Type: Tít Mít
1
Chiều mồng Một Tết, tôi ra sân bay đón dì.
Dì tên là Nghiêm Tiểu Thanh, năm nay bốn mươi chín tuổi, là nhân viên nghiên cứu của một viện nghiên cứu hóa học. Có điều dì là một người hay nói, tính cách hoàn toàn khác mẹ tôi, điều này thường khiến tôi cảm thấy khó hiểu. Tối đó, tôi và dì ở chung phòng. Dì cười, bảo: “Ngủ thế này giống y như ngày trước con được nghỉ hè về nhà, thích ghê!”
Tôi im lặng không nói gì. Đúng vậy, dì chỉ hơn tôi mười lăm tuổi, sự thân thiết giữa tôi và dì còn trên cả tình cảm dì cháu, thậm chí giống như mẹ con, hay chị em. Chúng tôi thường ngủ chung giường. Khi tôi học mẫu giáo, dì là người phụ trách đưa đón tôi. Lúc tôi được bố mẹ đón về, người tôi không nỡ xa nhất là dì. Dù ở hai nơi khác nhau nhưng chúng tôi vẫn giữ liên lạc, viết cho nhau những lá thư dài, nói chuyện qua điện thoại đến nỗi máy nóng sực lên. Chưa bao giờ tôi giấu dì bất cứ bí mật gì. Còn dì lại giấu tôi một chuyện lớn đến như vậy.
Dì nắm tay tôi. “Đừng trách dì nhé, Khả Khả. Nếu là con, con có nói cho cháu ruột của mình biết không? Nào, lại đây, dì nói cho con biết, mẹ con đến chết vẫn không muốn tiết lộ bí mật rằng người mà con luôn gọi là bố đó lại không phải là bố ruột của con.”
Đương nhiên, dì không thể làm như vậy thì tôi cũng chẳng có tư cách trách dì. Tôi dựa đầu vào vai dì, dì xoa đầu tôi, thở dài. “Dì luôn hy vọng con không biết chuyện này, như vậy sẽ bớt phiền phức cho con!”
Đúng thế, tôi hoàn toàn đồng ý với suy nghĩ cùa dì. Đáng tiếc, chẳng có ai quay lại được trạng thái vô lo vô nghĩ. Có rất nhiều chuyện, chỉ cần một nghi ngờ nhỏ hay không chắc chắn một việc nhỏ nào đó là đổ vỡ tất cả, không thể trở lại như trước được nữa.
“Tại sao bố con lại đồng ý lấy mẹ con? Họ có quen nhau từ trước không?”
Dì cười buồn bã. “Sau khi biết được lai lịch của con, dì cũng hỏi bà ngoại con câu hỏi tương tự như vậy, bà rất tức giận, mắng dì một trận té tát nhưng vì không thể từ chối được những câu hỏi dai như đĩa của dì nên bà cũng kể vắn tắt. Bà nội con từng là người giúp việc trong nhà mình, sau khi ông bà ngoại con được đi làm lại, sức khỏe của hai người rất kém, thế nên mới bảo bà nội con tiếp tục giúp việc trong nhà. Để cho bố mẹ con kết hôn với nhau cũng chính là đề nghị của bà nội con.”
Tôi há hốc miệng kinh ngạc, không nói nên lời. Đương nhiên, tôi chưa từng sống cùng bà nội, lần đầu tiên gặp bà chính là năm mẹ sinh Tử Đông. Bà mang theo trứng gà và cả gà mái đến thành phố Hán Giang. Trong phòng sơ sinh, bà bế đứa cháu trên tay mừng rơi nước mắt, sau đó bà nội nói một tràng tiếng địa phương mà tôi nghe chẳng hiểu gì, nhưng điều đó để lại cho tôi ấn tượng rất sâu đậm. Sau này, số lần tôi gặp bà chỉ đếm trên đầu ngón tay, năm tôi khoảng mười tuổi thì bà qua đời. Một bà lão thôn quê chủ động để cho con trai mình lấy một người con gái đã có chửa về làm vợ, đúng là chuyện không thể tin được.
“Quê của bố con, con cũng đã từng đến một lần, chắc con cũng biết nơi đó rất nghèo. Nhà bố con lại đông anh chị em, ông nội con mất sớm nên trong nhà không có người làm việc, bà nội con phải đi làm giúp việc cho các gia đình. Bố con lúc đó là người con trai duy nhất trong nhà đi bộ đội, nếu giải ngũ, ông ấy có thể bị cho về quê.
Vậy đây có thể hiểu là một cuộc hôn nhân hai bên cùng có lợi. Bố đã chấp nhận nghe lời khuyên của bà nội, đồng ý lấy người con gái đang mang bầu có hoàn cảnh gia đình khá giả, trở thành một người bố trên danh nghĩa, đổi lại, ông sẽ có cơ hội làm việc trong công ty nhà nước, có thu nhập khá ở thành phố lớn. Giờ thì tôi đã hiểu vì sao mẹ không bao giờ phàn nàn việc bố lấy lương gửi về quê cho anh chị em của bố học hành hoặc chu cấp cho họ, đến nỗi chính bản thân gia đình nhỏ của mình cũng gặp khó khăn, chật vật. Trong hơn ba mươi năm, họ hàng thân thích của bố đến như mắc cửi. Họ tùy tiện ra vào khắp phòng, tiện tay lấy bất cứ thứ gì họ muốn, mặc dù tôi và Tử Đông không có đồ riêng tư gì nhưng vì quá chán ngán, không biết bao lần chúng tôi đã làm mặt lạnh với họ và cũng không biết bao nhiêu lần phàn nàn việc này sau lưng bố, nhưng mẹ chỉ im lặng, luôn giữ thái độ hòa nhã, không có bất cứ lời ca thán hay trách móc nào.
Từ nhỏ, vì có một tấm màn vô tình ngăn cách nên tôi chẳng thể nào gần gũi với bố được. Lúc nào tôi cũng oán giận bố, còn ngây thơ nghĩ rằng mẹ quả là một người khác thường, một phụ nữ truyền thống giàu tính vị tha, chịu đựng. Tôi thường xuyên cảm thấy bất bình thay cho mẹ. Xem ra bây giờ mẹ và bố chẳng qua cũng chỉ là cặp vợ chồng “đồng sàng dị mộng”, sống để chịu đựng nhau, và tôi lại chính là nguyên nhân khiến cho cuộc sống của họ trở nên như vậy. Tất cả những nhận thức của tôi trong suốt ba mươi tư năm qua hoàn toàn bị đảo luộn.
“Sau khi phát hiện mình có thai, tại sao mẹ không đi phá thai ạ?”
Dì tôi trợn mắt, mắng: “Càng nói càng chẳng ra sao, nếu mẹ con đi phá thai, làm sao có con như bây giờ được?”
“Đó không phải là lựa chọn rất tự nhiên sao? Mẹ không nhất thiết lôi theo một đứa trẻ lai lịch bất minh đẻ lấy một người không yêu mình làm chồng, sống một cuộc sống khổ sở như thế, chẳng khác nào địa ngục.”
“Mọi chuyện không đơn giản như con nghĩ đâu, Khả Khả ạ. Thời đó không như thời nay, thòi nay người ta treo biển nạo phá thai đầy đường, họ coi đó là chuyện vô cùng đơn giản, bình thường, và cũng chẳng có ai bận tâm đi hỏi cái thai đó ở đâu ra.”
Tôi thật sự muốn biết những năm tháng đó, mọi người đã sống như thế nào!
“Tóm lại, bố mẹ con gặp nhau, quen nhau rất nhanh chóng, sau đó họ kết hôn rồi định cư ở Hán Giang.”
“Chỉ vì một sai lầm mà họ đã phải trả giá cả đời.”
“Không, không nên nói như vậy, Khả Khả à...”
Lúc tôi chào đời thì dì đang học trung học. Chắc dì không nghĩ đến việc có điều gì không thỏa đáng khi cô cháu gái này được sinh ra không bao lâu sau ngày chị gái và anh rể đăng ký kết hôn, dì chỉ biết vui sướng cùng ông bà ngoại đón tôi về nhà, bận rộn chăm sóc tôi.
