Mr Đà Điểu Của Tôi

Chương 111: Chương 111: Đám cưới




Càng gần đến ngày khai giảng trường đại học Tùng Giang càng trở nên sôi động. Trên con đường vốn thưa thớt và sân trường rợp bóng cây ngày càng đông người qua lại.

Bàng Sảnh và Cố Minh Tịch đăng ký thủ tục nhập học và nhiều thủ tục khác và cùng đi đăng ký số điện thoại ở Thượng Hải. Bạn ông Từ Song Hoa là giáo viên ở trường Tùng Giang tới giúp Cố Minh Tịch sắp xếp nơi ở theo sự nhờ cậy của bạn.

Tình trạng của Cố Minh Tịch khiến anh không tiện ở phòng bốn người như bình thường. Để tạo điều kiện cho anh, nhà trường giành một căn phòng hai người ở khu ký túc xá cho anh ở. Người bạn cùng phòng Cố Minh Tịch tên là Phó Cần Phong, 22 tuổi.

Phó Cần Phong là một người đàn ông khá hướng nội, sau khi gặp gỡ Cố Minh Tịch, cậu chàng không nói nhiều, xăm xắn cùng Bàng Sảnh dọn dẹp phòng và trải giường chiếu cho Cố Minh Tịch.

Bàng Sảnh nhờ cậu quan tâm Cố Minh Tịch một chút lúc ở trên lớp, chủ yếu trong lúc lấy cơm ở căn tin, đi vệ sinh, xách dụng cụ vẽ tranh hay căng ô… Phó Cần Phong gật đầu đồng ý: “Ok, em sẽ chú ý.”

Sau khi dự lễ khai giảng, Cố Minh Tịch trở về căn nhà thuê vào buổi tối. Trong bữa cơm, anh kể cho Bàng Sảnh nghe những chuyện xảy ra ban ngày.

“Anh vào lớp, thấy anh không có tay đứa nào đứa nấy mắt tròn mắt dẹt. Có mấy đứa còn tưởng anh là giáo viên hay phụ huynh, còn chào anh là thầy!” Nghĩ đến cảnh tượng lúc sáng Cố Minh Tịch hơi buồn cười: “Anh đành nói là anh cũng như tụi nó, chỉ là sinh viên đại học bình thường.”

Bàng Sảnh chăm chú lắng nghe: “Rồi sao nữa?”

“Thế rồi những đứa vừa nãy không mắt tròn mắt dẹt thì há hốc mồm!” Cố Minh Tịch và cơm rồi nói: “Sau đó thầy giáo lên lớp, mọi người tự giới thiệu về mình. Và không bao lâu sau anh đã có một cái tên mới.”

“Là gì?”

“Lão Cố.” Anh nghiêm túc đáp.

“Phì!” Bàng Sảnh cười rũ rượi suýt phì cả cơm ra ngoài: “Sao lại gọi anh là lão Cố chứ!”

“Toàn lũ trẻ con 18, 19 tuổi, không gọi anh là lão Cố thì gọi là gì?” Cố Minh Tịch cũng cười, “Phó Cần Phong nói cậu ấy thi ba năm mới đỗ, còn tưởng mình là người lớn tuổi nhất trong lớp khi 22 tuổi mới học đại học, ai ngờ trong lớp còn có sinh viên 28 tuổi.”

Bàng Sảnh mừng húm: “28 tuổi đâu có già lắm. Trước đây trường em lúc nào cũng có những người 30 tuổi đến học nghiên cứu sinh.”

“Người ta học nghiên cứu sinh, sao mà so sánh được?” Cố Minh Tịch hơi chau mày: “Bàng Bàng, thực ra anh không thấy mình cao tuổi, có lẽ vì xưa nay anh vẫn luôn sống trong môi trường này. Lúc ở tỉnh S anh thường đi học ké ở trường mỹ thuật, sau đó thì làm giáo viên tiểu học nên anh vẫn nghĩ mình còn trẻ chán. Thế mà hôm nay thấy lũ trẻ trong lớp mới biết mình cũng hơi ‘dừ’ rồi. Em xem này, trên khoé mắt anh còn có cả nếp nhăn rồi kia!”

