Ngủ một giấc dậy là đã gần hai giờ chiều. Ngải Mễ lại muốn đi vệ sinh nên đành phải rón rén bò dậy, lén đi ra ngoài. Cô đang ngó nghiêng, xem cửa nào giống cửa nhà vệ sinh thì thấy Giản Huệ đang đeo tạp dể, tay cầm xẻng chiên đi ra từ sau một cánh cửa.
Nhìn thấy Ngải Mễ, Giản Huệ sửng sốt hỏi: “Bạn vẫn ở đây hả? Mình rót trà quay ra thì không thấy bạn đâu nữa, mình cứ tưởng bạn về rồi cơ.” Nói xong, Giản Huệ liếc về phía đống giày đặt ngoài cửa. Ngải Mỗ nghĩ bụng với vẻ đắc ý, bà chị quên mất dấu vết quan trọng rồi ư? Xem ra là chưa đọc nhiều tiểu thuyết trinh thám.
Ngải Mễ hỏi: “Nhà vệ sinh nhà chị ở đâu ạ?”
Giản Huệ liền chỉ về phía nhà vệ sinh. “Góc kia kìa.”
Khi Ngải Mễ quay vào phòng Allan, thấy anh cũng đã dậy. Ngải Mễ liền hỏi: “Anh không ngủ nữa à?”
“Không, đói quá ruột dính cả lại rồi, không ăn gì e rằng lại xảy ra án mạng.”
“Sáng anh chưa ăn gì à?”
“Ăn rồi.” Allan cười, đáp. “Nhưng cũng gần hai giờ rồi, cộng với việc vừa nãy lại đi đá nửa trận bóng đá, không đói mới là lạ.”
Ngải Mễ liền thắc mắc: “Anh vừa đi đá bóng hả? Sao em không biết nhỉ?” Thấy nụ cười của Allan đầy ẩn ý, cô cũng phần nào đoán ra được ý anh chàng, bèn tò mò hỏi: “Tại sao anh lại gọi chuyện ấy là đá bóng? Em thấy chẳng giống đá bóng chút nào.”
“Anh đọc sách thấy bảo thế nói lượng sức mà đàn ông phải bỏ ra tương đương với việc đá nửa trận bóng.”
Ngải Mễ không kìm được liền thốt lén: “Thảo nào anh ra nhiều mồ hôi như vậy, hóa ra là đá bóng à.” Cô nghĩ một lát lại hỏi tiếp: “Đàn ông tương đương với việc đá nửa trận bóng, còn đàn bà thì sao?”
Allan nghiêng đầu nhìn cô, nói: “Em phải tự hỏi em chứ, có phải tương đương với việc tổ chức một live show không?” Ngải Mễ đỏ bừng mặt, giơ tay định đánh anh thì bị anh túm chặt, tiện đà kéo cô vào lòng, nói nhỏ: “Không ngờ Ngải Mễ cũng biết đỏ mặt nhỉ, bây giờ thì anh biết cách đối phó với cái miệng búa xua của em rồi.”
Allan vào nhà vệ sinh đánh răng rửa mặt rồi lại chạy xuống cửa hàng tạp hóa ở dưới mua một cái khăn mặt và một cái bàn chải cho Ngải Mễ dùng. Cô vào nhà vệ sinh đánh răng rửa mặt, xong xuôi, cô nhìn thấy khăn mặt nhà Giản Huệ treo ở trên giá treo hình tròn có nhiều cặp nhựa, cô cũng treo khăn của mình lên đó, rồi đặt bàn chải đánh răng của mình vào chiếc cốc sứ để trên tủ tường nhỏ, rất ra dáng bà chủ nhà Allan, cảm giác như đã có một vị trí ở trong ngôi nhà này.
Ngoài phòng khách, Allan đang bày bát đũa lên bàn ăn, Giản Huệ đứng ở cửa bếp, nói: “Tớ nấu cơm rồi đấy, biết các cậu… ngủ đến bây giờ chắc chắn sẽ đói. Ngải Mễ, tay nghề nấu nướng của mình thường lắm, ăn tạm vậy nhé!”
