Đằng trước tòa nhà hình ống tại phía nam Bồng Tễ Viên là cây cỏ mọc xanh um.
Trên mặt cỏ mang theo bọt nước dựng một chiếc bàn đá tròn trịa trơn bóng, trên bàn đặt một ván cờ đang chiến đấu hăng say.
Khi Thư Ngọc đi đến tòa nhà phía nam thì trông thấy hai ông cụ đang vò đầu bứt tai giương mắt nhìn bàn cờ.
Trong lòng cô không khỏi nảy sinh tiếng chuông cảnh báo, Thư Ngọc nhanh chóng kéo Cô Mang xoay người bỏ đi, thế nhưng vẫn chậm một bước.
Một trong hai ông cụ không hề ngẩng đầu mà nói: “Nha đầu tới rồi.”
Thư Ngọc dừng bước, chậm rãi xoay người lại: “Ông nội, ông ngoại.”
Ông cụ còn lại vẫy tay với cô: “Lại đây, giúp ông xem ván cờ này.”
Trong nháy mắt Thư Ngọc lộ ra khuôn mặt khổ sở: “Hai ông từ từ chơi nhé, con đi lấy chút trà bánh đến…” Đùa à, hứa một cái là cả ngày phải dây dưa trong này.
Còn chưa kịp dời bước thì chợt nghe ông cụ ở đằng sau cất tiếng: “Con có thể đi, nhưng để người đàn ông của con ở lại.”
“Ông ngoại ——” Thư Ngọc kêu lên.
“Thế nào?” Tạ Tri Viễn nhíu mày, trừng hai mắt, Thư Ngọc im bặt ngay lập tức.
Tạ Tri Viễn nói tiếp: “Người trẻ tuổi ngày nào cũng dính với nhau thì còn ra thể thống gì? Đam mê sắc đẹp hỏng việc, đạo lý này có hiểu không?”
Câu cuối cùng rõ ràng là nói cho Cô Mang nghe.
Cô Mang hắng giọng một tiếng, xoay đầu qua chỗ khác.
Thư Ngọc vẫn chưa bỏ cuộc, cô nhảy hai ba bước đến bên cạnh Đàm Phục, kéo tay áo ông cụ làm nũng: “Ông nội ông nội, hai ông chơi cờ nhé, con và Cô Mang sẽ không quấy rầy hai người được không?”
Đàm Phục nhấc mí mắt liếc nhìn Thư Ngọc, lặng lẽ thu lại tay áo trong tay cô. Sau một lúc lâu, ông nói tiếp lời của Tạ Tri Viễn: “Suốt ngày dính với nhau thì thôi, thế mà chẳng dính ra được tin tức gì.”
Thư Ngọc ngơ ngác, ngay sau đó lập tức lúng túng: “Ông vội gì chứ…”
Đàm Phục trừng mắt: “Vội gì? Con nói ông vội gì hả? Con đó bỏ hai lão già lẻ loi hiu quạnh ở nhà, chẳng nói tiếng nào mà chạy đi mất tới trấn Thanh Hà, còn có lý lẽ nữa sao? Mau sinh một đứa bé chơi cùng chúng ta, đỡ phải mỗi ngày chúng ta đều hoảng sợ lo lắng đồ không lương tâm là con khi nào thì chạy đi mất nữa.”
Thư Ngọc bị giáo huấn đến mức không nói được một câu. Hồi lâu sau cô mới tìm được lời nói để ngụy biện: “Con không phải sợ hai ông lớn tuổi rồi, bị con nít làm ồn không được thanh thản sao…”
Lúc này Tạ Tri Viễn trừng mắt: “Không phiền con lo lắng, con sinh ra một đám nhóc chúng ta sẽ nuôi dưỡng chúng cho con.”
Thư Ngọc bóp trán. Càng nói càng thái quá…
Tạ Tri Viễn liếc nhìn Cô Mang một cái, nói lời sâu xa: “Người trẻ tuổi, phải cố gắng lên đi.”
Cô Mang: “…”
“Còn lề mề ở đây làm gì? Không phải con nói muốn đi lấy trà bánh sao?” Tạ Tri Viễn quát lên.
Thư Ngọc mau chóng đứng dậy, theo bản năng kéo Cô Mang chạy cùng, nhưng bị Tạ Tri Viễn gạt tay ra: “Tự con đi lấy.”
Sau khi ném ánh mắt lực bất tòng tâm cho Cô Mang, Thư Ngọc chạy đi nhanh như chớp.
Cô Mang đứng tại chỗ vô cùng bất đắc dĩ, cứ thế mà bị vợ bỏ rơi rồi.
“Thất thần làm gì, qua đây ngồi.” Đàm Phục nói.
Cô Mang nghe lời đi qua, ngồi cạnh bàn đá.
Ván cờ không vì vừa rồi có người xen vào mà gián đoạn. Quân cờ bằng gỗ đặt trên bàn vang lên tiếng lách tách. Kỳ thủ tài giỏi, mỗi một nước đi là một càn khôn.
