Hôm nay Lam về quê thăm ngoại. Vậy là đã gần một năm ngày ngoại mất rồi. Cỏ đã phủ dày ngôi mộ. Cô ngẩn ngơ ngồi nhìn bia mộ. Đi thì không sao về quê lại nhớ ngoại da diết. Ngoại đi rồi đúng là trên đời này cô không còn ai là người thân nữa. Bỗng dưng cô ước mình có đầy đủ cha mẹ như người khác.
Thật may ông trời mang Phong đến cho cô. Một người đàn ông có trái tim ấm áp, chu toàn, chịu ở bên cạnh cô dù cô không có cái gì trong tay. Như vậy là cuộc đời quá ưu ái cô rồi.
Lam thắp hương dọn cỏ cho ngoại xong thì về nhà, soạn sửa lại nhà cửa và vườn tược. Ngôi nhà vắng bóng hơi người nhện chăng khắp nơi, phải dọn cả buổi mới xong. Rồi cô lại lúi húi nấu bữa trưa. Hôm nay cô làm món bánh canh cá khi còn sống ngoại vẫn thường nấu cho cô ăn. Nay xong xuôi cô múc một bát đưa sang cho bác Hạnh bên nhà.
Bác Hạnh cầm tô bánh canh đi vào, chợt nhớ chuyện gì đó gọi Lam lại.
“Bác đưa cho con cái này, ngoại con gửi mà bác quên”
Bác Hạnh có cái tật đãng trí mà thành phố gọi là bệnh alzheimer, bà gửi đồ cho cô mà gần một năm rồi mới nhớ sao.
Bác Hạnh cầm cái túi bóng bọc mấy lớp mở ra đưa cho Lam một cọc tiền buộc dây chun đã cũ, có đồng 500, có đồng 200, còn có nhiều đồng lẻ 100, 50 rồi 10 ngàn.
“Bà cụ gửi cho con mà bác quên mất, bác đúng là. Sáng nay giờ cái sổ ghi chép ra mới nhớ, để trong cái bồ lúa quên béng đi”
Lam cầm xấp tiền, tay miết vào những tờ tiền bỗng thấy sống mũi cay nồng.
“Ngoại con lấy đâu ra tiền mà dành cho con thế này”
“Đây là tiền đền bù khu đất nhà con còn lại”
Lam nhíu mày, tiền đền bù sao lại ít thế này. Chỗ này cùng lắm cũng chỉ 10 triệu. Bác Hạnh nhìn thần sắc của cô, đoán là cô thắc mắc.
“Cái này hoàn toàn là ngoại con để lại bác không động gì đến vẫn để nguyên trong bọc nghen con”
Lam cười “Không phải con nghĩ như vậy, con xin lỗi để bác hiểu lầm”
“Nhà bác với nhà con cũng như ruột thịt bác hiểu tính con chứ. Tiền đền bù được 300 triệu, nhà ai không có công việc làm đều được công ty đó cho vào làm sau này khi cái khu đó làm xong. Bác nghe ngoại con nói là đã làm cái sổ tiết kiệm cho con rồi. Nhưng hôm ngoại con mất, lúc bác soạn đồ khâm liệm cho ngoại con thì tìm thấy cái này trong đãy của ngoại con”
Nói rồi bác Hạnh đưa sổ tiết kiệm cho Lam, có điều cái sổ đã bị xé làm đôi.
“Bác không biết sao lại thế này. Ngay sau khi được cấp tiền đền bù, thằng Chánh (anh con cả nhà bác Hạnh) có chở ngoại con và bác đi lên huyện làm sổ tiết kiệm cho con. Con lên huyện hỏi ngân hàng coi có lấy lại được tiền không ha”
Lam cầm cuốn sổ tiết kiệm về nhà, lòng rối như tơ vò. Tại sao cuốn sổ tiết kiệm bị xé? Không thể là ngoại xé được vì ngoại đã cất công làm cho cô. Mà nếu ngoại xé bỏ đi sẽ không cẩn thận cất trong người. Vậy thì ai? Chẳng lẽ là vợ cả của bố. Cũng không thể nào bởi vì bà ta rất tham tiền, nếu bà ta tìm đến đây thì đã lấy nó đi rồi. Vậy ai đã xé cái này? Có phải nhóm người đến gặp bà mà bác Hạnh nhìn thấy không? Đó là ai chứ?
