Minh Cung Truyện

Chương 40: Chương 40: Chương 35: Trường Nhạc Trường Thiên Trường Hoan Hỷ (Đã Sửa)




ĐOẠN 5: TẦM CHÂU MỊCH NGỌC (Tìm châu kiếm ngọc)

MINH CUNG TRUYỆN – CHƯƠNG 35:

TRƯỜNG NHẠC TRƯỜNG THIÊN, TRƯỜNG HOAN HỶ

(Ngày dài ở trong Trường Nhạc cung, niềm vui tràn đầy)

*Câu thơ đề do tác giả tự sáng tác.

---------------------

Nhạc Hy ngồi trong đại điện cung Trường Nhạc được một lát thì đám hạ nhân cũ hầu hạ nàng bên Vị Ương cung đều đã sang đầy đủ, có cả Nhữ Phần.

Phương Hà lúc đó cũng đi tới gần, rỉ tai nàng: “Nương nương, gia phủ gửi thư tới nói mẫu thân nương nương đột nhiên đổ ốm, cần Chiêu Mai cô cô trở về hầu hạ. Thẩm phủ đưa a hoàn Như Dung cùng ba người nữa đến hầu hạ nương nương.”

Nhạc Hy nở nụ cười nửa miệng. Chuyện này nàng đã đoán được từ lâu. Đại phu nhân sớm sẽ cho Hoàng Chiêu Mai trở về bởi vốn dĩ nàng ta là người của bà ấy, đi theo Nhạc Hy chỉ để thăm dò. Bị ốm có chăng chỉ là cái cớ để đại phu nhân cho Chiêu Mai về Thẩm gia mà thôi.

”Vậy ngươi bảo Chiêu Mai cô cô chuẩn bị hồi gia phủ. Đừng quên chuyển lời hỏi thăm của bản cung đến mẫu thân.” Nhạc Hy nói rất bình tĩnh, không hề tỏ ra là bất ngờ.

Phương Hà khẽ nói: “Nương nương, bây giờ Chiêu Mai cô cô trở về rồi, bên cạnh người không thể chỉ có một người hầu hạ trong nội điện. Hay là để...”

Thị nói đến đó thôi, Nhạc Hy cũng hiểu được vế sau đó là gì. Nàng chỉ bảo: “Bây giờ chọn người hầu cận, chắc cũng chỉ có mình Nhữ Phần đạt yêu cầu bởi lẽ thị là người của nội vụ phủ đưa tới. Thế nhưng bản cung thì không tin tưởng Nhữ Phần.” Không tin là điều hợp lý, bởi lẽ một tớ không hầu hai chủ. Tần ngần một lát, nàng lại nói: “Nhưng không sao. Bản cung có cách để đỡ phải lo lắng về nàng ta.”

Phương Hà tròn mắt hỏi: “Nương nương, người định đuổi Nhữ Phần ra khỏi Trường Nhạc cung sao?”

Nhạc Hy cười, quả là Phương Hà, suy nghĩ cũng giản đơn. “Bản cung sẽ để nàng ta bên cạnh mình. Nhưng bản cung sẽ khiến nàng ta phải chuyên tâm hầu hạ bản cung, không được có suy nghĩ khác.”

Nàng ra hiệu cho Phương Hà ghé sát tai vào rồi nói khẽ kế hoạch nàng vạch ra vào tai thị. Thị nghe xong, vội vàng nói: “Nương nương, chuyện này không được. Như thế quá là nguy hiểm.”

Nhạc Hy ngồi, nhìn ra ngoài sân đại điện, khẽ nói: “Chuyện này thì có gì nguy hiểm chứ? Sống trong hoàng cung này, thật đáng sợ nếu không có ai để tin tưởng và không có ai tin tưởng mình. Bản cung không chắc sau chuyện này, bản cung có thể hoàn toàn tin tưởng Nhữ Phần nhưng cũng xem như đỡ phải lo một phần nào đó vậy. Ngươi mau chuẩn bị thật kỹ lưỡng, không để chút sai sót gì. Nhớ không được để Nhữ Phần biết kế hoạch của chúng ta.”

