Một Mối Tương Tư

Chương 72: Chương 72: Đúng là lương duyên




Thành Vân Châu không phải là kinh thành, cũng không giống Thuận Châu – thành lũy thứ hai, nhưng vẫn được coi là một trong những châu quận lớn của Nam Vu, vô cùng phồn hoa. Phạm Thủ Quân, đại nhân đứng đầu của thành năm nay gặp được vận may lớn, vô tình móc nối được với một vị quý nhân trong triều, cho rằng việc mình được thăng liền ba cấp chỉ còn là vấn đề thời gian, nên hằng ngày ông đều cười không khép nổi miệng.

Mấy hôm nay trông ông lại càng khác thường, ngày ngày mũ giáp chỉnh tề đi tuần tra khắp thành, thuộc hạ hỏi một câu: “Đại nhân, ngài không nóng ư?”, thì bị ông quất cho một roi, đành ngoan ngoãn đi theo không dám nói thêm nữa lời.

Ba ngày sau một đoàn xe ngựa tiến vào thành Vân Châu, đi thẳng tới Ngọc Lâm uyển, nơi tốt nhất trong thành. Đấy vốn là vườn ngự uyển của một phú thương ở Vân Châu, nghe nói vừa được người ta mua mất, xem ra người mua lại Ngọc Lâm uyển này là một người nhiều tiền của, có khả năng là người trong quan phủ.

Sau đó Phạm Thủ Quân và mấy vị tai to mặt lớn trong thành Vân Châu lục tục cung kính tiến vào Ngọc Lâm uyển, để chứng thực những suy đoán ấy của mọi người. Chỉ có điều không ai dám tới gặp Phạm Thủ Quân và mấy vị chức tước kia xem người mua lại uyển là thần thánh phương nào. Đứng ngoài quan sát khoảng một canh giờ nhưng không thấy quý nhân bên trong uyển lộ mặt, tóm lại người chuyển tới ở nơi này, vô cùng thần bí.

Những chuyện này chẳng ảnh hưởng gì tới trấn Vân Thủy ở bên kia bờ sông, mọi người vẫn sáng dậy đi làm đến khi mặt trời lặn thì về nghỉ. Thanh Thu vì muốn tiết kiệm tiền mua một cây đàn, nên dồn hết tâm tư vào việc kiếm tiền.

Phường đậu phụ không kiếm được nhiều, chỉ đủ ăn, chút tiền ít ỏi nàng mang theo khi rời khỏi Việt Đô, cũng đã hết từ lâu, nhưng ý nghĩ muốn mua một cây đàn càng ngày càng mãnh liệt. Nàng không tiện tới thành Vân Châu, nên nhờ người đi tìm hiểu giúp, cây đàn tốt một chút cũng phải trên trăm lượng, nhưng trong mắt nàng “tốt một chút” ấy không bằng Lục Ỷ thì cũng phải tốt hơn đàn của Hồng Bắc Hiền.

Mấy hôm nay Thanh Thu hay nhớ tới cây đàn mà Hồng Bắc Hiền mang theo, mặc dù âm thanh của nó hơi kém nhưng nàng cũng không mua nổi. Cho dù ngày nào phường đậu phụ cũng bán hết sạch hàng trong vòng một năm thì nàng vẫn không đủ tiền mua.

Những cây đàn kém hơn cũng có, nàng nhịn ăn nhịn mặc một thời gian cũng mua được thôi, nhưng nàng lại không ưng. Mấy ngày nay rảnh rỗi, Thanh Thu thường ra bờ sông ngồi nghĩ xem làm thế nào để kiếm tiền. Sắp tới mùa hè rồi, ve trên cây bên bờ sông đang kêu râm ran, đám ve này sống cả mùa đông dưới đất, cuối cùng thoát xác mọc cánh bay lên…

Bay rồi? Mọc cánh? Thoát xác? Thanh Thu lập tức nghĩ ra mùa hè tới, mọi người sẽ chuyển sang ăn vận y phục mùa hè, nói như vậy là, nàng còn phải may quần áo. Còn cả Thụy Lân và Thụy Phương, hai đứa nhỏ đó không chỉ cần ăn, mà còn cần cả mặc nữa. Nghĩ đến đây Thanh Thu lại thấy phiền não, bao giờ nàng mới tiết kiệm đủ tiền để mua đàn đây? Thực sự không thể, nàng chỉ cần mua một cây đàn bình thường là được rồi, cơm áo gạo tiền mới là việc cấp bách.

