MINH CUNG TRUYỆN - CHƯƠNG 15:
MÃI PHÚ HÀ TU VẤN MÃ KHANH
(Mua phú có đành hỏi Tương Như)
*Trích Cung từ - Đới Thúc Luân.
----------------------
Tháng tám năm đó là một mùa thu rất đẹp, vẫn đẹp y như mùa thu nhiều năm về trước. Nhạc Hy cùng Phương Hà đi dạo trong vườn nhà. Cũng từ lâu, Nhạc Hy không nhập cung nữa nhưng cũng nắm bắt được tin tức trong cung.
Hoàng hậu sảy thai vào đêm tết Nguyên đán, ngay sau khi Hoàng đế sắc phong Trương Trích Hoa làm Thuận Quý phi. Lúc nghe được chuyện này, Nhạc Hy chỉ bật cười. Chuyện này không nằm ngoài dự tính của nàng. Hoàng hậu quả thực đã trúng kế.
Hoàng đế lúc này chán ghét Trần Thái Uyển; nếu biết thêm chuyện nàng ta hãm hại Trích Hoa, không biết kiếp số của Trần Thái Uyển sẽ đi đâu về đâu. Nếu sau chuyện này Trần Thái Uyển gục ngã, ngôi Hoàng hậu nếu như không phải Thuận Quý phi thì cũng không thể là người khác.
Không biết nghĩ gì, Nhạc Hy lại rút mảnh ngọc tố nguyệt trong tay áo ra ngắm nghía. Thật may mắn cho Trương Trích Hoa khi nàng có mảnh ngọc bội gần giống của Hoàng đế. Và nhờ mảnh ngọc đó mà Trương Trích Hoa khiến cho Trần Thái Uyển phải nổi ghen, căm phẫn đến mức sảy thai.
Vì sao mảnh ngọc của nàng gần giống mảnh ngọc của Hoàng đế? Điều này nàng hoàn toàn không thể lý giải được. Hoàng đế không phải tên là Thiên Quang, người năm xưa nàng gặp. Nàng chỉ biết, miếng ngọc bội - tín vật giữa nàng và người nàng thích, đã nhuốm máu. Nó bị nàng biến thành hung khí hại một mạng người, trở thành cây quyền trượng đưa một người từ ngôi chí tôn nơi lục cung xuống bờ vực sâu thăm thẳm.
Nghĩ đi nghĩ lại, nàng cũng có chút cắn rứt lương tâm với chuyện của Trần Thái Uyển. Nàng cũng không hiểu vì sao mình muốn giúp Trương Trích Hoa. Phải chăng do bổn phận của một nội gián nên nàng phải như vậy? Hay nàng cũng coi Trích Hoa là tỷ tỷ ruột của mình? Nhưng nhữngđiều này, chính nàng cũng không thể lý giải được. Nàng chỉ biết dù thế nào, nàng cũng là một kẻ nhẫn tâm, ác độc.
Nhưng kẻ ác độc, lúc nào cũng có nỗi khổ tâm của riêng mình.
Hoàng hậu thất thế, Hoàng đế cũng không trao quyền quản lý hậu cung cho Thuận Quý phi, mà lại trao cho Thái tôn Thái phi - Hoàng tổ mẫu của mình. Cười gằn, Nhạc Hy tự nhiên cảm thấy chan chát. Cuộc tranh đấu này, Thuận Quý phi vẫn chưa thắng tuyệt đối mà Hoàng hậu cũng chưa thua triệt để. Mà ván đấu chỉ kết thúc khi một trong hai người đó rớt đài thôi. Trong tay Thuận Quý phi vốn có một nước cờ quan trọng- chiếc túi hương do Hoàng hậu tặng.
Một khi chiếc túi này được đưa ra ánh sáng, ván đấu sẽ xác định được thắng bại.
Khôn Ninh cung. Trần Thái Uyển đã nửa năm không bước chân ra khỏi cung điện. Suốt cả ngày, nàng chỉ ngồi thêu khăn, đọc sách; còn thời gian thì ngồi ngẩn ngơ trên Thiền các, nhìn về phía những mái vòm cong cong chạm trổ hình long phượng phi vũ tinh xảo của những cung điện xa hoa trong Càn Thanh cung.
Thiền các trong Khôn Ninh cung không phải tòa đài đẹp nhất, nhưng là tòa đài cao nhất trong Tử Cấm Thành. Từ Thiền các có thể nhìn sang những cung kế bên, trong đó có Càn Thanh cung và Kim Loan điện - những nơi Hoàng đế thường ngự. Từ lúc bị giam lỏng ở nơi đây, ngồi trên Thiền các đã trở thành một thói quan thường ngày của nàng.
