Tô Thiến hạ mí mắt, sau đó lập tức ngẩng lên, cười nói: “Tôi có nghe
về cô ấy, ở khu ghi hình cũng có gặp, nhưng tôi không quen cô ấy.”
Cùng lúc đó trong phòng riêng, Mục Cửu Ca vừa đang nhìn màn hình LCD
trên tường, vừa chờ nhân viên quay phim vào lấy camera trong phòng rồi
cùng nhau đi vào trường quay phát sóng trực tiếp.
Xem đến phần Tô Thiến, gương mặt cô không chút thay đổi, cô không
biết người này, bình thường ở khu nhà khách người này cũng không chủ
động bắt chuyện với cô, nghe tên cô ấy, cô cũng đoán liệu đây có phải là hậu nhân của Tô gia hay không, nhưng sau đó cô lại nghĩ, đúng thì sao
chứ?
Nhà cô không được sự trợ giúp hay nhận được ích lợi gì từ các nhánh
của Tô gia, nhưng việc bỏ đá xuống giếng, ăn hiếp mẹ con cô, muốn cướp
quyền thừa kế thì lại không ít.
Mặc kệ Tô Thiến này mang mục đích gì khi tham gia cuộc thi này, chỉ
cần cô ấy không tìm cách động đến cô thì cô cũng xem cô ấy là một đối
thủ như bao thí sinh khác.
Tại trường quay, bởi vì vấn đề thời gian, MC không tiếp tục hỏi nữa,
ban giám khảo bắt đầu đánh giá, chấm điểm tác phẩm thêu của Tô Thiến,
khán giả cũng bắt đầu bỏ phiếu.
Trên màn hình lớn chiếu hình ảnh của Tô Thiến, phía dưới có ba khung
nhỏ, một khung chữ nhật, và hai ô vuông với độ cao bằng nhau.
Trong một ô vuông, những con số đang không ngừng tăng lên, đó chính
là số phiếu bầu của khán giả. Còn khung hình chữ nhật lại chia thành bảy ô vuông nhỏ, trong đó có 6 ô ứng với điểm số của 6 vị giám khảo, ô cuối cùng lớn hơn chính là tổng điểm.
Ô vuông còn lại hiển thị vị trí xếp hạng mới nhất của thí sinh.
Mỗi vị giám khảo sẽ căn cứ vào tiêu chuẩn của năm hạng mục để chấm điểm, gồm có:
Có phải là kỹ thuật cổ không? Thí sinh có khả năng khôi phục kỹ thuật cổ không? Có phải là hoa văn truyền thống không? Kỹ năng thêu thế nào?
Và cuối cùng là khả năng sáng tạo.
Năm tiêu chuẩn này, mỗi tiêu chuẩn 4 điểm, tổng điểm tối đa là 20. Mà có tất cả 6 vị giám khảo, vì vậy số điểm cao nhất sẽ là 120 điểm.
Vị giáo sư lịch sử bình luận tác phẩm của Tô Thiến: “Trước mắt, tuy
không có bằng chứng chứng minh thêu bằng lông dê là kỹ thuật cổ, nhưng
căn cứ vào thời gian lông dê được sử dụng trong cuộc sống, khó có thể
phủ nhận rằng nước ta trong quá khứ không có kỹ thuật này, cho nên ở kỹ
thuật phục cổ tôi cho 3,5 điểm, mà thí sinh Tô Thiến có thể khôi phục
lại kỹ thuật đã thất truyền, tôi cho điểm tối đa là 4 điểm, bức tranh
Tam Dương Khai Thái truyền thống với ý nghĩa nhân văn, phù hợp với chủ
đề của cuộc thi, thêm ba điểm, kỹ thuật thêu tinh tế, nhưng phương pháp
thêu còn đơn giản, nên được ba điểm, điểm sáng tạo tôi cho ba phẩy tám
điểm, tổng cộng là mười bảy phẩy ba điểm.”
Vẻ mặt của Tô Thiến vẫn thản nhiên, song trong lòng lại không hài
lòng, vị giáo sư lịch sử này tuy tinh thông lịch sử nhân loại, nhưng lại không hiểu rõ về nghệ thuật thêu lắm khi nói phương pháp thêu của cô
đơn giản, bởi vì lông dê chiếm phần lớn trong bức tranh, mới nhìn thì sẽ nghĩ cô sử dụng rất ít châm pháp, nhưng hãy nhìn vào biểu cảm, ánh mắt, và màu lông của ba con dê mà xem, cô đã tốn không ít công sức, và để
hoàn chỉnh bức thêu cô đã phải dùng bảy loại châm pháp khác nhau.
