Trong khi Pháp-Minh, Thân Mai giao đấu, thì công chúa Thiên-Ninh truyền hai hiệu Ngự-long, Quảng-thánh lùa binh sĩ Tống về phía chiến lũy Cổ-pháp. Thương thay, những binh sĩ Tống kinh nghiệm chiến đấu có thừa, họ đều là những hán tử đầy sức sống, mà nay trúng độc, chân lê bước như đàn thú theo quân Đại-Việt dẫn giải đi.Khoảng hơn khắc sau, trên bãi đóng quân chỉ còn năm thần tăng Thiếu-lâm, ba trăm đệ tử, với hơn trăm tướng Tống, đứng quan sát trận đấu. Phía Đại-Việt cũng chỉ còn công chúa Bảo-Hòa, bốn cao thủ Mai, Lan, Cúc, Trúc, hơn ba trăm đệ tử.Sau khi giao tù binh cho hai hiệu binh Hồng-châu với hoàng nam giải đi; hiệu Ngự-long lấy quân phục của binh tướng Tống mặc vào, lại mang cả cờ xí theo, rồi hướng Như-nguyệt tiến phát. Hiệu Quảng-thánh cũng thay y phục rồi theo sau. Hai hiệu quân âm thầm di chuyển về hướng Bắc.Tới rừng tre, thì có chim ưng mang thư tới, đó là lệnh mới nhất của Khu-mật viện: " Phải cẩn thận, dường như nhị vương Trung-Thành, Tín-Nghĩa thất bại, vì Quách Quỳ không rút quân từ Nam sông Như-nguyệt về cứu hậu cứ. Được toàn quyền quyết định tái chiếm Như-nguyệt hay trấn tại Cổ-pháp ".Công chúa Thiên-Ninh truyền họp chư quân lại, rồi nói:- Than ôi, mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Trong khi nghị kế, triều đình tin rằng hai đạo binh của Trung-Thành, Tín-Nghĩa vương tiến đánh Nham-biền và hậu cứ của Quách Qùy, như vậy ắt y phải rút quân từ Nam sông Như-nguyệt về để tự cứu viện. Nhưng cho đến nay, tin tế tác báo rằng, dường như hai đạo binh của hai vương Trung-Thành, Tín-Nghĩa gặp điều bất lợi, nên Quách Quỳ vẫn duy trì sáu đạo binh 10, 11, 12, 13, 14, 15 ở phòng tuyến Như-nguyệt. Bên bờ Bắc, Quỳ vẫn để ba đạo 17, 18, 19 làm trừ bị. Với chín đạo này, mà chúng tiến đến đây, thì làm sao chúng ta đương nổi?Công chúa ngửa mặt nhìn bầu trời lấp lánh đầy sao, rồi tiếp:- Nếu đúng như ta luận rằng nhị vương thất bại, thì nội ngày mai Triệu Tiết sẽ dẫn bọn Vương Tiến, Bình Viễn, Vương Mẫn đem chín đạo binh đến đây. Với chín đạo này, chúng nghiền ta nát ra như tương rồi tràn về Thăng-long. Mà thảm thay, Thăng-long hiện không còn một hiệu quân nào trấn thủ cả. Làm sao bây giờ?Phạm Dật đề nghị:- Nhưng cho đến giờ này Quách Quỳ cũng chưa biết toàn quân của Miêu Lý bị thất bại. Ta lợi dụng đêm tối, lợi dụng chín đạo quân Tống cứ tưởng phía trước là quân Miêu Lý, nên không lập doanh trại, cũng chẳng phòng thủ; thình lình ta tập kích, ắt chiếm được Nam ngạn Như-nguyệt. Chiếm lại được chiến lũy Như-nguyệt rồi, ta củng cố phòng thủ như cũ, Quách Qùy không thể đổ bộ được nữa, vì không còn quân.Công chúa hỏi chư tướng:- Kế của Dật để thực là kế hoàn hảo nhất. Ta tái chiếm chiến lũy thì được. Nhưng có điều, một người chúng ta phải đánh với chín địch, như vậy trong chúng ta đây, cái hy vọng sống còn rất mong manh!Kim-Loan cầm kiếm chỉ về hướng Như-nguyệt:- Trước mắt bắt buộc ta phải chấp nhận hai điều. Một là ta thủ ở đây, không tái chiếm Như-nguyệt. Hai là tái chiếm Như-nguyệt. Ta phải chọn đường nào? Giả như ta chọn đường lối hành động thứ nhất, thì ngày mai ta phải tử chiến với chín đạo binh Tống. Chiến lũy Cổ-pháp này sẽ bị chiếm, đương nhiên chúng ta chết hết, rồi Thăng-long bị tràn ngập. Hai là chúng ta tái chiếm chiến lũy Như-nguyệt, mà đành phải chấp nhận hy sinh hết. Nhưng hy vọng chiếm được Như-nguyệt, thì Thăng-long còn. Vậy, đằng nào chúng ta cũng chết, thì thà chúng ta tái chiếm Như-nguyệt, có nhiều hy vọng sống còn hơn là ngồi chờ giặc.Công chúa Thiên-Ninh hỏi chư tướng:- Chư tướng nghĩ sao? Ta tái chiếm chiến lũy Như-nguyệt, hay trấn tại Cổ-pháp?Lý Nhị khẳng khái:- Khải công chúa điện hạ, phàm là tướng, là quân thì phải ra trận. Chiến sĩ ra trận không chết cũng bị thương. Triều đình nghị kế: Đại-Việt còn hay mất là do ta có chiếm lại Như-nguyệt hay không? Nay chúng ta được giao cho nhiệm vụ đánh chiếm lại Như-nguyệt, quả chúng ta lĩnh trọng trách vô cùng trọng đại. Cái thế đã như vậy, ta không thể lùi được. Bọn thần xin quyết chiến.Chư quân cùng hô:- Tử chiến!- Tử chiến! Nhất định tử chiến.Phạm Dật, Kim-Loan cùng Thần-vũ lục anh cùng dơ tay thề:- Bọn thần xin lấy cái chết để đền ơn tri ngộ của Linh-Nhần hoàng thái hậu.Thấy chư quân tướng cương quyết, công chúa hài lòng:- Ta cũng mong được chết với chư quân. Nào! Chúng ta lên đường.Thế là đúng như kế hoạch, hiệu Ngự-long đi trước, hiệu Quảng-thánh đi sau. Những người con yêu nhất của Đại-Việt âm thầm tiến về Như-nguyệt.Công chúa Thiên-Ninh dẫn ba nghìn nữ thị vệ, đoàn thú binh cùng hai vị thánh tăng Minh-Không, Đạo-Hạnh đi giữa hai hiệu binh.Trời tháng giêng, gió bấc thổi lạnh thấu xương, nhưng hai hiệu binh Ngự-long, Quảng-thánh đều được uống thuốc ngự hàn, nên khí hậu không làm cho họ khó chịu. Trời tối xòe bàn tay ra không nhìn thấy gì. Tiền quân chỉ còn cách Như-nguyệt có hơn ba dặm. Phạm Dật, Kim-Loan cỡi ngựa đi cạnh Lý Nhất, Mai Nhất, Nhân, Nghĩa, Lễ. Trong lòng bẩy người hồi hộp vô cùng, vì họ đều biết rằng trận đột kích này thành công, thì Đại-Việt mới mong tồn tại. Còn như họ thất bại, thì e rằng đất nước này sẽ thành quận huyện của Tống.Tiền quân chỉ còn cách Như-nguyệt hơn hai dặm, xa xa đã thấy ánh lửa của doanh trại Tống lấp lánh trong đêm. Quân Tống vẫn chưa phát giác ra cái nguy gần kề.Chỉ còn hai dặm, rồi một dặm. Cả bẩy người đều muốn ngộp thở, tim đập thình thình.Rồi trăm trượng, năm mươi trượng. Phạm Dật đốt chiếc pháo thăng thiên tung lên trời. Hiệu Ngự-long reo hò rồi xung vào trại Tống. Lý Nhất Mai Nhất chỉ huy sư một; Hùng Nhân, Hùng Nghĩa chỉ huy sư hai; Hùng Lễ chỉ huy sư ba; Kim-Loan chỉ huy sư bốn. Bốn mũi lao thẳng vào doanh trại Tống đánh thọc tới trung ương. Đây là nơi đồn trú của đạo quân thứ mười, mười một do Vương Tiến chỉ huy. Quân Tống đang ngon giấc, giật mình choàng dậy, chỉ kịp thấy một " đội quân nhà " đang xung vào chém giết. Thoáng một cái, cả bốn mũi đều thọc tới bờ sông.Công chúa Thiên-Ninh ra lệnh mở xe chở thú. Đội tượng binh, ngao binh đánh thẳng ra bờ sông. Đội hổ binh đánh sang trái, đội báo binh đánh sang phải. Tiếng thú gầm, tiếng quân reo, tiếng trống thúc hòa lẫn với tiếng vũ khí chạm nhau, tiếng người gào thét vang lên bên bờ sông đầy hoa Xuân.