Mưu Kế Của Quý Nữ

Chương 2: Chương 2: Chương 02




Họa Mi còn đang lo sợ bất an thì chợt nghe thấy ở hành lang vang lên tiếng cười trong trẻo. Ngay sau đó, nha hoàn đứng ở ngoài mành cửa bẩm báo, “Tiểu Hầu gia, có Nhị tiểu thư tới ạ!”

Tống Ý Mặc nghe nói chị hai là Tống Ý Bội đã tới thì bảo nha hoàn mau mời vào rồi dùng mũi chân đẩy đẩy cằm Họa Mi ra, “Còn không mau chóng thu dọn đi, định để ta quấn chân ra gặp chị hai à?”

Họa Mi khôi phục lại tinh thần và nhanh nhẹn làm việc. Nàng ta xỏ vào chân của Tống Ý Mặc một đôi giày mềm mại rồi mới bê nước lui xuống.

Họa Mi vừa đi thì một nha hoàn kéo mành lên để một cô gái khoảng chừng mười bốn tuổi bước vào. Cô gái mới vào có đôi mắt linh động, cái mũi xinh xắn, dáng người yểu điệu. Nàng mặc bên ngoài một chiếc váy màu vàng nhạt trên có thêu mấy bông hoa, bên trong là chiếc váy lót thêu chỉ trắng, cả người toát ra vẻ yêu kiều hoạt bát cực kỳ động lòng người. Người này đích thị là Tống Ý Bội.

Thanh Mai vừa thấy Tống Ý Bội liền bước lên trước hành lễ. Đợi Tống Ý Bội ngồi xuống, nàng ta lại bưng trà đến và cung kính mời, “Nhị tiểu thư, mời dùng trà!”

Thanh Mai năm nay mười sáu tuổi, làn da trắng nõn, mày nhỏ mắt hẹp, làm việc rất ổn trọng. Nàng ta là nha hoàn do La phu nhân tự tay dạy dỗ và từ lúc sáu tuổi đã bắt đầu hầu hạ Tống Ý Mặc, là nha hoàn đắc lực bên người Tống Ý Mặc.

Vì Thanh Mai là người hầu hạ thân cận nên thân phận thực sự của Tống Ý Mặc đương nhiên không thể che giấu được với nàng ta, cũng bởi vậy mà Tống Ý Mặc đối xử với Thanh Mai cũng có chút bất đồng với những người khác.

Tống Ý Bội biết Thanh Mai rất được Tống Ý Mặc coi trọng nên cũng không bạc đãi với nàng ấy. Khi thấy nàng ấy bưng trà tới, nàng lập tức đón lấy và cười nói, “Được rồi, chị em chúng ta nói chuyện với nhau cũng không cần ngươi hầu hạ. Ngươi lui ra đi!”

Thanh Mai cúi chào rồi lui ra ngoài.

Đợi sau khi trong phòng yên tĩnh rồi, Tống Ý Bội lúc này mới đặt chén trà xuống và nói với Tống Ý Mặc, “Em à, mấy ngày nay mẹ cứ luôn mặt cau mày có, rốt cuộc là vì chuyện gì vậy?”

Tống Ý Mặc khẽ chau mày, “Chị hai còn không biết sao?”

Tống Ý Bội nói, “Chị sao mà biết được? Mẹ có việc gì toàn đi tìm em để bàn bạc thôi, mà dù cho có muốn tiết lộ ra thì cũng chỉ nói cho chị cả biết. Chị tầm thường thế này nên chẳng ai coi ra gì cả.”

Tống Ý Mặc sửng sốt một hồi rồi mới nói, “Năm ngoái ở trong cung có một vị thục phi và một vị đức phi qua đời, nghe nói năm nay Hoàng thượng cố ý chọn người tiến cung để bổ sung vào hai vị trí này từ phủ của các vị khai quốc công thần. Phủ Trấn Vũ Hầu nhà ta đúng là khai quốc công thần rồi, mà cũng thực khéo, chị và chị cả đều đã tới tuổi kết hôn. Mẹ chỉ sợ Hoàng thượng hồ đồ sẽ chọn chị hoặc chị cả tiến cung mà thôi. Vì việc này mà mấy ngày nay mẹ đã đứng ngồi không yên rồi.”

Tống Ý Bội vừa nghe xong câu chuyện liền nôn nóng nói, “Vậy phải làm sao bây giờ? Tuổi của Hoàng thượng còn đáng tuổi làm cha của chúng ta nữa ấy!” Lời vừa nói xong, nàng ta lập tức bịt miệng lại, may mà nói câu này trước mặt em trai, nếu nói những lời này trước mặt mẹ thì thể nào cũng bị giáo huấn mấy câu.

