Một Phát Một Mạng

Chương 4: Chương 4




Chương 2

Reacher đang trên đường đến với họ vì một người đàn bà. Ông ta đã qua đêm thứ Sáu ở South Beach, thành phố Miami, trong một câu lạc bộ salsa, với một cô vũ nữ đến từ một du thuyền. Chiếc du thuyền từ Na Uy tới, và cô gái cũng vậy. Reacher cho rằng cô quá cao không múa ba lê được, nhưng đối với mọi chuyện khác thì cô có số đo rất chuẩn. Họ gặp nhau trên bãi biển lúc ban chiều. Reacher đang phơi mình cho da rám nắng. Ông thích có làn da nâu. Ông không biết cô ta đang làm gì. Nhưng ông cảm thấy bóng cô rợp xuống mặt, và khi mở mắt thì thấy cô đang nhìn mình. Hay có lẽ nhìn những chiếc sẹo của ông. Da ông càng nâu thì chúng càng nổi bật ra, trắng một cách đáng ghét và quá dễ nhận thấy. Cô có nước da sáng với bộ bikini đen. Một bộ bikini đen bé xíu. Ông đoán biết ngay cô là một vũ công từ trước khi cô nói với ông. Cái đó nằm ngay trong dáng vẻ của cô.

Rốt cuộc họ ăn tối với nhau rồi đi đến câu lạc bộ. Nhảy salsa ở South Beach nói chung không phải là lựa chọn hàng đầu của ông, nhưng có cô thì cũng đáng. Ở bên cô cũng khá thú vị. Và hẳn nhiên cô là một vũ công tuyệt vời. Tràn đầy sinh lực. Cô vờn ông mệt nhoài. Lúc bốn giờ sáng, cô đưa ông về khách sạn của mình, háo hức định vờn ông thêm nữa. Khách sạn của cô là một khách sạn nhỏ theo phong cách giải Art Deco ở gần biển. Rõ ràng hãng du thuyền đối đãi tử tế các nhân viên của mình. Chắc chắn nó là một địa chỉ thơ mộng hơn cái nhà nghỉ của Reacher nhiều. Và cũng gần hơn nhiều.

Và nó lại còn có truyền hình cáp, thứ ấy nhà nghỉ của Reacher không có. Ông thức giấc lúc tám giờ sáng thứ Bảy khi nghe cô vũ công xối nước trong phòng tắm. Ông bật ti vi lên dò đài ESPN. Ông muốn tìm bản tin tóm tắt của giải American League tối thứ Sáu. Ông chẳng bao giờ tìm ra. Ông chuyển kênh liên tiếp rồi đột ngột ngưng lại ở CNN vì nghe giám đốc sở cảnh sát tiểu bang Idiana nhắc đến một cái tên mà ông biết: James Barr. Phía trên là một buổi họp báo. Phòng nhỏ, đèn chói. Trên đầu màn hình có dòng chữ: Bản quyền của đài NBC. Bên dưới màn hình viết: Vụ thảm sát đêm thứ Sáu. Viên giám đốc nhắc lại cái tên lần nữa, James Barr, rồi ông giới thiệu một thanh tra chuyên về các vụ giết người tên Emerson. Emerson trông có vẻ mệt mỏi. Emerson lặp lại cái tên lần thứ ba: James Barr. Rồi, như thể đoán được chính xác thắc mắc trong đầu Reacher, ông dẫn ra một tiểu sử vắn tắt: Bốn mươi mốt tuổi, cư trú tại Indiana, chuyên viên bộ binh quân đội Hoa Kỳ từ 1985 đến 1991, cựu chiến binh Vùng Vịnh, chưa bao giờ lập gia đình, hiện không có việc làm.

Reacher chăm chú nhìn màn hình. Emerson tỏ ra là kiểu người kiệm lời. Ông nói ngắn gọn. Không ba hoa. Ông kết thúc lời công bố và khi đáp lại câu hỏi của một phóng viên, ông từ chối trả lời cụ thể James Barr có nói trong cuộc thẩm vấn những gì. Sau đó ông giới thiệu một công tố viên. Tay này tên là Rodin, và hoàn toàn không phải là dạng kiệm lời. Không ngắn gọn. Hắn “nổ” vung trời. Hắn ba hoa suốt mười phút để vơ công cán của Emerson về phần mình. Reacher hiểu điều đó lắm. Ông từng gần như làm một tay cớm trong suốt mười ba năm. Cảnh sát cong lưng cày, và công tố viên hưởng hết vinh quang. Rodin nói tên James Barr thêm vài lần rồi nói có lẽ chính quyền định dành cho hắn một án tử hình.