Allan nói với vẻ rất áy náy: “Ngại quá nhỉ? Sao lại bắt bà con phải nấu cơm…”
Giản Huệ liền cười, nói: “Mọi người chiến đấu ở tiền tuyến vất vả rồi thì bọn này ở hậu phưong nấu cơm là lẽ thường tình thôi mà…”
Ngải Mễ thấy mặt Allan đỏ bừng, chắc do đúng là hôm nay đã chiến đấu. Cô nghĩ Giản Huệ nói đùa như vậy cũng có ẩn ý cả, nên mặt cũng đỏ theo.
Allan vào bếp giúp một tay, Ngải Mễ cũng theo sau, nhưng phát hiện ra bếp chẳng chứa được nhiều người, mình cũng chẳng giúp được gì, đành quay ra phòng khách. Cô nghe thấy Allan hỏi Giản Huệ: “Hôm nay trường em không tổ chức thi à?”
“Có thi, nhưng em không đi coi thi.”
Ngải Mễ đoán chắc là biết hôm nay Allan ở nhà nên Giản Huệ mới không đi coi thi. Cô biết là lệ phí coi thi của kỳ thi tự học này khá cao, các thầy cô ở khoa bố mẹ cô đều thích đi coi thi, chẳng lẽ Giản Huệ có mối thù với tiền ư? Cô nghĩ chắc chắn là Giản Huệ đã đem lòng yêu Allan, mặc dù không có bằng chứng nhưng cô vẫn tin vào trực giác của mình.
Ăn cơm xong, Allan đi rửa bát, Giản Huệ không cho anh rửa mà nói: “Anh đang có khách, thôi cứ tiếp chuyện khách đi, để em rửa.”
Allan khăng khăng đòi rửa. “Nguyên tắc không thay đổi, người nào nấu cơm không phải rửa bát, thôi cứ để anh rửa.” Giản Huệ không giành nữa mà vào phòng khách ngồi xuống sofa, cẩm cuộn len và kim đan lên, vừa đan vừa nói chuyện với Ngải Mễ.
Nhìn cuộn len màu xi măng, Ngải Mễ không kìm được bèn hỏi: “Chị đan cho anh ấy à?”
Giản Huệ có vẻ mất tự nhiên, hỏi: “Ai? Thành Cương hả? Không.” Nhưng Ngải Mễ vẫn tin chắc chắn là đan cho Allan, màu xi măng đó chỉ có nam giới trẻ mới mặc.
Không hiểu sao, Ngải Mễ cảm thấy rất lo, Giản Huệ cái gì cũng biết, biết nấu nướng, biết đan áo, còn cô thì chẳng biết làm gì. Giản Huệ cũng rất xinh xắn, mũi không cao nhưng đôi mắt to tròn, rất có hồn. Ngải Mễ nghĩ đàn ông đều thích các cô gái mắt to, khi miêu tả một cô gái đẹp, người ta thường nói “đôi mắt long lanh biết nói” còn gì. Cô biết mũi mình khá cao nhưng mắt lại không được to, cũng không long lanh, càng chẳng biết có hồn hay không.
Cô cảm thấy Allan ở nhà Giản Huệ thật sự quá nguy hiểm, nếu thuyết phục được anh chuyển khỏi nơi này thì yên tâm. Nhưng chuyển đi đâu đây? Chắc chắn anh không muốn chuyển đến nhà thầy hướng dẫn của mình, nhưng anh có thể chuyển vào ký túc xá chứ nhỉ? Sinh viên xa nhà đều ở trong ký túc xá cả tuần còn gì? Tại sao cứ cuối tuần anh phải về nhà cô Giản? Cô đoán chắc chắn là Giản Huệ đã thích Allan, Allan cũng chẳng có lý do gì mà không thích cô nàng. Nếu họ cứ gần nhau thế này, lửa gần rơm kiểu gì chẳng bén. Cô quyết định lát nữa sẽ trao đổi với Allan chuyện này.
Rửa bát xong, Allan từ bếp đi ra và nói với Ngải Mễ: “Anh đưa em về nhé?”
“Tại sao?” Ngải Mễ sốt sắng hỏi.
“Chiều anh còn phải viết luận văn, chẳng phải em cũng còn rất nhiều sách phải đọc là gì?”
