Mộng Thấy Sư Tử

Chương 3: Chương 3: Đế nữ hoa (*)




(*) “Đế nữ hoa” là tên vở việt kịch được công diễn lần đầu vào năm 1957, do Đường Địch Sinh sáng tác. Vở kịch lấy bối cảnh vào cuối nhà Minh năm Sùng Trinh thứ sáu, khi đất nước suy tàn, kể về câu chuyện tình yêu đầy bi kịch của Trường Bình công chúa và Chu Thế Hiển trong thời cuộc rối ren ấy. Khi đó Trường Bình công chúa mới mười lăm tuổi, phụng theo lệnh vua cha mà kén rể, gả cho con trai thái bộc là Chu Thế Hiển, người không chịu bị ràng buộc vào cuộc sống hoàng gia. Đúng lúc này Sấm vương Lý Tự Thành đánh bại triều đình, hoàng thành bị phá, Sùng Trinh đã tự tay chém chết các con gái của mình rồi tự sát. Trường Bình công chúa thoát được, được Chu Chung cứu đưa về nhà. Sau đó quân Thanh tràn vào Bắc Kinh lập quốc, Trường Bình công chúa biết Chu Chung muốn đầu hàng nhà Thanh, may sao được con gái Thụy Lan của Chu Chung và lão ni cô trợ giúp, giả mạo thành một ni cô đã qua đời tên Tuệ Thanh, trốn lại trong am. Thế Hiển ngẫu nhiên tới đây, gặp được ni cô có dung mạo rất giống Trường Bình công chúa, lấy làm kinh ngạc, sau khi thăm dò, Trường Bình công chúa nhận ra Thế Hiển. Nhưng việc này bị vua Thanh biết được, ra lệnh bắt Chu Chung phải dụ được họ về cung. Hai vợ chồng vì muốn cầu vua Thanh chôn cất cho Sùng Trinh, thả hoàng đệ ra nên đã giả bộ về cung, đến trước cung Càn Thanh bái lạy trời đất, rồi cùng uống thạch tín tự sát để tỏ lòng trung nghĩa với tổ quốc.

------

Mẹ Dư Phi ngồi ngoài cửa nhà phơi nắng, nhà ngay mặt đường, bà chậm rãi đu đưa ghế, nhìn xe cộ qua lại trên đường. Đôi lúc có người hàng xóm lâu năm nào đi ngang qua, sẽ chào hỏi một tiếng với bà.

“Chị Ngôn đó à, đã đỡ hơn chút nào chưa?”

Ngôn Bội San mỉm cười, dấu vết năm tháng và sự tiều tụy do bệnh tật cũng không thể che lấp được vẻ phong tình năm xưa của bà.

“Đỡ hơn nhiều rồi, cảm ơn bác đã hỏi thăm.”

Ngôn Bội Linh bước ra định đổ bã thuốc Đông Y, bị Ngôn Bội San ngăn lại, “Bội Linh, đừng đổ ở ven đường. Khí bệnh sẽ ám theo người ta mất, không được đâu.”

Ngôn Bội Linh lẩm bẩm, “Lại còn thế nữa! Ám luôn theo người ta đi không phải càng tốt sao?”, lại rung rung cơ thể mập mạp, vào nhà.

Ngôn Bội San nhìn Dư Phi cầm quyển “Kinh Kim Cương”, gật gà gật gù bên cạnh, bèn nhắc nhở: “Đọc tiếp đi chứ, sao không đọc nữa?”

Dư Phi lắc lắc đầu, tỉnh táo lại đôi chút, đọc tiếp: “...Phàm hễ có tướng, đều là hư vọng...”

Ngôn Bội San thở dài một hơi.

“...Biết ta thuyết pháp, ví như chiếc bè...” đọc đến đây, Dư Phi bỗng ngừng bặt.

Chữ “chiếc bè” này nhìn đến là chói mắt.

“Sao lại dừng nữa rồi?” Ngôn Bội San hỏi.

“À...” Dư Phi đáp đại một câu, “Xem không hiểu.”

“Con phải đọc “Kinh Kim Cương” nhiều vào. Tuy con còn trẻ nhưng cũng nên đọc kinh Phật đi.” Ngôn Bội San ân cần khuyên bảo, “Phật tổ Như Lai lấy “chiếc bè” để ví von phật pháp, phật pháp giống như con thuyền vậy, từ nay về sau sẽ độ con sang tới bờ bỉ ngạn. Hồng trần không bờ, bể khổ không bến, phật pháp chính là chiếc bè.”

Dư Phi nhớ trong Thiện Đăng Đĩnh, dưới bức ảnh khổng lồ của tổ sư gia, có lời đề từ do tổng đốc Lưỡng Quảng (*) đương thời Sầm Xuân Huyên tự tay viết:

Thiện Đăng giới Lê viên, đậu thuyền nơi biển Phật. (**)

(*) Chỉ hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây, Trung Quốc.

(**) Nguyên văn: “Lê viên Thiện Đăng, Phật Hải từ hàng”, câu này vừa giới thiệu Thuyện Đăng Đĩnh là phường hí kịch, vừa giới thiệu địa chỉ của Thiện Đăng Đĩnh là ở Phật Hải, cũng ám chỉ rằng Thiện Đăng Đĩnh được xây theo kiểu kiến trúc thuyền đá.

Dư Phi cảm thấy sâu xa trong đó, dường như có điều gì đang chỉ điểm cho cô. Tuy manh mối nhiều nhưng lại rối loạn, cô chỉ hận đầu óc mình đần độn, nghĩ không ra, nắm không được.

Ngôn Bội San thấy cô lại bắt đầu thẫn thờ, bèn hỏi: “Uyển Nghi, con mệt hả?”

Dư Phi vốn tên là Dư Uyển Nghi, “Dư Phi” là do sư phụ ở Thiện Đăng Đĩnh khi nhận cô làm đệ tử đã đổi thành nghệ danh cho cô. Sư phụ nói, tên Dư Uyển Nghi quá nữ tính, hát vai lão sinh, phải có khí phách nam tử, nên đổi tên thành Dư Phi.

Dư Phi trở tay không kịp, “à” một tiếng, vô thức cự lại: “Con không mệt.”

Cô tất nhiên là mệt rồi. Uống rượu ở “Chiếc bè” đến tận một hai giờ, lúc đến khách sạn không biết đã là lúc nào. Cô nhớ mang máng khi đi ngủ, chân trời cũng đã bắt đầu tang tảng sáng.

Ngôn Bội San nói: “Hôm qua con đi đâu vậy? Mẹ nghe Tiểu Phất Điệp nói, lúc sáng sớm ra khỏi nhà đến trường thì gặp con vừa mới về.”

Trong lòng Dư Phi nháy mắt đã đem Tiểu Phất Điệp ra mắng cho một trận máu chó đầy đầu.

Tiểu Phất Điệp là cô em họ thứ hai của cô, con gái của dì nhỏ Ngôn Bội Linh, giờ đang học lớp mười hai, bảy giờ mỗi sáng đều rời nhà đến lớp sớm để tự học.

Dư Phi vẫn giữ thói quen cứ sáu giờ sáng là rời giường như hồi còn ở Thiện Đăng Đĩnh, bằng không thì sáng nay cô đã chẳng tỉnh lại sớm thế. Lúc về đến nhà, vừa hay lại đụng phải Tiểu Phất Điệp đang chuẩn bị ra ngoài. Cô vội vã lên nhà, không để ý tới Tiểu Phất Điệp, lại không ngờ Tiểu Phất Điệp là vua mách lẻo.

Dư Phi cười khan một tiếng, nói: “Chiều qua đến bệnh viện, lúc trở về có đi gặp Tạ Đình Khang, nó giúp con mua được huyết yến, lại rủ con đi ăn nên con đi chung với đám bọn nó chơi một đêm.”

“Tạ Đình Khang là một đứa trẻ tốt.” Ngôn Bội San không bình luận gì thêm mà nhìn Dư Phi chằm chằm, hỏi: “Con tối qua là đi date (hẹn hò) hả?”

Trong câu này của Ngôn Bội San, “date” về cơ bản tương đương với “lên giường với giai“. Dư Phi thầm nghĩ thêm một chuyện không bằng bớt một chuyện, bèn nói: “Bạn trai con còn chẳng có, date với ai? Chỉ là đi với đám Tạ Đình Khang chơi bời bốc phét chút thôi.”

“Mẹ nghe Tạ Đình Khang nói, con bảo con có bạn trai, lại còn trông rất khá nữa. Sao đến giờ con vẫn chưa từng nhắc đến? Định gạt mẹ đến lúc chết luôn hả?”

Dư Phi suy sụp.

Cô thật muốn chắp tay mà vái “Dì San, quý nhân ngài thật đúng là mắt tinh tai thính, tin tức nhanh nhạy, tiểu nữ bội phục, bội phục”, cô có cần phải vì tấm lòng tận lực bán đứng bạn bè của thằng bạn mình mà cảm động rơi nước mắt luôn không?