Điểm yếu nhất của Nhạc Hy ngoài bị tình yêu chi phối, chính là quá đa nghi. Cũng chính vì vậy mà người nàng tin tưởng trên đời là quá ít. Ở trong cung quá cả tin thì cũng khó sống, mà quá đa nghi để không có ai để tin tưởng cũng không dễ dàng tiến thoái chút nào.

Phương Hà có chút khó xử nhưng vẫn không thể không tuân, đành đáp: “Vâng, nương nương. Nô tỳ hiểu rồi.”

Nhạc Hy khẽ phất tay cho Phương Hà lui ra ngoài đại điện, chỉ còn mình nàng trong tòa đại điện này. Đã quá giờ Thân, trời xẩm tối. Cung nhân trong Trường Nhạc cung thắp những ngọn đèn lung linh, khiến khoảnh sân đại điện sáng trưng. Nhưng những ngọn đèn ấy không xua đi sự u ám và lạnh lẽo của màn đêm trong cung. Nhạc Hy cứ nhìn ra ngoài một cách vô thức và mơ hồ. Nàng từng nghĩ phần đời còn lại, nàng sẽ bị vây trong bốn bức tường của Vị Ương cung. Hóa ra, giờ nàng lại bị giam cầm trong Trường Nhạc cung.

Trường Nhạc cung, chẳng qua chỉ là một cái lồng khác, thay thế cho Vị Ương cung mà thôi. Nàng dù có thể tự do hơn, nhưng sự tự do của nàng là trong phạm vi một cái lồng thì có còn ý vị của tự do nữa đâu.

Con người có thể khát khao muôn điều: quyền lực, danh phận, tình cảm, tình yêu, tiền bạc,... nhưng điều mà ai cũng nguyện ước, chắc chắn là tự do tự tại.

Nàng đang suy nghĩ vẩn vơ thì bên ngoài có tiếng huyên náo. Phương Hà chạy vào báo với nàng, Hoàng thượng cho đưa một vài vật đến Trường Nhạc cung. Nhạc Hy cũng thử đi tới xem.

Ngoài đó Tưởng Mục Anh đang chỉ đạo các thái giám mang các lễ vật đến. Thấy Nhạc Hy đi ra với ánh mắt ngạc nhiên, Tưởng Mục Anh cúi người: “Hy tần nương nương vạn phúc.”

Nhạc Hy cười: “Đã là người quen, không cần câu nệ làm gì. Nhưng những thứ này...” Nàng đưa mắt nhìn những lễ vật đẹp đẽ mà Tưởng Mục Anh đưa tới, không khỏi bất ngờ.

Tưởng Mục Anh cười thưa: “Là Hoàng thượng ban cho nương nương để bày trong cung ạ. Hoàng thượng nói, Trường Nhạc cung từ hồi Thái hoàng Thái hậu nương nương tạ thế chưa có ai ở, đồ vật trong cung chắc cũng cũ đi nhiều. Cho nên người dặn Nội vụ phủ mang những đồ vật mới sang đây.”

Nhạc Hy nhìn đống đồ Nội vụ phủ đưa tới, xem ra toàn là đồ tốt cả: một cái bàn gỗ gụ sơn mới khắc họa tiết phượng loan, một bàn có gương trang điểm, một chiếc màn bằng sa mỏng thêu họa tiết uyên ương, một bàn trà nhỏ chạm trổ hình hoa mai, vài tủ đựng trang sức nhỏ,... Nhưng chưa hết, ở đống bên cạnh, nàng nhìn qua có thể thấy vài cuộn gấm lụa quý, một đôi gối thêu phượng, chăn gấm hoa mẫu đơn, bộ đồ trà, bình hoa lớn, bằng vàng còn có cả một cái tráp gỗ, chắc là đựng nữ trang, vài cuộn giấy Tuyên Thành khổ lớn,...

