Mở To Đôi Mắt Xinh Đẹp Của Em

Chương 1: Chương 1: Lời mở đầu




Khi gặp nhau, chat trên MSN (Window Live Messenger), Uyển Hồng có kể cô ấy đang viết một cuốn tiểu thuyết tình yêu và muốn xây dựng hình tượng một anh chàng Trung Quốc hoàn hảo, tôi đã phản pháo ngay: “Cậu đúng là mơ mộng, hão huyền quá đấy!”. Và chỉ cần một cái click chuột tôi đã liệt kê ra hàng loạt tin tức, chuyện phiếm, bồ nhí liên quan đến các quan chức cấp cao, người nổi tiếng, kẻ giàu có. Như thế đã được tính là hình mẫu nam nhân Trung Quốc hoàn hảo tuyệt mĩ rồi chứ? Không phải cậu muốn nói đến Tống Tư Minh, anh chàng trong phim hot “Căn hộ nhỏ” chứ hả? Anh chàng mà khiến không biết bao phụ nữ, từ trẻ tới có tuổi phải nức nở gào thét: “Hãy cho tôi một chàng Tống Tư Minh, dù có phải ngồi cô đơn khóc trong BMW tôi cũng cam lòng”. Uyển Hồng vui vẻ: “Cậu thật là… người đàn ông có bồ nhí thì sao có thể coi là perfect man được chứ? Tớ muốn xây dựng hình ảnh một anh chàng IT vừa tài giỏi vừa có tiền, như ông anh hàng xóm từ thủa nhỏ của tớ, anh ấy mới từ Mĩ về, thế mới đúng là người đàn ông mơ ước chứ…”. Tôi như giội gáo nước lạnh vào Uyển Hồng đang thao thao bất tuyệt: “Cậu tỉnh đi cho tớ nhờ, “nổ” quá rồi đấy! Dân IT cùng lắm là anh chàng mặc hàng hiệu Polo, không khôi ngô tuấn tú, cũng chả có tiền, không biết chừng ông anh hàng xóm của cậu cũng chỉ là “hữu danh vô thực”; Hải ngoại về hả? Biết đâu lại chả vừa bơi về từ bờ Tây Thái Bình Dương. Còn những “quý ông” nhìn thì lịch lãm đấy nhưng biết đâu lại đang núp bóng bà vợ giàu có nào đó cũng nên, có những kẻ trông rất “đàn ông” nhưng lại làm những việc bẩn thỉu. Vậy thì đâu còn là “quý ngài” đáng kính nữa. Uyển Hồng ngắt lời: “Vì thế tớ mới muốn xây dựng hình ảnh một perfect man có mác “made in China”. Nếu như sự lãng mạn chỉ là giấc mơ giữa ban ngày của Đỗ Lệ Nương (nhân vật trong vở kịch nổi tiếng Trung Quốc Mẫu đơn đình), mãi mãi không trở thành sự thực, thì thế mới càng khiến chúng ta mơ ước, đúng không nào?”. Tôi gửi biểu tượng mặt cười nhăn nhở: “Vậy cậu hãy xây dựng cho tớ hình tượng anh Darcy hay một chàng Nhĩ Khang đi”.

