Ân Thừa Phong, Thiết Thủ, Tức đại nương, Hách Liên Xuân Thủy, Hỷ Lai Cẩm, Đường Khẩn, Dũng Thành, Thập Nhất Lang cùng Thúy Hoàn tránh nạn tại Bí Nham động mười lăm ngày.
Trong thời gian này, bên ngoài xôn xao, đến đâu cũng nghe thấy quan binh đang tìm "phỉ đồ" nhưng không tìm được Bí Nham động.
Trừ mấy thân tín của Thiên Khí Tứ Tẩu, không ai biết trong phong hóa nham cạnh sông Dịch lại có một nơi bí ẩn như vậy, trong vùng sâu lại có một động huyệt thiên nhiên.
Kỳ thật đó cũng chỉ là một động huyệt, Bí Nham động do mười mấy động huyệt thiên nhiên nối nhau, trong đó có máy động bích được đào thông, thậm chí phải đào vách núi mới liền nhau, dùng làm sào huyệt có thể đối kháng quan binh truy sát. Hiện tại nơi đây thành nơi tị nạn của Liên Vân Trại, Hủy Nặc Thành, Thanh Thiên Trại, Hách Liên tướng quân phủ, cùng với bộ thuộc của Cao Kê Huyết, Vi Áp Mao, nha sai Tư Ân trấn, tiêu đầu Thần Uy tiêu cục.
Trừ nhóm nhân thủ vốn đã tụ tập, có thêm mười mấy đệ tử Liên Vân Trại bất ngờ tới.
Nhưng đệ tử này may mắn trốn thoát, ẩn tính mai danh, lưu lạc giang hồ, có người tạm thời giả ý thuần phục rồi nhân lúc Cố Tích Triều truy sát Thích Thiếu Thương liền trốn khỏi quân ngũ Liên Vân Trại, kéo thêm không ít đồng liêu thề không đầu hàng đang ôm lòng oán hận, họ đều không muốn theo Cố Tích Triều và quan binh đi vào vũng nước đục.
Trong năm đội nhân mã, Hủy Nặc Thành không nhớ thù cũ, thu nạp tàn binh của Liên Vân Trại, người Giang Nam Lôi môn định đến tương trợ, không ngờ Hủy Nặc Thành bị công hãm, người Lôi môn thương vong hết sạch, cũng may Hách Liên tướng quân tận lực giúp rập, cả Kê Huyết Áp Mao trượng nghĩa cứu viện, cả nhóm mới kéo đến gia nhập Thanh Thiên Trại.
Những đệ tử trung thành của Liên Vân Trại định tới gia nhập nhưng lại nghe tin Nam Trại bị quan binh phá, bọn Tức đại nương liều vượt sông Dịch, không biết tung tích, quan binh triệu tập binh mã, dốc toàn lực truy tìm. Thất bại này khiến nhiều hảo hán vốn hùng tâm tráng chí, thề chết nghe theo hiệu lệnh của Thích trại chủ nguội lạnh quá nửa nhiệt huyết, một đội nhân mã tiêu tan ý chí, tự lập chỗ đứng, hai đội còn lại án binh bất động, quan sát tình thế rồi mới hành động. Còn lại hai đội binh mã, biết tình thế nguy cấp vượt sông Dịch, đi tìm tứ xứ, để lại ám kí, hy vọng giúp đỡ chủ cũ một tay.
Thiên Khí Tứ Tẩu vốn có giao tình với Liên Vân Trại lão đương gia Lao Huyệt Quang, Liên Vân Trại đến Hải phủ nghe ngóng, Ngô Song Chúc nhiệt tâm, vừa tìm cách giữ lại vừa ngầm sai người đến báo cho Tức đại nương biết đệ tử Liên Vân Trại thoát kiếm nạn tìm tới, hai bên hoan hỷ gặp gỡ, cùng về Bí Nham động thương lượng đại kế.
Cũng tương tự, nữ đệ tử Hủy Nặc Thành cùng Tức đại nương tụ tập tại Bí Nham động.
Quần hiệp trú lại nham động, không dám khinh suất ra ngoài, giữa chắc bốn bề, về phương diện lương thực do Ngô Song Chúc toàn diện tiếp ứng, nước uống có nước ngầm của sông Dịch chảy qua nên không đáng lo.
Vì thế họ an phận dưỡng thương, bình bình an an qua được mười lăm ngày.