Dì phát hiện ra cuộc hôn nhân của anh chị mình có điều gì đó bất thường vào mùa hè năm mẹ tôi mang thai Tử Đông. Lúc ấy dì đang học đại học, dì đưa tôi về thành phố Hán Giang để học tiểu học. Lúc chia tay, tôi khóc rất to, nắm chặt lấy tay dì không chịu buông, thế nên dì quyết định ở lại nhà bố mẹ tôi một thời gian cho tôi quen dần.
Lúc đó, bố tôi thường xuyên phải làm đêm, mẹ làm trong bệnh viện của thành phố, hai người rất bận rộn. Dì băn khoăn nói: “ Hay là cứ để em đón Khả Khả về, chị sắp sinh rồi, cũng cần chăm sóc em bé, mà anh rể thì xem ra cũng không biết chăm sóc trẻ, làm sao chăm nổi ba mẹ con?”
Mẹ tôi lắc đầu, nói: “Anh ấy nhất quyết bảo đón bé Khả Khả về anh ấy nói chính vì sắp có đứa con thứ hai rồi, nên không thể để Khả Khả nghĩ rằng anh chị không cần nó.”
Nghe dì tôi kể lại chuyện này, tôi thấy sống mũi cay cay.
Rổi dì nói nhẹ nhàng: “Khả Khả, con người của bố con mặc dù không tinh tế, chu đáo, nhưng ông ấy nói ra câu này chứng tỏ ông ấy thực lòng đã chấp nhận con, coi con như con gái ruột. Lúc đầu, dì cũng không thích ông ấy, luôn cảm thấy ông ấy quá sĩ diện, gia trưởng, nói năng cứng nhắc, quen sống bừa bãi, ích kỷ. Quan trọng nhất là lúc nào cũng chăm chăm bù đắp cho bố mẹ, anh chị em mình ở quê, không quan tâm lo lắng gì cho mẹ con con cả. Nhưng ông ấy cũng có ưu điểm, về chuyện của mẹ con, ông ấy và bà nội con giữ chuyện này kín như bưng, vì muốn giữ danh dự cho mẹ con. Dì nghĩ ông ấy như thế cũng đã rất tôn trọng mẹ con. Cho dù sau tang lễ mẹ con, con tỏ ra bực bội, không hài lòng, ông ấy cũng không có bất cứ hành động nào không hợp lý, đúng không?”
Đúng vậy, tôi không thể phủ nhận điều này, cô tôi không giữ được mồm miệng, chỉ nói lỡ một lời, mà còn bị bố tôi lập tức gạt đi ngay.
“Với kiểu người truyền thống như ông ấy, chắc chắn ông bà nội con cũng đã nghĩ đến việc nối dõi tông đường, nhưng hơn năm năm trời, mẹ con chưa sinh cho ông ấy đứa con nào mà ông ấy vẫn không trách móc gì. Sau khi Tử Đông chào đời, ông ấy đối xử với hai chị em con rất công bằng. Đúng là bố mẹ con không vì tình yêu mà kết hôn, nhưng sống được với nhau lâu dài như vậy thì không còn là vợ chồng trên danh nghĩa nữa. Thế nên con không thể coi cuộc hôn nhân của họ là một sai lầm được.”
Dì nói đúng, tôi làm gì có tư cách đánh giá sự lựa chọn của họ chứ?
“Vậy dì biết ông ấy không phải là bố đẻ con từ lúc nào?”
“Đó là vào dịp nghỉ hè, thời tiết ở thành phố Hán Giang rất oi bức. Lúc đó đương nhiên chưa có điều hòa như bây giờ, chỉ trông chờ vào cái quạt điện, nhưng quạt cũng chỉ toàn thổi ra gió nóng, vô cùng khó chịu. Hôm đó, bố con trực đêm ở công xuởng, còn dì đến đêm nóng quá không thể ngủ đuợc, bèn dậy uống nước, thấy mẹ con đang ngồi trong phòng khách cầm lá thư, nước mắt tuôn rơi. Dì chưa từng nhìn thấy mẹ con khóc lần nào nên sợ hết hồn, gặng hỏi mãi, nhưng mẹ con chẳng nói một lời. Thực ra, mặc dù dì và mẹ con là hai chị em ruột nhưng chênh nhau đến tám tuổi. Lúc mẹ con tham gia đội sản xuất ở nông thôn thì dì mới tốt nghiệp tiểu học, lúc mẹ con quay về thì đã hoàn toàn trở thành một người xa lạ. Mẹ con chưa bao giờ tâm sự với dì, cho dù dì có hỏi điều gì, mẹ con cũng chỉ nói hai, ba câu gạt đi. Vì thực sự rất lo lắng nên ngày hôm sau khi mẹ con đi làm, dì đã lục đồ và xem trộm bức thư đó, đọc thấy cái tên Hà Nguyên Bình.”
Tôi nghĩ đó là lá thư trả lời của dì Mai gửi cho mẹ mà sau đó tôi đã đọc được. Tại sao sau sáu năm, mẹ mới hỏi thăm tin tức về người đàn ông đó? Vì tôi đã được đón trở về sống bên cạnh mẹ, gợi lại kỷ niệm cũ của mẹ? Hay là vì lần thứ hai mang bầu, sự thay đổi nồng độ hormone trong người khiến mẹ cảm thấy hối hận, áy náy?
“Dì không còn là học sinh trung học nữa nên đã hiểu biết đôi chút về cuộc sống, nghĩ đến thời gian ra đời của con, dì cũng mang máng nhớ lại năm đó đã xảy ra chuyện gì. Vì thế dì mới hiểu được tại sao khi mẹ con về thành phố đã phải nhanh chóng kết hôn với bố con, một người không hề quen biết từ trước, tại sao mẹ con từ bỏ cơ hội trở về Bắc Kinh để cùng bố con ở lại thành phố Hán Giang, tại sao mẹ con luôn tỏ ra quá nghiêm túc, thậm chí khắc nghiệt với bản thân, không hề phàn nàn trách móc bố con bất cứ chuyện gì trong việc gánh vác trách nhiệm gia đình.”
“Lúc đó, dì có hỏi mẹ chuyện này không?”
Dì lắc đầu. “Dì nói rồi, đối với dì, mẹ con luôn là người chị cả, nhưng sau khi về thành phố mẹ con bỗng trở thành môt người hoàn toàn khác, lạnh lùng, trầm mặc, dì sợ mẹ con hơn cả ông bà ngoại. Xem trộm thư của mẹ con mà dì đã cảm thấy tim đập chân run rồi. Cho dù có tò mò thế nào, dì cũng không dám hỏi thẳng mẹ con những câu như: Chị và người đàn ông tên Hà Nguyên Bình đó rốt cuộc có quan hệ thế nào?”
Đúng vậy, mẹ luôn là người rất nghiêm nghị, thế nên cái tát mà mẹ dành cho Tử Đông, tôi cũng không tiện nhắc đến. Tôi không kìm được ý nghĩ, nếu như người phát hiện ra nhóm máu có vấn đề không phải là Tử Đông mà là tôi thì mẹ sẽ có phản ứng thế nào. Thật khó nghĩ, tôi cũng là một đứa sợ mẹ, tôi chỉ không xác định được là, khi phải đối mặt với nguồn gốc xuất thân của mình, tôi sẽ sợ hãi im lặng không nói gì, hay coi như chưa có chuyện gì xảy ra?
“Khả Khả, đối với ông Hà Nguyên Bình, chuyện này là một ký ức không tốt đẹp gì. Dì đoán có lẽ ông ấy còn không biết mẹ con có thai. Thế mà con lại đứng trước mặt hỏi ông ấy, làm sao ông ấy có thể chấp nhận được? Nghe lời dì, đừng tự ý nhận ông ấy là bố nữa.”
“Ông ấy đã từ chối không nhận con rồi.”
Dì ngạc nhiên. “Ông ấy đã nói thế nào?”
“Ông ấy nói con nhận nhầm rồi, đừng nhắc đến chuyện này nữa. Nhưng ông ấy cũng không nói rằng con không phải là con gái của ông ấy.”
Dì tôi im lặng rất lâu, không nói câu nào. Trạng thái trầm mặc như thế của dì rất hiếm, tôi nghĩ đây đúng là tình huống mà bất cứ ai cũng không thể nói được gì.
“Cuộc sống hiện nay của ông ấy thế nào?” Đột nhiên, dì hỏi tôi.
“Ông ấy sống ở một thôn nhỏ tên là Lý Tập, làm nghề chủ trì tang lễ, cuộc sống cũng khá khó khăn. Nhưng ông ấy có một cô con gái rất đặc biệt, năm nay mười tám tuổi.”