Anh cầm đũa bằng ngón chân, liền dùng đũa chỉ vào khoé mắt cho cô xem.

“Xin anh!” Bàng Sảnh gắp một miếng mướp xào nhét vào miệng anh: “Đó là vì anh dãi nắng ở Tam Á thôi. Anh nhìn Tạ Ích mà xem, đúng là lão hoá ngược trong truyền thuyết. Chỉ cần khoác đồng phục đi tới trường thôi, chắc chắn vẫn lừa được đám con gái ngon ơ. Thôi được, hôm nào em sẽ mua cho anh mấy món đồ chăm sóc da. Thật không ngờ Cố Minh Tịch ạ, anh cũng biết bày trò nhỉ?”

“Anh đâu có bày trò gì?” Anh hơi nhướng mày, “À mà hôm nay còn có cô bé trong lớp chạy ra xin số điện thoại của anh, mấy đứa hỏi anh đã có bạn gái chưa?”

Bàng Sảnh hào hứng hỏi: “Anh trả lời sao?”

“Anh nói chưa có bạn gái nhưng nhà có một con sư tử Hà Đông!”

“Cố Minh Tịch, anh không muốn sống nữa hả?” Bàng Sảnh đập đũa xuống bàn, đánh anh bồm bộp: “Anh nói thật đi Cố Minh Tịch, khi anh thu hút được đám con gái xinh xắn đáng yêu trẻ trung 18, 19 tuổi kia, có phải anh thấy hả hê lắm không?”

“Ăn cơm nào!” Anh tránh khỏi tay cô. Đến khi Bàng Sảnh kiếm chuyện chán rồi mới ngừng lại cười với cô: “Trong mắt anh chỉ có một cô bé thôi, cô bé đó mãi mà chưa trưởng thành, thích ăn đồ nướng, thích ngủ nướng, thích khóc thích cười, đỏm dáng và hay càu nhàu nữa.”

“Ai đỏm dáng, ai càu nhàu hả?” Ngoài miệng nói thế nhưng trong lòng Bàng Sảnh ngọt như đường: “Bây giờ em còn giả bộ trẻ trung được. Sau này ba mươi bốn mươi tuổi thì phải làm sao? Biến thành bà mẹ sề, bụng to, mông to như mẹ em mà xem, anh sẽ không nói vậy đâu.”

“Bà mẹ sề, bụng to, mông to cũng là cô bé của anh.” Ý cười trong mắt Cố Minh Tịch không sao che giấu được, “Anh còn mong em mập mạp hơn chút nữa. Trước đây em ham ăn thế mà bây giờ mới ăn một chút đã kêu no, người gầy nhom còn đòi giảm cân, không tốt cho sức khoẻ!”

Bàng Sảnh bĩu môi: “Anh không hiểu đâu. Em làm thế để mặc áo cưới cho đẹp.”

Vài ngày sau Bàng Sảnh cũng khai giảng. Phòng ký túc dành cho nghiên cứu sinh là phòng hai người, cô ở cùng một cô gái họ Văn. Bàng Sảnh nói với cô gái kia là mình đã có chồng nên rất ít khi ở ký túc, đa số sẽ về nhà.

Tiểu Văn hỏi: “Chị sống ở đâu ạ?”

“Bên chỗ đại học Tùng Giang.”

“Ôi trời!” Tiểu Văn giật nảy mình.

Sự ngạc nhiên của Tiểu Văn không phải không có lý do, cô nàng ngạc nhiên vì như thế con đường đi học của Bàng Sảnh sẽ rất xa xôi.

