Sau khi Vũ Lâu nhận được tro
cốt của cha, nàng nán lại kinh thành mấy ngày để tìm mẹ, nhưng không thấy, đành
phải một thân một mình buồn bã rời khỏi kinh thành, giục ngựa chạy về Hoa Đình.
Lần cuối nàng về đây đã là mấy năm trước, giờ cũng không nhớ chính xác vị trí
nữa. Sau khi tới nơi, nàng phải hỏi thăm khắp nơi mới tìm được chính xác địa
điểm khu lăng mộ tổ tiên.
Tần Khải Canh bây giờ vẫn mang tội
khi quân, nên người trong họ tránh còn không kịp. Vũ Lâu cũng không dám gióng
trống khua chiêng, chỉ lén lút hạ táng phụ thân, ngay cả những nghi thức cơ bản
cũng không làm được.
Vũ Lâu nhớ lại những hành vi
tội lỗi của cha trong những năm qua, vừa đau lòng cho ông, nhưng cũng đau lòng
cho Lam Tranh, Tô Tiêu và mẹ của họ. Nàng ngồi trước mộ, thấy bốn bề vắng lặng,
lại òa khóc một trận, sau đó mới thút thít rời đi.
Cha không nói rõ mộ của Tô Tiêu
và Lãnh Tử Nhạc ở đâu, nhưng Vũ Lâu cũng đoán được phần nào. Mấy tháng trước
ông đột nhiên di dời mộ hai người về quê, chắc chắn sẽ có lão bộc biết việc
này, nên nàng quay về nhà cũ, hỏi một vài lão nô, quả nhiên đã tìm ra.
Lão nô đưa Vũ Lâu tới trước mộ
Lãnh Tử Nhạc và Tô Tiêu. Nàng có ngàn vạn lời muốn nói, nhưng cuối cùng lại
chẳng nói được gì, đành nhổ cỏ dại trước mộ hai người, bày đồ cúng tế ra, thắp
cho họ nén hương rồi rời đi.
Ông của Vũ Lâu chỉ có một người
con trai chính dòng là Tần Khải Canh, từ sau khi chi chính và chi thứ (Con chính thê và con thiếp thất) tách ra ở riêng, Tần Khải Canh ở lại kinh thành làm
quan cũng không còn liên hệ gì với những huynh đệ ở chi thứ nữa. Nhiều năm trôi
qua, tình cảm càng lúc càng mờ nhạt, mỗi dịp tết lễ, thì gửi vài phong thư, một
chút lễ vật cũng coi như xong.
Khi Vũ Lâu quay về hỏi mấy lão
nô về phần mộ của mẹ con Lãnh thị, thì mấy nhà thúc thúc, bá bá cũng đã biết
tin. Vũ Lâu còn chưa ra khỏi Hoa Đình đã bị bọn họ cản lại, ép buộc Vũ Lâu phải
hứa nhường lại cho bọn họ tòa nhà mà ngày xưa ông nội nàng chia cho Tần Khải
Canh.
Nếu nói chuyện tử tế, thì Vũ
Lâu cho cũng được. Nhưng tất cả mọi người đều bày ra vẻ mặt đe dọa, cưỡng ép,
làm Vũ Lâu bực mình, cười lạnh nói: "Dù có đốt đi, đứng nhìn khói lửa bùng
lên, cũng còn hơn là nhường lại cho các người."
Mấy người thúc thúc bá bá thì
cũng vẫn còn tử tế, nhưng ra mặt bức ép căng thẳng nhất lại là mấy người thím,
nói ra toàn những câu độc ác: "Nếu ngươi không cho, thì chúng ta sẽ đưa
ngươi đi báo quan, nói ngươi che giấu cha và ca ca mang tội."