Về tội gì?

Reacher chờ.

Đến lượt một người dẫn chương trình địa phương tên là Ann Yanni tiếp tục. Cô ta tóm tắt lại những sự kiện xảy ra tối hôm trước. Tàn sát bằng súng bắn tỉa. Vụ tàn sát nhẫn tâm. Súng tự động. Bãi đậu xe. Quảng trường công cộng. Những người đang trên đường về sau một tuần lễ dài làm việc. Năm người chết. Một nghi can bị bắt giữ, một thành phố dù thế vẫn đang khóc thương.

Reacher nghĩ chính Yanni mới là người đang khóc thương. Thành công của Emerson đã cắt cụt câu chuyện của cô ta. Cô ta biến mất và CNN tiếp tục với phần tin chính trị. Reacher tắt tivi. Cô vũ công từ phòng tắm đi ra. Trông cô hồng hào và thơm ngát. Và khỏa thân. Cô đã để khăn tắm lại bên trong.

“Hôm nay mình làm gì đây?” Cô hỏi, kèm theo một nụ cười tươi tắn kiểu Na Uy.

Reacher đáp, “Anh sẽ đi Indiana.”

Ông cuốc bộ về phía Bắc trong hơi nóng đến trạm xe buýt Miami. Rồi ông đọc lướt qua bảng lịch trình giờ xe chạy bẩn thỉu và phác qua chặng đường. Sẽ chẳng phải là một chuyến đi dễ dàng đâu. Từ Miami đến Jacksonville là đoạn đường thứ nhất. Rồi từ Jacksonville đến New Orleans. Rồi từ New Orleans đến St. Louis. Rồi từ St. Louis đến Indianapolis. Tiếp đó có lẽ là một chuyến xe buýt địa phương về phía Nam vào sâu miệt trong. Năm điểm dừng khác nhau. Giờ đến và giờ đi không trùng nhau. Tất cả mất hơn bốn mươi tám giờ. Ông rất muốn đi máy bay hay thuê một chiếc xe, nhưng lại đang kẹt tiền và ông thích đi xe buýt hơn, và ông nghĩ dù sao chắc hai ngày cuối tuần cũng sẽ không có sự kiện gì nhiều.

Sự kiện xảy ra vào cuối tuần là Rosemary Barr gọi điện lại cho điều tra viên của công ty cô. Cô cho rằng Franklin sẽ có một quan điểm tương đối độc lập. Cô gọi tới nhà ông, mười giờ sáng Chủ nhật.

Cô nói, “Tôi nghĩ tôi nên thuê luật sư khác.”

Franklin không nói gì.

Rosemary nói tiếp, “David Chapman nghĩ anh ấy có tội. Không phải vậy sao? Thế nên ông ta đã bỏ cuộc rồi.”

Franklin nói, “Tôi không thể có ý kiến gì được. Ông ấy là một trong những người thuê tôi.”

Đến lượt Rosemary Barr không nói gì.

Franklin hỏi, “Trong bệnh viện thế nào rồi?”

“Kinh khủng. Anh ấy nằm trong khu chăm sóc đặc biệt cùng với một đống tù ăn bám nữa. Họ còng tay anh ấy vào giường. Anh ấy đang hôn mê, trời ạ! Làm sao họ có thể nghĩ anh ấy chuồn đi được?”

“Về mặt pháp lý tình trạng ra sao?”

“Anh ấy bị bắt nhưng không bị buộc tội. Anh ấy như bị bỏ lơ đi. Họ cho rằng nếu tỉnh chắc anh ấy cũng không xin bảo lãnh tại ngoại.”

“Họ nghĩ thế chắc đúng.”

“Thế nên họ tự tiện cho rằng trong trường hợp này cũng giống như anh ấy thật sự không xin bảo lãnh. Thế nên anh ấy là của họ. Anh ấy trong guồng hệ thống. Nó như là trong một vùng mù mờ.”

“Vậy cô còn muốn gì chứ?”

“Lẽ ra anh ấy phải không bị còng tay. Và ít ra là anh ấy nên được ở trong bệnh viện dành cho cựu chiến binh. Nhưng sẽ chẳng có điều đó nếu tôi không tìm được một luật sư sẵn lòng giúp anh ấy.”

Franklin dừng một lát. “Cô giải thích thế nào về những chứng cứ?”

“Tôi hiểu anh tôi.”

“Cô đã dọn ra khỏi nhà hắn, còn gì nữa?”

“Tôi dọn ra vì những lý do khác. Chứ không phải vì anh ấy là một gã điên sát nhân.”