Đúng lúc đó, hiệu Quảng-thánh cũng chia làm bốn mũi, lao vào vòng chiến. Sau khi cả hai hiệu bắt tay được với nhau, thì hiệu Ngự-long đánh quặt về trái; hiệu Quảng-thánh đánh quặt sang phải.Trời vẫn tối như mực.Quân Việt như đánh vào chỗ không người, lại có thú binh yểm trợ. Đao kiếm chém phầm phập, thương mâu đâm vào người như xiên chả, thú binh gầm thét nhảy vào vồ, cắn. Quân Tống chỉ còn biết la hoảng, rồi không kịp mặc quần áo, bỏ chạy tán loạn về phía bờ sông, xô đẩy nhau xuống phù kiều tuôn về Bắc ngạn. Trong cái giây phút tranh sống ấy, tướng không khiến được quân, quân không nghe lời tướng, người người xô đẩy nhau, ngã xuống sông.Thế là không đầy một khắc, hai đạo binh 10, 11 phần chết, phần rơi xuống sông, phần tháo lui về Bắc ngạn.Triệu Tiết, Vương Tiến giật mình thức giấc, hai người chưa kịp mặc giáp trụ, thì quân Việt đã đánh tràn tới. Tiết quát tháo, hò hét, nhưng nào có giữ nổi trận tuyến! Không hổ là danh tướng, Tiết rút kiếm đứng cản lại lớp sóng quân Việt, cho binh tướng vượt phù kiều qua sông. Tuy biết rằng đây là đoàn quân Việt giả làm quân Tống, nhưng y không phân biệt được kẻ nào là quân Việt, kẻ nào là quân Tống. Thoáng thấy Phạm Dật, Lý Nhị đang đứng trên lưng ngựa chỉ huy, Tiết bảo Vương Tiến:- Chúng ta phải bắt sống hai thằng lỏi này, mới mong giải quyết cục diện ngày hôm nay.Nhưng khi y quay lại, thì Vương Tiến đã bỏ chạy từ bao giờ, đoàn quân Tống giả đang đánh vào doanh trại của đạo binh 12, 13 và 14, 15; còn y thì bị bao vây giữa đội nữ thị vệ Việt. Tiết quát lớn một tiếng, rồi tung mình lên cao. Ở trên cao y đánh xuống hai chưởng như trời long đất lở. Bùng, bùng, bẩy nữ vệ sĩ Việt bị đánh bay tung ra bốn phía. Triệu Tiết tà tà rơi xuống, tay y vung kiếm đánh bay vũ khí của bẩy tám vệ sĩ nữa. Y đang định tháo lui, thì một bóng vàng thấp thoáng, rồi một thiếu niên hùng vĩ, trấn trước mặt y, tung vào người y hai chưởng liền; chưởng lực mạnh kinh nhân. Y vội vận công phát chiêu đỡ. Bình một tiếng, Tiết cảm thấy cánh tay ê ẩm, còn thiếu niên thì bị bay tung lại sau. Y nhìn lại, thì ra Hùng Nhân.Thấy Hùng Nhân lạc bại, Tiết định bỏ chạy, thì Hùng Nghĩa, Hùng Lễ phát chưởng cản lại, rồi Hùng Nhân cũng vọt mình tới tấn công y. Không hổ là đệ nhất cao thủ Trung-nguyên, y bình tĩnh đấu với ba người một lúc. Vừa đấu, y vừa quan sát trận tuyến: Hai mặt trận đạo binh 12, 13 và 14, 15 đang chiến đấu ác liệt. Một số quá kinh hoàng bỏ chạy xuống phù kiều, người người xô nhau xuống sông, la hét ơi ơí. Những người chưa kịp xuống phù kiều, kẻ thì nhảy đại xuống sông, bị nước cuốn đi, người thì xin quy hàng.Tiết nhìn về Tổng hành doanh: Phía Đông, lửa cháy sáng rực bầu trời, tiếng Lôi-tiễn nổ, tiếng voi rống, tiếng hổ gầm, tiếng beo gào, tiếng sói tru, tiếng ngựa hí, hòa lẫn với tiếng quân reo, tiếng vũ khí chạm nhau. Tiết kinh hoàng:Dường như tổng hành doanh cũng bị tấn công.Ghi chú,Hồi này thuật trận Như-nguyệt của công chúa Thiên-Ninh đánh với Triệu Triết. Hồi sau sẽ thuật trận Nham-biền của Trung-Thành, Tín-Nghĩa nhị vương. Hai trận cùng diễn ra một lúc. Công-chúa Thiên-Ninh đánh mặt Nam sông Cầu. Nhị vương đánh mặt Đông-Bắc sông Cầu.Biết không thể giữ nổi Nam ngạn Như-nguyệt nữa, Triệu Tiết quát lên một tiếng, dáng xuống người Hùng Nhân một chưởng như sét nổ, cả người ông bay tung lại sau. Y lại dáng hai chưởng nữa, đến lượt Hùng Nghĩa, Hùng Lễ phun máu miệng, lảo đảo lui lại. Vòng vây mở rộng, y vọt người hướng về phù kiều định chạy về Bắc ngạn.Nhưng, thấp thoáng bóng nâu, một người từ sau đáp xuống trước mặt y như con đại bàng, chặn giữa phù kiều. Người ấy tay cầm cây gậy đồng chĩa vào ngực y. Kinh hãi, y uốn cong người, bật ngửa về sau lộn liền ba vòng, thế là y lại trở lại Nam ngạn. Nhưng khi y vừa đáp xuống đất, thủy chung, cây gậy vẫn chĩa vào cổ . Biết có lui nữa cũng vô ích, y đứng dậy nhìn đối thủ: Đó là một nhà sư, tuổi còn trẻ, đẹp như tượng Thích-ca Mâu-ni. Y chửi tục:- Đồ hèn hạ, mi đánh trộm mà thành công. Ta không phục. Mi là ai?Nhà sư mỉm cười:- Bần tăng pháp danh Đạo-Hạnh.Triệu Tiết la lên:- Thì ra Nam-thiên đại thánh tăng. Hèn gì Triệu mỗ thua là phải. Nay Triệu mỗ đã bại dưới tay người, thì người muốn mổ, muốn băm vằm xin cứ ra tay, mỗ không hề hối tiếc.Nhà sư vung tay phóng một chỉ đến véo một tiếng điểm vào huyệt đản trung của Triệu Tiết, rồi cười:- Giết Triệu tướng quân thì bần tăng không nỡ. Bần tăng chỉ xin mời tướng quân về Thăng-long chơi ít lâu, chờ hết chiến tranh, sẽ để tướng quân về Tống.Đạo-Hạnh túm ngực Tiết ném xuống đất cho đệ tử trói lại. Nhưng khi Tiết còn đang lơ lửng trên không, thì có hai chưởng mạnh như bài sơn, đảo hải đánh vào hai bên hông ngài; rồi một chưởng thứ ba hắt Triệu Tiết lên cao, huyệt đạo của y được giải, y lộn một vòng, đáp xuống an toàn.Bị hai chưởng đánh vào hai bên, Đạo Hạnh tung người lên tránh khỏi. Ở trên cao, ngài đá gió một cái, người bật ra xa đến hai trượng rồi đáp xuống. Bấy giờ ngài mới nhìn lại, xem hai người đánh mình với người cứu Triệu Tiết là ai? Thì trước mặt ngài là năm nhà sư, mặc áo cà sa đại hồng. Ngài chắp tay hành lễ:- A-di-đà Phật, thì ra năm vị thần tăng Thiếu-lâm giá lâm. Phải chăng năm vị có đại danh Pháp-Tiên, Pháp-Trị, Pháp-Quốc, Pháp-Cách, Pháp-Vật?- Đa tạ thánh tăng đã nhẹ tay với Triệu tướng quân.Nói dứt lời, Pháp-Tiên, Pháp-Trị cùng quát lên một tiếng phát chưởng tấn công Đạo-Hạnh. Còn Pháp-Quốc, Pháp-Cách, Pháp-Vật với Triệu Tiết tung mình về phía phù kiều. Đạo-Hạnh thấy kình lực đối thủ mạnh như núi lở, băng tan, vội phát hai chỉ đỡ. Bộp, bộp hai tiếng, hai ngón tay Đạo-Hạnh đau ê ẩm, lồng ngực muốn nổ tung ra; ngài vội lùi lại hai bước để điều tức, thì Pháp-Tiên, Pháp-Trị đã tung mình theo bọn Triệu Tiết xuống phù kiều, sang bên kia sông.Công chúa Thiên-Ninh cho trấn tại đầu Nam mười hai phù kiều, mỗi phù kiều bốn thớt voi, hai chục chó sói, với hai dàn thần nỏ đặt xế với hai hông cầu nổi. Còn đoàn nữ thị vệ thì dàn xung quanh voi của công chúa, để bảo vệ chúa tướng. Nhìn về hướng Đông, thấy doanh trại Tống bốc lửa, lẫn với tiếng quên reo, thú gầm, công chúa Thiên-Ninh chỉ cho tướng sĩ:- Chư tướng, chư quân nhìn coi! Hai đạo quân của Trung-Thành, Tín-Nghĩa đang đánh vào tổng hành doanh Quách Quỳ đấy.Cuộc chiến bên bờ Nam ngạn, khiến cho các đạo binh ở Bắc-ngạn tỉnh giấc, chỉnh đốn lại đội ngũ. Triệu Tiết trở