Dì tôi “ồ” lên một tiếng.
“Thế nên cho dù nói thế nào, việc con được sinh ra cũng là một sai lầm.”
“Khả Khả...”
“Con biết mà dì, con sẽ không tự làm khó mình đâu.”
“Không chỉ la chuyện này, còn cả chuyện con và Á Âu nữa...”
Khả năng quan sát của dì thật giỏi, quả nhiên dì đã đoán đúng, quan hệ giữa tôi và Á Âu đã khác trước.
2
Chiều Ba mươi Tết, tôi đang ở siêu thị mua đồ thì nhận được một cuộc gọi từ số máy lạ.
“Hứa Khả, chào chị.”
Tôi không có chút ấn tượng nào với giọng nói này, nên đành hỏi: “Xin lỗi, ai đây?”
“Du Vịnh Văn. Chị còn nhớ cái tên này không?”
Đương nhiên là tôi còn nhớ. Tôi hỏi: “Có chuyện gì không?”
“Tôi muốn gặp chị nói chuyện, được không?”
Tôi từ chối dứt khoát: “Không cần gặp đâu.”
“Từ chối thẳng thắn như vậy, tôi tin là chị đã biết tôi muốn nói đến chuyện gì rồi.”
Tôi nắm chặt điện thoại, đứng giữa siêu thị rộng mênh mông, người qua kẻ lại như mắc cửi, bên tai ngập tràn bài hát chúc mừng năm mới: “Chúc mừng, chúc mìmg, chúc mừng bạn...”* Không khí vui vẻ tràn ngập khắp nơi, năm nào cũng vậy. Trong điện thoại vọng đến tiếng nói của cô ta, nhỏ nhẹ, mềm mại, nhưng rất rõ ràng, dường như có thể xuyên thấu tận đáy lòng.
(*) Bài hát: Chúc mừng bạn. Nhạc và lời: Hoàng Trêm; Ca sĩ: Trương Mạn Lợi
“Trốn tránh cũng không có ích gì, chị Hứa Khả ạ. Chúng ta cần gặp nhau, ngồi nói chuyện thẳng thắn. Chị nghĩ kĩ đi rồi điện lại cho tôi, gọi theo số này, thế nhé!”
Tôi vẫn mua đầy đủ các thứ theo danh sách đã liệt kê rồi đến nhà bố, đeo tạp dề, bắt đầu chuẩn bị nấu bữa tối Giao Thừa. Bố vẫn làm việc nhà rất vụng về, nhưng có vẻ hôm nay trời “sắp sập” hay sao mà bố lại giúp tôi nhặt rau, chuyện trò thân thiết, nào là: cô tôi lên chức bà nội; con dâu của chú tư cũng đã có mang, hai đứa con chú vẫn ở Thượng Hải năm nay không về ăn Tết, thím tư vì chuyện này mà rất buồn; bà cô thứ hai của tôi định ngày kia sẽ lên đây ở vài ngày, tiện khám bệnh luôn...
Tói biết bố đang muốn trò chuyện để kéo gần khoảng cách giữa hai bố con. Tôi rất cảm kích trưóc sự cố gắng của ông, thế nên cũng trả lời lại. Đột nhiên, tôi nghe bố hỏi: “Khả Khả, sao con không bao giờ về nhà Á Âu ăn Tết? Là phụ nữ thì không nên ích kỷ, làm nũng quá, mà nhà chồng cũng nghĩ con không tôn trọng họ.”
“Con cũng không phản đối về nhà anh ấy ăn Tết, nhưng anh ấy nói rằng tết nhất chỉ muốn nghỉ ngơi, không muốn phải chen lấn đi mua vé ngồi xe khách, hay bay đi bay về, như thế rất phiền phức, mệt mỏi.”
Bố tôi quả nhiên không tán thành, nói: “Quan hệ giữa con rể và bố mẹ nó hình như không đuợc tốt lắm.”
Đúng là như vậy. Quê của Tôn Á Âu là một thành phố loại ba cách chỗ chúng tôi ở hơn một nghìn kilomet. Dù kết hôn đã gần sáu năm nhưng anh chỉ dẫn tôi về nhà một lần, ở lại có một ngày, ăn cơm ngoài tiệm, buổi tối còn ở khách sạn, cuộc trò chuyện giữa tôi và bố chồng còn chưa quá mười câu. Sau đó, anh ấy chỉ thỉnh thoảng liên lạc với bố mẹ qua điện thoại, Tết đến thì gửi một khoản tiền vào tài khoản của bố mẹ, nếu không có việc gì quan trọng và cần thiết thì không bao giờ về quê. Tôi cũng đã từng hỏi anh lý do, anh chỉ hờ hững trả lời: “Không phảo gia đình nào cũng đầm ấm, vui vẻ để có thể ở lại lâu.”
“Khả Khả, các con cũng nên nghĩ đến việc sinh một đứa đi!”
Tôi ngạc nhiên, đây là lần đầu tiên bố nói với tôi chuyện này, trước đây chỉ có duy nhất một lần, mẹ khéo léo nhắc đến vấn đề này, bảo tôi không nên vì công việc bận rộn mà để lỡ độ tuổi sinh đẻ thích hợp. Sau khi tôi thẳng thắn nói với mẹ rằng mình không có kế hoạch sinh con, mặc dù tỏ ra rất ngạc nhiên nhưng mẹ cũng không nói gì nên lúc đó tôi đã thở phào nhẹ nhõm.
“Dạo trước bố bảo mẹ hãy giục con, hoặc đưa con đi kiểm tra xem thế nào, mẹ con nói là muốn tôn trọng cách nghĩ của con. Bố không hiểu, kết hôn rồi sinh con không phải là chuyện rất tự nhiên của phụ nữ sao?”
Do dự hồi lâu, cuối cùng tôi nói: “Chúng con đều thích sống yên tĩnh, trước khi kết hôn cũng thỏa thuận với nhau là không sinh con.”
“Sống yên tĩnh ư?”
Đến lượt bố tôi ngỡ ngàng, tôi biết động cơ không sinh con hoàn toàn nằm ngoài phạm vi thấu hiểu của bố. Thực sự tôi không biết giải thích thế nào, đành đánh trống lảng: “Bố, nhà mình chỉ có xì dầu sẫm màu, hết xì dầu nhạt màu rồi, bố xuống nhà mua cho con một lọ nhé!”
“Đều là xì dầu cả, cần gì phải mua cả hai thứ làm gì!”
Dù nói như thế nhưng bố vẫn đúng dậy đi ra ngoài. Mấy phút sau, Tử Đông về, bước vào bếp, nó kêu lên rất khoa trương: “Chị, em không thể tin nổi, đây là những món chị nấu sao?”
“Hừ, thế không lẽ là nàng tiên Ốc biến ra à?
Nó cười. “Em và bố ăn uống qua loa lắm. Có lúc bố còn mua cơm ngoài hàng về ăn tối. Nếu cứ như vậy, chắc em phải học nấu ăn quá!”
Tôi ngẩn người, tự trách mình. “Gần đây nhiều việc quá, sau này đến cuối tuần, chị sẽ cố gắng đến nấu cho hai người ăn.”
“Sao có thể trách chị được. Thế cái cô gái tên Từ Hàng đó đi rồi à?”
“Bố cô bé đón về rồi.”
Em trai tôi thở phào, nói: “May quá! Chị đón cô ấy lên thành phố, nhỡ xảy ra chuyện gì thì không gánh nổi trách nhiệm đâu.”
“Em chỉ cần nghĩ không có chuyện gì xảy ra là được.”
“Vì cô ấy là người chúng ta không thể gánh nổi trách nhiệm. Chị à, chuyện này đến đây thôi nhé, đừng nhắc đến nữa, được không?
“Nếu đổi lại, nhóm máu của em không cùng với nhóm máu của người trong nhà, em sẽ nghĩ thế nào?'
Em trai tỏ ra bối rối. “Đúng là em không nên suy nghĩ ích kỷ như vậy.”
Thời gian này, em trai tôi luôn cố gắng an ủi tôi, khiến tôi cảm thấy áy náy. Xoa đầu nó, tôi bảo: “Cho dù có bao nhiêu chuyện thay đổi, nhưng em vẫn là em trai của chị, ít nhất thì khi nghĩ tới điều này, chị cũng thấy được an ủi.”