Tháng tám. Cũng đã nhiều tháng trôi qua kể từ khi nàng thất thế trong đêm tiệc nguyên đán. Nếu không trông thấy vài khóm cúc hé nở trước cửa điện Kim Loan, Thái Uyển cũng sẽ vô tình quên mất, mùa thu sắp tới rồi. Mấy hôm sau nữa, nàng thấy mấy cung nhân xếp mấy chậu hoa thược dược trước cửa điện.
Thược dược? Hoàng đế quả nhiên vẫn chưa quên người con gái đó – người con gái xinh tươi, tóc cài hoa thược dược. Đột nhiên nàng cảm thấy mình vô dụng. Một nữ tử mới gặp hắn có một lần mà đã khắc sâu bóng hình của mình vào trái tim Hoàng đế. Còn nàng, có ở với hắn cả đời, e cũng không thể xóa hết hình bóng người con gái kia khỏi trái tim sắt đá của hắn.
Mất hứng, Thái Uyển rời khỏi Thiền các. Nhữ Phần đưa tay đỡ Thái Uyển, khẽ cúi xuống nói với nàng: “Nương nương, cầm sư mà Quý phi mời lần trước, lần này tiến cung tiếp tục dạy đàn cho nàng ta. Nếu người thấy buồn chán, có thể bảo nàng ta đến đánh đàn cho người khuây khỏa. Hơn nữa... biết đâu lại nghe ngóng được gì bên chỗ Quý phi thì sao?”
Tự nhiên nghe đến âm nhạc, trong lòng Thái Uyển cũng thấy lạc quan hơn.
”Được, ngươi bảo kín với cầm sư đó, lát xong qua chỗ của bản cung.”
Tích Thúy cung, sắc thu trải trên mọi cành cây, nhánh lá.
”Cũng đã lâu rồi chưa gặp, nương nương có vẻ vẫn sống tốt như thế.” Nhạc Hy thản nhiên nói một câu, khiến cho Trích Hoa không biết đây là lời bâng quơ hay là lời giễu cợt.
Trích Hoa không đàm luận gì đến câu nói của Nhạc Hy, đi thẳng luôn vào vấn đề chính: “Bản cung gọi muội tới đây là có việc cần nhờ muội giúp.”
Không cần nói nhiều, Nhạc Hy cũng hiểu rõ, Thuận Quý phi trăn trở việc quyền lực hậu cung lúc này. Nghe Thuận Quý phi nói, nàng chỉ mỉm cười rất tự nhiên: “Tiểu nữ nghe nói, hiện nay Thái tôn Thái phi Thiệu Uyên đang nắm giữ quyền quản lý lục cung, bao gồm giữ phượng ấn của Hoàng hậu?”
Thuận Quý phi cười đon đả: “Quả nhiên là Nhạc Hy. Bản cung chưa nói đã đoán được ra chuyện gì rồi.”
Nhạc Hy cũng cười trừ. Nàng đã quá hiểu Trương Trích Hoa. Trích Hoa là một nữ nhân có quá nhiều tham vọng. Có thể bởi từ nhỏ nàng ta lớn lên trong cung, ngấm dần bản chất của những người trong cung cho nên những điều Trích Hoa mơ ước đều lớn hơn nàng. Nàng ta ước mong ngôi vị Hoàng hậu chứ không ước mong trái tim của Hoàng đế. Trái tim của Hoàng đế đối với Trương Trích Hoa, chỉ là thảm trải đường để nàng ta dễ dàng tới ngôi vị Hoàng hậu hơn mà thôi.
”Có lẽ lần này tiểu nữ tới là thừa thãi rồi. Quý phi nương nương chắc chắn biết, chỉ có thể lật đổ Hoàng hậu, nương nương mới thực sự chiếm được phần thắng tuyệt đối. Bây giờ nương nương đã đặt được một chân vào phượng vị. Chân còn lại phải phụ thuộc vào...”
Nhạc Hy thoáng ngừng khiến Trích Hoa chờ đợi.
Phóng túng, Nhạc Hy tới gần Thuận Quý phi khiến nàng ta bất ngờ và kinh ngạc. Nhạc Hy bạo gan cầm tay Trích Hoa lên, cảm nhận thấy rõ bàn tay nàng ta đang run rẩy. Nhạc Hy đưa đầu ngón tay, viết hờ lên bàn tay của Trích Hoa hai chữ “Túi hương” rồi mới lùi xuống.