Franklin nói, “Hắn chặn trước một chỗ đậu xe. Hắn đã lập kế hoạch cho vụ này.”

“Ông cũng nghĩ là anh ấy có tội.”

“Tôi phán đoán theo những thông tin tôi có được. Và những gì tôi biết đều không hay chút nào.”

Rosemary Barr không nói gì.

Franklin nói, “Tôi rất tiếc.”

“Ông có thể đề nghị một luật sư khác không?”

“Cô có quyền quyết định điều đó không? Cô có quyền chọn luật sư không?”

“Tôi nghĩ điều đó là đương nhiên. Anh ấy đang hôn mê. Tôi là người thân gần nhất của anh ấy.”

“Cô có bao nhiêu tiền?”

“Không nhiều.”

“Hắn có bao nhiêu tiền?”

“Ngôi nhà của anh ấy có chút giá trị.”

“Điều này không hay đâu. Nó sẽ như là một cú giáng vào mõm công ty cô đang làm.”

“Lúc này tôi không nghĩ đến chuyện đó được.”

“Cô có thể mất sạch, kể cả công việc nữa.”

“Đằng nào thì tôi cũng sẽ mất việc nếu không giúp được James. Nếu anh ấy bị kết án thì họ sẽ cho tôi nghỉ việc. Tôi sẽ mang tiếng xấu. Vì có quan hệ với kẻ sát nhân. Một vết nhơ.”

Franklin nói, “Hắn dùng thuốc ngủ của cô.”

“Tôi đưa cho anh ấy. Anh ấy không có bảo hiểm.”

“Tại sao hắn cần thuốc?”

“Anh ấy mắc chứng khó ngủ.”

Franklin không nói gì.

Rosemary nói, “Ông nghĩ là anh ấy có tội?”

Franklin trả lời, “Chứng cứ quá chắc chắn.”

“David Chapman không thật sự cố gắng, phải không?”

“Cô phải cân nhắc cái khả năng là David Chapman đúng.”

“Tôi nên liên hệ với ai đây?”

Franklin ngừng một lúc.

“Thử Helen Rodin xem sao.”

“Rodin?”

“Cô ấy là con gái của ông công tố viên.”

“Tôi không biết cô ấy.”

“Cô ấy ở khu thương mại. Cô ấy mới mở văn phòng. Cô ấy mới vào nghề và rất sắc sảo.”

“Điều này có hợp với nguyên tắc không?”

“Không có luật nào cấm.”

“Vậy là hai cha con sẽ chống nhau.”

“Việc này lẽ ra là của Chapman, và Chapman chắc chắn hiểu rõ Rodin hơn cô con gái. Cô ấy đã không ở nhà từ rất lâu rồi.”

“Cô ấy đi đâu?”

“Đại học, trường luật, thư ký cho một quan tòa ở Washington.”

“Liệu cô ấy có ích được chút nào không?”

“Tôi nghĩ là có.”

Rosemary Barr gọi tới số điện thoại văn phòng của Helen Rodin. Việc này như là một phép thử. Một người mới và sắc sảo sẽ có mặt ở văn phòng cả ngày Chủ nhật.

Helen Rodin có mặt ở văn phòng cả ngày Chủ nhật. Cô ngồi ở bàn làm việc trả lời điện thoại. Bàn của cô là đồ mua lại và nó nằm ngạo nghễ trong căn hộ hai phòng gần như trống rỗng trong cùng tòa cao ốc kính đen có văn phòng của NBC ở lầu hai. Căn hộ được thuê với giá rẻ qua một trong những chương trình trợ cấp kinh doanh mà thành phố tung ra như hoa giấy. Ý đồ của họ là huých một cú khởi động cho khu thương mại mới hồi sinh và sau này sẽ bù lại bằng khoản thuế thật nặng.

Rosemary Barr không cần kể lại cho Helen Rodin về vụ việc vì mọi chuyện xảy ra ngay bên ngoài cửa sổ văn phòng mới của cô. Chính Helen cũng mục kích phần nào và sau đó cô theo dõi phần còn lại qua tin tức. Cô xem tất cả các buổi truyền hình có Ann Yanni. Cô nhận ra cô ta từ đại sảnh của tòa nhà và trong thang máy.

Rosemary Barr hỏi, “Cô sẽ giúp anh tôi chứ?”

