Cuộc hành quyết được ấn định vào lúc năm giờ chiều. Những người hiếu kỳ đầu tiên đã tới ngay từ sáng để giữ chỗ. Họ mang theo ghế ngồi và ghế kê chân, nệm con, đồ ăn, rượu vang, và lũ con cái. Gần trưa dân quê từ mọi hướng nườm nượp kéo đến thì quảng trường đầy nghẹt, những kẻ đến sau phải tìm chỗ ở những thửa vườn và ruộng bậc thang thoai thoải phía bên kia và trên đường đi Grenoble. Hàng quán bán rất chạy, người ta ăn uống, ồn ào và náo nhiệt như ở hội chợ. Chẳng mấy chốc đã tới chục nghìn người, đông hơn cả hội chọn nữ hoàng hoa nhài, hơn cả đám rước lớn nhất, chưa từng thấy ở Grasse. Họ đứng tận trên sườn núi cheo leo.Họ bám trên cây, ngồi chồm hổm trên tường và nóc nhà, mười, mười hai người chen chúc nhau ở khung cửa sổ. Chỉ ở giữa quảng trường chừa một khoảng trống cho khánh đài và giàn hành quyết được chắn bởi những rào cản, như thể cái tảng bột được hình thành bởi đám người bị khoét mất chỗ đó vậy, còn giàn hành quyết bỗng dưng trông nhỏ xíu giống như đồ chơi hay như sân khấu dùng cho múa rối. Một lối đi từ pháp trường qua Porte du Cours tới tận Rue Droite cũng được chừa ra.
Ba giờ hơn, Monsieur Papon và người phụ tá xuất hiện. Tiếng vỗ tay ồ lên. Họ khiêng cái thập tự giá đóng bằng gỗ xà nhà lên giàn hành quyết, đặt trên bốn cái giá gỗ vững chắc để có được độ cao thích hợp lúc ra tay. Rồi một tay thợ mộc đóng đinh cho thật chắc. Mỗi một động tác của viên phụ tá đao phủ và người thợ mộc đều được vỗ tay tán thưởng. Đến khi Papon cầm gậy sắt lại gần, đi quanh giá gỗ, đo từng bước, đánh dứ phía này rồi phía nọ thì tiếng reo hò vang dậy.
Bốn giờ thì khán đài đông dần. Những ông nhà giàu đầy cung cách với gia nhân, những mệnh phụ xinh đẹp mang mũ rộng vành và áo quần óng ánh, nghĩa là có rất nhiều người quý phái để mà ngưỡng mộ. Tất cả giới quý tộc thành phố và vùng quê đều có mặt. Quý ông trong hội đồng thành phố đi thành đoàn, dẫn đầu bởi hai ngài tổng lý. Ông Richis mặc tang phục đen, mũ đen, tất đen. Theo sau Hội đồng là các viên chức toà án do ngài chánh án dẫn đầu. Sau cùng là đức giám mục được khiêng bằng kiệu mặc áo choàng tím rực rỡ, đội mũ màu xanh lá cây. Ai còn đội mũ thì lúc này ngả mũ chào. Không khí trở nên trang nghiêm.
Rồi gần mười phút liền chẳng có gì nhúc nhích. Quý ông qúy bà đã yên vị, dân chúng cũng ngồi yên, không ai ăn uống nữa, mọi người chờ. Papon và tay phụ tá đứng như bị đóng đinh trên giàn hành quyết. Mặt trời to vàng lơ lửng trên ngọn núi Esterel. Một làn gió ấm từ vùng lòng chảo Grasse mang đến mùi thơm hoa cam. Trời rất nóng và im ắng lạ thường.
Rồi khi người ta ngỡ rằng sự căng thẳng không thể kéo dài thêm được nữa vì sẽ nổ bùng ngàn tiếng la ó, náo động hay điên loạn hoặc những hiện tượng gì khác của một đám đông thì trong im ắng có tiếng ngựa phi và tiếng bánh xe kẽo kẹt.