Sau đó thì sao?
Đời người có quá nhiều việc không như ý nguyện.
Khi một người cầu bình an chưa chắc đã được như ý nguyện nên y đặc biệt hy vọng bình an, mọi công danh lợi lộc đều không đáng gì.
Nhưng khi y được bình an rồi lại thấy "bình an" quá nhàm chán, lại cho rằng phải có sóng to gió lớn, xông pha vạn tầng sóng phú quý công danh mới là sống.
Cuộc sống luôn mâu thuẫn như vậy.
Lúc một người cầu xin một vật, hoặc không đạt được hoặc đánh mất nó.
Có lẽ đời người là một đại mâu thuẫn, dệt nên từ nhiều tiểu mâu thuẫn.
Hải Thác Sơn cũng có mâu thuẫn.
Trong lòng lão muốn giúp nhóm "vong mệnh" này nhưng lại sợ rước họa với triều đình.
Nhưng lão thiếu ơn Hách Liên Nhạc Ngô tất phải báo đáp, hà huống theo đạo nghĩa võ lâm đồng đạo, không thể bỏ mặc nhóm người đến cầm mình giúp đỡ.
Bất quá lão không muốn đối địch với Phó Tông Thư, Thái Kinh.
Lão đang lúc khó xử, đi đi lại lại.
Hách Liên Xuân Thủy cũng đang mâu thuẫn.
Y biết người phe mình tạm thời buộc phải dựa vào Hải Thác Sơn nhưng y lại không muốn liên lụy Thiên Khí Tứ Tẩu.
Bên ngoài, quan binh truy lùng ráo riết, nếu xông ra càng tệ hại hơn.
Nên y đành tạm thời án binh bất động.
Y chỉ hy vọng có ngày báo đáp được Quỷ Vương thủ thần tẩu.
Tuy hiểu rõ "ngày đó" vô cùng phiêu diêu, hiện tại y là địch nhân của Hoàng Kim Lân, Cố Tích Triều, Văn Trương, thậm chí của cả thừa tướng, Hoàng thượng hay phụ thân.
Hậu quả này y không dám tưởng tượng.
Y không quên bày tỏ cảm kích trong lòng, Hải Thác Sơn mong y "coi là chuyện nhỏ, người đồng đạo nên làm, không cần để tâm" nhưng lão cũng tăng tương thăm dò cục thế trong triều thế nào? Việc này phải giải quyết ra sao? Có ai hóa giải được không?
Sáng ngày thứ mười sáu, Hách Liên Xuân Thủy và Thiết Thủ giả trang xuất động đến Hải phủ gặp Ngô Song Chúc vận lương về Bí Nham động, gặp Hải Thác Sơn liền đàm luận một hồi.
Hách Liên Xuân Thủy và Thiết Thủ thành thật trả lời.
Họ không phải không biết cách nói dối, mà không muốn lừa bằng hữu.
Lừa một bằng hữu thật lòng giúp mình quả vô sỉ cực độ.
Có lúc bằng hữu biết rằng một người lừa mình mà vẫn nhân nhượng, không bóc mẽ, trong khi kẻ đó lại vui sướng, tự cho rằng mình thông minh có thể hai tay che trời, đó mới là việc khó coi.
Thông thường, nhân loại thích những việc như thế.
Thiết Thủ và Hách Liên Xuân Thủy đương nhiên không muốn.
Lấy chân thành đáp lại.
Lấy chữ nhân đối đãi với người.
Nguyên tắc nhất quán của họ là vậy.
Nên lúc họ từ Hải phủ sóng vai bước ra, lòng đều trầm trọng, không nhướng mày lên nổi.
Vì họ nhận ra thần sắc Hải Thác Sơn có điểm bất an.
Dáng vẻ đó rõ ràng tâm sự trùng trùng, trong lòng giằng xé nhưng miễn cưỡng diễn trò, rặn cười cho phải phép.
Hải Thác Sơn có bá lực, cách dùng người cũng có bá lực nhưng vẫn còn chưa đủ linh hoạt, nói về che giấu thần sắc, diễn kịch như những lão hồ ly quan trường làm gì đến lượt lão.
"Huynh thấy thế nào?". Vừa ra khỏi Hải phủ, Hách Liên Xuân Thủy hỏi Thiết Thủ ngay.
Thông thường câu hỏi này được thốt ra khi "việc được hỏi" đã rồi.
