Nàng Iđo

Chương 23: Chương 23




I-đo cảm thấy xấu hổ sau chuyện xẩy ra, cả tuần, nàng không dám nhìn vào mặt Tro-bo.

Bây giờ, Tro-bo sẽ nghĩ về nàng thế nào? Phải giải thích với chàng sao đây về việc nàng đã dậy sớm và đi đến cối xay? Vì sao nàng lại phải chui vào vườn nấp?

Sợ Tro-bo hiểu lầm hành động của mình, nàng đã đối xử với Tro-bo lạnh nhạt hơn.

Nàng còn xấu hổ hơn, mỗi khi nghĩ đến ông bác sĩ đã mở cúc áo ngực của nàng trước những người đàn ông. Rồi nàng lại còn nằm trong cánh tay Tro-bo nữa chứ! Cứ nghĩ đến điều đó nàng lại ngượng chín người.

Tro-bo cảm thấy một tình cảm biết ơn, và gần gũi đối với I-đo. Dù cho quá khứ I-đo có thế nào đi nữa, thì chàng vẫn nhận thấy trong trái tim nàng chỉ có những tình cảm trong sạch cao quí. Chàng đã biết I-đo đến tìm Be-re-ky trước trận đấu. Không phải Be-re-ky nói với chàng điều đó, mà chính Đier-chan nói cho chàng biết. Nhưng họ đã nói chuyện gì, thì chính Đier-chan cũng không biết. Nhưng dù sao, chàng cũng dễ dàng đoán đươc một người vợ sẽ nói gì với ông làm chứng cho trận đấu của chồng mình. Nàng lại còn dậy sớm, thuê xe ngựa đi tới đó một mình, rồi lại bị rơi vào chuyện hẩm hiu nữa chứ…

Nhưng điều hàm ơn lớn nhất của chàng đối với I-đo, là hình ảnh mà chàng đã nắm bắt được cho chính phần tranh còn thiếu của chàng. Khuôn mặt I-đo nằm thiêm thiếp trong tay chàng, chính là khuôn mặt chàng vẫn đi tìm từ bấy lâu này. Khuôn mặt đã hết sức sống, tuyệt đẹp, và màu sắc độ đậm, nhạt, sáng tối trên mầu da hoàn toàn đúng như chàng vẫn đang mong tìm kiếm. Chàng đã thu tất cả hình ảnh đó vào mắt như là ống kính chụp ảnh vậy, và giờ đây chàng chỉ việc vẽ nó lên tranh. I-đo tất nhiên không hề biết, nhưng Tro-bo gặp được một may mắn lớn, chàng như bị phù phép, cuốn hút và chàng đã trở nên tôn trọng, ngưỡng mộ I-đo hết lòng. Nếu bức tranh kia thành công sẽ là bước mở đầu rực rỡ trên con đường nghệ thuật của chàng giống như bức nhà mồ của Mun-ka-sy. Hoặc cây thánh giá của Be-zur, hoặc Mũi tên chiến thắng bí ẩn của Len-bach. Chàng cư xử với I-đo hết sức trân trọng, lịch sự và thân mật. Chàng cũng đoán biết được thái độ lạnh lùng của I-đo do đâu mà có. Vì thế, chàng cũng tránh không đả động gì đến chuyện vừa qua.

- Nàng không phải là vợ mình, - chàng nghĩ thầm, - Nhưng chắc chắn là nếu mai đây chúng mình phải li dị thì mình sẽ cảm thấy thiếu nàng. Sự vắng mặt của nàng sẽ khiến mình đau lòng, nhức nhối tâm can.

Riêng khuôn mặt đang ngất đi của I-đo, ngay ngày hôm sau, chàng đã vẽ lên một cái bản vẽ riêng. Tỉ lệ của chân dung bằng thật.

Mấy ngày sau, ông hoàng Nga tìm đến chàng với bộ râu quai nón rậm rì như chổi, mầu vàng rươm, bộ râu đó đã đốm bạc giống như trên một cái chổi rơm có bám vào những hạt sương trắng. Ông ta nhìn các bức tranh với vẻ như muốn mang đi tất cả. Ông không hiểu người ta định vẽ gì, nhưng ông ta rất thích bức tranh màu, nhất là bức tranh vẽ chân dung I-đo rất đẹp.

- Cái tranh này tôi chưa bán đâu, - Tro-bo nói, - bởi vì đây chỉ là một góc của bức tranh lớn mà tôi đã trích ra. Tôi sẽ còn vẽ nó lớn hơn thế này cơ.

- Thế bức tranh lớn đó giá thế nào?

