Nếu Như Yêu - Thanh Sam Lạc Thác

Chương 9: Chương 9: Chương 2 - 2






Trước khi mẹ mất một tháng, tôi phát hiện Á Âu có quan hệ mờ ám với một cô gái.

Hôm đó, tôi tan làm về nhà thay quần áo, chuẩn bị đến bệnh viện trông mẹ, lúc vội vàng đã cầm nhầm điện thoại của anh. Đúng lúc ấy có một tin nhắn gửi đến, màn hình khoá xuất hiện tin báo, hiện lên dòng chữ: “Em yêu anh, giây phút ở trong lòng anh, thời gian như ngừng trôi, em muốn mãi mãi dừng lại ở giây phút đó thôi...” Tôi cứng đờ người, lúc tôi còn chưa định thần lại được, Á Âu đã bước đến, nhét điện thoại của tôi vào tay tôi, rồi tiện tay lấy luôn điện thoại của anh ấy, vẻ mặt không có chút gì khác lạ. “Đi thôi, để anh lái xe đưa em đến bệnh viện.”

Tôi luôn nghĩ rằng giữa vợ chồng với nhau nên giữ sự tin tưởng và tôn trọng. Từ khi quen nhau đến khi lấy nhau, chưa bao giờ tôi xem điện thoại hay hòm thư của anh. Nhưng tin nhắn này lại viết chan chứa yêu thương như vậy, tôi không thể nào chịu nổi. Ngày hôm sau, lúc anh đi tắm, thấy điện thoại của anh đặt trên tủ đầu giường, tôi đã mở ra kiểm tra. Thậm chí anh còn không đặt mật khẩu khoá màn hình, nhưng tin nhắn đó thì đã bị xoá.

Người con gái đó là ai, hai người đã thắm thiết đến mức độ nào rồi mà tôi không hề hay biết. Tôi chỉ biết một điều là: tôi đã phát hiện ra sự mờ ám của bọn họ, còn anh thì đã nhận ra sự nghi ngờ của tôi.

Chuyện xem trộm điện thoại, khi đã có lần đầu thì sau đó tôi cũng không còn áy náy và tìm đủ lí do viện cớ nữa. Một thời gian sau, tôi còn mở điện thoại anh xem nhiều lần nữa, nhưng không có bất cứ dấu vết gì để lại. Ngoài cảm giác xấu hổ, thậm chí tôi còn nghi ngờ không biết có phải bản thân bị ảo giác vì áp lực chăm sóc mẹ quá nặng nề không nữa.

Nhưng dù sao chúng tôi đã kết hôn được gần sáu năm. Anh là người đầu gối tay ấp của tôi, tôi quen thuộc tất cả thói quen, cử chỉ của anh, quen mỗi động tác nhỏ vô tình của anh, cả biểu cảm dù nhỏ nhặt nhất của anh. Sự thản nhiên đến cứng nhắc của anh khiến tôi không thể thuyết phục nổi bản thân hãy coi mình như con đà điểu rúc đầu xuống cát, coi mọi chuyện như chưa hề xảy ra.

Bệnh của mẹ mỗi lúc một nặng khiến tôi thở không ra hơi, tôi chẳng còn hơi sức đâu để truy cứu chuyện này. Người bạn thân nhất của tôi là Hạ Vân đã di cư sang New Zealand, tôi chẳng thể vì chuyện này mà gọi điện qua bên đó kể lể cho cô ấy nghe để giảm bơt mệt mỏi trong lòng. Thế nên, tâm trạng của tôi vô cùng nặng nề, tăm tối.

Điều đó chắc cũng là một trong những nguyên nhân khiến tôi phản ứng khá gay gắt trước hành động của bà cô.

Tôi bê hai thùng giấy to về nhà, bên trong toàn là di vật của mẹ. Tôi bê thùng giấy đó để vào thùng cất đồ, dự định lúc nào tâm trạng bình tĩnh lại sẽ sắp xếp sau.

Lúc này Á Âu không có ở nhà. Anh là tổng giám sát tiêu thụ sản phẩm của một doanh nghiệp nước ngoài, phải làm thêm giờ và đi công tác thường xuyên. Căn phòng trống trải, yên tĩnh khiến toi cảm thấy bất an.

