Chiều hôm ấy, khi ánh hoàng hôn bảng lảng nơi cuối chân trời, chim mỏi từng đàn sải cánh bay về tổ, Thẩm Bạch ngồi trong lương đình gảy đàn. Chỉ thấy mười ngón tay như ngọc nhịp nhàng lướt trên bảy dây đồng, từng tiếng đàn ngân lên, khi thì như núi non trùng điệp, lúc thì tựa suối chảy khe sâu, vang động cả mặt hồ sen bên cạnh. Một khúc “Cao sơn lưu thủy”, đàn tới xuất thần nhập hóa.
Miên Nhi đứng ngoài đình, lắng nghe tiếng đàn đến mê mẩn. Đến khi khúc ngừng, Thẩm Bạch quay đầu nhìn lại, khẽ cười hỏi:
“Sao lại đứng đó mà không vào?”
Bấy giờ, Miên Nhi mới giật mình sực tỉnh, vội bước vào, trên tay còn cầm theo một khay trà. Nàng đặt khay trà xuống bàn, bên trong có một ấm trà Bích Loa thơm ngát và ba, bốn cái tách sứ Cảnh Thái Lam nhỏ. Miên Nhi cẩn thận rót trà ra tách, hớn hở nói:
“Miên Nhi vừa thử pha trà, nghĩa phụ thử một chút xem hương vị thế nào?”
Thẩm Bạch nâng tách trà lên, nhẹ ngửi một hơi, để hương trà thấm đẫm nơi chóp mũi, rồi mới khẽ nhấp một ngụm. Trà thơm thoang thoảng, vị trà thanh thanh, nước trà vừa chạm vào đầu lưỡi, Thẩm Bạch đã bất giác thấy cổ họng nghẹn đắng, mắt cay cay.
Miên Nhi khấp khởi chờ mong hỏi:
“Nghĩa phụ thấy trà thế nào?”
Thẩm Bạch thở một hơi thật sâu, nói:
“Trà pha rất hợp ý ta. Trước đây... Miên Nhi đã từng học qua cách pha trà sao?”
Miên Nhi lắc lắc đầu, nhoẻn miệng cười, đáp:
“Miên Nhi chưa từng học qua, chỉ nhìn nghĩa phụ pha rồi làm theo thôi. Nghĩa phụ thích là tốt rồi!”
Thẩm Bạch chỉ mỉm cười lẳng lặng nhìn nàng, trong lòng ngổn ngang những hồi ức xưa cũ.
Miên Nhi lại không biết tâm sự của nghĩa phụ nhà mình, liếc nhìn đến dao cầm trên bàn, liền vui vẻ nói:
“Cũng lâu rồi Miên Nhi chưa hát cho nghĩa phụ nghe. Hôm qua vừa học được một đoạn trong vở “Bạch Xà vĩnh trấn Lôi Phong tháp”, hay là nghĩa phụ đàn đi, Miên Nhi sẽ hát cho người nghe, có được không?”
Miên Nhi thường ngày rất thích xem kịch nghe hát, Thẩm Bạch chiều chuộng nàng, hay mời gánh hát đến phủ biểu diễn cho nàng xem. Miên Nhi nghe đến mê mẩn, thường học theo một vài đoạn để hát cho người nghe. Thời đại này, định kiến giai cấp nặng nề, khinh rẻ con hát, gọi là “xướng ca vô loài”, nhưng Thẩm Bạch lại chẳng hề cấm cản nàng, còn nguyện ý dùng dao cầm cao quý để đệm cho ca từ trong hí kịch dân dã của nàng, quả thực là dung túng đến vô độ.
Lúc này, Miên Nhi đứng bên hồ sen, ngón tay nho nhỏ chụm thành lan hoa chỉ, học theo dáng điệu của ca nhi, cất giọng hát:
“Phải chăng một ánh nhìn của kiếp trước
Chỉ để đổi đời này một lần gặp nhau
Mộng đẹp ngắn ngủi, biết làm sao
Yêu đến sâu đậm, không oán trách...
Cách trở ngàn non, xa vạn dặm
Kiếp sau nối lại duyên kiếp này
Chỉ nguyện gần nhau dưới nhân gian
Chẳng mong bay lên làm tiên trời.
Đời đời rồi kiếp kiếp
Tình ý mãi triền miên...”
Giọng nàng trong trẻo như chuông bạc, non nớt hát lên khúc tình ca thắm thiết, Thẩm Bạch nghe thấy, thoáng thất thần, ngón tay bất giác gảy lên nhạc đệm. Tiếng đàn nâng đỡ giọng ca, cùng bay vút lên cao, quấn quýt không rời. Hai người mỉm cười nhìn nhau, như vô số lần trước đây, không cần lên tiếng, đã tâm linh tương thông, hiểu ý phối hợp.
Khúc ca hát xong, Miên Nhi lập tức sà vào lòng Thẩm Bạch, ngước đôi mắt long lanh, cười hỏi:
“Nghĩa phụ cảm thấy Miên Nhi hát thế nào?”
