Nếu Biết Trăm Năm Là Hữu Hạn

Chương 29: Chương 29: Bên đời ta còn ai đó lạc loài…




Một người bạn lâu ngày đến nhà tôi, thấy để trong phòng đọc sách một bức tượng nhỏ có ba con khỉ bịt mắt, bịt tai, bịt miệng, cứ trầm ngâm nhìn mãi.

Trước khi ra về, như không kìm lòng được, anh chỉ bức tượng và nói bâng quơ: “Sống vậy cũng hay nhỉ, không cần thấy những điều chướng mắt, không cần nghe những điều chướng tai, chẳng cần ý kiến ý cò chi cho mệt. Mình sống yên phận mình thôi”…

Tôi mỉm cười, với tay lấy bức tượng xuống cho anh xem và giải thích rằng đó là quà tặng của một người bạn Nhật, trong dịp ông ghé nhà tôi và nghỉ lại vài hôm.

Tự tay đặt món quà lên kệ sách, ông kể rằng người Nhật có câu châm ngôn “Mi-zaru, kika-zaru, iwa-zaru” nghĩa là “không thấy, không nghe, không nói”. Vì từ “zaru” gần âm với “saru” - con khỉ, nên người ta khắc hình ba con khỉ bịt tai, bịt mắt, bịt miệng với vẻ mặt ngộ nghĩnh để biểu thị cho triết lý này.

Hình tượng đó được không ít người suy ra rằng hãy cứ sống an phận, mặc kệ những gì đang xảy ra xung quanh. Nhưng theo ông điều mà bức tượng muốn nhắc nhở chính là “đừng nhìn bậy, đừng nói bậy, đừng nghe bậy”... Và hình ảnh đó quen thuộc với rất nhiều nền văn hoá, chứ không chỉ ở Nhật Bản.

Nhưng điều tôi muốn kể không phải là về bức tượng đó, mà là về bạn tôi. Sau khi nghe tôi giải thích, anh đột nhiên ngồi xuống và tâm sự nhiều điều. Anh cần chia sẻ, cần một ý kiến, một lời động viên...

Anh cần một người có thể lắng nghe anh bộc lộ sự tức giận và phẫn nộ. Nhưng tại sao mãi đến lúc đó anh mới nói? Thật ngạc nhiên khi tôi biết được, rằng anh đã nghĩ tôi đặt bức tượng ấy trên kệ sách hẳn có lý do. Như thể nó biểu thị cho một cách sống mà tôi muốn hướng tới, gạt bỏ mọi phiền nhiễu và chỉ tìm bình an cho riêng mình. Nếu đúng như vậy, anh đã ôm mối oán hận của mình ra về. Và có thể, với tính nóng nảy của mình, anh sẽ phải “đánh ‘ai đó’ một trận cho hả giận”...

Tôi đã ngồi một mình rất lâu sau khi tiễn bạn ra cửa, và nhận ra một điều, đôi khi chúng ta chỉ cách nhau có một bức tượng nhỏ xíu, hay một câu nói bâng quơ.

Có những lúc ta nhìn cuộc sống đang diễn ra và cảm nhận nỗi sợ hãi lớn dần lên trong mình. Sợ hãi những gì ta không thể lường được, sợ hãi trước cái ác, những thủ đoạn mưu mô...

Đôi khi ta thấy nó không chỉ ở xa xôi đâu đó trên mặt báo, mà gần mình đến nỗi có thể gây nên thiệt hại, mất mát và tổn thương hiển hiện về thể xác hay tinh thần. Những lúc ấy, càng ở một mình ta càng hoang mang. Chỉ khi tìm đến ai đó, trò chuyện, giãi bày, tâm sự, an ủi... Chỉ khi ngồi bên nhau, chúng ta mới thấy mình đủ mạnh để tự vệ trước cái xấu.

Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không thể ngồi bên nhau?

Có một điều tôi rút ra được từ những cuốn truyện trinh thám, đó là nạn nhân thường là những người đơn độc, những người bị ngăn cách với người khác đôi khi bằng một bức tượng nhỏ xíu, hay một câu nói bâng quơ...