Dư Phi không biết trả lời ra sao, Ngôn Bội San lại thở dài một tiếng, nói: “Tối qua làm chuyện gì, con có thể giấu giếm ai chứ không qua được mắt mẹ đâu. Có một số việc mẹ không phản đối, con cũng đến tuổi rồi, sớm đã nên vậy. Mẹ chỉ hy vọng con thận trọng một chút, tuyệt đối đừng lầm đường lỡ bước như mẹ hồi xưa.”

Dư Phi cúi đầu không lên tiếng.

Ngôn Bội San lại nói: “Lần này từ bệnh viện về, con và Bội Nghi đều nói mẹ đã khá lên nhiều, thật ra trong lòng mẹ biết rõ, mẹ chẳng còn mấy ngày nữa, bác sĩ trị không khỏi, nên mới để mẹ trở về. Mẹ nghĩ rất thoáng, con không phải lo cho mẹ. Cả đời này, mẹ không có hối hận gì, duy chỉ có hai chuyện không thể buông bỏ được, hẳn là sẽ phải ôm nuối tiếc mà xuống mồ rồi.

“Chuyện thứ nhất, là mẹ có lỗi với cả nhà cha con. Nhưng dù có áy náy thế nào, cũng chẳng thể vãn hồi được nữa. Chuyện thứ hai, chính là không yên lòng về con. Tuy con còn trẻ, mẹ cũng không phải là đang giục con kết hôn, nhưng mẹ muốn xem thử xem, sau khi mẹ đi, rốt cuộc là ai sẽ thay mẹ chăm sóc cho con, cậu trai ấy nhân phẩm có tốt không, có quan tâm đến con không. Tính con cẩu thả, điều cuối cùng mẹ có thể làm cũng chỉ còn mỗi việc giúp con kiểm định này mà thôi.”

Dư Phi nhìn bầu trời nơi phương xa, một đàn chim không biết tên bay về phía chân trời, thoắt ẩn thoắt hiện sau những đám dây điện chằng chịt ngang dọc chăng trên khu phố cổ.

Cô gắng nén nước mắt mấp mé trên bờ mi, mở sách, nói:

“Con đọc cho mẹ nghe “Kinh Kim Cương” tiếp nhé.”

***

Tình trạng của Ngôn Bội San sáng nay khá tốt, ăn trưa xong nghỉ ngơi một lúc, lại bắt đầu đau nhức, cả người co quắp, không khống chế được, lảm nhảm nói bừa.

Ngôn Bội San giãy giụa quằn quại trên giường, chỉ chực đâm đầu vào tường, ý thức mơ hồ, nói: “Đều là do tôi khi còn trẻ gieo rắc nghiệt căn! Đều là báo ứng!”

Dì Ngôn Bội Linh ban ngày phải đến xưởng may làm việc, trong nhà chỉ có Dư Phi chăm sóc cho mẹ. Dư Phi mắt đỏ hoe cho mẹ uống thuốc an thần, đắp thuốc Đông Y, đợi bà trấn tĩnh lại, rồi lại giúp bà lau người, dọn dẹp giường chiếu.

Ý thức Ngôn Bội San vẫn mơ hồ, lẩm bẩm hỏi: “Uyển Nghi, có phải Thiện Đăng Đĩnh giục con về hát hí khúc không? Sao mẹ cứ nghe thấy tiếng điện thoại kêu thế?”

Nhưng điện thoại đâu có kêu.

Dư Phi rưng rưng nói: “Không có, con xin nghỉ rồi.”

Thuốc bắt đầu ngấm, Ngôn Bội San dần chìm vào trạng thái hôn mê, nói đứt quãng: “Mau... Về Bắc Kinh đi... Sư phụ đánh bây giờ...”

Dư Phi đưa tay lau nước mắt.

Đến ngày thứ ba sau khi rời Thiện Đăng Đĩnh, cô mới biết tin dữ mẹ ốm nặng.

Thì ra mẹ cô đã sớm mắc căn bệnh này, phải điều trị bằng hóa chất, không nói cho cô biết. Lần này tái phát, thế tới hung dữ, mẹ cô sợ không được gặp Dư Phi nữa, mới chịu để dì báo cho cô biết.

Cô không màng đến vết thương trên lưng, lấy đại một bao thuốc của Thứ Cơ, chỉ cầm theo duy nhất một cái thẻ ngân hàng bay trở về thành phố Y.

Đây có lẽ chính là một sự đả kích họa vô đơn chí.

Xong xuôi mọi việc, lại đi nấu cơm cho cả nhà, đã gần sáu giờ. Dư Phi gọi mẹ dậy, bón cháo và thuốc cho bà, mẹ cô lại ngủ say.

Trên bàn cơm, dì Ngôn Bội Linh thấy mặt Dư Phi xanh mét, mắt đỏ quạch dại ra, đau lòng khuyên nhủ: “Uyển Nghi, ăn cơm xong đi ngủ chút đi. Con về gần một tháng nay, sáng tối đều trông giữ bên giường mẹ con rồi, không ngủ thì không được đâu. Nghe lời dì, mau đi nghỉ ngơi đi, đêm nay để dì trông mẹ con cho.”

Dư Phi nói: “Con không ngủ được.”

Ngôn Bội Linh: “Không ngủ được thì ra ngoài giải sầu một chút cũng được. Nói chung đừng suốt ngày quanh quẩn trong phòng rầu rĩ như thế.”

Dư Phi thoáng liếc qua Tiểu Phất Điệp, Tiểu Phất Điệp vội cắm đầu vào bát cơm. Trên mặt Ngôn Bội Linh lại không thấy có vẻ gì lạ thường. Dượng và anh trai Tiểu Phất Điệp đều phải trực đêm ở trạm thủy điện, không về ăn cơm tối.

Thì ra Tiểu Phất Điệp cũng chỉ nói cho mình mẹ cô biết.

Dư Phi chuyển chủ đề: “Bên xưởng may dì không bận sao?”

Ngôn Bội Linh trợn tròn mắt: “Dì là quản đốc, quản đốc thì có gì mà bận?” Ngôn Bội Linh là một người tác phong nóng nảy, thậm chí còn thể hiện qua cả tướng mạo. Tuy cùng một mẹ sinh nhưng dung mạo Ngôn Bội Linh thua xa chị gái Ngôn Bội San xinh đẹp. Nhưng nói theo lời Ngôn Bội Linh, trời cao công bằng, bà dù không có dáng dấp như chị gái, nhưng số mệnh thì tốt hơn nhiều, vậy nên bà cũng không tủi hờn gì.

Dư Phi hỏi: “Gần đây bên Thượng Thiện không giục xuất hàng sao?”

Thượng Thiện là tập đoàn may mặc cao cấp lớn nhất thành phố Y, rất có tiếng ở khu vực Hoa Nam. Ngôn Bội Linh mở một xưởng may nhỏ, chủ yếu sản xuất một số mặt hàng thủ công cao cấp đặc biệt, tỷ như thêu, đinh ghim, bện các loại. Đối với Ngôn Bội Linh mà nói, có một đối tác như Thượng Thiện thôi là đủ rồi, hằng năm lời lãi cũng đủ nuôi sống gia đình. Vậy nên Ngôn Bội Linh không phải lo vướng gì, chẳng đoái hoài đến chuyện đi tìm khách hàng khác, cứ hầu hạ tốt một mình vị đại gia này là được.

Ngôn Bội Linh hằng ngày ở nhà vẫn hay ca thán cái vị đại gia Thượng Thiện này lắm yêu cầu xét nét ra sao. Nói nhiều đến mức Dư Phi rút ra được cái nhìn rất tường tận về công ty này. Tỷ như vị phu nhân bí thư của tỉnh nào mặc áo của Thượng Thiện, trên cái áo đó khuy cúc chính là do dì cô ghim; tỷ như Thượng Thiện tốn rất nhiều tiền mời trợ lý trước của Yohji Yamamoto (*) về làm giám đốc thiết kế, người Nhật Bản có yêu cầu quái gở phiền phức với việc gia công may mặc ra sao; hay tỷ như tập đoàn Thượng Thiện mới mở một trung tâm thương mại riêng, cần hàng gấp, giục bên dì cô làm việc ngày đêm không nghỉ, khiến công nhân ầm ĩ một trận, vân vân.

(*) Nhà thiết kế thời trang kỳ cựu của Nhật Bản, được biết đến là người tiên phong tạo nên những xu hướng mới thay đổi quan điểm thẩm mỹ của người Nhật nói riêng và thế giới nói chung.

Nhưng oán thì oán thế thôi, tập đoàn Thượng Thiện tóm lại vẫn sẵn lòng trả thù lao xứng đáng. Dư Phi cảm thấy Ngôn Bội Linh trong mắng chửi cũng thể hiện phần nào tình yêu với tập đoàn Thượng Thiện.