Helen Rodin lặng yên giây lát. Câu trả lời khôn ngoan nên là Không đời nào. Cô biết vậy. Kiểu như Không đời nào, quên chuyện đó đi, chị điên đấy à? Có hai lý do. Thứ nhất là, cô biết một lúc nào đó việc va chạm nghiêm trọng với cha mình là không tránh được, nhưng cô có cần nó xảy ra đúng lúc này không? Thứ hai là, cô biết những vụ án đầu tiên của một luật sư mới ra lò sẽ quyết định sự nghiệp của người ấy. Những bước đi đầu tiên rồi sẽ vạch ra con đường xác định. Trở thành một luật sư biện hộ cho những vụ tất cả đồng loạt bó tay cũng có cái hay, cô kết luận vậy sau khi cân nhắc mọi nhẽ. Nhưng khởi đầu bằng một vụ đã khiến cả thành phố phẫn nộ thì sẽ là một tai họa ma-ket-tinh thực sự. Vụ bắn giết này không được coi là một tội phạm. Mà là một tội ác phản nhân loại. Chống lại loài người, chống lại cả cộng đồng, chống lại nỗ lực làm hồi sinh khu trung tâm, chống lại toàn bộ quan niệm về bản sắc Indiana. Cứ như là Los Angeles hay New York hay Baltimore đã dời đến miệt trong, và đóng vai kẻ cố gắng xin tha lỗi hay giải thích vụ này sẽ là một sai lầm chí mạng. Như là dấu tích của Cain [7]. Nó sẽ theo đuổi cô suốt phần đời còn lại.

[7]: Cain: kẻ giết em trai mình trong Thánh kinh; Thượng đế đóng dấu lên người Cain để hắn đi đến đâu người khác cũng sẽ nhận biết.

Rosemary Barr hỏi, “Chúng ta có thể kiện nhà tù không? Vì đã để cho anh ấy bị thương?”

Helen Rodin lại lặng yên. Thêm một lý do để từ chối. Một thân chủ không thực tế.

Cô nói, “Có lẽ để về sau. Lúc này anh ấy đứng nguyên đơn sẽ không được nhiều ủng hộ đâu. Và khó mà chứng minh được điều đó là có hại, vì đằng nào thì anh ấy cũng sắp bị tử hình.”

Rosemary nói, “Vậy tôi không thể trả cô nhiều được. Tôi không có tiền.”

Helen lặng yên lần thứ ba. Thêm một lý do chính đáng nữa để từ chối. Sự nghiệp của cô vừa bắt đầu, tính chuyện làm từ thiện lúc này còn hơi sớm.

Nhưng. Nhưng. Nhưng.

Bị cáo có quyền có người đại diện cho mình. Đạo luật về Nhân quyền [8] đã nói thế. Và anh ta vẫn vô tội cho tới khi bị chứng minh là phạm tội. Và nếu chứng cứ khó cãi như là cha cô đã nói, thì toàn bộ chuyện này chẳng qua sẽ chỉ là một quy trình giám sát. Cô sẽ tự mình kiểm định lại vụ án để xác định anh ta có tội. Rồi cô sẽ khuyên anh ta nhận tội. Rồi cô sẽ trông theo lưng của anh ta khi cha cô đút anh ta qua guồng máy. Thế là xong. Có thể xem như là việc thực hiện bổn phận một cách trung thực. Một thủ tục hiến pháp nhàm chán. Cô hy vọng thế.

[8]: Đạo luật nhân quyền (Bill of Right): tên gọi mười điều bổ sung đầu tiên vào hiến pháp Mỹ.

Cô nói, “Tôi chấp nhận.”

Rosemary Barr nói, “Anh ấy vô tội. Tôi cam đoan mà.”

Helen Rodin nghĩ, Họ luôn cam đoan vậy.

Cô lặp lại, “OK“. Rồi cô yêu cầu thân chủ mới của mình đến gặp cô lúc bảy giờ sáng mai. Điều này như là một phép thử. Một cô em thật sự tin vào sự vô tội của anh mình thì sẽ có mặt bất chấp giờ hẹn sớm.

Rosemary Barr đến rất đúng hẹn, lúc bảy giờ sáng thứ Hai. Franklin cũng có mặt ở đó. Ông tin tưởng Helen Rodin và sẵn sàng đổi chủ thanh toán các hóa đơn của mình cho tới khi thấy được gió thổi theo chiều nào. Helen Rodin đã có mặt tại bàn giấy cả giờ rồi. Cô đã thông báo cho David Chapman về sự thay đổi luật sư đại diện vào chiều ngày Chủ nhật và đã lấy được cuốn băng ghi âm cuộc phỏng vấn James Barr ban đầu của ông. Chapman rất mừng được đưa nó cho cô và phủi tay khỏi vụ này. Cô đã nghe đi nghe lại cuốn băng cả chục lần trong tối Chủ nhật và thêm một chục lần nữa vào sáng hôm đó. Nó là tất cả những gì có thể lấy được. Thế nên cô nghe thật kỹ và đã rút được từ nó một vài kết luận sơ bộ.