“Nếu mày không thể hoá giải nghi ngờ trong lòng, sao không đợi anh ấy về nhà, ngồi xuống và hỏi thẳng anh ấy, để anh ấy cho mày một lời giải thích hợp lý.” Tôi lắc đầu tự phủ định ý nghĩ chợt nảy ra này. Tôi có thể hoàn toàn chắc chắn, anh ấy sẽ hoàn toàn phủ nhận và còn thể hiện cho tôi thấy sự đa nghi của tôi thật nực cười.

Từ trước đến nay, tôi không phải là người giỏi tranh luận vì tôi được sinh ra trong một gia đình không bao giờ cãi nhau.

Bố tôi không có thói quen làm bất cứ việc gì trong nhà, cứ đi làm về là ông ngồi trên ghế xô pha, bật ti vi lên xem đến khi ăn cơm, ăm xong lại tiếp tục xem, đến khoảng mười một giờ thì lên giường đi ngủ. Mẹ và tôi làm tất cả việc nhà, sau khi đã ra ngoài đời đi làm, tôi đề nghị thuê giúp việc theo giờ, nhưng bố tôi lấy làm ngạc nhiên và bực bội nói: “Có cần mất tiền oan thế không?” Ông không hề nghĩ cho người vợ đã làm việc ở bệnh viện cả ngày mệt mỏi vất vả, đương nhiên càng không nghĩ cho con gái cả ngày đi làm, về nhà lại phải làm một đống việc vặt vô cùng mỏi mệt.

Bố thì luôn đều đặn gửi tiền về quê, khiến cuộc sống của chính gia đình ông cũng trở nên eo hẹp, khổ sở, vậy mà mẹ không nói một tiếng nào/

Họ hàng dưới quê bố lên thăm, không khi nào tay không ra về, họ thích thứ gì là lấy thứ ấy, còn mẹ chỉ biết trầm mặc không nói.

Cháu gái, cháu trai bên họ nhà bố lên thành phố kiếm việc làm, hầu hết đều đến nhà tôi sống. Có một chuyện vô lý nhất là, thằng em họ lên thành phố Hán Giang họ và cũng chỉ đủ điểm vào lớp trung bình. Học phí của nó do bố tôi phụ trách không nói làm gì, đã thế nó còn nói như rồng leo, làm như mèo mửa. Tốt nghiệp xong, nó nhảy việc bao nhiêu chỗ, mỗi lần chuyển việc, nó chỉ làm chưa đến nửa tháng, mà lâu nhất cũng không quá ba tháng, tính ra đã sống ở nhà tôi gần hai năm. Ấy thế mà nó còn không biết liêm sỉ, dẫn bạn gái về ăn cơm, rồi ngủ với nhau qua đêm. Đến lúc đó, bố tôi không thể chịu nổi nữa mới đi tìm nhà trọ, cho nó ra bên ngoài, tiền thuê phòng trả hết. Tế mà mẹ tôi từ đầ đến cuối không nói lời nào.

Nếu tình trạng này xảy ra ở nhà người khác, chắc chắn đã cãi cọ bà ngày một trận nhỏ, năm ngày một trận to, không yên cửa nhà ấy chứ. Thế nhưng tôi chưa bao giờ thấy bố mẹ tôi cãi nhau. Hay nói đúng hơn, từ trước tới giờ, bố tôi luôn cho rằng mình không làm cái gì quá đáng, còn mẹ tôi không bao giờ lên tiếng phản đối, hoàn toàn nín nhịn chấp nhận. Sống trong môi trường đó, tôi và Tử Đông dường như hoàn toàn mất đi khả năng cãi nhau, gặp phải chuyện gì không vừa ý, phản ứng của chị em tôi chắc sẽ khiến mọi người rất kinh ngạc, đó là bỏ ra ngoài, nếu không bỏ ra ngoài được thì chọn cách im lặng.

Thói quen này đem lại rất nhiều lợi ích cho tôi trong công việc. Toi phụ trách quản lý nguồn nhân lực của một công ty nước ngoài, hằng ngày phải xử lí rất nhiều công việc vụn vặt, giao tiếp với đủ hạng người, nhưng lúc nào cũng giữ được thái độ mềm mỏng, hoà nhã.

Tuy nhiên, là một người vợ đang chất chứa mối hoài nghi, tôi chỉ còn cách tự đấu tranh với bản thân. “Chẳng lẽ mày phải đi theo dõi anh ấy?” Đương nhiên, việc này tôi càng không thể làm được.