Hôm sau Lam lên ngân hàng huyện làm lại sổ tiết kiệm đứng tên cô. Rất may là khi đi làm sổ bà đã ký giấy ủy quyền sổ cho Lam nên cô không gặp rắc rối gì. Chỉ là, câu hỏi vẫn quanh quẩn trong đầu cô.
Lam như người thất thần, không sao gạt chuyện sổ tiết kiệm ra khỏi đầu được. Mở điện thoại bao nhiêu tin nhắn của Phong từ sáng giờ. Anh gọi cho cô không được nhắn tin hỏi cô có chuyện gì không, ăn chưa. Lam định nhắn lại cho anh thì điện thoại hết pin. Cô lại không mang dây sạc về.
(Đọc tại fb Lam Lam)
***
Đang chuyên tâm xới đất thì thấy tiếng ô tô đỗ trước cửa, Phong vội vã xuống xe. Nhìn thấy cô đang trồng rau anh vội vàng bước ra vườn nhìn từ đầu đến chân rồi thở phào ôm chặt cô.
Lam cười “Anh sao thế, sao lại xuống đây?”
“Sao anh gọi không liên lạc được, nhắn tin không trả lời?”
“Em quên không mang dây sạc”
“Trời, làm anh lo muốn chết”
Lam phụng phịu “Em xin lỗi mà. Để em vào rửa tay rồi nấu gì cho anh ăn”
“Cho anh một bát mì úp là được, không cần phải cầu kỳ, nhìn em anh no rồi”
Lam lườm anh, không biết học cái thói dẻo mép ở đâu.
Phong rửa mặt mũi chân tay rồi vào thắp nhang cho bà. Đứng trước ảnh thờ của bà, Phong không còn mặt mũi nào dám nhìn. Bố anh ông ta đã khiến bà như thế này, không biết rồi khi Lam biết sự thật có chịu tha thứ cho anh không. Anh thì thầm.
“Con xin lỗi ngoại. Con xin lỗi vì đã khiến ngoại phải gánh chịu sự tàn độc của bố con. Con sẽ dành cả cuộc đời con tạ lỗi, chỉ xin ngoại cho con được chăm sóc cô ấy”
Phong ăn tô bánh canh cá cô làm, hít hà không còn một giọt nước. Công nhận người yêu anh nấu món gì cũng ngon như nhà hàng.
Lam nhìn anh ăn bật cười. Sao lúc trước cô không biết anh có bộ dáng giản dị này nhỉ.
Bỗng nhiên Phong nắm bàn tay cô “Hứa với anh, dù có bất cứ chuyện gì xảy ra, không được rời khỏi anh, được không”
“Sao tự dưng anh nói như vậy? Em luôn bên cạnh anh mà”
“Hôm nay ăn đồ em nấu, anh lại mơ về một gia đình nhỏ, hàng ngày mình cùng nhau nấu nướng rồi làm vườn cùng nhau, không cần quá giàu sang phú quý”
Lam cười rộ lên “Anh dạo này chuyển sang fan cuồng Đen Vâu nuôi cá trồng rau rồi sao”
“Không phải fan cuồng ai cả, ở đâu có em thì anh đều nghĩ đến khung cảnh như vậy. Anh xin phép ngoại rồi, chỉ anh mới có thể làm cho em hạnh phúc được thôi”
“A lẻo mép dữ ha”
Lam nhìn đến ảnh ngoại, lại cảm thấy có nỗi bất an dâng lên trong lòng. Cô muốn nói chuyện đó với Phong nhưng lại nghĩ chuyện công ty đã làm anh mệt đầu lắm rồi, cô không muốn anh thêm mối bận tâm nào nữa.
