Đêm mồng Một Tết dương, Bạch Phỉ Lệ đưa Dư Phi đến xem buổi công diễn chính thức đầu tiên của "Long lân".
Trên đường đi, Bạch Phỉ Lệ đưa di động cho Dư Phi xem để cô có cảm nhận sơ lược về phong cách của game này. Dư Phi chưa bao giờ chơi game, xem hai lần rồi trả lại cho anh.
"Không tinh tế như game anh chơi lần trước." Cô nói, "Có điều lại đẹp theo kiểu khác."
"Em cảm thấy game lần trước đẹp là bởi trò đó thiên hướng dành cho nữ giới, "Long lân" là dành cho nam."
"Anh chơi hết à?"
"Trò nào phong cách đặc biệt đều sẽ thử một lần."
Phong cách đặc biệt, ừ, Dư Phi nhớ tới trong nhà Bạch Phỉ Lệ, tầng hai có hai phòng sách, phòng nhỏ hơn là của Bạch Phỉ Lệ. Trong phòng sách nhỏ có rất nhiều hòm gỗ lớn, chồng lên nhau cao đến sát trần. Bạch Phỉ Lệ nói trong hòm đều là truyện tranh, tiểu thuyết và DVD anh xem lúc nhỏ.
Trên hòm khắc rất nhiều lời kịch và đối thoại, có vẻ như là để nhắc nhở anh cái đựng bên trong là cái gì.
Trong đó có một cái hòm có ấn tượng sâu sắc nhất với Dư Phi, vì cái hòm đó bị nứt, trên mặt hòm khắc bốn câu thoại, chữ viết của học sinh tiểu học:
Đã đến lúc phải quay về với trời xanh bao la
Nơi hoa giấy rơi rực rỡ khoan vào cổng
Đền thờ cùng với số hòm thơ đồng số tủ lạnh
Hãy tiến lên dẫn đường! (*)
(*) Lời thoại của nhân vật tiến sĩ Toratarō Shima trong phim Paprika (2006), đoạn này là do chị idlehouse dịch hộ tớ. Nói chung, nếu chỉ đọc không thì không hiểu được đâu, phải xem phim cơ, nên nếu mọi người có hứng thú thì có thể xem phim để hiểu được tường tận đoạn thoại này, còn nếu không thì cũng đừng hoang mang, tớ cũng chẳng hiểu đâu, thế nên mới phải đi nhờ vả dịch hộ đấy:))
Dư Phi dù không được đi học chính quy nhưng vì phải hát hí khúc nên cũng bị sư phụ ở Thiện Đăng Đĩnh bắt đọc rất nhiều thi từ phú khúc, tiểu thuyết truyền kì, bởi vậy cũng biết cảm thụ văn học.
Phản ứng đầu tiên của cô lúc đó là: Bốn câu này viết cái quái gì vậy!
Người giỏi cảm thụ văn học, khi nhìn câu chữ trong đầu tự sẽ hiện ra cảnh tượng tương ứng, nhất là đối với những câu chữ đầy tính miêu tả này. Nhưng lúc Dư Phi xem bốn câu thoại này, trong đầu lại nổi lên một xung đột bất thường: xung đột với logic thường ngày của cô.
Thế nào là quay về với trời xanh bao la?
Thế nào là hoa giấy rơi rực rỡ?
Số hòm thơ đồng số tủ lạnh là cái gì? Tiến lên dẫn đường là làm sao?
Nhưng kỳ lạ là, đoạn văn này lại tạo thành một chấn động rất lớn đối với cô, hằn sâu vào tâm trí cô không sao xua đi được, vậy nên đến tận bây giờ cô vẫn có thể nhớ được nó.
Trong phòng sách của Bạch Phỉ Lệ có rất nhiều món đồ không rõ ý nghĩa như vậy, càng ở đó lâu, phát hiện của cô càng nhiều. Phát hiện càng nhiều, lại càng cảm nhận được rằng trong tầng lầu nhỏ này cất chứa rất nhiều lịch sử của Bạch Phỉ Lệ, thứ lịch sử không muốn ai biết, cũng rất khó lý giải.