Quả nhiên, Dư Phi thấy con ngươi Ngôn Bội Linh đảo một vòng, lóe ra ánh sáng bà tám, thần thần bí bí nói:

“Bên Thượng Thiện gần đây chắc không còn lòng dạ nào mà để ý chuyện chỗ dì nữa rồi. Chuyện ông tổng bên họ có con riêng bên ngoài bị lộ ra, bà lớn tức phát điên, ngày nào cũng bám theo ông tổng làm ầm ĩ. Cả cái công ty nháo nhào lên luôn.”

Tiểu Phất Điệp ngẩng đầu, ngốc nghếch hỏi: “Sao bà lớn phải ầm ĩ đến vậy? Không phải tại sĩ diện chứ?”

Ngôn Bội Linh nói: “Chuyện này nhiều vấn đề lắm, nhiều con riêng tức là khả năng cao con trai bà lớn sẽ bị phân tài sản ít đi một nửa. Bà ta lại chẳng không ầm ĩ à? Mà bà lớn này cũng là một người ghê gớm lắm đấy, mang bầu con trai ông tổng xong là đạp thẳng vợ cả xuống để lên chức luôn. Bà vợ cả trước kia cũng thật đáng thương, trực tiếp tự sát mất.”

Sắc mặt Dư Phi tái nhợt. Ngôn Bội Linh nhất thời ý thức được mình nói sai, nói: “Xem cái mồm bậy bạ của dì kìa, dì nói chuyện này trước mặt đám trẻ con bọn mày làm gì thế nhỉ! Uyển Nghi, con đừng nghe dì nói bừa, đừng để tâm! Mẹ con không giống bọn họ đâu.”

Dư Phi cúi đầu không nói gì.

Ngôn Bội Linh là một người tính tình thẳng đuột, thấy Dư Phi như vậy, dứt khoát nói: “Uyển Nghi, dì đã nói với con rồi, con không phải con rơi con rớt đâu, mẹ con chẳng qua chỉ có con trước khi kết hôn, nhiều lắm cũng chỉ coi là mượn một cái họ, chẳng có gì phải xấu hổ cả. Con lớn vậy rồi, có từng lấy một đồng nào của ba con chưa? Có chịu chút ơn huệ nào của ông ta chưa? Chưa! Con giờ hát hí khúc, nổi danh như cồn ở Bắc Kinh cơ mà! Nhà chúng ta đối nhân xử thế, không sợ nghèo, miễn là không làm chuyện trái lương tâm là có thể đầu đội trời chân đạp đất hiên ngang mà sống, con nói có phải không?”

Dì nói một hơi dài như vậy, Dư Phi lại không sao lọt tai được. Trong đầu nàng chỉ xẹt qua bốn chữ: Chuyện trái lương tâm.

Nếu không phải vì đuối lý, làm sao cô chịu rời Thiện Đăng Đĩnh?

Ăn xong bữa cơm, dì sai Dư Phi đến trạm thủy điện đưa cơm cho dượng và em trai họ, còn dặn Dư Phi đã ra ngoài rồi thì tìm bạn bè mà chơi một chút rồi hẵng về, người trẻ có cuộc sống của người trẻ, mẹ cô bên này, đêm nay cứ để bà lo.

Dư Phi đưa cơm cho dượng và em họ xong, xem giờ thì đã là bảy giờ mười lăm. Trong tay cô nắm chặt hai vé xem kịch, bảy rưỡi, phường việt kịch (*) Đại Ẩn Hí Lâu, vở “Đế nữ hoa”, vốn là cô hẹn mẹ tối nay cùng nhau đi xem.

(*) Việt kịch là một trong những thể loại hí kịch truyền thống của Quảng Đông, có xuất xứ từ nam kịch (loại hình nghệ thuật sân khấu ở miền nam Trung Quốc thời xưa), thịnh hành ở những nơi tụ tập đông người Việt ở Lĩnh Nam. Việt kịch bắt đầu xuất hiện vào thời vua Gia Tĩnh ở vùng Lưỡng Quảng, là sự kết hợp của xướng niệm tố đả hòa với nhạc đệm của các nhạc công và cách dàn dựng sân khấu cùng thiết kế trang phục, thuộc loại hình nghệ thuật biểu diễn trừu tượng. Mỗi vai diễn trong việt kịch lại có một bộ trang phục khác nhau. Năm 2006, việt kịch đã được công bố thuộc nhóm 518 hạng mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đầu tiên của Trung Quốc, đến năm 2009 thì được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

“Đế nữ hoa” là vở việt kịch mẹ cô thích nhất. Khi còn bé, mẹ cô từng dẫn cô đi xem rất nhiều lần. Nhưng kể từ khi lên Bắc Kinh, cô chưa từng xem lại “Đế nữ hoa“.

Nếu mẹ cô không đi xem được, cô phải xem thay cả phần của mẹ nữa, phải cùng nhau đi xem.

***

Khi Dư Phi tới Đại Ẩn Hí Lâu, vở diễn đã bắt đầu.

Lúc cô rón rén tìm đến được chỗ ngồi của mình thì phát hiện hai ghế của cô và mẹ đã bị chiếm mất một ghế.

Người chiếm chỗ là một ông bác thấp lùn, vừa xem vừa rung đùi gật gù ngâm nga hát theo, dáng vẻ rất không coi ai ra gì. Kiểu người mê kịch này Dư Phi thấy đã nhiều, đối với hí khúc mê muội đến vô cùng cố chấp, vậy nhưng lại không bao giờ chịu có quy có củ, lúc đi mua thì toàn mua vé hạng rẻ nhất, đến lúc vào rạp hát rồi thì hùng hùng hổ hổ chiếm lấy những ghế hạng sang nhất không có người ngồi.

Trên đài diễn viên đã bước ra trong tiếng thanh la réo rắt, Dư Phi cũng chẳng có lòng dạ nào mà so đo với ông bác kia, huống chi mẹ cô cũng không đến, cho ông ta ngồi cũng không sao. Cô tự mình ngồi xuống bên cạnh ông bác.

Đại Ẩn Hí Lâu và Thiện Đăng Đĩnh khá giống nhau, đều là phường hí kịch cổ truyền, vẫn còn giữ lại những vị trí “ghế quan”, “ghế dân“. “Ghế quan” ở tầng hai là dành cho những vị quan to quý nhân. “Ghế dân” thì là cả khoảng lớn trước mặt sân khấu, là chỗ ngồi cho bách tính dân thường.

“Ghế dân” này không giống như ghế phổ thông trong các nhà hát hiện đại. Ở các nhà hát hiện đại thì sẽ được thiết kế theo kiểu cầu thang, hàng người phía trước không mấy ảnh hưởng đến tầm mắt của hàng người phía sau. Còn “ghế phổ thông” ở đây thì tất cả đều nằm chung trên một mặt phẳng.

Hiện tại, chỗ ngồi của Dư Phi và ông bác kia có hơi bất tiện.

Hai người ngồi phía trước hơi quá cao.

Ngồi trước Dư Phi là một chàng trai, cần cổ cao ráo. Còn phía trước ông bác là một cô gái, mái tóc dài được buộc lên, lại càng thêm ngăn trở tầm mắt.

Dư Phi học hí kịch mười sáu năm, hiện giờ đi xem việt kịch, sớm đã không còn thái độ xem cho vui như năm xưa nữa, xướng niệm tố đả (*) cô đều phải vừa xem vừa nghiền ngẫm, nhất là khi nét độc đáo của việt kịch là ở đài bộ, thân đoạn, tố thủ, tu công, linh tử công (**), tất cả cô đều phải xem kỹ. Lúc này, bởi vì sự ngăn trở bên trên mà buổi xem của cô trở nên thiếu trọn vẹn.

(*) Xướng niệm tố đả (唱念做打) là bốn phương thức nghệ thuật biểu diễn trong hí khúc, được gọi chung là “tứ công“. Xướng là hát xướng, niệm là nói lối, hai phương thức này hỗ trợ lẫn nhau, cấu thành yếu tố “ca (hát)” trong nghệ thuật biểu diễn hí khúc; tố là vũ đạo hóa tư thế động tác, đả là các động tác đánh võ và nhào lộn, hai yếu tố này kết hợp với nhau, cấu thành yếu tố “vũ (múa)” trong nghệ thuật hí khúc.

(**) Các thuật ngữ trong hí kịch: đài bộ (台步) chỉ dáng đi trên sân khấu khi diễn; thân đoạn (身段) chỉ một dạng hình thức múa, đắp nặn nên hình tượng nhân vật, thể hiện trạng thái nội tâm của nhân vật; tố thủ (做手) là động tác, tư thế của bàn tay khi diễn; tu công (须功) là các động tác biểu diễn dành riêng cho vai võ sinh, một nét đặc trưng rất riêng của việt kịch; linh tử công (翎子功) là kỹ xảo khua múa hai cây lông đuôi trĩ cắm trên mũ các vai võ tướng.

