Mười Lăm Năm

Chương 14: Chương 14: Buồn vui lớn




- Ở nhà ăn bám.

Liễu Dung quay đầu đi chỗ khác, mặt không biểu cảm, vân vê nghịch đường viền hoa trên ống quần mình, thầm nghĩ tiểu lưu manh đúng là tiểu lưu manh, thật không khiến người ta thích nổi, cứ khui chuyện khó xử của người khác, trước lúc bảng xếp hạng mới ra lò, cô thực khó chịu khi nghe người ta nói chuyện liên quan đến học hành thi cử.

Liễu Dung cảm thấy mình không giống những kẻ mọt sách từ sáng đến tối vò đầu bứt tóc miệt mài sách vở, đi học đối với cô đơn giản như ăn cơm uống nước, cô thường suy nghĩ kiểu phản xã hội rằng năng khiếu là dùng để tiêu xài, để ngạo nghễ chúng sinh, để khinh thường những bạn đồng trang lứa tư chất bình thường nhưng kết bè kết lũ.

Đôi lúc năng khiếu cũng sẽ phản bội con người, giống như có người bẩm sinh chân dài chạy lẹ, nhưng người đó lại không chạy thì có ích gì?

Tất cả tủi thân của cô đều bao hàm trong một câu “nhìn người khác kết bè kết lũ”, chỉ là chính cô không nhận ra, luôn cảm thấy mình “tách khỏi cuộc đời, vượt bậc hơn người”, sau đó càng tự phụ, càng mắc bệnh công chúa, khi thình lình ý thức được mình không ưu tú như tưởng tượng, loại cảm giác khủng hoảng không biết làm sao ấy đều chuyển hóa thành tâm trạng tiêu cực.

Trong lòng Liễu Dung biết, cho tới bây giờ, cái mà cô ỷ lại cũng chỉ là con số 150 này, nhưng IQ có thật ảnh hưởng trực tiếp đến thành công của một người hay không vẫn là một vấn đề được tranh luận không ngừng, khắp Trung Quốc người có IQ vượt mức thiên tài nhiều cỡ tổng dân số nước Anh, nhưng đại đa số họ thậm chí còn không thể có cơ hội tiếp thu mức giáo dục trên trung bình.

Trong lòng cô biết rõ, chỉ là không muốn hiểu, vì đã quen với cảm giác ưu việt tự lừa mình dối người.

Người khác cảm thấy không có gì để nói với cô, không muốn thân thiết với cô, đó gọi là “mèo ghét chó không ưa”, còn cô chê người khác IQ không đủ, không muốn phản ứng với họ, đó gọi là “cao quý lạnh lùng”.

Tuy kết quả như nhau nhưng tốt xấu gì cũng có thể tự an ủi là cảnh giới khác nhau.

Lương Túc cau mày, giọng điệu câu nói đó của Liễu Dung khiến người ta rất không thoải mái, anh không biết câu nói đơn thuần hàn huyên khách sáo của mình sao lại đắc tội cô nhóc này, anh nghĩ nghĩ hồi lâu, chợt hiểu ra, bật thốt:

- Sao, thi hỏng à?

Liễu Dung “cao quý lạnh lùng” nói:

- Thường thôi, kỳ thực em học hành cũng bình thường, được ngày nào hay ngày nấy.

Lương Túc nghe vậy, biết ngay quá nửa là mình nói trúng rồi, thầm nhủ chuyện to tát cỡ nào chứ, tới mức đó à?

Anh nghiêng đầu nhìn cô, cảm thấy tuy vóc dáng cô thuộc dạng trung bình trong đám con gái nhưng đại khái do gầy hoặc do cảm giác mà có vẻ rất nhỏ, cô ngồi xổm trên đất, co rụt lại, như một con mèo giương nanh múa vuốt không dễ hầu hạ.

Còn là một con mèo chưa cai sữa, thế là anh dứt khoát quyết định không chấp nhặt với cô nữa.

Lương Túc nghĩ nghĩ, cố tình trêu cô:

- Không vào top 100?

