MINH CUNG TRUYỆN – CHƯƠNG 92:
TRÙ TRƯỚNG GIAI TIỀN HỒNG MẪU ĐƠN
(Buồn thương cánh mẫu đơn đỏ rơi trước thềm)
*Trích Tích mẫu đơn hoa – Bạch Cư Dị.
-----------------------
Tháng năm, trời càng lúc càng nóng nực. Ngày qua ngày, nắng chói chang chiếu lên những bức tường đỏ thắm, xiên qua những tán cây hồng hạnh trong hoa viên, khiến con người bên trong Tử Cấm Thành vốn đã như bị giam cầm lại càng trở nên bức bối hơn.
Thoáng cái cũng được hơn ba tháng kể từ khi phế hậu. Chuyện lập hậu mới không thể nào trì hoãn thêm nữa, buộc Chu Hậu Thông phải cân nhắc kỹ lưỡng để đưa ra quyết định sắc phong trước khi kỳ tuyển tú tháng tám được diễn ra.
Chu Hậu Thông còn nhớ một đêm hồi tháng tư, hắn bí mật qua Tích Thúy cung thăm Trương Trích Hoa. Trước đó, thì lần cuối cùng hắn gặp nàng là khi nàng bị Lệ tần hành thích trong chính Tích Thúy cung. Chỉ qua một tháng, nàng tiều tụy đi rất nhiều, mọi thứ ăn mặc đều giản dị đến mức tối đa khiến Chu Hậu Thông không khỏi đau lòng. Nhiều năm qua, hắn vẫn quen với Trương Trích Hoa mặc cung y, đội phượng quan uy nghi, đường bệ.
Khoác lên mình một bộ thường phục rất đỗi giản dị, nhưng hắn thấy rõ ràng trong đôi mắt nàng vẫn ánh lên niềm lạc quan và vui vẻ. Có lẽ bởi nàng trút được gánh nặng.
Đêm hôm đó, hắn cố gắng hỏi về chuyện tiểu hoàng tử, nhưng nàng đều không đáp lời khiến chính hắn cũng ưu thương. Hắn muốn cố gắng làm điều gì đó cho nàng trước khi quyết định lập tân hậu, nhưng nàng khước từ. Chắc nàng mệt mỏi lắm, hắn nghĩ.
Hắn và nàng đêm đó chỉ nhắc lại và hàn huyên những kỷ niệm xưa. Ngoảnh mặt lại trông, đến cuối cùng, nàng lại không còn là Hoàng hậu của hắn nữa. Nàng đã nói những điều gì, hắn không còn nhớ rõ, chỉ có một câu cuối, hắn vẫn luôn trăn trở những ngày qua.
“Hoàng thượng, thần thiếp ngày hôm nay không còn là Hoàng hậu của người. Thần thiếp biết Hoàng thượng cảm thấy tự trách, song trước sau, tân hậu trước sau cũng phải lập. Mấy lời cuối này, thần thiếp muốn nói về Phương Tử Huyên. Trước đây thần thiếp từng tranh đấu với Trần Thái Uyển, nhưng tuyệt nhiên thần thiếp không nói một lời nào không tốt với người về nàng ta. Nhưng với Phương Tử Huyên, nàng ta không thiện lương và trong sáng như những gì Hoàng thượng nghĩ, làm Hoàng hậu thì hậu cung sẽ không yên ổn.”
Chu Hậu Thông nhiều ngày nay đều suy nghĩ về lời này. Hắn hiểu rõ Trương Trích Hoa. Nàng tham vọng nhưng cũng có sự tự tôn. Chưa bao giờ trước mặt hắn, nàng buông ra lời nói ảnh hưởng đến lợi ích của bất kỳ nữ nhân nào, từ Trần Thái Uyển tới Văn Ngọc Hiểu, Thẩm Nhạc Hy, Diêm Mạn Cơ...