Và vì thế, họ không thể chia sẻ những bí mật, những sai lầm, những nghi ngờ, sự giận dữ hay nỗi lo âu. Và trong cuộc đời thực cũng vậy, nạn nhân thường là những người đơn độc. Bởi vậy, đừng bao giờ trở thành một người đơn độc, hay để người khác trở thành đơn độc.

Chúng ta có nguy cơ trở thành nạn nhân khi rời nhau ra, khi bị xé lẻ. Chúng ta đã đọc truyện bó đũa từ thời thơ bé, nhưng lại quên nó hoài. Là người tốt, không đủ. Là người lương thiện, không đủ. Để tự vệ trước cái ác chúng ta cần sức mạnh của số đông. Thỉnh thoảng, chúng ta lại bật ngửa khi nhận ra rằng “người tưởng như thế đó mà lại làm ra chuyện thế này ư?” Chúng ta bất ngờ khi một cô bạn vốn vui vẻ thân thiện ngày xưa bỗng một hôm ra tay xé áo đánh người như trong phim xã hội đen. Chúng ta bất ngờ khi một người vốn hiền lành bỗng dưng có hành động bạo lực. Nhưng có thật người ta biến đổi bất ngờ đến vậy không?

Câu trả lời là không, chẳng có ai ngủ một đêm thức dậy bỗng hoá ra độc ác, bạo lực, hay xấu xa. Luôn luôn có một quá trình. Luôn luôn có những biểu hiện trong quá trình đó dù rất nhỏ. Điều đáng buồn là dường như chúng ta luôn tặc lưỡi lướt qua những điều rất nhỏ.

Và rồi, những điều tồi tệ diễn ra là bởi chúng ta đã bỏ qua những điều rất nhỏ đó. Những điều tốt nho nhỏ chúng ta đã không làm, như một cái mỉm cười, một lời thăm hỏi, một hành động giúp đỡ... Và những điều xấu nho nhỏ chúng ta đã làm, như một lời xúc xiểm bâng quơ, một ánh nhìn khinh rẻ tình cờ...

Sẽ rất tai hại nếu chúng ta quên rằng một lời nói tử tế chân thành có thể xoa dịu và níu giữ con người với cái thiện, cũng như chỉ một lời rẻ rúng cũng có thể gây tổn thương sâu sắc và đánh thức con quỷ ngủ say...

Làm sao để loại trừ cái ác? Câu trả lời thường thấy là hãy tránh xa nó, và nếu bắt gặp thì trừng phạt nó thích đáng. Nhưng còn một cách nữa, đó là đừng để người khác có cơ hội trở thành người xấu. Đừng bỏ rơi, đừng ép uổng, đừng khinh khi. Đừng lừa gạt, đừng lợi dụng, đừng phản bội. Đừng gây tổn thương. Đừng dồn ai vào đường cùng...

Tôi không dám nói rằng cái thiện luôn mạnh hơn cái ác. Tôi không biết chắc. Đôi khi tôi nhìn thấy cái thiện bị đánh nốc ao trên sàn đấu trong cuộc chiến đơn độc. Nhưng tại sao chúng ta lại để nó trở thành cuộc chiến đơn độc? Tôi biết chúng ta đông hơn. Những người mong muốn điều tốt đẹp cho cuộc sống này, luôn luôn đông hơn.

Vậy thì hãy làm cho chúng ta mạnh hơn. Hãy tìm đến nhau, bạn bè, người thân, đồng nghiệp, đồng hương, đồng loại... Hãy giúp đỡ và xin được giúp đỡ, hãy xiết chặt lại những mối dây liên hệ và đừng để ai thành kẻ lạc loài. Những kẻ lạc loài, thường dễ trở thành thủ phạm, hoặc trở thành nạn nhân.

Thế cho nên, giữa cuộc sống bộn bề đôi khi cũng cần nhìn lại, để tự hỏi lòng xem, phải chăng ngay bên cạnh đời ta vẫn còn có ai đó lạc loài?

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.