Nếu cứ thế mặc cho những đau khổ, buồn bã bủa vây, một mình lặng lẽ nhấm nháp nỗi buồn, sợ rằng tôi sẽ bị tẩu hoả nhập ma mất, thế nên tôi gắng gượng lấy lại tinh thần, sắp xếp đồ vào túi adidas và đi bơi, môn thể thao đã lâu ngày tôi không ngó ngàng gì đến. Bơi một mạch hai nghìn mét, tôi mệt dến nỗi toàn thân đau nhức, sau đó tôi đi ăn tối, về nhà đọc sách, uống một viên thuốc an thần mà Tử Đông kê cho và lên giường nằm ngủ.

Trong cơn mê mang, tôi thấy mình lạc đến một nơi tối tăm, âm u, tôi chạy thục mạng, không mục đích, chẳng nhìn thấy con đường quay về, không biết lúc đó cảnh vật thay đổi thế nào, giống như bị bỏ rơi một mình dưới đáy biển sâu, không thấy đâu là bến bờ. Cuối cùng cũng được một đôi tay nắm lấy, tôi mở mắt ra, Á Â đang ngồi cạnh giường nhìn tôi và lau mồ hôi trên trán tôi.

“Em gặp ác mộng à?”

Tôi giơ tay lên thì anh liền phủ người xuống ôm lấy tôi.

“Mùi thuốc lá kinh quá!”

“Anh đang định đi tắm.”

“Đợi lát nữa hãy đi.”

Bình thường tôi đều từ chối không cho anh lại gần sau khi đi tiếp khách về mà người nồng nặc các loại mùi, Nhưng lúc này, tôi bỗng cảm thấy mình rất cần hơi thở, sự ấm áp và trọng lượng của cơ thể anh. Anh nhẹ nhàng nằm lên người tôi, đầu vùi vào cổ tôi.

“Á Âu!” Tôi khẽ gọi tên anh, anh luồn ngón tay vào mái tóc tôi coi như trả lời, rồi anh nắm lấy sợi tóc thật nhẹ nhưng rất chặt. Cảm giác như được kéo, được lôi đó cứ thể lan đến tận trái tim. Tôi nhẹ nhàng hỏi: “Anh còn yêu em không?”

Cơ thể anh bỗng hơi co lại, lát sau mới thấy anh nói: “Tại sao tự nhiên lại hỏi câu đó?”

Tôi im lặng chờ đợi câu trả lời, cuối cùng anh nói: “Đương nhiên rồi, anh yêu em mà, Khả Khả.”

Anh rất ít khi nói những lời như thế, thời khắc này cũng giống như toi đang ép anh nói ra. Tâm tư vô cùng hỗn loạn, tôi không biết mình muốn có câu trả lời thì có ý nghĩa gì. Tình yêu đúng là một thứ tình cảm mà người ta không biết no biết chán, khi không có được thì bất chấp tất cả để có; khi có được rồi thì lại hy vọng có nhiều hơn và muốn mãi mãi không bao giờ thay đổi.

“Là kiểu tình yêu không bảo đảm đúng không?”

Anh cười nhẹ, hơi thở nóng sực phả lên làn da tôi, khẽ nói: “Anh trao cái thân anh cho em đã là sự không bảo đảm nhất mà anh từng biết.”

Tôi cũng không nhịn được bật cười, kèm theo một chút chua xót và tự giễu: “Đúng, đúng, em phải biết quý trọng, phải cất giữ chu đáo không cho phép bất cứ người nào cướp đi.”

“Nếu em chịu mặc cảnh phục, anh cũng không tiếc để em giam giữ anh đâu.”

Tôi đấm anh một cái, anh bật cười thành tiếng. “Xem em kìa, chẳng biết phối hợp trêu đùa chút nào cả.”

Anh thì lúc nào cũng muốn trêu chọc tôi. Bây giờ còn đỡ, chứ so với ngày trước, tôi chẳng khác gì nữ tu sĩ. Bàn tay anh bắt đầu do thám vào áo ngủ của tôi và dần di chuyển khắp nơi, nhưng tôi kịp thời giữ lại. Cho dù có muốn thân mật cỡ nào, tôi cũng không thể tiếp nhận anh mà coi như không có chuyện gì xảy ra.

