Nam nhân đó vừa nghe đã gật đầu, nói: “Vậy chỉ cần hoa quả
tươi là được rồi, mì trứng xin miễn đi”.
Cô gái vừa nghe thế vội nói: “Đây chỉ là hoa quả mà thôi, ăn
vào làm sao no bụng được”.
Nam nhân nói: “Ta không thích ăn mì”, lại nghĩ gì đó rồi bổ
sung thêm một câu: “Ta ghét ăn mì”.
Cô gái thở dài thườn thượt nói: “Người phương nam đúng là cứng
đầu cứng cổ khó dạy dỗ!”.
A Cát chớp chớp mắt, nói: “Chỗ chúng tôi còn có cá nướng. Nếu
quý khách không quen ăn đồ bột, chúng tôi có thể làm vài món xào. Có điều cá rất
đắt đắt, thông thường rất ít người gọi”.
Nam nhân nói: “Tôi không ăn đồ xào”.
A Cát cười khổ, gật đầu. Nàng cảm thấy thú vị, quả thật chưa
từng gặp ai ăn uống kén chọn như người này.
Cô gái có chút xấu hổ nhìn A Cát, nói: “Vậy cho một bát cơm
nóng, một đĩa cá nướng nhỏ, một đĩa hoa quả, một ấm trà là được rồi. Chàng ăn rất
ít”.
“Trà ở đây bên trong có lá trà, đường phèn, nho khô, hạt
đào, táo đỏ, long nhãn, những thứ ấy quý khách có ăn được không?”
“Tôi không ăn hạt đào”, nam nhân lãnh đạm nói.
“Vậy thì bỏ hạt đào”, A Cát nói: “Gọi từng này, đúng
không?”.
“Tạm thời cứ thế này đã.”
“Tổng cộng hai lượng bạc.”
“Xin hỏi ở đây có dùng ngân phiếu không?”
“Đây là nơi các thương đoàn hay qua lại, hầu hết các loại
ngân phiếu đều dùng được. Nếu như là ngân phiếu của bốn đại tiền trang Đại
Thông, Bách Hối, Long Nguyên, Bảo Phong thì càng không có vấn đề gì.”
Cô gái rút ra một đĩnh nguyên bảo nói: “Đây là năm lượng bạc”,
nàng còn đang định nói “Cô trả lại tôi hai lượng là được rồi” thì nam nhân bên
cạnh đã lãnh đạm lên tiếng: “Không cần trả lại. Tôi muốn dùng bát đĩa mình đem
tới có vấn đề gì không?”.
“Ngài dùng gì cũng được”, A Cát cầm tiền trong tay, nhận lấy
một cái chén cô gái kia đưa cho, mặt mày hớn hở rời đi.
A Cát vừa đi, Hà Y liền nói: “Này, lão huynh, chàng có hào
phóng quá không đấy? Bữa cơm này chẳng qua chỉ có hai lượng bạc mà thôi, chàng
lại đi tặng không người ta ba lượng”.
Mộ Dung Vô Phong nói: “Không phải nàng nói chúng ta thừa đủ
tiền sao?”.
“Kể cả vậy thì cũng không cần vung tay như thế chứ? Có bao
nhiêu tiền cũng sẽ bị chàng ném hết đi mất thôi.”
“Hà Y, chúng ta không cần bận tâm tới tiền.”
“Nói thì nói thế, nhưng cũng phải tiết kiệm.”
“Thế là ta đã rất tiết kiệm rồi đấy. Ra khỏi cửa, tiền có thể
giúp giảm đi không ít phiền phức. Nàng càng cho cô ta nhiều tiền, đợi chút nữa,
cô ta sẽ chăm sóc chúng ta đặc biệt chu đáo”, chàng từ tốn nói.
“Trước lúc thiếp đi, Triệu tổng quản có đưa cho thiếp một tập
ngân phiếu, bây giờ thiếp vẫn chưa nghĩ ra đó là ngân phiếu của nhà nào.”
“Không cần nghĩ nữa, không phải ‘Đại Thông’ thì là ‘Long
Nguyên’ thôi.”
Hà Y cười hì hì nói: “Chàng không phải con sâu trong túi thiếp,
làm sao biết rõ như thế?”.
Mộ Dung Vô Phong nói: “Hai tiền trang ấy đều là sản nghiệp của
Vân Mộng cốc, chỉ là người ngoài không ai biết mà thôi”.