Thiết Thủ cười: "Không cao hứng lắm".
Hách Liên Xuân Thủy lấy làm kỳ lạ: "Huynh?".
Thiết Thủ thấp giọng: "Người đó không thích thân phận của chúng ta".
Hách Liên Xuân Thủy vội hỏi: "Hải thần tẩu?".
Thiết Thủ trầm giọng: "Ba tam gia tử".
Hách Liên Xuân Thủy "à" lên một tiếng.
Thiết Thủ nói: "Đệ không thấy ông ta đứng cạnh, dù mỉm cười hay nói mấy lời khách khí, trong mắt lộ rõ thần tình không cao hứng sao?".
Hách Liên Xuân Thủy đáp: "Đệ không chú ý".
Thiết Thủ lại nói: "Họ không cao hứng cũng hợp lý, mấy trăm 'đào phạm' ở riết nửa tháng, họ lo lắng, lại phải xuất tiền xuất lực, không lý gì không bực mình".
Hách Liên Xuân Thủy bảo: "Đệ chỉ lưu ý một người".
Thiết Thủ hỏi: "Ai?".
Hách Liên Xuân Thủy đáp: "Ngô nhị gia".
Thiết Thủ thắc mắc: "Ông ta?".
Hách Liên Xuân Thủy đáp: "Người chân chính sốt sắng với chúng ta là ông ta, rõ ràng có vẻ như ông ta đang làm một việc nên làm, không hề phiền hà". Y mỉm cười: "Có lẽ mình đệ không nhận ra".
Thiết Thủ nói: "Ta cũng không nhận ra".
Hách Liên Xuân Thủy nói đùa: "Chúng ta cùng không nhận ra có khi lại là hảo sự".
Thiết Thủ mỉm cười: "Một người nhìn rõ mọi việc có khi lại không phải chuyện gì hay ho".
Hách Liên Xuân Thủy ngẫm nghĩ: "Chí ít, bản thân người đó cũng không dễ đạt đến khoái lạc".
Thiết Thủ chêm vào: "Người biết nhiều quá cũng thế".
Hai người trò chuyện trên đường rời Hải phủ, ra đến đại môn, định nhảy lên ngựa chợt thấy một chiếc kiệu dừng lại.
Chỉ thấy quản sự cùng gia đinh đứng ngoài đều tiến lên hớn hở: "Đại lão gia về rồi".
"Mau bẩm cáo lão gia".
"Vâng".
Thiết Thủ và Hách Liên Xuân Thủy biết lão đại Lưu Đan Vân trong Thiên Khí Tứ Tẩu đã về, định lên chào hỏi nhưng rèm kiệu mới vén lên một nửa liền dừng lại.
Người trong kiệu chỉ thò nửa người ra, để lộ tà áo xám bạc chạm gối, châm đi giày da. Thiết Thủ sửng sốt, người trong kiệu buông tay, "vụt", rèm kiệu lại rơi xuống.
Người trong kiệu trầm giọng: "Khiêng vào".
Kiệu phu hơi ngạc nhiên nhưng vẫn nghe lệnh khiêng vào trong.
Khiêng kiệu vào phủ vốn là việc không tầm thường, hà huống trên kiệu là nam nhân, không phải nữ quyến.
Không chỉ các gia đinh nhìn nhau, không hiểu đại lão gia vì sao lại nổi giận, cả Hách Liên Xuân Thủy và Thiết Thủ cũng kinh ngạc, đành đi luôn.
Kỳ thật, cả Hải Thác Sơn và Ba Tam Kỳ vội vàng ra đón cũng chỉ thấy chiếc kiệu vào thẳng, cả hai đều mù tịt, không hiểu lão đại có ý gì?
Dụng ý của Lưu Đan Vân rất đơn giản.
Lão đang giận.
Lão gần như chụp cứng Ba Tam Kỳ, quát vang: "Các ngươi có óc không hả? Lại dám oa tàng yếu phạm của triều đình?".
Lão không dám chạm vào Hải Thác Sơn, luận tuổi tác, lão là lão đại nhưng võ công lại không bằng lão tứ, quyền thế càng không sánh được.
Vì thế lão tham gia chiến dịch vây bắt Thanh Thiên Trại.
Trong võ lâm, địa vị không bằng người; ở Hải phủ, thực lực cũng kém hơn, lão đành kiếm chút quân công để khiến người ta phải ngưỡng vọng.