Nhà bên cạnh, Tiểu Tứ ca cũng vì muốn kiếm nhiều tiền hơn mà tới thành Vân Châu, vợ Tiểu Tứ đã có thai, có lẽ thân là nam tử nên y thấy có trách nhiệm phải để vợ và đứa con sắp chào đời của mình có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tiểu Tứ ca nhờ Nhị Xảo, con gái lớn của nhà họ Lưu, nhà có máu mặt nhất ở trấn, người vừa được gả cho quản gia của gia đình thương nhân trong thành Vân Châu, giúp mình tìm một công việc, y còn từng thề rằng không kiếm đủ tám trăm hai mươi lượng thì không quay về.

Nếu như nàng là nam tử thì tốt biết bao, nàng có thể đi cùng Tiểu Tứ ca, nghe nói tiền công cũng kha khá.

“Dì Thu, cháu có tiền.” Đến Thụy Phương cũng nhận ra tâm tư của nàng, hào hứng mang đến số “tài sản” mà nó có, trên bàn tay nhỏ đó là mấy đồng bạc đen xì dính đầy dầu mỡ.

Thanh Thu hít hà, có mùi thức ăn, nàng đáp: “Cháu lấy tiền ở đâu ra?”.

“Vừa rồi lúc dì ngây người, nhà họ Vương có khách đến chơi nên nương tử nhà ấy đến mua đậu phụ. Trời lại lạnh nên cháu nấu canh thay cho họ, sau đó bà ấy cho cháu năm hào, đây là tiền công.”

Thanh Thu thở dài: “Sao có thể nhận tiền của người ta, đều là hàng xóm cả, sau này làm sao gặp nhau đây?”.

“Dì Thu, cháu…” Thụy Phương thả tay xuống, cúi đầu định nhận lỗi, Thanh Thu lại thở dài: “Sau này phải nhận nhiều tiền hơn một chút, chỉ nhận có năm hào, không đủ tiền công, lấy ít người ta sẽ khinh thường, không lấy thì thiệt, để dì tính xem phải nhận bao nhiêu mới thích hợp”.

Trong bữa cơm, làm một món có đậu phụ tốn không bao nhiêu tiền, nhưng vẫn kiếm được nhiều hơn so với đi bán đậu phụ. Hơn nữa nàng cũng từng là quản gia thiện phòng trong phủ quận vương, thức ăn nàng làm ra càng không thể bán rẻ. Nhưng suy đi nghĩ lại nếu bán đắt quá cũng không ổn, trong trấn Vân Thủy này có mấy người biết nhìn “hàng” đâu. Một món ăn mà nàng bán nửa lượng bạc, thì chắc chắn sẽ bị lời ra tiếng vào của người dân nơi đây dìm chết mất.

Thế này cũng không được, thế kia cũng không được, Thanh Thu nghĩ đi nghĩ lại, cuối cùng quyết định thử trước, bán đậu phụ kiêm nấu ăn. Cũng chỉ có hàng của nàng làm như thế, may mà ở trấn Vân Thủy này ai thích bán gì thì bán, thích làm gì cũng chẳng ai phàn nàn.

Một vài nam tử vừa nghe tin có thể được thưởng thức tay nghề nấu ăn của bà chủ Thanh Thu, liền có vẻ hứng thú. Chỉ là bỏ ra ít tiền, đối với Hồng Bắc Hiền chẳng đáng gì, ngày nào y cũng sai người sang mua, y không tự đi được, nghe nói trong người không khỏe.

Cũng không hẳn là ốm, tiểu tử nhà họ Hồng rất thích sang chơi với Thụy Lân và Thụy Phương, thằng bé nói cha mình không ốm, mà là ở lì trong phòng than vắn thở dài, đến cây đàn mà cha yêu thích cũng đem cất xó.