Nhưng một cách tự nhiên, cô cảm thấy đây mới chính là Bạch Phỉ Lệ, nếu Bạch Phỉ Lệ mà dễ bị xem hiểu như vậy thì đó không phải là Bạch Phỉ Lệ mà cô biết nữa rồi. So với sự đơn giản của cô, trong đầu Bạch Phỉ Lệ chỉ toàn chứa đựng những thứ rắc rối bề bộn không sao tưởng tượng nổi. Bạch Phỉ Lệ như vậy cũng chính là một Bạch Phỉ Lệ đã khiến cô cảm thấy vừa xa lạ lại vừa vui thích mới mẻ.
***
"Long lân" dù là vở kịch sân khấu do studio Cưu Bạch chế tác nhưng Bạch Phỉ Lệ lại tự mua vé riêng, kéo Dư Phi tới xếp hàng soát vé vào cửa như những khán giả bình thường khác.
Rạp hát lớn ngồi kín người, lúc chưa mở màn, qua băng biểu ngữ và biển hiệu có thể thấy được rất rõ ràng ai là fan của game, ai là fan của diễn viên đóng trong vở kịch.
Kiểu kịch sân khấu này không trật tự ngay ngắn được như những vở kịch thông thường, mỗi lần có coser nổi tiếng lên sân khấu, cả rạp đều gào thét chói tai, nhất là khi Quan Cửu đóng vai nữ tướng quân lên đài, đám con gái trong rạp đều như phát cuồng.
"Yêu chị yêu chị yêu chị nhất! Cửu ca!"
Kỳ thực lần diễn "Công tử trong hồ" cũng có tình trạng thế này, chỉ có điều khi đó Dư Phi chuẩn bị phía sau hậu trường nên không chứng kiến được.
Dư Phi nhỏ giọng hỏi Bạch Phỉ Lệ: "Quan Cửu nổi thế cơ à."
Bạch Phỉ Lệ: "Ừ."
"Tôi từng hôn cô ấy đấy." Dư Phi đắc ý nói.
Bạch Phỉ Lệ: "..."
Vì để Dư Phi có thể xem hiểu được, mỗi khi có nhân vật kinh điển trong game xuất hiện, Bạch Phỉ Lệ lại giới thiệu cho cô. Mỗi lần như vậy, Dư Phi chú ý thấy hai cô bé nữ sinh ăn mặc tóc tai kiểu tomboy ngồi bên cạnh cô đều đặc biệt kích động, có một lần lúc đoạn nhạc kinh điển trong game nổi lên, một trong hai còn vừa la hét vừa lau nước mắt.
Dư Phi kinh ngạc, hỏi Bạch Phỉ Lệ: "Lần nào các anh diễn kịch cũng đều có hiệu quả thế này sao?"
Bạch Phỉ Lệ nói: "Game "Long lân" này đã ra mắt được chừng mười năm rồi, gắn bó với sự trưởng thành của cả một đời người, tất nhiên tình cảm sẽ rất sâu sắc."
Dư Phi ngẫm nghĩ một chút thấy cũng phải, những ông cụ bà cụ khi nghe vở kịch kinh điển "Hồng đăng ký" cũng vậy, cũng sẽ lau nước mắt. Chỉ là lứa trẻ hiện thời, ký ức trưởng thành không còn giống như của thế hệ cũ nữa.
Nhân vật trong "Long lân" có độ nguyên bản rất cao, nhìn những diễn viên hóa trang trên sân khấu này, Dư Phi cảm thấy gần như chẳng khác gì những nhân vật cô thấy trong game. Nhìn phản ứng hai fans của game ngồi cạnh cô, dễ dàng nhận thấy là liên tục mừng rỡ kinh ngạc hết lần này tới lần khác.
Dư Phi không chơi game nên không mấy nhập tâm vào nội dung vở kịch mà để ý nhiều hơn vào không gian thiết kế và hiệu quả tạo hình mỹ thuật ánh sáng của sân khấu – cô không ngừng liên tưởng tới sân khấu kinh kịch.
Nhưng thực sự không thể so sánh với nhau được.
Sân khấu kinh kịch một bàn hai ghế, trong một tấc vuông là vạn dặm giang sơn tung hoành, trong một chớp mắt là cả một sự nghiệp chinh phạt ngàn thu, tất cả đều gói gọn trong hai chữ "tả ý".