Cô nói, “Nghe đây.”

Cô đã chuẩn bị cuốn băng sẵn sàng trong một chiếc máy kiểu cũ bằng cỡ chiếc hộp đựng giày. Cô bấm nút Play và mọi người nghe tiếng lẹt xẹt, tiếng thở và những tiếng động trong phòng, rồi giọng nói của David Chapman: Tôi không thể giúp anh nếu anh không tự giúp chính mình. Có một khoảng dừng khá dài, đầy tiếng lẹt xẹt, và rồi James Barr nói: Họ bắt lầm người rồi. Họ bắt lầm người rồi, gã lặp lại. Rồi Helen nhìn những con số đo băng và bấm cho cuộn băng chạy tới đoạn Chapman nói: Chối tội không phải là một chọn lựa. Rồi giọng của Barr bật lên: Tìm Jack Reacher cho tôi. Helen bấm đến câu hỏi của Chapman: Đó là một bác sĩ? Rồi cuộn băng không còn ghi lại gì nữa ngoài tiếng của Barr đập vào cánh cửa phòng thẩm vấn.

Helen nói, “OK, tôi nghĩ anh ta thật sự tin rằng mình không làm vụ này. Anh ta cả quyết điều đó, rồi nổi giận và cắt ngang cuộc thẩm vấn khi Chapman không nghiêm túc ghi nhận lời anh nói. Rất rõ ràng, phải không nào?”

Rosemary Barr nói, “Anh ấy không làm vụ đó.”

Helen Rodin nói, “Tôi nói chuyện với cha tôi hôm qua. Chứng cứ đầy cả ra đó, Barr à. Tôi e rằng anh ta quả đã làm vụ đó thật. Chị cần phải thừa nhận rằng có khi em gái vẫn không hiểu được anh mình nhiều như mong muốn. Hay nếu đã hiểu thì anh ta cũng đã thay đổi tính tình vì những lý do nào đó.”

Mọi người im lặng một lúc lâu.

Rosemary hỏi, “Cha chị có nói thật với chị về những chứng cứ không?”

Helen nói, “Ông ấy không thể không nói thật. Thế nào thì chúng ta cũng sẽ biết hết thôi. Còn có quá trình khám phá nữa. Chúng tôi sẽ lấy lời khai. Có lừa dối về điểm này cũng chẳng ích gì.”

Không ai nói gì.

Helen nói giữa lúc tất cả im lặng, “Nhưng chúng tôi vẫn có thể giúp anh của chị. Anh ta tin rằng mình không phạm tội. Tôi tin chắc điều đó sau khi nghe cuốn băng. Do đó, bây giờ anh ta bị chứng ảo giác. Hay ít ra thì cũng bị ảo giác vào hôm thứ Bảy. Vậy có lẽ anh ta cũng bị trong ngày thứ Sáu luôn.”

Rosemary hỏi, “Thế thì giúp được anh ấy ở chỗ nào? Vẫn là thừa nhận là anh ấy làm cơ mà.”

“Những hệ quả sẽ rất khác biệt. Nếu anh ta hồi phục. Thời gian và việc chữa trị trong một bệnh viện vẫn sẽ tốt hơn nhiều so với thời gian và không chữa trị gì cả trong một nhà tù được canh gác cực kỳ nghiêm ngặt.”

“Chị muốn người ta xác nhận James bị tâm thần?”

Helen gật đầu. “Lời biện hộ vì lý do sức khỏe là khả năng mạnh nhất của chúng ta. Và nếu chúng ta đưa ra điều đó đúng vào lúc này, thì nó có thể cải thiện cách họ đối xử với anh ta trước phiên tòa.”

“Anh ấy có thể chết. Bác sĩ nói như vậy. Tôi không muốn anh ấy chết mà vẫn mang tiếng tội phạm. Tôi muốn thanh danh của anh ấy được trong sạch.”

“Anh ta chưa bị kết án. Anh ta chưa bị buộc tội. Anh ta vẫn là một người vô tội trước pháp luật.”

“Nhưng hai điều đó đâu có giống nhau.”

Helen nói, “Có lẽ không giống thật.”

Thêm một khoảng im lặng dài nữa.

Helen nói, “Chúng ta hãy gặp lại ở đây vào lúc mười giờ ba mươi. Chúng ta sẽ thảo ra một chiến lược. Nếu chúng ta nhắm tới chuyện đổi viện, thì chúng ta nên tiến hành càng sớm càng tốt.”