Liễu Dung bùng nổ, tức giận lườm Lương Túc, lúc này mới chợt giật mình nhận ra mình và người này không quen biết, thế là lập tức thu móng vuốt lại, đàng hoàng thả chậm tốc độ, nói:

- Ồ, vậy thì không phải... khụ, chuyện này không ai nói chắc được, không chừng có ngày thật sự out khỏi nó.

Lương Túc nghe cô nói chuyện cố ý giảm thấp âm lượng, giọng nói giả vờ giả vịt còn mang theo mùi non nớt, không biết tại sao, anh chợt rất muốn cười, anh nhịn, nhưng không nhịn nổi, bật cười ra tiếng.

Liễu Dung dùng biểu cảm mờ mịt nhìn anh, đồng thời trong lòng hầm hừ nghĩ: cười cười cười, cười co rút anh á cười!

Hồi lâu, Lương Túc cuối cùng đã khống chế được cơ mặt, nghiêm túc an ủi nói:

- Chỉ cần không out top 100 là được, về cơ bản top 100 tụi em đều có thể vào trường trọng điểm, không phải trường số 1 thì là trường trọng điểm khác, tương lai nếu em vào trường số 8, anh sẽ bảo kê cho em.

Anh thật muốn an ủi người ta nhưng không biết suy nghĩ của Liễu Dung về mình, thế nên Liễu Dung vờ vịt cười tít mắt gật đầu:

- Được, anh nói đấy, đừng quên.

Sau đó cô nghĩ thầm___ai thèm học trường số 8 với tiểu lưu manh chứ? Đúng là tự dát vàng lên mặt.

Tội nghiệp Lương Túc một đời hào hiệp, không biết hóa ra tâm lý cô gái nhỏ rối rắm phức tạp như vậy, còn bất giác tự cảm thấy rất hài lòng.

Lúc này, một người cưỡi xe đạp từ xa chạy tới, Liễu Dung thấy Lương Túc lập tức đứng dậy, nhớ ban nãy anh nói đang đợi người, quá nửa chính là đợi người này, vì lịch sự, cô cũng đứng dậy theo.

Lương Túc cười hì hì, nhét vở của Lương Tuyết vào tay cô, nói hơi lúng túng:

- Lát nữa em đứng im đây nhé, em tới không chọn thời điểm gì hết trọi, cố ý xem chuyện cười đúng không?

Liễu Dung còn chưa hiểu nguyên do thì chiếc xe đạp kia đã đến gần, một người phụ nữ trung niên bước xuống trông rất xinh đẹp, mày lá liễu mặt trái xoan, eo thon thon mảnh khảnh. Chỉ là không hiểu vì sao bà lại tự ăn vận mình như đoàn trưởng già của đoàn xiếc thú xanh xanh đỏ đỏ.

Đoàn trưởng dừng xe một bên, ưỡn ngực, ngẩng đầu, lấy hơi, sau đó rống lớn:

- Bà già không chết, bà cần mặt mũi chút có được không? Ba ngày hai bận chạy khắp nơi moi tiền, có cho người ta sống hay không hả?

Đúng là như chuông lớn khí thế ngút trời, ôi tráng sĩ!

Sau đó Liễu Dung ngẩn tò te nhìn, vị nữ tráng sĩ đó hít sâu một hơi, còn chưa kịp thở ra thì Lương Túc đã nhào tới với khí thế sét đánh, vừa che miệng vừa ôm vai bà ấy, cợt nhả nói:

- Ôi chao, sao mẹ lại ở đây, con tìm mẹ hơn nửa ngày trời, mau theo con về, có việc gấp nói với mẹ nè!

Nữ tráng sĩ hoàn toàn không xi nhê bởi điệu bộ đó của anh, vung anh ra, chỉ vào mũi anh mắng:

- Thằng nhóc mày có phải ở trong ruột tao bò ra không hả? Mày có lương tâm không hả? Mày...