Tiểu cô nương biết rõ nghĩa phụ cưng chiều mình, tất sẽ khen ngợi, nhưng vẫn cố ý muốn hỏi. Nàng thích được người xoa đầu khích lệ, thích nghe giọng nói nhu hòa như nước của người tán dương mình.
Thẩm Bạch nhìn dáng vẻ như con mèo nhỏ mong chờ được vuốt ve của nàng, trong lòng vừa buồn cười vừa yêu thương, liền dịu dàng xoa xoa đầu nàng, khen:
“Miên Nhi hát hay lắm.”
Miên Nhi còn không thỏa mãn, kề má lại gần người, phụng phịu nói:
“Nghĩa phụ, hôn một cái. Nếu Miên Nhi hát hay, người phải hôn thưởng cho Miên Nhi đi chứ!”
Đôi má của nàng non mềm ửng hồng, tựa như hoa đào tháng ba, Thẩm Bạch chỉ thoáng nhìn một cái, đã vội dời mắt, nói:
“Miên Nhi đã lớn rồi, sau này không thể như vậy nữa.”
Tức khắc, đôi mắt long lanh trong vắt của tiểu cô nương bỗng ngân ngấn nước. Thẩm Bạch biết là nàng chỉ nhõng nhẽo, vẫn không nỡ trong lòng, thầm thở dài một tiếng, cúi xuống hôn nhẹ lên má nàng, khẽ thì thầm:
“Tiểu oan gia, vi phụ quả thực là thua trong tay nha đầu con.”
Chỉ là một cái chạm nhẹ phơn phớt, tiểu cô nương đã lập tức hớn hở vui sướng, khóe môi bất giác nhoẻn miệng cười, đôi má càng ửng hồng. Thẩm Bạch nhìn thấy, không nén được ý nghĩ muốn âu yếm. Người đương kề sát lại gần, khi chỉ còn cách làn môi đỏ mọng của thiếu nữ rất gần, thì Lưu quản gia đột nhiên bước vào, bẩm báo:
“Thưa lão gia, có Tạ nhị gia bái phỏng.”
Thẩm Bạch sực tỉnh táo lại, lập tức ngẩng đầu lên, khẽ ho nhẹ một tiếng, nói:
“Mời Tạ huynh vào đi.”
Lưu quản gia rõ ràng nhìn thấy lão gia chuẩn bị hôn tiểu thư nhà mình, lại chẳng chút kinh ngạc, khom lưng lui ra.
Một lúc sau, từ ngoài bước vào một nam nhân trung niên. Người này vận trường bào đen huyền, tuổi trạc ngoài bốn mươi, so với Thẩm Bạch thì già dặn hơn, nhưng trên khuôn mặt in hằn dấu thời gian vẫn còn nhìn ra nét anh tuấn thuở trẻ, phong thái ung dung phóng khoáng. Người chưa đến, đã nghe tiếng cười vang lên, nói:
“Vừa nãy đứng bên ngoài nghe Thẩm huynh cùng ái nữ đàn hát thật vui vẻ, quả thực là khiến người ta ghen tị!”
Thẩm Bạch đứng dậy, chắp tay chào:
“Tạ huynh.”
Tạ Viễn khoát tay, nói:
“Quen biết bao năm nay rồi, còn khách sáo lễ nghi làm gì?”
Thẩm Bạch cười bảo:
“Mười năm ở trong quan trường đã thành thói quen, nhất thời khó sửa.”
Miên Nhi trông thấy rõ người tới là ai, liền tươi cười, gọi:
“Tạ bá bá.”
Giọng của tiểu cô nương mềm mại, tiếng bá bá gọi thật ngọt ngào, Tạ Viễn cũng từ ái nhìn nàng, cười bảo:
“Mấy tháng không gặp, Tiểu Miên Nhi đã lớn thế này sao, đã thành một tiểu cô nương xinh đẹp rồi? Lại đây, Tạ bá bá có mang đến cho con quà sinh thần, xem xem có thích không.”
Nói đoạn, ông liền lấy từ tay áo ra một hộp gỗ nhỏ, mở hộp ra, chỉ thấy bên trong là một chiếc vòng ngọc, có vẻ rất quý giá. Miên Nhi chưa vội nhận ngay, mà lại quay sang nhìn nghĩa phụ hỏi ý trước.
Thẩm Bạch khẽ cười, nói:
“Đa tạ Tạ huynh, món quà này tại hạ thay tiểu nữ nhận trước, ngày khác sẽ đeo vào.”
Dứt lời, liền quay sang Miên Nhi, bảo:
“Miên Nhi còn mấy đoạn luyện chữ chưa chép xong, hãy quay về thư phòng chép tiếp đi, chốc nữa vi phụ sẽ đến kiểm tra.”
Miên Nhi “dạ” một tiếng, ngoan ngoãn lui ra.
Tạ Viễn nhìn Thẩm Bạch, cười cười, bâng quơ nói:
“Thẩm huynh vẫn keo kiệt như xưa, để người khác nói chuyện với bảo bối nhà huynh một câu cũng không đành lòng.”
Thẩm Bạch không phản bác, chỉ bình thản nhấp một ngụm trà, xem như là thừa nhận.
