MINH CUNG TRUYỆN - CHƯƠNG 2:
NGUYỆT QUANG DỤC ĐÁO TRƯỜNG MÔN ĐIỆN. BIỆT TÁC THÂM CUNG NHẤT ĐOẠN SẦU.
(Ánh trăng chiếu tới Trường Môn điện. Gợi đoạn sầu đau chốn thâm cung)
*Câu thơ đề này thuộc bài Trường Môn oán của Lý Bạch.
---------------------
Trong chục năm nay, nhờ vào tầm ảnh hưởng to lớn của Thái hậu, Trương thị là thế gia nắm quyền lực tối cao trong triều. Bởi đương kim Hoàng đế là con trai của Trương Thái hậu, vì thế Trương thị là gia tộc chi phối mọi động thái trong triều đình. Thế nhưng Hoàng đế chưa có con nối dõi, một khi Hoàng đế qua đời không có Thái tử, kẻ khác trong hoàng thất lên ngôi, hẳn Trương gia sẽ tổn hại không nhỏ. Đó là điều mà Thái hậu cũng như Trương gia luôn lo lắng.
Và điều gì đến cũng đến. Tháng chạp năm Chính Đức thứ mười lăm, trong cung truyền ra tin Chính Đức Hoàng đế lâm bệnh nặng, lúc ấy vẫn chưa có Thái tử để kế vị.
Ngày hai mươi tháng chạp, tức cách tết nguyên đán chỉ còn hơn một tuần, Trương Thái hậu truyền gia tộc Trương thị tới Nhân Thọ cung yết kiến. Tới yết kiến Thái hậu, Trương Quốc công Trương Hạc Linh đưa theo con gái Trương Trích Nguyệt. Đại ca của Thái hậu là Trương đại tướng quân Trương Diên Linh đưa theo con trai duy nhất của mình.
Lúc này đã là vào giữa đông, trời trở lạnh. Thái hậu mặc thường phục của mùa đông, đội yến cư quan [1], bên ngoài lại khoác thêm một lớp áo choàng dày.
[1] Yến cư quan: loại mũ phượng dùng thường ngày.
”Chúng thần tham kiến Thái hậu nương nương! Thái hậu nương nương thiên tuế, thiên tuế, thiên thiên tuế!” Hai huynh đệ họ Trương đồng thanh dõng dạc bái kiến Thái hậu. Vừa dứt lời, hai người nghe thấy tiếng cung nữ đóng chặt cửa Chính điện Nhân Thọ cung. Ai trong đại điện này cũng có thể đoán, Thái hậu triệu kiến họ đến là vì có việc cực kỳ quan trọng.
Sau khi hai vị phụ thân hành lễ xong, Trương Trích Nguyệt cùng biểu ca Trương Anh Linh - con trai của Trương Diên Linh - cũng chu toàn đại lễ ba quỳ chín dập đầu với Thái hậu: “Nhi thần thỉnh an Thái hậu nương nương! Thái hậu nương nương thiên tuế, thiên tuế, thiên thiên tuế!”
Trương Thái hậu phất nhẹ tay, ra hiệu cho phụ tử mấy người bọn họ ngồi vào ghế rồi nói với Trương Trích Hoa đang đứng bên cạnh mình: “Hoa Nhi, tới đó ngồi với Nguyệt Nhi! Cô mẫu có việc rất quan trọng muốn nói với tất cả mọi người.”
Trương Trích Hoa gật đầu rồi đi xuống dưới, ngồi ghế kế bên ghế Trích Nguyệt. Trích Hoa từ lúc rất nhỏ đã được vào cung để Thái hậu dạy dỗ, vì thế dù là tỷ muội một nhà nhưng Trương Trích Hoa, Trương Trích Nguyệt một năm mới gặp nhau được một hai lần. Quan hệ giữa hai người trước nay cũng chẳng thể tính là thân thiết sâu đậm. Bởi vậy, khi cô mẫu bảo Trích Hoa xuống ngồi cùng muội muội, gương mặt Trích Hoa cũng không có biểu lộ hân hoan hay phẫn nộ.
Đợi mọi người ngồi hết vào, Trương Thái hậu mới lên tiếng: “Chắc ca ca và đệ đệ đã nghe nói đến chuyện Hoàng thượng bệnh nặng?”