về Bắc, thì quân chỉ về phía Đông:- Đại lực lượng Giao-chỉ tấn công vào đệ tam doanh. Nguyên soái cùng với chư tướng đang dồn hết lực lượng ra chống giặc.Tiết hoang mang cùng cực. Y ra lệnh cho Vương Tiến:- Quân Giao-chỉ có hai hiệu binh Ngự-long với Quảng-thánh. Chúng đang đánh quặt về phía phải với trái, chỉ để rất ít quân trấn ở mười hai phù kiều. Người đợi cho chúng đang giao chiến ác liệt với đạo 12, 13, 14, 15 thì lập tức đem hai đạo 16, 17 vượt phù kiều đánh vào sau lưng hiệu Ngự-long. Còn ta sẽ đem hai đạo 18, 19 đánh tan đội thú binh, bắt con lỏi Thiên-Ninh, rồi đánh vào sau lưng hiệu Quảng-thánh.Vương Tiến vâng lệnh chuẩn bị sẵn.Tiết nói với năm nhà sư chữ Pháp:- Bên kia bờ sông, giặc cho trấn ở đầu mười hai phù kiều, mỗi phù kiều có hai dàn thần nỏ đặt xiên hai hông; chúng lại còn bố trí đội binh sói, voi. Xin năm vị đại sư cầm mộc, dùng đao gạt tên, xử dụng khinh công thượng thừa dẫn đầu năm đội quân vượt sông. Sau khi tới Nam ngạn, các vị giết bọn xạ thủ thần nỏ, cho quân đổ bộ.Pháp-Tiên cau mặt lại, tỏ vẻ lo lắng:- Tướng quân ban lệnh, dĩ nhiên anh em bần tăng phải tuân. Nhưng tướng quân thử nghĩ xem, nếu như hai dàn thần nỏ cùng tác xạ, bần tăng có thể dùng mộc đỡ được tên của dàn bên trái; còn dàn bên phải, chỉ với thanh đơn đao, thì sao có thể đạt được hàng ngàn mũi tên? Thôi! Biết vậy, nhưng anh em bần tăng xin tuân lệnh.Trong khi đó, tại Nam ngạn, cuộc chiến diễn ra cực kỳ khốc liệt:Từ chỗ đóng quân của đạo binh 10, 11 đến đạo 12, 13 và 14, 15, khoảng hơn hai dặm. Khi quân Việt tấn công vào đạo 10, 11 thì quân sĩ hai khu kia đã tỉnh giấc. Binh, tướng vội mặc giáp trụ, chỉnh đốn hàng ngũ chuẩn bị ứng chiến. Bốn mũi của bốn sư thuộc hiệu Ngự-long tiến đến sát trại của đạo 12, 13 thì tên từ trong trại bắn ra như mưa. Phạm Dật rúc hai tiếng tù và. Quân Việt lùi lại hơn ba trượng, ngoài tầm tên. Ông phất cờ đỏ lên, lập tức hàng triệu thần phong từ mười chiếc xe đậu phía sau bay lên, nhào xuống trại Tống mà đốt. Các đội tiễn thủ Tống bị bất ngờ, vất cung tên chống ong. Bốn sư Việt chỉ chờ có thế, các tướng xua hổ lao vào hàng ngũ Tống, rồi Thiên-tử binh tiến theo.Nói thì chậm, chứ Phạm Dật ra lệnh cho quân ngừng, ong bay lên, thú lao vào, Thiên-tử binh xung phong, phối hợp nhịp nhàng, thoáng một cái quân Việt với đội hổ đã tràn ngập trại Tống. Đội tiễn thủ Tống bị diệt. Quân Tống, quân Việt cùng một thứ y phục lẫn vào nhau. Quân Tống không còn phân biệt được bạn hay thù nữa, trong khi quân Việt vốn thuộc mặt nhau, nên cứ thấy lạ mặt là chặt.Tướng chỉ huy khu này là Bình Viễn, y là người cực kỳ tinh minh, mẫn cán. Biết quân mình không phân biệt được bạn hay thù, y hô lớn:- Chư quân nghe đây, thấy người trước mặt, cứ hô bằng tiếng Biện-kinh " Thiên-triều " người nghe đáp lại " Sát Nam-man ". Kẻ nào không hô, không đáp đúng thì là giặc.Biện pháp này quả nhiên lợi hại. Quân Tống nhờ đó phân biệt được bạn hay thù, quân Việt bị chặn lại. Hai bên giao chiến ác liệt. Đám quân Tống thuộc đạo 12, 13 kinh hoảng bỏ chạy về Bắc ngạn, đã được chỉnh đốn, lại vượt phù kiều sang Nam ngạn tiếp cứu đồng đội.Trong khoảng hơn một khắc, phần thắng nghiêng về phía hiệu Ngự-long. Trong bốn doanh trại Tống, thì hai doanh trại bị tràn ngập.Đúng lúc đó bên bờ Bắc ngạn, Triệu Tiết hô lên một tiếng, bốn đạo binh 16, 17, 18, 19 do chính y cùng năm nhà sư chữ Pháp dẫn đầu tràn xuống phù kiều. Khinh công năm nhà sư đã đến trình độ siêu phàm, nên chỉ nhấp nhô mấy cái, năm ông đã tới bờ Nam ngạn. Thần nỏ trấn tại 12 đầu phù kiều lập tức tác xạ. Năm nhà sư dùng mộc đỡ, dùng đao gạt. Nhưng mỗi đầu cầu có hai dàn thần nỏ đặt chéo với phù kiều, ba nhà sư Tiên, Trị, Quốc gạt được hết tên, đáp chân lên Nam ngạn, vung đao cản đội sói, voi rồi tấn công xạ thủ nỏ thần. Còn hai nhà sư Cách, Vật, mỗi người bị đến ba bốn mũi tên lọt lưới đao, xuyên thủng áo, làm xước da. Hai thần tăng kinh hoàng, nhưng cả hai vẫn nghiến răng, tung mình đáp xuống bờ sông chống với thú, đánh giết xạ thủ thần nỏ.Đội nữ thị vệ vây lấy hai nhà sư Pháp-Cách, Pháp-Vật, thần nỏ lại tác xạ, binh tướng Tống bị bắn ngã từng loạt, phải lùi về Bắc ngạn.Hai nhà sư Pháp-Tiên, Pháp-Trị đã phá được bốn dàn thần nỏ, cả hai đang định phá hai dàn khác, thì một bóng nâu đáp trước mặt hai ông nhanh như chớp giật, rồi hai chỉ phóng ra kình lực rít lên vo vo. Kinh hãi, hai ông tung mình nhảy lên cao, ở trên cao hai ông nhìn xuống: Người đánh hai ông là thánh tăng Đạo-Hạnh. Hai ông đang chới với trên không, thì Đạo-Hạnh lại đánh lên hai chỉ. Quá kinh hãi, hai ông kêu lớn:- Xin dung tình!Rồi vung đao đỡ. Choang, choang! Đao bị chỉ đánh gẫy làm ba bốn mảnh. Hai ông vừa đáp xuống, thì Đạo Hạnh lại tung ra hai chưởng. Hai ông dùng Kim-cương ban nhược chưởng đỡ. Bình, bình hai tiếng, khí huyết Pháp-Tiên, Pháp-Trị đảo lộn cực kỳ khó chịu, trong khi Đạo-Hạnh cũng bật lui lại ba bước.Nhìn lại, thấy hai đoàn binh tướng Tống theo sau hai nhà sư Tiên, Trị định lên bờ; Đạo-Hạnh chĩa hai ngón tay điểm xuống phù kiều, mỗi chỉ xuyên qua ngực hàng năm sáu người. Thoáng một cái, ngài điểm hơn hai chục chỉ, bao nhiêu binh tướng trên phù kiều bị đánh bay xuống sông, xác trôi lập lờ trên mặt nước. Pháp-Tiên, Pháp-Trị kinh hoàng, vận công phát chiêu hướng Đạo-Hạnh. Thế là hai nhà sư Tiên, Trị đấu với ngài Đạo-Hạnh.Về phía Pháp-Quốc, ông vừa phá được một dàn nỏ thần, thì cảm thấy khó thở, lưng như bị hòn núi đè lên. Biết có cao thủ nội công cực kỳ cao thâm đánh vào phía sau, ông vội lăn mình đi hai vòng, rồi tung mình dậy. Trước mắt ông là một nhà sư mặc quần áo nâu rách rưới như ăn mày, nét mặt từ ái, ôn nhu giống hệt Phật A-di-đà đang nhìn ông mỉm cười:Tượng thờ Từ Đạo Hạnh tại chùa Thầy (Sơn-tây)- A-di-đà Phật, bần tăng pháp danh Minh-Không, xin tham kiến thần tăng Thiếu-lâm.Pháp-Quốc kinh hoảng la lên:- Thì ra ngài là thánh tăng Nam-thiên. Hèn gì công lực vô song. Tiểu tăng xin tham kiến thánh tăng.Trong khi đối đáp với Pháp-Quốc, Minh-Không vẫn vung tay đánh xuống phù kiều, bao nhiêu binh tướng Tống theo sau Pháp-Quốc đều bị đẩy bay xuống sông, mà không ai bị thương, bị chết cả. Ngài Minh-Không dùng một tay đấu với Pháp-Quốc, một tay phát chiêu trấn không cho binh Tống lên bờ.Thế là trận tuyến Như-nguyệt diễn ra ở ba khu.