“Sách mai em đọc cũng được, thôi để em ngồi ở đây xem anh viết luận văn thế nào, em chỉ ngồi bên cạnh chứ không phá đám anh đâu.”
Allan cười, nói: “Em ngồi ở bên cạnh thì anh còn viết được gì nữa? Biểu diễn thư pháp luôn cho xong. Thôi để anh kiếm cuốn sách cho em đọc. Thầy em giao cho đọc tiểu thuyết gì, xem anh có tìm được cuốn nào không…”
Giản Huệ liền gợi ý: “Ngải Mễ, hay bọn mình đi chơi siêu thị đi, để anh ấy ở nhà tập trung viết luận văn.”
Lời đề nghị này cũng khá lọt tai, vì thực lòng Ngải Mễ không hẳn muốn ngồi em Allan viết luận văn, chủ yếu là do cô không muốn cho Giản Huệ và Allan ở gần nhau, nếu Giản Huệ cũng xung phong đi siêu thị thì còn gì bằng. Cô liền vui vẻ đáp: “Được đấy, mình đi siêu thị ngó xem có gì không.”
Allan vội vào phòng ngủ lấy ít tiền đưa cho cô. “Em mang ít tiền đi, không lát nữa thích mua cái gì mà chẳng có tiền, lại quay sang hát cho người ta nghe.”
Giản Huệ tò mò hỏi: “Hát cho người ta nghe? Thế có nghĩa là sao?”
Ngải Mễ vội thanh minh: “Là chuyện cười hồi nhỏ của em, có lần em đã kể cho anh ấy. Một lần em theo bố mẹ ra cửa hàng bách hóa, nhìn thấy một con búp bê rất đẹp, em cứ nằng nặc đòi mua. Mẹ em thì bảo ở nhà có mấy con kiểu đó rồi, không cho mua nữa, nói dối em là không mang đủ tiền, bảo: “Không có tiền thì mua kiểu gì? Định hát cho mọi người nghe ư?” Em lại tưởng thật, bước đến hát cho người bán hàng đó nghe, khiến bao nhiêu người xúm lại xem, bố mẹ em thì khóc dở mếu dở, cuối cùng đành phải mua. Nhưng em đâu có biết, em lại cứ tưởng có được con búp bê đó là nhờ đứng hát, thế nên sau này cứ thích cái gì, nếu bố mẹ không chịu mua là em lại bước đến hát cho người ta nghe.”
Giản Huệ nghe xong liền cười khúc khích. “Bố mẹ bạn rất chiều bạn thì phải, có phải đến bây giờ thích cái gì là bạn vẫn đòi cho bằng được không?”
Ngải Mễ cảm thấy câu này rất chối tai, sợ Allan cũng nghĩ như vậy nên vội thanh minh: “Đó là chuyện hồi nhỏ thôi, em kể cho vui ấy mà, giờ em không còn là cô bé được nuông chiều sinh hư đó nữa rồi.” Rồi cô quay sang hỏi Allan: “Đúng không anh? Đã bao giờ anh thấy em đòi hỏi cái nọ cái kia ở ngoài chưa?”
Từ nãy đến giờ Allan chỉ cười, nghe thấy vậy vội nói: “Đúng, đúng, chưa bao giờ, bây giờ em là em bé ngoan rồi, chẳng đòi hỏi linh tinh bao giờ.” Nói xong anh liền dúi tiền vào tay cô. “Nhưng thích mua cái gì thì cứ mua, không mua linh tinh là được.”
Ngải Mễ theo Giản Huệ đến siêu thị Quang Hoa ngó nghiêng lung tung. Giản Huệ vờ vô tình hỏi: “Bạn kém Thành Cương mấy tuổi?”
“Ba tuổi, sao ạ?”
Giản Huệ khẽ thở dài và nói: “Không sao, trông bạn có vẻ còn ít tuổi, thảo nào anh ấy chiều như trẻ con vậy. Đàn ông luôn thích con gái ít tuổi hơn mình. Thực ra ngẫm lại cũng thấy đúng, phụ nữ chóng già, cùng là ba mươi tuổi nhưng “trai ba mươi tuổi đang xoan, gái ba mươi tuổi đã toan về già”, nếu phụ nữ mà hơn tuổi đàn ông thì đến khi người đàn ông hơn bốn mươi, phụ nữ đã bước sang tuổi mãn kinh rồi.”