Anh cảm nhận được sự từ chối của tôi, cười khổ. “Lấy một cô vợ nghiêm túc, có lúc muốn chết quá. Biết rõ là em làm bất cứ việc gì cũng phải hợp tình hợp lý, nhưng vẫn mơ hồ em phải có một cái gì đó bộc phát không theo lẽ thường, nhưng không biết là lúc nào thì nó mới bộc phát, tâm lý sợ hãi này còn mạnh hơn nhiều so với việc có đôi vợ chồng cãi nhau tầng trên, nhưng tầng dưới đợi mãi chưa thấy chiếc giày còn lại của cô vợ bị ném xuống.”

“Em rất muốn phối hợp để thoả mãn anh, nhưng em không biết em nên bộc phát thế nào mới phù hợp với mong muốn của anh.”

Anh chống hai tay lên, nhìn tôi từ trên xuống, ánh mắt tôi cũng dần dần dịch chuyển, từ cổ áo đang mở cúc của anh, đến yết hầu, cằm, rồi đến môi. Anh có cái cằm và đôi môi mỏng rất quyến rũ, lúc này đang mím chặt.

Dì tôi đã có lần thì thầm với tôi rằng: “Tướng mạo của anh chàng Á Âu nhà con chẳng có gì phải chê cả, rất đẹp trai, nhưng lại không đến mức nhìn mà khiến người khác coi nhẹ khí chất bên trong, chỉ có điều môi nó mỏng quá, không thể tránh được có chút bạc tình.” Lúc đó toi không cho là như vậy, bây giờ nghĩ lại mới cảm thấy thật hỗn loạn, mâu thuẫn.

Anh bỗng dùng hai tay giữ chặt đầu tôi, bờ môi mỏng, nóng ấm kề sát lại mạnh mẽ hôn tôi. Mùi rượu, mùi thuốc lá và cả mùi cơ thể anh bao phủ lấy tôi, vừa quen thuộc vừa xa lạ, trong phút chốc tôi bỗng thấy hoang mang. Sau nụ hôn thật dài đó, anh nhìn tôi, một lúc lâu sau mới nói: “Về tin nhắn đó, anh muốn nói rõ với em...”, tôi nín thở chờ đợi, anh nói tiếp: “...em không cần phải để tâm đâu.”

Đây đương nhiên không phải là một lời giải thích thành khẩn, nhưng dường như đó đã là sự nhượng bộ của anh, đáng lẽ tôi nên truy vấn: Cô ta là ai, giữa hai người đã xảy ra chuyện gì? Nhưng tôi sợ câu hỏi của tôi sẽ kéo theo rắc rối khác, khi hai vợ chồng đã đi đến bước chất vấn và giải thích tận cùng thì sẽ không còn cách nào quay lại nữa.

Tôi lánh người ra khỏi người anh, ngoảnh đầu sang một bên.

“Khả, Khả, em phải biết, anh không thích cãi nhau vì một chuyện không đâu.”

Tôi mệt mỏi nói: “Đương nhiên là em biết, lý do anh kết hôn với em là vì em không biết cãi nhau...”

Đúng vậy, đây là câu nói mà sau khi kết hôn không bao lâu, trong một lần uống rượu về anh đã nói. Nhận giải thưởng “Âm thầm chịu đựng xuất sắc” do chồng trao tặng, có lẽ không một bà vợ nào cảm thấy vui vẻ, tôi cũng vậy, cảm giác thất bại cứ thế bủa vây lấy tôi. Đợi sau khi anh tỉnh rượu, tôi hỏi lại anh thì anh cười ha hả, bảo tôi là lời nói của một người say rượu mà cũng coi là thật ư. Sau đó thì tôi không có cách nào quên được câu nói ấy của anh, bây giờ nghĩ lại mới thấy thấm thía. Từ trước tới nay, tôi chưa bao giờ cố gắng tỏ ra mình là một người phụ nữ cam chịu, bao dung, chỉ là tôi không biết cãi cọ mà thôi. Vậy mẹ thì sao? Lúc nhỏ, tôi đã từng thấy ông bà ngoại cãi cọ, sau đó lại làm lành, thậm chí chứng kiến chuyện đó thường xuyên, thế nhưng tại sao mẹ tôi luôn luôn thể hiện sự cam chịu, chấp nhận hết thảy, không bao giờ nổi nóng? Lẽ nào mẹ sống vì tương lai của chị em tôi? Cứ nghĩ đến điều này, bao nhiêu cảm xúc lại trào ra, mắc nghẹn ở cuống họng, không thể nào thốt nên lời.