- Bức tranh lớn ư? Khi tôi hoàn thành nó xong, tôi sẽ mang nó đi triển lãm, và ở đó ban giám khảo sẽ định giá.

- Khi nào thì ngài vẽ xong bức tranh lớn đó?

- Đến mùa xuân.

- Nó sẽ to thế nào?

- Ít ra, chiều cao hai mét, chiều rộng thì như kích thước bức tranh kia.

- Thế giá của nó khoảng bao nhiêu?

- Tôi nghĩ phải được năm mươi nghìn mác.

- Chao ôi, nhiều đấy!

Ông ta xoắn xoắn bộ râu.

Sau đó, Tro-bo biết ông ta không phải là một ông hoàng gì mà chỉ là một điền chủ Nga giàu có, ông ta muốn chơi trội và tỏ ra có văn hóa cao, nên ông ta đánh giá tranh bằng độ lớn của nó. Với ông ta thì bức tranh vẽ “Ngày trở về Me’s-son-ni-ê của Na-pô-lê-ông” còn kém giá trị hơn bức tranh tầm thường có thần thánh khác, và chắc chắn ông ta sẽ định giá chân dung của Rem-brandt ít tiền hơn chân dung một phụ nữ đẹp.

Ông quay sang hỏi Tro-bo:

- Thế tên của bức tranh sẽ là gì?

- Tôi rất tiếc là không thể nói tên tranh được.

Nhìn ánh mắt của ông ta thì đủ thấy ông rất kinh ngạc về thái độ bướng bỉnh của Tro-bo. Ông đưa mắt nhìn thấy những bức tranh xung quanh phòng.

Ông chú ý nhìn, dừng bước trước một bức tranh có một cái bàn lớn đầy thức ăn. Ngồi trên ghế là một ông vua đang ăn tối, khuôn mặt đỏ lự. Những ngọn đuốc chiếu sáng, xung quanh ông vua là các cận thần, cung đình lộng lẫy. Trên đầu ông vua đội một cái mũ miện hình đai thùng vàng, sau lưng ghế của ông có một hình thần chết đen ngòm, cầm lưỡi hái đứng nét mặt đầy mai mỉa…

Ông người Nga rất thích bức tranh đó.

Bên cạnh có một bức tranh lớn hơn, trên có vẽ hai con chó đang quần nhau nát cả đống hoa. Xa xa có một bà già khuôn mặt tức tối đang giơ cái chổi dứ dứ về phía trước.

Ông người Nga cũng thích. Ông quay sang bức tường khác, và đôi mắt nhìn vào bức tranh một thanh niên Di-gan đang đứng kéo đàn vi-ô-lông, vẻ mặt buồn rầu, anh ta đứng bên một nấm mộ còn tươi màu đất giữa các đám cây hoa còn tươi. Anh kéo đàn, mắt nhìn vào nấm mộ. Đầu nấm mộ là một vòng hoa I-bôi màu tím. Mũ của chàng trai để trên đất, ông người Nga cũng thích bức tranh này. Còn các bức khác, ông chỉ nhìn lướt qua một lượt.

- Nào chúng ta thỏa thuận nhé, - ông ta nói – như khi nào ngài vẽ xong bức tranh lớn thì tôi sẽ trả tiền theo giá mà ban giám khảo đã định.

- Nhưng thưa ông Ti-nho-kốp. Giá mà ban giảm khảo không phải là giá quyết định, bởi vì rất có thể sẽ có hai ba người muốn mua bức tranh đó kia, khi tôi sẽ chỉ bán tranh cho người nào trả tiền cao giá hơn cả.

- Cái tập tục ấy ở đâu đấy?

- Tập tục ấy là do các họa sĩ nghĩ ra: tranh vẽ dành cho người nào đánh giá nó cao nhất.

Đầu tiên ông Ti-nho-kốp cảm thấy tức giận, rồi máu tham của ông ta nổi lên khi ông nghĩ một bức tranh có giá trị lớn sẽ rơi tuột khỏi tay ông.

Ông ngẩng đầu kiêu ngạo tức tối.

Đôi mắt đầy vử tức giận nhìn lên các bức tường. Đôi mắt dừng lại ở bức tranh nỏ. Trên có vẽ thiên thần và quỉ sứ chia làm hai phe đánh cờ trên cái bàn mây bay trên trời. Trên bàn có hai trái tim để đặt cuộc. Các thiên thần đang cố gắn giành phần thắng, nhưng thần chết cũng đã đứng đợi ở cuối bàn. Một chân đắt lên ghế, đầu gối gập lại hình như thước thợ, ánh mắt chăm chú xem bên nào sẽ thắng?