Vở diễn xong nửa đầu, Dư Phi ra phòng trà gọi một chung trà phượng hoàng đan tùng, lúc quay lại đang nghĩ xem có nên tìm một người khác đổi chỗ hay không, đến chỗ mình ngồi vừa nãy thì thấy lại bị người ta chiếm mất.

Người chiếm ghế của cô là một một chàng trai mặc một áo phông màu đen. Anh ta cúi thấp đầu, ngậm một chai nước khoáng Nông Phu Sơn Tuyền, ôm lấy cái di động màu sắc sặc sỡ chơi game. Hình ảnh trong game biến ảo vù vù, ngón tay anh ta múa tít như bay, làm Dư Phi nhìn mà váng hết cả óc.

Từ cần cổ thon dài trắng trẻo kia, Dư Phi đoán bừa đó chính là người vừa ngồi phía trước cô. Trên cái áo phông đen của anh ta thêu hai con mắt bằng chỉ trắng cách nhau cả thước, tựa như đang ngó nhìn cô, vô cùng kỳ dị.

Dư Phi mắt đối mắt với cặp mắt kia trong giây lát, chợt nhận ra mình lại bị ô nhiễm tinh thần rồi, không khỏi có chút buồn bực. Mà cái người kia thì vẫn đắm chìm trong game, căn bản là không chú ý đến Dư Phi. Tóc mái của anh ta hơi dài, mềm mại rủ xuống trước trán. Mái tóc có vẻ lộn xộn, buộc qua loa trên đỉnh đầu thành một bím tóc nhỏ, tai trái đeo một cái khuyên hình con mắt dựng thẳng, con ngươi sáng lấp lánh.

Dư Phi nhìn lại một chút chiếc xường xám phong cách cổ điển đang mặc trên người, ngẫm lại trước đây quen mặc trường sam, cảm thấy mình và cái tên này hẳn là nằm ở hai không gian khác biệt song song. Hai ngón tay cô đỡ dưới đáy chung, dừng lại trước mặt người kia, khẽ ho khan một tiếng, nhỏ giọng từ tốn gọi:

“Anh gì ơi?”

Người này ước chừng là sơ ý ngồi nhầm chỗ. Sư phụ dạy cô đạo lý làm người, một khi đã nhìn thấu thì không nên nói toạc ra mà phải giữ thể diện cho người ta.

Người nọ nghe tiếng, tạm dừng game, bắt lấy chai nước suối, ngẩng đầu lên nhìn Dư Phi.

Nếu như thời gian có thể đảo ngược lại một phút, Dư Phi chắc chắn sẽ không đứng trước mặt người này, hiền hòa khiêm tốn gọi ba tiếng “anh gì ơi” kia.

Nhưng thời gian vĩnh viễn sẽ chỉ ào ào lao về phía trước, tuyệt đối không bao giờ lùi lại.

Trong chớp mắt đó, trong lòng Dư Phi chỉ có ba chữ.

Gặp quỷ rồi.

***

Cả cái thành phố Y lớn như vậy, dân số thường trú cũng trên dưới mười triệu người, rốt cuộc là xác suất ra kiểu gì mà lại có thể khiến cho cái người xa lạ đã cùng cô mê man lăn lộn đêm qua giờ xuất hiện chình ình trước mặt cô, hơn nữa lại còn ở một nơi vô cùng khác biệt như thế này?

Chắc chắn cô không nhận lầm.

Nét mày như xuân sơn, mắt hàm chứa thu thủy, ở nơi tối tăm này, lại càng long lanh tỏa sáng. Lòng cô bắt đầu phát hoảng, đầu ngón tay cũng run lên, chung trà suýt nữa trượt tay rơi mất. May mà cô cũng từng kinh qua sóng gió trên đài diễn, tay phải đưa lên, vững vàng tiếp được, chỉ bị trào vài giọt nước ra ngoài.

Ánh mắt người kia khẽ chuyển, rơi lên tay cô, rồi lại ngước lên. Nhìn cô chằm chằm, nhưng trên mặt không biểu lộ cảm xúc gì. Hoàn toàn không giống cô, trong lòng bốn bề dậy sóng, khóe miệng cơ bắp co giật.

Cơn chấn động lòng người ào qua trong vòng mấy giây, Dư Phi như một khối thép nóng được tôi trong nước, nháy mắt xèo cái nguội lạnh.

Tối qua dưới ngọn đèn, đối mặt gần nhau trong gang tấc, tư thế thân mật đều đã có cả rồi, khoảng cách chỉ có vài centimet. Cô có thể nhận ra anh ta, cũng không tin anh ta không nhận ra cô.

Nhưng người này chẳng có vẻ gì là gượng gạo, cô cũng không thể yếu thế được.

Ngón tay trái của Dư Phi giữ chặt nắp chung, nâng chung lên như đang chúc gió đông, lại thản nhiên ung dung nói:

“Anh ơi, chỗ anh đang ngồi là của tôi.”

Ánh mắt người kia thoáng lay động. Anh ta chưa kịp lên tiếng, bên cạnh đã vang lên một giọng nữ lanh lảnh quen thuộc:

“Thật ngại quá, ông chú vừa nãy ngồi cạnh cô nói tôi và bạn tôi chắn tầm mắt ông ấy, vậy nên đổi chỗ với chúng tôi, cảm phiền cô lên phía trước ngồi...”

Lời Quan Cửu đột ngột dừng bặt, cô bước nhanh qua đây, thấy rõ mặt Dư Phi rồi, không khỏi cả kinh.

Hiển nhiên cô ấy cũng không ngờ được sẽ chạm mặt Dư Phi một lần nữa ở Đại Ẩn Hí Lâu này.

Phản ứng của cô ấy vậy nhưng lại rất thành thật.

Dư Phi chú ý tới, Quan Cửu hôm nay mặc một bộ trang phục rất khác lạ, một chiếc váy liền ngắn màu trắng bó sát, kèm áo gió mỏng dáng dài, môi tô son đỏ thắm, kết hợp với mái tóc dài buộc cao, trông rất thông minh tài giỏi.

Có vẻ như đây mới là trang phục thường ngày của hai người này, nhìn không giống sinh viên, cũng không đoán ra được họ làm nghề gì.

Ngẫm lại về tình cảnh mờ ám giữa ba người họ tối qua, lúc này lại gặp nhau ở một nơi trang nhã thanh tịnh thế này, bầu không khí đột nhiên trở nên lúng túng.

Chàng trai trẻ bỗng mở miệng, hỏi Dư Phi:

“Cô thích vị trí này?”

“Không thích.”

“Vậy cô muốn ngồi chỗ nào?”

“Phía trước.”

Đàm phán nhanh chóng kết thúc, đạt được hiệu quả cao. Ba người tản ra, ngồi xuống chỗ của mình, gọn gàng lanh lẹ. Dư Phi ngồi vào chỗ, trước mắt hoàn toàn trống trải.

Màn sau của vở diễn đã bắt đầu. Trường Bình công chúa và phò mã Chu Thế Hiển gặp nhau ở am ni cô, sau khi bắt chuyện, rốt cuộc cũng làm quen với nhau, tuy nhiên khi ấy hoàng thành đã bị phá, quân Thanh tràn vào, Sùng Trinh treo cổ tự sát, vận số của Đại Minh đã tận.

Dư Phi luôn cảm thấy có một đôi mắt đang nhìn cô từ đằng sau. Nhưng khi cô giả bộ tìm người, đột ngột quay đầu lại thì chỉ thấy chàng trai trẻ phía sau đang nhìn không chớp mắt lên sân khấu, vẻ mặt lạnh nhạt nghiêm túc.

Dường như từ sáng nay, khí chất của người này đã thay đổi. Nếu như tối qua cả người anh ta đều ngập tràn hơi thở “cám dỗ” bất phân nam nữ, thì đến hôm nay, anh ta đã hoàn toàn khoác lên vẻ nam tính rất đỗi bình thường. Tuy mặt mũi anh ta có hơi âm nhu, giống như đang ở cái khoảng vi diệu chuyển đổi từ thiếu niên sang thành niên, vậy nhưng không hiểu sao lại không khiến người ta có bất kỳ liên tưởng nữ tính nào.

Trên đài vang lên tiếng trống, “thùng” một tiếng.

Trong lòng Dư Phi cũng “thùng” một tiếng, lập tức tỉnh táo lại: Sao cô lại phải để ý đến cái người này thế chứ?

Bất quá chỉ là một cuộc tình ngắn ngủi, tối nay coi như ngẫu nhiên gặp lại, cũng đâu thay đổi được gì?

Nghĩ vậy, lòng Dư Phi cũng lắng lại.