Nhạc Hy nói bâng quơ như có như không, thản nhiên vô cùng: “Cũng sắp tết Trung thu rồi. Hôm đó, Thành đại ca rất có thể sẽ xuất hiện. Nương nương hãy phối hợp với huynh ấy ăn ý vào.”
Nàng không nán lại nữa, nhanh chóng rời đi.
Bóng nàng khuất hẳn khỏi tầm mắt của Thuận Quý phi.
Đương nhiên những chuyện tiếp theo ra sao, do Thuận Quý phi tính toán.
Vừa mới ra khỏi Tích Thúy cung, Nhạc Hy trông thấy một cung tỳ gương mặt thanh tú đi tới bên mình. Gương mặt cung tỳ khiến nàng cả kinh. Người này nàng gặp ở đình Diệp Noãn - cung tỳ của Hoàng hậu. Rất nhanh, nàng lấy lại tinh thần, cất giọng hỏi trước: “Vị tỷ tỷ này là...”
Nhữ Phần nở nụ cười hòa nhã đoan trang: “Thẩm tiểu thư, nô tỳ là Nhữ Phần ở bên cạnh Hoàng hậu nương nương. Hoàng hậu nương nương hơi buồn chán, nghe tin tiểu thư nhập cung nên muốn mời tiểu thư đến đàn cho khuây khỏa.”
Nhạc Hy có tính đa nghi, lại hay đề phòng người khác. Nàng lo không biết lần này Trần thị lại định bày túi hương gì để hại nàng đây? Nhưng nàng tự cười trong bụng. Ha, độc chiêu túi hương của Trần Thái Uyển, nàng đã phá được, còn phải khiếp sợ một ả hậu thất thế sao? Không chút sợ hãi, Nhạc Hy cười đáp: “Được!”
Khôn Ninh cung đại điện, vắng vẻ, tịch liêu.
”Thần nữ Thẩm thị tham kiến Hoàng hậu nương nương. Hoàng hậu thiên tuế, thiên tuế, thiên thiên tuế.” Nhạc Hy chu toàn đại lễ với Hoàng hậu.
Ở khoảng cách gần, Nhạc Hy nhìn rõ đôi mắt u buồn, gương mặt hốc hác, thân hình tiều tụy của Trần Thái Uyển. Phong thái và khí chất nàng ta hoàn toàn khác với Thuận Quý phi. Trần Thái Uyển phất tay cho Nhạc Hy đứng dậy, dường như dưới cái phất tay đó ẩn chứa sự mệt mỏi có giấu cũng không được. Nàng ta nói: “Hôm nay, bản cung nghe nói Thuận Quý phi triệu kiến ngươi. Vừa hay, bản cung hơi buồn nên muốn nghe đàn một chút.”
Lúc nói câu này, tay nàng ta chỉ về cây đàn đặt nằm ở góc tẩm điện. Nhạc Hy thuận mắt nhìn về phía cây đàn Thái Uyển chỉ. Đó là đàn vân hòa loại tốt. Nhìn chất gỗ và hoa văn trên đàn, Nhạc Hy dễ dàng nhận ra đây là đàn vân hòa cổ, chỉ có trong cung. Nhữ Phần nhanh nhẹn đi lấy cây đàn rồi sai thị tỳ xếp ghế, bày chỗ để Nhạc Hy ngồi đàn. Nhạc Hy nhìn cây đàn phủ bụi, khẽ miết qua dây đàn rồi hỏi: “Không biết Hoàng hậu muốn thần nữ gảy đoạn ca gì?”
”Tùy ý ngươi.” Hoàng hậu nói.
Nhạc Hy bắt đầu gảy đàn.
Có một nàng giai nhân chừ, bồi hồi đi lại mãi thôi.
Hồn vảng vất mà không về chừ, vóc hình khô héo đơn côi.
Từng hứa sớm đi mà tối lại chừ, vui yến tiệc mà quên nhau.
Lòng đoạn tuyệt mà chẳng đoái hoài chừ, cùng ai hợp ý tâm đầu.
[...] Đêm đằng đẵng như năm dài chừ, nhớ bứt rứt mà chẳng thể nguôi lòng.
Hết đi rồi đứng đợi sáng chừ, bình minh dần toả bừng bừng.