Một lúc ông người Nga càng thêm tức giận, ông ta nói với Tro-bo giọng đã khùng:

- Không ai có thể vượt qua mặt tôi để mua tranh của ngài được đâu. Dù cho người đó có là hoàng đế Trung hoa đi nữa: Dù cho ban giám khảo có đặt giá thế nào, tôi không biết, nhưng tôi cững sẽ trả cao hơn giá đó mười ngàn mác! Nhưng trước tiên ngài hãy ký vào bản hợp đồng đứng tên tôi đã!

Tro-bo thỏa thuận, ngồi vào bàn viết.

Ông người Nga đã thỏa mãn đọc lại tờ hợp đồng. Ông ta chỉ hơi nghiêm mặt lại khi đọc đến đoạn … Ông I-van I-van-nô-vích Ti-nho-kốp sẽ trả hơn giá bức tranh mười ngàn mác, ông sẽ đặt trước số tiền đó.

Ông nghĩ, có lẽ phong tục của các họa sĩ là thế, sau khi ôn gập tờ giấy lại, cho vào túi, ông rút mười ngàn ra đặt trên bàn Tro-bo!

- Thế còn những bức tranh nhỏ này giá bao nhiêu?

- Nhưng đó mới gần như là phác thảo.

- Tôi không hỏi ngài như vậy, tôi hỏi giá kia mà? – ông sẵng giọng hỏi, ông vẫn còn chưa nguôi cơn giận.

Tro-bo nhún vai nói:

- Giá tranh con bò rừng này ư?

Ở trên bức tường xung quanh phòng khác có khoảng sáu mươi bức tranh nhỏ, trong đó có ba bốn bức còn là phác thảo, còn vẽ hoàn thiện mới khoảng mười bức.

- Xin mời ông sang đấy, nếu như ông muốn xem.

Chàng nói và mở cửa phòng vẽ.

Đôi mắt ông Ti-nho-kốp sáng lên khi thấy bức tranh Người ăn mày: Trên đường quốc lộ, một người rách rưới đang đi đến, gió thổi bạt các lùm cây, gió kéo theo những sợi rơm bay tren đường, người ăn mày tội nghiệp đi xiêu vẹo trong gió.

Còn một bức tranh khác là cánh cửa hiệu mở. Một chú bé rách rưới xanh xao đứng nhìn vào cửa hiệu. Phía trong cánh sửa có một ông to béo khoác áo choàng, đeo dây chuyền vàng đang cầm quả dứa vẻ cân nhắc.

Lại một bức tranh khác: Mùa hè trên cánh đồng Hung-ga-ri. Phía trước có một con chó nhỏ đang cào cào đất tìm gì đó. Phía xa hơn là người chủ nó đang cắm cúi gặt lúa. Một cái tháp chông nhọn nhà thờ nhô lên từ phía thung lũng.

Một bức tranh là cảnh dưới cái dây dừa nằm ngổn ngang những người lính như bị thương nặng sắp chết, trong đó có mọt người còn bò được, nhổm lên, hắn ta moi từ trong túi người đã chết ra một chiếc đồng hồ vàng, tay giơ cao vẻ mặt mừng rỡ. Bức tranh có tên là sự ngu ngốc đến tàn nhẫn.

- Giá của những bức tranh này thế nào? - Ti-nho-kốp hỏi vẻ thờ ơ, nhưng đôi mắt ông lại bộc lộ sự thèm muốn vô cùng.

- Ông mua từng bức một ư? – Tro-bo cũng hỏi với vẻ lạnh nhạt.

- Thì cứ cho là tôi sẽ mua mười bức.

- Mỗi bức tranh một giá. Bức tranh nào có một người thì giá một nghìn mác, còn tranh nào có nhiều người hơn thì sẽ nhiều tiền hơn.

Ti-nho-kốp tháo từ trên tường xuống khoảng mười lăm bức tranh.

- Đấy ngài tính tiền đi - ông ta nói.

Tro-bo chậm rãi cầm lấy một tờ hóa đơn và viết tất cả giá các bức tranh lên đó.

Ông người Nga cũng viết tên mình lên đằng sau các bức tranh ông mua.

Sau đó, ông lại lấy xuống thêm mười bức nữa, rồi bốn bức nữa.

Trên tường chỉ còn lại các bức tranh phong cảnh, không có người, chỉ sáu bức vẽ học tập những ông già, bà già mà thôi.

Bức tranh vẽ chân dung của Zô-lan, ông người Nga không hỏi mua, bởi vì vẽ chưa xong, vả lại Tro-bo cũng không mời.

- Thế còn hai bức tranh lớn trên tường kia?

Tro-bo lôi ra bức tranh về đêm phục sinh. Ông người Nga tỏ ý không thích.

- Thế còn bức kia?