Cũng có thể nói là nhiều đồ, nhưng cũng không quá khoa trương. Chu Hậu Thông hẳn đã tính kỹ càng. Hắn không muốn Nhạc Hy sống khổ sở, nhưng cũng không muốn thể hiện ra rằng hắn cực kỳ sủng ái nàng. Sự sủng ái sẽ khiến cho một số kẻ nhìn nàng không thuận mắt, sẽ tìm cách gây bất lợi cho nàng. Xem ra hắn đã tính toán rất kỹ cho cuộc sống của nàng trong hậu cung.

Thấy Nhạc Hy nhìn vào đồ vật Nội vụ phủ đưa tới khá lâu, Tưởng Mục Anh bảo: “Hy tần nương nương cứ xem ưng ý những thứ gì để chúng hạ quan đưa vào đại điện cung Trường Nhạc ạ.”

Nhạc Hy không đắn đo, chỉ nói: “Các ngươi cứ để cả trong đại điện đi.” Nhạc Hy cũng chẳng tha thiết lắm, chỉ tùy tiện ra lệnh như vậy.

Nhạc Hy vào bên trong đại điện Trường Nhạc cung. Quả thật mọi vật trong này cũng khá cũ rồi. Có vài bức tranh chữ treo trên tường có bút tích của Thái hoàng Thái hậu cũng đã ngả màu vàng úa. Nơi đây cũng đã chứng kiến cả nửa sau cuộc đời của Thái hoàng Thái hậu, chứng kiến Thái hoàng Thái hậu già đi từng ngày, cho đến lúc người trút hơi thở cuối cùng, từ giã nhân gian. Bây giờ Nhạc Hy mới nhìn kỹ từng chi tiết trong đại điện cung Trường Nhạc. Mỗi vật, mỗi thứ chắc đều gắn với cuộc sống ngày thường của Thái hoàng Thái hậu năm xưa.

Nhìn quanh đại điện, Nhạc Hy buột miệng hỏi: “Nơi này... Thái hoàng Thái hậu ở có lâu không?”

Một lão thái giám đứng tuổi đáp: “Người ở đây từ lúc còn là Thục phi đến tận lúc quy tiên ạ. Theo tiền lệ, khi người lên ngôi hậu thì phải ở Khôn Ninh cung, khi thành Thái hậu thì phải ngự Từ Ninh cung nhưng Thái hoàng Thái hậu nhất mực chỉ ở trong Trường Nhạc cung tới lúc già.”

Lão thái giám ấy đã già, gương mặt đã hằn nhiều dấu vết của thời gian, có lẽ tuổi đời cũng đã ngoài sáu mươi. Những hành vi, cử chỉ đến lời nói đều chậm rãi lạ thường.

Lão thái giám có vẻ rất am hiểu chuyện của các cố nhân đời trước, Nhạc Hy nghi hoặc hỏi: “Công công là...”

Lão thái giám từ tốn trả lời nàng: “Nô tài là tổng quản nội vụ phủ. Khi trước từng hầu hạ trong Trường Nhạc cung.”

Nhạc Hy “à” một tiếng. Thảo nào, lão lại hiểu rõ chuyện về Thái hoàng Thái hậu như thế. Nhưng Nhạc Hy vẫn không hiểu, vì sao Thái hoàng Thái hậu lại chỉ nhất mực ở cung điện nhỏ bé này mà không tới Khôn Ninh cung sống? Chẳng lẽ trong cung điện này... có điều gì chăng? Sự tò mò trỗi dậy trong lòng, trỗi lên vô vàn những nghi hoặc.

Đám cung nhân đang định đưa một số đồ vật ra thì Nhạc Hy ngăn lại: “Thôi, bản cung đổi ý rồi. Các ngươi chỉ cần thay bàn ghế, rèm, màn mới thôi. Còn lụa, giấy, cứ xếp cả lên bàn cho bản cung. Những thứ khác bản cung thấy cũng tạm ổn rồi.”

Các thái giám hơi khó hiểu về quyết định khá đột ngột của nàng nhưng là phận tôi tớ, họ cũng không hỏi thêm điều gì vô nghĩa cả, chỉ y lời nàng để thực hiện.