“Nhưng em cứ chiến tranh lạnh với anh như vậy cũng chẳng ra làm sao cả.”

“Cuộc sống này có ra sao đâu, chỉ cần nhắm mắt một cái là tất cả lại trở về với cát bụi.”

Câu trả lời của tôi khiến anh sững sờ, vẻ mặt bỗng dịu dàng trở lại. “Anh biết em vẫn còn buồn vì sự ra đi của mẹ, anh xin lỗi.”

Tôi bỗng thấy mũi mình cay cay, nhưng không thể khóc nổi, chỉ biết thất thần nhìn lên trần nhà.

Anh đưa tay lên má tôi, điều chỉnh cho khuôn mặt tôi nhìn vào mặt anh rồi nói: “Em đừng buồn nữa, sinh lão bệnh tử, chúng ta cần phải chấp nhận sự thực.”

“Chính vì cuộc đời con người phải chấp nhận quá nhiều sự thực nên mới cảm thấy thật đớn đau.”

“Chúng mình đi du lịch đi, thư giãn một chút. Lần trước em nhắc đến nước Seychelles, cũng được đấy chứ!”

Tôi băn khoăn nói: “Nhưng mẹ vừa mất, hay là để một thời gian nữa.”

“Lẽ nào em muốn chờ tang ba năm? Chỉ cần trong lòng luôn nhớ đến là được, cần gì phải câu nệ như thế chứ!”

“Đi du lịch cần phải vui vẻ, mà em thực sự...” Tôi lắc đầu, không nói tiếp.

Anh đứng dậy rồi nói: “Anh đi tắm đây.”

Tôi bỗng kéo vạt áo anh. “Á Âu, anh bỏ thuốc đi nhé!”

Anh bật cười. “Được rồi, lần sau anh sẽ tắm xong rồi mới vào phòng ngủ, được chưa?”

“Em nói nghiêm túc mà. Anh nhìn mẹ đấy...”

Mẹ tôi hút thuốc.

Mẹ là bác sĩ khoa sản được đào tạo chuyên nghiệp nhưng lại nghiện thuốc, hơn nữa là loại thuốc nhập khẩu, chứ không phải loại thuốc lá có hương bạc hà dành cho phụ nữ.

Đương nhiên, lúc làm việc trong bệnh viện thì mẹ tuyệt đối không hút. Buổi tối về nhà, sau khi làm xong việc nhà, mẹ lại phải viết báo cáo, đọc tạp chí chuyên ngành, bận rộn đến tận đêm khuya, nhưng tôi thường thấy mẹ đứng ở ban công hút hết điếu này đến điếu khác. Kiểu hút thuốc của mẹ không phải là hít vào một cái rồi thở ra ngay mà là hít thật sâu, sau đó mới từ từ nhả khói, cảm giác hưởng thụ giống như hút thuốc phiện vậy.

Bố tôi cũng hút thuốc, nhưng ông lại rất phản cảm khi phụ nữa hút thuốc, ông nói là “chẳng ra làm sao”. Mỗi lần ông nói câu đó, mẹ tôi không đáp lại, trong làn khói vấn vít, tôi chẳng nhìn rõ biểu cảm của mẹ. Suy nghĩ của tôi rất mâu thuẫn, một mặt cho rằng phụ nữ không cần phải tỏ ra là người thế này thế kia theo tiêu chuẩn đánh giá của đàn ông, mặt khác cũng biết rõ rằng hút thuốc là một thói quen xấu. Tôi và em trai Tử Đông đã khuyên mẹ bỏ thuốc vì sức khoẻ, nhưng đa số lần nào mẹ cũng chỉ cười, cố tình lái sang chuyện khác. Có lần tôi nói với giọng nặng nề quá, mẹ nhả ra một hơi thuốc, mỉm cười. “Cả con người mẹ chỉ có một tật xấu này, con không đến nỗi bắt mẹ là người hoàn hảo, không có khuyết điểm gì đấy chứ?”

Bệnh ung thư phổi có liên quan mật thiết với việc hút thuốc lá trong thời gian dài, điều đó dù không nói ra thì ai cũng hiểu. Trong giọng nói của mẹ lúc đó chứ đựng cả một sự cô đơn, quạnh vắng, đến bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn thấy lạnh run người.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.