Em trai cười mà mặt mày méo xẹo.
Sáu giờ tối, tôi đã nấu cơm xong, nhưng Á Âu vẫn chưa đến. Bố tôi bảo tôi gọi điện giục anh ấy. Tôi nói: “Không cần đâu ạ, công ty anh ấy có việc, anh ấy bảo chúng ta không phải đợi đâu ạ.”
Chúng tôi ngồi xuống ăn cơm, không khí bỗng nhiên trầm lắng hẳn. Nhưng chúng tôi đều có thói quen không nói chuyện trong khi ăn. Lúc sắp ăn xong thì Á Âu mới về. Bố tôi lập tức bảo tôi nấu thêm hai món nữa, tôi liền vào bếp thái măng. Trong lúc không đế ý, con dao tôi cầm trượt một đường vào đầu ngón trỏ tay trái, máu cứ thế tuôn ra. Tôi vội vàng vứt dao xuống, nắm chặt ngón tay thất thanh gọi Tử Đông. Em trai tôi và Á Âu cùng chạy vào. Á Âu vội vàng hỏi:
Có cần đi bệnh viện không?”
Tôi lắc đầu, Tử Đông nhanh chóng chạy đi lấy hộp thuốc, kiểm tra qua vết thương, nói: “Không sao đâu, may mà có móng tay chắn đỡ, nếu không, với con dao sắc thế này thì chị phải đi viện đấy.”
Em trai sát trùng, băng bó cho tôi xong, cười, bảo: “Để em xào rau cho, chị và anh rể ra ngoài nghỉ đi.” “
Cơm nước xong, Tử Đông ở lại với bố, còn tôi và Á Âu xin phép ra về. Anh nắm cổ tay tôi, nhấc lên kiểm tra rồi hỏi: “Có đau không?”
“Không sao.”
Em để xe của em ở đây, ngồi xe anh về!”
“Không cần đâu.”
Tôi rút điện thoại ra, tìm dãy số điện thoại gọi đến máy mình lúc ở siêu thị, giơ lên trước mặt anh, nói: “Số điện thoại này chắc anh quen hơn tôi?”
Ánh mắt anh dừng lại trên màn hình điện thoại, không nói câu nào.
“Tôi không ngờ gặp lại người quen cũ. Như thế có nghĩa là cô ấy đã học xong và về nước rồi? Nếu tôi đoán không lầm, cô ấy về lúc mẹ tôi đang bị ốm, đúng không?”
Anh có vẻ ngầm thừa nhận.
“Cô ấy muốn nói chuyện với tôi, nhưng tôi không có hứng thú. Ngày mai, dì tôi đến, tôi không muốn cãi nhau với anh trước mặt dì. Anh hãy xử lý cho xong chuyện này đi, trước lúc đó, đừng về nhà.”
Anh nhìn điện thoại, rồi lại nhìn tôi, dưới ánh đèn đường mờ tối, tôi không nhìn rõ vẻ mặt của anh. Tôi tiện tay bỏ điện thoại vào túi xách, rồi lục tìm chìa khóa xe. Bỗng anh nắm lấy cổ tay tôi.
“Em chịu đựng như thế có thấy khổ không?
“Không. Mặc dù hôm nay có người muốn nổi loạn, nhưng tôi không muốn cãi nhau trong những ngày này.”
“Vừa nãy ở trong bếp, em bị đứt tay, phản ứng đầu tiên của em không phải là gọi anh, anh biết đã có chuyện không ổn rồi.”
“Anh nghĩ nhiều quá rồi, Tử Đông là bác sĩ mà.”
“Phản ứng đầu tiên là bản năng, không phải là chọn lựa lí trí. Em không muốn nói chuyện với cô ấy, cũng không muốn anh giải thích, chắc trong lòng em đã có quyết định rồi.”
Tôi chẳng còn gì để nói, hất tay anh ra, cầm chìa khóa xe tra vào ổ rồi cứ thế lái xe một mạch về nhà.
3
Sáng sớm thức dậy, dì đã bảo phải ra ngoài gặp một người bạn cũ. Tôi nhìn đồng hồ, nói: “Mới có bảy giờ, hôm nay mới là mồng Hai Tết, bạn gì mà lại dậy sớm thế ạ?”
“Bọn dì lâu rồi không gặp nhau nên muốn gặp sớm một chút.
“Vậy để con lái xe đưa dì đi.”
Dì ấn tôi nằm xuống. “Không cần đâu, hôm qua đi đón dì, dì thấy tinh thần con không tốt lắm đâu, ngủ thêm lúc nữa đi. Dì bắt xe đi cũng tiện mà, chắc dì về muộn một chút đây.”
Từ sau đêm Giao thừa chia tay Á Âu về nhà, đúng là tôi luôn cảm thấy không thoải mái, tinh thần mệt mỏi, có cảm giác hơi ngây ngấy trong người. Tối qua, trước khi ra sân bay, tôi lấy nhiệt kế ra đo thấy 37,6°c, chỉ hơi sốt. Sau khi dì đi khỏi, tôi cố gắng ngồi dậy cặp nhiệt độ một lần nữa, chỉ có 37,7°c. Hai ngày liên tiếp mà nhiệt độ chênh lệch không đáng kể, chắc không cần phải đi khám.
Bạn thân của tôi là Hạ Vân rất hứng thú với một loại khả năng đặc biệt của con người, đó chính là “linh cảm“. Cô ấy cũng đã nghiên cứu rất nhiều về vấn đề này. Cô ấy từng nói với tôi, nhiều căn bệnh nảy sinh chính từ nội tâm bí bách, không được “khơi thông” của một số người. Là con gái của một bác sĩ, đương nhiên tôi không đồng ý với cách nghĩ đó, nhưng cơn sốt nhẹ không báo trước này dường như ở mức độ nào đó đã chứng thực cho lý luận của cô bạn tôi.
Tôi uống một ít nước rồi lên giường nằm, định sắp xếp lại một số vấn đề mà tôi đang phải đối diện.
Đây là một quyết định khiến tôi không thể bình tĩnh được.
Hôn nhân của tôi. Bố đẻ của tôi.
Chỉ có hai vấn đề ấy thôi, kể ra thì không phức tạp chút nào nhưng chẳng vấn đề nào tôi có thể giải quyết hay dứt khoát để sang một bên được.
Dần dần tôi rơi vào trạng thái nửa tỉnh nửa mê, tất cả những ý nghĩ ngổn ngang biến thành một giấc mơ thoắt ẩn thoắt hiện, từng gương mặt lướt qua trong đầu tôi: Tôn Á Âu, Hứa Tử Đông, Hà Nguyên Bình, Hà Từ Hàng, dì tôi, bố tôi, người mẹ đã mất của tôi, ông bà ngoại đã mất từ lâu, ông bà nội không có chút ấn tượng nào, người bác với gương mặt mơ hồ, rồi những anh chị em họ tôi không còn nhớ rõ tên...
Chuông điện thoại bỗng reo vang, tôi cố gắng mở mắt, một lúc lâu sau vẫn không rõ mình đang mơ hay tỉnh. Tiếng chuông không nhanh không chậm cứ thế reo mãi, tiện tay tôi vớ lấy và bấm nghe: “Alo, ai vậy?”
“Là tôi đây.”
Tôi hoàn toàn tỉnh ngủ, hối hận không xem rõ số điện thoại trước khi nghe máy. “Tôi đã nói rồi, tôi không có gì để nói với cô cả.”
Du Vịnh Văn cười nhẹ. “Hứa Khả, chị trốn tránh thế có ích gì không?”
Tôi cũng cười, chua xót nói: “Cô vội vàng cuống quýt đánh thức tôi dậy thế, chẳng phải đang cảm thấy hiện tại có lợi cho cô sao? Nếu thực sự có lợi như thế thì cô không cần gọi cho tôi làm gì.”
Cô vẫn nóng tính như trước kia, tôi nghe thấy cô ta “hừ” một tiếng, rồi nói: “Đừng lúc nào cũng cho mình tốt đẹp, tôi nói cho chị biết một sự thực rất đơn giản. Mấy năm qua, Á Âu luôn liên lạc với tôi. Lúc anh ấy đi Mỹ công tác, chúng tôi đã từng gặp nhau. Nếu không phải mẹ chị bị bệnh, anh ấy thấy chị đáng thương thì đã nói chia tay chị từ lâu rồi.”