Tống Ý Mặc liếc mắt nhìn Tống Ý Bội một cái rồi nói, “Chị hai, đúng là bởi vì chị không biết giữ mồm giữ miệng nên mẹ mới không dám nói chuyện với chị mà chỉ nói với em và chị cả thôi.”

Tống Ý Bội uể oải nói, “Được rồi, chị biết rồi. Cả nhà này chỉ có chị là ngốc thôi, được chưa?”

Tống Ý Mặc dở khóc dở cười, “Chị hai lại thế rồi. Kể chuyện cho chị nghe, chị đã không có ý kiến gì thì thôi, lại chỉ biết nói mình ngốc. Chị bảo người ta phải làm sao bây giờ?”

Tống Ý Bội nghẹn lời. Một lúc lâu sau nàng ấy mới nói, “Nếu muốn né tránh việc tiến cung thì thực ra cũng có cách.”

Tống Ý Mặc cười nói, “Chị hai nói đi!”

Tống Ý Bội nói tiếp, “Chị cả đã mười sáu tuổi mà gần đây lại có nhà môn đăng hộ đối đến cầu hôn, mình nhân cơ hội này hứa gả chị ấy đi, chẳng phải sẽ tránh được việc tiến cung sao? Chị cũng mười bốn rồi, cũng có thể…”

“Ồ, chị hai muốn lấy chồng rồi ư?” Tống Ý Mặc trêu ghẹo Tống Ý Bội một câu, thấy nàng ấy buồn bực, nàng vội cười vòng vo đổi đề tài, “Chị cả tài mạo song toàn, lại là trưởng nữ của Hầu môn, mẹ kỳ vọng rất cao vào chị ấy nên không muốn vội vã gả cho người ta. Còn chị hai thì chưa tới tuổi lấy chồng, mẹ cũng không muốn tùy tiện gả chị đi đâu.”

Tống Ý Bội hỏi, “Thế nếu trong cung thật sự hạ chỉ thì làm thế nào?”

Tống Ý Mặc cười hì hì nói, “Nghe mẹ nói cha còn một đứa con gái nữa. Nếu muốn gả vào cung thì tất nhiên sẽ gả cô ta rồi.”

Tống Ý Bội kinh ngạc nhìn Tống Ý Mặc rồi bật thốt lên một câu, “Sao lại có chuyện đó?”

Tống Ý Mặc liền kể rõ mọi chuyện về Tống Ý Thiền ra, sau đấy nàng lại nói, “Chị hai, đến lúc đó chị chỉ có thể gọi Tống Ý Thiền là chị thôi, chị đành phải chuyển thành chị ba vậy.”

Tống Ý Bội khẽ nhếch miệng cười, “Thật không thể tưởng tượng nổi!”

Tống Ý Mặc cười nói, “Vậy chị hai yên tâm rồi chứ?”

Tống Ý Bội lắc đầu, “Giờ thì yên tâm nhưng nói bây giờ hẵng còn sớm.”

Tống Ý Mặc nhân tiện nói, “Dù sao thì ở trên đã có chị cả chống đỡ, ở dưới lại có em, chị hai ở giữa cũng an toàn mà.”

Tống Ý Bội buồn bực nói, “Chị đâu phải loại người ích kỷ chỉ biết lo cho bản thân như thế? Chị đây chẳng phải hy vọng tất cả mọi người đều được tốt lành sao?”

Tống Ý Mặc nghe vậy lại an ủi nàng ta mấy câu.

Nhìn canh giờ cũng không còn sớm, Tống Ý Bội nghĩ em trai mình tuy nhỏ tuổi nhưng dù sao cũng là Hầu gia nên có nhiều chuyện quan trọng cần xử lý. Nàng cũng không tiện ngồi lâu nữa nên đành đứng dậy cáo từ.

Tiễn Tống Ý Bội đi rồi, bên ngoài lại có người đưa thiếp mời tới và nói là ngày mai Tam công tử Thạch Khang của phủ tướng quân mở hội phẩm kiếm ở trong phủ và mời Tống Ý Mặc tới dự.

Tống Ý Mặc bảo Thanh Mai nhận thiếp mời rồi một mình tới gặp La phu nhân để bàn bạc một hồi. Nàng muốn lấy thanh long tuyền bảo kiếm quý giá của phủ nhà ra để chuẩn bị ngày mai mang tới hội phẩm kiếm.

Đại tướng quân đương nhiệm là Thạch Hưng Hóa hiện đang nắm giữ trọng binh trong tay, La phu nhân đương nhiên đồng ý để Tống Ý Mặc qua lại với con trai ông ta là Thạch Khang. Có điều, nghĩ tới chuyện Thạch Khang mặc dù mới mười bốn tuổi đã được mệnh danh là hoa hoa công tử, bà lại thấy lo lắng và tất nhiên phải dặn dò Tống Ý Mặc vài câu.