Mà "Long lân" thì là tinh túy chắt lọc từ kiến thức Quan Cửu học suốt năm năm trong ngành kiến trúc, tỉ mỉ đến từng ngóc ngách tạo thành một không gian sân khấu có chiều sâu, là cả một thế giới rộng lớn vừa thực vừa ảo, phong vân dập dềnh, rồng rắn bay lượn do Bạch Phỉ Lệ nương nhờ hiệu quả ánh sáng hình bóng và vũ đạo mà phác ra.
Ý tưởng và phong cách mỹ thuật về "Rồng" được thể hiện xuyên suốt toàn bộ vở kịch.
Dư Phi nhận ra được rằng Bạch Phỉ Lệ đã dùng một phong cách thư pháp tên là "Phi Bạch" (*) để thể hiện nét cứng cáp đôn hậu, phóng khoáng tiêu sái của ý "Rồng" này. Khi diễn viên chính biểu diễn trên đài, bóng người chiếu lên tấm bạt lớn sau lưng, được ánh đèn biến ảo thành bóng hình nét bút vung theo lối Phi Bạch. Bóng hình Phi Bạch cuối cùng lại hóa thành hình rồng, tư thái như bay như lượn, tạo thành hiệu quả người rồng hợp nhất.
(*) Phi Bạch (飞白) là một phong cách bút pháp đặc biệt trong thư pháp, tương truyền là do nhà thư pháp Thái Ung sáng tạo nên, trong nét bút mực đen xen kẽ những đường trắng của nền giấy. Về sau, trong thi họa cũng sử dụng bút pháp này.
Xem hình cho dễ hiểu:
Ánh sáng ảo diệu vũ đạo mỹ lệ, có thể nói là một bữa tiệc thị giác thịnh soạn.
Kết thúc buổi diễn, tiếng vỗ tay vang lên như sấm động, mãi không dứt.
Bạch Phỉ Lệ rất thờ ơ: "Buổi diễn đầu thường có fans trung thành đến cổ vũ, tất nhiên là phải náo nhiệt rồi."
Khán giả mua vé VIP được ở lại chụp ảnh với các diễn viên chính, Bạch Phỉ Lệ kéo Dư Phi ra ngoài. Anh che chắn cho Dư Phi khỏi bị các khán giả khác xô đẩy, hỏi: "Em thấy sao?"
Dư Phi nghĩ một lát, đáp bằng ba chữ: "Hệ thị giác."
Bạch Phỉ Lệ mím môi, mỉm cười vẻ thuận theo.
Dư Phi nói: "Không đúng à? Đánh thức và khiêu khích thị giác một cách tối trực quan, y như trong game vậy."
Bạch Phỉ Lệ nở nụ cười, gật đầu, "Đó là yêu cầu của hãng game, cũng là để tận dụng tối đa ưu điểm và bỏ qua khuyết điểm của nó."
Hai người ra khỏi rạp hát, bên ngoài còn đông người hơn, một đám tụ tập quanh gian hàng của game "Long lân", một đám khác thì vây quanh sân khấu, người người nhốn nháo, đi vào hay đi ra đều không nổi, Dư Phi và Bạch Phỉ Lệ bèn đi qua một góc trồng cây trong nhà đứng chờ.
"Em có biết Nhật Bản có một loại kịch gọi là kabuki không?" Bạch Phỉ Lệ nhìn những món hàng hóa đang giảm xuống với tốc độ chóng mặt, hỏi.
Dư Phi gật đầu: "Biết."
"Ban đầu kịch kabuki dựa vào điều gì để thu hút người xem, em có biết không?"
Dư Phi lắc đầu. Lúc thi nghiên cứu sinh, để chuẩn bị cho bài thi chuyên ngành, cô đã nghiền ngẫm hết thế giới kịch học, trong đó bao gồm cả kịch Nhật Bản, nhưng trong sách không giới thiệu kĩ lưỡng được vậy.
"Phiêu kỹ. (*)"
(*) Nguyên văn là 嫖妓, hiểu nôm na là chơi gái, chơi điếm.
"Hả?" Dư Phi lấy làm kinh hãi, cô biết kịch kabuki, cùng ningyō jōruri, noh và kyogen, được gọi là tứ đại cổ điển hí kịch của Nhật Bản.