Trong một chớp mắt này, phò mã Chu Thế Hiển một mình đứng trong am ni cô, nghe tiếng đàn trong trẻo mà lạnh lùng, độc thoại nói:

“Bướm trắng từng đàn lạnh như tuyết, dập dờn vờn quanh đỉnh Lâm Mai, dây đàn giữa khúc đứt đôi, hương tiêu ngọc vẫn đã xong một đời. Thử hỏi hôm nay Hồng Các ấy, còn ai thương tiếc khóc Sùng Trinh? Tỉnh mộng trong ánh đèn khuya, chỉ còn ta khóc tiễn đưa trà đình.”

Cũng chính câu này đã đưa Dư Phi đến với hí kịch.

***

Sau khi các diễn viên chào cảm ơn kết màn xong, đã là mười giờ rưỡi. Dư Phi liếc nhanh qua di động đang để trong chế độ im lặng, thấy có hai tin nhắn chưa đọc. Mở WeChat ra xem, vậy mà lại là tiểu sư đệ Lan Đình ở Thiện Đăng Đĩnh gửi tới. Cậu sư đệ này thân thể gầy yếu, cô từng rất quan tâm chăm sóc cho cậu ta.

“Phi sư tỷ, sau khi chị đi, Thiện Đăng Đĩnh dường như hiu quạnh hơn hẳn, không náo nhiệt được như trước nữa.”

“Có rất nhiều phiếu hữu hỏi chị đi đâu, còn nói người được thay vào diễn “Du long hí phượng” không đẹp được như trước.”

Cô nhắn lại một câu: “Hiện giờ Thiện Đăng Đĩnh đang diễn vở gì đó?”

Lan Đình trả lời rất nhanh: “”Quý phi túy tửu”, “Lục nguyệt phi sương”, “Vũ trụ phong“.”

Không phải hoa đán (*) thì cũng là thanh y, đều là những vở chính kịch cả.

(*) Hoa đán (花旦) là những vai nữ còn trẻ hoặc trung niên có tính cách hoạt bát hoặc đanh đá phóng đãng trong hí kịch, thường mang màu sắc hài hước.

Diễn chính ở Thiện Đăng Đĩnh, hoa đán là Nghê Lân, thanh y là Sư Mi Khanh, đều từng đạt được những giải thưởng kinh kịch lớn.

Trong lòng Dư Phi quặn lại khó chịu. Đúng như chủ thuyền nói, không có Dư Phi cô, Thiện Đăng Đĩnh vẫn bảng vàng lẫy lừng.

Đây mới là một đôi tuyệt phối. Còn Dư Phi cô, như chủ thuyền nói, chỉ là một kẻ thích chơi trội, làm trò cười trên sân khấu, một tên hề phách lối.

Lan Đình ngập ngừng hỏi: “Phi sư tỷ, chị còn trở lại chứ?”

Cô nhắn lại bốn chữ:

“Không trở lại được.”

Không phải là không trở lại, mà là “không trở lại được.”

***

Vị trí của Đại Ẩn Hí Lâu rất đặc biệt, tựa như một ngôi chùa cổ nằm sâu trong một công viên rộng lớn xây theo phong cách giả cổ. Tối khuya, công viên đã đóng cửa, chỉ để một lối mòn nhỏ hẹp cho khách xem kịch ra ngoài, giống như đang từ nơi thế ngoại đào nguyên, xuyên qua đường mòn thông giới, trở lại với phố phường phồn thịnh. Có người nói đây cũng là một thiết kế đặc trưng của công viên này.

Nhưng Dư Phi lại chẳng cảm thấy thiết kế này có gì đáng ca ngợi. Người xem kịch có đến hai ba trăm người, lối này lại nhỏ hẹp chỉ vừa cho một người đi, có đi đến sáng cũng chẳng đi xong.

Dư Phi xếp hàng trong dòng người đông nghịt như một mạch máu tắc nghẽn, nhớ lại mấy tin nhắn ban nãy, trong lòng trĩu nặng một cục nghẹn uất chỉ chực bộc phát, thấy ven đường có một vườn hoa tạm nghỉ nhỏ, bèn vào đó.

Cô không ngờ là, sau vườn hoa này, còn có một chốn bồng lai khác: một lối đi nhỏ thông đến một tiểu đình khuất sau hòn non bộ chi chít cành hoa, xung quanh được bao phủ bởi những tán cây dày đặc, nghiễm nhiên trở thành một nơi rất hợp để vụng trộm.

Nhưng nhìn một vòng, cũng không thấy có ai ở đây yêu đương vụng trộm. Chỉ có ánh trăng mênh mang, tiếng dế tiêu điều, tịnh không một bóng người, và mùi hoa cỏ thơm nồng nức mũi.

Dư Phi đứng bên đình nghỉ chân chốc lát, ánh trăng rọi lên ba chữ “Đế nữ hoa” trên cuống vé chừng như nhạt nhòa, chừng như rõ ràng, lại cũng chừng như muốn cuốn theo chiều gió. Cuối cùng, bắp đùi mềm nhũn, áp lực phải gánh gồng suốt hơn một tháng nay trong nháy mắt thoát ra, cô ngồi sụp xuống đất bắt đầu tí tách rơi nước mắt.

“Đế nữ hoa”, là vở hí kịch mẹ cô thích nhất; “Hương yểu”, lại là khúc ca mẹ cô thích nhất trong vở.

Thành phố Y khá gần Hồng Kông. “Đế nữ hoa” vốn rất nổi danh ở thành phố này, đến năm 1999, nhờ được minh tinh điện ảnh Trương Quốc Vinh và Uông Minh Thuyên biểu diễn, “Hương yểu” lại càng được lưu truyền rộng rãi, khắp phố lớn ngõ nhỏ đều có thể nghe thấy người ta ngân nga vài câu. Đám nhỏ thậm chí còn hát nó như một bài hát thiếu nhi.

Mẹ cô rất thích Trương Quốc Vinh. Bài hát Trương Quốc Vinh hát, việt kịch Trương Quốc Vinh ngâm, đều được bà hát đi hát lại trong nhà. Dư Phi khi đó còn nhỏ, nghe nhiều rồi cũng hát theo.

Năm bảy tuổi, mẹ cô dẫn cô lên Bắc Kinh, muốn để cô biết mặt cha mình. Nhưng lại chẳng thấy cha đâu. Cô chèo thuyền trong công viên Phật Hải, xa xa trông thấy một cái cây mọc nghiêng ngả liền nhớ đến chuyện vua Sùng Trinh tròng dây lên cây hòe tự sát ở Cảnh Sơn, bèn hát một đoạn “Hương yểu”, khiến sư phụ Thiện Đăng Đĩnh nghe được.

Sư phụ nói cô là một diễn viên hí khúc thiên tài, một cô bé mà lại có chất giọng hùng hậu như thế, rất có tiền đồ hát kinh kịch.

Mẹ cô mừng rỡ, sau khi quan sát Thiện Đăng Đĩnh một thời gian, lại điều tra kĩ càng lai lịch của sư phụ, cuối cùng quyết định để cô ở lại học hí kịch.

Cô hỏi mẹ có thể ở lại với cô được không.

Ngôn Bội San nói: Không được.

Cô lập tức khóc òa. Cô muốn cùng mẹ về nhà.

Vậy nhưng mẹ cô lại cứ thế mà đi mất. Suốt năm năm sau đó, cô không gặp lại mẹ lần nào. Cho đến tận năm hơn mười hai tuổi, cô đạt giải, sư phụ thưởng cho cô một khoản tiền, cô bèn dựa theo ký ức mờ nhạt khi còn nhỏ, mua vé tàu hỏa trở về thành phố Y.

Lúc gặp lại, mẹ cô cười xán lạn như đóa hoa, còn cô thì khóc nức lên như một đứa trẻ.

Cô rất hận mẹ, Ngôn Bội San, sao mẹ lại có thể sắt đá như vậy, nói bỏ là dứt khoát bỏ cô lại.

Nước mắt Dư Phi ngày càng ồ ạt, tiếng khóc cũng ngày càng lớn, cuối cùng là bật khóc nức nở chẳng còn chút phong độ nào, lớn tiếng mà gào khóc.

Mười sáu năm trước là vậy, mười sáu năm sau cũng vậy, đều chẳng có chút báo trước nào.

Ngôn Bội San, sao mẹ có thể sắt đá như vậy, nói bỏ là dứt khoát bỏ cô lại, bắt cô phải đi xem vở “Đế nữ hoa” này một mình.

***

Dư Phi khóc rất lâu, cô cũng không biết mình đã khóc bao lâu rồi nữa. Đến cuối cùng, cô khản cả cổ nghẹn ngào không thành tiếng, mệt lử ngồi bên mép nước bên đình. Dưới mặt nước, bóng cô hiện lên ảm đạm suy sụp, tựa như một u hồn.