Cũng may trong 6 vị giám khảo có 2 người có am hiểu sâu sắc về thêu, ở phần điểm kỹ thuật đều cho Tô Thiến điểm cao nhất, nhưng họ cho rằng,
thêu bằng lông dê tuy là kỹ thuật cổ, không có gì đặc biệt, thế nên ở
hai tiêu chuẩn đầu tiên đều cho điểm không cao lắm.
Cuối cùng Tô Thiến có tổng điểm là 103.6, ô bảng xếp hạng chuyển từ 0 thành 1, số phiếu bầu của khán giả cũng không thấp, cộng thêm phiếu bầu trên mạng là 6520 phiếu, mà đến khi chương trình kết thúc, số phiếu
bầu còn có thể tăng lên.
Cửu Ca cũng không biết tác phẩm của mình sẽ được lên sóng khi nào,
bởi vì thứ tự triển lãm sẽ do máy tính lựa chọn ngẫu nhiên. Thí sinh
được triển lãm trước tuy có nhiều thời gian bình chọn hơn nhưng sẽ bị
giám khảo chấm gắt hơn, khán giả cũng sẽ dè chừng, phần lớn không bầu
ngay, mà sẽ chờ tới khi được nhìn hết toàn bộ tác phẩm dự thi rồi mới
tiến hành bầu cho thí sinh mà mình thích nhất.
Nói cách khác, số thứ tự triển lãm ở giữa sẽ chiếm nhiều ưu thế hơn. Thứ nhất không cần phải chờ đợi lâu, thứ hai, với tâm lý mệt mỏi, đến
lúc này giám khảo đã có chút lơi lỏng khi chấm điểm, thứ ba theo thống
kê, tỉ lệ người xem từ giữa chương trình là cao nhất.
Sau phần thi của Tô Thiến thì còn sáu người nữa, cô tranh thủ đi
toilet, khi trở về đã thấy Tứ Muội đang triển lãm tác phẩm của mình.
Cô ấy mặc trang phục dân tộc lộng lẫy, xinh đẹp như một nàng tiên sơn ca trong truyền thuyết.
“Đây là bức thêu long phượng truyền thống của dân tộc tôi, tôi dùng
kỹ thuật thêu hai mặt, mặt trước là rồng, mặt sau là phượng, mọi người
cảm thấy đẹp không ạ?”
Khi Bàn Tứ Muội triển lãm tác phẩm của mình, mọi người chỉ nhìn thấy hình dạng đặc thù của một con rồng và một con phượng trên đó, tuy là
tranh thêu, nhưng lại có cảm giác như một bức phù điêu.
Ban giám khảo đều cười, đương kim chưởng môn của gia tộc thêu trăm
năm Cổ thị Cổ Duyên vừa cười vừa hỏi Bàn Tứ Muội: “Nhìn vào hình ảnh
phóng to của bức thêu, có phải cô không hề dùng phương pháp thêu bình
thường?”
“Wao, Cổ đại sư thật tài tình, chỉ nhìn thôi cũng nhận ra được điểm
khác biệt.” Bàn Tử Muội đắc ý nói: “Vậy mọi người có muốn đoán xem tôi
đã dùng chỉ thêu nào không ạ?”
Cổ đại sư nhìn sang thầy Lưu, là người đại diện cho trường phái Việt
tú (trường phái thêu của tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây) . thầy Lưu vươn
người ra phía trước, tới gần micro hơn, nói: “Nếu tôi đoán không nhầm,
đây được gọi là thêu hóa thạch của Trung Quốc, thuộc dân tộc Thủy (dân
tộc thiểu số ở Quý Châu,Trung Quốc), lấy đuôi ngựa làm chỉ thêu, đúng
không?”
Bàn Tứ Muội giơ ngón tay cái lên: “thầy Lưu, quá chuẩn, nhưng làm sao thầy biết tôi dùng đuôi ngựa làm chỉ thêu?”
Thầy Lưu mỉm cười, “Tôi từng may mắn gặp được vài tác phầm thêu bằng
đuôi ngựa của dân tộc Thủy, loại tranh thêu này có màu sắc rất đặc biệt, dùng đuôi ngựa làm chỉ thêu sẽ tạo cảm giác sáng bóng không giống những loại chỉ thêu bình thường, nhìn kỹ là có thể nhận ra. Hơn nữa tác phẩm
thêu duôi ngựa cho cảm giác giống như phù điêu, chính là kho báu hiếm có của nghệ thuật dân gian, đáng tiếc cách chế tạo chỉ thêu từ đuôi ngựa
hiện nay đã bị thất truyền ít nhiều, làm cho những tác phẩm thêu từ đuôi ngựa được làm ra trong mấy năm gần đây không còn có chất lượng tốt như
những tác phẩm trước đây nữa.”