Nhạc Hy tự dưng cảm nhận được điều bất thường trong Trường Nhạc cung này. Nàng không muốn thay đổi quá nhiều kết cấu của nó để tìm hiểu xem, rốt cục trong cung điện này có bí ẩn gì không.

Làm xong công việc, các thái giám đều lui cả. Duy có Tưởng Mục Anh ở lại, nói với nàng: “Nương nương, nếu người có điều gì không hài lòng, cứ nói với nô tài.”

Nhạc Hy cười êm ả như mây: “Được, lòng tốt của ngươi, bản cung xin nhận.”

Y hơi cười, khẽ liếc nhìn Phương Hà đứng phía sau Nhạc Hy rồi mới nói: “Vâng, nô tài cũng cáo lui.”

Đợi đám người đi cả, Nhạc Hy mới bắt đầu tham quan xung quanh, tìm hiểu kết cấu đại điện Trường Nhạc cung này. Nơi nàng đứng lúc này là gian giữa của đại điện. Ngay tường bên phải gian giữa này, có thể nhìn ngay thấy bức tranh chữ của Thái hoàng Thái hậu, họa một nữ tử, thân vận vũ y mềm mại, thướt tha, tay cầm Hồ cầm [2], dáng vẻ uyển chuyển. Nàng múa dưới cây hoa lê trắng tựa tuyết, ánh trăng mênh mang, yêu kiều lạ thường. Bên cạnh bức tranh có đề dòng chữ:

Vương tích lệ, trân ngọc hoàn nguyên

Ý tại đoản thi, họa trung hữu ý. [1]

(Vua nhỏ lệ, hòn ngọc giữ nguyên

Ý ở câu thơ ngắn ngủi, trong bức tranh có ý.)

[1] Câu thơ do tác giả tự sáng tác. Phương Nghiên.

[2] Hồ cầm: tên một loại đàn. Truyện Kiều: “Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương.”

Lạc khoản: Kiến Thâm [3]

Nhạc Hy chau mày suy nghĩ chốc lát. Trong câu thơ này có hàm ý gì? Trong bức tranh này có giấu huyền cơ gì chăng? Đơn giản chỉ là Thái hoàng Thái hậu có húy là Vương Ngọc Ý sao?

[3] Kiến Thâm: Chu Kiến Thâm, tức Minh Hiến Tông. Là phu quân của nhân vật Thái hoàng Thái hậu.

Phương Hà đứng bên cạnh nàng, thấy Nhạc Hy nhìn mãi bức tranh, thị cũng nhìn lên cùng nàng. Thị nói bâng quơ: “Thật là bức tranh tuyệt đẹp. Người trong bức tranh này có lẽ là Thái hoàng Thái hậu rồi.”

Nhạc Hy cười, phong phạm này, còn ai ngoài Thái hoàng Thái hậu chứ? Dựa theo bức họa, có thể thấy Thái hoàng Thái hậu thời trẻ cũng là một nữ tử đa tài, lại có nhan sắc vượt trội.

Nhạc Hy gác lại dòng suy nghĩ, đi tiếp vào đông sao gian. Đông sao gian này khá rộng, không kém gì gian giữa, có giường nghỉ. Có lẽ đây chính là phòng ngủ của Thái hoàng Thái hậu ngày trước. Bàn trang điểm có gương vẫn chưa được thay mới bởi khi nãy Nhạc Hy sai dặn giữ nguyên kết cấu và đồ dùng trong đại điện. Chỉ có chăn gối, và màn đã được thay bằng cái mới. Mọi thứ đều tương đối giản dị so với những thứ một người từng làm Hoàng hậu nên có.

Kế tiếp đông sao gian, Nhạc Hy bước đến đông thứ gian. Đông thứ gian nhỏ hơn gian thứ, được thiết kế như một phòng tắm. Vì ở hướng đông, nên căn phòng rất ấm áp, phù hợp để làm phòng tắm. Ở đây có rèm che bằng châu ngọc, bồn tắm được xây bằng bạch ngọc, xung quanh trang trí thêm những cây cảnh, hoa vải khá đơn giản mà cực kỳ đẹp mắt.