Ngải Mễ chưa bao giờ nghĩ đến chuyện xa xôi như thế, cô liền tò mò hỏi: “Phụ nữ đến tuổi mãn kinh sẽ thế nào?”
“Bước vào tuổi mãn kinh, phụ nữ sẽ già nhanh, không còn quyến rũ, đàn ông sẽ không còn hứng thú nữa. Nếu lúc đó người đàn ông mới hơn bốn mươi, đang ở độ tuổi sung sức, chắc chắn hai người sẽ gặp trục trặc, anh ta sẽ không yêu người phụ nữ đó nữa mà đi tìm cô nào trẻ đẹp hơn…”
Ngải Mễ tính thầm và cũng thấy rất lo lắng. Cô từng đọc ở đâu đó rằng tuổi mãn kinh của phụ nữ bắt đầu từ bốn nhăm đến năm nhăm tuổi. Cô nghĩ, nếu chẳng may bốn mươi lăm tuổi cô đã bước vào giai đoạn mãn kinh mà Allan vẫn chưa đến năm mươi thì phải làm thế nào đây? Nghe nói đàn ông bảy mươi tuổi, nhu cầu về chuyện đó cũng vẫn còn, như thế không biết anh ấy có ra ngoài tìm cô nào trẻ đẹp hơn không?
Cứ nghĩ đến chuyện đó cô lại chẳng còn đầu óc nào mà ngó nghiêng hàng hóa trong siêu thị nữa, chỉ thầm than thở hồng nhan dễ già.
Hai người lang thang một hồi, Ngải Mễ không mua gì, cô không muốn tiêu tiền của Allan. Giản Huệ mua một cuộn băng, Ngải Mễ cầm lên xem, bài hát chính có tựa đề là Duyên kiếp sau của Lưu Đức Hoa. Cô liền thắc mắc: “Đây là bài hát mới hả?”
“Không, vì mình rất thích bài Duyên kiếp sau này thôi, bạn đã bao giờ nghe Thành Cương hát bài này chưa?”
Ngải Mễ lắc đầu. “Anh ấy chưa đưa em đến quán karaoke bao giờ cả, dạo này anh ấy rất bận…”
“Không cần phải ra quán karaoke mà vẫn được nghe hát cơ, Thành Cương hay hát ở nhà. Giọng còn hay hơn cả Lưu Đức Hoa, chất giọng của Lưu Đức Hoa không hay lắm, chỉ hát được giọng trầm thôi. Giọng Thành Cương hay tuyệt, mỗi lần cất tiếng hát đều đi vào lòng người. Thành Cương có khiếu ca hát có lẽ là do đằng nội nhà anh ấy mang dòng máu Kazakhstan. Bạn cũng biết đây, Trung Quốc có hơn năm mươi dân tộc, ngoài dân tộc Hán là nghiêm túc ra, các dân tộc ít người đều hát hay múa giỏi, toàn những người như Hồ Tùng Hoa, Đằng Cách Nhĩ[1]…”
[1] Tên các ca sĩ nổi tiếng ở Trung Quốc.
Nghĩ đến việc Giản Huệ thường xuyên được gặp và nghe Allan hát mà Ngải Mễ ngưỡng mộ biết bao, không kìm được bèn nói: “Chị may mắn thật đấy, được ở gần anh ấy.”
“Mình may mắn hả?” Giản Huệ nói. “Mình cảm thấy mình bất hạnh thì có.” Nhưng cô không nói tại sao mình lại cảm thấy bất hạnh mà hỏi Ngải Mễ: “Bạn có tin vào kiếp sau không?”
Ngải Mễ cũng không biết mình có tin hay không, cô chưa bao giờ nghĩ đến vấn đề này, bây giờ bị Giản Huệ hỏi như vậy, rồi lại thấy cô ấy thích bài hát Duyên kiếp sau, bèn trả lời lấy lòng: “Em tin.”
“Mình cũng vậy. Nếu một người tin rằng có kiếp sau thì sẽ không quan tâm đến mọi nỗi cay đắng, khổ đau của kiếp này nữa mà gửi gắm tất cả hy vọng vào kiếp sau.”