“Đúng vậy, thật đáng tiếc, cho nên tôi đã cố gắng học phương pháp chế tạo chỉ thêu từ đuôi ngựa này, hy vọng có thể làm cho phương pháp thêu
hóa thạch có thể tiếp tục tỏa sáng. Tuy rằng tôi là người dân tộc Dao,
nhưng tôi thấy một kỹ thuật tốt thì đáng để mọi người học tập, và phát
triển nó tỏa sáng rực rỡ hơn nữa .” Bàn Tứ Muội xúc động nói.
Nghe thế thì tất cả ban giám khảo đều vỗ tay, Cổ đại sư hỏi: “Tức là
chỉ thêu đuôi ngựa trong bức thêu này là do cô tự chế tạo ra?”
Bàn Tứ Muội trịnh trọng gật đầu, “Đáng tiếc tôi vẫn chưa học được
phương pháp chế tạo đã thất truyền, vậy nên bức thêu này chưa thể gọi là hoàn mỹ.”
Sự thành thực và chân thành của Bàn Tứ Muội chiếm được tình cảm rất
lớn từ giám khảo và khán giả, cuối cùng tác phẩm của cô đạt được 116,9
điểm, trở thành người có số điểm cao nhất, thay thế Tô Thiến.
Khi nhắc tới ba từ ‘thêu đuôi ngựa’, Cửu Ca khẽ nhíu mày, bởi vì
trong số những tài liệu Tô gia lưu truyền lại có nhắc về phương pháp chế tạo chỉ thêu từ đuôi ngựa này, nếu như Bàn Tứ Muội thực sự muốn phát
triển kỹ thuật thêu đó, thì có lẽ cô sẽ tìm một cơ hội để hướng dẫn cho
cô ấy.
Thí sinh tiếp theo là Kim tẩu, một trong ba người được đặc cách, tác
phẩm của bà là một bức thêu quạt lông vũ vô cũng hoa lệ, với tên gọi
Khổng tước xòe đuôi.
Sau đó là Đỗ Vân Nương, mới đầu đây cũng cũng là một trong những thí
sinh hạt giống, nhưng biểu hiện lần này của cô không tốt, bức thêu Kim
long bị phê bình là chỉ có hình chứ không có thần, hơn nữa bởi vì vì
thêu vội mà các mũi thêu cẩu thả, để lại những vệt lớn khiến Đỗ Vân
Nương bật khóc ngay tại chỗ.
Không chỉ có Đỗ Vân Nương bị tổn thương do sự phê bình thẳng tay của
ban giám khảo, mà có tới gần mười người trong 21 người đã bị mắng đến
không còn mặt mũi, có một người nóng tính, không chịu được nên đã tuyên
bố bỏ cuộc thi ngay lúc đó.
Cửu Ca nhận thấy có điều gì đó không ổn, trong sáu vị giám khảo chỉ
có vị giáo sư lịch sử và hai nghệ nhân thêu là có thái độ hòa nhã với
tất cả mọi người, còn lại ba người kia nhận xét khá gay gắt, hoàn toàn
không nể nang ai hết, hơn nữa, trong đó có một giám đốc sản xuất phim
lịch sử nổi tiếng – tên là Uông Tường, đã không mở miệng thì thôi, chứ
một khi mở miệng là luôn buông lời cay độc.
Tịch Hòa vừa bước lên, câu đầu tiên của vị giám đốc sản xuất họ Uông
nói chính là: “Anh đường đường là một người đàn ông lại đi thêu thùa,
không cảm thấy giống đàn bà sao?”
Cả trường quay ồ lên, Thái Bình Lang lập tức đứng ra hòa giải, xoa dịu không khí.
Nhưng Tịch Hòa chỉ cười, nhẹ giọng đáp: “Tôi cảm thấy ngoại trừ việc
sinh em bé thì đàn ông không có gì là không làm được cả, giám đốc sản
xuất Uông, cho dù anh không thêu, tôi cũng không phủ nhận anh là đàn
ông, bởi vì anh có phải là đàn ông hay không, chỉ có vợ anh mới biết.”
Vị giáo sư lịch sử bật cười: “Hay, đích thực là ngoài việc sinh em bé thì việc gì đàn ông cũng có thể làm được hết.”
Sau màn đối thoại vừa rồi, không khí ở trường quay lập tức trở nên
thoải mái hơn rất nhiều, mọi người cuối cùng cũng hướng sự chú ý của
mình vào tác phẩm.
Cửu Ca cũng rất tò mò muốn biết Tịch Hòa đã thêu cái gì.
Khi Tịch Hòa tránh sang một bên để lộ tác phẩm phía sau của mình, thì cả trường quay hoàn toàn tĩnh lặng, ngay cả giám đốc sản xuất Uông cũng không nói lên lời.
Tịch Hòa ấy thế mà lại thêu một bức Quỷ Diện (mặt quỷ).