Sau thời gian lúng túng hồi mới đi học, quỹ đạo cuộc sống của Bàng Sảnh và Cố Minh Tịch dần đi vào nề nếp. Hai người ở nhà gần trường Cố Minh Tịch. Sáng nào Bàng Sảnh cũng dạy từ 6h sáng, ra khỏi nhà lúc 6h30, lái xe tới trường tranh thủ lúc còn chưa đến giờ cao điểm buổi sáng nên miễn cưỡng vẫn kịp tiết học lúc 8h. Buổi tối khi về tới nhà thì trời đã tối om.

Cố Minh Tịch thương Bàng Sảnh đi lại vất vả nhưng cô lại thấy thế là bình thường. Đối với Bàng Sảnh, điều kỳ diệu nhất trên đời là mỗi tối lái xe từ trường về, ăn bữa cơm nóng sốt cùng Cố Minh Tịch rồi đi dạo trong sân trường, sau đó cô làm bài còn anh vẽ tranh, trước khi đi ngủ chia sẻ mọi chuyện với nhau từ những điều nhỏ nhặt nhất như học môn gì, ăn món gì, có câu chuyện buồn cười nào không… Mỗi đêm được bước vào mộng đẹp cùng Cố Minh Tịch, Bàng Sảnh liền cảm thấy mọi mệt mỏi về thể xác đều hoàn toàn tan biến.

Thỉnh thoảng không phải đi học Bàng Sảnh còn tới trường cùng Cố Minh Tịch, cùng anh ăn trưa ở nhà ăn, hoặc tới thư viện đọc sách. Thấy mấy người bạn trong lớp Cố Minh Tịch tham gia câu lạc bộ, Bàng Sảnh cũng đi học ké. Các bạn trong lớp Cố Minh Tịch rất thú vị, họ gọi Cố Minh Tịch là “lão Cố” thật, hễ nhìn thấy Bàng Sảnh là gọi cô hai tiếng “chị dâu” thật thân thiết.

Mấy cậu nam sinh rất nghịch, đòi đến nhà Cố Minh Tịch ăn chực, đòi nếm thử tay nghề nấu nướng của chị dâu. Bàng Sảnh xấu hổ đỏ bừng mặt, Cố Minh Tịch cười nói: “Ok thế thì đi hết nhé, ăn lẩu được không?”

Cuối tuần mười mấy sinh viên đổ bộ tới nhà họ thật, đúng là một bầy hổ đói, Cố Minh Tịch và Bàng Sảnh chuẩn bị rất nhiều đồ nhúng lẩu mà bị đám kia tiêu diệt hết. Cuối cùng không đủ ăn, Cố Minh Tịch đành tự xuống bếp rang một chảo cơm thật to mới khiến lũ người kia no nê.

Cô gái tên Tiểu Vương nói giọng hâm mộ: “Sau này kiếm bạn trai em nhất định cũng phải tìm người như lão Cố, vừa dịu dàng chu đáo, người lại cao ráo đẹp trai, còn biết nấu ăn!”

Cậu sinh viên Tiểu Lưu chế giễu: “Sao cậu biết lão Cố dịu dàng chu đáo?”

Tiểu Vương đỏ mặt: “Ai mà chẳng nhận ra?”

Tiểu Lưu bĩu môi: “Sao tớ lại không nhận ra nhỉ?”

“Đồ đáng ghét!” Tiểu Vương và Tiểu Lưu thường cãi nhau chí choé như vậy. Bấy giờ mới chuyển chủ đề sang Bàng Sảnh: “Chị dâu quen lão Cố như thế nào ạ?”

Bàng Sảnh cười hỏi lại: “Anh ấy không nói cho các em biết à?”

“Không ạ!” Mọi người đồng thanh reo lên. Một cô gái nói: “Chị dâu kể tụi em nghe lịch sử tình yêu của hai anh chị đi ạ?”

“E hèm…” Bàng Sảnh hắng giọng nhìn sang Cố Minh Tịch đang mỉm cười bên cạnh, nghiêm nghị nói: “Chị và anh ấy lấy nhau từ khi còn bé!”

“Không thể nào!” Một cô gái trẻ giật mình, “Bây giờ đã là thời đại nào rồi, chị lừa tụi em!”

Bàng Sảnh trừng mắt: “Lừa chúng mày chị là cún!”