Tuy Vũ Lâu không sợ mình sẽ bị
định tội vì lý do đó, nhưng chỉ cần nghĩ đến việc quan địa phương này không
biết chuyện gì, đưa nàng ra xét xử, sẽ lại phiền Lam Tranh phải tới cứu. Nàng
không muốn để hắn thêm phiền phức nên đành gật đầu đồng ý. Nhưng ngoài dự kiến
của nàng là chuyện này chưa xong, thì họ đã lại ép hỏi đến một bản vẽ quý hiếm
của Tiên Hoàng mà Tần Khải Canh được thừa kế của tổ tiên.
Thứ đó đã là đồ từ vài thập
niên trước rồi, Vũ Lâu đâu biết gì về nó. Nhưng những người này lại nhất quyết
không chịu buông tha, bám riết lấy nàng truy hỏi khiến nàng vô cùng đau đầu. Vũ
Lâu không còn lòng dạ nào mà dây dưa với bọn họ, nên đứng bật dậy muốn đi.
Nào ngờ mấy người kia lại túm
lấy nàng, nhất quyết không buông, dõng dạc nói: "Nếu hôm nay không chịu
nói ra, bọn ta sẽ đưa ngươi đi báo quan!"
Đang lúc Vũ Lâu không thể thoát
thân, chợt nghe những tiếng chân dồn dập từ ngoài truyền vào. Một đám thị vệ
kéo vào phòng, sau đó mở đường cho một nam tử mặc áo gấm đi phía sau.
"Tiểu hầu gia……" Vũ
Lâu thầm thấy kỳ quái, sao Vương Lân lại tới đây.
"Sao mãi mà cô không quay
về kinh thành, lằng nhằng ở đây lâu vậy?!" Vương Lân nói: "Để ta tìm
phát mệt!"
Người họ Tần nhìn nam tử trước
mặt, nghĩ hắn là con cháu nhà giàu có tình ý với Vũ Lâu, liền muốn lôi hắn vào
cuộc, vội nói: "Cha nàng thiếu tiền bọn ta……"
Vương Lân nhíu mày nói với Vũ
Lâu: "Tần cô nương, cô chậm chạp không về kinh là vì vướng vào mấy chuyện
tranh cãi nợ nần này sao?"
Vũ Lâu thở dài: "Nói ra
thì dài dòng lắm."
"Vậy ta vừa đi vừa nói
chuyện." Ý Vương Lân bảo Vũ Lâu đi trước.
"Không được đi ---"
Vương Lân quay sang ra hiệu với
hộ vệ bên cạnh, người nọ liền rút từ trong tay áo ra một xấp ngân phiếu, tung
lên trời rồi xoay người đi theo chủ nhân.
Vũ Lâu nghe thấy tiếng tranh
giành đằng sau, bỗng thấy thật mất mặt: "Để Hầu gia chê cười rồi……"
Đối với những chuyện ở dân gian
này, Vương Lân cũng không có cảm giác gì nhiều, chỉ nói với Vũ Lâu: "Cô
không ở kinh thành có mấy ngày mà trong cung lại có chuyện rồi."
Trong lòng nàng nghe thịch một
tiếng, cảm giác không ổn chút nào: "Chuyện gì? Có phải Tấn vương gây khó
dễ gì cho Lam Tranh không?"
Vương Lân nói: "Sao Tần cô
nương biết? Cô nói cũng không sai. Đúng là có liên quan tới Tấn vương."
Vương Lân liền kể lại chuyện
xảy ra khi nàng rời khỏi kinh thành cho Vũ Lâu nghe.
Thì ra là từ sau khi Vũ Lâu rời
đi, tình trạng sức khỏe của Thái tử vẫn không có gì biến chuyển, từ sau lễ lớn,
hắn lấy cớ thân thể không khỏe nên tránh trong cung không gặp ai. Cho tới mùng
năm tháng giêng, có vẻ như đã nghỉ ngơi đủ, hắn mới rời khỏi Cung Chiêu Đức, đi
thỉnh an các vị trưởng bối trong Hoàng thất.