Thanh Thu thật muốn nói đừng làm thế mà, để đấy không dùng thì đưa sang cho nàng dùng đi. Nếu nàng mở miệng, Hồng Bắc Hiền nhất định sẽ dâng cho nàng bằng cả hai tay, nhưng nàng không thể nói thế. Khó khăn lắm khúc nhạc nàng tấu tối hôm ấy bên bờ sông mới khiến suy nghĩ manh nha của Hồng Bắc Hiền bị dập tắt. Giờ không thể tìm người ta để thương lượng, dù thích tới đâu cũng không nên có liên quan gì tới y.

Hồng Bắc Hiền ở nhà mãi cũng thấy buồn, nhưng lại ngại không muốn ra ngoài, bởi có người hỏi y nói một buổi tối nghe Hồng tiên sinh tấu đàn, cảm thấy cầm nghệ của Hồng tiên sinh tinh thông tiến bộ không ít, muốn y chỉ bảo, Hồng Bắc Hiền vì xấu hổ mà thoái thác rằng mình không khỏe, mấy ngày liền không dám ra khỏi nhà.

Dần dần Thanh Thu cũng nổi tiếng vì những món ăn mình làm trong phường đậu phụ, ai cũng biết nhà nàng ngoài bán đậu phụ ra còn nấu thêm vài món. Hơn nữa đều là những món làm từ đậu phụ, đồ bán sẵn không đắt lại ngon, ăn một lần lần sau nhớ mãi, mười ngày liền các món ăn không hề trùng nhau.

Trong trấn vốn có những người không chú ý bỗng bắt đầu trở nên chú ý, đậu phụ chẳng tốn bao nhiêu tiền, mua một miếng về nấu, hay để Thanh Thu chế biến thì cũng là nấu, nhưng mùi vị khác nhau mười vạn tám nghìn dặm. Vì vậy những nhà có điều kiện thường xuyên đến mua, cuối cùng trong thành Vân Châu có người ngưỡng mộ tìm đến, ngồi xuống nếm bát canh, trong đó có cả món canh Ngọc Dung mà Thanh Thu từng dạy cho Nhị Xảo nhà họ Lưu.

Món ăn đó Nhị Xảo từng nấu ở nhà chồng mùi vị cũng không tệ, nhà chồng nàng ta làm quản gia cho chủ nhân, bản thân cũng có nô bộc, nên Nhị Xảo có thể được gọi là thiếu phu nhân. Nhị Xảo không thường về trấn Vân Thủy, tình cờ lần này về biết tin Thanh Thu nấu ăn để bán, bèn để ý. Thời gian đầu mới về nhà chồng, nàng ta hoàn toàn nhờ món canh Ngọc Dung của Thanh Thu dạy mà được lão phu nhân trong nhà chồng coi trọng.

Nhị Xảo luôn cho rằng mình phải tìm cơ hội cảm tạ Thanh Thu, về thành Vân Châu rồi mới được mở rộng tầm mắt, mới biết ở một nơi mà tửu lâu quán xá nhiều như thế này, công thức một món ăn nổi tiếng đôi lúc đáng giá cả mấy trăm lượng bạc.

Thanh Thu đương nhiên không thể một lúc kiếm được mấy trăm lượng bạc, nấu ăn mặc dù kiếm nhiều hơn bán đậu phụ, nhưng số bạc nàng tích được rất chậm. Làm gì cũng có lúc chán, Thanh Thu chỉ muốn nhanh nhanh kiếm được một món để mua đàn.

Mặc dù những món nàng nấu đều dạy cho Thụy Phương, nhưng người ta lại không tin vào tay nghề của một đứa bé, nên nàng vẫn phải đích thân làm. Thỉnh thoảng Thanh Thu nghĩ, mỗi lần trong lúc nguy cấp, nàng đều nhờ vào tài nấu ăn mà vượt qua được, không lẽ cả đời này nàng chỉ có thể là trù nương? Trước kia vẫn nghĩ đến việc gả cho thế tử, thật quá ngây thơ.

Hôm nay, cô em gái Nhị Xảo lại chạy sang, vội vàng nói: “Bà chủ Thu, tỷ tỷ gửi thư về nói, muốn mời bà chủ lên thành Vân Châu một chuyến”.