Những cảnh trong quá khứ lần lượt hiện lên trước mắt tôi, bên tai tôi bỗng vẳng đến giọng nói trầm thấp, đanh đá. Tay cầm điện thoại run run, tôi cố gắng giữ giọng thật bình tĩnh: “Vậy tôi nên nói cảm ơn về sự nhân đức của hai người. Năm nay chắc cô cũng ba mươi tuổi rồi, tuổi cả ba chúng ta cộng lại cũng được hơn một trăm, thế mà còn túm tụm lại với nhau như thời học sinh, cô không thấy chán sao?”
“Tôi quả thực rất chán, không muốn đợi thêm nữa. Á Âu vừa rời khỏi nhà tôi, chúng tôi đã nói chuyện rất nhiều, rất lưu luyến, cứ tiếp tục tình trạng này đều không có lợi cho bất cứ ai, và đã đến lúc phải đưa ra một quyết định dứt khoát.”
Tôi lạnh lùng trả lời: “Tôi và cô từ trước đến nay không có bất cứ quan hệ gì nên chẳng cần nói gì với nhau cả. Còn việc tôi và Á Âu nói chuyện thế nào không liên quan đến cô, xin cô hãy tự trọng một chút, đừng gọi điện đến làm phiền tôi nữa.”
Tôi ngắt cuộc gọi, phát hiện bàn tay run đến nỗi không nắm chắc được điện thoại. Tôi đưa một tay sang nắm chặt tay kia, cố sức đến nỗi các ngón tay trắng bệch, nhưng không có cảm giác đau.
Tuy nhiên, bản thân tôi biết rõ, tận sâu trong trái tim tôi đã bị đâm từng nhát vô cùng đau đớn.
Thời gian trôi đi nhưng chẳng có điều gì mới mẻ xảy ra, tình yêu thay đổi, hôn nhân thay đổi… toàn là những điều mà chúng ta chứng kiến quá nhiều trong cuộc sống hằng ngày.
Đồng nghiệp, bạn bè của tôi đều nói chuyện, bàn luận những cái tin kiểu như tình cảm đổ vỡ, hôn nhân trong tình trạng nguy cấp. Vài tháng trước, tầng thứ 52 nơi tôi làm việc truyền nhau cái tin giật gân: Bạn gái giám đốc bộ phận quan hệ công chúng của một công ty ở tầng 23 gặp phải một kẻ thứ ba tự cho là mình đang mang bầu, xông vào văn phòng gây sự, ngón nghề cô ta mang theo hóa ra là một tấm ảnh hẹn gặp nhau của cô bạn gái ấy với một người bạn khác giới nào đó do cô ta thuê thám tử tư chụp trộm.
So ra, cái tôi nhận được chỉ là một cuộc điện thoại cũng “kín đáo” hơn nhiều.
Khi đọc được tin nhắn ấy, tôi biết hôn nhân của mình đã rạn vỡ. Đúng là “cháy nhà mới ra mặt chuột”, cô ta một mực ép gặp như vậy cũng là chuyện sớm muộn thôi.
Tôi cố gắng thuyết phục mình phải bình tĩnh, nhưng trong lòng lại rối như tơ vò, mồ hôi lạnh túa ra sau lưng khiến chiếc áo ngủ ướt đẫm. Tôi bước vào nhà bếp, pha một cốc cà phê, vừa ngồi xuống thì cửa mở ra, Á Âu bước vào.
Anh hỏi tôi: “Dì em đâu rồi?”
Tôi nhìn anh giống như một kẻ xa lạ, anh nhăn mày, nói: “Em sao thế?”
“Dì đi gặp một người bạn.”
Anh bỗng giơ tay ra, tôi né không kịp, cả bàn tay anh đặt nhẹ lên trán tôi cau mày. “Em đang ra mồ hôi, hình như bị sốt. Bị cảm rồi phải không? Để anh đưa em đi bệnh viện.”
“Không cần đâu, tôi cặp nhiệt độ rồi, chỉ hơi sốt thôi.”
“Thế sao lại uống cà phê, lên giường nghỉ đi!
“Chúng ta ly hôn thôi, Á Âu.”
Anh nhìn tôi bất động, không nói một lời.
“Cảm ơn anh đã quan tâm đến trạng thái tinh thần của tôi, suy nghĩ đến độ tuổi của tôi, trước tiên là việc mẹ tôi bị bệnh, sau đám tang mẹ, tôi lại đột nhiên không rõ bố đẻ mình là ai, anh sợ tôi bị bỏ rơi sẽ không chịu nổi nên không nói ra câu này. Tôi rất biết ơn anh. Thời gian hai người đối xử rộng lượng với tôi như thế cũng đủ rồi, bây giờ tâm trạng của tôi cơ bản là ổn định, có thể chịu đựng tất cả mọi chuyện, không cần phải kéo dài thêm nữa đâu.”
“Vịnh Văn lại gọi điện cho em à?
“Cách đây nửa tiếng trước khi anh về. Ba năm trước, anh đi công tác ở Mỹ, có gặp cô ta không?”
Anh không trả lời.
“Trong ba năm qua, hai người vẫn giữ liên lạc với nhau?”
Anh vẫn im lặng.
“Tôi vẫn còn nhớ lúc tôi biết tin mẹ bị bệnh ung thư phổi, hơn nữa lại là ung thư phổi giai đoạn cuối. Á Âu, lúc tôi về nhà, anh nói là anh có chuyện muốn nói với tôi, tôi không đợi anh nói đã ôm chầm lấy anh khóc òa lên. Anh an ủi tôi, ôm tôi rất lâu, và không nhắc đến chuyện anh muốn nói với tôi nữa. Thực ra hôm đó, anh đã định nói cho tôi biết chuyện anh và Du Vịnh Văn nối lại tình xưa, anh muốn ly hôn với tôi, đúng không?”
“Không phải như em nghĩ đâu.”
Nhưng chắc chắn cũng không kém những gì tôi nghĩ. Tôi cố gắng không để nước mắt chảy ra, quyết tâm không thể hạ thấp lòng tự tôn để tiếp tục truy hỏi anh.
“Tôi không có vấn đề gì nữa, chúng ta ly hôn thôi.”
Vẻ mặt anh cuối cùng cũng thay đổi. “Thế nên em định đuổi anh đi bằng cái vẻ dứt khoát, phóng khoáng thế sao?”
“Lẽ nào anh hy vọng tôi ôm chân anh khóc lóc cầu xin ư? Xin lỗi, tôi mệt mỏi lắm rồi, cũng sợ nữa - sợ rằng tôi sẽ dựa dẵm vào sự thông cảm của anh mà duy trì cuộc hôn nhân này, sợ quãng đời còn lại của tôi sẽ dùng dằng không dứt với cô ta.” Tôi chua xót nói. “Tôi không thể tiếp tục diễn cái trò hề này, cũng không muốn sống một cuộc đời thảm thương như thế.”
Anh bỗng giơ tay chạm vào tôi, cốc cà phê trước mặt tôi, cái đĩa, hộp đựng đường rơi cả xuống đất, phát ra tiếng vỡ loảng xoảng.
Tôi nhìn anh bất động, anh hít thở sâu, cố gắng kìm nén cảm xúc của mình, giọng nói bình thản thốt lên rõ từng chữ: “Hứa Khả em tàn nhẫn lắm. Nếu em cho rằng tất cả đều giống như em nói thì em nhầm to rồi.”
Ánh mắt anh lạnh như băng, không một chút ấm áp. Cho dù đang bị sốt, tôi cũng chiến tranh lạnh với anh. Tôi quen anh lúc hai mươi tư tuổi, đến hai mươi tám tuổi thì lấy anh, đã hiểu rõ tính cách của anh, hiểu được phần nào sự lạnh lùng của anh, nhưng lúc này vẫn cảm thấy “không rét mà run“.
Hai chúng tôi đang ở trạng thái giằng co như thế thì chuông cửa reo vang. Á Âu không thèm quan tâm, còn tôi đứng dậy mở cửa, là Tử Đông. Nó thấy bầu không khí trong nhà, ngẩn người ngạc nhiên. Lúc này, Á Âu tự trở lại là người đàn ông chuẩn mực, cười, bảo: “Anh không cẩn thận làm đổ cốc cà phê yêu thích của chị em, đang bị chị ấy trút giận đây, may mà em đến giải cứu đúng lúc.”
