Sáng sớm anh cả đến trực thay. Tôi lên tàu đi Đài Bắc.
Buổi chiều hẹn chụp cộng hưởng từ ở đại học Y khoa Đài Bắc, kiểm tra mức độ đau thần kinh tọa của tôi xem đã đạt ngưỡng đi nghĩa vụ thay thế vì lý do sức khỏe[1] hay chưa. Ngày mai đến nhà trọ ở Bản Kiều gửi xe máy và áo quần mùa đông về Chương Hóa. Ngày kia thì đến nói gì đó trong buổi tọa đàm ở đại học Sư phạm. Nếu có chuyện hay ho xảy ra, sẽ ở lại thêm một ngày Chủ nhật ở Đài Bắc.
[1] Những nam thanh niên đến tuổi mà vì lý do sức khỏe không thể tham gia nghĩa vụ quân sự ở Đài Loan, sẽ được áp dụng nghĩa vụ thay thế, tức là chỉ cần tới làm việc trong các cơ quan chính phủ, không phải nhập ngũ.
Thế rồi, hôm nay tôi vẫn quên gọi điện thoại cho ông đạo diễn, tệ thật. Nghiêm trọng nữa là, bây giờ đã nhớ ra việc đó tôi lại chẳng có sức lực thực hiện.
Mấy hôm nay nhiều việc đột ngột, áp lực tâm lý khiến cơ thể dễ mệt mỏi. Ngồi trên con tàu Tự Cường đi Đài Bắc, lần hiếm hoi đôi tay tôi đã bỏ thói quen duy trì suốt ba năm nay, không lách cách viết truyện trên đầu gối nữa. Tôi ngủ khì khì.
Đến đại học Y khoa Đài Bắc lấy tích kê khám, nút chặt hai lỗ tai, bắt đầu một việc mới chỉ từng thấy qua phim ảnh, là kiểm tra cộng hưởng từ.
Tôi nằm yên trong một không gian kín bưng, lúc thì yên lặng như tờ, lúc lại ầm ầm ù ù. Dần dà lại muốn ngủ say một trận, đáng tiếc là tôi chán quá hé mắt ra một lần, phát hiện mình đang ở trong một không gian chật hẹp, mặc dù đã nhắm mắt ngay lại, nhưng toàn thân lập tức căng lên cảm giác ngột ngạt không sao chịu nổi.
Hình như tôi đã ngọ nguậy và kêu một tiếng, chỉ muốn thoát ra ngoài lấy không khí.
Bấy giờ tôi mới hiểu ra trong phiếu điền trước khi kiểm tra, do đâu mà có một mục rất nực cười: “nếu người bệnh không thể nằm yên, đề nghị thông báo trước cho nhân viên hộ lý”. Hóa ra không hề mang ẩn ý “xin lỗi nhé, tôi nghịch lắm, nên không làm theo yêu cầu được.” Mà là “mẹ kiếp, tôi là hội viên cấp cao của câu lạc bộ sợ buồng kín.”
Những thứ tôi sợ quả thực là quá nhiều. Cuộc đời tôi dường như là quá trình phát hiện, tích lũy những thứ mình sợ. Sợ độ cao, sợ ma, sợ người khác không tin mình, sợ mình không được ôm Puma lúc nó qua đời, sợ gãy mất đôi tay trị giá hai trăm triệu, sợ cắt bao quy đầu của mình hoặc người khác.
Nhưng tôi có thể khẳng định rằng, tôi sợ nhất là không có mẹ.
“Việc gì các con cũng phải bàn bạc với nhau đàng hoàng nhé… dù cuối cùng mẹ có qua khỏi hay không.” Tối qua lúc ăn cháo mẹ tự nhiên nói như vậy, hại tôi choáng váng một trận.
Mẹ! Mẹ đừng dọa con như thế.
Xem lại những dòng đã viết về việc chăm nom ngày hôm qua. Từ những giao hẹn của mẹ với thằng út, có thể thấy mẹ có rất ít thú vui.
Nhưng ít thú vui thật ra là vì quá nhọc nhằn vất vả, khiến thời gian dành để bồi đắp thú vui trở nên hết sức khan hiếm. Nếu có thời gian rảnh, mẹ cũng lựa chọn đi ngủ. Mẹ bảo chẳng có gì sánh bằng được một giấc ngủ ngon.
Mẹ thực sự cần nghỉ ngơi.
Sự việc lần này thật ra không phải không có dấu hiệu cảnh báo. Mẹ dễ bị đau đầu, kém ăn, đau dạ dày, nhức mỏi toàn thân, đêm khuya khó ngủ, tay run v.v… Tách riêng những hình ảnh khổ sở đau đớn này ra xem xét thì rất giống bệnh lao lực thông thường, dễ cho rằng chỉ cần thuốc bình thường là giảm đau mỏi, thành ra cũng dễ chủ quan. Nhưng nếu kết hợp toàn bộ những đau đớn mệt mỏi kia lại, thì sự thật đằng sau nó lại khủng khiếp đến thế.
Hoặc là, diễn biến một cách khủng khiếp như thế.
Điều khiến anh em tôi ăn năn nhất là, lại cũng nhờ vào sự cảnh giác và năng lực của mẹ, mới có thể sớm phát hiện ra sự thật nguy hiểm đằng sau những đau đớn đó, nếu không thì không biết hậu quả ra sao.
Tôi cảm nhận sâu sắc rằng, phận làm con, nên biến lòng quan tâm thành hành động thực tế.