Thanh Thu vừa tiễn mấy vị khách về, ngồi dựa vào ghế ngửi mùi dầu mỡ trên người mình, điềm đạm đáp: “Có chuyện gì thế, ta không đi được”.

“Đương nhiên là chuyện tốt.”

Thì ra nhà chồng của cô chị lớn Nhị Xảo mở lễ mừng thọ cho lão phu nhân, Nhị Xảo là dâu trưởng, vì vậy những việc lặt vặt trong bữa tiệc đều do nàng ta lo liệu. Nhị Xảo muốn mở mày mở mặt nên bèn quyết định mời một đầu bếp, nàng ta đã nghĩ ngay tới Thanh Thu, đến khi ấy các món nấu có ngon hay không, thì phải xem năng lực của nàng ra sao.

Thanh Thu theo trực giác muốn từ chối, nàng không muốn đi nấu ăn cho nhà người ta, nhưng vừa nghe đến mức tiền công được trả, Thanh Thu liền do dự, chỗ này bằng một phần mười của cây đàn, đi hay không đi đây?

Thanh Thu nói muốn suy nghĩ, sau khi tiễn Nhị Xảo về nàng ngẫm nghĩ cả nửa ngày, cuối cùng vẫn không biết quyết định thế nào. Trước kia có người gọi nàng đến thành Vân Châu mua đồ, nhưng nàng chưa đi bao giờ, khi ấy Thanh Thu nói bận buôn bán nên không thể đến Vân Châu được, chẳng ai hiểu rằng nàng đang sợ.

Ngộ nhỡ Bạch Lộ vẫn còn ở Vân Châu thì sao? Ngộ nhỡ Ninh Tư Bình cũng ở Vân Châu thì sao? Nếu thế tử cũng đến đó để tìm nàng phải làm thế nào? Không thể, lâu thế rồi, đoàn sứ giả Bắc Vu đã quay về, Ninh Tư Bình cùng Tuyết Chỉ thành thân ở Thiên phủ, thế tử… hôn sự của hắn chắc đã được quyết định.

Có lẽ nàng nên đi thử xem sao.

Thời gian nàng ở trấn Vân Thủy cũng đã lâu, dù tĩnh tâm tới đâu cũng có lúc dao động, hơn nữa nghĩ đến hai anh em Thụy Lân, Thụy Phương lâu lắm rồi không gặp người cha đang làm thuê ở Vân Châu. Lần này đi nàng có thể mang theo hai anh em họ, để ba người đoàn tụ một chuyến.

Thụy Lân cố gắng kìm nén sự vui sướng đang trào dâng, nói rằng chỉ cần đưa Thụy Phương đi là được, còn mình ở nhà trông cửa hàng, Thanh Thu xót xa, người hiểu chuyện như cậu ta cũng thật khổ, thời gian này nàng không rời khỏi trấn Vân Thủy, Thụy Lân cũng chăm chỉ làm việc, còn phải trông cả Thụy Phương. Chưa bao giờ cậu ta đòi đi đâu chơi, có lẽ sợ nàng nghĩ hai anh em họ không nghe lời, sẽ đuổi đi. Ngay lập tức Thanh Thu nghiêm mặt nói phải đi hết, không ai ở lại.

Khi cô em gái Nhị Xảo đến phường đậu phụ, Thanh Thu liền nhận lời tới thành Vân Châu, tiện thể hỏi rõ có phải đến hôm ấy nàng chỉ phải làm ba món, hai mặn một canh thôi đúng không.

Nhà chồng Nhị Xảo mang họ Trần, trước kia cũng chỉ là gia đình bình thường, mấy năm gần đây nhờ lão gia họ Trần ra ngoài làm quản gia cho đám thương nhân nên mới phát đạt, bèn học những người có tiền giữ lễ nghĩa phép tắc. Lần này mừng thọ lão phu nhân, lão gia họ Trần làm tiệc để chúc thọ mẹ mình, nói là tiệc trong nhà chỉ mời họ hàng thân thích, bày hai ba bàn, cho mọi người tụ tập vui vẻ thôi.