Trong lúc anh lấy cái chổi quét dọn sạch đống đổ vỡ thì tôi hỏi Tử Đông: “Sao em lại có thời gian rảnh rỗi đến đây thế?”
“Chị không nhớ em đã hẹn cùng ăn tôi với dì à?”
“Ờ, đúng rồi, nhưng dì vẫn chưa về.”
“Tử Đông, Khả Khả đang sốt, em xem có nên đến bệnh viện không?”
Tử Đông vội vàng đi lấy nhiệt kế, cặp nhiệt độ cho tôi, rồi nói: “37,6°c, chỉ hơi sốt một chút. Chị sốt bao lâu rồi? Có thấy mệt ở đâu không?”
“Sốt chưa lâu, chỉ thấy người mệt mỏi thôi.
“Nếu vẫn sốt nhẹ, cần phải quan sát thêm, không nên uống thuốc hạ sốt vội.”
Tôi thực sự không còn hơi sức đâu để tiếp tục làm ra vẻ không sao, may mà vẫn có thể lấy cớ bị sốt làm lý do: ' Tử Đông, em cứ ngồi chơi, chị... đi nằm nghỉ một lúc đã.
Lúc tôi đi về phía phòng ngủ, nghe Á Âu hỏi: “Tử Đông, bệnh chị em có nghiêm trọng không?”
“Không sao đâu, sốt nhẹ chỉ cần không kéo dài thời gian...
Tôi không nghe thấy Tử Đông nói hết câu, đóng cửa phòng ngủ, tựa cả người vào cánh cửa, nước mắt cứ thế trào ra.
4
Lúc đầu, tại sao tôi lại yêu Tôn Á Âu nhỉ?
Haizz, sao tôi phải tự hỏi mình câu ấy?
Khi còn trẻ, người đàn ông càng lạnh lùng thì dường như lại càng kích thích khát vọng chinh phục và bị chinh phục của chúng ta. Những người con gái yêu anh quả thật quá nhiều, tôi may mắn không phải là một trong số người cuồng nhiệt nhất.
Hay nói cách khác, tôi không phải là Du Vịnh Văn.
Cô ta căm hận tôi, theo cô ta, tôi là kẻ thứ ba đã phá hoại tình yêu của cô ta. Cái khoản nợ rối rắm này, tôi không thể biện bạch được. Tôi chỉ có thể nói rằng, lần đầu tôi và Á Âu quen nhau còn cách thời gian cô ta xuất hiện mấy năm.
Trong con mắt của người khác, tôi là một người e dè, thậm chí kiêu ngạo, không phải kiểu con gái dễ động lòng, cũng không dễ đỏ mặt, tim đập chân run, không bạo dạn tấn công, càng không đong đưa lẳng lơ quyến rũ người khác.
Thực ra, tôi không hề kiêu ngạo, chẳng qua sinh ra trong một gia đình khá bảo thu, nghiêm khắc nên tôi coi trọng lòng tự tôn của bản thân thậm chí coi lòng tự tôn là vũ khí. Tôi cũng chưa bao giờ học cách làm thế nào để tỏ ra dễ mến, đáng yêu trước mặt người khác, chứ đừng nói đến việc lấy cái đó ra làm vũ khí cho bản thân.
Tóm lại, là tôi ngụy trang khá tốt. Trong doanh nghiệp ngoài quốc doanh chỗ tôi làm, nhân viên nhiều như thế mà không ai biết tôi yêu thầm một người con trai rất xuất sắc mới đến ở bộ phận bán hàng. Cứ như vậy hơn nửa năm, sau buổi liên hoan cuối năm, mọi người vẫn muốn đi chơi tiếp nên rủ nhau đi hát KTV. Ngoài tôi ra thì tất cả mọi người đều đã uống rất nhiều, tất cả đều đứng dậy hát chung một bài. Không biết từ lúc nào, anh đứng bên cạnh tôi, tay vòng qua ôm eo tôi. Lúc hát xong, anh còn nghiêng đầu hôn vào tóc tôi một cái rất tự nhiên, đến nỗi nếu tôi có bất cứ phản ứng kinh ngạc nào cũng có thể coi là nực cười. Tôi trở lại chỗ ngồi, tim đập loạn xạ như sắp nhảy ra khỏi lồng ngực. Những người xung quanh đều không phát hiện ra, ai nấy đều hào hứng chọn bài hát, hay chơi đoán số... Họ chơi đùa vô cùng vui vẻ.
Tôi thấy mình không thể tiếp tục ở lại được, tránh có những cử chỉ làm mọi người mất hứng nên chào mọi người rồi lặng lẽ ra về. Không ngờ anh cũng theo tôi bước ra, nắm lấy tay tôi, bước nhanh ra khỏi KTV, rồi vẫy tay gọi một chiếc taxi.
Tôi ngồi vào xe, nghe anh hỏi: “Em về đâu?”
Tôi đang ở trạng thái “mơ màng” nên thuận miệng trả lời chỗ ở của mình. Anh lại hỏi: “Chỗ em ở có tiện không?”
Tôi không rõ câu hỏi của anh có ý gì, nên ngẩn người nhìn anh, anh cũng nhìn tôi, đột nhiên bật cười. “Xin lỗi em, anh hiểu nhầm. Đễ anh tiễn em về.”
Rồi anh lại thản nhiên như không có chuyện gì, còn tôi định thần lại, nghĩ thầm: “Anh ấy cho rằng mình bỏ về trước là đang “gửi” tín hiệu cho anh ấy, thế nên anh ấy mới đi theo mình. Thực ra anh ấy đang muốn hỏi mình có ở một mình không, nhưng “tiện” là từ chẳng có ý rõ ràng.” Anh nhanh chóng nhận ra tôi đang ở trạng thái mơ màng nhưng không để tâm, hình như việc này đối với anh rất đỗi quen thuộc.
Mặt tôi bỗng nóng ran lên và tôi nói: “Em ở cùng với bố mẹ, hay là đến chỗ anh đi.”
Và như vậy, tôi đã trao thân mình cho anh.
Không, không nên nói là trao một cách đơn phương, tôi cũng nhận được thứ mà mình thầm mong muốn - cho dù không mấy hoàn hảo. Tôi biết đây không phải là tình yêu bình thường, nhưng vì chuyện tôi yêu thầm anh đã đến giai đoạn quá đau khổ, tuyệt vọng. Trên xe taxi, tôi đã ý thức rằng, với tính cách của anh và cách tôi nói chuyện thì không thể có sự bắt đầu như tôi mong muốn, như vậy coi như tôi đã chọn cho mình một kết cục biết trước.
Sau đó là kỳ nghỉ Tết, anh không về quê, tôi có thời gian ra ngoài, ở với anh trong khu chung cư cũ kỹ mà anh thuê trọ và có một vài ngày ngọt ngào bên nhau.
Ngày đầu tiên đi làm, anh bình thản nói với tôi: “Ở công ty, chúng mình vẫn giữ quan hệ đồng nghiệp thì tốt hơn.”
Tôi nghe xong, bình tĩnh đáp: “Chúng ta không còn là đồng nghiệp nữa. Em chuẩn bị thôi việc, muốn chuyển sang công ty khác.”
Anh có chút ngạc nhiên, nói: “Khả Khả, em phải nghĩ cho kĩ.' Đương nhiên, đó là quyết định tạm thời, nhưng tôi đã nghĩ kĩ rồi. Tôi muốn cố gắng xóa sạch trở ngại khoảng cách giữa chúng tôi.
Có điều, lúc tôi nghĩ làm, quan hệ của chúng tôi vẫn không thể tiến triển thêm.
Anh là người coi trọng sự nghiệp, thường xuyên đi công tác, thậm chí không cả dành đôi chút thời gian để vun đắp cho mối quan hệ không cần phải bỏ công sức kia. Còn tôi may mà vẫn giữ được chút lòng tự trọng, không hèn mọn đến độ từ bỏ cả giới hạn cuối cùng để có thể chấp nhận sự tùy tiện thích đi thích đến lúc nào cũng được của anh. Ba tháng sau, lúc anh đi công tác về đã gọi điện cho tôi, tôi nói rằng chúng tôi không cần gặp nhau nữa, anh im lặng, sau đó thì đồng ý.