"Loại hình ca múa này rất mới lạ và ngả ngớn, một thời gian dài vào thuở đầu đều là dùng những kỹ nữ và những người đàn ông trẻ trung, dung mạo xinh đẹp cuốn hút lên diễn. Sau đó Mạc phủ (*) yêu cầu chỉ cho đàn ông diễn, đồng thời phải cạo sạch tóc trước trán, chải tóc ở giữa đầu ra phía trước kết thành kiểu đầu "dã lang". Sau khi không thể dùng sắc đẹp để thu hút, kịch kabuki mới bắt đầu theo đuổi kỹ xảo biểu diễn và xây dựng nội dung tỉ mỉ.
(*) Cơ quan quân phiệt lãnh đạo Nhật Bản trước thời Minh Trị.
"Vậy nên?"
"Vậy nên Quan Sơn Thiên Trọng nhà chúng ta mới không thích "Long lân", nhịn hơn nửa năm rồi mới nhận một dự án mới, tên là "Huyễn thế đăng"."
Người chưa thấy đâu, tiếng đã tới rồi. Giọng nói này lanh lảnh, có phần sắc bén. Dư Phi cứ tưởng Quan Cửu hiện giờ đang chụp ảnh cùng với các khán giả VIP, không ngờ cô ấy lại mò tới đây.
Cô nàng đã cởi bỏ hóa trang, mái tóc dài xõa ra, mặc một chiếc áo khoác nhìn hệt như áo ngủ đang rất thịnh hành hiện thời, đeo khẩu trang.
Quan Cửu đi qua bứt tay Dư Phi ra khỏi cái nắm tay của Bạch Phỉ Lệ, "Cho mượn người chút nào." Cô nàng nói với Bạch Phỉ Lệ.
Cô ôm Dư Phi một lúc. Lần này cô đi giày cao gót còn Dư Phi thì không nên chiếm được ưu thế chiều cao. Lúc ôm, cô dán sát vào tai Dư Phi nói:
"Dám dùng tên giả gạt tôi cơ đấy."
Dư Phi bám lấy hông cô nàng, cũng ghé miệng sát tai cô hỏi: "Kích thích không kích thích không?"
"Kích thích đến nỗi người ta suýt hỏng não luôn rồi." Quan Cửu hạ giọng không để người ngoài nghe được, "Nghe nói cô bị người khác gây khó dễ hả, chuyện này để tôi giải quyết cho, đừng nói với người ta, những việc thế này nó làm không thích hợp đâu."
Dư Phi hơi cau mày.
Bạch Phỉ Lệ đứng một bên hừ một tiếng, Quan Cửu buông Dư Phi ra.
"Mày nghĩ ba ngày rồi... Đây là quyết định cuối cùng của mày hả..." Quan Cửu nhìn Bạch Phỉ Lệ, nói.
"Quyết định gì?" Dư Phi nhìn Bạch Phỉ Lệ, tò mò hỏi.
"Quyết định đưa em đến xem "Long lân"." Bạch Phỉ Lệ thẳng thắn ngắn gọn trả lời.
Quan Cửu nhìn Bạch Phỉ Lệ một lần nữa nắm tay Dư Phi, cười một tiếng, "Bỏ đi. Đến cũng đã đến rồi, không ra sau hậu trường gặp mọi người là không được đâu nhé."
Trong hậu trường chật kín người. Rất nhiều khán giả VIP chụp ảnh xong vẫn chưa chịu đi, xoắn xuýt mãi sau đài. Nhân lực của studio Cưu Bạch có hạn, cũng là lần đầu tiên gặp phải tình cảnh này, đối mặt với cục diện mất khống chế, nhất thời không biết phải làm sao. Một số diễn viên chính còn sắp bị chơi hỏng tới nơi rồi.
Quan Cửu đã sớm sáng suốt bứt ra, dẫn Bạch Phỉ Lệ và Dư Phi trực tiếp đến thẳng phòng chờ của hội chủ chốt trong studio Cưu Bạch.
"Tôi đưa Quan Sơn mà các người căm ghét nhất đến rồi này, tùy ý xử trí nhé!"
Đám Mộng Nhập Thần Cơ, Mã Phóng Nam Sơn, Doãn Tuyết Diễm, Quỷ Đăng, Nhất Niệm Thành Tiên trước đó phải chịu giày vò, bây giờ cuối cùng cũng được siêu thoát, trăm miệng một lời đồng thanh "Á!!" một tiếng nghe đến là hả hê, cầm búp bê fans tặng bổ nhào tới.
