Trong khi đám cưới đang được hối hả chuẩn bị ở Urbino thì về phần mình, Gian Maria cũng vội vã giải quyết công chuyện ở Babbiano để có thể quay lại cử hành cuộc hôn lễ mà đức ông nóng ruột trông đợi từng giây từng phút. Thế nhưng tình hình hóa ra phức tạp hơn nhiều so với dự tính, và đức ông có nhiều việc phải làm hơn là ngài tưởng.
Sau khi rời Urbino, trong ngày hôm đó Công tước đã đi đến Cagli và tạm dừng chân tại nhà quý ông Valdicampo. Nhà quý tộc đã dành toàn bộ ngôi nhà cho Công tước sử dụng, và đức ông quyết định nghỉ qua đêm tại đó. Mọi người vừa ăn tối xong - Công tước, de’Alvari, Gismondo Santi, ông Valdicampo cùng vợ và hai cô con gái, vài người bạn của gia đình cùng một số công dân có danh vọng của Cagli mà chủ nhà đã mời để khoe với họ vinh hạnh Công tước đã dành cho gia đình ông. Lúc này trời đã muộn, cảm giác buồn ngủ sau một bữa ăn ngon miệng đang bắt đầu xâm chiếm mọi người thì Armstadt - gã đại úy người Thụy Sĩ của Gian Maria - bước vào, tiến lại gần chủ nhân với dáng vẻ một kẻ mang tin quan trọng. Gã dừng lại cách chiếc ghế của Công tước chừng một hai bước, rồi cứ đứng đực ra nhìn Gian Maria một cách ngớ ngẩn.
“Có chuyện gì thế, đồ ngu?” Công tước làu bàu, ngoái cổ lại nhìn.
Gã Thụy Sĩ tiến thêm một bước. “Thưa đức ông, người ta đã bắt được hắn,” gã thì thào vẻ bí mật.
“Ta có phải là phù thủy đâu mà biết được ngươi đang nghĩ cái gì trong đầu?” Gian Maria cau có. “Ai bắt ai?”
Armstadt ngần ngừ nhìn quanh một lượt. Đoạn, bước đến cạnh Công tước, gã thì thầm vào tai đức ông, “Những người tôi phái ở lại đã bắt được tay hề Peppe ấy.”
Đôi mắt Gian Maria chợt lóe lên chứng tỏ gã đã hiểu. Chẳng thèm cáo lỗi những người khác, đức ông quay sang thì thầm ra lệnh cho tay đại úy dẫn anh hề đến phòng của ngài và chờ ở đó. “Hãy cử hai tên trong đám lính của ngươi giám sát gã, cả ngươi cũng tới đó luôn đi, Martino.”
Martino cúi đầu tuân lệnh rồi thoái lui, trong khi đó Gian Maria cố tỏ ra lịch sự xin phép chủ nhà được về phòng với lí do kẻ vừa đến có mang theo tin tức ngài đang nóng lòng chờ đợi. Valdicampo, lấy làm hãnh diện vì có một ngài Công tước nghỉ chân qua đêm dưới mái nhà mình, liền vồn vã xin Công tước cứ tự nhiên như ở nhà. Thế là Gian Maria đứng dậy, tuyên bố rằng ngày hôm sau đức ông còn một chặng đường dài phải đi, và rằng, đã được quý chủ nhân hiếu khách lượng thứ, ngài muốn cáo từ mọi người để đi nghỉ sớm.
Valdicampo, cầm một cái giá nến lớn trên tay, đích thân dẫn đường cho Công tước về khu phòng đã được dành riêng cho ngài. Vị chủ nhà hiếu khách hẳn còn muốn tháp tùng đức ông đến tận cửa phòng ngủ, nhưng vừa đến tiền phòng, Công tước, với giọng điệu lịch sự nhất có thể, cho chủ nhà biết ngài không cần được tháp tùng xa hơn nữa.