Đúng lúc này, cô chợt nghe bên ngoài có ai đó gọi một tiếng:

“A Phỉ!”

Lỗ tai cô căng lên, nhất thời toàn thân cũng căng thẳng. Cô nín thở chăm chú lắng nghe, người kia lại gọi thêm tiếng nữa, cô chắc chắn mình không nghe lầm, người kia đang gọi “A Phỉ”, mà giọng réo lanh lảnh đó, chính là của Quan Cửu.

“Đi đâu vậy nhỉ? Không phải nói là đợi WC lâu quá nên qua đây giải quyết sao... Làm tao đợi dài cổ trong xe, rơi xuống hố rồi hả?... Uống nhiều nước vậy cơ à, lại còn ngại toilet bẩn không muốn đi, giờ người khác muốn còn chẳng có chỗ mà vào kìa, đáng đời!”

Tiếng Quan Cửu trề môi nhỏ giọng oán thán rõ ràng là vọng từ ngoài vườn hoa nhỏ vào, thấy không ai đáp lại, giọng cô nàng lại nâng thêm một quãng tám:

“Ổn không thế? Tao vào nhé!”

Dư Phi hơi phát hoảng, ôm chặt hai đầu gối, rụt người náu vào bóng tối trong đình. Cũng may tối nay cô mặc một chiếc xường xám dệt bằng sợi gai thẫm màu, núp trong bóng đêm rất khó phát hiện ra.

Quan Cửu vào rồi, đi xung quanh xem xét một vòng, thậm chí còn đi đến hòn non bộ cẩn thận nhìn vào, cũng không thấy được nửa bóng người. Cô nàng vô cùng hoang mang, lẩm bẩm: “Quái thật, cũng không thấy ra cổng, một người đang sống sờ sờ ra đấy, sao bỗng dưng lại biến mất rồi?”

Cô bước về phía vườn hoa bên ngoài, vừa đi vừa lôi điện thoại ra, từ xa Dư Phi thấy cô gọi một cú điện thoại.

Cùng lúc ấy, Dư Phi cảm thấy bên khóe mắt lóe lên một tia sáng.

***

Nhìn về hướng tia sáng vừa lóe lên, tầm mắt Dư Phi bị giới hạn trong một khoảng không xa, hoàn toàn mờ mịt trong bóng tối, cành lá phản xạ lại ánh trăng, không gió mà rung rinh.

Dư Phi nhìn chằm chằm vào khoảng không mờ tối đó. Cô có cảm giác như mình đang nhìn vào một đáy vực sâu thẳm, mà vực sâu cũng đang chằm chằm nhìn lại cô một cách thù địch.

Giằng co hồi lâu, cô nghe thấy tiếng kéo khóa rất khẽ vừa bất đắc dĩ vừa đến là phát rầu, tán cây đen thui tách ra hai bên như rẽ nước, một bóng đen bước ra, trong tay cầm một chai nước suối Nông Phu Sơn Tuyền.

Người đàn ông trẻ tuổi u ám nhìn cô một cái, đi qua bên người cô, trên người thoang thoảng hương tùng bách. Hai con mắt to đùng trên áo anh ta dường như cũng nheo lại liếc cô.

Dư Phi khoanh tay, không nóng không lạnh cất tiếng: “Anh có ý thức quá nhỉ.”

Mặc dù ở thành phố Y không lâu nhưng cô đối với thành phố Y luôn một lòng trung trinh. Đối với loại người có hành vi gây ô nhiễm môi trường này, cô cực kỳ khinh bỉ, huống chi lại còn là ở một nơi lịch sự tao nhã như phường hí kịch.

Người đàn ông trẻ tuổi vốn đã bước ra ngoài được mấy bước, đột nhiên vòng trở lại, dừng trước mặt cô, tay nhấc chai nước Nông Phu Sơn Tuyền lên ngang tầm mắt cô, lắc lắc, có tiếng nước trong chai lộn nhào.

Giọng anh ta lạnh nhạt: “Cô thấy rồi đấy, tôi quả thật đúng là rất có ý thức.”

Lại không ngờ được, thì ra là hiểu lầm anh ta rồi. Dư Phi nhìn cái chai đầy nước kia, mượn ánh trăng mà ánh lên màu sắc bất đồng, vậy mà lại cảm thấy buồn cười. Cô cũng không biết đầu óc mình chập mạch chỗ nào, ma xui quỷ khiến lại đọc một câu:

“Chúng tôi không sản xuất ra nước, chúng tôi chỉ là người khuân vác thiên nhiên.” (*)

(*) Khẩu hiệu quảng cáo của Nông Phu Sơn Tuyền.

Ánh trăng bàng bạc trong như nước, vẻ mặt anh ta lại cứ như gặp ma. Anh ta im lặng nhìn cô nửa ngày rồi mới nói:

“Ban nãy cô cũng khiến tôi được mở rộng tầm mắt đấy.”

Ánh mắt Dư Phi lạnh xuống, nói: “Hòa nhau, chúng ta coi như chưa ai thấy ai.”

Anh ta hừ một tiếng, cầm chai nước rảo bước ra ngoài, hẳn là muốn đuổi theo Quan Cửu rời đi.

Dư Phi từng này tuổi, trước giờ chưa từng khóc trước mặt ai chứ đừng nói là khóc đến thê thảm như vậy. Nhưng ngẫm lại, một người đẹp như ngọc tạc thế kia, chắc cũng chưa từng gặp tình trạng mất mặt đến không nỡ nhìn trước mặt người khác như vậy. Một bước ấy khi bước ra từ rừng cây, không biết anh ta phải gom bao nhiêu dũng khí mới dám nhấc chân nhỉ?

Dù sao cũng đều là người sau này không gặp lại, đều đã từng thấy nhau trần truồng hết cả rồi, ai mà rảnh hơi để ý đến chuyện người nào mất mặt hơn người nào chứ!

Cứ nghĩ ngợi qua lại một hồi như thế, phiền muộn trong lòng Dư Phi dần tiêu tan, cô nhẹ nhõm hơn hẳn. Lồng ngực cô tự rộn lên tiếng trống, tiếng gõ phách, nhịp nhịp thành điệu, bước chân cô cũng theo nhịp từng bước ra ngoài.

Cô chợt nghĩ, người đàn ông trẻ tuổi kia, giọng nói cũng thanh như tiếng gõ đá, ngay cả khi đang giận dữ cũng dễ nghe vô cùng.

***

Một chiếc siêu xe điên cuồng lao trên đường cao tốc trong bóng đêm.

Sau khi xuống khỏi đường cao tốc, xe bắt đầu chọn một con đường tách biệt vắng lặng, thả chậm, bẻ lái, phanh gấp, phóng nhanh...

Cứ như vậy điên loạn chơi một giờ, rốt cuộc cũng chịu phụng phịu lái vào một garage để xe trong tư gia.

Quan Cửu ôm chặt lấy tay lái như nhện ôm trứng, ghé mặt kề lên logo trên tay lái, tham lam hít thở bầu không khí ngồi siêu xe, vẻ mặt mê say cứ như vừa được lên đỉnh:

“A... Thì ra chạy siêu xe chính là sướng như vậy... Sao lại sướng vậy chứ sướng quá đi sướng chết được sướng muốn tụt quần...” Cô hát rống lên: “Nếu phải chết xin hãy cho tôi được chết trong siêu xe...”

Bạch Phỉ Lệ đi qua mở cửa xe bên cô, kéo cánh tay đang nắm chặt tay lái của cô ra, một cước đạp tới: “Lăn xuống ngay.”

Quan Cửu bám lấy ghế xe, gào khan: “Aaaa...”

Cô vẫn còn đang đắm chìm trong dư vị ảo tưởng về chủ nghĩa tôn thờ đồng tiền. Bạch Phỉ Lệ lôi cô ra khỏi garage, vứt chìa khóa xe cho người quản gia đang đứng chờ bên ngoài.

Vẻ mặt quản gia nịnh nọt lấy lòng: “Cậu A Phỉ, Bạch tổng sáng sớm nay còn hỏi về cậu đấy, nói là nhớ cậu.”

Bạch Phỉ Lệ ném một ánh mắt lạnh băng qua, đáy mắt lộ vẻ hung tàn: “Dám nói cho bất kỳ kẻ nào biết tôi đã trở về, tôi sẽ giết anh.”

“A... Ha ha ha ha ha không dám không dám...” Quản gia cẩn thận dè dặt nói: “Cậu chủ A Phỉ hiện đang ở đâu thế?”

“Cạnh hầm cầu.”

“...” Quản gia thầm nghĩ, đó là nơi nào? Là một biệt thự câu lạc bộ cao cấp sao? Lại dè dặt cẩn thận hỏi: “Đã trễ thế này rồi, cậu A Phỉ muốn đi đâu vậy?”