Dù cả Trương Hạc Linh và Trương Diên Linh gần đây đều vào cung không nhiều song chuyện thánh thượng bị bệnh cũng đã nghe nói đến. Trương Diên Linh cẩn trọng nói: “Thần có nghe qua. Thái hậu, bệnh của Hoàng thượng có nặng không?”
Thái hậu lộ rõ vẻ chua xót: “Thái y nói với ai gia và Hoàng hậu... bệnh tình rất nghiêm trọng. E là... chỉ trụ được một hai tháng nữa. Mà có khi ít hơn!”
Nghe tới đây, không chỉ có hai vị huynh đệ của Thái hậu thấy ngạc nhiên mà cả Trích Hoa, Trích Nguyệt, cả Trương Anh Linh cũng hơi sửng sốt. Tin đồn nghe được chỉ là Hoàng thượng bị bệnh, không hề nói đến “nghiêm trọng” hay không cả. Trong lòng Trương Diên Linh và Trương Hạc Linh cũng đoán sơ được rằng: Hoàng đế không có con nối dõi. Có thể ngoại thích nhân cơ hội này tạo phản, gây họa diệt tộc. Trương Quốc công rất nhanh đã hiểu ra điều Thái hậu đang trăn trở, hỏi: “Ý Thái hậu... Là chuyện người kế vị...?”
Thái hậu gật gật đầu, khẽ thở dài một tiếng, nói: “Đó là điều ai gia đang nghĩ đến.”
Tân đế kế vị, không chỉ ảnh hưởng lớn đến đại Minh hoàng triều mà còn ảnh hưởng đến thế lực Trương thị trong triều đình. Người kế vị không mang dòng máu Trương gia, chắc chắn thế lực Trương gia sẽ tổn hại không ít. Mục đích hôm nay Thái hậu gọi mọi người tới, chính là để bàn chuyện Trương thị sau khi tân đế đăng cơ.
Trương đại tướng quân suy nghĩ rất lâu, nghi hoặc lên tiếng: “Hoàng thượng chỉ có một thúc thúc là Hưng vương Chu Hữu Nguyên. Hưng vương cũng trạc tuổi Hoàng thượng. Nếu vạn nhất Hoàng thượng có mệnh hệ, người nối ngôi khẳng định không ai khác ngoài Hưng vương.”
Trương Diên Linh như nói ra toàn bộ ý nghĩ trong đầu Thái hậu. Thái hậu chỉ gật đầu, trong lời nói có sự hoang mang: “Nếu như Hưng vương chấp chính, e Trương gia sớm ngày sẽ bị loại trừ. Chi bằng để con của Hưng vương tức Hưng vương thế tử Chu Hậu Thông lên ngôi. Theo ai gia biết, Chu Hậu Thông mới chỉ có mười lăm tuổi. Người này lên ngôi mới có lợi cho chúng ta.” Ngừng một lát, Thái hậu nói: “Còn... việc làm thế nào để người lên ngồi không phải Hưng vương mà là Hưng vương thế tử thì... đều nhờ vào cách của đại ca. Sau khi Hưng vương chết, ai gia sẽ cùng các đại thần đón Hưng vương thế tử vào cung để đăng cơ ngôi đế.” Nói đến tân đế đại Minh tương lai, vậy mà những lời nói của Thái hậu rất đỗi nhẹ nhàng, thốt ra cũng mang khí thản nhiên như chẳng liên quan đến mình.
Trương Diên Linh tướng quân thì vừa nghe đã hiểu rõ ý tứ của Thái hậu. Thái hậu muốn Hưng vương thế tử - một đứa trẻ mới mười lăm tuổi – lên ngôi, để dễ dàng cho việc Trương gia chi phối triều chính. Thế nhưng Hưng vương còn đó, Hưng vương thế tử không thể lên ngôi. Ý Thái hậu, chỉ có một cách để người lên ngôi không phải Hưng vương mà phải là Hưng vương thế tử. Đó là giết Hưng vương!
Trương Diên Linh vừa nghĩ đến thì cơ thể đột nhiên run lên bần bật, giọng hơi run sợ, đáp lời Thái hậu: “Thần sẽ dốc lực để Hưng vương thế tử có thể lên ngôi!”