“Nghe nói hai đứa ở Nam Kinh gặp phải phiền phức.” Đàm Phục vừa đặt quân cờ xuống vừa nói.
Cô Mang đáp: “Dạ.”
“Là phía nào làm?” Đàm Phục hỏi.
“Quý tộc tiền triều còn sót lại,” Cô Mang đáp, “Thông đồng với người của hai phía Nam Bắc.”
Đàm Phục chỉ ván cờ: “Cậu thấy khả năng thống nhất của Nam Bắc có bao nhiêu.”
Cô Mang nhìn bàn cờ cũ xưa. Hai phía chiến đấu sít sao tại con sông ranh giới, nhưng cho dù là phía Nam hay Bắc, khi suy nghĩ có nên vượt qua biên giới hay không, cả hai đều phải cẩn thận từng li từng tí. Chỉ cần ngửi được hướng gió không đúng, lập tức lui về trận doanh ban đầu.
“Nam Bắc thống nhất là xu thế tất yếu.” Cô Mang nhìn toàn diện trả lời.
Tạ Tri Viễn nở cụ cười ha ha: “Tiểu tử, bọn họ nói cậu là cáo, quả nhiên lời nói không sai.”
Đàm Phục chỉ bờ sông ranh giới: “Cậu ở đây, tạo ra đường cân bằng. Ta ở trong này.” Ngón tay từ ranh giới của trận doanh Nam Bắc chuyển qua trận địa phía Bắc, “Tạ công của cậu đang ở ranh giới phía Bắc, nhưng thế lực lại hoàn toàn sai hướng trải rộng sang ranh giới phía Nam.” Nói xong ông lấy Nam Kinh làm trục vẽ một vòng tròn.
Giờ phút này nhìn lại, mặc dù ván cờ rối loạn nhưng đạt được một sự thống nhất kỳ lạ. Song, sự cân bằng này đương nhiên không thể duy trì mãi mãi, mỗi một sự thay đổi vị trí của quân cờ sẽ ảnh hưởng toàn bộ ván cờ.
Rút dây động rừng.
Lợi thế ẩn hình không thấy đâu, quân ngầm có mưu đồ phá hoại sự cân bằng như hổ rình mồi.
“Tiểu tử, cậu nói đúng. Nam Bắc thống nhất là xu thế tất yếu, nhất định là theo chiều hướng đó. Nhưng người thống nhất Nam Bắc không phải là ta và Tạ công, cũng không phải là cậu. Lợi thế cũ xưa đã mục nát, lợi thế mới sẽ từ dưới đất mà chui lên.”
***
Phòng bếp tại tòa nhà phía nam, từ trong lò nướng Thư Ngọc lấy ra bánh ngọt vừa mới nướng xong, nhưng miệng cô lại phàn nàn: “Ông nội và ông ngoại thật sự xấu quá, ngày nào cũng lấy cháu ra làm trò đùa.”
Lão quản gia cười ha hả nói: “Nha đầu, hai vị lão tiên sinh rất thương cháu. Cháu không nói tiếng nào chạy đi trấn Thanh Hà, thật sự khiến bọn họ lo lắng. Khi ấy cục diện chính trị tại phía Bắc bất ổn, nếu như kẻ khác cố tình bắt cháu thì làm sao đây?”
Thư Ngọc gục đầu xuống: “Là cháu không biết suy nghĩ.”
“Cũng may nhờ tiểu tử Cô gia, một tay ổn định cục diện chính trị, còn dẫn cháu trở về.” Lão quản gia cảm thán, “Cô gia chưa từng góp phần vào giới chính trị, ai ngờ thế hệ này xuất hiện một Cô Mang. Nhưng mà, đáng tiếc đáng tiếc.”
Đáng tiếc lão đương gia của Cô gia không phải người chủ tinh mắt nhận biết châu báu.
Thư Ngọc chia ra bánh ngọt trên khay, bỗng nhiên ngó thấy một cái hộp nhỏ hình vuông màu đỏ đặt ở một bên khay.
Bên ngoài bọc lớp vải đỏ thắm, phía trên thêu một đóa cúc vạn thọ.
Đây không phải là hộp tú hoa châm mà Khưu Bình Bình muốn tìm sao? Thư Ngọc ngẩn ngơ, theo bản năng mở hộp ra.
Ai ngờ bên trong không có vòng xoay kim chỉ mà cô dự đoán.
Trong hộp lót tấm vải nhung mềm mại, trên tấm vải là một đóa cúc vạn thọ bằng thủy tinh, đóa hoa thủy tinh kia đè lên một tờ giấy nhỏ.
Thư Ngọc nheo mắt nhìn gần hơn, bên tai nghe được lão quản gia nói: “Con trai trưởng của Khưu gia tuần sau cử hành hôn lễ, ông nội cháu đồng ý cho bọn họ mượn bắc viên (khu vườn phía bắc) của Bồng Tễ Viên làm nơi tổ chức hôn lễ.”
Khưu Bình Bình tới đây là vì hôn lễ của anh cả. Thư Ngọc bừng tỉnh hiểu ra.