Hà Y không nhịn được, nhỏ giọng nói: “Thảo nào người của Đường
môn muốn bắt cóc chàng, thì ra chàng có nhiều tiền đến thế”.
Mộ Dung Vô Phong nói: “Có tiền thì làm được gì?”.
Hà Y than dài một tiếng, nghĩ tới những ngày tháng ấu thơ phải
bôn ba tứ xứ của bản thân: “Có tiền vẫn luôn tốt hơn là không có tiền”.
Quả nhiên, một tiểu nhị lập tức đem chậu sưởi tới, đặt bên cạnh
Mộ Dung Vô Phong, lại còn đưa tới thêm một lò hơ tay nhỏ. Không lâu sau, tất cả
đồ ăn đều được dọn lên. “Khách Ngõa Phù” vừa được nướng xong, hãy còn nghi ngút
mùi dầu, khẩu vị của Hà Y vốn mạnh, vừa thấy những xiên thịt dê nướng vừa thơm
vừa cay thì khoái trá ăn tưng bừng, chớp mắt đã ăn sạch bách. Lạp xường ngựa
cũng là món vừa chua vừa cay, vừa nướng từ trong lò ra, giòn tan, ăn đầy một miệng,
lại chiêu thêm một ngụm canh Nạp Nhân, mùi vị thật ngon khôn tả. Nàng vừa nhồm
nhoàm ăn, vừa tán thưởng: “Vô Phong, chúng ta ở lại đây đi! Đồ ăn ở đây thật
ngon, thiếp không muốn đi nữa! Mùi vị của cá nướng thế nào?”.
“Tạm được.”
Hà Y gắp một miếng nếm thử rồi thốt lên: “Ngon thế này mà
chàng chỉ bảo là tạm được!”.
“Nàng nói ngon, vậy thì ăn hộ ta một ít. Ta quả thật không
đói chút nào”, chàng thấy nàng ăn tới mức bên mép dính đầy tương ớt, liền khẽ
cười.
Nàng ngẩng đầu nói: “Chàng vẫn ăn ít như thế sao? Thiếp thật
không hiểu, rốt cuộc chàng ăn gì mà lớn được từng này?”.
“Mỗi bữa ta thường ăn rất ít, nhưng một ngày ta ăn rất nhiều
bữa.”
“Nhưng… nhưng… thiếp không biết việc này! Mấy ngày nay, thiếp…
thiếp chỉ nấu cho chàng ngày ba bữa. Có phải chàng ăn không quen không?”, Hà Y
áy náy nói.
“Không sao cả, lấy gà thì theo gà mà”, chàng cười.
Hà Y đỏ mặt, cúi thấp đầu, khẽ hỏi: “Sao chàng cứ… cứ chỉ
nghĩ cho thiếp thôi?”.
Chàng không đáp, nói: “Ăn cơm đi, nói nhiều thế làm gì?”.
Một lúc sau, Hà Y cắn môi, nói: “Thiếp uống chút rượu, có được
không?”.
“Được chứ. Nàng muốn uống gì cũng được.”
“Vô Phong, sao thiếp ở với chàng lại cảm thấy thoải mái thế
nhỉ?”
“Không thoải mái, nàng ở với ta làm gì? Hả?”
“Vô Phong, nhích tai qua đây, thiếp cũng có một câu muốn
nói.”
Chàng nghiêng đầu qua.
“Thiếp thật sự rất vui vì được gả cho chàng”, nàng cười hi
hi, dương dương tự đắc.
Mộ Dung Vô Phong cũng khẽ cười, không nói gì.
Rượu được bưng lên, đây là rượu Cao Xương đặc sản vùng này.
“Chàng có biết tửu lượng của thiếp rất cao không?”, Hà Y
nâng chén, nói với Mộ Dung Vô Phong.
“Không biết. Ta đang muốn xem rốt cuộc tửu lượng của nàng đến
đâu”, chàng cố ý nói.
Hà Y ngẩng đầu, một hơi uống cạn, rồi đưa chén không ra cho
chàng nhìn.
“Mùi vị thế nào?”, chàng hỏi.
“Không mạnh lắm, hình như là rượu gạo”, để thể hiện tửu lượng
của mình, Hà Y lại tự rót một chén.
“Không phải chứ. Trong sách nói, loại rượu này dư vị rất mạnh
đấy. Có lẽ nàng chỉ uống được đến chén thứ ba là say rồi”, chàng lại cố ý
khích.