Nhạc Hy bước ra khỏi các gian phòng phía đông, bước tới các gian phía tây. Tây sao gian chính là thư phòng của Thái hoàng Thái hậu. Giáp phía góc tường có một giá kệ để sách bằng gỗ, cao đến tận trần nhà, nhưng sách chỉ được xếp vài ngăn, còn rất nhiều ngăn trống. Những thư tịch mà người thường xem cùng với bàn đọc sách vẫn chưa được cung nhân dời đi. Nhưng đó đối với Nhạc Hy lại là có lợi, bởi lẽ biết đâu ở đây lại tìm được điều gì có ích. Giống như nàng nghĩ ban đầu, Trường Nhạc cung quả không bình thường.

Tây thứ gian cực kỳ nhỏ, trống trải, khiến người ta dường không muốn bước vào. Gian này vô cùng bí và nóng, vì thế chắc Thái hoàng Thái hậu cũng không dùng đến. Xung quanh kín mít, chẳng có một cái lỗ để muỗi chui vào.

Sau cùng, Nhạc Hy bước trở lại gian giữa. Ngày tháng phía sau ở đây, nàng sẽ tìm hiểu từ từ những thứ bí ẩn trong đại điện Trường Nhạc cung.

*Lời tác giả: Trường Nhạc cung trong lịch sử thực ra không phải nơi ở của Thái hoàng Thái hậu. Tác giả chỉ hư cấu thêm nhằm tạo tính logic cho những tình tiết sau của truyện mà thôi. Trong lịch sử thực tế, Trường Nhạc cung là nơi ở của Cung Khác Trang Hy Thục phi Kỷ thị, một phi tần dưới cấp của Thái hoàng Thái hậu trong tác phẩm này. Bà là sinh mẫu của Minh Hiếu Tông (phu quân của Trương Thái hậu trong truyện).

Qua năm ngày sống trong Trường Nhạc cung, Nhạc Hy hoàn toàn cảm thấy thoải mái với nơi này. Có lẽ là bởi nơi mà mình được làm chủ thì vẫn thấy dễ chịu hơn khi phải ở cùng kẻ khác.

Sáng hôm ấy là mùng tám tháng bảy, là ngày chúng tần phi phải đến vấn an Hoàng hậu. Nhạc Hy dậy trước canh Mão, chải đầu và vấn tóc. Nàng nhìn mình trong tấm gương kính trong, quả là có vài phần khởi sắc hơn so với lúc ở Vị Ương cung.

Phương Hà cài lên đầu nàng vài cây trâm, nhìn nàng trong gương, không khỏi tán tụng: “Vẫn là nương nương kiều diễm nhất trong số phi tần.”

Nhạc Hy làm như không nghe thấy lời Phương Hà nói. Nàng chỉ bảo với Phương Hà: “Ngươi gọi Nhữ Phần vào đây cho bản cung.”

Phương Hà “vâng” một tiếng, sau đó nhanh chóng gọi Nhữ Phần vào. Nhữ Phần thấy Nhạc Hy, vội cúi người cung kính: “Nương nương vạn phúc!”

Nhạc Hy nhẹ nhàng: “Miễn lễ đi.” Đợi thị đứng dậy, nàng mới từ từ nói tiếp: “Hoàng Chiêu Mai cô cô đã trở lại gia phủ, bên cạnh bản cung thiếu người hầu cận. Bản cung muốn ngươi hầu cận cạnh bản cung thay cho Mai cô cô. Ngươi có làm được không?”

Nhữ Phần hơi bất ngờ, nhưng từ ánh mắt thị, Nhạc Hy thấy rõ sự vui sướng. Thị dập đầu rối rít: “Tạ ơn nương nương đã tín nhiệm. Nô tỳ nhất định không phụ sự kỳ vọng của nương nương.”