- Khu phía trái, thì hiệu Ngự-long đánh với đạo 12, 13.- Khu phía phải thì hiệu Quảng-thánh đánh với đạo 14, 15.- Ở chính giữa thì đạo 16, 17, 18, 19 đang cố gắng vượt qua dàn thần nỏ để đổ sang Nam ngạn.Công chúa Thiên-Ninh đứng trên bành voi cầm cờ chỉ huy, xung quanh có hơn ba nghìn nữ thị vệ bảo vệ. Triệu Tiết cùng đội võ sĩ đã sang được bờ Nam ngạn. Thấy công chúa Thiên-Ninh, y xua quân tràn tới bao vây, đội nữ thị vệ dàn ra chống lại.Trong khi đó, hai thánh tăng Minh-Không, Đạo-Hạnh cùng đội thần nỏ giữ vững không cho hai đạo 16, 17 của Tống đổ bộ qua năm phù kiều, nhưng chúng đổ qua năm phù kiều khác, đánh vào sau lưng hiệu Ngự-long.Đến đây, đạo quân 18, 19 của Tống đã vượt qua được bốn phù kiều, ào ào đổ sang Nam ngạn. Không đầy hai khắc, đội voi, đội sói đã bị giết hết. Biết thế nguy, công chúa Thiên-Ninh rúc lên một hồi tù và. Hiệu Ngự-long, chia làm hai, một nửa tiếp tục chiến đấu với đạo 12, 13; một nửa quay lại đánh với đạo 16, 17.Trận tuyến Việt bắt đầu dao động, vì một người phải chống với bốn. Đội nữ thị vệ lâm vào tình trạng tuyệt vọng. Triệu Tiết biết rằng muốn thắng trận này, thì phải hạ cho được công chúa Thiên-Ninh. Y cùng hai nhà sư Pháp-Cách, Pháp-Vật dẫn đầu đội cao thủ bao vây lấy đội nữ thị vệ.Thánh tăng Đạo-Hạnh thấy công chúa lâm nguy, ngài biết rằng cái thế hôm nay không thể dùng đức từ bi của nhà Phật nữa; trong khoảnh khắc ngài nghĩ thầm:- Kẻ kia muốn giết ta, muốn cướp nước ta, ta mà nhân nhượng thì mạng sống có mất cũng không sao. Nhưng con đỏ Đại-Việt vô tội, không thể để cho người Tống muốn chém, thì chém; muốn giết thì giết được.Nghĩ vậy ngài vận đủ mười thành công lực, đánh liền chín chỉ xuống phù kiều. Chỉ của ngài rít lên vo vo, mỗi chiêu kình lực vọt qua phù kiều tới bờ bên kia; bao nhiêu quân Tống đang vượt qua đều bị chỉ xuyên thủng người, ngã lộn xuống sông chết hết. Quân Tống kinh hoàng, dừng lại bên kia đầu cầu la hét. Ngài lại đánh liền ba chỉ, đẩy lùi hai nhà sư Pháp-Tiên, Pháp-Trị, rồi vọt lên cao như tia chớp, hai tay đánh xuống đầu hai nhà sư Pháp-Cách, Pháp-Vật và Triệu Tiết. Ba người đang tấn công đội nữ thị vệ, thình lình ba chỉ đánh tới như chớp giật, cả ba người kinh hoàng vọt lên cao tránh đòn. Đạo-Hạnh đánh lên hai chỉ trúng hai nhà sư Cách, Vật. Hai thần tăng bị bay ra xa đến hơn hai trượng rồi rơi xuống đất nằm đứ đừ như trái mít rụng, không biết sống chết ra sao. Còn ngài Đạo-Hạnh, thì đứng trấn trước đội nữ thị vệ. Cứ mỗi chỉ đánh ra là hai, ba võ sĩ Tống bị xuyên thủng ngựa, bay tung về sau.Trước đây Triệu Tiết nghe võ lâm Trung-nguyên gọi hai ngài Minh-Không, Đạo-Hạnh là thánh tăng, thì y cho rằng người ta quá đề cao hai ngài. Y tỏ ý không tin, tự cho rằng hai ngài không thể thắng được mình với Quách Quỳ. Bây giờ y chứng kiến tận mắt bản lĩnh của ngài, thì kinh hồn táng đởm.Y tung người ra xa cùng đội võ sĩ reo hò, nhưng không dám xông vào.Trong khi Đạo-Hạnh điểm ngã hai nhà sư Pháp-Cách, Pháp-Vật thì hai nhà sư Pháp-Tiên, Pháp-Trị quay lại đánh phá hai dàn thần nỏ, rồi cùng với Pháp-Quốc bao vây Minh-Không. Minh-Không mỉm cười, một mình chống với ba thần tăng Thiếu-lâm.Hai thánh tăng Minh-Không, Đạo-Hạnh là sư huynh, sư đệ đồng môn. Suốt mười năm qua, hai ngài cùng nhau vân du khắp Hoa, Việt thuyết pháp, trị bệnh cứu người. Nhưng hai ngài lại có hai cái nhìn rất khác biệt nhau về đạo lý tộc Việt. Ngài Minh-Không thì từ bi, bác ái, tuyệt đối không sát sinh, cũng chẳng muốn giết giặc. Còn ngài Đạo-Hạnh thì trái lại. Ngài cho rằng cái đức từ bi của nhà Phật phải hiểu rằng " tru diệt kẻ ác, cứu người vô tội. Đối với Đại-Việt, không thể để cho ngưười Tống chiếm lấy đất, cướp của, giết người ". Cho nên ngài thẳng tay giết giặc.Bây giờ ngài Minh-Không phải đấu với ba nhà sư Thiếu-lâm, chính mắt thấy ba nhà sư dùng võ công giết nữ thị vệ Việt cực tàn bạo, thì không nhân nhượng được nữa; bao nhêu tam quy, ngũ giới hay thất bát giới gì nữa, ngài quên sạch. Trong khoảnh khắc, trở về với con ngưới trần tục, ngài đánh liền ba chiêu chưởng mạnh như bài sơn đảo hải. Ba nhà sư Pháp-Quốc, Tiên, Trị thấy chưởng phong của ngài như có như không thì coi thường. Thoáng một cái, chưởng phong của ngài đã bao trùm khắp người ba sư, thì ba nhà sư mới thấy trong cái sắc, sắc, không, không đó, tính mệnh đã lâm nguy. Cả ba tung ngưới lên cao tránh thế chưởng quái ác. Minh-Không mỉm cười, tay bóp ba viên thuốc tung lên theo. Ba nhà sư Thiếu-lâm hít phải, chân tay mất hết kình lực, thân xác đang rơi xuống; thì từ xa, ngài Đạo-Hạnh phóng đến ba chỉ, ba người bay đến cạnh hai nhà sư Pháp-Cách, Pháp-Vật, nằm dài ra, giống như năm người nằm ngủ, hàng lối ngay thẳng.Trời đã sáng. Mặt trời tỏa ánh sáng chứa chan trên sông Như-nguyệt.Nhờ hai ngài Minh-Không, Đạo-Hạnh đứng trấn hàng đầu đội nữ thị vệ, đám võ sĩ Tống kinh hoàng lùi ra xa la hét. Nhưng sau trận xung sát, đội nữ thị vệ hơn ba nghìn người, chỉ còn vài trăm.Triệu Tiết hô quân bao vây bốn phía rồi dùng loạn tên bắn vào. Hai thánh tăng dùng đoản đao quay tròn như hai trái ầu bạc trấn hai mặt bảo vệ công chúa Thiên-Ninh, không một mũi tên nào lọt được vào.Triệu Tiết hô quân bao vây bốn mặt, rồi dùng đội tiễn thủ bắn tiếp. Thảm thương thay, đội nữ thị vệ chỉ còn vài trăm người, mà phải chống với đội quân hơn vạn người của Tống. Hơn hai khắc giao chiến, đội nữ thị vệ chỉ còn hơn trăm người, mà vẫn chiến đấu trong tuyệt vọng. Dù là tướng trọn đời sống trong cảnh chém giết, nhưng Triệu Tiết cảm thấy bất nhẫn, y quát lên một tiếng, hô đám võ sĩ lui lại, rồi tung người qua vòng vây vung chưởng tấn công công chúa Thiên-Ninh. Công chúa phát chiêu Ác-ngưu nan độ trả đòn. Binh một tiếng, Triệu Tiết cảm thấy rung động toàn thân, trong khi công chúa nảy đom đóm ắt, tai phát ra những tiếng vo vo. Đội nữ thị vệ thấy chúa tướng lâm nguy, vây lấy Triệu Tiết. Tiết tung mình ra khỏi vòng vây, đứng lên lưng ngựa chỉ huy tiễn thủ bắn vào công chúa.Được hai thánh tăng trấn hai bên bảo vệ, công chúa Thiên-Ninh đứng trên bành voi quan sát ba mặt trận:- Mặt trận của hiệu Quảng-thánh: Việt, Tống dằng co khó biết bên nào thắng, bên nào bại. Vì hai đạo 14, 15 của Tống đông gấp hai, còn quân Việt thì thiện chiến, can đảm.