Công tước đứng đó hồi lâu, tự hỏi không biết có nên cho Alvari và Santi - hai kẻ đang đứng chờ lệnh sau lưng ngài - biết việc ngài sắp làm hay không. Cuối cùng Công tước quyết định tự hành động một mình và chỉ trông cậy vào sự kín đáo của bản thân. Ngài bèn ra lệnh cho hai người này lui.
Khi hai tùy tùng đã đi khỏi, Gian Maria, chỉ còn lại một mình, vỗ tay một tiếng, lập tức cánh cửa buồng ngủ mở ra, Martino Armstadt đã đứng chờ trên ngưỡng cửa.
“Hắn đang ở trong kia hả?”.
“Chờ lệnh của đức ông,” gã Thụy Sĩ trả lời rồi mở rộng cửa cho Gian Maria bước vào.
Buồng ngủ dành cho Công tước tại biệt thự của Valdicampo là một căn phòng sang trọng có trần cao, ở giữa phòng kê một chiếc giường lớn chạm khảm cầu kì, với bốn cái cột cao đỡ lấy một tấm màn che sang trọng.
Trên chiếc bàn kê ở đầu giường có đặt hai giá nến năm chạc đang cháy sáng. Tuy thế, dường như Gian Maria cho rằng căn phòng vẫn chưa đủ sáng cho cuộc hỏi cung chuẩn bị được tiến hành, vì đức ông giục Martino đem thêm một giá nến lớn nữa. Sau đó ngài chuyển hướng chú ý vào nhóm người đang đứng bên cửa sổ được ánh nến từ bàn chiếu rõ mặt.
Nhóm này gồm có ba người, trong đó có hai tên lính đánh thuê của Armstadt, vũ trang đến tận răng, còn kẻ thứ ba, bị giữ chặt bởi hai tên lính, là anh hề Peppe xấu số. Khuôn mặt anh hề tái hơn thường lệ, trong khi vẻ châm biếm ranh mãnh đã biến mất khỏi đôi mắt và khuôn miệng để nhường chỗ cho nỗi sợ hãi. Anh hề không khỏi rùng mình cảnh giác khi bắt gặp cái nhìn hung tợn của Công tước.
Sau khi tự mình khám xét để biết chắc anh chàng Peppe không giấu vũ khí trong người và hai tay anh hề đã được trói giật ra sau lưng, Gian Maria liền ra hiệu cho hai tên lính lui ra, nhưng phải luôn đợi sẵn cùng Armstadt ngoài tiền phòng. Sau đó Công tước quay lại nhìn Peppe với vẻ giận dữ hằn lên trên vầng trán thấp tịt.
“Tên ngốc kia, giờ thì hẳn ngươi không còn được vui vẻ như lúc sáng rồi,” Công tước giễu cợt.
Peppino hơi run, nhưng bản chất quen châm biếm đã khiến anh hề trả lời khá gan dạ.
“Lúc này hoàn cảnh không được vui tươi bằng... ít nhất đối với con. Tuy vậy, con thấy đức ông có vẻ đang rất hứng khởi.”
Gian Maria bực bội gườm gườm nhìn anh hề một hồi. Đức ông vốn không được nhanh trí cho lắm, và không thể tìm được trong đầu ý tưởng gì thú vị xứng đáng với một câu đáp trả. Công tước bèn chậm rãi bước đến bên lò sưởi, tựa người lên bệ lò.
“Khiếu hài hước của mi đã khiến mi nói ra những điều mà nếu ta có sai người đánh tuốt xác mi ra thì vẫn còn là nhẹ.”
“Và nếu cứ dùng lí luận đó mà suy thì vẫn còn là nhân đức nếu đức ông có treo cổ con,” anh hề đáp ráo hoảnh, đôi môi tái nhợt khẽ nhếch lên mỉm cười.