Thanh Thu nhận tiền đặt cọc, hẹn sẽ tới trước một ngày để làm thử, lão phu nhân mặc dù để cháu dâu lo liệu mọi việc, nhưng rốt cuộc vẫn hỏi tới hỏi lui, chẳng còn cách nào khác, người ta xem trọng chuyện này mà.

Thanh Thu dùng hai đầu ngón tay kẹp đĩnh bạc nhỏ xíu đó, nhìn một lúc lâu rồi cưới chua xót thu lại. Trước sau gì nàng cũng chỉ là kiếp đi hầu hạ người khác, đầu tiên là phủ quận vương, phủ thế tử giờ lại là Trần phủ, bảo nàng không bùi ngùi sao được.

Tiết trời tháng Năm khá oi bức, Thanh Thu dậy sớm cùng hai anh em Thụy Lân, Thụy Phương lên đường tới thành Vân Châu. Đầu tiên nàng đưa hai anh em tới chỗ cha của chúng để ba người họ gặp nhau, giờ Thụy Liêm làm việc ở một cửa hàng vải, rất chăm chỉ. Đây là lần đầu tiên nàng quay lại thành Vân Châu, không biết đường, nên sau khi đến tiệm vải rồi mới tìm tới Trần phủ, đến nơi thì đã quá trưa.

Trần phủ chỉ là một tòa viện nhỏ có ba cửa, không bằng cả nhà của Hồng Bắc Hiền, nhưng trước cửa đều có người canh gác, xem ra rất nhiều quy tắc lễ nghĩa. Nhị Xảo cùng tiểu nha đầu đứng ở cửa thứ hai đón nàng, vừa thấy Thanh Thu đã buông lời than phiền: “Bà chủ Thu cuối cùng cũng đến, chúng tôi đợi từ sáng sớm”.

Thanh Thu lau mồ hôi trên trán, “Thật xin lỗi, ta đến…”.

Chưa kịp nói hết câu thì nàng đã bị cắt ngang: “Nếu đến rồi thì chúng ta bắt đầu thôi”.

Nàng đi theo thiếu phu nhân của Trần phủ tới tiểu viện bên cạnh, ở đây có một căn bếp nhỏ, Nhị Xảo chỉ đống thực phẩm trên bàn nói: “Ta đã nhờ nhà bếp chuẩn bị những thứ này, không biết có đủ không, cô cứ làm trước đi, không đủ ta sẽ cho người mang thêm”.

Lão phu nhân của Trần gia ăn chay, nên nàng định làm món nấm rơm xào măng và đậu phụ viên rán vàng, canh thì vẫn là món canh Ngọc Dung, đều là những món rất đơn giản. Đối với Thanh Thu mà nói thì vô cùng dễ dàng, nàng chỉ làm loáng cái là xong, quay đầu đang định bảo Nhị Xảo nếm thử, nhưng lại thấy xuất hiện thêm vài người nữa.

“Đây có phải là sư phụ mà Xảo nhi mời ở trấn tới?”

“Thưa mẹ, đây là bà chủ Thu, mở phường đậu phụ ở trấn, con nghĩ lão phu nhân thích ăn canh đậu phụ, nhất định cũng sẽ thích các món do bà chủ Thu làm, món canh ấy là do bà chủ Thu nghĩ ra đấy ạ.” Nhị Xảo cúi đầu đáp.

“Nhìn rất ngon.” Trần phu nhân giơ tay, hai a hoàn liền tiến lên cầm đũa gắp chút thức ăn đưa lại, bà ta nếm thử rồi nói: “Lão phu nhân ăn uống khá kén chọn, những món này không thanh đạm quá chứ?”.

Nhị Xảo không biết phải nói thế nào, những món này vốn định ngày mai mới đưa lên, ai ngờ mẹ chồng nàng ta chuyện gì cũng muốn nhúng tay vào. Trần phu nhân lại nói: “Ở tiểu trấn nhỏ đấy thì có gì ngon chứ, ta còn tưởng con mời sư phụ đầu bếp ở lầu Quý Dương tới cơ”.