Trương Thái hậu gật đầu một cái rồi mới nói tiếp: “Để có thể mang về quyền lực cho Trương gia, ai gia có một cách.”
Khẩu khí của Thái hậu vô cùng chắc chắn. Bà đã tính trước những chuyện như thế này từ những năm về trước, khi mà Hoàng đế đăng cơ mười năm mà chưa có đến một Hoàng tử. Thái hậu nói rõ ràng: “Để Hoa Nhi làm phi tử của tân đế!”
Từ trước, khi thầy toán đoán rằng Trích Hoa có mệnh phượng hoàng, bà đã đoán được Hoàng đế đời tiếp theo không phải là hậu duệ của Chính Đức Hoàng đế. Chính vì thế, bà dốc mọi vốn liếng để nuôi dạy Trích Hoa chính là đề phòng nhỡ chuyện không mong muốn xảy ra thì Trương gia của bà vẫn đứng vững.
Trương Trích Hoa nghe mấy lời này của Thái hậu, lòng nàng không mấy bất ngờ. Nàng biết rõ, Thái hậu nuôi dưỡng, dạy dỗ nàng từ trước đến nay cũng vì điều này. Mấy năm nay, cô mẫu luôn nói với nàng, nàng là người mà cô mẫu tin tưởng, đặt hy vọng nhiều nhất trong việc mang lại quyền lực cho Trương gia trong trường hợp Hoàng thượng không có Thái tử kế vị. Hơn nữa, mong muốn của nàng trước nay không phải chính là được đứng đầu thiên hạ sao? Mong muốn này vừa là của Trích Hoa, vừa là của gia tộc nàng vì thế vào cung chính là thời cơ rất lớn.
Từ đầu, nghe mọi người nói chuyện, Trương Trích Nguyệt vẫn luôn im lặng cúi đầu. Nàng hiểu rất rõ, chỉ có tỷ tỷ mới có thể mang về quyền lực cho gia tộc nàng, còn nàng chỉ có thể yên phận nhìn tỷ tỷ và ánh hào quang của tỷ ấy mà thôi. Nàng thừa nhận, mình đố kỵ với tỷ tỷ, nhưng đố kỵ không phải vì tỷ tỷ được sống trong cung vàng điện ngọc, còn nàng phải sống trong vương phủ. Nàng đố kỵ không phải vì tỷ tỷ được sống trong nhung lụa, còn nàng thì phải sống khổ sở suốt mấy năm trong căn nhà phía tây. Nàng đố kỵ vì tỷ tỷ được tất thảy mọi người quý trọng chỉ vì tỷ ấy là đích nữ, tỷ ấy có mệnh phượng hoàng. Cô mẫu, phụ thân, ai ai trong gia tộc cũng yêu quý tỷ tỷ hơn nàng, cũng trọng dụng tỷ ấy hơn nàng. Nàng không cầu lớn lao như tỷ tỷ, không cầu được đứng trên vạn người; nàng chỉ muốn cô mẫu quan tâm nàng hơn một chút, phụ thân yêu thương nàng hơn một chút. Từ lúc nàng còn nhỏ, mẫu thân đã qua đời; người trong gia tộc họ ngoại đã chẳng còn ai. Nàng chỉ còn phụ thân và gia tộc Trương thị thôi. Nàng có phải rất vô dụng không?
Trương Thái hậu đưa mắt nhìn Trích Nguyệt đang cúi thấp đầu như đang trầm tư nghĩ ngợi, đột nhiên người lại cất tiếng gọi: “Nguyệt Nhi!”
Trích Nguyệt đang triền miên ngẫm nghĩ, bỗng giật mình khi nghe Thái hậu gọi. Rất nhanh, Trích Nguyệt đã ổn định lại, gương mặt không hề thể hiện lúng túng, rất nhanh đã đứng dậy, cúi thấp đầu, bước tới trước, cung kính quỳ xuống: “Cô mẫu có điều gì chỉ dạy?”