Tống Ý Mặc cười nói, “Mẹ yên tâm. Con tuy nhỏ tuổi nhưng có bao giờ ra ngoài xã giao mà gây chuyện trở về đâu?”

La phu nhân nghĩ lại cũng thấy đúng. Đứa con gái nhỏ này thật đúng là khác hẳn người bình thường, từ khi năm sáu tuổi nó đã cực kỳ có chủ kiến, tới bảy tám tuổi đã có thể giúp đỡ quyết định một số việc nhỏ trong phủ, mười tuổi liền tự mình giải quyết mọi việc trong phủ, còn giờ là mười hai tuổi, ban ngày nó đọc sách, ban đêm thì luyện võ, ấy vậy mà vẫn có thời gian xử lý mọi việc, thêm vào đó, bà cũng chưa thấy nó gây ra sai sót nào. Đáng tiếc nó lại không phải là con trai, nếu là con trai thì bà còn gì phải lo lắng nữa?

Sau khi hai mẹ con nói chuyện xong, Tống Ý Mặc liền dẫn người vào nhà kho đem bảo kiếm kia ra. Năm đó Tống Khản là người học võ nên tất nhiên có một vài thanh kiếm tốt. Thanh long tuyền bảo kiếm này là do Hoàng đế Cảnh Nam Thiên ban thưởng cho, cũng rất hiếm có.

Khi rút long tuyền bảo kiếm ra, Tống Ý Mặc cũng bị ánh sáng của nó làm cho chói mắt. Nàng nhất thời bứt một sợi tóc trên đầu tên tùy tùng Đa Xuân rồi để trước lưỡi kiếm và thổi một hơi, “Để xem sắc thế nào?” Nàng vừa nói xong thì sợi tóc cũng bị cắt đứt.

Đa Xuân ồ lên một tiếng rồi nói, “Tiểu Hầu gia, bảo kiếm này không phải tầm thường đâu. Cầm nó tới hội phẩm kiếm chỉ sợ Thạch tam công tử sẽ đỏ mắt* đó.”

(*Đỏ mắt (眼红): Nhìn thấy người khác có danh lợi hoặc đồ vật quý thì ngưỡng mộ nhưng cũng sinh ra đố kỵ, thậm chí muốn chiếm lấy hoặc cướp lấy làm của riêng.)

Tống Ý Mặc vừa lấy khăn lau lau thân kiếm vừa nói, “Đúng, đúng là anh ta sẽ phải đỏ mắt. Nếu anh ta lên tiếng xin xỏ thì ta sẽ tặng nó cho anh ta. Sau này nếu ta có việc cần anh ta thì anh ta sẽ không tiện từ chối.”

Đa Xuân vốn đã biết tiểu Hầu gia nhà mình tuy nhỏ tuổi nhưng vô cùng nhìn xa trông rộng và lắm mưu lược. Hắn nghe vậy liền nói, “Thì ra mọi chuyện đều nằm trong tay của tiểu Hầu gia rồi.”

“Được rồi, đừng nịnh bợ nữa!” Tống Ý Mặc hạ thanh kiếm xuống rồi bảo Đa Xuân tiến lại gần và thấp giọng phân phó, “Khi tới phủ tướng quân, ngươi phải khéo léo kết bạn với tên sai vặt bên cạnh Thạch Khang, nếu được thì lén kết nghĩa huynh đệ với nó. Biết chưa?”

Đa Xuân vội vàng vâng lời.

Tống Ý Mặc vừa rời khỏi nhà kho thì Trường Lộc vốn đi hỏi thăm tin tức của mẹ con Tống Ý Thiền cũng đã trở lại. Hắn vội vàng đếm bẩm báo mọi chuyện với Tống Ý Mặc.

Thì ra sau khi Tống Khản qua đời, Ôn thị sợ La phu nhân hại mẹ con bà ta nên dọn khỏi chỗ ở cũ và thuê nhà ở Tam Tỉnh rồi dùng một chút tiền tích cóp được để nuôi nấng Tống Ý Thiền. Đợt vừa rồi Ôn thị bị bệnh cần phải khám bệnh thuốc thang nên họ đã dùng hết số tiền tích cóp được. Tống Ý Thiền lâm vào cảnh đường cùng đành phải đem vòng ngọc quý giá đi cầm. Vì hiệu cầm đồ chỉ đưa ít tiền nên nàng ta đành nghiến răng đi thẳng tới tiệm Như Ý và bán vòng ngọc cho ông chủ của tiện Như Ý này để lấy tiền chữa bệnh cho Ôn thị. Giờ bệnh tình của Ôn thị đã có chuyển biến tốt, Tống Ý Thiền chỉ biết thêu thùa thuê cho người ta để duy trì cuộc sống.