Ăn trưa xong hai người ra biển đi dạo một lúc rồi lên xe về thành phố. Không hiểu sao Lam luôn có cảm giác bất an và nóng ruột khó diễn tả.
Họ vừa lên xe thì mây đến ùn ùn kéo đến cơn mưa ào ào ập xuống.
(Đọc tại Facebook Lam Lam)
***
Cuối cùng chuyện Avenue cũng giải quyết được ổn thoả. Phong thế chấp LaGreen để đầu tư vào Avenue bằng một cái tên khác. Duy chỉ có LaGreen anh phải thu gọn các hoạt động kinh doanh bởi không còn tiền rót vào đó nữa. Còn một khoản cổ phiếu AZ anh mua bằng một cái tên khác nhưng AZ hiện giờ kinh doanh cũng chẳng khá khẩm là bao, cổ phiếu đó coi như là đóng băng. Anh đang hy vọng vào 20% lợi nhuận Avenue sẽ khiến mình khá khẩm hơn. Anh phải chuẩn bị tài chính cho một tương lai tốt, mới mong lo được cuộc sống an nhàn cho cô gái kia. Nghĩ đến cô ấy, môi Phong không tự chủ được cong lên.
Từ hôm về đưa Lam lên đến giờ còn chưa có thời gian để đưa cô đi chơi. Cũng may là cô biết anh bận rộn nên tối tối lại sang làm cơm chờ anh về ăn. Cảm giác có người đợi cơm ở nhà thật sự hạnh phúc và ấm áp. Anh nhìn cô gái cầm bông lau cười tươi trên màn hình máy tính, cầm diện thoại lên.
“Chiều anh về sớm qua đón em đi ăn. Em đừng nấu ăn, hôm nay mình xem phim đổi gió”
Lam cười “Mới có hai giờ chiều thôi mà, hôm nay anh rảnh rỗi vậy sao”
“Hôm nay công việc đã tạm ổn. Chiều 5h anh qua đón em nhé”
Lam ôm điện thoại vào ngực cười hạnh phúc. Thuận Thy đi qua, phát một cái vào vai.
“Khiếp nhỉ, soái ca hẹn đi chơi cái là mắt sáng rực lên”
“Soái sao bằng chú Thành của chị, ngày nào cũng hoa phát ghen lên được ấy”
“Ôi chàng soái nhà em không muốn chứ muốn thì cửa hàng hoa nào chẳng mua được”
“Thôi em xin. Chị thừa biết chàng của em nhìn vậy thôi nhưng nghèo mà”
Điện thoại có người gọi đến, là Diệp Anh.
“Tôi muốn gặp cô ở quán cà phê hôm trước”
“Xin lỗi chị tôi không có gì để nói cả”
“Không đến thật sao? Sẽ hối hận đấy”
“Chị có làm bất cứ cái gì tôi cũng không rời xa anh ấy đâu”
Tiếng Diệp Anh cười chói tai trong điện thoại “Thật chứ, vậy cô có muốn biết về cái chết của bà ngoại cô không?”
Tay cầm điện thoại của Lam run lên “Chị nói gì”
Bên kia Diệp Anh đã dập máy.
Lam run rẩy cầm túi xuống bắt taxi đi đến chỗ hẹn.
(Đọc tại Facebook Lam Lam)
***
Diệp Anh vẫn nhàn nhã uống trà.
“Chị nói chị biết về cái chết của ngoại tôi sao? Chị nói dối, chị liên quan gì đến ngoại tôi ở quê”
“Tôi thì chẳng liên quan đâu, nhưng mà tình cờ biết được chuyện”
Lam nôn nóng “Chuyện thế nào, xin cô nói nhanh cho tôi biết”
“Có phải miếng đất nhà cô nằm trong dự án resort sắp tới của AV?”
Lam gật đầu.
Diệp Anh cười, nhả từng chữ “Tôi có cái này, xem xong đừng sốc”
Diệp Anh đẩy chiếc iPad sang cho Lam. Một đoạn video đang chạy. Trong video nhà cô đang bị mấy tên xăm trổ đập phá đồ đạc, ngoại cô cố gắng ngăn lại nhưng bị họ hất ra. Rồi bọn họ xô ngã ngoại cô nằm dưới đất.