Nhưng hôm ấy, nữ nhân mà nàng nói hắn cần đề phòng và xem xét lại chính là biểu muội của hắn – Phương Tử Huyên. Hắn quen Tử Huyên từ nhỏ, cũng không tính là quá thân thiết với nàng. Sau này Tử Huyên nhập cung, cũng trở thành một trong những tần phi đắc sủng. Tính cách Tử Huyên bộc lộ ra bên ngoài đều là sự hoạt bát, lanh lợi, hồn nhiên của một thiếu nữ mười sáu, mười bảy tuổi. Song những lời của Trích Hoa, hắn cũng không thể không để tâm.
Trời vào đầu hạ đã nóng hơn thấy rõ nên y phục mùa hạ mới được đưa tới các cung. Chủ nhân ba cung Vạn An, Hàm Dương, Vĩnh An [1] được đưa tới y phục bằng gấm quý do Triều Tiên tiến cống đầu xuân, chất liệu mát mẻ, mềm như nhung, lại mỏng như cánh bướm, thiên triều rất khó tìm ra loại tương tự.
Ninh tiệp dư được sắc phong mới được hai tháng nhưng hiện tại là người đắc sủng nhất trong hậu cung, cho nên Nội vụ phủ cũng tìm cách lấy lòng. Hậu điện Vạn An cung cũng được đưa tới mấy bộ y phục may bằng lụa Tô Châu, kiểu dáng thì khác nhưng chất lượng lụa may so với y phục của phi vị thực ra cũng không mấy kém cạnh. Chưa kể những hình thêu hoa mộc lan trên lụa được dùng chỉ bạc thượng hạng, óng ả như tia nắng, đẹp đẽ vô cùng.
[1] Vạn An cung: cung của Phương Tử Huyên.
Hàm Dương cung: cung của Triệu Tương.
Vĩnh An cung: cung của Giang Tầm Phương.
Các tần phi còn lại thì được mang tới y phục bằng vóc, mỗi người hai đến ba bộ theo phân vị.
Ngày hai mươi tháng năm, trời nóng nực vô cùng. Chu Hậu Thông ban đặc ân cho hậu cung được cùng tới Thanh Lương đài mới xây dựng giữa Thái Dịch trì tránh nóng. Mùa hạ, trên hồ Thái Dịch sen hồng nở kín, mặt hồ lãng đãng hơi nước như sương. Thanh Lương đài nằm phía xa xa, thấp thoáng sau những hòn giả sơn và tán cây cổ thụ quanh hồ, to như một tòa biệt viện, bốn bề che bằng tơ vàng óng ả, lóng lánh trong nắng.
Đám tần phi đứng trên bờ hồ Thái Dịch theo từng nhóm, Túc phi đi cùng với Ý phi, Hòa tần, Khang tần; Lệ tần đi cùng với Hiền tần, Đức phi trông thấy Ninh tiệp dư đứng một mình liền bước tới bên, mỉm cười bảo: “Tỷ tỷ lần đầu đi du ngoạn trên hồ Thái Dịch, có thể sẽ chưa quen, tỷ tỷ đi bên cạnh muội nhé.”
Minh Lan mặc bộ thường phục màu tím, thêu hoa mộc lan trắng muốt may theo kiểu giao lĩnh giống y phục Tống triều, nhìn vô cùng trang nhã và giản dị. Nàng nhẹ giọng đáp: “Tần thiếp đa tạ nương nương.”
Trần Thái Quyên đưa chiếc quạt tròn thêu hồ điệp che đi nụ cười e lệ, nói như châm chọc: “Minh Lan tỷ tỷ ngồi thuyền lần đầu có thể chưa kịp quen, nhớ giữ thăng bằng cẩn thận kẻo nhỡ có chuyện gì, Đức phi nương nương lại nhọc lòng lo lắng.”
Thái Quyên cố ý nhắc lại chuyện năm đó nàng cùng Phương Tử Huyên và Thẩm Nhạc Hy ngồi chung một chiếc thuyền. Phương Tử Huyên chẳng biết nghịch ngợm nước hồ thế nào mà rơi xuống đến suýt chết, hại nàng và Thẩm Nhạc Hy suýt nữa dính tai bay vạ gió. May mà có miệng lưỡi chua ngoa của Lệ tần đẩy mọi tội trạng qua phía Trương Trích Hoa. Rồi tự dưng Trương Trích Hoa trở thành vận hạn của hậu cung.