Trương Thái hậu khẽ cười. Lúc nãy khi bà nhìn, nàng đang suy nghĩ điều gì đó, vậy mà khi gọi nàng không hề biểu lộ sự lúng túng, thậm chí còn không hề để lộ sự giật mình. Ánh mắt Trích Nguyệt sâu như nước, lại có sự thản nhiên ung dung khó gặp. Trong lòng Thái hậu đột nhiên hiếu kỳ về Trích Nguyệt, liền nói với nàng: “Cháu khác với Hoa Nhi. Cô mẫu không được ở cạnh cháu nhiều, không hiểu nhiều về cháu. Trước khi mẫu thân cháu qua đời cũng từng nhờ ai gia chăm sóc cháu. Những điều này ai gia chưa hề làm được. Cháu đã học nhiều thứ chưa?”
Trong đầu Trương Trích Nguyệt mơ hồ hình dung ra ngày nhỏ, mẫu thân dạy nàng học chữ trong tây viện của Trương gia. Sau khi người qua đời, đích mẫu và cả phụ thân cũng không dạy thêm gì cho nàng, không mời thầy đến dạy nàng; trước đến nay đều là nàng tự đến thư phòng tìm sách đọc. Sâu trong lòng, nàng có chút oán hận đích mẫu và phụ thân. Họ luôn luôn nghĩ tỷ tỷ mới là giỏi nhất, vì thế không kỳ vọng vào nàng. Nàng thầm mong, cô mẫu có thể nhận ra được, nàng không hề kém cỏi.
Nàng nhẹ nhàng đáp lời cô mẫu: “Nguyệt Nhi từ nhỏ không được học nhiều. Hồi còn nhỏ không được gặp phụ thân nhiều, là mẫu thân Nguyệt Nhi dạy chữ; lớn lên tự đọc sách hiểu được đôi câu, biết được vài thứ.”
Lời nói của nàng càng làm dấy thêm lòng hiếu kỳ của Thái hậu. Thái hậu nghi hoặc hỏi lại nàng: “Không ai dạy cháu học sao?”
Khi nói câu này, ánh mắt bà hướng sang Trương Quốc công - phụ thân Trương Trích Nguyệt. Trương Quốc công sợ Thái hậu hiểu nhầm điều gì, liền vội vàng lý giải với người về chuyện không mời thầy dạy Trích Nguyệt: “Thần đệ có sai vài gia nữ trong nhà dạy Nguyệt Nhi nữ công nhưng không dạy chữ cho nó. Không ngờ Hà thị, mẫu thân của nó, đã dạy chữ cho nó trước rồi.”
Thái hậu thở dài một tiếng. Minh triều lễ giáo hà khắc, “nữ nhân vô tài thị đức”; biết được vài chữ đã may mắn rồi. Trương Quốc công từ trước tới giờ cũng không chú ý tới mẫu tử Trương Trích Nguyệt. Hà Yên Nhiên – mẫu thân Trương Trích Nguyệt - qua đời, dù Quốc công có quan tâm Trích Nguyệt hơn một chút nhưng tình phụ tử cũng không mấy đậm sâu. Niềm hy vọng của ông đều đặt vào đích nữ Trương Trích Hoa.
Trương Thái hậu muốn thử xem Trương Trích Nguyệt có thể làm công cụ hậu thuẫn cho Trương gia hay không. Bà ôn nhu hỏi nàng: “Sách vở có học qua, hiểu được đôi điều, vậy thì “Huân lung ngọc chẩm vô nhan sắc. Ngọa thính nam cung thanh lậu trường [2]”; cháu có biết nói đến ai không?”
[2] Gối ngọc lò hương nhan sắc nhạt,
Nam Cung nằm lắng lậu thu hờ. Trích Trường Tín thu từ của Vương Xương Linh.
Trích Nguyệt đột nhiên thấy may mắn. Thơ này chính là của thi gia nàng ngưỡng mộ nhất, cũng là viết về vị nữ tử nàng ngưỡng mộ nhất. Cô mẫu hỏi đúng điểm như thế, nàng cảm thấy mình thật giống như tú tài đi thi trúng tủ vậy... Nàng cũng không hề biểu lộ sự phấn khích khi cô mẫu hỏi “đúng chỗ” như thế, chỉ bình thản đáp lại lời người: “Thưa, là “Trường Tín [3] thu từ” của Vương Xương Linh, viết về Ban thị [4] thời Tây Hán.”
[3] Trường Tín cung: cung điện phía tây, được xây dựng thời Hán.