Tro-bo xoay bức tranh Con dơi lại, đắt nó lên giá vẽ.

Đôi mắt người Nga sáng lên.

- Bức tranh này vẽ về rừng nhiệt đới có phải không?

- Đúng vậy, - Tro-bo gật đầu, - ở Ấn Độ.

- Ở nước tôi, họa sĩ Ve-res-cho-gin cũng vẽ những tranh như thế này, nhưng tranh của ngài hay hơn, ánh sáng mặt trăng, ánh sáng thần bí… Tốt! Nhưng người phụ nữ này mang cánh gì vậy?

- Đôi cánh này là số phận bị đức chúa trừng phạt đã gắn vào vai cô ta. - Tro-bo nói giọng có vẻ coi thường.

- Giá thế nào?

- Tranh này chưa đem đi triển lãm.

- Lại thế rồi.

- Mười ngàn mác.

Ông người Nga mặc cả sáu ngàn, cuối cùng họ thỏa thuận bảy ngàn. Tro-bo bán những bức tranh đó và ngoài ra còn biếu ông thêm một số tranh nhỏ nữa để mong thoát khỏi ông ta cho nhanh.

- Chiều nay tôi sẽ cho người đến lấy tranh về - Ông người Nga nói.

Rồi ông lại nhìn một lượt những thứ mua được, khuông mặt sáng lên vẻ mãn nguyện.

- Thế thì lão Tre-cho-kốp nhìn thấy, chứng xung huyết bốc lên mà chết thôi: - ông ta lẩm bẩm.

Rồi ông tâm sự với Tro-bo rằng, Tre-chu-kốp là người Mátx-cơ-va. Tuần tới này ông về nước và sẽ nhạo báng phòng tranh của ông kia bằng những bức tranh hoàn toàn mới, hiện đại này.

Khi ông người Nga đã đi khỏi, Tro-bo ngẩn người nhìn hóa đơn thanh toán tiền trên bàn: chàng đã bán được bảy mươi ngàn mác.

Chàng quay lại, ngả người lên đi văng, trái tim sung sướng đập đến đau nhói trong ngực.

Ngày hôm sau, khi uống cốc cà phê đen chàng nói:

- Xin tiểu thư cho phép…

- Xin mời ngài.

- Tôi cảm thấy không yên lòng vì từ hôm đó, tiểu thư có vẻ khó chịu, xa lánh, lạnh lùng hơn đối với tôi. Tôi có yêu cầu tiểu thư hãy nói cho tôi rõ, tôi có lỗi gì…

- Ngài không có lỗi cả.

- Tôi sẽ xin nhiệt tình sửa chữa bằng cả tâm hồn.

- Nhưng mà ngài không có lỗi gì. Đó chỉ là tình cảm riêng của tôi… Tôi muốn nói, là hôn nhân của chúng ta chỉ có trên giấy tờ thôi.

- Thì đúng vậy rồi, nhưng mà tiểu thư bảo tôi không có lỗi, vậy thì tôi biết làm thế nào đây?

I-đo không trả lời, ánh mắt của nàng bồn chồn, cố tỏ ra lạnh lùng, nên nói gì với anh chàng xa lạ đây?

Còn người xa lạ kia vẫn thản nhiên hút thuốc và phun khói ra. Trên khuôn mặt chàng ánh lên những tia sáng đặc biệt. Có thể chàng đang vui, và rất thân ái với nàng.

I-đo nhìn chàng, tự nhiên nàng mất bình tĩnh.

- Tôi không thể đợi tiếp được nữa, từ hôm tiểu thư phát hiện ra bức tranh đẹp của chúng ta, tiểu thư đã cho phép tôi thỉnh thoảng gọi tiểu thư bằng tên đúng chưa nào?

- Tôi đã cho phép ngài hơi quá!

- Nhưng mà tiểu thư đã tha lỗi cho tôi! Giờ tiểu thư lại không muốn tha lỗi cho tôi nữa sao?

I-đo chớp mắt.

- Bây giờ lời yêu cầu tha lỗi của ngài như là… đã giảm giá trị, bởi vì ngài cứ muốn mắc lại cái lỗi mà ngài đã xin lỗi ấy thì khác nào ở nhà băng giá trị đồng tiền đã bị giảm đi, người chủ cứ phải tính kế để giữ khách lại.

- Cám ơn tiểu thư đã dùng cách diễn đạt nhẹ nhàng như vậy. Lẽ ra tiểu thư đã nói thẳng ra là: nếu như nhà băng đã nói dối, thì khách hàng không tin nữa chứ gì? Nhưng mà tâm hồn tiểu thư như một kho báu. Nàng không thể từ chối ban cho tôi, kẻ nghèo khó này chút ít ân huệ. Tôi cầu xin tiểu thư đấy.