Một xe hai ngựa bít bùng đổ từ Rue Droite xuống, đó là xe của viên thiếu uý cảnh sát. Nó băng qua cổng thành và lúc này mọi người đều thấy nó trong cái lối đi hẹp dẫn ra pháp trường. Viên thiếu uý cảnh sát đòi phải làm như thế vì nếu không ông ta không tin rằng có thể bảo đảm an toàn cho phạm nhân. Tất nhiên hoàn toàn không bình thường tí nào. Nhà tù chỉ cách pháp trường không đầy năm phút và khi kẻ bị kết án vì lý do nào đó không đi bộ nổi một đoạn đường ngăn này thì cho lên xe hở mui, lừa kéo cũng được. Nhưng người ta chưa từng thấy một kẻ được chở đi hành quyết trong xe hòm, có xà ích, có người hầu mặc chế phục và có hộ vệ cưỡi ngựa theo hai bên như thế này bao giờ.
Tuy vậy không thấy đám đông xôn xao hay bực bội, mà ngược lại. Người ta hài lòng thấy có gì mới lạ, họ cho rằng dùng xe ngựa chở tù là một sáng kiến hay, giống như người ta vẫn thích thú khi được xem một vở kịch tuy đã biết rồi nhưng trình diễn bằng cách mới lạ, bất ngờ. Nhiều người còn cho rằng sự xuất hiện như thế là đúng tầm vóc. Một tội phạm ghê tởm lạ thường nhường ấy xứng đáng được đối xử ngoại lệ. Người ta không thể nào lôi gã trong xiềng xích tới pháp trường để gia hình như với một tên cướp đường tầm thường được. Thế thì chẳng còn gì là giật gân nữa cả. Đưa gã từ nệm xe đến thập tự giá, thế mới là sự tàn bạo đầy sáng tạo không gì bằng.
Chiếc xe ngựa dừng lại giữa giàn hành quyết và khán đài. Bọn gia nhân nhảy xuống, mở cửa xe, hạ bục đỡ chân xuống. Viên thiếu uý cảnh sát bước xuống trước, rồi đến một viên sĩ quan thuộc đội canh gác, Grenouille xuống sau chót. Gã khoác áo xanh da trời, sơ mi trắng, tất lụa trắng và giầy đen có khoá. Gã không bị trói. Không ai giữ tay gã cả. Gã bước xuống xe như một người hoàn toàn tự do.
Rồi một phép lạ xảy ra. Hay một cái gì giống như phép lạ vì không thể nào hiểu được, chưa từng thấy, không thể tin nổi khiến sau đó mọi nhân chứng sẽ đều gọi đó là phép lạ nếu như họ còn có dịp nhắc đến điều này. Nhưng dịp này không bao giờ đến bởi vì sau đó hết thảy bọn họ đều mắc cở vì đã có mặt.
Chỉ tại vì cả chục nghìn người trên quảng trường và trên những triền núi chung quanh bỗng chốc chan chứa niềm tin không lay chuyển rằng cái người nhỏ thó trong áo khoác xanh mới vừa từ xe ngựa bước xuống kia không thể nào là kẻ sát nhân được. Không phải họ hoài nghi rằng ở gã có chỗ nào trá ngụy! Đứng kia vẫn là con người mà họ đã thấy ở cửa sổ toà thị chính, trên quảng trường nhà thờ mấy ngày trước, và nếu gã lọt vào tay họ thì họ sẽ nhai sống vì điên tiết rồi.
Vẫn người đó đã bị kết án đúng luật hai ngày trước do những chứng cớ quá hiển nhiên và do tự thú nhận. Vẫn những đó mà một phút trước đây họ còn nôn nóng chờ tay đao phủ gia hình. Đúng là gã, không còn nghi ngờ gì nữa.
Ấy thế mà không phải gã, không thể là gã, gã không thể nào là tên sát nhân được. Cái người đàn ông đứng trên quảng trường kia là hiện thân của sự vô tội. Giây phút này ai cũng biết thế cả, từ đức giám mục đến gã bán nước chanh, từ bà hầu tước cho chí chị thợ giặt, từ ngài chánh án đến thằng nhóc cầu bơ cầu bất.