Rosemary Barr nói, “Chúng ta cần tìm cho ra nhân vật Jack Reacher này.”

Helen gật đầu, “Tôi đã cho Emerson và cha tôi biết cái tên này.”

“Tại sao?”

“Bởi vì người của Emerson đã lục soát nhà anh của chị. Biết đâu họ đã tìm thấy một địa chỉ hay một số điện thoại. Và cha tôi cần phải biết vì chúng ta muốn người này có tên trong danh sách nhân chứng của mình, chứ không phải là danh sách của công tố viên. Bởi vì ông ta có thể giúp cho chúng ta.”

“Ông ta có thể là một bằng chứng ngoại phạm.”

“Khá nhất cũng chỉ có thể là một đồng đội cũ.”

Franklin nói, “Tôi không thấy làm sao lại thế được. Họ khác cấp bậc và khác ngành.”

Rosemary Barr nói, “Chúng ta cần phải tìm cho ra người này. James đã yêu cầu ông ta, phải không nào? Điều này phải có nguyên do nào đó.”

Helen lại gật đầu. “Chắc chắn là tôi muốn tìm ra ông ta. Ông ta có thể cho chúng ta biết điều gì đó. Có thể là một thông tin để bào chữa. Hay ít ra thì ông ta có thể chỉ cho ta điều gì đó có ích.”

Franklin nói, “Ông ta hoàn toàn mất tích rồi.”

Ông ta chỉ cách đó có hai giờ đồng hồ, ngồi phía cuối một chiếc xe buýt vừa ra khỏi Indianapolis. Chuyến đi chậm, nhưng cũng thú vị. Ông qua đêm thứ Bảy ở New Orleans, trong một nhà trọ gần trạm xe buýt. Ông qua đêm Chủ nhật ở Indianapolis. Vậy nên ông đã ngủ, ăn và tắm rửa. Nhưng phần lớn thời gian ông lắc lư gà gật trên các chuyến xe, ngắm cảnh vật bên đường, quan sát cảnh hỗn độn của nước Mỹ, và trôi theo hồi tưởng về người đàn bà Na Uy. Cuộc đời của ông là như vậy. Nó là một bức tranh màu khảm từ những mảnh vỡ. Những chi tiết và bối cảnh sẽ phai nhòa đi và tái hiện lại không còn chính xác, nhưng những cảm nhận và kinh nghiệm sẽ đan kết lại theo thời gian thành một tấm thảm đầy những lúc vui buồn lẫn lộn bằng nhau. Ông chưa biết chính xác người đàn bà Na Uy sẽ rơi xuống đâu. Lúc đó ông nghĩ về cô như một cơ hội bị bỏ lỡ. Nhưng dù thế nào đi nữa chắc hẳn cô cũng sẽ giong buồm ra đi sớm thôi. Hoặc ông sẽ đi. Sự can thiệp của CNN đã làm cho mọi chuyện rút ngắn lại, nhưng có lẽ chỉ một phần nhỏ thôi.

Xe buýt đang chạy với tốc độ 55 dặm một giờ trên xa lộ 37, hướng về Nam. Nó dừng lại ở Bloomington. Sáu người xuống xe. Một người trong số họ để lại tờ báo của Indianapolis. Reacher nhặt tờ báo lên xem phần tin thể thao. Đội Yankees vẫn dẫn đầu ở miền Đông. Rồi ông giở sang trang nhất xem tin tức. Ông thấy dòng tựa đề: Nghi can bắn tỉa bị thương trong một cuộc tấn công trong nhà giam. Ông đọc ba đoạn đầu:Chấn thương sọ não. Hôn mê. Chẩn đoán không cho kết quả chắc chắn. Tay nhà báo dường như nghiêng ngả giữa phê phán Ủy ban trừng giới của Indiana về những nhà giam không có luật lệ gì cả và hoan hô những kẻ tấn công Barr đã thực hiện nghĩa vụ công dân của họ.

Reacher nghĩ, Cái này chỉ làm rắc rối thêm.

Những đoạn sau lặp lại câu chuyện ban đầu, bổ sung thêm những thông tin bên lề vừa cập nhật, thêm những dữ kiện mới. Reacher đọc hết. Em gái của Barr đã dọn ra khỏi nhà hắn vài tháng trước sự việc này. Tay nhà báo có vẻ cho rằng điều đó đã gây ra, hoặc là hậu quả của tình trạng rối loạn hiển nhiên của Barr. Hay là cả hai.