- Mặt trận hiệu Ngự-long, hai sư của Lý Nhất, Mai-Nhất cùng Hùng Nhân, Nghĩa đánh với hai đạo 12, 13 thắng rõ rệt, quân Tống vừa chiến đấu, vừa lùi tới phù kiều; hai sư của Hùng Lễ, Kim-Loan đánh với đạo binh 16, 17 đang gặp nguy. Kim-Loan bị trúng một mũi tên vào vai trước, quận chúa nghiến răng nhổ tên, xé vạt áo băng lại, rồi tiếp tục xung sát. Hơn khắc sau, quận chúa lại bị trúng một mũi lao nhỏ vào bụng, tuy đau thấm tâm can, nhưng bà vẫn nghiến răng nhổ lao; ruột theo lao lòi ra ngoài. Bà lấy khăn choàng cổ buộc bụng lại.Phạm Dật đang đứng trên bành voi chỉ huy, thấy bà bị thương, hầu vội tung người xuống đỡ dậy:- Em! Em có đau lắm không?Phu nhân nghiến răng:- Không sao! Em còn chiến đấu được.Nói dứt lời quận chúa đứng dậy, tay cầm kiếm đứng chỉ huy. Trong khi quận chúa bị thương, quân Việt không có tướng trấn ở trước, mặt trận bị hở một khoảng, quân Tống đánh thẳng vào. Phạm Dật kinh hoàng, vội cùng Kim-Loan xung lên trước, nối lại được trận tuyến. Bấy giờ hầu mới tung mình lên bành voi để tiếp tục chỉ huy. Trong khi hầu lơ lửng trên không thì đội cung thủ Tống cùng buông tên. Hầu dùng kiếm gạt tên, nhưng năm mũi lọt lưới kiếm trúng người hầu. Hầu rơi xuống nằm ngang trên bành voi.- Mặt trận trung ương, thánh tăng Đạo-Hạnh, Minh-Không bị mấy trăm võ sĩ Tống bao vây, nên không còn bảo vệ được công chúa nữa.Bỗng cảm thấy đau nhói ở hông trái, công chúa đưa tay sờ vào mới biết mình bị trúng một mũi tên nhỏ, tên xuyên ngập gần tới chuôi. Tuy đau đớn cùng cực, công chúa vẫn nghiến răng cầm gươm đứng chỉ huy.Chợt thấy tiếng vũ khí chạm nhau của đội nữ võ sĩ im lặng, công chúa nhìn xuống: Số võ sĩ còn không quá trăm người, đội ngũ tả tơi; Triệu Tiết đang dẫn đội cung thủ tới. Tiết hô quân ngừng chiến, rồi nói với công chúa:- Công chúa! Đã đến tình trạng này mà công chúa còn chiến đấu chi vô ích? Công chúa hãy cùng đám nữ binh này lui về Thăng-long đi thôi. Tôi không muốn thấy người đẹp như công chúa mà phải chết dưới kiếm mình.Công chúa cười khổ sở:- Đa tạ Triệu tướng quân. Tôi là con cháu của vua Trưng, của công chúa Thánh-Thiên, Gia-Hưng thì khi quân bại, đành chết theo quân.Công chúa hỏi đám nữ võ sĩ:- Triệu tướng quân có nhã ý tha mạng cho các em, vậy các em bỏ chạy về Thăng-long đi thôi.- Không! Không! Không!Gần trăm nữ võ sĩ cùng lên tiếng khẳng định. Công chúa nói với Triệu Tiết:- Đấy! Tướng quân thấy đấy. Chúng tôi thà chết chứ không chạy.Triệu Tiết hô cung thủ:- Bắn, nhưng không được bắn vào công chúa.Đội cung thủ buông tên, đám nữ võ dĩ dùng vũ khí gạt tên, rồi lao mình đánh toả ra bốn phía, bất chấp tên bắn. Triệu Tiết tuyệt không ngờ đám con gái xinh đẹp lại liều chết chết như vậy, nên không đề phòng. Đội nữ võ sĩ lăn xả vào chém giết đội cung thủ Tống, thoáng một cái, hơn hai trăm cung thủ bị giết hết. Y kinh hoàng hô quân xung vào. Đội nữ thị vệ đã bỏ ra ngoài sống chết, đánh thục mạng; trong khoảng hơn một khắc gần nghìn quân Tống bị giết, mà đám nữ thị vệ chỉ còn lại không quá mười người, đầu tóc tả tơi, thương tích khắp người. Họ chống vũ khí đứng thở hổn hển.Triệu Tiết vừa kinh hoàng, vừa kính phục, y hô:- Nhảy vào ôm lấy, bắt sống.Quân Tống buông vũ khí, tung mình ôm lấy chín nữ thị vệ, rồi trói lại. Triệu Tiết truyền lệnh:- Đem qua sông băng bó cho họ.Nhưng y ngạc nhiên vô cùng, vì cả chín người đều ứa máu ra miệng, mắt trợn trừng. Một Đô-thống Tống lắc đầu:- Trình phó nguyên soái, họ cắn lưỡi chết hết rồi.Triệu Tiết quay lại: Võ sĩ Tống đang bao vây voi của công chúa Thiên-Ninh. Sợ công chúa tự tử, y tung người lên, dùng chiêu cầm nã bắt công chúa. Công chúa vọt người khỏi bành voi, vừa rơi xuống đất, thì quân Tống đã bao vây quanh. Triệu Tiết lạng mình tới phóng tay điểm vào huyệt Kiên-ngung công chúa. Công chúa lảo đảo ngã xuống. Tiết mừng quá, nhảy vào bắt sống.Khi tay y sắp chạm vào người công chúa, thì ai đó đánh y một chỉ, kình lực mạnh như bài sơn đảo hải ụp lên lưng y, khiến y phải tung người về trước đánh đòn. Nhưng người ấy lại đánh tiếp một chỉ nữa, chỉ trúng giữa ngực y chạm vào miếng hộ tâm kính đến choang một tiếng; dư lực đẩy y bật tung ra xa. Người ấy dùng chiêu cầm long công móc một cái, công chúa Thiên-Ninh bật tung lên cao. Người ấy cặp bà vào nách.Trong khi Triệu Tiết bị tung lên cao, y kinh hãi tự hỏi rất nhanh:- Kể về bản lãnh, ta ngang với Quách Quỳ, Thập-đại thần tăng Thiếu-lâm. Nếu có thua, chỉ thua Kinh-Nam vương mà thôi. Không biết ai mà có bản lĩnh này?Khi rơi xuống, y nhìn lại: Kẻ đánh y là một thiếu nữ sắc nước hương trời tuổi khoảng mười bẩy mười tám; chính thị công chúa Bảo-Hòa, mà y đã gặp mấy chục năm trước. Phía sau công chúa là bốn nữ đệ tử Mai, Lan, Cúc, Trúc cùng đội võ sĩ Tản-viên hơn ba trăm người đã đến từ lúc nào.Rùng mình, Tiết cung tay:- Cô nương, phải chăng cô nương là công chúa Bảo-Hòa?- Đúng thế, trí nhớ Triệu tướng quân tốt thực.- Tiểu tướng nghe cô nương tu thành tiên, trường sinh bất lão, trẻ mãi không già, thường bay lên trời. Đã là tiên sao cô nương còn đến chỗ chiến trường này làm gì?Tiên nương Bảo-Hòa cười:- Chủ đạo của tộc Việt định rằng: Dù tăng, dù tục; dù nam, dù nữ; dù già, dù trẻ; dù tiên, dù Phật... Khi đất nước hữu sự, cũng phải dùng hết sức mình để bảo vệ. Chính vì vậy, mà ta mới xuống đây.Không thấy năm thần tăng chữ Pháp với bọn Miêu Lý. Tiết hỏi:- Nghe nói ba đệ tử của công chúa đấu với ba đại thần tăng Thiếu-lâm để quyết định về tính mạng bọn Trương Thế-Cự, Miêu-Lý. Không biết bây giờ bọn họ đâu?