Cả Papon cũng biết thế. Và hai bàn tay cầm gậy sắt run rẩy. Hai cánh tay mạnh mẽ bỗng yếu xìu, đầu gối nhũn ra, sợ hãi như một đứa trẻ con. Chắc là ông ta không nhấc nổi cây gậy rồi, chẳng đời nào ông ta đủ sức nhấc gậy đánh cái con người vô tội nhỏ thó này. Ôi, ông ta sợ cái giây phút người ta dẫn gã lên giàn, ông – Papon dũng mãnh vĩ đại – run như cầy sấy, yếu đến nỗi phải chống cả cây gậy giết người để khỏi quỵ xuống!
Chục nghìn đàn ông, đàn bà, trẻ con, người già tụ tập ở đó cũng đều thế cả, họ nhũn người như một cô bé không cưỡng nổi vẻ quyến rũ của người tình. Lòng họ dạt dào mến thương, trìu mến, mê đắm rồ dại như trẻ nít. Lạy Chúa, họ yêu cả tên sát nhân nhỏ thó ấy nữa cơ, đúng như thế, mà họ không thể, không muốn cưỡng lại. Cũng như người ta không thể cưỡng được khóc, cưỡng được những dòng lệ bị nén từ lâu, nay trào lên từ đáy lòng, làm tan rã một cách kỳ diệu mọi sự dồn nén, hóa lỏng và tràn ngập tất cả. Trong lòng, linh hồn và trí tuệ của họ tan biến hết, họ chỉ còn là chất lỏng, một chất lỏng không hình thể, và không cảm thấy gì khác hơn là trái tim, họ bềnh bồng trong đó như một khối vật vờ, rồi từng người một đặt trái tim ấy vào bàn tay của người đàn ông nhỏ thó khoác áo màu xanh, vô điều kiện: họ yêu gã rồi.
Grenouille đã đứng luôn mấy phút ở cửa xe ngựa, không nhúc nhích. Tên gia nhân cạnh gã quỳ gối, cúi người xuống mãi cho đến khi hoàn toàn phủ phục như ở các nước phương Đông người ta vẫn làm thế trước vua hay trước Allah. Vậy mà hắn vẫn còn run rẩy, lắc lư, muốn cúi người xuống nữa, nằm dài trên đất, chui sâu xuống đất. Gã muốn chui mãi đến tận đầu kia của trái đất để tỏ sự khúm nụ Viên thiếu uý cảnh sát và viên sĩ quan đội gác là những kẻ dũng cảm, có phận sự điệu tội nhẩn lên giàn hành quyết giao cho viên đao phủ mà không thể làm nổi một hành động ăn ý nào. Họ khóc lóc, ngả mũ rồi lại đội mũ, quăng xuống đất, túm lấy nhau, rồi bỏ nhau ra, khoa tay múa chân như rồ dại, bàn tay vận vẹo, co quắp người, mặt nhăn nhó như bị động kinh.
Những bậc danh giá ngồi phía xa cũng để lộ sự xúc động không kín đáo gì hơn. Mỗi người đắm mình theo sự giục giã của trái tim. Có những mệnh phụ nắm chặt tay trong lòng, thở dài vì khoái cảm, những bà khác ngất đi lúc nào chẳng biết vì khao khát chàng trai họ thấy tuấn tú kia. Có những ông cứ không ngớt đứng lên rồi lại ngồi xuống, thở như bò rống, tay nắm chặt đuôi kiếm như muốn rút ra, rồi mới rút ra lại tra vào liền khiến kiếm cứ rung lách cách trong bao, những vị khác câm nín, ngước mắt nhìn trời, hai bàn tay cứng đờ vì cầu nguyện, còn Đức Ông giám mục như thể bị nôn nao, chúi người ra phía trước, trán va phải đầu gối, cái mũ xanh lá cây to bằng bàn tay rơi ra khỏi đầu, lăn lông lốc, nhưng ngài đâu có nôn nao, lần đầu tiên trong đời ngài được đắm mình trong sự say mê đạo giáo vì một phép lạ xảy ra trước mắt mọi người: chính Đức Chúa Trời đã ngăn chặn bàn tay của viên đao phủ kia khi Người tiết lộ cho hắn biết cái kẻ bị coi là giết người trước bàn dân thiên hạ kia là một thiên thần. Ôi một sự kiện như thế vẫn xảy ra trong thế kỷ thứ 18 này. Người thật vĩ đại biết bao! Còn cái kẻ đã tuyên cáo rút phép thông công mà chẳng hề tin, chỉ cốt để trấn an dân chúng, kẻ ấy mới hèn hạ làm sao! Ôi kiêu ngạo! Ôi thiếu lòng tin! Để rồi giờ đây Người làm phép lạ! Ôi quả là ân sủng khi thân làm giám mục mà được Người trừng trị bẽ bàng mà tuyệt diệu, nhục nhã mà ngọt ngào như thế.