“Á à! Ngươi cũng biết thế kia đấy?” Gian Maria kêu lên, chẳng hề nhận ra ý châm biếm ngấm ngầm. “Nhưng gã ngốc kia, hãy biết rằng ta là một ông hoàng rất nhân từ.”
“Nhân từ đến mức thành giai thoại rồi,” anh hề đáp trả, nhưng lần này không che giấu được sự mỉa mai trong giọng nói.
Gian Maria ném về phía anh hề tia nhìn tức tối.
“Mi dám giễu cợt ta chăng, đồ súc sinh kia? Hãy biết giữ cái lưỡi thối tha của mi cho cẩn thận, nếu không ta sẽ buộc nó phải sớm chia tay mi đấy.”
Khuôn mặt Peppe tái xám đi trước lời đe dọa, vì sẽ ra sao với một anh hề không có lưỡi chứ - thiếu nó gã còn biết làm gì đây?
Nhìn thấy anh hề im thin thít và run lẩy bẩy, Công tước tiếp tục:
“Bây giờ nghe cho rõ đây, cho dù ngươi xứng đáng bị treo cổ vì tội xấc xược, ta vẫn sẵn lòng thả ngươi ra nguyên lành nếu ngươi trả lời thành thật những gì ta hỏi.”
Peppe cúi rạp thân hình tàn tật xuống.
“Con xin chờ các câu hỏi của ngài, thưa đức ông tôn quý,” anh hề đáp.
“Ngươi có nói...”, Công tước chần chừ một lát, cố lục lọi trí nhớ để tìm lại chính xác câu anh hề đã nói.
“Sáng nay ngươi có nói công nương Valentina từng gặp một người.”
Vẻ sợ hãi có vẻ lộ rõ hơn trên khuôn mặt anh hề. “Vâng ạ,” anh chàng trả lời với giọng run run.
“Công nương đã gặp tay hiệp sĩ mà ngươi kể ở đâu, cái gã mà ngươi hết lời tâng bốc trước mặt ta ấy?”
“Trong khu rừng ở Acquasparta, có một nhánh nhỏ của sông Merauto ở đó. Cách Sant’ Angelo chừng hai dặm.”
“Sant’ Angelo!” Gian Maria bất giác lặp lại, sững người khi nghe nhắc đến nơi đã diễn ra cuộc gặp của những kẻ mưu phản ngài. “Khi nào?”
“Vào ngày thứ Tư cuối cùng trước lễ Phục sinh, khi công nương Valentina đang trên đường từ tu viện Santa Sofia đến Urbino.”
Công tước không trả lời. Đức ông đứng sững, đầu cúi gằm xuống, vụ mưu phản lại quay về ám ảnh trong đầu. Cuộc loạn đả trên núi khiến Masuccio bị giết xảy ra vào đêm thứ Ba, và - mặc dù hầu như chẳng có bằng chứng gì - đức ông gần như đi đến kết luận rằng tay hiệp sĩ nọ chính là một trong những kẻ dự mưu đã tẩu thoát.
“Tại sao cô chủ của ngươi lại nói chuyện với hắn ta - nàng biết gã ư?” cuối cùng Công tước lên tiếng hỏi.
“Không, thưa đức ông; nhưng ông ta bị thương, và điều đó làm cô chủ của con động lòng trắc ẩn. Cô chủ đã tìm cách băng bó vết thương cho ông ấy.”
“Bị thương?” Gian Maria hét lên. “Bây giờ thì đã rõ, thề có Chúa, đúng như ta đã nghi ngờ. Ta có thể thề rằng hắn ta đã bị thương trong vụ loạn đả đêm trước đó ở Sant’ Angelo. Hắn ta tên là gì, hả tên ngốc kia? Nói cho ta biết rồi ngươi muốn đi đâu thì đi.”