“Cô dâu xinh đẹp không ạ?” Thư Ngọc bỗng nhiên đầy hứng thú.
Lão quản gia im lặng, sau một lúc lâu mới đáp: “Cô dâu rất xinh, chỉ là…”
Cửa phòng bếp mở ra từ bên ngoài, Diêm Phong ló nửa người vào.
“Trà bánh xong chưa? Tạ công đang thúc giục.” Anh ta thản nhiên lướt nhìn phòng bếp, ánh mắt cuối cùng dừng lại trên người Thư Ngọc.
Thư Ngọc giật mình: “Xong rồi xong rồi, đưa cái này đi đi…” Dứt lời, cô bưng lên khay nước trà nhét vào tay Diêm Phong, còn mình thì cầm khay đựng bánh ngọt đi ra ngoài.
Diêm Phong cau mày nhìn chằm chằm cái khay thình lình xuất hiện trong tay.
Thư Ngọc ở đằng trước hối thúc: “Đi thôi.”
Diêm Phong lặng lẽ theo sát bước đi của cô.
“Tổ trưởng, anh tới Bồng Tễ Viên là vì tham dự hôn lễ của Khưu gia ư?” Thư Ngọc vừa đi vừa quay đầu hỏi.
Diêm Phong đáp: “Tôi tới là vì chuyện khác, tiện đường thay mặt thầy tham dự hôn lễ của con trưởng Khưu gia.”
Thư Ngọc nghi hoặc trong lòng: “Ông ngoại không tham dự hôn lễ?”
Diêm Phong nhìn cô một cái: “Thầy luôn không có hứng thú với những việc này.” Tạ công ít giao du với bên ngoài, đã lâu rồi không tham gia những hoạt động của tiểu bối. Chuyện không quan trọng thì đừng động đến Đàm công và Tạ công, càng đừng nói đến một cuộc hôn lễ của Khưu gia.
Thư Ngọc nhịn không được lại hỏi: “Thế tại sao cho Khưu gia mượn Bồng Tễ Viên làm nơi tổ chức hôn lễ?”
Trong mắt Diêm Phong có một tia kinh ngạc: “Em không biết ư?”
“Biết gì?” Thư Ngọc mù mờ.
“Cô dâu của hôn lễ này là người trong họ của bà nội em.” Diêm Phong đáp.
Bà nội? Thư Ngọc sững sờ. Trước khi cô sinh ra thì bà nội đã qua đời, trưởng bối trong nhà chưa bao giờ kể lại chuyện của bà nội, cô nghe ngóng được một ít chuyện về bà nội từ những lão bộc trong nhà.
Cô chỉ biết bà là một mỹ nhân thời xưa, từ bỏ đại gia tộc, một mình gả cho ông nội là quân nhân. Trong cuộc sống ngắn ngủi của vị mỹ nhân đó, bà đã sinh cho chồng một đứa con trai.
Ông nội không hề nhắc đến bà nội, trong gia phả cũng chẳng tìm ra bức họa của bà. Nhưng từ sau khi bà nội mất, ông nội không kết hôn nữa, một thân một mình cho tới giờ.
Người trong họ của bà nội là loại người thế nào? Thư Ngọc không thể nào biết được.
Khi nói chuyện, hai người đã đi tới cạnh một hồ nước nhỏ.
“Ở đó có người.” Thư Ngọc nhỏ giọng nói với Diêm Phong.
Bốn phía xung quanh hồ nước nhỏ là cây liễu lả lướt, nơi cành liễu phất phơ có bóng người duyên dáng hiện ra.
Diêm Phong dừng bước, nhìn sang phía hồ nước. Tòa nhà phía nam tại Bồng Tễ Viên là nơi trú ngụ của hai ông Đàm Tạ, người ngoài không được đi vào. Tôi tớ tại tòa nhà phía nam ra vào có giới hạn, không thể tự mình rời khỏi chỗ. Giờ phút này người ở cạnh hồ nước này là ai?
Diêm Phong đẩy mạnh cành liễu ra, chợt nghe đằng sau đó vang lên tiếng “Y ——”. Anh ta nhướng mày, cánh tay vươn tới, lôi ra người phía sau cây liễu.
Thư Ngọc thấy rõ dáng vẻ của người nọ, cô không khỏi ngẩn ngơ.
Đó là một cô gái rất xinh đẹp. Da trắng tóc đen, tròng mắt đen láy, đôi mắt to mông lung như chứa đựng sương mù. Dưới mắt trái của cô gái xăm một đóa hoa bằng chu sa, khéo léo tinh xảo, xem hình dạng tựa như là một đóa hoa nhài.
Cô gái hiển nhiên sợ hãi, giống như nai con bị bắt, run rẩy nhìn về phía Diêm Phong và Thư Ngọc.
“Cô là ai?” Thư Ngọc có phần không đành lòng.
Cô gái mở miệng kêu “y, y” mấy tiếng, nhưng không phát ra âm phù hoàn chỉnh.
Thư Ngọc và Diêm Phong ngơ ngác nhìn nhau.
Cô gái này là một người câm.