Trường Cố Minh Tịch mới thành lập chưa bao lâu không như ngôi trường dày truyền thống tên Phục Đán của Bàng Sảnh. Mỗi toà giảng đường, mỗi khu nhà, mỗi con đường, thậm chí mỗi vật điêu khắc, từng cái cây trong trường Phục Đán dường như đều ẩn chứa một điển cố nhỏ. Nơi đó có bề dày lịch sử, tình cảm văn chương đuề huề. Còn trường của Cố Minh Tịch còn rất trẻ, mới mẻ, tiến bộ và hăng hái.

Khi đi cùng Phó Cần Phong trong sân trường, đôi khi anh hơi giật mình thất thần. Cậu sinh viên đi cùng có gương mặt non nớt, mặc quần áo hợp thời trang, họ đều là những thanh niên trẻ thuộc tầng lớp 9x, có người đi ván trượt, có người đeo giá ba chân để máy ảnh, có người nhuộm tóc vàng dựng đứng như bờm sư tử, cũng có những người ôm hôn nhau trên đường như đang ở chỗ không người.

Cố Minh Tịch nhớ lại cuộc sống đại học ngắn ngủi trước đây của mình. Ở tỉnh Z xa xôi, trong trường đại học B nổi tiếng về các chuyên ngành kỹ thuật – nơi anh đã từng ở một năm.

Một năm mơ hồ, một năm hoang mang, một năm u ám, một năm cô độc.

Nhưng giờ đây anh không muốn nhớ lại cảm giác đau khổ lúc đó nữa. Mặc dù thỉnh thoảng vẫn nhớ lại một số chuyện nhưng anh chỉ có một cảm giác duy nhất, là khi đó mình dại khờ đến nực cười.

Phó Cần Phong quay lại nhìn anh. Thấy Cố Minh Tịch đứng im không nhúc nhích bèn hỏi: “Lão Cố, anh sao vậy?”

Cố Minh Tịch định thần lại: “À, anh không sao.”

“Đi thôi, bọn mình muộn tiết vẽ thực thể mất.”

“Ừ.” Anh đáp rồi đi cùng Phó Cần Phong về phía giảng đường.

Mất chín năm, chuyến tàu của anh mới đi đúng quỹ đạo.

May mà vẫn chưa quá muộn màng.

May mà cô vẫn luôn đợi anh.

Ngày 2/10 trời trong nắng ấm, là ngày tốt cho hôn lễ của Cố Minh Tịch và Bàng Sảnh được diễn ra.

Cố Quốc Tường do dự rất lâu, cuối cùng vẫn quyết định tới dự hôn lễ của hai người.

Cụ ông Cố không khoẻ, nói không chịu được âm thanh ồn ào nhốn nháo ở hội trường nên không tới. Cụ bà Cố thường nói muốn tới uống rượu mừng của cháu trai nên sau khi cân nhắc, coi như đáp ứng nguyện vọng của bà cụ, Cố Quốc Tường quyết định đưa mẹ đi cùng, ngoài ra còn có hai vợ chồng Đổng Nguyên và Tiểu Lương.

Cố Quốc Tường vẫn chưa hết giận Bàng Sảnh sau mâu thuẫn xảy ra mùa hè. Ông cho rằng mình đã nhún nhường nhỏ nhẹ lắm rồi. Ở tuổi ngoài năm mươi, sự áy náy của ông với sự ra đi của người vợ cả ngày càng nặng nề, đồng thời ông cũng dần nhớ nhung đứa con Cố Minh Tịch mất liên lạc.

Đúng là ông chưa bao giờ tới đại học B hỏi han tin tức của Cố Minh Tịch nên không biết con trai mình đã bỏ học. Ông ta cứ tưởng cuộc sống của Cố Minh Tịch vẫn thuận buồm xuôi gió. Anh có ông bà ngoại và cậu mợ bên cạnh, họ sẽ giúp đỡ anh dù ít dù nhiều. Cố Quốc Tường cho rằng nếu một ngày nào đó thực sự gặp trở ngại, Cố Minh Tịch nhất định sẽ tới tìm mình nên có lẽ không có tin tức gì nghĩa là mọi điều vẫn ổn.