Thái hậu gật gật đầu, cũng tỏ ý hài lòng với nàng, nói: “Cũng biết nhiều đấy! Chính là “Trường Tín thu từ” của Vương Xương Linh, viết về Ban Tiệp dư. Nói cô mẫu nghe về người này.”
[4] Ban Tiệp dư: (班婕妤), là một của Lưu Ngao. Bà là một nữ tác gia trứ danh, rất nổi tiếng đương thời vì có tài về và của triều đại.
Trương Trích Nguyệt không hề biểu lộ hân hoan hay phẫn nộ qua gương mặt. Dù nàng trong lòng hiểu rõ, đây là cơ hội cực tốt để nàng có thể đạt được ý nguyện của mình. Nàng chỉ nói rất dịu dàng: “Thưa, Ban Tiệp dư là tần phi của Hán Thành đế [6]. Nổi tiếng là phi tử hiền thục. Không chỉ là một mỹ nhân xuất chúng thời Đông Hán mà còn là một tài nữ, thi nữ giỏi. Nàng nhập cung khi còn trẻ, được Thành Đế hết mực sủng ái; chỉ đến khi tỷ muội Triệu thị [7] xuất hiện. Ban thị từ đó bị thất sủng. Nửa đời còn lại, nàng sống trong Trường Tín cung, hầu hạ Vương Thái hậu [8]. Đến cuối đời thì nàng về trông coi lăng tẩm của Hán Thành Đế.”
[6] Hán Thành Đế: tên thật là Lưu Ngao, một kẻ ham mê tửu sắc, từng sủng ái Ban Tiệp dư, nhưng sau này vì điệu múa của Triệu Phi Yến mà ngày đêm sủng ái nàng ta.
[7] Tỷ muội Triệu thị: Triệu Phi Yến và Triệu Hợp Đức
Triệu Phi Yến: Nàng là một mỹ nhân nổi tiếng trong với dung mạo xinh đẹp tuyệt thế, cùng em gái là đã làm khuynh đảo hậu cung của Hán Thành Đế. Hai chị em được các sử gia ví là Hồng nhan họa thủy.
[8] Vương Thái hậu, tên thật là Vương Chính Quân, mẫu thân của Hán Thành Đế. Là một người hiểu lễ giáo, hiểu đạo lý nhưng sự nhu nhược thiếu quyết đoán của bà, sự vô dụng của Thành Đế, sự độc ác của tỷ muội Triệu thị, dẫn đến sự sụp đổ của Tây Hán triều.
Thái hậu có phần ngạc nhiên về một nữ tử không ai dạy dỗ, lại có thể trả lời đầy đủ câu hỏi văn học đến lịch sử trôi chảy đến thế. Nhưng là người suy tính cẩn thận, Thái hậu trong lòng cũng nghĩ tới, đó có thể là do Trích Nguyệt may mắn đọc qua. Người ngẫm kỹ lại, biết được nhiều đến thế cũng không phải dễ dàng, chắc chắn cũng phải từng đọc qua nhiều thứ.
Người bất ngờ nhất chắc vẫn là Trương Quốc công. Ông không thể ngờ con gái mình từng đọc qua sách sử.
Nhưng Thái hậu vẫn là người cẩn thận bởi cũng có thể Trương Trích Nguyệt giống như kẻ mọt sách, chỉ biết đến lý thuyết sáo rỗng mà chẳng có tâm cơ gì cả.
”Không học nhiều lại có thể trả lời lưu loát như thế thật không tồi!” Thái hậu khen ngợi rồi quay sang phía Trương Trích Hoa nở nụ cười thật đôn hậu: “Hoa Nhi, nếu cô mẫu từng kể cho cháu những câu chuyện về Ban Tiệp dư. Hôm nay cô mẫu có một câu muốn hỏi cháu.”
Trích Hoa mỉm cười, sẵn sàng nghe cô mẫu hỏi. Ánh mắt cô mẫu hiền từ khiến nàng không hề chuẩn bị tâm tư gì cho câu hỏi cả. Vì trước nay cô mẫu luôn dịu dàng ôn nhu như thế, chưa bao giờ làm khó nàng; dường như là trong lòng nàng luôn yên tâm về bà ấy.