Còn chưa “mày” xong thì cửa sổ lầu hai mở ra, bà cụ chỉ nghe tiếng không thấy người nhốt Liễu Dung ngoài cửa cuối cùng lộ diện, bà nhoài người trên cửa sổ ban công, căng mặt nhìn xuống, đầu tóc bạc trắng, mặt nhăn nheo, môi mím chặt, bặm xuống, tướng tá hung dữ.

Bà cụ há mồm phỉ nhổ:

- Đũy nói gì mậy?

Lương Túc vội nháy mắt vẫy tay với trên lầu:

- Bà nội khỏe quá nhỉ! Ha ha___mẹ… ay da mẹ bình tĩnh, bình tĩnh, cha con cũng bò trong ruột bà nội bò ra mà, mẹ nói con không có lương tâm, vậy…

- Đậu xanh! Bà đây có lỗi với thằng ranh mày chỗ nào, tao đổ phân đổ nước tiểu nuôi mày lớn mà nuôi ra được cái thằng phá nhà như mày hả!

Nữ tráng sĩ liều mạng dùng móng tay chỉa trán Lương Túc rồi lại chỉ vào bà cụ mà rống:

- Bả xứng với con trai bả chỗ nào, hả? Mày bảo bả tự vỗ lương tâm mà nói xem, từ sáng tới tối cứ xoay quanh cái thằng câm ngốc đó…

Thương hiệu máy bay chiến đấu của bà cụ không phải để không:

- Cô nói ai đó? Cô nói tiếng người à? Cái miệng cô là để ăn cơm hay ăn cứt?

Liễu Dung ôm vở của Lương Tuyết, trợn mắt nhìn trời, thầm nghĩ đây đúng là người một nhà.

Cô đứng dưới ban công nhà Lương Tuyết, lầu hai không cao, âm thanh gì bên trong cô cũng nghe thấy cả, lúc này Liễu Dung nghe bên trong có một giọng nam kêu “a a”, sau đó người đàn ông khập khiễng xuất hiện ở gần cửa sổ ban công, đưa tay kéo ống tay áo bà cụ.

Bà cụ quay sang ông ấy:

- Con ra làm gì, chê chưa đủ mất mặt? Cút về phòng đi!

Hóa ra bà nói chuyện với ai cũng bằng giọng điệu này, Liễu Dung lập tức cảm thấy mình đã được đãi ngộ của khách, lúc nãy bà cụ quý chữ như vàng chỉ nói với cô “không có nhà” chứ không thêm đằng sau chữ “cút”.

Người đàn ông đầy vẻ lo lắng nhoài người trên cửa sổ, lại kéo quần áo của bà cụ, sau khi bị hất ra thì chắp tay về phía mẹ Lương Túc. Liễu Dung nhìn ánh mắt ông, chợt hiểu, “ngốc” mà mẹ Lương Túc nói là từ mắng chửi chứ người này không hề ngốc, nghe nói người ngốc không hiểu gì cả, luôn vui vẻ, trong khi nét mặt đau khổ của người đàn ông này ngay cả một người không liên quan như cô cũng nhìn ra.

Bất lực, bất đắc dĩ và bối rối, nhìn mẹ Lương Túc với ánh mắt van nài, chốc chốc lại chắp tay, đập trán vào cửa sổ thủy tinh vang ầm ầm, giống như đang dập đầu lạy bà ấy.

Mẹ Lương Túc cũng sững sờ, nhìn người đàn ông kia, môi giật giật nhưng không thốt nên lời. Đứng nguyên tại chỗ một lát, vị nữ tráng sĩ này nhận ra sức chiến đấu của mình đã hoàn toàn biến mất bèn càu nhàu mắng một câu:

- Mẹ kiếp làm như tôi bắt nạt các người không bằng á, thứ gì đâu không.

Sau đó bà đẩy Lương Túc ra:

- Con bớt dỗi với mẹ mấy ngày đi! Tối đừng có ra ngoài lêu lổng, lăn về nhà ăn cơm!

Rồi bà khí thế hùng hổ leo lên xe đạp rời đi.

Bà cụ lạnh lùng nhìn bóng lưng bà mất hút, lại phỉ nhổ một tiếng, xoay người về phòng, cửa sổ đẩy ra cũng quên đóng.