Trong giây lát anh gù có vẻ chần chừ. Anh ta sợ Gian Maria đến mất hồn mất vía, vì không ít giai thoại về sự tàn bạo ác độc của Công tước đã được truyền miệng khắp nơi. Nhưng nỗi sợ đó vẫn chưa là gì so với nỗi sợ về sự trừng phạt vĩnh cửu sẽ rơi xuống đầu anh ta nếu nuốt lời thề sẽ không tiết lộ danh tính của chàng hiệp sĩ.
“Than ôi,” anh hề thở dài, “con ước gì có thể lấy lại tự do cho mình bằng một giá rẻ như thế; nhưng đây là cái giá con không trả được. Con có biết tên ông ta đâu.”
Công tước chòng chọc nhìn gã đầy nghi ngờ.
Cho dù vốn dĩ khá đần độn, nhưng lúc này mong muốn tìm hiểu dường như đã giúp đức ông đột nhiên trở nên xảo quyệt, và ngài đã nhận ra khoảnh khắc lưỡng lự của anh hề.
“Trông dáng vẻ bên ngoài của hắn như thế nào? Tả lại cho ta. Hắn ăn mặc ra sao? Mặt mũi hắn thế nào?”
“Một lần nữa, thưa Công tước, con lại không thể trả lời ngài được. Con chỉ nhìn ông ta thoáng qua thôi mà.”
Khuôn mặt vàng bủng của Công tước trở nên hung dữ, một nụ cười nham hiểm làm đôi môi đức ông trề ra để hở hai hàm răng trắng nhớn.
“Thoáng qua đến mức ngươi chẳng nhớ nổi gì sao?” ngài vặc lại.
“Đúng như thế, thưa đức ông.”
“Ngươi nói láo, đồ hạ tiện bẩn thỉu,” Gian Maria gầm lên điên giận. “Mới sáng hôm nay ngươi còn mồm năm miệng mười ca tụng rằng hắn ta có chiều cao hoàn hảo, rằng khuôn mặt của hắn quý phái, rằng cử chỉ của hắn vương giả, rằng lời nói của hắn lịch thiệp, rằng... ta chẳng nhớ nổi còn những thứ quỷ quái gì nữa. Vậy mà bây giờ ngươi nói, ngươi dám nói với ta, rằng ngươi chỉ nhìn hắn thoáng qua đến mức chẳng còn nhớ gì về hắn. Ngươi biết tên hắn, đồ khốn kiếp, và ngươi sẽ phải cho ta biết, nếu không thì...”
“Con có biết, con có biết, thưa đức ông, xin đừng nổi giận...”, anh hề lên tiếng chống chế trong cơn hãi hùng. Nhưng Công tước đã cắt ngang.
“Nổi giận ấy à?” Công tước lặp lại, hai mắt chợt lạc đi như kinh hãi khi đả động đến hai từ này. “Ngươi dám buộc cho ta tội lỗi tày đình về phần hồn đó ư? Ta đâu có nổi giận, không hề có chút giận dữ nào trong ta cả.” Đức ông làm dấu thánh như thể để xua đuổi mọi ý nghĩ tội lỗi khỏi đầu nếu quả thực chẳng may ngài đã nhiễm phải những thứ tương tự, thành kính cúi đầu chắp tay cầu nguyện - “Xin Đức Chúa lòng lành giải thoát cho linh hồn tội lỗi của con!” đức ông lẩm bẩm thành tiếng. Rồi, với giọng còn đe dọa hơn trước - “Bây giờ,” Công tước ra lệnh, “ngươi có chịu nói tên hắn ra không?”
“Giá mà con có thể nói,” anh gù đang mất vía cất tiếng. Nhưng lúc này Công tước đã bực mình nóng ruột, ngài liền quay lưng lại vỗ tay gọi: “Đâu rồi! Martino!” Lập tức cánh cửa mở ra, và tay Thụy Sĩ bước vào. “Gọi người của ngươi vào và mang theo giây thừng.”
Gã đại úy quay ra, cùng lúc anh hề quỳ sụp xuống chân Gian Maria.