Hôm mùng sáu, Hoàng đế mở tiệc
ở kinh thành, chiêu đãi các vị thân vương, còn có cả vị Hàn vương thế tử vẫn
chưa chịu rời kinh nữa. Không biết vì sao, mà Thái tử rất hay nhìn hắn. Nhìn
đến mức Thế tử Vân Triệt phải quay mặt sang chỗ khác để tránh.
Tấn vương hỏi: "Thái tử
điện hạ, sao cứ nhìn Vân Triệt mãi vậy?"
Vân Triệt cũng là một tên nói
chuyện không giữ mồm mép, Thái tử còn chưa trả lời, hắn đã nói trước:
"Thái tử khó chịu vì Vũ Lâu tỷ tỷ rất tốt với đệ đấy mà."
Không khí ở buổi yến tiệc lạnh
hẳn, nhưng khả năng trấn tĩnh của Thái tử vẫn rất tốt, hắn không hoảng hốt, mà
chỉ thản nhiên cười: "Vì thế tử giống một người quen cũ của nàng, nàng đối
xử tốt với đệ cũng là hợp tình hợp lý thôi. Ta có gì phải khó chịu chứ. Hơn
nữa, Tần Vũ Lâu đã bị ta đuổi khỏi cung, Thế tử lại nhắc tới nàng trong buổi
yến tiệc này, xem ra cũng không được thích hợp cho lắm."
Tấn vương nghe Thái tử nói vậy,
khẽ chấn động, tay run run làm đổ một chút rượu ra áo.
Mọi người uống hơn nửa tuần
rượu, thì Thái tử đứng dậy đi mời rượu. Hắn nâng chén mời Hoàng thượng, nhưng
Hoàng thượng lại từ chối: "Choáng váng đầu, không thể uống nhiều
nữa."
Trước mặt các vị thân vương,
Hoàng thượng lại không nể mặt Thái tử, khiến Thái tử điện hạ vô cùng xấu hổ,
nhưng ngoài mặt, Thái tử vẫn không thể hiện ra sự uất giận, chỉ cười buồn:
"Nhi thần uống thay Phụ hoàng vậy." Dứt lời, hắn nâng chén rượu vừa
rót lên, uống cạn.
Sau đó, Thái tử lại tiếp tục đi
chúc rượu các thân vương thúc bá.
Sau khi kính rượu xong, Thái tử
quay về vị trí, một lát sau, hắn lại đứng dậy, mời rượu Hoàng thượng. Trên điện
hoàn toàn yên tĩnh, chờ xem Hoàng thượng có chịu uống không.
Vẻ mặt Hoàng thượng không vui,
khoát tay nói: "Hôm nay thân thể trẫm không được khỏe, không uống được
chén rượu này của Thái tử."
"Phụ hoàng……"
Lúc này, Hoàng thượng mới nói
với Tấn vương: "Diệp Thành, ngươi thay Phụ hoàng uống chén rượu này của
Thái tử đi."
Tấn vương ôm quyền nói vâng,
rồi đứng dậy đi đến trước mặt Thái tử nói: "Điện hạ, mời!"
Rượu này là Thái tử mời Hoàng
thượng, không biết sao lại thành Tấn vương uống thay. Hắn nắm chặt chén rượu,
chậm chạp không muốn uống.
"Điện hạ, thần phụng chỉ
uống rượu."
Lúc này Thái tử mới không cam
lòng, nâng chén rượu lên nói với Tấn vương: "Cửu ca, mời!"
Tấn vương uống một hơi hết chén
rượu, đáp lễ với Thái tử rồi quay về chỗ mình. Thái tử vô cùng căm phẫn cũng
ngồi xuống, tiếp tục xem ca múa. Một lát sau, chợt nghe cung nữ hét lên một
tiếng chói tai.
Mọi người nhìn lại, chỉ thấy
Tấn vương che miệng ho, máu chảy xuyên qua khe hở kẽ tay, chảy xuống.
Không biết ai đó hô lên:
"Trong rượu có độc."