Phương Tử Huyên vẫn vô cùng bình tĩnh mỉm cười như không hiểu ý Hiền tần. Trong lòng nàng thừa hiểu Hiền tần muốn ám chỉ đến điều gì.
Lệ tần ngốc nghếch cho rằng Phương Tử Huyên không kịp nhận ra lời của Trần Thái Quyên, liền cố ý nói thẳng: “Hiền tần nói đúng đấy. Như lần du ngoạn năm trước Đức phi tỷ tỷ không may rơi xuống hồ Thái Dịch, nghi tới nghi lui, chuyện tai nạn mà mấy người suýt chút nữa liên lụy. Minh Lan tỷ tỷ nhớ cẩn thận, kẻo Hoàng thượng và Đức phi lại lo lắng.”
Minh Lan nghe mấy chữ “Minh Lan tỷ tỷ” thốt ra ngọt ngào từ khóe miệng chúm chím như hoa anh đào của Diêm Mạn Cơ, cảm thấy cả người như nổi gai nhọn. Nàng vờ không hiểu, chỉ coi đó như một lời quan tâm, đáp: “Đa tạ hai vị nương nương nhắc nhở. Hồi nhỏ tần thiếp cũng thường đi chèo thuyền, có lẽ không xảy ra chuyện gì bất trắc đâu ạ.”
Phương Tử Huyên cũng cười như đùa: “Hiền tần và Lệ tần tỷ tỷ nói đùa rồi. Lúc đó bản cung còn nhỏ, không tránh được chút nghịch ngợm nên mới rơi xuống hồ. Minh Lan tỷ tỷ sao có thể bất cẩn được.”
Túc phi đối với Minh Lan thì lại là không thích ngay từ lần đầu tiên trông thấy. Nàng giả bộ tập trung nhìn đường thêu trên áo choàng ngoài bằng sa mỏng thêu hoa thủy tiên của mình, nhưng miệng cố ý châm chích: “Ai mà biết được chứ? Chẳng phải năm xưa nương nương vì ngã xuống hồ, Hoàng thượng thương xót nên mới tấn phong phi cho người sao? Vậy thì Ninh tiệp dư bất cẩn một chút cũng đâu phải không nên chứ?”
Cả Minh Lan lẫn Phương Tử Huyên đều nhất thời á khẩu. Minh Lan có nghe Vân Nhi và Tiểu Oanh thường hay nói chuyện rằng Túc phi và Hiền tần là hai người ăn nói chua ngoa bậc nhất hậu cung; quả nhiên trăm nghe không bằng một thấy.
Nàng chỉ có thể ái ngại mà đáp một câu ngắn ngủn: “Túc phi nương nương nói đùa rồi.”
Phía bên Túc phi, Ý phi rỉ tai Túc phi nói một hai câu rồi che miệng cười, Túc phi cũng cố ý mím môi che đi sự khinh thường. Nhìn dáng điệu bối rối của Minh Lan và Tử Huyên khi bị Túc phi chọc ngoáy, cả gương mặt Lệ tần tràn ngập hưng phấn và hả hê.
Đúng là chỉ khi công kích một người không cùng phe với mình, nàng và Túc phi mới cùng chung tiếng nói.
Không ai để ý rằng Trang tần chẳng đứng cùng bất cứ ai cả, nàng đứng giữa đám Túc phi và Hiền tần, không hề lên tiếng. Dường như không thích mấy kiểu mỉa mai của đám tần phi, đến lúc này nàng mới chủ động ra mặt giải vây cho hai người Vạn An cung. Nàng cố ý bước qua phía Đức phi, nhẹ giọng thưa: “Nương nương, cũng không còn sớm nữa, thuyền đã sắp xếp, người cũng đã đủ, Hoàng thượng cũng dặn dò chúng ta tới Thanh Lương đài trước, chi bằng chúng ta lên thuyền tới Thanh Lương đài trước ạ?”