Nếu quả thực xây dựng hình tượng A Ca trong truyện của nhà văn Quỳnh Dao thì thật là buồn cười. Tôi còn nhớ thời tiểu học, những năm 90 mấy, xem phim “Hoàn Châu Cách Cách, dần dần ngay cả đến thú cưng của bà Quỳnh Dao cũng trở nên hot vô cùng, tình yêu chất chứa đầy sự ghen tuông của Nhĩ Khang đã trở thành điểm đáng ghét nhất. Còn anh chàng Darcy trong truyện của nhà văn Anh nổi tiếng Austin đã từng là người tình trong mộng của lũ con gái khoa ngoại ngữ chúng tôi một thời. Thực tế, đến tận bây giờ thì hình tượng Darcy vẫn là mẫu bạn trai mà các cô gái mộng tưởng, hay như tượng đài David Beckham cũng vậy. Thời chúng tôi, những thần tượng trong các tác phẩm văn học rất ít. Những cuốn tiểu thuyết được nhiều người đón đọc ngày đó, các nhân vật nam chính nếu không phải là một anh hai chín chắn thì là những chủ trang trại heo ở những khu xây dựng kinh tế mới hoặc là những anh nông dân vùng sơn cước. Những hình tượng đó mà sống mãi với thời gian thì thật là kỳ tích, một chiếc bánh mì cũng có thể coi là vật làm tin, đêm về tựa đồng cỏ thơm, ngắm sao trời đã là lãng mạn lắm rồi. Các hình tượng như Cao Gia Lâm, Tần Thư Điền… có thể là những đề tài nghiên cứu cho nền văn học đương đại, nhưng để họ trở thành hình mẫu lý tưởng trong lòng các cô gái thì vô cùng khó. Các cuốn tiểu thuyết tình yêu được viết vào thời kỳ đổi mới, hầu hết không thoát khỏi sự câu nệ của thể chế chính trị. Có nhiều lúc, quan niệm về tình yêu gắn liền với khổ cực, buồn đau. Trong hoàn cảnh như vậy, để nảy nở những mối tình “yêu hết mình” còn khó huống chi là phong cách yêu. Chúng tôi chỉ có được những cảm nhận đơn thuần từ những bộ phim nhập khẩu. Hồi đó có không ít các anh chàng học chiêu thức “cua gái” của Zorro[1] không tuấn mã, không hoa hồng. Trong hoàn cảnh Trung Quốc có những quy định khắt khe với các tác phẩm văn học nước ngoài, thanh niên chúng tôi vẫn may mắn được tiếp xúc với những tiểu thuyết tình yêu truyền thống và có cơ hội phát huy trí tưởng tượng. Các tác phẩm vô cùng nổi tiếng như: “Kiêu hãnh và định kiến” (Pride and Prejudice – tác giả Jane Austen, nhà văn Anh), “Đỏ và Đen” (The Red and The Black – nhà văn người Pháp Stendhal), “Jane Eyre” hay một tác phẩm tuyệt vời khác của nhà văn Mĩ F.Scott Fitzgerald “Đại gia Gastby” đã dần góp phần giáo dục tư duy tình cảm của chúng tôi. Những chàng như Darcy, Julien Sorel, Rochester hay Gastby đã trở thành hình mẫu vô cùng lý tưởng với những cô gái mơ mộng tụi tôi. Ở thời kỳ ấy, nội dung buôn chuyện của các chị em gái tưởng chừng rất “sách vở”. Nếu chuyện trường lớp không còn gì để kể, thì những nhân vật nam chính trong các cuốn tiểu thuyết thường là chủ đề chúng tôi bàn tán trước giờ đi ngủ. Tôi nhớ có lần Uyển Hồng nêu ra chủ đề: Darcy hay Cathernin[2] có sức hấp dẫn hơn. Cô ấy còn đưa ra ba yếu tố quan trọng ở một người đàn ông lý tưởng là: Đẹp trai – dĩ nhiên, tự chủ và sexy. Phải nói thật rằng, lúc cô ấy nói đến từ sexy, tôi đã vô cùng ngạc nhiên, mắt chữ O mồm chữ A. Mặc dù đã có mấy năm học chuyên ngành tiếng Anh nhưng tôi thật rất mơ hồ về ý nghĩa nội hàm của từ này. Ngay cả lũ con trai giấu giếm đọc những quyển tạp chí thời trang mà ngày đó tôi dám chắc chỉ có hội con trai mới dám xem mấy cái đó, thỉnh thoảng bọn họ còn đọc to từ sexy và cười rất bí hiểm, nụ cười đó đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in. “Quyến rũ, gợi cảm” ở thời chúng tôi là những từ cấm kị, mặc dù có thể dễ dàng tra ra ý nghĩa của nó nhờ từ điển Oxford nhưng chúng tôi vẫn không thể tưởng tượng nổi một người đàn ông sexy là như thế nào. Nhằm cứu vãn sự “ngu muội” của chúng tôi, Uyển Hồng liền so sánh sự khác nhau của hai nhân vật nam chính trong truyện Đồi gió hú, chúng tôi ai cũng đều rất thích thú: Thì ra xung đột giữa Linton và Catherine Earshaw không chỉ là xung đột giai cấp mà còn là sự tranh đấu về mặt nội tâm. Và điều rõ ràng Catherine là người chiến thắng. Vậy còn nhân vật Darcy? Anh ấy có vẻ như lịch lãm, sang trọng thì có thừa nhưng chưa đủ quyến rũ. Những lần “tám” chuyện như thế, đều là Uyển Hồng khơi ngòi, chưa chờ đến phân người thắng, kẻ thua thì có người đã ngáp ngắn, ngáp dài buồn ngủ và chúng tôi cứ thế ấp ôm những suy nghĩ, chìm vào giấc mộng.