Nhưng ngược lại, Trích Nguyệt đoán được, rất có thể câu hỏi này cô mẫu nàng không chỉ hỏi một mình Trích Hoa. Trong một thế cục như thế này, khi Trương gia đang lâm nguy, cô mẫu muốn so sánh Trích Hoa với nàng để biết bên nào nặng nhẹ.
”Triệu Phi Yến và Triệu Hợp Đức xuất hiện, cháu là Ban Tiệp dư, cháu sẽ đối mặt thế nào? Cháu chọn đi con đường thế nào?” Thái hậu hỏi rất thản nhiên, như là hỏi đùa, nhưng thực ra bà muốn thăm dò Trích Hoa và Trích Nguyệt.
Nghĩ một lát, Trích Hoa đáp: “Ban Tiệp dư nói chung quy là một người cam chịu quá. Chỉ một lần bị Triệu thị mưu hại mà nàng ta cũng đã dè chừng thế lực của Triệu Phi Yến và Triệu Hợp Đức rồi. Nếu như Hoa Nhi là Ban thị, đương nhiên sẽ đi tìm chứng cứ tố cáo Triệu Phi Yến tư thông với nam nhân khác, hại phi tần hậu cung,... để lật đổ nàng ta giống như nàng ta từng lật đổ Hứa Hoàng hậu để lên làm mẫu nghi thiên hạ.”
Thái hậu cũng chỉ “ừ” một tiếng rồi hướng sang Trương Trích Nguyệt: “Thế còn cháu?”
Mọi chuyện dường như đi theo đúng dự tính của Trích Nguyệt, quả nhiên cô mẫu muốn lấy câu trả lời từ cả hai tỷ muội bọn họ. Trong lòng nàng thầm nghĩ mình nhất định phải vượt qua Trương Trích Hoa, nhất định phải vượt qua. Từ lúc nãy đến bây giờ nàng đã suy nghĩ lời đáp của tỷ tỷ. Thực ra nghe bên ngoài thấy đó có thể chính là giải pháp rất tốt, song khó hiểu được đằng sau giải pháp đó kỳ thực cũng có sơ hở lớn. “Nguyệt Nhi... nghĩ Ban Tiệp dư đúng là một hiền phi đức độ; ở lại Trường Tín cung, có thể chính là lựa chọn đúng đắn của nàng ấy!” Trích Nguyệt nói nhẹ nhàng.
Trương Trích Hoa mỉm cười, có ý chế giễu: “Muội quả thực dịu dàng giống như Ban Tiệp dư; đến tâm cơ cũng bé nhỏ như Ban Tiệp dư vậy. Ở lại Trường Tín cung, không phải chờ một ngày Triệu Phi Yến đè đầu cưỡi cổ sao? Nếu không tìm cách vùng lên...”
Trương Thái hậu hình như lại hứng thú với lời của Trương Trích Nguyệt, liền chặn đứng câu nói của Trương Trích Hoa: “Cháu thử nói tiếp xem nào.”
Thấy cô mẫu đồng ý nghe, Trương Trích Nguyệt cảm thấy yên lòng hơn nhiều. Nàng nói với Thái hậu: “Thực ra, trực tiếp tranh giành với Triệu Phi Yến bằng cách tìm bằng chứng tố tội là một cách nguy hiểm vô cùng. Hán Thành Đế mê muội vì Triệu Phi Yến, há lại tin bằng chứng Ban Tiệp dư đưa ra. Đến lúc đó, không chừng Triệu thị lại đổ lên đầu Ban Tiệp dư tội danh làm giả bằng chứng, rồi thì đố kỵ với phi tần được sủng ái. Đến lúc đó còn thảm hơn là yên phận ngồi trong cung Trường Tín. Tìm nhân chứng cũng nguy hiểm tương tự. Triệu thị đứng đầu hậu cung, còn được Hoàng đế tin yêu sủng ái. Kể cả có người biết những chuyện xấu xa ả làm, ai có thể đứng ra nói chứ? Cho nên việc trực tiếp tìm bằng chứng hay nhân chứng tố giác Triệu Phi Yến là chuyện không thể. Cho nên, muốn lật đổ Triệu thị ta chỉ có thể dùng cách khác.”