Xem ra cuộc sống của Nhị Xảo cũng chẳng vui vẻ gì, cả ngày bị mẹ chồng đàn áp không ngóc nổi đầu lên. Thanh Thu cụp mắt, nếu đổi lại hai người trước mặt kia là nàng và quận vương phi, ngày nào cũng sống như thế… thật khó tưởng tượng.

Nhị Xảo cuối cùng cũng nói ra những lời trong lòng: “Nhưng… trong thành Vân Châu cũng có không ít người tới đấy chỉ để nếm thử tay nghề nấu ăn của bà chủ Thu, con đâu phải người không biết nặng nhẹ”.

“Thật sao?” Trần phu nhân quan sát Thanh Thu từ nãy vẫn đứng im bên cạnh, “Cô ta được không?”.

“Mẹ xin hãy yên tâm, ngày mai con sẽ sắp xếp mọi việc ổn thỏa.”

Trần phu nhân không nói thêm gì nữa, Nhị Xảo trầm mặc hồi lâu mới nói tiếp: “Mong bà chủ Thu sau này về đừng nhắc đến… ừm, cô hiểu không?”.

“Yên tâm, ta sẽ không nhắc lại chuyện này.” Thanh Thu vội vàng cam đoan, nàng điên hay sao mà về trấn còn nói mấy chuyện này. Nhìn Nhị Xảo chẳng qua mới mười sáu tuổi, mà đã bị gả về làm vợ, làm dâu người ta, chỗ nào cũng bị mẹ chồng kìm kẹp, cuộc sống chẳng dễ dàng gì.

Nàng không muốn Nhị Xảo xấu hổ, bèn nói: “Không biết diện mạo tướng quân của Nhị Xảo thế nào, nhất định là rất anh tuấn, nếu không sao có thể cưới được nữ tử đẹp nhất trong trấn của chúng ta”.

“Bà chủ Thu thật biết nói đùa, ta có gì mà đẹp nhất, nói ra bà chủ Thu mới gọi là xinh đẹp tài hoa, ta nghe nói Hồng tiên sinh vì bà chủ Thu mà ốm tương tư đấy.”

“Nói thế mà cô cũng tin ư? Bệnh tương tư dễ mắc đến thế sao?” Thanh Thu đặt tay lên tim, nàng tại sao lại không sợ mắc bệnh, chưa lúc nào nàng nguôi nhớ một người, nhưng không thể nói ra, thật khó có thể mở lòng.

“Vậy là trong lòng bà chủ Thu đã có người khác rồi? Nếu không tại sao đến người như Hồng tiên sinh mà cũng từ chối. Thực ra từ chối cũng tốt, ở mãi trấn Vân Thủy này chẳng tìm được người thích hợp đâu, chi bằng đến thành Vân Châu bán đậu phụ. Nhà chúng tôi trông coi rất nhiều quán trọ và tửu lầu trong thành. Tạm thời có thể mời bà chủ Thu cung ứng hàng hóa, sau đó sẽ giúp bà chủ Thu tìm một nơi thích hợp, với tài năng của cô, nhất định sẽ tìm được một mối lương duyên tốt đẹp.”

Nói đi đâu thế này, rõ ràng vì sợ nàng ta ngượng nên Thanh Thu mới chuyển đề tài, đột nhiên đề tài lại nhắm vào nàng: “Đâu có, ta chỉ là một người làm ăn nhỏ, nếu đến thành Vân Châu sinh sống, sợ là không làm được, trấn Vân Thủy mặc dù kiếm chẳng được bao nhiêu, nhưng vẫn ổn định”.

Còn về lai lịch của Thanh Thu, ở trấn Vân Thủy không nhiều người biết, chỉ biết phu quân nàng đã mất, sau đó bị nhà chồng đuổi đi, đang tuổi thanh xuân có tái giá cũng hợp tình hợp lý. Lẽ nào nàng còn muốn để tang người chồng trước? Nhị Xảo không chịu thôi, truy hỏi, Thanh Thu đành đáp: “Ta là người không may mắn, đâu dám có suy nghĩ gì khác, chăm lo cho cửa hàng kiếm chút tiền sống qua ngày là được rồi”.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.