- Họ đang ở Thăng-long.Tiên nương đáp: Trong ba trận đấu, đều hòa cả ba. Ta định để ngũ đại thần tăng trở đề đây, còn đem bọn Miêu Lý đi. Nhưng Kinh-Nam vương kịp xuất hiện, đem họ về Thăng-long, để sau này chính vương đưa họ về Tống, để họ không bị bọn hủ nho hạch tội khiến Tống triều giết cả nhà họ.Trong khi Triệu Tiết đối đáp với tiên nương, thì cả bốn đạo binh 16, 17, 18, 19 đã sang sông. Đạo 16, 17 cùng đạo 12, 13 vây tròn hiệu Ngự-long vào giữa. Đạo 18 đang đánh vào lưng hiệu Quảng-thánh. Đạo 19 dàn ra chỉ chờ lệnh là xung vào đánh đội đệ tử Tản-viên. Năm thần tăng Thiếu-lâm nằm dài trên đất, không biết sống chết ra sao?Triệu Tiết biết võ công tiên nương cực kỳ cao thâm, hơn nữa tiên nương ra tay cực nhanh, nên y phải ra tay trước. Thình lình y tung mình lùi về sau liền bẩy bước, rồi hô quân vây lấy tiên nương với đội võ sĩ Tản-viên. Tiên nương tung công chúa Thiên-Ninh cho một nữ đệ tử, rồi cùng Mai, Lan, Cúc, Trúc đồng quát lên một tiếng, tung ra năm chưởng liền. Hàng ngũ quân Tống bị đứt ra làm hai. Đội võ sĩ Tản-viên thừa thế đanh thẳng về trước, cắt trận tuyến đạo binh 19 làm ba làm bốn.Tiên nương nhấp nhô mấy cái, đã vượt qua hàng quân tới trước Triệu Tiết. Kinh hoàng, y tung vào người tiên nương một chưởng với tất cả bình sinh công lực. Tiên nương không đỡ chưởng của y, mà phát chiêu Nhân ngưu câu vong trong Mục-ngưu thiền chưởng đánh thẳng vào người y. Y đỡ được một chiêu, trong khi người lảo đảo lui lại. Tiên nương lại phát chiêu Kiến tích dã ngưu. Triệu Tiết nghiến răng đỡ, mắt y nảy đom đóm, tai phát ra tiếng vo vo, bật lui về sau bốn bước liền. Tiên nương lại phát chiêu Sơn trung tầm ngưu. Bùng một tiếng, Triệu Tiết bật lui liền ba bước, y oẹ một tiếng, miệng mửa ra một ngụm máu. Y xua tay tỏ ý chịu thua, rồi hỏi:- Công chúa, rõ ràng vừa rồi công chúa phát ba chiêu trong Mục-ngưu thiền chưởng. Tiểu tướng nghe Mục ngưu thiền chưởng do Bố-đại hòa thượng chế ra, dạy cho phò mã Thân Thiệu-Thái, mỗi chiêu gồm ba chiêu trong Phục ngưu thần chưởng. Đây là võ công chính tông dùng thiền công phát lực, thế sao vừa rồi tiểu tướng thấy dường như không phải, vì nó quá bá đạo.Tiên nương cười:- Kiến thức Triệu tướng quân khá rộng đấy. Phàm muốn xử dụng Mục ngưu thiền chưởng, thì phải bỏ ra ngoài ngũ uẩn, lục trần. Nhưng, ta không tu thiền nên không bỏ được những thứ đó, nên chưởng mới có sát thủ như vậy. (Độc giả muốn hiểu rõ về Mục ngưu chưởng xin đọc Thuận-Thiên di sử, quyển 3 của Yên-tử cư sĩ).Lợi dụng tiên nương đang nói, Triệu Tiết tung mình vào giữa trận quân Tống.Đến đó, mặt trận phía trái, hiệu Ngự-long đang chiến đấu tuyệt vọng. Phía phải, hiệu Quảng-thánh bị vây tròn, đang cố gắng chống trả. Tại chính giữa, thì thánh tăng Đạo-Hạnh, Minh-Không, cùng bọn Mai, Lan, Cúc, Trúc với mấy trăm đệ tử Tản-viên đang đánh đạo binh 19 đứt làm ba, làm bốn khúc.Sau hơn khắc nặng nề trôi qua, quân Tống càng thêm thắng lợi, hai hiệu Ngự-long, Quảng-thánh vẫn chiến đấu tuyệt vọng. Tiên nương Bảo-Hòa phất cờ lệnh cho hai hiệu tạm rút lui về phía Cổ-pháp. Nhưng dù đã ra lệnh đến ba lần, chư quân tướng cũng nhất định không chịu rút lui.Giữa lúc tuyệt vọng đó, thì, thình lình bên phía Bắc trại Tống có hàng nghìn tiếng trâu rống, rồi những chiếc xe trâu kéo, trên chứa đầy mã não hoàng thạch phát nổ. Trại Tống như chìm trong một biển lửa.Một đoàn hơn hai mươi chiếc thuyền con, từ nhánh sông Như-nguyệt ở Nam ngạn bơi ra nhanh như tên bắn. Trên mỗi thuyền chở khoảng ba chục thần nhân. Những thần nhân này bụng đóng khố, mình vẽ rằn rết như rồng, mặt đen như nhọ chảo, lưng đeo bảo đao. Khi thuyền ra tới sông Cầu thì đám người này nhảy ùm xuống nước lặn mất. Binh tướng Tống ngơ ngác không hiểu những gì đang xấy ra, thì ầm, ầm, ầm, những thần nhân từ dưới nước vọt lên như cá chép, đáp xuống phù kiều, tay vung đao chém quân Tống. Thoáng một cái, quân Tống trên phù kiều bị giết sạch. Đám thần nhân vung đao cắt dây buộc, thế là phù kiều bị cắt đứt hết, trôi lềnh bềnh về hướng Nam.Thấy bị tuyệt đường về, lại nữa hậu cứ đang phát nổ, bốc cháy. Quân Tống kinh hoàng, ngừng hẳn lại, không giao chiến nữa. Họ cùng nhìn về hậu cứ, lòng đầy lo lắng. Về phía quân tướng Việt thì biết rằng Nùng Trí-Cao với Quảng-Đông ngũ cái đã ra tay. Chư quân hân hoan không bút nào tả siết.Giữa lúc đó, từ hạ lưu sông Cầu, hai đoàn chiến thuyền kéo cờ Việt đang chèo tới như bay. Một đoàn kéo kỳ hiệu hạm đội Thần-phù, một đoàn mang kỳ hiệu hạm đội Bạch-đằng. Trên chiến thuyền, binh sĩ gươm đao sáng choang, chiêng trống rung động trời đất. Hạm đội Thần-phù đổ hiệu Hùng-lược ngay cạnh hiệu Ngự-long. Hạm đội Bạch-đằng đổ hiệu Vạn-tiệp ngay cạnh hiệu Quảng-thánh.Vừa lên tới bờ, hai hiệu Hùng-lược, Vạn-tiệp lăn xả vào tấn công địch. Quân Tống đang bị kinh hoàng vì phù kiều bị cắt, hậu cứ đang chìm trong biển lửa, bây giờ quân Việt có thêm viện binh đánh như sét nổ. Cuộc giao chiến không đầy hai khắc, quân Tống bị đánh bật về bờ sông, rồi binh, tướng cùng nhảy đại xuống sông bơi về Bắc ngạn.Tại mặt trận phía trái, từ lúc Phạm Dật, Kim Loan bị thương, thì Lý Nhất, Mai Nhất thay thế chỉ huy hiệu Ngự-long chống trả với hai đạo quân 12, 13, rồi sau thêm đạo 16, 17. Hiệu Ngự-long tuy thiện chiến, can đảm, nhưng một người không thể chống trả với bốn người. Hơn nữa chúa tướng Phạm Dật, Kim-Loan bị thương; Lý Nhất, Mai-Nhất phải bỏ chiến đấu, thay thế chỉ huy, nên sức mạnh bị giảm rất nhiều. May nhờ có Hùng Nhân, Nghĩa, Lễ võ công cực cao dẫn đầu đội đội hổ binh xung kích, nên cầm cự được từ sáng đến giờ.Từ lúc thấy hiệu Hùng-lược do Lý Thất, Mai-Thất đổ lên tiếp viện, binh tướng hiệu Ngự-long như hổ thêm cánh, lao vào tấn công địch.Tướng Tống chỉ huy đạo 12, 13 là Bình-Viễn, thấy nguy, y cầm kiếm cùng đội cận vệ đứng trên bờ chiến lũy, hễ binh tướng nào định nhảy xuống sông là chém liền, lập tức phòng tuyến Tống lại vững trở lại.Lý Thất nói với Lý Nhất, Mai-Nhất:- Sư huynh! Sư tỷ! Xin sư huynh sư tỷ yểm trợ để đệ giết tên Bình-Viễn này hầu giải quyết chiến trường cho mau.Lý Nhất, Mai-Nhất cùng vợ chồng Lý Thất vung đao chém xả về trước mười chiêu liền, hàng ngũ quân Tống dãn ra. Lý Thất, Mai-Thất nhấp nhô mấy cái đã tới trước Bình Viễn. Viễn thấy đôi thiếu niên nam nữ còn trẻ lao tới thì coi thường, y quay kiếm hai vòng rồi đưa một chiêu vào cổ Lý Thất. Thất không tránh, mà còn lao đầu tới như không nhìn thấy đối thủ, trong khi Mai-Thất dùng đàn chỉ thần công bắn vào người y hai viên thuốc. Vì nàng dùng âm kình, nên hai viên thuốc bay đến không có tiếng động. Khi kiếm Bình Viễn tới ngực Lý Thất, thì cũng vừa đúng lúc hai viên thuốc trúng huyệt Khúc-trì của y. Cánh tay y mất kình lực, kiếm rơi xuống, tiếp theo đầu y bay khỏi cổ.Chúa tướng bị giết, trận quân Tống bị vỡ liền. Không đầy một khắc, toàn bộ bốn đạo 12, 13, 16, 17 lớp bị giết, lớp nhảy xuống sông bị chìm, lớp đầu hàng.