“Làm ơn rủ lòng thương, thưa đức ông!” anh chàng van xin. “Xin đừng treo cổ con. Con đã…”
“Ta không định treo cổ ngươi đâu,” Công tước lạnh lùng. “Nếu chết ngươi sẽ câm tịt và còn cho ta biết được gì nữa. Ta muốn ngươi sống kia, quý ngài Peppino ạ - sống khỏe mạnh và thật lắm mồm vào; quả thật ta thấy người là một chú hề hơi rụt rè kín đáo quá. Nhưng ta sẽ có cách khiến ngươi cởi mở hơn.”
Vẫn quỳ dưới sàn, Peppe ngước đôi mắt đã dại đi vì khiếp sợ lên phía thiên đường.
“Lạy Đức Mẹ đồng trinh,” anh hề cầu nguyện, Công tước liền phá lên cười khinh bỉ.
“Đức Mẹ Thánh Thần thì dính dáng gì đến một kẻ bẩn thỉu như ngươi? Cầu xin ta mới đúng chỗ. Ta mới là người sẽ ngay lập tức quyết định số phận của ngươi. Hãy nói ra tên kẻ ngươi đã gặp trong rừng, và mọi chuyện sẽ tốt đẹp.”
Peppino vẫn lặng thinh quỳ đó, giọt mồ hôi lạnh rịn ra trên vầng trán xanh xao, một nỗi kinh hoàng thít chặt lấy cổ họng và trái tim anh hề.
Nhưng với anh hề, nỗi sợ trước sự hành hạ mà đám người kia đang chuẩn bị cho mình vẫn kém xa nỗi sợ bị mất đi linh hồn khi phá vỡ lời thề. Cuối cùng, Gian Maria chuyển hướng ánh mắt từ anh hề khốn khổ sang đám lính đánh thuê lúc này đã lặng lẽ đi vào với dáng vẻ của những kẻ am hiểu chuyện phải làm. Martino trèo lên giường, với tay níu thử khung gỗ của nóc giường.
“Cái này đủ chắc đấy, thưa đức ông,” gã lên tiếng.
Gian Maria ra lệnh cho gã tháo chiếc màn che bằng nhung xuống, trong khi một tên tùy tùng bước ra kiểm tra để đảm bảo cửa tiền phòng đã đóng chặt, và không tiếng kêu la nào có thể vọng tới tai Valdicampo và gia đình.
Chỉ vài giây sau tất cả đã sẵn sàng, Peppino liền bị lôi dậy một cách thô bạo khỏi chỗ đang quỳ và cầu nguyện Đức Mẹ đồng trinh tiếp cho mình thêm sức mạnh trong giờ phút thử thách.
“Lần cuối cùng, quý ngài hề,” Công tước hỏi, “quý ngài có định nói cho ta biết tên hắn không?”
“Thưa đức ông, con không thể,” Peppe trả lời, bất chấp nỗi sợ đang làm cho máu anh chàng như đông lại trong huyết quản.
Một tia đắc ý ánh lên trong mắt Gian Maria.
“Vậy là ngươi biết tên hắn!” Công tước thốt lên. “Bây giờ thì ngươi không còn giả ngây nữa, chỉ có điều không muốn cho ta hay chứ gì. Treo nó lên, Martino.”
Trong cố gắng tuyệt vọng đáng thương cuối cùng hòng thoát khỏi điều không thể tránh khỏi, anh hề giãy ra khỏi hai tên lính, đoạn lao về phía cửa. Một trong hai tên Thụy Sĩ to vâm liền tóm lấy cổ anh chàng khốn khổ lôi giật lại thô bạo đến mức khiến anh chàng thét lên vì đau. Gian Maria vừa nhìn anh hề vừa mỉm cười độc ác, trong khi Martino tiến lại buộc chặt đôi tay đã bị trói của anh hề vào một đầu sợi dây thừng. Đoạn chúng điệu anh hề đã co ro rúm ró đến bên chiếc giường lớn. Đầu còn lại của sợi thừng được vắt qua một thanh xà trên nóc giường. Hai tên lính giữ lấy đầu thừng. Martino đứng kè kè bên cạnh tù nhân. Công tước ngồi phịch xuống một chiếc ghế bành chạm trổ, khuôn mặt tròn vành vạnh nhợt nhạt lúc này lộ vẻ thích thú.