Trong khi đó đám dân chúng đàng sau rào chắn càng buông thả trắng trợn hơn nữa theo cái tình cảm mê say kỳ quái do sự xuất hiện của Grenouille gây ra. Ai mới thoạt nhìn gã đều cảm thấy tội nghiệp và xúc động thì giờ đây không che giấu sự thèm muốn, ai mới đầu thán phục và thèm muốn thì giờ đây trở nên ngây ngất. Mọi người đều cho rằng cái gã đàn ông trong cái áo khoác xanh kia là kẻ đẹp đẽ nhất, quyến rũ nhất, hoàn toàn nhất mà người ta có thể hình dung được: gã như thể là hiện thân của Chúa Cứu Thế đối với các nữ tu sĩ, là Chúa tể rực rỡ của Bóng tối đối với các đỗ đệ satan, là Đấng Tối Cao đối với những bậc trí giả, là Hoàng tử trong chuyện thần thoại đối với những cô gái, là cái hình ảnh lý tưởng của chính họ đối với đám đàn ông. Ai nấy đều thấy gã như biết được và nắm được chỗ nhậy cảm nhất của mình, gã điểm trúng cái trung tâm tình dục của họ. như thể gã có cả vạn bàn tay vô hình đặt lên bộ phận “quý” của vạn người quanh gã, ve vuốt nó đúng cái cách mà mỗi người, dù đàn ông hay đàn bà, thèm khát nhất trong sự tưởng tượng bí mật của mình.
Hậu quả là cuộc hành quyết dành cho tên tội phạm ghê tởm nhất thời bấy giờ biến thành cơn cuồng lạc lớn nhất mà thế giới từng được chứng kiến từ thế kỷ thứ hai trước Công nguyên đến nay. Đúng là địa ngục.
Grenouille đứng đó, cười. Hay đúng hơn, những người nhìn gã thấy có vẻ gã đang có một nụ cười vô tội nhất, đáng yêu nhất, duyên dáng nhất đồng thời quyến rũ nhất thế gian. Nhưng thật ra đó không phải là nụ cười mà là một cái nhếch mép ngạo báng đáng ghét trên môi gã, phản ánh sự toàn thắng và tất cả sự khinh miệt của gã. Gã, Jean-Baptiste Grenouille, sinh ra không có mùi ở một nơi hôi hám nhất thế gian, giữa rác rưởi, phân súc vật và những thứ thối rữa, lớn lên không tình thương, sống thiếu hơi ấm của một tâm hồn người, chỉ dựa vào sức mạnh của phản kháng và kinh tởm, nhỏ con, gù, cà nhắc, xấu xí, bị xa lánh, một tên khả ố cả trong lẫn ngoài, gã đã đạt được chuyện làm cho cả thế gian yêu thích mình. Sao lại chỉ là thích? Phải là Yêu! Kính! Sùng bái! Gã đã hoàn thành một kỳ công chẳng khác thần Prometheus [1]. Nhờ khéo léo không cùng, gã đã bền gan lấy được những tia lửa thần vẫn được dễ dãi đặt vào nôi mọi người nhưng riêng nôi gã lại không. Hơn nữa chứ. Vì đúng ra gã đã tự làm bật ra những tia lửa kia trong chính người của gã. Gã còn vĩ đại hơn cả Prometheus nữa. Gã đã tạo được một tinh hoa rạng rỡ và có tác dụng hơn mọi người trước gã. Và gã chẳng phải hàm ơn ai khác, cha không, mẹ cũng không, lại càng không một vị Chúa nhân đức nào, ngoài chính gã ra. Quả thật gã chính là chúa của gã, một vị chúa tuyệt diệu hơn vị chúa hôi mùi trầm hương trong nhà thờ nọ. Một giám mục bằng xương bằng thịt quỳ trước gã, khóc thút thít vì sung sướng. Những người giàu có, những kẻ quyền uy, những ngài và những mệnh phụ kênh kiệu chết lịm trong sự khâm phục, trong khi dân chúng khắp chung quanh, trong đó có cha, mẹ, anh chị em những nạn nhân của gã, nhân danh gã mừng cuộc cuồng lạc để vinh danh gã. Một cái vẫy tay của gã sẽ làm mọi người chối bỏ Chúa của họ, và tôn sùng gã, Grenouille Vĩ Đại.