Tạ Viễn lắc lắc đầu, cũng ngồi xuống, tự rót một tách trà. Trà vừa vào miệng, lập tức kinh ngạc, thì thầm:
“Trà này... Quả thật là giống năm đó...”
Nói đến đây, ông ta dừng lại, liếc nhìn sang Thẩm Bạch.
Thẩm Bạch nói:
“Trà này là Miên Nhi pha.”
Tạ Viễn ngẩn ra một lúc, lại bật cười, nói:
“Chẳng trách Thẩm huynh yêu thương con bé đến thế. Nếu các cầm sư yêu cầm như mạng biết được, có người dùng dao cầm cao quý của bọn họ đệm đàn cho mấy khúc hí kịch dân gian như vậy, tất sẽ bị huynh làm tức chết.”
Thẩm Bạch khẽ cười, bình thản đáp:
“Chỉ cần Miên Nhi thích là được.”
Tạ Viễn khẽ thở dài, bảo:
“Ai vừa gặp Thẩm huynh cũng cho rằng huynh là quân tử quy củ hiểu lễ nghĩa. Chỉ có tiếp xúc lâu năm mới hiểu, con người của huynh còn ly kinh phản đạo hơn kẻ ly kinh phản đạo là ta. Đáng tiếc... Năm đó nàng ấy cũng bị dáng vẻ này của huynh lừa, chọn huynh mà không chọn ta...”
Thẩm Bạch lắc đầu, nói:
“Cho dù nàng biết rõ, kết quả vẫn sẽ chọn ta.”
Tạ Viễn vừa nuốt xuống một ngụm trà, đã bị câu nói này của người làm cho nghẹn, lẩm bẩm:
“Không biết xấu hổ.”
.........
Bên này, Miên Nhi đi vào thư phòng. Nàng cặm cụi lấy ra giấy viết, chuẩn bị chép lại một đoạn trong “Luận ngữ” để luyện chữ. Loay hoay thế nào, lại tình cờ đụng phải lọ sứ đặt trên kệ sách.
Đương lúc nàng đang lo sợ lọ sứ sẽ rơi xuống vỡ nát, thì lại kinh ngạc phát hiện, lọ sứ chẳng những không rơi, mà bức tường đằng sau lại vang lên mấy tiếng lạch cạch, cuối cùng để lộ ra một khoảng trống nhỏ, bên trong có một chiếc rương.
Miên Nhi lấy chiếc rương ra ngoài, bật lên nắp rương. Chỉ thấy, bên trong có hai cái ấn triện, và rất nhiều bức họa được cuộn lại cẩn thận xếp gọn vào. Nàng cầm lên ấn triện xem thử, thấy mỗi cái đều khắc dòng chữ: Nguyện sinh sinh thế thế vi phu phụ. [1]
Nàng đặt ấn triện xuống, chầm chậm mở ra mấy bức họa, lại kinh ngạc vô cùng, bởi vì tất cả các bức họa này đều chỉ vẽ một người duy nhất. Đó là một nữ tử trẻ tuổi, tóc cài trâm trân châu, dung mạo như hoa như ngọc, đôi mắt lấp lánh hữu thần. Có thể thấy, người họa ra những bức tranh này cực kỳ yêu thương nữ tử ấy. Nếu không phải là đặt ở trong lòng, thì quyết chẳng thể vẽ được từng ánh mắt, từng nụ cười đều sinh động như thế, thậm chí đến từng nếp gấp trên váy đều vô cùng tỉ mỉ dụng tâm.
Mà, ở góc mỗi bức tranh, đều có dấu triện của Thẩm Bạch.
Miên Nhi từng thấy nghĩa phụ vẽ rất nhiều tranh, nhưng chỉ độc vẽ sơn thủy hoa lá, chưa từng thấy vẽ người. Có lúc, nàng hiếu kỳ hỏi, Thẩm Bạch đáp:
“Đời này vi phụ chỉ vẽ một người duy nhất.”
Khi ấy, nàng rất hiếu kỳ, không biết rốt cuộc là ai khiến cho nghĩa phụ cả đời chỉ vẽ một mình người đó.
Bây giờ, trông thấy những bức tranh này, thoạt đầu, nàng thấy người trong họa giống mình, ngỡ rằng nghĩa phụ vẽ bản thân, vui sướng dâng trào trong lòng. Sau đó, mắt nhìn xuống lạc khoản, thấy đề đều là năm Hoằng Nguyên thứ sáu, năm Hoằng Nguyên thứ bảy.
Mà đến tận năm Hoằng Nguyên thứ mười lăm, nàng mới sinh ra đời.
Cho nên, người trong tranh, không thể nào là nàng.
Miên Nhi nhận ra điều này, đáy lòng lập tức chùng xuống.
........
[1] Nguyện đời đời kiếp kiếp đều làm vợ chồng.
@Tác giả: Mệt mỏi nhất là ghen với chính mình á.:v
Thẩm đại thúc thật ra chỉ với Miên Nhi mới bật mode ôn nhu ấm áp thôi, với người khác đều lạnh nhạt chảnh cún thế đấy. Đừng shock khi thấy thái độ của chú với ông bạn già nhé.:v