- Nhưng những người xa lạ không gọi tên riêng của nhau.

- Nhưng bây giờ tôi bắt đầu lại từ một sự khâm phục chính đáng đối với tiểu thư.

I-đo cúi đầu suy nghĩ và nắm chặt lấy mảnh khăn giải bàn. Nàng nói:

- Tôi không tưởng tượng nổi giữa hai chúng ta lại chỉ gọi nhau bằng tên riêng.

- Nhưng mà hoàn toàn có thể được.

I-đo nghiêm trang vò góc khăn giải bàn, nàng vầy vò nó như là vò tờ giấy viết thư vậy.

- Trước đây ngài đã thề thực hiện mọi lời giao ước của chúng ta, vậy thì bây giờ ngài không nên đòi hỏi ở tôi một sự thân mật như là gọi tên riêng.

- Giữa chúng ta không có lời thế đó, thưa tiểu thư. Việc tôi cầu xin ở tiểu thư hôm nay hoàn toàn xuất phát một cách tự nhiên và hơp lí theo tình cảm con người.

- Thế thì ngài đừng nói gì với tôi nữa, chúng ta sẽ im lặng.

- Không được, tôi buộc phải nói!

I-đo lúng túng thả tay ra khỏi góc khăn giải bàn, rồi nàng lại nắm lấy nó kéo lên giật như là cái khăn nằm chưa đúng chỗ. Nàng ngồi ở bên bàn, chỗ mà mọi khi nàng vẫng thường ngồi, từ trước tới giờ, dù là Tro-bo có hỏi một hai câu, hoặc nói nhiều hơn cũng vậy, nàng chưa bao giờ cảm thấy khó xử, lúng túng. Nhưng giờ đây, nàng cảm thấy người trĩu xuống trước ánh mắt nồng nhiệt của Tro-bo.

- Thôi được rồi, ngài cứ nói tiếp đi, - Nàng nhún vai đồng ý, vẻ tức giận.

- I-đo thân mến, I-đo tốt đẹp, em tốt hơn là tôi tưởng nhiều. Ở bên em tôi đã thành công tất cả, chỉ riêng đối với trái tim kiêu hãnh bí ẩn của em là tôi chưa thành công mà thôi: Có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ lại gần em được nhưng tôi cảm thấy em đã từng đau khổ vì tôi…

I-đo kêu lên:

- Nhưng thưa ngài, tôi không đau khổ? Tôi chỉ cảm thấy khó chịu vì những chuyện vớ vẩn của hôm đó! Tôi có đau khổ lo lắng cũng không phải vì cá nhân ngài Ba-logh Tro-bo, mà tôi đau khổ vì một người bạn của tôi.

- Thế nên tôi mới nói, tôi chưa thành công với em. Nhưng em hãy tin, rồi tôi sẽ thành công, nhưng em có nghe tôi nói gì không?

- Ngài cứ nói, nhưng đừng động đến tên tôi nữa.

- Nếu không nhắc đến tên em thì tôi không thể nói được.

- Thế thì mời ngài cứ gọi tên tôi, nhưng mà ngài đừng hy vọng gì ở tôi đấy.

- Tôi không thể sống tiếp mà không được em cho phép thổ lộ đôi điều, nhưng nếu như em cảm thấy khó chịu đến vậy…

- Tôi đang khó chịu, vậy mà ngài lại cứ tưởng tôi dễ chịu. Nhưng tôi vẫn chưa hiểu vì sao ngài lại nhất định gọi tôi bằng tên riêng trong cuộc nói chuyện này? Hôm nay cũng không phải là ngày lễ đặt tên của tôi, mà nếu có phải đi nữa thì những người xa lạ với nhau, cũng không phải chúc nhau nồng nhiệt như vậy.

Tro-bo lắc đầu:

- Hãy tha lỗi cho tôi, nhưng mà đúng là tôi đang cảm thấy hôm nay là một ngày lễ đấy, tình cảm của tôi cứ như bị nhốt trong cái lồng chật hẹp mà không thể cựa quậy được. Không thể làm cánh khác được… Có những món ăn chỉ có thể bày lên bàn trong cái đĩa nóng thì mới thích hợp. Sự việc này của tôi, không phải là món thịt đông nguội lanh.

- Tôi không thể tưởng tượng được có việc gì mà ngài không thể nói cho ngắn gọn được? ngài hãy chọn đi và nói chỉ bằng một câu thôi.

- Không thể diễn đạt trong một câu được:

I-đo suy nghĩ, sau đố ngẩng đầu lên:

- Thế thì ngài hãy nói điều gì mà ngài muốn!