“Cưỡi ngựa! Miễn hỏi!” Bạch Phỉ Lệ kéo theo Quan Cửu, đi thẳng ra ngoài không thèm ngoái đầu lại, để lại quản gia đứng tại chỗ với vẻ mặt mù sương: Cưỡi ngựa là sao?! Thành phố Y có ngựa hở?!

Bạch Phỉ Lệ ra đường lớn đón xe, bắt nửa ngày không được, bèn lấy di động ra, dùng ứng dụng gọi xe đặt một chuyến. Dưới bầu trời đêm, một ông bác bán hàng rong tóc hoa râm lái một chiếc xe ba bánh đi ngang qua, trên xe còn lại linh tinh vài thứ hoa quả chưa bán hết.

Bạch Phỉ Lệ chặn ông ta lại: “Có sầu riêng không?”

Bác hàng rong: “Có.”

“Trỏng còn nhiêu? (Còn lại mấy quả?)”

“Ba trái.”

“Bao tiền?”

Bác hàng rong nhìn thoáng qua vầng trăng trắng sáng trên bầu trời đen đặc, nói: “Cậu ra giá đi.”

Bạch Phỉ Lệ rút ra một tờ một trăm tệ đưa qua. Bác hàng rong nhận lấy, hỏi: “Mổ không? (Bổ luôn chứ?)”

“Mổ.”

Bác hàng rong nhanh nhẹn lấy dao bổ sầu riêng, dùng ba cái túi nylon gói lại, đưa cho anh, lại kín đáo bỏ thêm một cây mía.

“Cậu đẹp trai, chúc cậu tiền vào như nước. Nếm thử mía đi, ngọt tận tim luôn.”

Bạch Phỉ Lệ đưa mía cho Quan Cửu.

Quan Cửu nghe không hiểu họ nói gì, cầm lấy mía, nhìn cứ như đang cầm gậy đánh chó:

“???”

Bạch Phỉ Lệ: “Geely (*) đấy, cầm đi.”

(*) Một hãng xe ô tô của Trung Quốc.

Quan Cửu: “...”

Xe đến, là một chiếc ô tô phổ thông có rèm che. Quan Cửu rốt cuộc cũng hồi thần lại, “á” một tiếng: “Chúng ta đi xe này á?”

Bạch Phỉ Lệ xách túi sầu riêng, mở cửa xe ngồi xuống vị trí cạnh ghế lái, quẳng lại cho cô một bóng lưng: “Chờ Bugatti của mày chắc đến kiếp sau.”

Quan Cửu: “...”

Quan Cửu hiện giờ nhìn xe nào cũng giống như nhìn ngựa què, giác ngộ được sâu sắc thế nào là tiết kiệm sang xa xỉ dễ, xa xỉ về tiết kiệm khó. Cô nhăn mũi rồi lên xe, cây mía kia quá dài, để nghiêng vẫn còn thừa ra một đoạn chọc ra ngoài cửa sổ xe. Quan Cửu muốn vứt đi, tài xế lại nói: “Người đẹp à, mía ở thành phố Y có ý nghĩa lắm đấy, là chúc cô cuộc sống thuận lợi, sự nghiệp thăng tiến, ái tình ngọt ngào đó.”

Quan Cửu nghe xong, lập tức đổi sắc mặt, cười tít mắt ôm chặt cây mía, thương yêu vô cùng mà vuốt ve từng đoạn từng đoạn lên xuống, nói với Bạch Phỉ Lệ: “Ơ, đồ tốt vậy mà lại cho tao sao?”

Bạch Phỉ Lệ: “Mày thiếu đó.”

Quan Cửu: “Mày mới thiếu!”

Trong xe mùi sầu riêng nồng nàn, tài xế và Bạch Phỉ Lệ mỗi người cầm một múi sầu riêng ăn phía trước, Quan Cửu một mình ngồi đằng sau tuyệt vọng bịt mũi: “Không thể hiểu nổi người thành phố Y luôn.” Cô nhớ lại, “Tao nhớ hôm trước lúc Lăng Tửu ngả bài với mày có liệt ra mười tội lớn, cái thứ bảy là mày không thích ăn óc heo, mà nó thì ghét sầu riêng nhỉ.”

Quan Cửu than thở: “Nhưng sự thật là mày theo nó ăn óc heo hai năm, suốt hai năm qua cũng không ăn một miếng sầu riêng nào.”

Bạch Phỉ Lệ dán mắt lên con đường trước mặt, cắn một miếng sầu riêng, không nói lời nào.

“Mày ngã xuống ở chỗ nào thì sẽ đứng lên từ chỗ đó thôi. Cô bé mặc xường xám kia tên gì ấy nhỉ? Ngôn Bội San?” Quan Cửu thấy anh không thèm để ý, bèn vươn người lên phía trước, ghé vào tai anh nhỏ giọng hỏi: “Mày đối với cô ấy rốt cuộc là thế nào? Có thích không?”

Bạch Phỉ Lệ tiếp tục ăn sầu riêng, mắt điếc tai ngơ.

Quan Cửu “aizz” một tiếng, “Bỏ đi.”, lại nói: “Mày nói xem, thành phố Y này so với Bắc Kinh có phải nhỏ quá rồi không? Xoay qua xoay lại là chạm mặt nhau, thật đáng sợ. Nếu ở Bắc kinh, làm sao có thể có chuyện như vậy chứ.”

Bạch Phỉ Lệ vẫn mặc kệ cô.

Quan Cửu chọc anh một cái: “Ê? Nam chính, sao bình chân như vại thế? Phú nhị đại “đào hoa rợp trời, tình nhân vô số” nay đột nhiên lại bật mode “không mảnh lá dính thân” hả?”

Bạch Phỉ Lệ: “Cút.”

“Được được được, không nói đến cô ấy nữa, lại nói về Lăng Tửu đi.” Quan Cửu nói, “Theo tao thấy, gia thế và năng lực của mày, có chỗ nào mà không đọ được với Ly Hận Thiên chứ? Chỉ ngoại trừ duy nhất một cái...” cô ra dấu tay, “Trong ngực mày có...bệnh lạ.”

Người Bạch Phỉ Lệ hơi nảy lên khi xe đi qua gờ giảm tốc, mặt không chút thay đổi.

“Giờ thì tốt rồi, mấy tháng vất vả dàn dựng kịch, tại mày và Lăng Tửu mà hỏng chuyện, nỗ lực của mọi người đều đổ sông đổ bể cả. Bạch Phỉ Lệ, studio của chúng ta giữ người, là dựa vào cảm tình đó. Những người khác tao mặc kệ mày muốn giữ ai bỏ ai, nhưng Lăng Tửu, mày không giữ được thật hả?”

“Người đã muốn đi, có giữ cũng vô dụng.”

“Sao lại vô dụng?” Quan Cửu giãy nảy, “Loại con gái như Lăng Tửu, tao coi như đã rõ tận xương rồi. Trước đây tới dụ dỗ mày, chính là vì muốn mượn sức mày để trèo cao. Giờ nó nổi danh rồi, cảm thấy mày không xứng với nó nữa, lại đi quyến rũ Ly Hận Thiên. Tao lấy tính mạng cả nhà tao ra cá luôn, bây giờ mà mày đưa nó đến garage nhà bố mày dạo một vòng, đảm bảo nó sẽ đá phăng Ly Hận Thiên sang một bên về lại với mày cho xem!”

“Cô ấy diễn không tốt.”

“Gì cơ?” Quan Cửu ngạc nhiên hỏi.

“Cô ấy hiện tại không diễn được Lưu Hí Thiềm.”

“Mày...” Quan Cửu hoàn toàn không thể ngờ được, đến lúc này rồi mà Bạch Phỉ Lệ vẫn còn suy nghĩ đến chuyện Lăng Tửu có nhập vai được hay không. Quan Cửu tất nhiên là biết, diễn tập lần này của họ là một vở kịch nói cổ phong, Lưu Hí Thiềm tuy là phụ nữ nhưng lại có trái tim bao la, lòng rộng như biển, khí chất khoáng đạt như vậy, nếu như trong quá khứ, Lăng Tửu còn có thể chống đỡ được, nhưng bây giờ cô ta đã thẳng thắn trở mặt, lộ ra bộ mặt nhỏ mọn xu nịnh của mình, làm sao còn có thể diễn được một Lưu Hí Thiềm như vậy?

Nhưng từ giờ đến ngày công diễn chỉ còn bốn ngày, đâu còn thì giờ để mà suy tính chuyện Lăng Tửu có hợp vai hay không nữa? Lưu Hí Thiềm dù không phải nhân vật chính, nhưng cũng là một nhân vật đặc biệt vô cùng quan trọng, trong vở còn có một đoạn đóng vai tiểu sinh (*) hát hí khúc nữa, yêu cầu đối với diễn viên rất cao. Sở trường của Lăng Tửu chính là hát hí khúc cổ phong, hiện giờ không có cô ta, trong một khoảng thời gian ngắn như vậy biết tìm đâu ra một người có năng lực tốt thế chứ?