Chỉ có Hạ Vân lờ mờ biết mối quan hệ tình cảm này của tôi. Lúc đó, cô ấy đang học thạc sĩ ở Bắc Kinh, thường xuyên gọi điện về khuyên nhủ tôi, nhưng tôi lúc đó đã hạ quyết tâm rồi.
Sau đó tôi và Tôn Á Âu suốt ba năm không gặp lại nhau.
Tôi không có bất cứ lý do gì bỗng từ bỏ một công việc có thu nhập khá và tương lai xán lạn, nên cấp trên và đồng nghiệp đều không hiểu nổi quyết định của tôi, may mà không ai liên tưởng đến mối quan hệ giữa tôi và Á Âu. Sau khi về nhà, tôi bị bố thuyết giáo nghiêm khắc một hồi. Từ khi xuất ngũ đi làm đến bây giờ, bố tôi chỉ làm ở một cơ quan duy nhất, luôn tin rằng bản thân sẽ làm đó đến khi về hưu, vì thế bố hoàn toàn không chấp nhận nổi hành động chuyển công ty của tôi. Mẹ nói chuyện với tôi, hỏi nguyên nhân, tôi không thể trả lời mẹ. Sau đó, tôi vội vàng tìm cho mình một công việc mới không được như ý, cố gắng chịu đựng hai tháng, rồi lại đi tìm việc khác.
Trong khoảng thời gian đó, tâm trạng của tôi vô cùng u uất, nhưng không có ai để chia sẻ, ban đêm tôi thường giật mình tỉnh giấc vì gặp ác mộng. Tôi chỉ biết cười nhạo bản thân: Nhìn xem, mày đang phải trả giá vì những việc làm ngốc nghếch của mày đấy!
Trải qua bao nhiêu lần phỏng vấn, cuối cùng tôi cũng được nhận vào làm ở một công ty mà sau đó tôi đã làm sáu năm. Rồi tôi đăng ký thi cao học, muốn dành chút thời gian nhàn rỗi còn lại của mình vào việc học hành. Sự thực đã chứng minh, đó là một quyết định sáng suốt.
Tôi vẫn giữ liên lạc với đồng nghiệp cũ qua mạng internet, thỉnh thoảng cũng nghe được tin tức của anh. Anh đã được thăng chức, làm việc rất xuất sắc và tỏ ra nổi trội trong công ty. Anh cũng đã có bạn gái rất xinh đẹp. Sự nghiệp của anh thăng tiến thuận lợi, ngày càng thành công, năng lực của anh được sếp khen ngợi và anh thuận lợi ngồi vào một trong những chức vụ cao nhất công ty. Bọn họ đã chia tay, nhưng hình như điều đó không ảnh hưởng lắm đến anh...
Cuộc sống của tôi đã trở lại quỹ đạo, xem ra khá ổn. Tôi bảo vệ luận án cao học thuận lợi, công việc cũng hài lòng, được thăng chức định kỳ, sống hòa đồng với đồng nghiệp, có nhiều đối tượng theo đuổi, nhưng tôi không hề thấy hứng thú. Một đồng nghiệp của bố nhiệt tình giới thiệu cho tôi một người. Từ chối không được,và bất ngờ phát hiện ra, đối phương là một người rất xuất sắc, điều kiện kinh tế cũng khá. Sau những ngại ngùng của lần gặp mặt ban đầu, chúng tôi cũng có tiếng nói chung. Sau đó chúng tôi thường xuyên gặp nhau và cũng nảy sinh tình cảm. Tôi không phải là kiểu người đã trải qua mối tình tốt đẹp thì không muốn gặp đối tượng khác. Nhưng sự thực lại chứng minh, kẻ gây rắc rối là kẻ chẳng nhận được bất cứ điều gì, nên cái giá mà tôi phải trả là cuối cùng cũng không có được người đó. Thứ tôi có được chỉ là một trải nghiệm tình cảm, cứ coi như tôi đang tìm đến chỗ chết cũng được, hay bị coi khinh cũng đành, dù sao tất cả cũng đã kết thúc rồi.
Thành phố này dù rộng lớn thật nhưng cũng không lớn đến nổi biển người mênh mông, không thấy đâu là bến bờ.
Ở trung tâm thương mại, tôi đã gặp lại Tôn Á Âu. Bên cạnh anh là Du Vịnh Văn, xinh đẹp, cao ráo, có thân hình quyến rũ, gương mặt hồng hào tươi trẻ, chỉ khoảng hơn hai mươi tuổi. Họ đứng ở cầu thang và cô ta đang nũng nịu nói đi giầy cao gót đau chân, đòi anh cõng. Anh cười cười, bảo cô ta ngồi nghỉ. Cô ta đột nhiên sa sầm nét mặt, lạnh lùng buông một câu muôn thuở của những cô gái đang yêu: “Anh không yêu em à!”
Tôi và bạn trai đi lướt qua trước mặt họ, tôi biết điều nên không chào anh. Bạn trai nắm lấy bàn tay tôi đang đặt trên khuỷu tay anh, khẽ nói: “Từ trước tới giờ em chưa bao giờ giận dỗi như thế với anh.”
“Có phải anh cảm thấy tiếc không?”
“Nếu anh nói phải, chắc nghe giống như thích chịu khổ. Nhưng Khả Khả à, đàn ông đều có những thời khắc muốn được bạn gái làm nũng như thế.”
Tôi không nhịn được bật cười: “Nếu coi thời khắc đó là một môn học, em sợ mình không cải tạo được.”
Chúng tôi bước xuống cầu thang, khi đứng ở giữa bậc cầu thang, tôi không kìm được lòng quay đầu lại, thấy Tôn Á Âu đang dựa vào tay vịn cầu thang, cúi xuống nhìn tôi, như đoán chắc tôi sẽ ngoảnh lại.
Anh chỉ hơn tôi chưa đến một tuổi, thế mà trong thời gian ba năm, dường nhu anh đã hoàn toàn vứt bỏ được cái cảm giác thiếu chín chắn vốn có của người đàn ông trước ba mươi tuổi.
Vài ngày sau, Tôn Á Âu lại xuất hiện trước mặt tôi. “Anh vẫn không quên được em.”
“Cảm ơn anh. Anh có bạn gái, tôi có bạn trai, mọi chuyện đều tốt đẹp, không cần phải nhắc chuyện cũ làm gì.”
Đương nhiên, tôi không ngây thơ đến mức nghĩ rằng sau khi chúng tôi chia tay, anh vẫn ngày thêm nhớ nhung đến tôi. Chưa đến ba tháng yêu nhau, tôi đã hiểu rõ anh đối với tôi không sâu nặng, cũng chẳng kiên trì, chưa kể đến sự lạnh nhạt. Một người con gái có yêu bản thân đến mức nào cũng không thể coi anh là thần tình yêu của đời mình. Chỉ cần khi gặp lại nhau mà coi như chưa từng quen biết, thế đã là một niềm an ủi rồi.
Vậy mà trái tim tôi vẫn xao động một cách xuẩn ngốc.
Tôi chán nản khi ý thức được rằng, anh vẫn có ảnh hưởng nhất định với tôi, và chắc chắn anh cũng rõ điểm này.
Tôi đã không kìm được lòng mình, hỏi han đồng nghiệp cũ về anh, họ nói với tôi, anh vừa chuyển sang một công ty khác với mức lương cao hơn. Công ty cũ lấy danh nghĩa cấm anh xin vào các doanh nghiệp cạnh tranh nên đã gửi thư đến luật sư nhờ can thiệp. Hai bên đang ở tình trạng đàm phán, công việc của anh đang trong hạng thái ngừng trệ, tình hình cũng không được lạc quan lắm. Nói về bạn gái của anh, đồng nghiệp cũ cười, bảo: 'Đúng là xinh đẹp thật, nhưng vẫn còn đang học năm thứ tư. Cái cậu này có diễm phúc thật đấy, toàn được các em chạy theo.”
Dù sao tôi cũng làm ở công ty đó gần hai năm nên hiểu rõ ông chủ Tưởng Minh và con trai cả của ông ta. Họ đều có tính cách rất mạnh mẽ, nếu họ đã có ý làm khó Tôn Á Âu thì anh rất khó thoát thân. Thắc mắc duy nhất của tôi là, với tính cách muốn tránh mọi rắc rối trong tình cảm, sự nghiệp lại đang gặp khó khăn như thế, sao anh còn có tâm trạng níu kéo tôi.