Nàng nhìn vào góc bàn, rồi lại nhìn sang lò sưởi.

- I-đo tốt đẹp thân mến… xin em đừng cắt lời tôi… I-đo thân mến, dù cho em có cấm tôi hay không cấm thì tôi vẫn cứ biết sự cao quí, tốt đẹp trong tâm hồn em… Dù cho tôi có bắt buộc mình phải giữ vẻ xa lạ với em đi nữa… thì tôi vẫn không thể im lặng được, tôi cảm thấy chịu ơn em.

I-đo ngơ ngác nhìn lên.

- Nhưng điều đó chúng ta đã bàn rồi cơ mà.

- Không, I-đo thân mến, tôi không nói đến sự tận tụy của em quét dọn căn phòng làm việc của tôi. Mà tình cảm cao quí hơn kia. Có một điều mà tôi giờ mới biết là từ khi em ở bên cạnh tôi thì dường như sự tốt đẹp vô hình đã giơ bàn tay trên đầu tôi. Tôi không muốn nhắc đến cái ngày đấu súng ấy, tôi biết rằng sự nhạy cảm của em đối với ngày đó…

- Đúng thế, trước ngần ấy con người… người ta cởi cúc áo tôi… (nàng đỏ mặt) lại còn hai cái ông bác sĩ rởm nữa chứ.

- Tôi không có tội gì trong việc này. Tôi đã che cho em ngay lập tức, khi em tỉnh dậy…

I-đo lấy tay che mặt, đứng dậy. Tro-bo khẩn thiết giơ tay ra nói:

- Em đừng đi vội, tôi sẽ nói hết đấy. Tôi nói ngắn thôi nhé, nhưng tôi phải nói thế nào đây? sự dũng cảm của tôi đã biến mất rồi.

Nghe tới từ dũng cảm, mầu đỏ trên mặt I-đo dường như giảm bớt. Nàng đứng lại, đầu ngửng cao nhìn Tro-bo vẻ lạnh lùng, bình tĩnh trở lại.

- Tôi cảm thấy, - Tro-bo nói tiếp giọng vẫn nồng nhiệt, - Tôi muốn cảm ơn em về những bức họa của tôi. Em đã nghĩ ra chủ đề tư tưởng, và khuôn mặt của em được thể hiện trên tranh. Em hãy tha lỗi cho tôi, nhưng tôi không thể vẽ khác được. Tôi đã bán được tranh. Thậm chí bức tranh to hãy còn chưa vẽ xong cũng đã được đặt mua. Tôi đã mua cho em một món quà, nhưng tôi không dám đưa cho em trước khi hỏi ý kiến em. Tôi dám nhắc đến chuyện này bởi vì em là một người tốt bụng và tôi có thể hy vọng em sẽ không làm tôi đau lòng vì sự chối từ món quà mọn của tôi.

I-đo nhíu mày giao hẹn:

- Tôi không biết ngài định tặng gì, nhưng tôi cũng cho ngài tuyên bố rằng món quà đó sẽ không phải là sự ràng buộc gì giữa chúng ta chứ?

- Không hề!

- Không có gì khác trước chứ?

- Không có gì khác trước cả. Tôi mong muốn chính em cũng không cảm thấy sự ràng buộc nào trong đó. Em hãy coi vật đó chỉ tượng trưng cho lời cảm ơn của tôi mà thôi; Tôi là người khó có thể chịu ơn người khác vì thế tôi cũng xin em đừng có nặng lòng với một món quà mọn, em hãy coi là chuyện thường và em hãy hứa với tôi là em không cần nói cám on, vật mọn đó không đáng phải cám ơn. Tôi sẽ đưa nó cho em như là một người lạ để quên trong tiệm, còn em, em cũng nhận nó như là nhận từ một người xa lạ mà thôi.

I-đo hồi hộp nhìn xuống:

- Nhưng mà bây giờ chúng ta không phải là những người dưng đối với nhau nữa. Chúng ta đã quen nhau.

- Chính điều đó đã ràng buộc dũng khí của tôi đấy, điều đó đã khiến tôi không dám thò tay vào túi lấy nó. Bây giờ, tôi chợt nảy ra một phương sách: tôi sẽ đặt hộp này ở trên bàn, dưới khăn trải bàn nhé, và tôi sẽ đi ra khỏi nhà. Tôi nghe nói có một phòng vẽ rộng rãi, có thể thuê giá tiền phải chăng, phòng vẽ nằm trên phố Bô-ra-vi-a. Tôi sẽ đi xem nhé, bởi vì sắp tới đây, tôi phải vẽ tranh thảm cảnh của thiên thần kích thước lớn, tỉ lệ con người trong tranh bằng với tỉ lệ bên ngoài, vả lại chúng ta chũng phải trả nhà cho vợ chồng ông chánh án vào thời gian tới, vậy thì phải kiếm nhà thuê nữa. Nếu như tôi tìm được nơi ở nào hợp lý thì em cũng nên đến xem.. Nếu như nhà ấy ở không có đồ gỗ thì chúng ta sẽ thuê sau. Lần này tôi sẽ thuê trong hóa đơn của tôi.