Đúng, gã là Grenouille Vĩ Đại! Bây giờ thì thật rành rành. Năm xưa gã vĩ đại như thế nào trong cái giấc mơ gã tự yêu mình thì bây giờ cũng thế, nhưng mà trong thực tế. Gã đang sống những giây phút vinh quang nhất trong đời. Nhưng sự vinh quang lại làm gã kinh khủng.
Gã kinh khủng vì gã không thưởng thức được nó lấy một giây. Trong lúc gã bước từ xe xuống cái quảng trường chói nắng, phủ trên người lớp nước hoa mà gã đã thèm khát cả đời và phải mất hai năm làm việc ròng rã mới có được, cái nước hoa làm cho người ta yêu thích… trong cái lúc gã nhìn và ngửi thấy cái nước hoa ấy toả nhanh như gió, chế ngự mọi người quanh gã, không cưỡng lại được, thì cũng chính lúc ấy tất cả sự kinh tởm con người lại cuộn lên trong gã, làm ô uế mọi vinh quang khiến gã chẳng những không thấy gì vui mà cũng chẳng mảy may toại ý. Trong cái khoảnh khắc của sự thành công thì nỗi khát khao được con người yêu thích trở nên không thể chịu đựng nổi vì gã không yêu họ, gã ghét họ. Gã chợt hiểu rằng gã không bao giờ tìm thấy thoả mãn trong tình yêu, mà chỉ có thể trong thù ghét, ghét người và bị người ghét.
Nhưng sự thù ghét gã dành cho con người không được con người đáp lại. Lúc này gã càng ghét họ thì họ lại càng tôn sùng gã bởi vì họ không cảm nhận được gì từ gã ngoài cái tinh hoa vay mượn, cái mặt nạ mùi của gã, cái nước hoa ăn cướp của gã. Mà cái nước hoa tuyệt diệu này đáng hâm mộ thật.
Gã chỉ muốn tiêu diệt cái bọn người ngu xuẩn, hôi hám, trở thành dâm ô này ra khỏi mặt đất, y như trước kia đã tiêu diệt những mùi lạ ở cái vương quốc trong tâm hồn u tối của gã. Gã mong họ nhận ra rằng gã ghét họ biết mấy, bởi vì đó là cái tình cảm thật duy nhất của gã, để họ ghét gã và cũng muốn tiêu diệt gã như đã định lúc đầu. Gã muốn được bộc lộ một lần trong đời. Gã muốn được một lần bộc lộ cõi lòng như mọi người khác, họ bộc lộ tình yêu và sự tôn kính ngu xuẩn còn gã bộc lộ sự thù ghét. Một lần, chỉ một lần duy nhất thôi, gã muốn rằng sự hiện hữu thật sực của gã được ghi nhận sự thù ghét, cái tình cảm thật duy nhất của gã, được đáp lại.
Nhưng chẳng được gì. Không thể được gì. Hôm nay lại càng không. Vì gã đã nguỵ trang dưới lớp nước hoa tuyệt diệu nhất thế gian. Dưới nó gã không có bộ mặt nào cả ngoài sự không mùi hoàn toàn. Gã cảm thấy nôn nao vì chợt thấy sương mù bốc lên trở lại.