Theo lời của Trường Lộc thì Tam Tỉnh cũng là nơi nổi tiếng ở kinh thành. Nơi này mặc dù vàng thau lẫn lộn nhưng vì gần với trường thi nên mỗi năm khoa cử thường có sĩ tử đến thuê trọ. Ở đó cũng càng ngày càng xuất hiện nhiều chủ nhà coi trọng những sĩ tử không trúng cử và vồn vãi tiếp đãi bọn họ, lại còn gả con gái cho và nuôi ăn học thêm ba năm, đến năm thứ tư có mở khoa thi, những người này có thể đỗ đạt và làm gia đình chủ nhà nở mày nở mặt.

Tống Ý Mặc vừa nghe nói mẹ con Ôn thị đến ở tại Tam Tỉnh liền nở nụ cười ý vị khó hiểu, “Đúng là lựa chọn tốt!”

Trường Lộc lại nói, “Ôn thị đó là người biết đọc biết viết nên đã dạy cho con gái. Vả lại cô gái đó tướng mạo cũng xuất sắc nên đã có vài gia đình nhòm ngó và có ý cầu thân rồi. Chỉ là Ôn thị kia vẫn chưa trả lời.”

Tống Ý Mặc gật gật đầu rồi suy nghĩ sâu xa một lát mới nói, “Đi! Đến nhà Trần thị trung một chuyến.”

Trần thị trung mà Tống Ý Mặc nói đến là bạn tốt của Tống Khản. Năm đó ông ta và Tống Khản đã cùng Hoàng đế đi săn thú, cùng bị gấu đen tấn công. Tống Khản bị thương nặng mà chết, ông ta thì vẫn còn sống đến nay. Về sau chính ông ta đã đưa thi thể của Tống Khản về và truyền đạt lại di ngôn của Tống Khản bảo La phu nhân cố gắng nuôi nấng các con.

Trường Lộc không biết việc Tống Ý Mặc tới tìm Trần thị trung và chuyện hắn vừa tìm hiểu có liên quan gì với nhau, nhưng Tống Ý Mặc bảo đi nên hắn tất nhiên cũng phải theo ra ngoài.

Trần phủ chỉ cách Tống phủ có nửa giờ đi lại.

Trần thị trung nghe nói Tống Ý Mặc tới chơi liền sai người mời nàng vào nói chuyện.

Vợ của Trần thị trung là Khuông phu nhân nghe nói có Tống Ý Mặc đến thì cười nói với bà già theo hầu, “Phủ Trấn Vũ Hầu à, may nhờ có vị tiểu Hầu gia này mới tiếp tục chống đỡ được.”

Bà già theo hầu nói, “Tiểu Hầu gia tuổi còn nhỏ nhưng rất tài giỏi, nếu trưởng thành thì chỉ e nhất định sẽ là một nhân vật lớn.”

Khuông phu nhân gật đầu nói, “Ta cũng thấy thế. Nó mà lớn lên thì so với lão Hầu gia năm đó có lẽ còn mạnh hơn.”

Bà già theo hầu thấy Khuông phu nhân khen ngợi không ngớt thì đương nhiên hiểu ra tâm ý của Khuông phu nhân. Khuông phu nhân sinh hạ được hai trai một gái, con gái nhỏ là Trần Song Ngọc năm nay mười hai tuổi, nếu có thể được hứa gả cho Tống Ý Mặc thì…

Trong lúc ấy, Trần thị trung bảo người đưa Tống Ý Mặc và thư phòng. Sau khi Tống Ý Mặc nói rõ ràng mục đích đến đây, Trần thị trung lập tức có chút kinh ngạc, “Cậu bảo ta giúp cậu đón mẹ con Ôn thị về ư?”

Hai người đang nói chuyện thì bên ngoài truyền đến giọng nói mềm mại dịu dàng của Trần Song Ngọc, “Cha ơi!”

Đây là đứa con gái mà Trần thị trung yêu thương nhất. Ông ta liền hỏi, “Chuyện gì thế?”

“Con mang chè hạt sen tới cho cha đây ạ!” Trần Song Ngọc bưng khay bát đi vào, liếc mắt một cái thấy Tống Ý Mặc cũng đang ở đó, nàng ta liền ngẩng mặt lên cười nói, “Anh Ý Mặc cũng ở đây à?”

Tống Ý Mặc đáp lời. Thấy Trần Song Ngọc ngọt ngào nói chuyện, nàng lại nhủ thầm trong lòng, “Ôi chà, không phải cô ta vào đây để nhìn trộm mình đấy chứ? Mình mới mười hai tuổi, mới mười hai tuổi thôi đã phải chịu đựng sự săn đón của các thiếu nữ rồi!


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.