Chàng đứng dậy.

- Tôi đặt món quà nhỏ xuống đây nhé. Sau khi tôi đi khỏi, em hãy cầm nó lên. Tôi hy vọng em sẽ nhận lấy với tấm lòng tốt. Nếu em không nhận, em hãy ném nó ra cửa sổ, có điều đừng ném vào đầu tôi nhé. Tôi đi mua món quà nhỏ này để tỏ lòng biết ơn em. Nếu em ném đi, thì tâm hồn tôi cũng vẫn thanh thản.

Chàng vỗi vã đi ra như chạy.

Khi chàng đã ra ngoài đường phố, I-đo vẫn còn ngồi như tượng ở ghế. Tro-bo mua đồ trang sức cho nàng, có nên nhận hay không?

Những tiếng đồ trang sức, khiến trái tim nàng đập rộn ràng, nhưng với câu hỏi có nên nhận hay không thì trái tim như ngừng đập.

Cuối cùng, nàng cũng lật khăn bàn lên, cầm lấy chiếc hộp màu nâu, trên nắp có vẽ hình vòng đeo tay.

Trái tim nàng đập rộn rã. Đôi mắt sáng bừng niềm vui khi nàng mở hộp và nhìn thấy trên nền lụa trắng là chiếc vòng đeo tay bằng vàng cực đẹp. Trên vòng không có kim cương như chiếc vòng mà nàng đã thích, nhưng nó lại được đánh tinh xảo hơn, có một chiếc đồng hồ nhỏ bằng vàng ở giữa vòng, chiếc đồng hồ chỉ bằng một đồng trinh thôi, nhưng vẫn đang chạy. Sau này nàng mới biết chiếc đồng hồ chạy không chính xác lắm, nó thường chạy sai như tất cả những đồng hồ nhỏ của phụ nữ, nhưng đối với phụ nữ điều đó không quan trọng, cái chính đồng hồ là vật trang sức chứ không phải để biết giờ.

Nàng đeo vòng vào cổ tay.

Chiếc vòng vừa khít, long lanh trong mắt nàng.

Chưa có người nào mua đồ trang sức cho nàng, chỉ có Tro-bo, mà Tro-bo lại mua bằng tiền chàng làm ra, và Tro-bo nói với nàng những lời tốt đẹp, kính trọng, vậy thì chính chàng cũng là một người tốt đẹp đáng kính.

Nếu như Tro-bo không phải là “chồng ép buộc” của nàng, thì chắc chắn nàng sẽ ôm lấy chàng hôn với đôi mắt ướt lệ biết ơn! Nếu như Tro-bo không phải là người chồng hờ của nàng thì nàng sẽ chẳng lấy ai khác ngoài Tro-bo làm chồng!

Chỉ đến bữa ăn tối Tro-bo mới chở về nhà.

Chàng lại đối xử với I-đo như mọi khi, chàng cúi chào nàng, ngồi xuống bàn rồi im lặng ăn.

I-đo cũng im lặng.

Sau bữa tối, họ thường trao đổi dăm ba câu với nhau. Hoặc là về các thức ăn hôm trước, hoặc là về các chuyện xẩy ra mà có liên quan tới cả hai người. Lúc này là hết hạn thuê nhà, họ sẽ trả tiền thuế cho thành phố hay là ông chánh án phải trả? Rồi chuyện chủ nhật tất cả hội sẽ đi chơi ở đâu? Nếu trời đẹp hội họa sĩ luôn ra ngoại ô ăn chiều. Trôr-bo Ma-chi đã về nước cho nên I-đo không cần phải giữ gìn để khỏi mắc vào chuyện không ý tứ, để đàn ông tán tỉnh mình nữa. Cũng vào lúc này, họ phải nhận làm cha đỡ đầu cho con của Ken-đer. Ken-đer đã nhắc lại câu hỏi mấy tháng trước đây và Tro-bo đã chịu tiền phí tổn để làm đặt tên thánh cho cậu bé gần ba tuổi đó.

- Tôi quên mất tên của nó, - Tro-bo thanh minh với I-đo.