Thần thiếp trộm buồn tủi chừ, đến già chẳng dám quên quân vương. [1]
[1] Trường Môn phú: của Tư Mã Tương Như.
Hoàng hậu đương nhiên dễ dàng biết, điệu ca này là Trường Môn phú của Trường Khanh. Âm điệu Trường Môn phú da diết, nỉ non, thê lương, bồi hồi. Tiếng ca Trường Môn phú như đánh trúng vào nỗi lòng của Thái Uyển lúc bấy giờ, khiến nàng bất giác chau mày rơi lệ.
Nhữ Phần bước tới gần nàng, ân cần gọi: “Nương nương...”
Thái Uyển phất tay cho Nhữ Phần lui xuống, rồi hỏi Nhạc Hy: “Ngươi có thấy bản cung giống Trần A Kiều [2] không?” Nàng ta dường như sắp khóc, nhưng lại cười nhếch một tiếng: “Ha, kể ra bản cung và Trần A Kiều đều họ Trần, cũng trùng hợp thật đấy nhỉ?”
[2] Trần A Kiều: Hoàng hậu của Hán Vũ đế. Sau khi Vệ Tử Phu xuất hiện, Trần Hoàng hậu thất sủng, bị đuổi tới cung Trường Môn sống. Nàng không tiếc trăm cân vàng nhờ Tương Như viết Trường Môn phú mong lấy lại ân sủng của đế vương. Gắn với điển tích Kim ốc tàng kiều.
A Kiều trông vọng từ Trường Môn cung, nàng thì hoài niệm tại Thiền các. Trần A Kiều bị Vệ Tử Phu [3] hạ gục, còn Trần Thái Uyển nàng thì thảm bại dưới tay Trương Trích Hoa.
[3] Vệ Tử Phu: Vệ Tư hậu, Hoàng hậu thứ hai của Hán Vũ đế, sau khi Trần A Kiều thất thế được lập làm kế hậu.
Vậy có phải nàng rất giống A Kiều không?
Nhạc Hy mỉm cười thanh tao như gió xuân ấm áp: “Nương nương cho rằng, Trương Quý phi là hiện thân của Vệ Tử Phu sao?”
Khẽ gật đầu ấm ức, Trần Thái Uyển chỉ im lặng.
Nhạc Hy lại bật cười: “Vệ Tử Phu có lợi hại cũng phải cắn răng chịu thua Lý phu nhân khuynh quốc khuynh thành đấy. Cho nên trong trận chiến chốn hậu cung, Vệ Tử Phu có thắng được tuyệt đối đâu? Sao nương nương lại chọn vai Trần A Kiều để diễn? Người nên chọn vai Lý Phu nhân [4] mới đúng.”
[4] Lý phu nhân: Hiếu Vũ Hoàng hậu, Hoàng hậu (truy phong) của Hán Vũ đế. Điển tích “khuynh quốc khuynh thành” là để chỉ Lý phu nhân.
Mấy lời của Nhạc Hy càng khiến Hoàng hậu mơ hồ hơn. Nàng liền ngẫm kỹ lời Nhạc Hy.
Phải, dù Thuận Quý phi có lợi hại, dù gần đây đúng là Hoàng đế bàn với Dương Nhất Thanh chuyện phế hậu nhưng nàng chưa gục ngã. Ít nhất nàng vẫn là Hoàng hậu, vẫn tôn quý hơn Thuận Quý phi. Trần A Kiều còn nghĩ ra cách nhờ người viết Trường Môn phú để đổi thay số phận, chẳng lẽ nàng lại ngồi nguyên trong Khôn Ninh cung này chờ đến ngày bị phế truất sao?
Rũ bỏ gương mặt u ám, Hoàng hậu nở nụ cười: “Đại tiểu thư Thẩm gia thật là người thông minh. Thiên hạ chỉ nói Trương thị kia là đệ nhật tài nữ, bản cung nghĩ tiểu thư mới xứng đáng với vị trí này.”
Nhạc Hy cười thầm trong lòng. Nàng thừa biết rằng mấy lời Thái Uyển nói chỉ là để lôi kéo nàng về cùng hội cùng thuyền với nàng ta. Nhưng có một điều Thái Uyển sẽ không bao giờ biết: Nhạc Hy sẽ vĩnh viễn đứng về phía Trương thị.
Nhạc Hy trước khi rời Khôn Ninh cung chỉ để lại một câu duy nhất: “Trường Môn phú, tết Trung thu.”