(*) Tiểu sinh (小生) là một trong các loại vai diễn trong hí kịch, ngược lại với lão sinh, đây là vai nam ở độ tuổi thanh thiếu niên.

Quan Cửu đang muốn tranh luận với Bạch Phỉ Lệ, trong đầu chợt lóe sáng, quay qua hỏi: “Tối nay mày lôi tao đi xem việt kịch, chẳng lẽ là muốn tìm một diễn viên hí khúc chuyên nghiệp?”

“Đúng.”

Bạch Phỉ Lệ trả lời không thừa ra một chữ, Quan Cửu thật sự bị anh làm cho muốn lên cơn động kinh não, trợn tròn mắt nói: “Mày nằm mơ à? Có diễn viên hí khúc chuyên nghiệp nào lại nguyện ý tham gia cái thứ kịch nói nửa mùa này của chúng ta chứ?!” Thấy Bạch Phỉ Lệ chẳng có vẻ gì là định đáp lời, cô lại kinh ngạc nói: “Lẽ nào mày định lấy tiền đè người? Mày điên rồi! Chúng ta sẽ bị dìm chết đấy! Còn không bằng thẳng tay hủy luôn đi còn hơn!”

Bạch Phỉ Lệ tiếp tục im lặng.

Quan Cửu rất hiểu Bạch Phỉ Lệ. Người khác im lặng có nghĩa là cam chịu, Bạch Phỉ Lệ im lặng thì có nghĩa là “không đồng ý”, “kệ xác bây“.

Quan Cửu bất đắc dĩ hỏi: “Vậy giờ được kết quả gì rồi?”

“Tao cẩn thận suy nghĩ cả tối, cảm thấy làn điệu của việt kịch vẫn chưa thích hợp.”

Quan Cửu thở dài, “Đúng vậy, trong nguyên tác vốn là nam kịch, là giọng mềm của người đất Ngô. Nếu có thể hát côn khúc hoặc việt kịch thì tốt rồi, đáng tiếc đây lại là thành phố Y.”

“Tiếp tục tìm.”

“Nếu tìm không được thì sao?”

Bạch Phỉ Lệ nói: “Vậy để Nhược Thủy hát đi.”

“Không được!” Quan Cửu bật thốt, lớn giọng phản đối.

Bạch Phỉ Lệ ngậm miệng không nói, Quan Cửu lôi điện thoại ra giận dỗi lướt net. Lướt một hồi, cô chợt kêu lên: “Không phải chứ? Lăng Tửu và Ly Hận Thiên lên hot search rồi?”

Cô tắt màn hình, mạnh tay ném di động lên ghế: “Không được, cái con Lăng Tửu này tao càng xem càng nóng máu! Đã đá mày ra lề đường lại còn muốn đạp thêm một cước, ấm ức vậy mà mày cũng chịu được! Cái Weibo có dấu chính chủ “Quan Sơn Thiên Trọng” của mày ấy, bao nhiêu fans ở dưới giận xanh mặt luôn, mày có biết không?”

Xe dừng lại, đã đến dưới khu trọ của bạn Quan Cửu.

“Xuống xe.” Bạch Phỉ Lệ nói.

Quan Cửu thở phì phò đi giày cao gót xuống xe, xuống rồi lại cộc cộc cộc đi tới cửa trước, dùng đầu cây mía gõ lên cửa xe bảo Bạch Phỉ Lệ hạ kính xuống. Cô thò đầu vào, nghiêm túc đến lạ thường, nói:

“Bạch Phỉ Lệ, tao lấy danh nghĩa của một trong hai người duy nhất sáng lập nên studio “Cưu Bạch” để trịnh trọng nhắc nhở mày: Lấy ngày hôm qua làm ranh giới, từ nay mời mày cả đời này đừng qua lại với cô Lăng Tửu nữa, “Cưu” trong “Cưu Bạch” là “Quan chi cưu” của tao, không phải của Lăng Tửu, hiểu chứ? (*)”

(*) “Quan chi cưu” chỉ “Quan quan thư cưu, tại hà chi châu, yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu” – bài “Quan thư” trong Kinh Thi, họ Quan của Quan Cửu cũng là chữ Quan trong “Quan chi cưu“. Đồng thời chữ “cưu” và chữ “tửu” đều có phiên âm quốc tế là “jiu”, vậy nên ý Quan Cửu là chữ “jiu” trong studio “Cưu Bạch (Jiu Bai)” là chữ “cưu” của Quan Cửu chứ không phải “tửu” của Lăng Tửu.

***

Dư Phi gọi xe về nhà. Trên đường nhàm chán cầm điện thoại lướt Weibo, thấy dấu chính chủ của Văn Thù Viện đã được khôi phục lại bình thường, xem ra lão phương trượng đã vân du trở về, nghiêm túc dạy bảo lại cả chùa.

Dư Phi có cảm giác vui mừng sâu sắc.

Nhưng khi lướt xuống, lại thấy một cái Weibo có dấu v màu cam tên: Thứ Cơ giải mộng. Ấn vào xem lượng fans, ấy vậy mà lại có đến bốn trăm nghìn!

Bên dưới có một đống fans não tàn hô hào: Chuẩn lắm chuẩn lắm!

Một đống fans não tàn khác kêu: Cá chép cá chép!

Còn có một vài fans não tàn khác reo: Đại sư anh tuấn tiêu sái độc nhất vô nhị thiên tư thông minh thần cơ diệu toán mau lật thẻ của em đi!

Dư Phi nổi giận.

Cô rất muốn vạch mặt cái tên hòa thượng rởm này, cái mặt đập chai đó thật ra là ảnh lừa tình đó các thím đừng có tin!!!

Nhưng một người từng là fan duy nhất của Thứ Cơ như cô, hiện giờ cũng chỉ có thể bị chôn vùi trong một biển vài ngàn bình luận trên Weibo.

Dư Phi không thể làm gì khác, đành đi xem hot search. Mỗi ngày trên hot search đều luôn không thiếu chuyện, toàn là mấy cái về ngôi sao, doanh thu phim điện ảnh truyền hình, chuyện lạ cuộc sống, hạt giống tâm hồn.

Có điều lần này, lại xuất hiện thêm một tiêu đề tìm kiếm mới trên hot search: Lăng Tửu gia nhập studio Phi Ngã.

Lăng Tửu là ai? Studio Phi Ngã là cái gì? Chưa từng nghe đến.

Tính phản nghịch của Dư Phi lại nổi lên, thuận tay ấn vào. Đầu tiên là nhìn thấy cô gái tên “Lăng Tửu” nọ đang mặc bộ đồ cos cổ phong, rất lộng lẫy, mặt mũi cũng thật sự là xinh đẹp. Nhưng cô mơ hồ lại cảm thấy nhìn quen quen, lại xem thêm vài tấm hình, trong đầu chợt sáng bừng:

Đây không phải chính là cô nàng mà cô đụng phải lúc ở bến xe buýt trước cửa bệnh viện sao?

Lại xem tiếp, cái ông chủ studio Phi Ngã “Ly Hận Thiên” kia, chính là người đàn ông cô gái ấy khoác tay ngày hôm qua.

Ho khan một tiếng, cũng thật là, Dư Phi không khỏi cảm khái, thật là trùng hợp, thế giới này quả là nhỏ bé.

Công nghệ photoshop...cũng thật phát triển.

Lướt xuống chút nữa là đủ các thể loại xỉ vả khó coi, nào là “Chết sớm đi, bọn chó má mua tiêu đề hot search! Cái cặp khốn nạn này muốn khiến giới cos cổ phong rộng lớn của bọn này phát hỏa lên sao?”, nào là “Quan Sơn Thiên Trọng giờ này đúng là tiền mất tật mang [lá xanh] [lá xanh] [lá xanh], muốn xem xem studio Cưu Bạch định làm thế nào để trở mình.”, rồi còn “Không phải do studio của bọn này tung tin đồn nhé, đừng có lôi Cửu ca nhà tôi lên đài! Ôm Cửu ca về.“... Dư Phi căn bản đọc chẳng hiểu bọn họ nói cái gì, thấy chán lại tắt màn hình.

Lúc về đến nhà đã là hơn mười một giờ, mọi người đều ngủ cả rồi. Dư Phi không bật đèn, nương theo ánh trăng rón rén đi vào phòng mẹ, thấy dì quả thật là đang ngủ bên giường mẹ, ngáy khò khò, mẹ cô cũng hiếm khi ngủ yên bình được vậy. Dư Phi an tâm, xuống phòng vệ sinh nhà dưới rửa mặt.

Nhưng lúc đi đến phòng vệ sinh, cô chợt thấy ánh nến lập lòe qua cửa kính.

Đúng vậy, là ánh nến.

Ánh nến xanh lét. Giống hệt ma trơi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.