Trương Trích Hoa thấy muội muội nói hợp tình hợp lý, cho nên chỉ có thể cúi đầu. Trương Hạc Linh hiển nhiên bất ngờ trước lời nói rắn rỏi của con gái; quan trọng là thứ nữ ông luôn coi thường. Từ trước tới nay, Trương Diên Linh và con trai ông - Trương Anh Linh, chỉ luôn cho rằng Trương Trích Hoa là đệ nhất tài nữ, cái gì cũng giỏi, cái gì cũng biết, thông minh tuyệt đỉnh; nhưng lúc này, ông chợt nhận ra, tài nữ chỉ là người giỏi nhất, không phải là người thông minh nhất.
Trích Nguyệt liền nói tiếp: “Nếu trực tiếp đối đầu Triệu Phi Yến gây ra nguy hiểm từ cả hai phía, chi bằng ngồi yên làm một phi tử hiền đức là được. Vương Thái hậu là người hiểu chuyện, lại có tiếng nói với Hán Thành đế. Nếu biết được Triệu Phi Yến náo loạn hậu cung như thế, chắc chắn cũng không bỏ qua. Chỉ cần tìm cách gián tiếp để Thái hậu biết được những chuyện Triệu thị làm, lại thêm mắm dặm muối vào câu chuyện, chắc chắn Thái hậu sẽ bất mãn, tìm cách loại trừ mầm độc hậu cung này. Khi đó, Ban Tiệp dư đương nhiên chỉ cần ngồi yên xem hổ đấu, xem Thái hậu loại trừ Triệu Phi Yến và Triệu Hợp Đức thôi. Thái hậu khi biết chuyện xấu của Triệu thị, chắc chắn không muốn Thành Đế tuyệt tự, nhất định sẽ tìm đủ cách để phế Triệu Phi Yến, cùng lắm thì huy động sự ủng hộ cả từ phía quần thần. Trong triều khi ấy vẫn có nhiều người ủng hộ triều Tây Hán. Nếu có được sự ảnh hưởng của Vương Thái hậu cùng với quần thần, e là tỷ muội Triệu thị cũng không ngồi nổi hai vị trí đó. Lúc bấy giờ, ngôi hậu để trống, ngoài Ban Tiệp dư được lòng Thái hậu ra thì ai sẽ là Hoàng hậu chứ? Khi đó Thành Đế chán ghét ai, yêu thương ai cũng chẳng còn quan trọng. Có sự ủng hộ của Thái hậu, Ban Tiệp dư có gì mà không ở ngôi hậu được.”
Kế mà Trích Nguyệt bày ra là “tá đao sát nhân”, dường như bản thân không phải chịu chút bất lợi gì. Khi ấy, lịch sử có khi đã đi theo một hướng khác. Triệu Phi Yến bị loại trừ thì Hán Thành Đế không bị tuyệt tự, đến lúc đó cũng không xảy ra chuyện ngoại thích chiếm quyền, không xảy ra một loạt biến cố phía sau.
Trương Thái hậu khâm phục nữ tử trước mắt. Bằng cách này, Ban thị vẫn là một người hiền đức như trong sử sách ghi lại mà Triệu Phi Yến cũng có thể bị loại trừ. Không những thế, có khi cách này còn giúp triều đình Tây Hán không xảy ra tranh chấp ngoại tộc, tránh được những mầm độc như Vương Mãng sau này.
Đột nhiên Thái hậu nuối tiếc nữ tử này; quả nhiên, bà đã bỏ qua một tài năng như Trương Trích Nguyệt. Câu hỏi của Thái hậu cũng đã phản ánh đúng tính cách của tỷ muội Trương thị.
Trương Trích Hoa là người tham vọng, có thể vì tham vọng mà của mình mà bỏ qua mọi thứ. Trương Trích Nguyệt tâm tư kín kẽ, thâm sâu và khó đoán, lại vô cùng cẩn trọng.
Trương Trích Nguyêt, người này có lợi lâu dài với bà và Trương gia hơn là Trương Trích Hoa. Nàng mới có sự thông minh xuất chúng mà bà cần. Với sự tinh tế của Trương Trích Nguyệt, nếu biết tận dụng tốt sự thông tuệ của chính mình, hẳn sau này chính nàng ta cũng có tiền đồ rộng mở.
Nếu bà có một nữ tử thông minh như Trích Nguyệt trong tay, Trương gia của bà không hẳn là không có tương lai xán lạn.
-----------------------