[1] Nhân vật trong bộ phim cùng tên của Pháp.

[2] Nhân vật trong tác phẩm văn học Đồi gió hú.

Xem ra, Uyển Hồng đã ấp ủ chủ đề người đàn ông lý tưởng từ ngày đó. Chính vì thế khi cô ấy nói muốn viết tiểu thuyết tình yêu có hình tượng người đàn ông Trung Quốc hoàn hảo, tôi đã nghĩ ngay đến ba yếu tố quan trọng mà cô ấy từng nói. Mấy tháng sau đó, cô ấy gửi bản thảo hoàn chỉnh tới, tôi đã đọc ngấu nghiến liền một mạch – đã lâu lắm rồi tôi không đọc như vậy. Là một giáo viên khoa Văn học, hàng ngày tôi đều đối mặt với các văn bản, hầu hết là các tác phẩm cần tôi phải tỉ mẩn, kiên nhẫn, nhưng khi đọc “Mở to đôi mắt xinh đẹp của em” khiến tôi có lại được cảm giác vui sướng khôn tả như hồi tôi ngấu nghiến cả đêm đọc tiểu thuyết tình yêu của văn sĩ nổi tiếng người Anh Barbara Cartland. Rõ ràng một điều là: Trước khi đặt bút, Uyển Hồng đã có sự chuẩn bị chu đáo, các cuốn tiểu thuyết tình yêu kinh điển, cô ấy đã quen thuộc như lòng bàn tay nhưng cuốn tiểu thuyết này vẫn toát lên màu sắc riêng, vô cùng mới mẻ. Các tình tiết trong truyện có vẻ rất quen thuộc: một cô gái Trung Quốc xinh đẹp, hai kẻ theo đuổi – tính cách hoàn toàn khác biệt, một kẻ người Mĩ, kẻ kia Trung Quốc. Trong câu chuyện, những diễn biến tình cảm phức tạp đã được khai thác một cách triệt để, sự đấu tranh của các nhân vật được thể hiện một cách kịch tính nhất, nhiều khi trở thành bi kịch. Mối tình tay ba này lại xảy ra nơi đất khách quê người, hai kẻ tình địch đến từ hai nền văn hóa khác nhau, vì thế các chi tiết kịch tính thông thường sẽ tập trung những yếu tố văn hóa phức tạp. Thú thực, đọc cuốn tiểu thuyết này lần đầu tiên, tôi có hơi bất ngờ. Bởi lẽ nhân vật Ngô Vũ dường như không giống với hình tượng mà Uyển Hồng từng quan niệm: không đẹp trai, cũng không quá tự chủ, hấp dẫn, quyến rũ lại càng không. Còn anh chàng tình địch Lancer thì hội tụ đầy đủ cả ba yếu tố đó. Nhưng khi đọc lại lần nữa, tôi thấy dường như Uyển Hồng đang áp dụng triết lý “Tình yêu chính là một ngôi trường” của nhà văn Austin. Bởi vì một Ngô Vũ không rành về lãng mạn kiểu phương Tây nhưng luôn cố gắng suy nghĩ mọi cách để thấu hiểu tâm tư tình cảm của Tuyết Nhung. Còn chiến thuật “đòn tâm lý” mà Lancer áp dụng, đối với chàng trai Mĩ mà nói, chiến thuật ấy rất hao tâm tốn sức, nhưng chắc chắn có rất ít cô có thể thoát khỏi sự cám dỗ này, bởi người con trai đẹp có vẻ ngoài nóng bỏng đều là những cám dỗ không thể cự tuyệt. Ngay cả thông minh, xinh đẹp như Tuyết Nhung cũng không phải ngoại lệ, cũng rơi vào lưới tình. Giống như con ngài tự biết là đau đớn, thậm chí là chết nhưng vẫn lao vào chỗ ánh sáng. Cũng may đây là thế kỷ 21, phụ nữ không còn phải chịu những tư tưởng hà khắc như thời nhà văn Austin, ví như hôn nhân không trọn vẹn, đổ vỡ thì họ không có cơ hội làm lại. Nếu như coi mối tình của ba nhân vật trong truyện là một ngôi trường tình, thì đã không thành công khi không đào tạo được một Lancer cao thượng, nhưng đã khiến Tuyết Nhung nhận ra đâu là tình yêu đích thực và với nhân vật Ngô Vũ, dường như ngôi trường này đã tôi luyện thêm cho anh ý chí quyết tâm, kiên trì. Anh chịu đựng bao khổ đau, vứt bỏ đi những quan niệm về “kiêu hãnh” và “định kiến” chờ đợi ngày cô em gái hàng xóm hoàn thiện lý trí và tình cảm. Một hình ảnh hiếm gặp ở thời đại “nhanh yêu, chóng đi đến hôn nhân và sớm chia tay” này.