Liễu Dung thấy người đàn ông kia đứng đó một lát, chậm rãi di chuyển bước chân, đưa tay muốn đóng cửa sổ. Lương Túc bước qua, đút hai tay vào túi quần, ngẩng đầu cười với ông:

- Chú hai, khỏe không chú?

Người đàn ông “a a” hai tiếng, vẻ lo lắng trên mặt còn chưa tan, nở nụ cười, cau mày, nỗ lực muốn cong khóe môi, cực kỳ quái dị, chỉ chỉ Lương Túc rồi lại chỉ chỉ vào nhà.

Lương Túc mau chóng lắc đầu:

- Dạ không không, bà nội thấy con sẽ không vui, hôm khác bà không giận, con mua thức ăn ngon qua thăm chú.

Người đàn ông hơi thu lại nụ cười, sau đó miễn cưỡng cười trở lại, khoát khoát tay, gật đầu, tựa như nói tạm biệt với anh rồi đóng cửa sổ, xoay người quay vào nhà.

Lương Túc dõi mắt nhìn theo ông, cúi đầu, móc điếu thuốc ra theo thói quen, định châm thì chợt nhớ Liễu Dung đang bên cạnh, bèn để bật lửa trở lại, chỉ ngậm trong miệng cho đỡ nghiện, hàm hồ nói:

- Hôm qua cha anh lén mua ít đồ cho chú hai mà quên vứt hóa đơn, hôm nay mẹ anh giặt quần áo, nhìn thấy, anh biết ngay chuyện chẳng lành nên chạy đi đóng đô trước ở đây, đúng là gặp được mẹ.

Liễu Dung vẫn nhìn lên cửa sổ ban công đã đóng, ánh mắt người đàn ông kia dường như khắc sâu vào lòng cô. Cô nghe Lương Túc nói:

- Người đó là chú hai anh, bị câm bẩm sinh, nhưng rất chịu khó, vốn dĩ có một công việc tốt, còn cưới được vợ, ngờ đâu sau đó xảy ra chuyện, rõ ràng là tai nạn lao động mà chủ không chịu, chẳng những không được đồng bạc nào mà người còn bị tàn phế.

Anh cười, lấy điếu thuốc ra khỏi miệng, kẹp giữa hai ngón tay:

- Đám khốn kiếp này, rồi sẽ có ngày...

Rồi sẽ có ngày gì, anh không nói, nhưng khuôn mặt đẹp đẽ chợt lóe lên vẻ tàn nhẫn khiến anh trông hơi đáng sợ, nhưng liền sau đó, sắc mặt anh lại khôi phục như thường, dùng bàn tay không cầm thuốc lá vỗ vỗ đầu Liễu Dung:

- Mấy cô bé như tụi em thi không tốt đã tìm sống tìm chết, chuyện bao lớn chứ, tới mức đó à?

Liễu Dung muốn nói, em có thèm tìm sống tìm chết đâu?

Nhưng lời chưa thốt đã nuốt trở vào.

“Chuyện bao lớn chứ, tới mức đó à?” Cô tự hỏi mình như vậy, nghĩ tới cha Lương Tuyết, nghĩ tới mục đích mình ra ngoài, gắng tưởng tượng tâm trạng của ông ấy ban nãy khi dùng trán đập vào kính___nhưng sức tưởng tượng của cô quá nghèo nàn.

Có lẽ, không tới mức đó chứ?

Sau nhập học, kết quả được công bố, Liễu Dung thắng hiểm 1 điểm xê xích, lại lần nữa đoạt về danh hiệu nhất lớp, nhưng không có cảm giác cá muối trở mình như trong tưởng tượng, mọi người hoặc than thở “thi không tốt” hoặc thi tốt nhưng dương dương đắc ý không để người khác nhìn ra.

Kỳ thực không có nhiều người quan tâm ai đứng nhất, thế giới của một người nhỏ như vậy, sớm đã bị mấy chuyện buồn vui vặt vãnh của mình chiếm hết, đâu còn thừa sức đi quan tâm người khác?

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.