Đứa trẻ đã có tên thánh, nhưng chàng quên mất. Họ còn nói với nhau dăm ba chuyện nữa, khi Tro-bo đang ngồi hút thuốc. Rồi họ lại chào nhau. I-đo đi nằm, còn Tro-bo khoác áo đi ra trung tâm Luit-pôld. Gần nửa đêm chàng về nhà, như là tất cả các đôi vợ chồng nghiêm chỉnh khác.

Buổi tối hôm đó, họ cũng im lặng ngồi ăn, Tro-bo nét mặt trầm ngâm như mọi khi chàng đặt tờ báo ở bên cạnh đĩa ăn để đọc, I-đo chú ý việc dọn bàn ăn, nàng nhỏ nhẹ ra lệnh cho Ka-ti, bảo Ka-ti đặt cốc bia trước mặt Tro-bo. Giữa bàn có một chai nước quả đào. Tro-bo dù có bận suy nghĩ đến thế nào đi nữa thì khi I-đo giơ cốc định rót nước quả, thế nào Tro-bo cũng cầm lấy chai rót cho nàng. Họ cám ơn nhau nhẹ nhàng.

Khi Tro-bo đang hút thuốc, chàng ngả người dựa lưng vào ghế nói:

- Xin em cho phép…

- Mời ngài.

- Em chắc cũng nhớ cái ngày nọ, khi tôi chuẩn bị đi đấu súng chứ, em có thấy tôi viết các bức thư không?

- Có đấy thưa ngài.

- Em có nghĩ trong đó có một thư viết cho em không?

- Không ạ.

- Một bức thư gửi cho em. Có ba bức cả thảy. Trong đó có một bức gửi cho em. Hôm sau tôi đã xé cả ba bức thư, nhưng tối hôm qua, lúc ngồi chuyện trò với bạn bè, tôi đã nghe báo tin một họa sĩ trẻ tuổi người Pháp vừa mới chết. Chết rất bất ngờ, mà anh ta lại cùng tuổi với tôi. Anh ta bị vỡ tim đột ngột. Nếu chuyện đó xẩy ra với tôi thì em làm thế nào?

- Thưa ngài, em không biết. Em chưa nghĩ đến chuyện như vậy bao giờ.

- Chúng ta phải nghĩ hết mọi điều. Luật pháp cũng đã qui định quyền thừa kế của em. Của cải của tôi gồm có các bức tranh và tiền, những khoản tiền mà em sẽ thấy để trong túi hoặc ngăn kéo tôi. Nhưng tôi cũng còn một quyển sổ tiết kiệm, đề tên em. Trong đó là khoản tiền hồi môn của em cộng thêm ba ngàn cua-ron nữa. Trước khi cưới, cha em đã trao cho tôi để tôi chi tiêu mọi khoảng khỏi phải quấy rầy cha em nữa. Tôi cũng gửi số tiền đó trong quyển sổ tiết kiệm, ở nước Đức đã đổi sang tiền mác. Em chưa được thấy quyển sổ đó, bởi vì theo lẽ thường tình thì người chồng giữ tiền cẩn thận hơn người vợ. Bây giờ, khi mà người họa sĩ trẻ chết đột ngột như vậy, tôi muốn nói cho em biết quyển sổ ấy để ở đâu. Tôi giấu nó trong hòm của tôi. Trên nắp hòm gỗ bọc da, và chiếc đinh thứ năm ở phía trong, em sẽ thấy hai chiếc đinh đó lõm vào và giữa chúng sẽ mở ra một khoảng trống. Trong đó có một quyển sổ. Tất nhiên khi đi đường, tôi sẽ lấy quyển sổ đó ra đặt vào túi mình, để khỏi bị đánh cắp mất nếu phải gửi hành lý.

I-đo nhìn chàng ngơ ngác rồi nói: “Cám ơn ngài”. Nàng đợi Tro-bo nói thêm gì nữa, nhưng thấy chàng vẫn ngồi im, nàng hỏi:

- Ngài vừa nói đến hồi môn của em ư?

- Đúng đấy, tất cả của hồi môn của em cộng thêm ba ngàn cua-ronđã được đổi sang tiền mác của Đức.

I-đo chớp mắt liền ba cái như là con cú phải nhìn vào ánh sáng mặt trời.

- Xin ngài cho em hỏi một câu, vì sao ngài lại phải lấy vợ bắt buộc thế này, nếu như ngài không phải cần tiền đến vậy?

Tro-bo thở khói ra đằng mũi như là con rồng phun khói trong các chuyện cổ.

- Em cũng cho phép tôi hỏi một câu: thế vì sao em phải lấy tôi làm chồng bắt buộc?

Rồi chàng nhìn sâu vào mắt I-đo.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.