Sau khi biết Cố Minh Tịch đã trở về thành phố E và thành đôi với Bàng Sảnh, ngoài cảm giác ngạc nhiên tột cùng, sự thắc mắc chiếm đa phần trong lòng ông ta. Ông không hiểu tại sao Cố Minh Tịch về lại không liên lạc với mình. Ông biết mình có lỗi với Lý Hàm nhưng ông không cảm thấy mình có lỗi với con trai. Ông ta nuôi nấng Cố Minh Tịch gần hai mươi năm, chẳng phải đã làm tròn trách nhiệm của một người cha rồi sao?

Cố Quốc Tường thừa nhận trước đây mình có phần hà khắc và xa cách với Cố Minh Tịch nhưng giờ đây ông đang cố gắng bù đắp hết sức có thể. Ông đã ly hôn, trước mắt không có ý định tái hôn lần nữa, vì vậy khối tài sản đó sau này chẳng phải đều thuộc về Cố Minh Tịch và Cố Tử Nguyệt sao?

Ông nghĩ mãi vẫn không hiểu tại sao ánh mắt Cố Minh Tịch nhìn mình không khác gì nhìn một người lạ. Còn Bàng Sảnh, vừa nghe thấy ông nhờ chăm sóc cho Cố Tử Nguyệt sáu ngày đã từ chối thẳng thừng và trở mặt.

Vậy mà hôm đó Cố Tử Nguyệt nghịch ngợm gây hoạ khiến Cố Quốc Tường mất mặt. Khi nhận được thiệp mời Bàng Thủy Sinh đưa tới, ông thực lòng không muốn dự đám cưới. Ông nghĩ mình thân là bố chú rể, nếu bố chú rể không có mặt ở đám cưới sẽ khiến hai đứa trẻ mất mặt lắm, thậm chí còn bị xì xèo sau lưng. Quan niệm gia đình ở Trung Quốc rất nặng nề, đúng là Cố Quốc Tường đã từng nghĩ sẽ mượn cơ hội này trừng trị Cố Minh Tịch và Bàng Sảnh nhưng cuối cùng ông vẫn không thể kìm lòng mà tới dự.

Đó dẫu sao cũng là con ông, là đứa con trai ông dứt ruột đẻ ra. Ông không muốn Cố Minh Tịch bị người đời cười chê.

Cố Quốc Tường đỡ mẹ mình đứng ngoài đại sảnh hôn lễ. Rất nhiều ảnh cưới của Cố Minh Tịch và Bàng Sảnh được trưng bày trên hành lang rộng rãi. Cứ cách vài mét lại có một bảng chỉ dẫn viền hoa, trên đó viết: Xin chào mừng quý khách tới tham dự hôn lễ của anh Cố Minh Tịch và chị Bàng Sảnh.

Cố Quốc Tường đứng nhìn một tấm ảnh cưới…

Bàng Sảnh đứng bên hồ, tấm vải voan trên đỉnh đầu tung bay, chiếc áo cưới trắng tinh khôi dài lướt thướt xoè rộng dưới đất. Cố Minh Tịch thì mặc âu phục trắng đứng bên cạnh cô, đang quay sang nhìn Bàng Sảnh bằng nét mặt dịu dàng.

Bàng Sảnh mặc bộ áo cưới truyền thống đỏ tươi, búi tóc, tay cầm quạt tròn, Cố Minh Tịch mặc bộ đồ tân lang đen đỏ ngồi bên cạnh, quay sang mỉm cười với vợ.

Trên sân thể dục, Cố Minh Tịch mặc áo sơmi quần jean ngồi trên bậc tam cấp, chau mày tỏ vẻ bất đắc dĩ còn Bàng Sảnh mặc bộ đồ thoải mái đứng sau anh, mỉm cười véo tai chồng.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.