Nhưng nhào tới được nửa chừng thì lại sững lại.
Họ trân trân nhìn cô gái tóc dài mái bằng đứng sau Bạch Phỉ Lệ.
Sửng sốt nửa giây, cả đám la lên: "Ngôn Bội San?" "Lưu Hí Thiềm?" "..."
Mã Phóng Nam Sơn tinh mắt bắt được Bạch Phỉ Lệ đang nắm tay Dư Phi, thốt lên: "Em dâu Quan Sơn!"
Những người khác lúc này mới nhận ra, thi nhau hít một hơi khí lạnh: "Trời đất quỷ thần ơi..."
Doãn Tuyết Diễm ngửa đầu nhìn trần nhà: "Hình như tôi bị ảo giác rồi..."
Quỷ Đăng trợn trừng hai mắt, "Lưu Hí Thiềm của chúng ta bị giám chế chơi quy tắc ngầm..."
Mộng Nhập Thần Cơ "tách tách" chụp ảnh.
Dư Phi: "..."
Bạch Phỉ Lệ vẫn không buông tay cô ra.
Quan Cửu khoác vai Dư Phi: "Xưng hô thế nào đây? Hay là, nhập gia tùy tục, lấy một biệt danh đi?"
Dư Phi nhìn Bạch Phỉ Lệ, anh cũng đang nhìn cô.
Dư Phi lại rất hào sảng, dù sao dùng biệt danh cũng tốt hơn dùng tên thật. Cô nói:
"Vậy gọi là "Phong Hà" đi."
Chân mày như xuân sơn của Bạch Phỉ Lệ khẽ nhướng lên:
"???"
Mã Phóng Nam Sơn hỏi: "Hai chữ nào?"
Dư Phi nói: ""Phong Hà" trong "Thủy diện thanh viên, nhất nhất phong hà cử" (*)."
(*) Trích trong bài "Màn che rủ – Đốt trầm hương" của Chu Bang Ngạn, tạm dịch: "Mặt nước trong đầy, gió thoảng từng cơn."
Mã Phóng Nam Sơn và cả đám cùng nhau gật gù: "Ồ ồ ồ, tên hay tên hay." Quan Cửu cũng thấy không tệ, đúng lúc cậu chàng bên hành chính vào phòng lấy đồ, liền kêu cậu ta đi làm một tấm thẻ nhân viên mới.
Bạch Phỉ Lệ: "..."
Dư Phi cười: "Cửu ca, cô cứ thế lừa tôi vào studio của các cô vậy à? Chiêu này thâm quá rồi nhé."
Quan Cửu nghiêm mặt đáp: "Không ký hợp đồng, không trả lương, cô muốn đến thì đến, muốn đi thì đi, tôi chỉ đặt một cửa vào studio ở chỗ Quan Sơn Thiên Trọng thôi, Khương Thái Công câu cá, người tình nguyện mắc câu, cô nói xem, thế này có tính là lừa vào không?"
***
Kết quả vòng một thi nghiên cứu sinh đến cuối tháng Hai mới công bố, Dư Phi đến chỗ Thứ Cơ xin xăm, được thẻ thượng thượng. Thứ Cơ nhìn lướt qua dòng chữ trên thẻ xăm, phán: "Thi đỗ chắc rồi, khỏi nói nhiều, về chuẩn bị thi vòng hai đi."
Dư Phi hí ha hí hửng, "Tôi còn chưa nói gì mà, sao cậu biết tôi hỏi chuyện thi cử hay vậy?"
Thứ Cơ liếc Dư Phi, hai tay chắp lại, "A di đà Phật", xổ ra một tràng như đang tụng kinh:
"Vào cửa phải xem ý đồ trước nhất, đã mở lời thì chớ do dự.
"Trời hỏi điều Truy mong Truy muốn, Truy hỏi điều Trời đau Trời đáu.
"Tám hỏi Bảy, người vui nhờ bảy điều quý, kẻ oán ôm bảy nỗi sầu.
"Bảy hỏi Tám, tám mà có chuyện, đích thị là nối dõi gian nan.
"Sĩ tử hỏi tiền đồ, đường con đường cháu thói đời xưa nay." (*)
(*) Đọc chơi vậy thôi đừng tin quá, đứa dịch dịch xong cũng méo hiểu nó đang dịch gì đâu