Đến đây, tại mặt trận trung ương, thủy quân thuộc hạm đội Thần-phù cùng đội võ sĩ Tản-viên đã thanh toán xong đạo binh 19.Mặt trận phía phải, các hiệu Quảng-thánh, Vạn-tiệp, thủy quân hạm đội Bạch-Đằng đang vây đánh ba đạo binh 14, 15, 18. Lý Cửu, Mai-Cửu chỉ huy hiệu Vạn-tiệp chặn ngay bờ sông, khiến quân Tống không còn đường rút về Bắc. Mặt trận này do tướng Diêu Tự chỉ huy. Về tài dùng binh, y chỉ có bản lĩnh trung bình, nhưng võ công y cực cao. Diêu Tự thân cầm thương đi đầu mở đường máu.Thấy vợ chồng Lý Cửu còn trẻ, Tự khinh thường, dùng thương đâm vào Mai-Cửu. Mai-Cửu dùng kiếm gạt. Choang một tiếng, kiếm của bà vuột khỏi tay bay lên trời, trong khi người bà như tê liệt. Âu Hoàng vội bỏ đội ngũ, xả kiếm chém vào lưng Diêu Tự cứu sư muội. Tự quay tít thương xông về trước. Thương chạm phải kiếm của Âu Hoàng, choang một tiếng thương của Tự súyt bay khỏi tay. Y bỏ thương phát chưởng đánh vào người Âu Thanh, Âu Huyền để mở đường máu. Bùng, bùng, Âu Thanh, Âu Huyền bật lui về sau, trong khi Diêu Tự cũng cảm thấy rung động toàn thân. Nhờ tam Âu bị bật lui, vòng vây mở ra, y cùng quân tướng tung mình nhảy xuống sông.Khi Diêu Tự đang lơ lửng trên không, thì một người từ chiến thuyền vọt lên cao như con đại bàng chụp y. Kinh hoàng y phát chưởng đánh vào người này. Bình một tiếng, bị bay tung ra giữa sông, Diêu Tự lộn một vòng rồi đáp xuống. Khi chạm chân, y mới biết mình rơi giữa một chiến hạm. Bấy giờ y mới nhìn lại, thì ra người đối chiêu với y là một võ tướng trong y phục đô đốc. Y nhận ra đó là đô đốc Trần An, chỉ huy hạm đội Bạch Đằng.Không nói, không rằng, y phát một chiêu với tất cả bình sinh công lực đánh vào người Trần An để thoát thân. Đô đốc Trần An phát chiêu Đông-hải lưu phong của phái Đông-a trả đòn. Hai chưởng chạm nhau đến bùng một tiếng. Cả hai đều bật lui ba bước. Qua một chiêu, Diêu Tự biết võ công đối thủ có đôi chút trội hơn mình. Y cười nhạt một tiếng, rồi tung mình xuống sông. Nhưng khi y đang lơ lửng trên không, thì cảm thấy kình lực bị mất hết, rồi như hai, ba con dao đâm vào ngực. Y lại rơi xuống chiến thuyền, tay ôm bụng bật lên tiếng " ái ".Biết mình bị trúng độc chưởng, Tự vừa run lẩy bẩy vừa hỏi Trần An:- Đô đốc! Ta nghe đô đốc là con trai của tư mã Kinh-châu Trần Trung-Đạo, thời vua Nhân-tông bản triều được thăng tới Phiêu-kị đại tướng quân tổng lĩnh Ngự-lâm quân. Võ công của người thuộc danh môn chính phái, mà sao nay đô đốc lại dùng Chu-sa Huyền-âm chưởng hại ta? Ta không phục!Trần An lắc đầu:- Ta nào biết xử dụng võ công tà môn này? Vừa rồi người đối chiêu với ba sư muội của ta là Âu Hoàng, Thanh, Huyền; cả ba trước đây là kỳ chủ trong Hồng-thiết giáo Chiêm. Bởi công lực người quá cao, ba sư muội của ta phải dùng hết bình sinh công lực phát chiêu để bảo vệ mạng sống, vì thế họ không kiềm chế được độc tố, mới khiến người bị thương.Trần An truyền quân trói Diêu Tự lại.Thấp thoáng bóng nâu, một người râu tóc bạc phơ, nhưng mặt lại còn rất trẻ xuất hiện. Người đó phóng tay điểm mấy chỉ vào người Diêu Tự. Bao nhiêu cái đau biến mất. Tự nhìn lại, y bật lên tiếng kêu:- Phải chăng người là Phiêu kị đại tướng quân Trần Trung-Đạo? Xin đại tướng quân nghĩ tình cố cựu mà cứu tiểu tướng một phen.Trung-Đạo móc trong túi ra một cái hộp, lấy ba viên thuốc bỏ vào miệng Diêu Tự:- Hỡi ơi! Diêu tướng quân là một hào kiệt, kỳ tài thiên hạ; chỉ vì tham vọng ngu xuẩn, mà Hy-Ninh, Vương An-Thạch đẩy tướng quân vào tuyệt lộ như thế này. Ta tặng tướng quân ba viên thuốc giúp người thoát khỏi đau đớn trong 49 ngày. Trong 49 ngày đó, tuyệt đối không được xử dụng võ công, cũng không nên dùng sức. Nhớ nhé! Sau đó người có thể tìm Kinh-Nam vương, xin vương cứu mạng cho. Thôi, người hãy sang sống đi.Trung-Đạo túm áo Diêu Tự tung một cái, người y tà tà đáp xuống Bắc ngạn sông Cầu.Ghi chú,QTNC và TTCTGCK đều chép rằng: Sau khi bị bắt được tha về, Diêu Tự không muốn xuất trận nữa. Quách Quỳ cũng không muốn dùng y vì nghi ngờ.Trời đã về chiều.Sau trận chiến kinh tâm động phách, quân Tống bị mất 10 đạo chính binh thiện chiến nhất. Còn về phía Việt, tổn thất cũng rất nặng; hiệu Ngự-long chỉ còn một phần ba; hiệu Quảng-thánh còn một nửa; đội nữ thị vệ hy sinh trọn vẹn. Dọc chiến lũy Như-nguyệt, xác người, xác ngựa, vũ khí, dụng cụ trải dài ra trên một vùng hơn hai mươi dặm.Vì công chúa Thiên-Ninh bị trọng thương, tiên nương Bảo-Hòa tạm cử đô đốc Trần An, Trần Hải thay thế tổng trấn chiến lũy Như-nguyệt. Hoàng nam, hoàng nữ các làng xung quanh đã chở tre, gỗ tới để tu bổ các lớp rào bị phá.Tù binh Tống được tập trung để thu dọn xác chết tử sĩ. Dọc bờ Nam ngạn sông Cầu, hai hạm đội Thần-phù, Bạch-đằng dàn ra, cờ xí bay phất phới.Bây giờ tiên nương Bảo-Hòa mới hỏi Thân Mai:- Công chúa Thiên-Ninh, Phạm Dật, Kim-Loan đâu?- Thưa sư phụ tất cả đã được đặt trên chiếc xe, con định đưa họ về Thăng-long để điều trị.Tiên nương tới bên chiếc xe tứ mã. Phạm Dật bị trúng bốn mũi tên, thuốc độc đã ngấm, nên nằm mê man. Kim-Loan tuy còn tỉnh táo, nhưng hơi thở rất yếu. Công chúa Thiên-Ninh đang thiêm thiếp, mơ mơ tỉnh tỉnh. Tiên nương vừa nắm lấy công chúa Thiên-Ninh chẩn mạch, thì có tiếng nói rất êm đềm ngay bên cạnh:- Chị Bảo-Hòa, để em cứu Thiên-Ninh, may ra còn hy vọng gì chăng?Tiếng nói vừa dứt, thì tiên nương Thiếu-Mai, Linh-Nhân hoàng thái hậu với nguyên soái Thường-Kiệt tới.Lễ nghi tất.Thiếu-Mai tiến lên, dùng chỉ điểm vào mấy yếu huyệt ba người, nhổ tên trên người Thiên-Ninh, Phạm Dật ra, rồi lấy thuốc trị thương băng bó lại. Bấy giờ tiên nương mới bắt mạch công chúa Thiên-Ninh, Phạm Dật, Kim-Loan.Mọi người hồi hộp theo dõi nét mặt của tiên nương, khi thì chau mày, khi thờ mở to mắt ra, cũng có lúc lại lắc đầu. Bắt mạch xong, tiên nương móc trong bọc ra hộp thuốc, bỏ vào miệng mỗi người ba viên, rồi dặn y sĩ:- Đại phu ngồi đây coi chừng, sau một giờ không thấy người nào tỉnh dậy, thì gọi tôi.Mọi người rời xa xe. Linh-Nhân hoàng thái hậu hỏi:- Thưa sư thúc, còn hy vọng gì không?- Tình trạng thương thế ba người quá nặng, ngoài khả năng của thầy thuốc. Cho đến giờ phút này thì tôi chưa thể nói trước được rằng có cứu nổi họ hay không. Sống chết có mệnh.Đô đốc Trần An, Trần Hải dẫn Tiên nương Bảo-Hòa, Linh-Nhân hoàng thái hậu, nguyên soái Lý Thường-Kiệt đi duyệt lại phòng tuyến Như-nguyệt một lượt rồi tường trình về trận đánh kinh thiên động địa vừa qua:- Về quân số, hiệu Ngự-long bị tổn thất ba phần tư. Hiệu Quảng-thánh tổn thất một nửa. Xin dùng quân của các hiệu địa phương bổ xung.Nguyên soái Thường Kiệt chấp thuận ngay.