“Ngươi biết chuyện gì sẽ đến với ngươi rồi đấy,” Công tước lên tiếng, giọng dửng dưng lạnh lùng. “Ngươi có chịu nói trước khi chúng ta phải ra tay không?”
“Đức ông,” anh hề lên tiếng, giọng nói đã nghẹn lại vì kinh hãi, “ngài là một con chiên ngoan đạo, một người con trung thành của nhà thờ và là người tin vào ngọn lửa vĩnh cửu của địa ngục chứ ạ?”
Gian Maria cau mày. Chẳng nhẽ thằng ngốc này định lôi sự trừng phạt vĩnh cửu ra dọa ngài?
“Nếu thế,” Peppe tiếp tục, “có lẽ ngài sẽ rủ lòng thương khi biết tình cảnh của con lúc này. Con đã lấy sự cứu rỗi linh hồn mà thề với người con gặp vào cái ngày đen đủi đó ở Acquasparta, rằng con sẽ không bao giờ để lộ danh tính ông ta. Con biết làm gì bây giờ? Nếu con giữ lời hứa, đức ông chắc sẽ tra tấn con đến chết. Nếu trái lời hứa, con sẽ bị nguyền rủa mãi mãi. Hãy rủ lòng thương, ôi đức ông cao quý, vì ngài đã biết tình cảnh khốn khổ của con rồi đấy.” Gian Maria mỉm cười, vẻ tàn nhẫn càng hằn rõ trên khóe miệng và đôi mắt hơn bao giờ hết. Gã ngốc vừa nói ra điều mà đức ông sẵn sàng trả giá đắt để biết. Gã đã thừa nhận rằng kẻ mà Gian Maria muốn biết tên sợ sự có mặt của y tại Acquasparta đến tai người khác tới mức phải viện cớ thề thốt để bịt miệng tay hề lại. Bây giờ thì điều Công tước nghi ngờ đã hoàn toàn được khẳng định. Kẻ lạ mặt kia là một trong số những kẻ phản loạn; thậm chí có thể chính là kẻ cầm đầu. Giờ đây, trừ khi gã hề chết vì tra tấn, không gì có thể khiến đức ông chùn tay trước khi biết được tên kẻ lạ mặt đã làm ngài mất mặt hai lần khi cả gan tạo phản chống lại ngài, và nhất là - nếu lời nói của gã hề đáng tin - dám cả gan chiếm lấy trái tim của Valentina.
“Về hình phạt linh hồn ngươi sẽ phải chịu thì ta không có trách nhiệm phải quan tâm,” cuối cùng Công tước lên tiếng. “Ta đã có đủ lí do để lo lắng cho việc cứu rỗi linh hồn của bản thân ta rồi - vì sự cám dỗ có ở khắp nơi, mà xác thịt con người thì luôn yếu đuối. Nhưng tên gã khốn kiếp ấy thì ta cần phải biết, và – thề trên năm vết thương của Lucia xứ Viterbo [1] - ta sẽ biết. Ngươi có chịu nói không?”
[1] Một nữ tu sĩ thời đó được ngưỡng mộ như một vị thánh trên cơ thể xuất hiện năm vết thương giống như của Chúa Jesus khi bị đóng đinh câu rút.