Ba mẹ hễ có gì không ổn, con cái không nên chỉ quan tâm nhắc nhở nơi đầu lưỡi, mà hãy ráng sức bê ba mẹ chạy thẳng ra bệnh viện kiểm tra. Những “câu chuyện nhỏ ý nghĩa lớn” nhan nhản này, ai cũng đã nghe đến phát ớn, nhưng khi chính mình trải qua lại rất xa lạ.
Điều quan trọng hơn nữa là, có những ước mơ đơn giản có thể bắt tay thực hiện, chứ đừng để ở “tương lai có thể nhìn thấy”. Nếu có thể thấy trước, thì tương lai đã mất đi định nghĩa thực sự rồi.
Lâu nay vẫn muốn đưa mẹ, vốn chưa bao giờ xuất ngoại, đi chơi đâu đó, và cũng chưa bao giờ quyết tâm thực hiện. Mẹ lúc nào cũng bảo công chuyện ở tiệm thuốc rất bận, thêm một ngày cho nó là thêm một ngày thu nhập. Một suy nghĩ rất truyền thống và thực tế. Đối với một gia đình lâu nay vẫn gánh khoản nợ tiền triệu, mẹ luôn gắng sức tiết kiệm. So sánh như vậy khiến tôi cảm thấy ăn năn, nhất là nhìn thấy đôi giày của mẹ đã đi từ rất rất lâu.
Có một lần tôi cố ý mua một đống voucher của giày da ASO, định bụng sẽ bảo là tiền đằng nào cũng xài rồi, thể nào mẹ cũng phải đồng ý mua đôi giày mới. Kết quả lôi được mẹ ra tiệm giày da ASO để lựa giày, mới phát hiện ra chân mẹ nhỏ hơn cả tưởng tượng của tôi. Lục lọi cả tiệm không ra đôi nào vừa.
“Không sao cả, chúng tôi có dịch vụ đặt làm riêng theo kích cỡ mà.” Cô gái bán hàng quan tâm gợi ý.
“Cảm ơn nhé, không cần đâu.” Mẹ từ chối, quay sang bảo tôi: “Mấy voucher này để dành cho ba với thằng út.” Cuối cùng thằng út đã dùng thật.
Có lúc hò hẹn với Xù, ăn cơm bình dân ngoài trời hít khí lạnh, tôi bèn nghĩ, hôm nào phải thuyết phục mẹ đi ăn tiệm với con trai. Nhưng mẹ chỉ cần ăn McDonald hoặc KFC đã hài lòng. Nếu mở mồm mời mẹ đi ăn gì đó nhiều tiền một chút, tôi lại sợ sẽ bị mẹ trách mắng, nên chẳng dám đả động.
Một mâu thuẫn rất chua xót. Có lúc nghĩ đến tôi thấy sống lưng ớn lạnh.
“Mẹ ơi, sau này ở với con, mẹ chỉ cần chịu trách nhiệm xem HBO và đi ngủ thôi nhé.” Lúc ngồi nhà viết truyện, thỉnh thoảng tôi nói với mẹ như thế.
“Được rồi, được rồi.” Mẹ luôn trả lời như vậy, với một nụ cười.
“Mẹ ơi, mấy khoản nợ nần đó chẳng đáng gì. Mẹ đẻ ra ba thằng, nên nợ gì cũng chia ba là đơn giản vô cùng. Chỉ cần vài năm nữa, bọn con tốt nghiệp và hoàn thành nghĩa vụ quân sự xong, sẽ một phát trả hết sạch.” Từ thời đại học, tôi đã bắt đầu an ủi mẹ, “Sau đó mình có thể mua nhà mới.”
Dường như mẹ chưa từng nghi ngờ điều tôi nói, cảm thấy rất mãn nguyện về sự đoàn kết của ba anh em tôi.
Nhưng còn bao lâu nữa, mới đến ngày mẹ an hưởng nhàn rỗi, tôi ngồi viết truyện trong tiệm cà phê còn mẹ ở bên cạnh xem tạp chí?
Nếu chỉ có kế hoạch, mà không có “khao khát thực hiện ngay lập tức”, thì mãi mãi chỉ là kế hoạch.
Đời người có quá nhiều thứ xứng đáng trở thành cái cớ, phải đi học, phải làm thêm, phải đi làm, phải thương thảo hợp đồng, mỗi lý do đều đường hoàng nghiêm chỉnh, đều là những cái gọi là “việc chính”. Và như dự đoán, đại đa số mọi người đều lựa chọn bỏ lỡ cống hiến. Để rồi bất giác cuộn vào trong cái kén hối hận do chính mình nhả ra, mãi mãi bị giam cầm trong đó.
Có hai loại cảm xúc “cực đoan” sẽ ám ảnh con người suốt đời.
Một là sự hổ thẹn vì lòng tự trọng bị cưỡng đoạt, hai là sự hối hận lắng kết không ngừng.
Nói theo kiểu tiểu thuyết, hai thái cực cảm xúc đó, một cứng một chậm, sẽ lần lượt tạo ra hai loại người rất cực đoan. Nếu xảy ra tình cảnh “con báo hiếu mà song thân còn đâu nữa…” thật khó tưởng tượng tôi sẽ làm sao ngăn nổi nước mắt, cũng không biết liệu tôi có vì quá đỗi mất mát mà đánh mất phần lớn cảm xúc hay không. Nhưng những thất vọng đó cũng không thể so sánh với việc đã không thể thỏa mãn hạnh phúc mà mẹ mong mỏi.
Vì vậy, tôi phải phá vỡ cái kén. Mỗi đứa con đều phải phá vỡ cái kén.
Nhưng phần lớn mọi người đọc tới chương này, cảm nhận được cái kén sờ sờ trước mặt, vẫn sẽ không nhấc điện thoại gọi về nhà.
Bởi vì luôn có “việc chính” phải làm.