Vậy rốt cuộc như thế nào mới là người đàn ông lý tưởng? Trong cuốn tiểu thuyết này, Uyển Hồng dường như đã phá vỡ hình mẫu của chính bản thân mình bao năm qua quan niệm, đẹp trai, tự chủ, sexy tất cả đều là những thứ vô thực. Người đàn ông lý tưởng trước hết phải là người mà phụ nữ có thể tin tưởng, gửi gắm cuộc đời mình và chỉ có những người đàn ông vị tha mới là những người đáng trông cậy, đáng trao thân gửi phận. Những điều này không có mối liên quan nào tới văn hóa hay loại người nhưng lại liên quan mật thiết tới nhân cách mỗi người. Tuyết Nhung kiếm tìm gì trong cuộc hôn nhân, không phải chính là hình ảnh một Ngô Vũ ư?

Thì ra, cuốn tiểu thuyết này của Uyển Hồng đã vượt ngoài trí tưởng tượng của tôi. Hình tượng ba nhân vật ở đây không mang dáng dấp của những nhân vật trong những cuốn tiểu thuyết tình yêu truyền thống, nhưng các đặc điểm lại được thể hiện một cách nổi bật. Một điểm khiến tôi rất mơ hồ là: Chẳng lẽ Tuyết Nhung thông minh mà đơn thuần (rất giống với nhân vật Amelia trong Hội chợ phù hoa) lại ích kỷ lợi dụng tấm chân thành của Ngô Vũ, khiến chàng say mê để ở bên cô những lúc cô tỉnh mộng?

Chính xác là phải đọc đến lần thứ ba, tôi mới hiểu được những ẩn ý của Uyển Hồng: cuốn tiểu thuyết về một chuyện tình tay ba, nhân vật có tính cách riêng biệt, kết cấu câu chuyện chặt chẽ, ngôn ngữ sống động, giống như củ hành tây vậy, nhìn vẻ bề ngoài rất đơn giản, nhưng khiến người đọc phải bóc từng câu, từng lớp nghĩa. “Mỗi một lớp được bóc ra, lại lộ ra những chuyện sớm đã vào quên lãng, khi tất cả các lớp đều hiện ra thì nước mắt không ngừng tuôn rơi”.

Quả thực vậy, khi đọc đến chương cuối, đến đoạn Ngô Vũ cố gắng hết sức đập vỡ kính xe ô tô, đẩy Tuyết Nhung ra, rồi sau đó vật lộn với dòng nước đẩy Tuyết Nhung lên một chạng cây nhỏ, còn bản thân mình thì bị dòng nước cuồn cuộn cuốn trôi đi. Thời khắc đó, tôi không kìm được lòng, nước mắt mặn khóe môi. Uyển Hồng không cần áp dụng những câu văn mĩ lệ như phương cách của nhà văn Quỳnh Dao, trong truyện chỉ có vài cảnh tình cảm nhưng đã đủ lấy đi bao giọt lệ của người đọc. Như vậy không phải là đã đạt đến cảnh giới của văn chương ư?

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.