- Đội nữ thị vệ tuẫn quốc hoàn toàn. Đội hổ, báo còn được một nửa. Đội sói, voi chết hết. Về tướng, thì Hùng Nhân, Nghĩa, Lễ bị thương nặng. Âu Hoàng, Thanh, Huyền bị thương nhẹ. Công chúa Thiên-Ninh, Thiện-tâm hầu Phạm Dật với quận chúa Kim-Loan bị thương trầm trọng. Bên Tống, các đạo binh 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16 hoàn toàn bị tiêu diệt. Các đạo 17, 18, 19 bị tổn thất một nửa. Về tướng lãnh, năm nhà sư chữ Pháp bị hai thánh tăng bắt sống. Kinh-Nam vương sai sứ giả lĩnh tất cả tù binh đem về giữ tại Thiên-trường. Tướng Bình Viễn bị Lý Thất, Mai-Thất giết tại trận. Tướng Diêu Tự bị Âu Hoàng, Thanh Huyền đánh trọng thương, được phụ thân thần ân xá cho về với Tống.Đô đốc Trần An xuất trong bọc ra một tờ giấy, rồi trình tiếp:- Về mặt trận bên Bắc ngạn, thần nhận được tin tức tế tác cho biết rằng Nhân-Huệ hoàng đế Nùng Trí-Cao, hoàng hậu Tạ Thuần-Khanh, Quảng-Đông ngũ cái huy động đội đệ tử Việt-kiều bên Chiêm tung 600 xe trâu chứa chất nổ đánh phá hậu quân Tống. Kết quả hơn phân nửa doanh trại bị cháy, tám kho chứa lương thảo bị đốt cháy mất ba. Đội trâu bị chết hết. Còn Nùng Trí-Cao, Quảng-Đông ngũ cái với đội đệ tử đã được hạm đội Thần-phù chở về chiến lũy Vạn-xuân.Đến đó, mọi người nhìn sang Bắc ngạn: Quân Tống đang dùng một đoàn trâu cùng với đội thiết đột, cung thủ núp phía sau mấy ụ đất để phòng thủy quân Việt đổ bộ.Bỗng Linh-Nhân hoàng thái hậu cau mày, rồi mặt ngài trở nên ngơ ngơ ngác ngác như xuất thần. Không ai hiểu tại sao cả. Thình lình ngài vận nội lực hướng mặt sang Bắc ngạn hú lên một hồi dài miên miên bất tuyệt. Vì nội công âm nhu của ngài đã luyện đến mức thượng thừa, nên tiếng hú vang đi rất xa:- Nghé ơ! Nghé à! Nghé!Trong khi ngài hú, thì đoàn trâu của Tống cùng nghểnh cổ hướng về Nam lắng nghe, mắt mở thực to. Chư tướng Việt đều nhận thấy trên sừng trâu có buộc dao nhọn. Bụng trâu buộc dáo dài chĩa về trước, trong tư thế bảo vệ phòng tuyến.Khi Thái-hậu hú đến hồi thứ hai, lập tức đoàn trâu cùng rống lên rung động cả bờ sông rồi quay đầu húc vào đội thiết đột. Bị bất ngờ, đội thiết đột bỏ chạy tán loạn, miệng la lớn:- Trâu điên! Trâu điên!Thái-hậu lại hú lên một hồi thứ ba, lập tức đoàn trâu bỏ không đuổi theo quân Tống nữa, mà chạy ra bờ sông, rồi bơi về Nam ngạn.Đô đốc Trần An vội ban lệnh cho chư quân:- Chuẩn bị chống bầy trâu điên!Linh-Nhân hoàng thái hậu xua tay:- Hãy mở cửa chiến lũy cho cô phụ. Mau!Quân sĩ vội mở cửa chiến lũy. Thái-hậu tung mình đến đứng trấn ở cửa, rồi lại hú lên một tiếng dài. Đoàn trâu theo cửa chiến lũy lên bờ. Lát sau, một trăm tám mươi mốt con trâu đều đã lên bờ xong. Cổng chiến lũy đóng lại. Bầy trâu cùng quỳ xuống hướng Thái-hậu hành lễ. Thái-hậu âu yếm vuốt sừng từng con một, cử chỉ cực kỳ thân ái như mẹ với con.Bấy giờ tướng sĩ mới nhìn lại: Nhờ dấu đóng ở lưng, mà họ nhận ra tất cả bầy trâu đều là trâu Đại-Việt, trước đây đem cống sang Tống. Trong đó có con trâu mộng ở Thổ-lội mà hồi còn thơ, Thái-hậu đã cứu nó thoát chết. Thái-hậu đang vuốt ve đầu nó, cả trâu lẫn Thái-hậu đều không cầm được nước mắt, sau 11 năm xa cách.Đô đốc Trần Hải, chỉ huy hạm đội Thần-phù hỏi:- Tâu Thái-hậu, phải chăng Thái-hậu sai trâu tấn công binh Tống, rồi gọi chúng sang sông?- Đúng vậy! Nguyên thời thơ ấu tôi đi chăn trâu, nhờ thế mà học được thuật sai khiến trâu của mục đồng. Ban nãy, khi nhìn sang sông, tôi nhận ra bầy trâu này là trâu của ta cống Tống; tôi mới vận công sai chúng đánh bọn thiết đột để khỏi bị thiết đột ngăn cản, rồi mới gọi chúng về đây.Một đoàn người ngựa từ phía Nam phi tới như bay, mọi người nhận ra bốn kị mã dẫn đầu là thế tử Trần Vị-Hoàng, Thiên-Trường, Linh-Cơ và quận chúa Minh-Thúy. Phía sau là năm thần tăng Thiếu-lâm chữ Pháp: Tuệ, Minh, Đức, Thiên, Hạ; bọn Miêu Lý, Lưu Mân, Trương Thế-Cự, với hơn trăm tướng nhỏ ở cấp thiên tướng, đô thống; hơn ba trăm võ sĩ Thiếu-lâm.Đô đốc Trần An tiến ra chặn trước:- Các sư đệ với sư muội đi đâu đây?Anh em Trần Vị-Hoàng nghiêng mình hành lễ:- Xin tham kiến sư huynh. Phụ vương đệ có biểu dâng lên Thái-hậu.Tuy là sư huynh, sư đệ đồng môn, bốn anh em Vị-Hoàng là con của sư thúc Tự-Mai thực, nhưng họ cũng là con của công chúa Huệ-Nhu bên Tống; nên Trần An ra hiệu cho họ dừng vó ngựa, rồi đem biểu trình cho Linh-Nhân hoàng thái hậu.Cao nhất là tiên nương Bảo-Hòa, Thiếu-Mai, Linh-Nhân hoàng thái hậu, nguyên soái Thường-Kiệt cho tới chư tướng đều khâm phục cách hành xử của đô đốc Trần An, với anh em Vị-Hoàng.Linh-Nhân hoàng thái hậu nói với chư tướng:- Chư tướng phải học lấy cung cách nhã nhặn của ba vị thế tử với quận chúa Minh-Thúy cùng phép duy trì quân luật của đô đốc Trần An.Không biết trong thư Kinh-Nam vương nói gì, mà sau khi đọc xong, Linh-Nhân hoàng thái hậu cất vào bọc, rồi ban chỉ cho đô đốc Trần An:- Đô đốc cấp thuyền cho ba vị thế tử với quận chúa dẫn chư tướng Tống với các cao thủ bị cầm tù sang sông. Xin đem cả năm vị thần tăng mới bị bắt là Pháp Tiên, Trị, Quốc, Cách, Vật sang sông một thể.Tiên nương Thiếu-Mai nói nhỏ vào tai Thái-hậu mấy câu. Thái hậu lại tuyên chỉ:- Xin Đô đốc sai chở tất cả tù binh, thương binh trong trận đánh hôm nay cho ba vị thế tử mang về trao trả nguyên soái Quách Quỳ.Đến đấy viên y sĩ trông coi công chúa Thiên-Ninh, thượng tướng quân Phạm Dật, quận chúa Kim-Loan đến báo với tiên nương Thiếu-Mai:- Khải tiên nương, cả ba vị đều không tỉnh lại.Tiên nương Thiếu-Mai nói với Linh-Nhân hoàng thái hậu:- Tâu Thái-hậu, thần bất tài, không cứu nổi ba người. Vậy bây giờ chỉ có cách dùng nội công thượng thừa làm cho họ tỉnh rồi ra đi, hơn là để mê man như vậy.Mọi người cùng lại chỗ xe đặt ba vị nằm. Tiên nương sẽ đỡ ba vị đặt ngồi dựa lưng vào thành xe. Sắc mặt ba vị cực kỳ bạc nhược, chỉ còn thoi thóp thở. Bắt mạch ba vị xong, tiên nương đưa mắt cho tiên nương Bảo-Hòa, hai thánh tăng Minh-Không, Đạo-Hạnh. Ba vị cùng vận công rồi chĩa ngón tay chỏ về trước. Tiên nương Bảo-Hòa điểm vào huyệt Đản-trung công chúa Thiên-Ninh; Thánh-tăng Đạo-Hạnh điểm vào huyệt Aán- đường quận chúa Kim-Loan; Thánh-tăng Minh-Không điểm vào huyệt Trung-uyển thượng tướng quân Phạm Dật. Cả ba cùng rung động, sắc mặt trở nên tươi hồng như khi khỏe mạnh, nhưng mắt vẫn còn nhắm.Tiên nương Thiếu-Mai khẽ vỗ vào vai công chúa Thiên-Ninh một cái.