Đức phi lúc này gương mặt mới được dãn ra chút ít. Nàng tùy ý gật đầu, nói với cả đám phi tần: “Được rồi, mọi người chia nhau lên thuyền đi.”
Hồ Thái Dịch đẹp như tiên cảnh. Y như năm trước, trên hồ đầy những đóa sen Bạch Ngọc Trân Hà, trắng ngần như ngọc thạch, lại thơm ngát lạ kỳ. Khi thuyền đi qua những đám trồng kín sen, đầu người chỉ cao hơn lá sen một chút, phải rẽ những tán lá để đi qua. Ở một khoảng rất gần, hương sen dường như vương trong từng nếp áo.
Chẳng mấy chốc, Thanh Lương đài hiện rõ ràng trước mắt đám tần phi, thật là một kiệt tác trăm năm có một. Nhìn từ xa đã thấy nét đẹp riêng biệt, khi nhìn gần mới thấy mãn nhãn. Thanh Lương đài xây trên nền hình bát giác, mỗi cạnh bát giác đều có những cột gỗ lê chạm khắc hình rồng phượng tương sánh, tám bề đều có rèm rủ rất mỏng bằng tơ vàng diễm lệ, đẹp đẽ vô song. Quanh đài cũng là sen trắng, sen hồng phủ kín, chỉ cố ý chừa một lối đi lên đài. Từ cách xây dựng bài trí đài, đến cách bố trí những đám sen trên hồ đều thể hiện sự tinh tế của người xây đài.
Đến Đức phi là một người quen với chốn cung đình từ khi còn nhỏ cũng phải thốt lên ngỡ ngàng: “Thật là đẹp, tựa như nơi tiên giới, cả đời bản cung, Cảnh Nhạc đài trong cung Thái hậu cũng đã bước vào, nhưng thật không có nơi nào tuyệt diệu như Thanh Lương đài này.”
Đám tần phi trong cung hầu như không mấy người để tâm tới vị Thái hậu trong Nhân Thọ cung bởi lẽ bà vốn không phải thân mẫu của Hoàng đế, cũng không ai từng tới Cảnh Nhạc đài trong cung của Thái hậu nên không hình dung ra lời của Đức phi. Nhưng thật sự không ai là không trầm trồ trước tuyệt tác mỹ lệ này.
Từng người bước lên đài. Bên trong, thiết kế cũng vô cùng cầu kỳ, phức tạp. Ở chính giữa thẳng với lối đi vào đặt long tọa uy nghi, chắc chắn là cho Hoàng đế. Dọc theo hai bên long tọa cũng đặt hai hàng ghế cho các tần phi, mỗi hàng mười chiếc ghế. Mỗi chiếc ghế làm từ gỗ tử, hai bên tay vịn chạm khắc hình loan thước tinh xảo.
Dựa vào phân vị cao thấp, các tần phi ngồi theo hai bên hàng ghế, theo đó Đức phi ngồi ở ghế đầu tiên bên trái và Ninh tiệp dư có vị thấp nhất ngồi ghế thứ tư dãy phải. Ngồi sâu trong đài, tần phi vẫn thấy có mùi sen thoang thoảng, vô cùng dễ chịu.
Một lát sau, Chu Hậu Thông cũng tới, theo sau hắn là đoàn tùy tùng gồm sáu người, ba cung nữ cùng ba thái giám. Đi ngay sau hắn là đại thái giám Tưởng Mục Anh hô to, dõng dạc: “Hoàng thượng giá đáo.”
Vừa thấy hắn trước lối vào, tất cả tần phi đồng loạt đứng lên, đồng thanh: “Thần thiếp tham kiến Hoàng thượng. Hoàng thượng vạn phúc kim an.”
Chu Hậu Thông mặc thường phục mùa hè màu hoàng kim thêu rồng cầu kỳ, đội mũ ô sa bảy tấc, vô cùng mát mẻ và giản dị. Ngồi vào long tọa, hắn phất phất tay cho tần phi, nói: “Các ái phi bình thân.”