Khuôn mặt quỷ dữ tợn dị thường, thoạt nhìn rất sống động, dường như bất cứ lúc nào cũng có thể lao ra.
Cửu Ca dám cá, lúc này có không ít trẻ con đang xem TV chắc chắn đã bị dọa khóc.
“Đây là…” thầy Lưu gượng gạo hỏi.
Tịch Hòa trả lời: “Vu thần của dân tộc Thổ Gia.”
Ánh mắt của giám đốc sản xuất Uông bỗng trở nên sáng rực.
“Nói thật, tôi chưa gặp phương pháp thêu này bao giờ cả.” Hoàng lão cảm khái nói.
“Đây được gọi là thêu mạ vàng hoặc là thêu phủ, dưới lớp chỉ thêu có
thể chèn thêm vật gì đó để tạo cảm giác lập thể. Tôi thêu hai mặt khác
nhau, mặt trước là Nam Vu, mặt sau là Nữ Vu (thầy/bà mo, phù thủy).”
Tịch Hòa mở hai mặt của bức thêu cho mọi người xem.
Ngón tay của Cổ Duyên gõ gõ lên mặt bàn, trầm tư trong chốc lát rồi
nói: “Cậu dùng chỉ thêu nào? Màu sắc của loại chỉ thêu này rất lạ…”
“Đó là tóc.” Tịch Hòa giải thích: “Chỉ thêu của phương pháp thêu bằng tóc được tạo ra từ tóc người, căn cứ vào hình vẽ phác họa của bức thêu
mà cách chế tạo chỉ thêu cũng khác nhau, hiệu quả khi thêu lên bức tranh cũng không giống nhau. Ví dụ như bức Vu thần này, thoạt nhìn thì dễ sợ
nhưng nó dùng để bảo gia an trạch (bảo vệ nhà cửa, trấn đất).”
“Tại sao cậu lại nghĩ tới việc thêu bức tranh đáng sợ như vậy?”
“Bởi vì trước đây tôi làm việc ở viện bảo tàng, phụ trách việc nghiên cứu các sản phẩm dệt và đồ thêu trang trí, sau đó tôi tình cờ đọc được
cách chế tạo sợi tóc thành chỉ thêu và phương pháp thêu phủ trong một
quyển sách cổ. Cho đến bây giờ tôi vẫn tìm những tài liệu liên quan đến
nó, bức Vu thần này chính là một trong những kết quả nghiên cứu của
tôi.”
Giám đốc sản xuất Uông hào hứng cất lời: “Cậu chuyên nghiên cứu
phương pháp thêu này? Bao gồm cả bối cảnh văn hóa lịch sử? Không biết
cậu có muốn hợp tác làm một bộ phim truyền hình với tôi không? Tôi vẫn
luôn muốn sản xuất một bộ phim điện ảnh nói về những giá trị truyền
thống xa xưa, nếu cậu đồng ý, lát nữa chúng ta có thể nói chuyện riêng.”
Tịch Hòa cười, không từ chối. Thái Bình Lang bước ra, chuyển quỹ đạo của chương trình trở về với chủ đề chính.
Nếu như những tác phẩm thêu trước đó đều khiến khán giả ngạc nhiên
trầm trồ, thì tác phẩm của Tịch Hòa lại mang đến cho mọi người cảm giác
hoảng sợ và thần bí, ban giảm khảo cân nhắc mãi cuối cùng cũng cho điểm.
Trước khi các giám khảo cho điểm, Cửu Ca đoán số điểm của Tịch Hòa
nhất định sẽ cao hơn Bàn Tứ Muội, bởi vì ngoài vẻ đẹp trai, nam tính của Tịch Hòa, tác phẩm của cậu ấy quả thực rất có giá trị nghệ thuật, huống chi cậu ấy còn đề cập dến văn hóa Vu thần thần bí, đây là một đột phá,
ban giám khảo chắc chắn sẽ đánh giá rất cao.
Quả nhiên, tổng điểm của Tịch Hòa cao hơn Tứ Muội, đạt 118 điểm, là
người có điểm số cao nhất hiện tại, hơn nữa số phiếu bình chọn của khán
giả cho cậu ấy không ít.
“Okê! Bây giờ chúng ta cùng nhìn xem máy tính sẽ chọn thí sinh nào
tiếp theo đây?” Thái Bình Lang chỉ tay về phía màn hình lớn, hình ảnh
của những người dự thi còn lại bắt đầu xoay vòng.
Cửu Ca mặc niệm ngàn vạn lần đừng trúng mình, bởi vì thí sinh lên sân khấu sau Tịch Hòa sẽ rất bất lợi, rất khó để được đánh giá cao như cậu
ấy.
Không chỉ có Cửu Ca mà những thí sinh còn lại đều yên lặng cầu nguyện đừng trúng tên mình.