Lúc Nhạc Hy rời khỏi Khôn Ninh cung đã là chiều tà. Xa xa, Nhạc Hy nghe rõ tiếng chim lợn trời kêu từng tiếng thật xéo lòng. Mẫu thân nói với nàng, tiếng kêu này không may mắn.
Có lẽ Khôn Ninh cung sắp đổi chủ rồi.
Nhạc Hy khẽ thở dài một tiếng. Nghĩ đến dáng vẻ tiều tụy, dung nhan tàn điêu của Thái Uyển, Nhạc Hy lại động lòng trắc ẩn. Thái Uyển rơi vào tình thế này là do nàng. Cùng thê thảm như một chuyện của ngàn năm trước: Bình Dương công chúa [5] dâng Vệ Tử Phu cho Hán Vũ đế khiến Trần A Kiều thất sủng. Tuy Nhạc Hy giống với Bình Dương công chúa, khiến cho Trần Thái Uyển mất đi hết thảy; nhưng khi gặp Thái Uyển đau khổ hôm nay, nàng lại động lòng để làm một Tư Mã Tương Như cứu vãn tình yêu mong manh cho A Kiều với Trường Môn phú.
[5] Chị gái của Hán Vũ đế, người tiến cử Vệ Tử Phu.
Nhạc Hy biết rõ, lần này Thái Uyển sẽ thua - đúng theo những gì nàng bày sẵn. Song ở phút cuối, nàng vẫn muốn cho Thái Uyển cảm nhận tình yêu ít ỏi, dù chỉ là chút cảm thông của Hoàng đế. Cũng coi như đó là một cách để trả món nợ trần gian cho nàng ta. Nhạc Hy hại nàng ta một lần, giờ giúp lại một lần, coi như công bằng.
Ráng chiều đỏ thẫm như những vệt yên chi rắc ra loang lổ. Cảnh thu theo đó mà càng thêm buồn man mác. Bất thức, Nhạc Hy nhớ đến những câu thơ:
Quế điện trường sầu bất ký xuân,
Hoàng kim tứ ốc khởi thu trần.
Dạ huyền minh kính thanh thiên thượng,
Độc chiếu Trường Môn cung lý nhân.
(Điện quế sầu dài mất vẻ xuân
Cung điện phía tây nhiễm bụi trần
Đêm tối trời trong, trăng một sáng
Chỉ chiếu vào người phía Trường Môn.)
Cuộc đời phía sau của Trần Thái Uyển, có khi cũng sẽ không khác gì Trần A Kiều năm đó.
Lịch sử: Câu chuyện về Trần A Kiều cho ai chưa được biết:
Theo sự tích, Trần Kiều vừa bị thất sủng, vừa bị giam giữ, lòng buồn tê tái, khóc than suốt ngày và nhớ lại những ngày hạnh phúc cùng Vũ Đế. Trần Kiều bèn nhờ Tư Mã Tương Như, nhà thơ nổi tiếng bấy giờ, sáng tác bài Trường môn phú với lời lẽ, ý tứ tha thiết rồi tìm cách dâng lên Vũ Đế. Đọc xong bài thơ, thấu tỏ tấm chân tình của Trần Kiều, Vũ Đế xúc động bồi hồi, định tha cho bà nhưng sau đó bà vẫn chứng nào tật nấy, dèm pha nói xấu Vệ hoàng hậu. Vũ Đế tức giận, từ đó không bao giờ gặp lại bà.
Năm 116 TCN, Quán Đào trưởng công chúa, người mẹ có ảnh hưởng lớn đối với Trần Kiều qua đời. Sau cái chết của mẹ bà, nhà họ Trần cũng suy sụp theo.
Thời gian sau, Trần Kiều bệnh nặng qua đời. Theo nhiều lời kể, thời gian Trần Kiều ngã bệnh, Vệ hoàng hậu có đến Trường Môn cung thăm hỏi, Trần Kiều ra sức xin Vệ hoàng hậu thuyết phục Hán Vũ Đế đến gặp mình lần cuối. Không rõ Vệ hậu có làm theo không, chỉ biết đến lúc chết Trần Kiều vẫn không được gặp phu quân.
Sử sách không ghi lại Trần hậu mất năm nào và thọ bao nhiêu tuổi. Từ khi vào cung làm vợ Hán Vũ Đế năm 151 TCN, đến khi bị phế là năm 130 TCN, bà tại vị chừng hơn 20 năm. Thi hài bà được an táng ở huyện Bá Lăng, ở phía đông nam 30 dặm của thành Trường An