Đám tần phi làm đúng theo quy củ, cúi người đồng thanh: “Thần thiếp tạ ơn Hoàng thượng.” Đâu đó hành lễ xong xuôi mới ngồi ngay ngắn lại vị trí.
Tâm trạng Chu Hậu Thông có vẻ rất tốt, hắn cười nói: “Từ lần tết Đoan ngọ Ninh tiệp dư ra mắt hậu cung, giờ trẫm lại có dịp được thấy đủ hậu cung, trẫm vô cùng vui vẻ.”
Phương Tử Huyên mỉm cười, dịu dàng đáp: “Hoàng thượng, được thấy thánh nhan chính là niềm vui của chúng thần thiếp. Hoàng thượng vui vẻ cũng chính là phúc khí của hậu cung.”
Lời nào lời nấy của Phương Tử Huyên nói ra dường như có thần thái của một Hoàng hậu. Trước nay trong những lần hậu cung họp mặt, những câu như vậy đều là Trương Trích Hoa nói. Phương Tử Huyên lúc này cũng được xem như đứng đầu tần phi, nói những lời như vậy cũng không phải vượt quá bổn phận. Thế nhưng vô tình lời đó khiến người ủng hộ phế hậu như Túc phi và hay đố kỵ như Lệ tần cảm thấy không vừa mắt. Ngay cả Trần Thái Quyên cũng nhìn Tử Huyên bằng ánh mắt coi thường lộ rõ.
Hoàng đế cũng chỉ cười: “Tới Thanh Lương đài, trẫm cũng cảm thấy dễ chịu vô cùng, nơi này quả thật tuyệt mỹ.”
Túc phi cũng vô cùng hân hoan tiếp lời: “Lúc mới đến đây chúng thần thiếp cũng không tiếc lời tán tụng, nơi này quả là kiệt tác trăm năm.”
“Nói đến Thanh Lương đài, đây là công trình mà Công bộ cất công xây dựng suốt nửa năm trời. Trong đó công lớn nhất chắc chắn phải kể đến Diêm thị lang, phụ thân của Lệ tần.” Hoàng đế nói.
Túc phi vừa vui vẻ, bất ngờ tối sầm mặt xuống. Ngược lại Lệ tần ngồi bên cạnh liếc mắt nhìn nàng, vẻ coi thường và khinh rẻ. Trong mắt Lệ tần, Túc phi vẫn luôn chỉ là một kẻ thấp kém, một đứa con hoang bị phụ thân ruồng bỏ.
Lệ tần đứng dậy, miệng cười như tươi như hoa: “Hoàng thượng quá lời ạ. Cống hiến cho triều đình là bổn phận của gia tộc thần thiếp.”
Nói đến chữ “gia tộc”, Lệ tần còn cố ý nhấn mạnh như để chọc tức Túc phi.
Chu Hậu Thông thấy Diêm Mạn Cơ ăn nói cũng đã khéo léo dần, thần thái với tần phi trong hậu cung cũng có phần nhu hòa hơn, thêm việc Diêm Khắc Thịnh có công xây cất được kiệt tác này, liền nói: “Bên phía Diêm thị lang và gia tộc nàng, trẫm cũng đã ban thưởng. Còn nàng, vốn là sinh mẫu của hoàng trưởng tử, đúng ra lúc đưa Cơ Nhi về, trẫm phải tấn phong cho nàng, nhưng lúc đó trẫm có vài chuyện. Sau đó Tái Cơ đột ngột đi, trẫm cũng chưa ở bên an ủi nàng được nhiều. Nay trẫm tấn phong nàng thành Lệ phi, xem như là bù đắp.”
Chuyện đã qua hơn được nửa năm, nhưng mỗi lần nhắc đến chuyện hoàng trưởng tử, Lệ tần không khỏi đau thương. Nàng đáp: “Hoàng thượng, là thần thiếp không tốt, làm mẫu thân mà không thể bảo vệ cho hài nhi của mình. Thần thiếp thực không dám nhận ân điển này của người.” Nói rồi mắt nàng nhỏ lệ.