“Các anh là ai, không được phá nhà tôi?”
“Bà cụ muốn biết là ai không? Phạm Dĩnh Phong tổng giám đốc Avenue đó. Bà khôn hồn chấp nhận đền bù rồi cút khỏi đây đi”
Video còn một đoạn nữa, những tên xăm trổ hăm dọa ngoại cô, nói ngoại cô là khôn hồn thì khuyên nhủ đứa cháu gái phóng viên đừng có gây chuyện.
Lam run lẩy bẩy, cô bám vào cạnh bàn.
“Chị nói dối, chị dựng chuyện phải không?”
“Cô đủ thông minh để nhìn ra tôi có dựng hay không. Tôi chẳng hề liên quan gì đến bà cô cả”
“Không, Phong không có lý do làm như vậy”
“Bình tĩnh mà suy nghĩ đi cô gái ạ. Miếng đất của nhà cô thuộc dự án, mà ông chủ nào chẳng tiếc tiền, dù chỉ một đồng”
“Có thể Phong không yêu cô, nhưng anh ấy hối lỗi vì chuyện gây ra với bà cô, cho nên anh ấy đối xử tốt với cô.
Tôi đã quen biết Phong từ nhỏ, tôi hiểu tính anh ấy. Anh ấy rất trách nhiệm”
Diệp Anh đi rồi Lam vẫn ngồi đó run rẩy. Cô bần thần cầm túi leo lên xe bus, đi đến bờ sông trên đường cao tốc. Trong đầu cô là những hình ảnh trong video kia, gương mặt già nua đầy những nếp nhăn của ngoại hoảng hốt và đau đớn bị xô ngã dưới sàn. Trái tim cô đau buốt khi nghe đến cái tên Phạm Dĩnh Phong mà tên xăm trổ phát ra ngoài miệng.
Sao lại thế này? Tại sao Phong lại hại ngoại cô? Lý do vì sao lại như vậy? Tại sao người bên cạnh cô tin tưởng nhất, người cô trao cả trái tim lại có thể làm ra hành động tàn nhẫn như vậy. Trái tim Lam như bị hàng vạn cây kim cứ châm vào rồi lại rút ra, từng đợt từng đợt đau cuộn sóng trào. Cô có lỗi với ngoại, tại sao cô lại yêu một người hại ngoại – người đã dùng cả cuộc sống khổ cực để cứu vớt cuộc đời một đứa cháu không hề máu mủ ruột thịt như cô. Cô có xứng đáng với tình thương của ngoại dành cho cô không?
Điện thoại vang lên liên tục bên cạnh nhưng cô cũng không chú ý. Bây giờ trong đầu cô chỉ có những âm thanh của ngoại trong video, tiếng Diệp Anh nói văng vẳng như nhấn chìm cô xuống vực thẳm.
Tiếng điện thoại vẫn vang lên liên hồi. Lam nhìn vào màn hình. Chữ “Anh” đập vào mắt cô như kim đâm vào mắt. Cô tắt cuộc gọi, mãi sau mới run rẩy nhắn lại cho anh một tin.
“Xin lỗi hôm nay em có việc bận không đi ăn được. Để hôm khác”
Dưới cổng toà soạn, Phong đứng chờ đã 1 giờ đồng hồ, gọi điện thoại Lam không nghe máy, nhắn tin cô không trả lời, lòng anh nóng như lửa đốt. Chưa bao giờ Lam trễ hẹn với anh dù chỉ một phút, cô ấy không phải kiểu con gái mè nheo thích làm nũng, vả lại trưa nay anh gọi cô rất vui mừng.
Phong đang định lên thẳng toà soạn thì tin nhắn của Lam gửi đến. Có chuyện quan trọng đến mức hoãn cả buổi hẹn với mình sao. Phong thở nhẹ, cô ấy không sao là may rồi. Anh luôn có cảm giác không bình an, lo sợ bố anh sẽ làm gì cô ấy.