”Bản cung không phải quá khắt khe với hạ nhân nhưng đặc biệt ghét kẻ hai lòng. Bản cung biết ngươi là cận hầu của tiên hậu nhưng ngươi đã chọn đi theo bản cung, nghĩa là từ giờ phải coi bản cung là chủ nhân duy nhất. Nếu ngươi có hành động phản bội bản cung, hãy nhớ lấy, bản cung sẽ ban cái chết cho ngươi.” Nhạc Hy nói rất ôn tồn, nghe không ra ý răn đe. Nàng xưa nay luôn trầm tĩnh và điềm đạm.

Nhữ Phần cúi đầu đáp: “Vâng, nô tỳ đã rõ.”

Nhạc Hy bước ra khỏi gương trang điểm, sai Phương Hà thay cho mình bộ y phục mới màu tím. Vận phục sức xong xuôi, Nhạc Hy mới rời khỏi đại điện.

Khôn Ninh cung mới sáng sớm còn vắng vẻ, mới có Nhạc Hy và Hòa tần Lư Minh Thiềm đến. Hòa tần trông thấy Nhạc Hy liền chào hỏi: “Hy tần vạn an.”

Là người cùng tần vị, Nhạc Hy cũng cúi chào đáp lễ: “Hòa tần vạn an.” Nhìn Hòa tần một lượt, nàng mới hỏi: “Hôm nay Hòa tần lại đến sớm vậy à?”

Hòa tần khá e dè và tự ti, nàng ta đáp rất nhẹ: “Vâng, ta cũng vừa mới tới thôi.” Nàng ta còn không xưng “bản cung” với nàng. Hòa tần Nhạc Hy đến vài tuổi, gia thế không quá lớn so với các tần phi trong cung. Cũng không khó hiểu là nàng ta tự ti về xuất thân của mình. Hậu cung này, nếu không có thánh sủng, không có con thì gia tộc buộc phải có quyền thế thì mới tồn tại được. Thế mà Hòa tần, thánh sủng không, nhi tử chưa, quyền thế lớn lao cũng không có. Cuộc đời nàng ta phía sau, phải do nàng ta tự chèo chống rồi.

Nhạc Hy lại tự nghĩ đến chính mình. Từ lâu, nàng đã quên đi xuất thân thực sự của mình. Nàng vốn chỉ là thứ xuất, một nữ nhi không được yêu thương của Trương gia. Nếu nàng cũng lấy thân thế đó vào cung, có lẽ nàng cũng như Hòa tần bây giờ. Có nhiều người khởi đầu giống nhau, như nàng và Hòa tần chẳng hạn. Nhưng chỉ vì một hoặc một vài biến cố mà cuộc đời lại rẽ theo một hướng khác.

Thế mới nói, nhân sinh vô thường. Chẳng ai nói trước được điều gì cả. Đột nhiên nghĩ tới những điều này, Nhạc Hy lại thấy buồn thương vô hạn, ánh mắt nàng tràn ngập bi ai. Cuộc đời nàng phía sau sẽ đi đến đâu? Bởi chẳng phải cứ có thánh sủng là sẽ cả đời hạnh phúc.

”Hy tần vạn an. Hòa tần vạn an.” Có tiếng nói phía sau khiến Nhạc Hy và Hòa tần đều xoay người lại. Thì ra là Khang tần và Trang tần.

Nhạc Hy và Lư Minh Thiềm cũng nhanh chóng cúi người đáp lễ. Trang tần nhìn Hòa tần cười dịu dàng, lại có ý trách nhẹ: “Là người cùng một cung cả. Hòa tần đi mà không rủ bản cung, làm bản cung phải đi cùng Khang tần.”

Hòa tần e dè nói: “Bản... bản cung cũng chỉ mới tới một lát thôi. Hôm sau đi vấn an, bản cung sẽ qua đi cùng với Trang tần.”

”Cùng sống trong một cung thì sao chứ? Bản cung và Hy tần khi trước có bao giờ đi cùng nhau đâu?” Giọng Văn Ngọc Hiểu, lúc này chỉ còn là Cung tần, vang lên, có ý châm chọc và mỉa mai.

Nhạc Hy quay người nhìn nàng ta, nhưng ánh mắt nàng vẫn thản nhiên như không để tâm, chẳng hề có sự chế giễu.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.