Ngay cả tần phi căm ghét Lệ tần như Túc phi cũng không thể không thương tâm. Nếu nói có gì khiến Lệ tần thay đổi nhiều nhất chắc chắn là sự ra đi của hoàng trưởng tử. Lệ tần, nữ tử tâm cao khí ngạo đó, cũng dần thay đổi rồi.
Hoàng đế cũng vô cùng thương xót: “Chuyện không phải xứng đáng hay không. Nàng hãy xem như đây là một sự an ủi cho Tái Cơ đi.” Nói rồi, hắn cũng không kìm được xúc động.
Lệ tần liền cúi người, nhẹ giọng đáp: “Thần thiếp tạ ơn Hoàng thượng.”
Ánh mắt tần phi hậu cung có dò xét, có trầm ngâm. Vẻ mặt Túc phi khó chịu thấy rõ. Vậy là từ nay, Lệ tần sẽ ngang hàng với nàng.
Bắt đầu từ bây giờ, hậu cung chưa có Hoàng hậu nhưng đã có tứ phi: Đức phi, Túc phi, Ý phi, Lệ phi.
Trần Thái Quyên ngồi ngay sát Lệ phi cũng liền thêm vào mấy lời tốt đẹp: “Hoàng thượng anh minh, giờ hậu cung có tứ phi, việc chuẩn bị cho kỳ tuyển tú diễn ra vào ba tháng nữa sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.” Rồi quay sang phía Lệ phi, gương mặt hoan hỷ: “Chúc mừng Lệ phi tỷ tỷ.”
Lời của Trần Thái Quyên tuy rằng là chúc mừng Lệ phi, song chính là nhắc khéo Hoàng đế về kỳ tuyển tú. Lễ sắc phong Hoàng hậu sẽ diễn ra trước kỳ tuyển tú, do đó Chu Hậu Thông buộc phải cân nhắc. Các tần phi cũng lần lượt nhìn ra ý tứ của Hiền tần, trong lòng thầm suy đoán. Lúc trước Đức phi là người có gia thế đồ sộ nhất trong tam phi, được xem như sáng giá nhất cho hậu vị. Nhưng giờ Lệ phi so với Đức phi, thật ra cũng không hề kém cạnh. Việc Lệ phi được tấn phong hôm nay khiến thế cục hậu cung trở nên khó đoán hơn bao giờ hết.
Quả nhiên theo đúng dự đoán của Trần Thái Quyên, Chu Hậu Thông lên tiếng: “Hậu cung của trẫm cũng đã nửa năm không có một người nào đứng ra xử trí công việc. Giờ có tứ phi, trẫm yên tâm hơn phần nào. Trẫm tạm thời giao những công việc tiếp theo của hậu cung cho Túc phi toàn quyền xử trí. Nàng tuy ở trong cung lâu rồi, nhưng lần đầu lãnh đạo việc trong hậu cung, có lẽ còn nhiều vướng mắc, có thể hỏi qua Đức phi. Ngoài ra, Lệ phi và Ý phi cũng cần hết lòng giúp đỡ cho Túc phi.”
Lời Hoàng đế vừa thốt ra, ai nấy đều sững sờ khó tả. Lời này của hắn khiến cho thế cục của hậu cung từ khó đoán, bỗng chốc chuyển sang khó tin. Ai mà không biết trước nay Túc phi vốn không được sủng ái, gia thế cũng không có gì lớn lao nếu không muốn nói là chỉ hơn mỗi Ninh tiệp dư xuất thân từ cung nữ.
Nhưng Hoàng đế lại chọn Túc phi tạm thời lo việc hậu cung. Không phải Đức phi từng được quản lý hậu cung thay phế hậu, cũng không phải Lệ phi từng là sinh mẫu của trưởng tử, không phải ai có gia thế đồ sộ. Mà lại là một người quá đỗi bình thường như Túc phi.
Vào thời điểm trước tuyển tú, tân hậu chuẩn bị được sắc lập, quyết định trao quyền quản lý lục cung tạm thời cho Túc phi này khác nào lựa chọn ngầm của Hoàng đế cho ngôi vị Hoàng hậu?