Giống như thời kỳ còn ở hang, khi ngủ trong trái tim của sự tưởng tượng, sương mù bỗng bốc lên trong giấc mơ, cái sương mù khủng khiếp của chính mùi gã mà gã không thể ngửi ra vì chính gã không có mùi. Như thời ấy, gã kinh hoàng tột cùng, tin rằng sẽ chết ngộp. Nhưng giờ đây là sự thật trần truồng, không chỉ là mơ, là ngủ như xưa. Và gã cũng không một thân một mình như thời ở hang mà đứng trên quảng trường, trước mặt cả vạn người. Cũng khác xưa, ở đây không một tiếng kêu nào giúp được gã choàng tỉnh, giải thoát gã, không một sự trốn chạy nào giúp được gã trở về với cái thế giới bao dung, ấm áp, tốt đẹp. Bởi vì chính nơi đây, ngay lúc này là thế giới, và chính nơi đây, ngay lúc này, giấc mơ của gã thành sự thật. Chính gã đã muốn như thế.
Làn sương mù khủng khiếp, ngột ngạt tiếp tục bốc lên từ cái đầm lầy của tâm hồn gã, trong khi đám dân quanh gã rên rỉ, co quắp vì khoái lạc của cuộc truy hoan. Một người đàn ông chạy gấp tới gã. Ông ta nhảy vọt lên từ hàng đầu của khán đài danh dự, đột ngột đến nỗi rơi cả cái mũ đen đang đội, phóng qua chỗ hành hình, áo choàng đen phấp phới trông như một con quạ hay thiên thần báo oán. Đó là Richis.
Ông sẽ giết ta thôi, Grenouille thầm nghĩ. Ông là người duy nhất không để bị lưa bởi cái mặt nạ của ta. Ông không thể nào để bị lừa được. Mùi thơm của con gái ông bám chặt vào ta, rõ ràng lật tẩy ta chẳng khác gì máu. Nhất định ông nhận ra và sẽ giết ta. Nhất định thế.
Rồi gã dang tay ra để đón thiên thần đang lao tới. Gã đã tin rằng cảm thấy dao găm hay kiếm thọc vào ngực, nhói lên tuyệt vời, xuyên thủng lớp áo giáp của mùi thơm và làn sương mù ngột ngạt, đâm vào giữa trái tim lạnh lẽo của gã. Có thế chứ, rồi tim gã cũng đã có được cái gì khác chứ không phải chỉ có chính gã mà thôi! Gã thấy như sắp được giải thoát.
Nhưng bỗng dưng Richis ngả đầu vào ngực gã, không không phải là một thiên thần báo oán mà là một ông Richis quá đỗi xúc động, nức nở đến tội nghiệp, ôm chầm lấy gã, bấu hết sức chặt như thể không tìm ra chỗ bám nào khác giữa trùng dương của hạnh phúc tột cùng. Không có cú đâm giải thoát, không có cú thọc vào tim, không có được lấy một lời nguyền rủa hay chỉ một tiếng gào oán ghét. Thay vào đó ông Richis áp má đẫm lệ vào má gã, đôi môi run rẩy thút thít với gã “Tha lỗi cho ta, con trai của ta, con yêu quý, tha lỗi cho ta!”.
Thế là mắt gã hoa lên, trời đất tối sầm lại. Sương mù bị giam hãm đọng lại thành chất lỏng, réo ầm ầm như sữa nấu sôi sủi bọt. Nó tràn đầy người gã, căng lên với một sức ép không thể nào chịu nổi vào vách chắn bên trong người gã mà không thoát ra được. Gã muốn chạy trốn, chạy trốn, nhưng chạy đi đâu được hở trời…Gã muốn được rách toác ra, vỡ tan ra để khỏi bị chêt ngộp. Rồi gã ngục xuống, bất tỉnh.
Chú thích:.
[1] Thần thoại Hy lạp: vì yêu thương loài người, Prometheus lấy cắp lửa đem cho, trái lệnh của thần Chúa tể Zeus, nên bị Zeus trừng phạt xích vào núi đá, ngày ngày bị chim ưng rỉa gan. Sau được thần Hercules giải thoát.