“Thông thường mà nói, thiếp uống năm chén mới bắt đầu say”,
nàng lập tức uống thêm chén nữa.
“Bắt đầu hoa mắt chưa?”, chàng nhìn nàng.
“Sao thế được chứ!!!”, nàng cười khanh khách nói, dứt lời, đầu
đảo sang một bên gục xuống bàn luôn, đã say như chết rồi.
“Ta quên nói cho nàng, biệt danh của loại rượu này là ‘Tam
bôi đảo[3]’”, Mộ Dung Vô Phong xoa xoa đầu nàng, khẽ nói.
[3] Uống ba chén thì gục.
Chàng cố ý để nàng uống say. Bởi vì chàng biết, Hà Y chí ít
đã năm ngày liền không được ngủ ngon. Thân thể chàng rất không biết điều, ban
đêm thường phát bệnh. Càng như thế, Hà Y càng không dám ngủ, thường phải thức
trọn đêm chăm sóc chàng. Cho nên bây giờ nàng nhất định phải nghỉ ngơi tốt một
chút, chỉ có cách này mới có thể khiến nàng ngủ một giấc yên ổn.
Chàng vẫy tay gọi, A Cát lập tức tất tả chạy lại.
“Làm phiền rồi, xin hỏi chỗ các vị có còn phòng trống
không?”
“Còn, còn, phòng hạng sang đều ở trên lầu.”
“Liệu có thể làm phiền cô đưa cô ấy lên lầu nghỉ ngơi một
chút không? Cô ấy vất vả cả một ngày rồi, lại còn say nữa.”
“Được, được, phòng chữ Thiên số một được không?”
“Lấy phòng ấy đi. Phiền cô đưa cô ấy lên giường, đắp chăn cho
cô ấy.”
“Không thành vấn đề, quý khách muốn ở mấy ngày?”
“Một ngày là đủ rồi, cũng có thể hơn, cô ấy rất thích đồ ăn ở
chỗ cô.”
A Cát nghe thế vui lắm, nói: “Phòng hạng sang ba lượng một
ngày, giảm giá cho hai vị, hai lượng năm tiền một ngày là được rồi.”
Mộ Dung Vô Phong cười rất lịch lãm, có chút xấu hổ nói: “Tôi
lấy tiền cho cô đây”.
Chàng đưa tay định lấy bao tiền trên eo Hà Y, vừa vươn tay
ra chợt lại sợ A Cát hiểu lầm, vội vàng giải thích: “Cô ấy là thê tử của tôi,
tiền ở trên người cô ấy”.
“Xin cứ tự nhiên, xin cứ tự nhiên”, A Cát nhủ thầm trong đầu:
“Hai người không phải phu thê mới là lạ ấy. Bộ dạng thân mật như thế cơ mà.”
Chàng lấy một đĩnh bạc, đưa cho A Cát, nói: “Nếu còn thừa,
thì cứ coi như chút tâm ý của tại hạ. Làm phiền cô rồi”.
Đĩnh bạc ấy có khi phải tới mười lượng bạc, A Cát vừa nhìn
thấy, mắt như muốn nở hoa, vội vàng gật đầu lia lịa. Sau đó dìu Hà Y lên lầu,
giúp nàng cởi đồ, đắp chăn, hạ rèm ngủ rồi khóa cửa phòng, đưa chìa khóa cho Mộ
Dung Vô Phong.
Mộ Dung Vô Phong đón lấy chìa khóa, không yên tâm hỏi thêm một
câu: “Cô ấy có bị nôn không?”.
“Không, chỉ ngủ rất ngon lành thôi. Yên tâm đi”, A Cát nói:
“Còn việc gì cần tôi làm không?”.
“Làm phiền cô tới chuồng ngựa lấy đôi nạng trên xe ngựa của
chúng tôi tới đây.”
A Cát vội vàng chạy đi lấy nạng.
Chàng nhận lấy, đặt cạnh mình, nhạt giọng nói: “Đúng là cái
này rồi. Đa tạ”.
A Cát vừa định rời đi, nhưng rồi lại không nhịn được quay lại
dặn một câu: “Thân thể của quý khách cử động không được tiện, nếu cần giúp gì,
xin cứ thoải mái gọi”.
“Tạm thời thì chưa. Cứ để tôi ngồi đây là được”, chàng lãnh
đạm nói.