Không ngờ "đào phạm" mình và quân đội trăm cay ngàn đắng không tìm được lại có hai tên xuất hiện tại sào huyệt.
Lưu Đan Vân gần như phát điên.
Lão tuy không muốn kém người, cũng không nhẫn tâm thấy ba lão huynh đệ kết nghĩa nhiều năm bị hủy hết thành quả vất vả gây dựng, trở thành "tội phạm".
Ba Tam Kỳ hoảng sợ luống cuống chân tay: "Không phải đệ, là ý của Ngô lão nhị và tứ đệ".
Lưu Đan Vân quay sang hỏi Hải Thác Sơn: "Lão tứ, thật là ý của đệ?".
Hải Thác Sơn thở dài: "Đệ cũng bị bức bách, đại ca buông tay rồi tính".
Lưu Đan Vân đành nghe lời, buông tay ra, mắng Ba Tam Kỳ: "Ngươi chẳng được tích sự gì, ta mới đi có nửa tháng, ngươi không giúp rập gì cho tứ đệ thì chớ lại gây ra việc khiến cả phủ có thể bị chém".
Ba Tam Kỳ xanh lét mặt mày, nhăn nhó phân biện: "Đệ có khuyên nhưng nhị ca một lòng chủ trương giữ mấy kẻ đó".
Lưu Đan Vân giận cành hông: "Hừ, lão nhị, lão nhị biết cái gì".
Hải Thác Sơn thấy Lưu Đan Vân kích động như vậy bèn hỏi dò: "Vụ án này xôn xao lắm sao? Có thể yên được không?".
Lưu Đan Vân giậm chân: "Lão tứ, mấy hôm nay không ra ngoài nên đệ không biết vụ án động trời này, bọn chúng rước đại họa, cả đời không rũ nổi".
Hải Thác Sơn kinh ngạc: "Vậy lúc trước, quan nha hạ hịch muốn chúng ta đi đánh phỉ, lẽ nào...".
Lưu Đan Vân đáp: "Để diệt Nam Trại!".
Hải Thác Sơn giật nảy mình: "Huynh động thủ với họ?".
Lưu Đan Vân nói: "Cả họ Thiết đó ta cũng từng đấu rồi".
Hải Thác Sơn hỏi: "Lúc huynh vào có gặp họ không?". Câu này thập phần ngưng trọng, Lưu Đan Vân từng giao thủ với Thiết Thủ, vạn nhất bọn hắn cảnh giác, không kể gì đạo nghĩa mà phản đòn trước, Hải phủ sẽ không kịp bố phòng, mà có muốn cũng không kịp.
Lưu Đan Vân đáp: "Đương nhiên không, vì thế ta mới ngồi kiệu đi vào".
Hải Thác Sơn thở dài: "Cũng còn may".
Lưu Đan Vân nói: "Nhưng đại hoạn chưa trừ ngày nào quyết không yên thân, nếu thay Phó tướng gia trừ khử đại hoạn, sau này sẽ có thăng tiến".
Hải Thác Sơn do dự: "Nhưng Hách Liên tướng quân đãi chúng ta không bạc".
Ba Tam Kỳ vội hùa với Lưu Đan Vân: "Nhưng càng không thể đắc tội với Phó tướng gia".
Hải Thác Sơn ngần ngừ: "Có điều đệ tử Thiết nhị gia của Gia Cát tiên sinh đến giúp họ, chúng ta làm thế không phải đối địch với Gia Cát sao?".
Lưu Đan Vân khuyên: "Gia Cát tiên sinh đã thất thế, không có thực quyền, bồ tát đất qua sông, tự thân không giữ nổi, Thiết Du Hạ đang bị triều đình truy bắt, đương nhiên chúng ta không cần lo".
Hải Thác Sơn nói: "Nhưng...".
Lưu Đan Vân trầm giọng: "Còn nhưng gì nữa? Còn do dự chỉ sợ quan bình liệt chúng ta vào danh sách truy bắt, lúc đó không giữ được mạng nữa đâu".
Trong mắt Hải Thác Sơn nhuệ khí sáng lên: "Được...".
Chợt một người quát vang: "Không được".
Người đến theo tiếng thét: "Theo đạo nghĩa, chúng ta không thể nhân lúc người ta gặp nguy mà làm chuyện bất nghĩa".