Một âm thanh gần như tiếng nức nở thoát ra khỏi thân hình khốn khổ của anh hề. Nhưng chỉ có vậy. Đầu cúi gằm, anh hề vẫn bướng bỉnh im lặng. Công tước liền ra hiệu cho đám tùy tùng, hai gã bèn chụp lấy đầu dây thừng kéo mạnh, nhấc bổng Peppe lên, treo lủng lẳng ở đầu sợi thừng cột chặt vào hai cánh tay đã bị trói giật ra sau lưng, cho đến khi anh hề bị kéo sát lên nóc giường. Đoạn hai tên lính dừng lại, giữ chặt đầu dây thừng, đưa mắt nhìn Công tước chờ lệnh. Gian Maria lại lên tiếng hỏi anh hề; nhưng Peppe, thân hình tàn tật lúc này đang bị treo lơ lửng trong không khí, hai chân thõng xuống, vẫn bướng bỉnh im lặng.
“Thả nó xuống,” Gian Maria gầm lên, mất hết kiên nhẫn. Hai tên lính buông đầu dây thừng ra, để một đoạn thừng chừng ba bộ chạy tuột qua bàn tay. Sau đó chúng lại nắm chặt sợi thừng, kết quả là Peppe đang rơi xuống bất ngờ bị kéo giật trở lại mạnh đến mức tưởng chừng hai cánh tay anh hề đã bị giật tung ra khỏi khớp vai. Một tiếng kêu đau đớn xé ruột vang lên, và anh hề khốn khổ lại bị kéo lên cao như cũ.
“Bây giờ ngươi có nói không?” Gian Maria lạnh lùng hỏi, gần như lấy làm thích thú. Nhưng anh hề vẫn im lặng, răng cắn vào môi dưới chặt đến mức máu chảy thành giọt xuống cằm. Công tước lại ra lệnh, anh hề lại bị thả rơi xuống. Lần này chúng để nạn nhân rơi tự do một đoạn dài hơn, và cú giật ngược khủng khiếp khi dừng lại cũng mạnh hơn lần đầu.
Peppe cảm thấy như xương mình đã rời hết ra khỏi khớp, hai vai, khuỷu tay và khớp bàn tay anh ta như có người gí sắt nung đỏ vào.
“Lạy Đức Chúa lòng lành!” anh hề gào lên thảm thiết. “Ôi, hãy rủ lòng thương, thưa đức ông.”
Nhưng Công tước lại cho anh gù khốn khổ được chu du lên cao một lần nữa. Bị treo lủng lẳng ở đầu sợi thừng, đã ở giới hạn cuối cùng của sự chịu đựng, anh gù tội nghiệp tuôn ra một tràng nguyền rủa, viện cả thánh thần lẫn quỷ sứ ra tay đánh chết những kẻ đang hành hạ mình.
Nhưng Công tước, cứ nhìn vào thái độ có thể thấy rõ đức ông đã quá quen thuộc với hiệu quả của cách tra tấn này, nhìn nạn nhân với nụ cười tàn nhẫn của kẻ thỏa mãn khi thấy mọi việc diễn ra đúng như dự kiến. Ngài không còn kiên nhẫn thêm được nữa, và lần này lệnh tra tấn được đưa ra nhanh hơn. Lần thứ ba, anh hề bị thả rơi xuống và bị giật trở lại chỉ cách sàn ba bộ.
Lần này anh hề không còn sức để kêu lên nữa. Anh ta bị treo đó, đung đưa ở đầu sợi thừng, miệng đầy máu, khuôn mặt méo mó tái xám, đôi mắt trắng dã không còn nhìn thấy tròng đen. Anh hề rên rỉ thảm thiết không ngớt. Martino liếc nhìn Công tước dò hỏi, đôi mắt gã gần như muốn hỏi liệu đã đến lúc nên dừng lại chưa. Nhưng Gian Maria không để ý gì đến gã.
“Thế này đã đủ chưa?” Công tước hỏi anh hề. “Bây giờ ngươi chịu mở miệng rồi chứ?”