Chiếc xe buýt rời khỏi Bloomington. Reacher xếp tờ báo lại và tì đầu vào cửa kính nhìn con đường. Nó giống như một dải băng đen, ướt đẫm do trận mưa vừa qua, và trải ra bên cạnh ông với đường phân cách nháng lên như một bản tin khẩn đánh bằng mã morse. Reacher không rõ bản tin nói gì với mình. Ông không đọc ra nó.

Chiếc xe buýt chạy vào một trạm dừng có mái che, Reacher bước ra ngoài ánh nắng và nhìn thấy cách mình năm khối phố về hướng Đông có một xa lộ treo lượn vòng phía sau một tòa nhà bằng đá cũ kỹ. Ông đoán là nó bằng loại đá vôi của Indiana. Đồ xịn ấy. Nó chắc là một ngân hàng, ông nghĩ, hay một tòa án, hay có lẽ là một thư viện. Có một tòa cao ốc ốp kính màu đen đằng sau nó. Không khí không tệ. Lạnh hơn ở Miami nhưng ông còn ở khá xa về phía Nam, đủ để thấy mùa đông còn lâu mới tới. Ông sẽ không cần thay toàn bộ tủ áo cho hợp với thời tiết. Ông đang mặc một chiếc quần rộng bằng vải bông màu trắng và một áo sơ mi vải thô màu vàng sáng. Cả hai đều mới mua được ba ngày. Ông tính sẽ mặc chúng được thêm một ngày nữa. Rồi sẽ mua đồ khác, đồ rẻ tiền thôi. Ông mang một đôi giày thuyền màu nâu. Không xỏ tất. Ông thấy mình ăn mặc như để đi dạo trên bãi biển và nghĩ mình hẳn có vẻ lạc điệu trong thành phố.

Ông xem đồng hồ. Chín giờ hai mươi sáng. Ông đứng ở vỉa hè trong những luồng hơi khói dầu diesel, vươn vai và nhìn quanh quất. Thành phố này nằm trong số những thành phố miệt trong điển hình, không lớn cũng không nhỏ, không mới cũng không cũ. Nó không nở rộ mà cũng chẳng suy tàn. Chắc hẳn cũng có một lịch sử nào đó. Chắc hẳn từng có buôn bán ngô và đậu nành. Có thể là thuốc lá. Có thể gia súc. Chắc hẳn có một con sông, hay một đường xe lửa. Chắc có chút công nghiệp lắp ráp nữa. Có một khu thương mại nhỏ. Ông có thể thấy nó nằm trước mặt, về phía Đông của nơi ông đang đứng. Những tòa nhà cao hơn, một số bằng đá, một số bằng gạch, vài bảng quảng cáo. Ông đoán tòa cao ốc kính đen là tòa nhà chính trong khu vực. Chẳng ai đi xây nó ở một nơi nào khác ngoài tâm điểm của khu thương mại.

Ông bước về phía nó. Cảnh xây dựng đang diễn ra khắp nơi. Sửa sang, làm mới, những lỗ hổng trên đường, những đống đá sỏi, bê tông mới, những chiếc xe tải nặng nề chậm chạp di chuyển. Ông băng qua trước mặt một công trường thì đụng phải một nhánh đường nhỏ và thoát ra khỏi đó dọc theo sườn phía Bắc của phần bãi đậu xe đang xây mới dở dang. Ông nhớ lại bản tin nóng của Ann Yanni và ngước nhìn nó, rồi chuyển ánh mắt sang một quảng trường công cộng. Một cái hồ cảnh cạn nước với một cột phun nước đơn độc nhô lên giữa hồ. Một lối đi hẹp nằm giữa cái hồ và bức tường thấp. Lối đi đầy những vật tưởng niệm làm vội. Có cả hoa, cuống được bọc trong giấy bạc. Những tấm ảnh trong khung kính, những con thú nhồi bông nhỏ, và nến. Bụi bốc lên từ chỗ cát còn lại. Cát này để thấm hết máu đi, ông đoán vậy. Những xe cứu hỏa chở những thùng cát đến nơi có tai nạn và các hiện trường tội ác. Và những cái xẻng bằng thép không gỉ để xúc đi những bộ phận cơ thể. Ông liếc nhìn lại bãi đậu xe. Chưa tới ba mươi lăm thước ông nghĩ. Rất gần.

Ông đứng yên. Quảng trường im ắng. Cả thành phố yên lặng. Thành phố đang choáng váng, như một cánh tay bị tê dại tạm thời sau một cú đấm cực mạnh. Quảng trường là tâm chấn. Nó là nơi cú đấm giáng xuống. Nó như là một lỗ đen, xúc cảm được nén vào quá chặt không thể thoát ra.