Anh lại hẹn tôi đi ăn cơm. Đến chỗ hẹn, tôi hỏi anh về tình hình công việc, anh cười, đáp: “Chuyện xấu đúng là đồn xa nghìn dặm, em cũng biết rồi à?”
“Rốt cuộc có nghiêm trọng không?”
Cuối cùng anh cũng không vờ như không có chuyện gì xảy ra nữa, thẳng thắn nói: “Anh đoán hai bố con họ quyết tâm trừng trị anh một trận, chắc đợt này khó qua nổi.”
“Vậy làm thế nào?”
Anh nhún vai. “Cứ tạm thời nghỉ ngơi một thời gian đã rồi tính.” “Anh là người cuồng công việc như thế, sao chịu được nhàn rỗi?”
“Đến khi tình thế mạnh hơn sức người thì bắt buộc phải chọn lựa thôi.”
Cuối cùng anh cũng để lộ một chút buồn bã. Lý trí mách bảo tôi: Anh ấy là một người mạnh mẽ độc lập, chắc không cần sự thông cảm nhỏ bé của mày đâu. Sự thông cảm của mày không có tác dụng gì đâu, khi để lộ ra chắc chắn sẽ bị anh ấy coi là đang sỉ nhục anh ấy. Hơn nữa, một đứa con gái mà có tình cảm thương xót thì khác gì tự động từ bỏ cái vỏ bọc tự vệ của mình.
“Dạo này anh thường nhớ đến những ngày chúng ta còn ở bên nhau.”
Tôi nói mát: “Nghĩ đến những ngày tôi không bắt anh cõng ở nơi công cộng chứ gì?”
Anh cười: “Cô ấy vẫn là một đứa trẻ to xác, bạn anh hoàn toàn không hợp nhau, đã chia tay rồi.”
“Thực ra, tôi ngưỡng mộ sự thẳng thắn của cô ấy. Tính tôi không phóng khoáng, nói cho hay một chút là được giáo dục tốt, mà nói không hay thì là nhạt nhẽo.”
“Chưa bao giờ anh thấy em nhạt nhẽo.”
“Đó là vì tôi rút lui kịp thời, biết chủ động nói lời tạm biệt, không để lộ cái nhạt nhẽo đó trước mặt anh.”
Anh cười ha ha. “Em xem, bây giờ em đang thể hiện sự thú vị của em trước mặt anh đấy.”
Má tôi đỏ bừng lên. Không sai, tôi đã không tự kiềm chế để mình bộc lộ tình cảm bên trong, mà anh lúc nào cũng kích thích được chút tình cảm đáng thương đó của tôi.
Anh với qua bàn nắm lấy tay tôi. “Em đỏ mặt như thế trông đẹp lắm!”
Trước đây, thậm chí anh chưa từng nhìn tôi với ánh mắt như thế. Trong ánh sáng rực rỡ của bóng đèn, tôi bỗng hiểu ra một chuyện, chinh phục và bị chinh phục là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Đứng chắn trên con đường của anh, có thể bị anh đẩy ra, chấp nhận bị anh chinh phục, có thể bị anh bỏ rơi. Tôi vốn chỉ là một người trong số bạn gái cũ của anh, nhưng ít nhất tôi đã bỏ đi trước khi anh chán ghét thật sự. Ít nhất tôi có chút gì đó khác những người con gái khác.
“Em cứ nghĩ bây giờ anh không có tâm trạng nào hẹn hò.”
“Bây giờ anh có cả đống thời gian, từ trước tới nay chưa bao giờ nhàn rỗi như thế này.”
Hóa ra là thế. Nếu lại trở về bên anh, có nghĩa là tôi lại một lần nữa phá hoại cuộc sống được sắp xếp gần như có trật tự của mình sao?
Với người bạn trai hiện tại của tôi, ở bên anh ấy, tôi cảm thấy yên ổn, vui vẻ, nhưng không có những rung cảm kích thích đê mê như điện giật, cũng không có kiểu tim đập điên loạn, run rẩy đến nỗi không kìm nén nổi, càng không sọ hãi khi không thể ở bên nhau.
Tôi tự nhắc nhở mình: Mày phải chín chắn, trưởng thành lên, mày phải chấp nhận diện mạo và giai đoạn khác nhau của cuộc sống, đừng cứ chìm đắm trong những kỷ niệm quá khứ mãi như thế!
Lúc đó, tôi đã hai mươi bảy tuổi và vẫn sống chung vói bố mẹ. Bốn năm trước, gia đình tôi đã chuyển đến một căn hộ có ba phòng ngủ, diện tích tương đối rộng rãi. Tuy nhiên trong nhà vẫn có họ hàng cô bác đến và tôi chẳng thể nào thân thiết với họ được. Nếu khóa cửa phòng riêng của mình, sẽ bị coi là không lịch sự. Điều duy nhất tôi có thể làm là lặng lẽ khóa mấy cái ngăn kéo lưu giữ những đồ vật riêng tư cơ bản nhất của mình. Tôi khát khao có một không gian riêng cho mình, chỉ dựa vào lý do đó, tôi cũng đã muốn lấy chồng.
Còn với Tôn Á Âu, cho dù nhìn từ phương diện nào, cũng không thể coi là đối tượng mà tôi có thể kết hôn.
Chưa đợi tôi hiểu rõ chuyện này, Du Vịnh Văn đã đứng chắn đường tôi đi làm về để gây sự, một mực nói rằng cô ta tuyệt đối không chia tay với Tôn Á Âu, một mực lên án tôi là kẻ thứ ba xen vào, chửi tôi là kẻ bắt cá hai tay, không có đạo đức. Tôi kinh ngạc đến đờ đẫn trước sự giận dữ điên cuồng của cô ta, đành phải gọi điện cho Á Âu. Lúc anh chạy đến, Du Vịnh Văn thoắt cái bỗng tỏ ra vô cùng đáng thương, nói như van xin: “Em biết em tùy tiện, không hiểu chuyện, nhưng em yêu anh, em sẽ thay đổi, anh đừng bỏ mặc em như thế.”
Tôn Á Âu cười. “Nhưng tôi không yêu cô, đừng gây sự nữa.”
Như bị chọc vào chỗ đau, cô ta gào lên: “Anh dám nói anh không yêu em, em sẽ tự sát, lần này em nói thật đấy.”
Tôi sợ quá, vội vàng kêu lên: “Đừng, đừng có làm như vậy, cô hiểu nhầm rồi, tôi và anh ấy không có quan hệ gì đâu. Tôi có bạn trai rồi. Có chuyện gì hai người cứ bình tĩnh nói.”
Anh nhìn lướt qua tôi, lắc đầu, rồi nói với Vịnh Văn: “Cô xem, cô không dọa được tôi nhưng lại dọa được cô ấy rồi đấy. Nhưng dọa cô ấy thì có tác dụng gì, cô ấy không thể lấy cô được.”
Anh kéo Vịnh Văn vào xe đưa đi, coi như giải vây cho tôi, thế rồi không biết anh làm thế nào, người con gái đó không đến làm phiền tôi nữa. Tôi băn khoăn hỏi, anh chỉ bảo: “Anh đâu có tâm trạng để cùng cô ấy chơi trò tình cảm. Người nhà cô ấy đưa cô ấy di du học rồi. Em yên tâm, anh biết mình chẳng ra gì, không có sức hấp dẫn đến độ khiến người khác vì mình mà tự tử đâu. Cùng lắm cô ấy chỉ buồn vài tháng là hết thôi.”
Một lần nữa, tôi lại giật mình sợ hãi trước sự lạnh lùng của anh. Tôi tự hỏi, mày thật sự muốn ở bên người đàn ông này ư?
Lúc đó, anh đã nắm tay tôi. Cũng như lần đầu tiên được anh ôm eo, tôi có cảm giác tê dại cả người, và dần dần lan vào tận tim. Hóa ra cảm giác cũ vẫn còn, cứ thế tràn ngập khắp cơ thể, không biết bao giò mới thức tỉnh.
Khoảng hơn nửa năm sau, tôi và Á Âu kết hôn rồi sống bên nhau cho đến bây giờ.
Còn nỗi buồn của Vịnh Văn hiển nhiên không hết, hơn nữa cô ta còn quyết tâm trả nỗi buồn ấy lại cho tôi.