Nhưng anh hề chỉ rên rỉ, và ngay lập tức, Công tước lại ra lệnh và anh chàng gù lại bị kéo bổng lên. Nhưng trước viễn cảnh kinh hoàng của cú rơi thứ tư, chắc chắn còn khủng khiếp hơn ba lần trước, anh hề chợt bừng tỉnh nhận ra vị trí hiện tại của mình. Anh tin chắc nỗi đau đớn giày vò này chỉ chấm dứt khi mình chết hoặc ngất xỉu đi. Nhưng có vẻ anh chàng khốn khổ không thể chết ngay cũng không thể xỉu đi được, anh ta không thể chịu đựng hơn được nữa. Thiên đường hay địa ngục giờ đây đâu còn ý nghĩa gì nếu ý nghĩ về cả hai không giúp anh ta xua đi được nỗi kinh hoàng của cuộc tra tấn mà cũng chẳng giúp anh ta có thêm chút sức lực nào để chịu đựng sự giày vò về thể xác? Anh ta không thể chịu đựng hơn được nữa - không, cho dù để cứu rỗi một tá linh hồn, nếu thực sự anh ta có nhiều đến thế.
“Con sẽ nói,” anh ta kêu lên. “Xin hạ con xuống, đức ông sẽ được biết tên ông ta.”
“Nói tên của hắn ta ra trước đã, nếu không ngươi sẽ được hạ xuống như ba lần trước.”
Peppe liếm đôi môi rỉ máu, trả lời trong lúc vẫn bị treo lơ lửng.
“Đó chính là em họ đức ông,” gã rên rỉ, “Francesco del Falco, Bá tước Aquila.”
Công tước nhìn chằm chằm vào gã hề một lúc lâu, vẻ mặt kinh ngạc, mồm há hốc.
“Ngươi nói thật đấy chứ, đồ súc sinh kia?” Công tước hỏi, giọng run lên. “Kẻ bị thương mà công nương Valentina đã săn sóc chính là Bá tước Aquila?”
“Con xin thề,” anh hề trả lời. “Bây giờ, vì Đức Chúa và các vị thánh tử vì đạo, xin hãy hạ con xuống.”
Một lúc lâu, anh hề vẫn bị treo đó, chờ đợi quyết định của Gian Maria. Công tước tiếp tục nhìn anh ta với vẻ kinh ngạc, trong khi sắp xếp lại các ý nghĩ trong đầu. Và sự thật đã thuyết phục được đức ông. Cái tay Bá tước Aquila này chẳng phải là thần tượng của đám dân đen Babbiano sao? Vậy thì còn gì hợp lẽ hơn khi những kẻ mưu phản tìm cách đặt hắn ta lên ngai vàng mà chúng định giật khỏi tay Gian Maria? Đức ông tự mắng mình thật ngu ngốc khi không nhận ra điều này sớm hơn.
“Hạ hắn xuống đi,” Công tước ra lệnh. “Mang hắn ra khỏi đây, để hắn cút đi đâu thì đi. Ta không cần đến hắn nữa.”
Một cách chậm rãi, bọn lính hạ anh hề xuống, nhưng khi đã chạm đất anh chàng khốn khổ không còn đứng nổi nữa. Hai chân anh hề khuỵu xuống, và anh ta ngã gục, nằm còng queo trên sàn nhà. Kẻ tàn tật đáng thương đã ngất xỉu.
Theo lệnh của Armstadt, hai tên lính nhấc anh hề lên và lôi ra ngoài.
Gian Maria đi ngang qua căn phòng đến chiếc bàn cầu nguyện có trải thảm, quỳ xuống trước cây thánh giá bằng ngà để cảm tạ Chúa về ân huệ Người đã ban khi chỉ cho ngài thấy kẻ thù của mình.
Đoạn, lôi từ trong ngực áo ra một chuỗi tràng hạt khảm vàng, đức ông bắt đầu thành kính cầu nguyện.