Ông bước tiếp. Tòa nhà cũ bằng đá là một thư viện. Ông nghĩ, Cũng không sao, thủ thư là những người dễ thương. Họ sẵn sàng trả lời, nếu bạn chịu hỏi.Ông hỏi văn phòng công tố ở đâu. Một phụ nữ có vẻ mặt buồn và nhút nhát ngồi ở quầy giao trả sách chỉ đường cho ông. Không xa lắm. Đây không phải là một thành phố lớn. Ông đi về hướng Đông qua một tòa nhà mới có bảng Sở Đăng kiểm và một phòng tuyển quân. Phía sau nó là một khối phố gồm những cửa hàng bình dân rồi đến một tòa nhà mới xây làm tòa án. Nó là một tòa nhà mái bằng theo kiểu thiết kế hàng loạt với những cánh cửa gỗ gụ và kính chạm trổ. Nó giống như là ngôi nhà thờ thuộc một giáo phái quái gở nào đó có một đám giáo dân bụng dạ rộng rãi nhưng túi lại không tiền.

Ông tránh lối vào chính. Ông đi vòng quanh khối nhà cho tới khi đến khu văn phòng. Ông thấy một cánh cửa có bảng Phòng công tố quận. Bên dưới nó là một tấm bảng đồng khác có tên của Rodin. Ông nghĩ, Một viên chức được bầu. Người ta dùng tấm bảng riêng cho đỡ tốn kém vì cứ sau vài tháng Mười một lại đổi người.Tên của Rodin viết tắt là A.A. Ông ta có bằng luật.

Reacher đi qua cửa và hỏi chuyện nhân viên tiếp tân ở bàn. Xin gặp đích danh A.A Rodin. “Về chuyện gì vậy?” bà tiếp tân hỏi, khẽ khàng nhưng lịch sự. Bà trạc trung niên, biết chăm sóc bản thân, ăn mặc đẹp, mặc một chiếc áo khoác ngoài màu trắng sạch. Bà có vẻ như là người cả đời làm việc ở bàn giấy. Một viên chức lành nghề. Nhưng khá căng thẳng. Trông bà như thể gánh trên vai mình tất cả những rắc rối mới đây của cả thành phố.

Reacher nói, “Về James Barr.”

Bà lễ tân hỏi, “Ông là phóng viên à?”

Reacher đáp, “Không.”

“Tôi có thể báo với văn phòng ông Rodin ông liên hệ ra sao với vụ án không?”

“Tôi quen James Barr khi còn trong quân đội.”

“Việc đó hẳn cũng lâu lâu rồi.”

Reacher đáp, “Lâu lắm rồi.”

“Xin ông cho biết quý danh?”

“Jack Reacher.”

Bà lễ tân quay điện thoại và nói chuyện. Reacher đoán bà đang nói chuyện với người thư ký, bởi vì cả ông và Rodin đều được nhắc đến bằng ngôi thứ ba, như những sự vật trừu tượng. Ông ấy có thể tiếp một ông tên là Reacher về vụ đó không? Không phải là vụ Barr. Mà là vụ đó. Khác hẳn với một số văn phòng công tố viên mà Reacher từng. Cuộc trò chuyện tiếp diễn. Rồi bà lễ tân che ống nghe lại bằng cách áp nó sát vào ngực, bên dưới xương cổ, trên ngực trái.

Bà hỏi, “Ông có thông tin à?”

Reacher nghĩ, Người thư ký trên lầu có thể nghe được tiếng tim bà đập đấy.

Ông trả lời, “Vâng. Thông tin.”

Bà hỏi, “Từ trong quân đội?”

Reacher gật đầu. Bà tiếp tân lại áp điện thoại lên tai và tiếp tục nói chuyện. Câu chuyện kéo dài khá lâu. Ông A.A Rodin có hai người gác cổng cần mẫn. Điều đó thật rõ ràng. Không có cách nào qua mặt họ mà không có một lý do khẩn cấp và chính đáng. Điều đó cũng thật rõ ràng. Reacher xem đồng hồ. Chín giờ bốn mươi sáng. Nhưng không phải vội nếu xét hoàn cảnh hiện thời. Barr đang hôn mê. Ngày mai cũng được. Hay ngày mốt. Hay nếu cần ông có thể tìm đến Rodin qua tay cảnh sát. Ông ta tên gì nhỉ? Emerson?

Bà tiếp tân gác máy.

Bà nói, “Xin đi thẳng lên. Ông Rodin ở tầng ba.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.